KÝ ỨC MÙA THI
ĐỖ NGỌC THẠCH
Nói đến chuyện thi cử của thời học sinh, đối với tôi không có gì đặc biệt bởi với bất kỳ ở cấp học nào và với bất cứ hình thức thi cử nào, tôi cũng đều đi qua một cách nhẹ nhàng, hoặc nói theo kiểu so sánh thì nó đều dễ như ăn kẹo! Và thú thật, không hiểu sao, tôi chưa bao giờ chú ý săn đón, dò tìm xem trong những kỳ thi cử ấy mình được bao nhiêu điểm như các bạn cùng học khác. Lúc mới phát hiện ra điều này, tôi cứ nghĩ đó là do mình có máu lãng tử, bất cần đời, không coi cái gì là quan trọng cả. Song, một người bạn vong niên của tôi là Bác sĩ Thần kinh có bằng cấp rất cao thì lại nói: “Đó là do cậu điếc không sợ súng, mù không sợ chói… Nói tóm lại, cậu là một cá tính chưa hoàn chỉnh.Ví dụ, người ta phải đấu tranh, giành giật rất dữ dội cho mọi thứ quyền lợi của mình, còn cậu lại ngại chen lấn, xô đẩy! Hoặc người ta phải chạy đua từng giây từng phút để giành được trái tim người đẹp và quyết tử để bảo vệ tình yêu, còn cậu thì chỉ biết xây mộng tưởng trên những sợi tóc người đẹp để rơi hoặc mùi hương người đẹp còn vương lại! Khi có được người yêu rồi, có kẻ tham lam muốn chiếm đoạt thì cậu lại không những không “giữ thành” mà còn “dâng thành cho giặc”! Còn nữa, người ta phải có kế hoạch, chiến lược cho con đường thăng tiến của mình, còn cậu thì cứ bình chân như vại, đi một bước tính một bước như người mộng du!”. Tôi cho đó là đúng nên cứ mặc kệ xem sao, với lại mình làm sao mà chỉnh sửa lại được nữa? Tôi không nuối tiếc vì đã bỏ qua những cơ hội ngàn vàng và thấy nhẹ người khi có cảm giác như mình đã đứng ngoài mọi sự sám dỗ, mọi dục vọng. Tuy nhiên, Tạo hóa lại không buông tha khi cứ bắt tôi phải can dự vào những số phận nghiệt ngã, khiến tôi tiến thoái lưỡng nan. Chẳng hạn như lần tôi đi coi thi Đại học vào một mùa thi khá nóng như mùa thi năm 2010 này!
Những ngày từ giữa tháng năm trời thường xuyên nóng tới 37-38 độ C và vào những ngày đầu tháng 6 năm 2010 này, Nha Khí tượng còn dự báo sẽ tới 40 độ C và có thể hơn! Đã nóng lại bị cúp điện bất tử!... Song, bất chấp mọi trở ngại của thời tiết, dường như cả xã hội đang “Nóng” lên cùng mùa thi! Còn với tôi, mỗi khi mùa thi đến, tôi lại như đi ngược thời gian để về với mùa thi năm 1973, khi tôi còn đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tôi cũng không hiểu tại sao mấy người sinh viên chúng tôi lại được điều vào tận Huyện Q ở tận Nghệ An để coi thi đại học tại một điểm thi là một trường Huyện. Thời tôi còn trẻ (và phải cho tới ngoài 50 tuổi), dù đi đâu, làm gì, khi nhận được lệnh của cấp trên là tôi chấp hành ngay mà không cần biết lý do cũng như mục đích này nọ. Cái đặc điểm này ở con người tôi có lẽ là do tôi phải sống trong nếp sống quân sự ngay từ trong bụng mẹ và lớn lên lại nhập ngũ, phải thuộc Mười lời thề quân nhân, mà Lời thề thứ Hai có ý phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, phải thực hiện mệnh lệnh đó nhanh chóng và chính xác! Vì thế, tôi bao giờ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chính cái sự “Làm tốt” đó đã khiến tôi phải ân hận suốt đời. Lần coi thi này có chuyện như thế.
Như chúng ta đều biết, người coi thi có nhiệm vụ duy nhất là không để thí sinh vi phạm những qui chế của thi cử, thi cử phải nghiêm túc! Từ khi còn ngồi trên tàu hỏa từ Hà Nội vào Thành phố Vinh (Nghệ An), chúng tôi đều nghĩ chuyện thi cử này sẽ trôi qua tốt đẹp, chẳng có gì phải lo nghĩ và chuyến đi này của chúng tôi sẽ chỉ là một chuyến du lịch thú vị khi được đến một huyện ven biển của tỉnh Nghệ An thơ mộng: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ… Song, những gì diễn ra trong ba ngày coi thi ở vùng duyên hải này không hề bình yên!
Trước ngày coi thi, tôi và người bạn tên Minh ăn cơm chiều xong thì đi dạo ra bờ biển. Ra khỏi làng một đoạn khoảng một trăm mét thì tới rừng phi lao vừa dài vừa rộng, gió thổi rì rào tạo nên những chuỗi âm thanh bất tận. Anh chàng Minh là người rất đa tình, cứ nói hoài cái câu “Lẩy Kiều” này: “Trước sau nào thấy bóng người / Phi lao năm ngoái còn cười gió đông”. Tôi bảo: “Dân ở đây thưa thớt thì làm gì có người! Đừng có nghĩ đây là hàng phi lao ở sau khu ký túc xá!”.Nhưng, tôi vừa dứt lời thì có hai cô gái bất ngờ xuất hiện, chỉ cách chúng tôi khoảng chục mét, cứ như là hai cây phi lao tu luyện thành tinh đã hóa thành! Vừa nhìn thấy hai cô gái, Minh vừa cười vừa nói: “Ai bảo không có người? Đây không phải là Tiên nữ giáng trần thì là Hồ ly hay sao? Là ai thì cũng tốt!”. Nói rồi Minh đi tới bên hai cô gái, nhanh như gió!
Chỉ sau khoảng năm phút, anh chàng Minh đa tình kia đã biến mất cùng một cô gái, trước khi biến mất còn quay lại nháy mắt ra hiệu cho tôi, ý nói: nhào dô! Cô gái còn lại cứ đứng bên gốc phi lao nhìn tôi có vẻ ngượng ngùng, có vẻ như muốn nói gì mà khó nói! Chốc chốc cô gái lại gạt những sợi tóc bay lòa xòa trên mặt, để lộ rõ một khuôn mặt trái xoan, hơi buồn nhưng đôi mắt sáng lấp lánh. Thấy vậy, tôi lại gần và hỏi: “Cô muốn nói gì thì cứ nói đi! Ở đây không có ai đâu mà phải mắc cỡ!”. Tôi nói vậy chứ thực ra cũng thoáng lo sợ với ý nghĩ: Nếu cô gái này là cây phi lao thành tinh thì tôi biết làm sao? Nghĩ vậy bởi tôi đã nghe câu chuyện về một anh chàng thư sinh bị một yêu tinh phi lao trêu ghẹo đến nỗi cứ ôm lấy cây phi lao mà hôn, máu mê đầy mặt mà không hồi tỉnh! Cô gái thấy tôi nói xong thì cứ đứng yên vẻ nghi ngại thì bật khóc! Lúc đầu thì khóc thút thít, sau thì to dần như là đứa trẻ bị đánh đòn! Thấy cô gái khóc như vậy, tôi phát hoảng, tính bỏ chạy thì như là biết được suy nghĩ của tôi, cô gái thôi khóc và chạy ào tới bên tôi, nắm chặt lấy cánh tay tôi và nói: “Anh đừng bỏ đi! Hãy nghe em nói, hãy cứu giúp đứa con gái tội nghiệp là em đây! Em xin anh, em xin anh hãy cứu em!”. Cô gái quỳ xuống bãi cát, định cúi lạy van xin như trong phim người ta vẫn hay làm. Không hiểu sao tôi lại thoáng nghĩ, hay là cô gái đang diễn tuồng cải lương gì đây? Song tôi gạt bỏ ngay ý nghĩ đó và khẳng định hẳn là cô gái đang gặp sự biến gì đó cần có người cứu giúp. Tôi liền kéo tay cô gái lên và nói: “Cô đứng lên rồi nói đi đã, cô đang gặp chuyện gì?”. Cô gái không đứng lên mà lại khóc, vừa nói vừa khóc: “Anh mà không giúp em thì em sẽ chết!”. Nghe thấy chữ “Chết” tôi giật mình và nói to: “Chết là chết thế nào? Không nói rõ mà cứ khóc lóc thế thì tôi biết giúp thế nào?”. Cô gái liền đứng lên và nói: “Anh đồng ý giúp em rồi phải không? Vậy thì em sẽ nói rõ cho anh nghe!”. Rồi cô gái lấy vạt áo lau khô nước mắt và nói: “Kỳ thi này mà em thi trượt thì bố em bắt em làm vợ ông chủ tịch xã để gán nợ. Ông chủ tịch xã đó khỏe và dữ như trâu điên, ba người vợ trước đã chết thê thảm ngay trên giường ông ta! (...) Em sợ lắm!...Nếu anh không làm bài giúp em thì em sẽ trượt!”. Tôi chưa hết ngạc nhiên về cái ông chủ tịch xã có tướng sát vợ kia thì lại ngạc nhiên về cái sự nhờ làm bài thi hộ “thẳng thắn” như thế của cô gái! Tôi nói ngay: “Tôi đi coi thi mà lại làm bài thi hộ thì đâu có được! Cô nhờ ai đi, tôi sẽ làm ngơ mà không bắt thì được chứ tôi không thể phạm tội trắng trợn như thế được!”. Cô gái thôi hẳn thổn thức, nói nhỏ mà rất rõ ràng, mạch lạc: “Em đã hỏi kỹ về anh mới dám nhờ. Anh có thể làm cả Toán, cả Văn. Em còn biết thời anh còn đi học, các kỳ thi anh chỉ làm hết nửa thời gian! Anh chỉ nhón tay là cứu được cả đời em, em xin anh!...Em sẽ đội ơn anh suốt đời!”. Tôi vụt nhớ đến câu “Biết luật mà phạm luật” thì sẽ bị xử tội rất nặng, rồi chuyện thời xưa cái ông nhà thơ bậc thánh Cao Bá Quát suýt bị chặt đầu vì sửa bài cho sĩ tử! Tôi liền nói lại câu vừa nói: “Cô đi nhờ người khác, tôi sẽ làm ngơ thì được chứ nhất định không thể biết luật mà phạm luật!”. Cô gái bỗng ôm chặt lấy tôi mà khóc nức nở, nước mắt cô gái ướt sũng cả ngực áo tôi! Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà lúc đó lòng tôi lại “sắt đá” như thế: tôi nhẹ nhàng gỡ tay cô bé ra và đi nhanh ra khỏi vạt rừng phi lao đang vặn mình trong gió…
Sáng hôm sau, khi điểm danh thí sinh, phòng thi của tôi thiếu những năm người, trong đó có tới bốn nữ. Vì chưa kịp biết tên cô gái ở vạt rừng phi lao tối hôm trước nên tôi cũng không biết trong bốn nữ sinh bỏ thi có cô gái đó không? Nhưng tôi còn nhớ rất rõ khuôn mặt của cô gái nên đi dạo hết các phòng thi để tìm xem có cô gái ðó không nhýng cũng không thấy! Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định cô gái đó là một trong bốn cái tên đã bỏ thi ở phòng thi của tôi! Tự nhiên, một cảm giác buồn và trống rỗng chế ngự trị trong tôi suốt mấy ngày coi thi, khiến tôi chẳng thiết quan sát phòng thi cũng như nhắc nhở những thí sinh chép bài của bạn hoặc chép tài liệu lộ liễu! Cứ mỗi khi nhắm mắt lại, khuôn mặt đẫm lệ của cô bé lại hiện ra trước mặt! Tôi chỉ biết cầu cho cô bé đừng gặp điều gì tệ hại, hoặc lại cầu cho ông bố của cô gái bỏ ý định bắt con gái lấy cái ông chủ tịch xã có tướng sát thê, rồi tôi lại cầu cho ông chủ tịch xã kia bỗng nhiên bị tai nạn cọc đâm vào “hạ bộ” không lấy vợ được nữa!...
Hết nhiệm vụ coi thi, anh bạn tên Minh đó quê ở thị trấn Đô Lương nên có xin phép đoàn công tác tranh thủ về quê vài ngày, thầy giáo phụ trách đồng ý ngay. Vì thời gian ở bộ đội, tôi cũng đóng quân ở Đô Lương khá lâu nên Minh rủ tôi đi cùng cho có bạn đường, tôi đồng ý ngay. Khi tới nhà Minh, cơm no rượu say rồi Minh mới nói: “Sao ông anh “máu lạnh” thế? Người ta sắp chết mới nhờ cứu giúp mà lại từ chối? Từ chối cả tấm thân kỳ diệu mà Tạo hóa đã ban cho Trinh nữ thì không thể hiểu được?”. Tôi còn biết nói gì mà chỉ cảm thấy ân hận, bèn hỏi: “Có phải cô bé đã bỏ thi phải không?”. Minh nói ngay: “Thi cử cái gì nữa! Ngay hôm sau đã phải làm vợ thằng cha trâu điên ấy rồi!”. Tôi lặng người đi và có cảm giác như chính mình bị con trâu điên ấy húc vào ngực và hất tung lên trời!...
Thị trấn Đô Lương của anh bạn Minh là vùng đồi đất đỏ liên hoàn gần giống như mấy huyện của tỉnh Sơn Tây ngoài Bắc, cũng là nơi đơn vị Ra-đa của chúng tôi đóng quân lâu vì có thể tận dụng điểm cao là các đỉnh đồi để đặt máy phát sóng. Tôi có trở về mấy nơi đã từng đóng quân nhưng không gặp “người quen” nào cả vì người thì đi lấy chồng, người thì đi học, người thì đã hy sinh, v.v…Thì ra tất cả những gì tôi đã tưởng tượng ra, cầu mong nó như thế như thế đều là ngược lại, thật phũ phàng, thật nghiệt ngã và cũng rất chân thực! Tuy nhiên, vẫn có một cô gái tên Tâm nhờ tôi chuyển lá thư và đồ vật kỷ niệm gì đó cho Trung sĩ Khang vốn là Tiểu đội trưởng cũ của tôi, hiện là sĩ quan ở Bộ Tư lệnh Ra-đa, đang đóng quân ở hà Nội. Cô Tâm này vẫn hy vọng anh chàng Khang kia quay về Đô Lương đón cô lên xe hoa!...
Ở nhà Minh chơi được hai ngày thì tôi nói với Minh: “Cái đất Đô Lương này toàn đồi núi nên có vẻ nóng hơn vùng duyên hải. Hay là tớ đi xuống mấy huyện Nghi Lộc, Diễn Châu chơi và thăm lại mấy nơi đóng quân ngày xưa… Ba ngày nữa ta sẽ hẹn gặp nhau ở Ga Vinh rồi cùng về Hà Nội!”. Minh đồng ý ngay và còn nói nửa đùa nửa thật: “Nhớ đến thăm mộ cô gái ở rừng phi lao nhé!”. Tôi định nói câu gì đó đại loại như cô bé ấy không thể chết dễ dàng như thế được, hoặc người chết phải là thằng chồng đã hại chết ba đời vợ mới là lẽ công bằng…song lại nghĩ: mình có nói gì thì cũng vô nghĩa vì sự việc tốt hay xấu thì đã xảy ra rồi. Nghĩ thế tôi vội vàng ra đường cái vẫy ô tô đi nhờ về chỗ coi thi…
Thật may cho tôi là có một xe “Din ba cầu” của một đơn vị Ra-đa cũng đang đóng quân ở Đô Lương có nhiệm vụ chạy về Thành phố Vinh cho tôi đi nhờ. Đơn vị Ra-đa này là đơn vị mới được thành lập, nhưng khi nói chuyện với người lái xe thì anh ta đều quen biết mấy người lái xe ở đơn vị cũ của tôi, thậm chí có người còn rất thân. Tức tôi đã gặp được “Bạn của bạn” thì cũng là bạn. Thế là anh bạn lái xe đưa tôi về tận sân trường nơi tôi đã coi thi mấy ngày trước!...
Sân trường ngày nào đông vui tấp nập ríu rít tiếng học trò giờ sao mà vắng lặng đến rợn người. Tôi cũng không thể biết được một cách rõ ràng tâm trạng của mình lúc đó ra sao mà có lúc tưởng như không biết mình đến đây làm gì? Và rất có thể tôi sẽ rơi vào tình trạng “mất trí nhớ” đó nếu như cô gái tôi đã gặp ở vạt rừng phi lao mà sau đó “biến mất” cùng anh bạn Minh, bỗng đột ngột xuất hiện ngay trước mặt tôi! Tôi nhận ra ngay và vội hỏi: “Cô bé bạn của cô đâu rồi?”. Cô gái nói nhỏ nhưng rất rõ: “Con Nụ thật đáng thương! Đáng lẽ nó không chết nếu anh chịu giúp nó! Nhưng cuối cùng thì…Nó chết rồi! Sau khi cưới năm ngày thì nó chết, chết thảm ngay trên giường ngủ của chồng nó!...Bây giờ anh muốn gặp thì tôi dẫn ra mộ nó! Trước khi chết một ngày, nó bảo muốn tìm gặp anh, nhưng tôi bảo thà chết còn hơn là nhờ anh! Có lẽ nó đã chuẩn bị đi tìm anh nhưng rồi lại nghe theo lời tôi!...”. Cô gái còn nói gì nữa, hình như là hơi nhiều, trên suốt quãng đường dẫn tôi ra thăm mộ cô gái tên Nụ…
Tôi cứ nghĩ là mộ của Nụ ở nghĩa trang của xã nhưng tôi sững sờ, bàng hoàng khi cô bạn của Nụ dẫn tôi tới vạt rừng phi lao đó, và nấm mộ của Nụ rất đơn sơ, cỏ mới mọc xanh còn xen lẫn cỏ úa, đặt đúng nơi tôi đã gặp Nụ buổi tối trước ngày thi Đại học đó, đúng nơi mà Nụ đã hết lời nhờ tôi cứu giúp nhưng tôi đã không giúp gì cả! Tôi nhìn nấm mộ Nụ một lúc thì cứ như là phim thần thoại, lớp đất có cỏ ở trên nấm mộ biến mất, và trên bãi cát bên những cây phi lao, Nụ đang nằm khóc tức tưởi!...
Sài Gòn, cuối tháng 5-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: newvietart.com
newvietart.com/DONGOCTHACH_saigon.html
Sinh ngày 19-5-1948, tại Phú Thọ. Năm l966 vào học tại Khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp HàNội. Từ 12-1966 đến l0-1970 nhập ngũ trong bộ đội Ra-đa.
www.vanchuongviet.org/index.php%3Fcomp%3Dtacgia%26actio...
Đỗ Ngọc Thạch ... Kiếm sống (truyện ngắn). Kiếm Sống 2 (truyện ngắn). Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn). Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn). Làng nói trạng (truyện ngắn) ...
nhavantphcm.com.vn/d%25E1%25BB%2597-ngoc-thach-nha-van-...
Nhà văn Đỗ Ngọc Thạch sinh ngày 19 tháng 5 năm 1948, quê quán ở Phú Thọ. Ông đã tham gia quân đội từ 1966 đến 1970. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ...
rất ấn tượng...
Trả lờiXóa