Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Bà chủ quán...; Chuyện một nhà báo - Đỗ Ngọc Thạch

Bà chủ quán và Cô nhà báo tập sự

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Thị xã này cũng như bao thị xã tỉnh lẻ khác, có một quán nước trà nhỏ nép mình dưới một bóng cây đa cổ thụ bên con đường ra bến xe liên tỉnh. Chủ quán nước trà là một người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu, ngoài sáu mươi tuổi. Bà thường ngồi lỳ trên ghế, sau cái bàn lớn bày đủ thứ hoa quả, bánh trái.

Một buổi chiều, trời bỗng tối sầm và một cơn mưa bất chợp ập tới. Hai người khách, một nam, một nữ, còn trẻ, bỗng chạy ào vào quán. Người thanh niên nói :

- Hay quá ! Trời lại đổ cơn mưa đúng lúc chúng mình đi ngang cái quán này, bây giờ thì tha hồ mà ngồi nói chuyện !...

Người con gái :

- Nhưng thế này thì chúng mình không đến nhà đối tượng cần gặp được mất ! Bây giờ đã bốn giờ rồi, tạnh mưa thì tối !...

- Trời ơi, em cứ hay lo bò trắng răng ! Mọi việc coi như đã xong, mọi tư liệu về nhân vật ấy anh đã lấy đầy đủ ở phòng Lao động- thương binh xã hội. Gặp được nhân vật ấy thì tốt, còn nếu không gặp được cũng không sao. Anh sẽ giúp em “hư cấu” thật sinh động như là đã ngồi nói chuyện hẳn hoi !

- Nhưng em vẫn thấy cần phải gặp trực tiếp thì bài viết mới hay được. Đây là mình viết về người thật việc thật mà anh !

- Chà, em lại định lên lớp cho anh về nghiệp vụ viết nữa cơ à ? Em là phóng viên tập sự, anh là phóng viên kèm cặp, hướng dẫn em hay là ngược lại ?

- Em đâu dám…Nhưng em có linh cảm là nếu gặp được nhân vật ấy thì sẽ có rất nhiều điều bất ngờ…

- Thôi em ơi, đời làm phóng viên còn nhiều cái bất ngờ đến ly kỳ rùng rợn ấy chứ. Còn mấy cái bài viết về các bà mẹ anh hùng này là nhiệm vụ chính trị. Kìa, em thích ăn uống cái gì thì “tùy nghi di tản”, đi với anh thì cứ xả láng…À, để anh xem cái phong bì ban sáng có đậm đà không ?

Trời đã mưa lớn, nước đổ rào rào từ trên bầu trời đen kịt không biết đến bao giờ mới hết. Người thanh niên mở cái cặp đen căng phồng lấy ra một cái phong bì. Đúng lúc đó, có hai thanh niên ướt như chuột lột từ ngoài chạy ào vào. Cả hai người này đều cởi phăng áo ra lau mặt rồi vứt ra ngoài, để lộ hai thân hình đen nhẫy và đầy những vết xăm quái dị ngoằn ngoèo. Một thằng nhìn chằm chằm vào cái phong bì của người thanh niên vào trước và tiến lại, ngồi sát cạnh rồi nói :

- Đúng là chết đuối vớ được cọc !...Báo cáo ông anh, chúng em hai ngày nay chưa có cái gì vào bụng, xin ông anh chi viện cho chút đỉnh !

Vừa nói dứt lời, hắn đã nhanh tay giật phắt cái phong bì đồng thời tay kia rút trong túi quần ra một lưỡi dao sáng lóe. Người thanh niên bàng hoàng ngồi bất động không biết phản ứng ra sao. Trong khi đó, thằng thứ hai ngồi sát xuống cô gái vừa quàng tay ôm choàng lấy vừa nói :

- Cô em xinh đẹp ơi, anh lạnh quá cho anh mượn cái áo được chăng ? Yêu nhau cởi áo cho nhau đi !...

Thằng này vừa đưa tay kia ra bóp vào ngực cô gái thì nhanh như chớp, bà chủ quán rút trong gầm bàn ra một thanh tre dài gần một mét, xỉa vào thằng này một cái khiến hắn đổ kềnh ra nằm bất tỉnh. Thằng kia thấy vậy thì vừa bật dậy vừa la lớn :

- Điểm huyệt đặc công !...

Hắn định bỏ chạy thì bà chủ quán hét lên một tiếng cực lớn như Trương Phi ở cầu Tràng Bản khiến hắn đứng như trời trồng. Bà chủ quán lừ mắt nhìn hắn và nói :

- Chúng mày ở đâu mà dám tới đây làm loạn hả ?

Thằng kia bỗng sụp xuống đất lạy như tế sao…Bà chủ quán lại nói :

- Chúng mày khôn hồn thì về làm ăn lương thiện. Nếu còn giở trò trấn lột mất dạy ra, ta sẽ cho chúng mày nằm luôn !

- Dạ…Chúng con chót dại lần đầu, xin mẹ tha tội, con sẽ không bao giờ làm bậy nữa ạ…

Nó lại van lạy rối rít .

Bà chủ lại nói :

- Cõng thằng bạn mày về rồi bóp thuốc cho nó trong ba ngày…như thế để chúng mày có thời gian mà ăn năn hối cải !

Khi hai thằng trấn lột đã cõng nhau ra khỏi quán, người thanh niên và cô gái vẫn còn bàng hoàng, ngơ ngác như là không hiểu chuyện gì đã xảy ra !...Chợt nhìn thấy cái phong bì còn ở trên bàn, người thanh niên vồ lấy và đút nhanh vào túi. Đoạn anh ta nói với cô gái :

- Thôi ta về đi em !... Đúng là ra ngõ gặp gái, sao hôm nay xúi quẩy thế ! Biết thế này thì đi nhậu với bên công ty du lịch có phải hơn không !...Đi về đi em !...

Người con gái nhìn chằm chằm vào người thanh niên rồi bỗng ôm mặt khóc nức nở. Người thanh niên thấy vậy thì thoáng ngạc nhiên rồi đặt tay lên vai vỗ về :

- Đừng khóc nữa em !... Biết làm thế nào được khi xã hội không bao giờ hết những thằng lưu manh trấn lột !... Về đi em …

Người con gái bỗng nín bặt, gạt phắt tay người con trai ra và đứng bật dậy, nói liền một mạch :

- Anh đi đi ! Tôi không ngờ anh lại hèn mạt như thế ! Anh nói thì như thần như thánh nhưng khi đụng chuyện thì anh chỉ là một con thỏ đế ! Tôi không cần anh phải hướng dẫn, kèm cặp gì cả. Anh không đủ tư cách để hướng dẫn kèm cặp tôi, tự tôi khắc làm được những công việc của mình !

Người con trai trố mắt nhìn người con gái rồi cười gằn :

- À … thì ra cô là như thế ? Cô phản thùng tôi à ? Cô quên rằng tôi là người giới thiệu cô về cơ quan, là người bảo lãnh cho cô à ?

- Tôi không cần anh bảo lãnh ! - Người con gái hét lên – Anh đi đi ! Tôi không muốn nhìn thấy cái mặt anh nữa !

Nói rồi, con gái ngồi thụp xuống và ôm mặt khóc nấc. Trời vẫn mưa rào rào. Người con trai lẩm bẩm cái gì đó rồi ra đứng ngoài cửa quán, tay chống nạnh, nhìn trời. Bà chủ quán bỗng nói :

- Anh hãy đi ra ngay khỏi quán nước của tôi !

Người con trai giật mình quay lại nhìn bà chủ quán, bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của bà thì người bỗng run lên và lật đật lao ra ngoài trời mưa…

Bà chủ quán rót chén nước trà nóng đưa cho người con gái :

- Con uống đi cho ấm bụng !

Người con gái như bừng tỉnh, nhận lấy chén nước và uống một hơi rồi cứ nhìn bà chủ quán như bị thôi miên. Bà chủ quán nói :

- Con là nhà báo à ?

- Dạ…con mới đang tập sự làm nhà báo… Má cho con hỏi đường về phường Thắng Lợi. Con muốn gặp bà mẹ Hậu có hai con là liệt sĩ và bản thân bà cũng là dũng sĩ diệt Mỹ thời chiến tranh . Bà còn là thương binh nữa.

- Phường Thắng Lợi thì gần đây thôi. Nhưng con tính gặp bà Hậu để viết cái gì ?

- Con sẽ viết về cuộc đời của bà Hậu : rất anh hùng nhưng cũng đầy thương đau …

- Nhưng đang mưa thế này đi làm sao được ?

- Mưa con cũng đi, con phải gặp bà Hậu bằng được !

- Nhưng bây giờ chắc bà Hậu không có nhà đâu. Con cứ ngồi đây chơi, ăn uống gì đi …

- Con sẽ đến nhà bà Hậu ngồi đợi…Má chỉ đường cho con tới nhà bà Hậu đi, má !

Bà chủ quán im lặng, âu yếm nhìn cô gái. Cô gái lại giục bà chỉ đường. Bà chủ quán bỗng lặng người đi giây lát, trên gò má bà lăn xuống những giọt nước mắt nóng bỏng…Cô gái thấy vậy thì ngồi sát lại và ôm chầm lấy bà, lo lắng hỏi :

- Kìa, má làm sao vậy ? Làm sao má lại khóc ?

Bà ôm lấy cô gái, nhẹ vuốt tóc cô, rờ má cô rồi nâng cằm cô lên, nhìn đắm đuối vào mắt cô mà nghẹn ngào nói :

- Con gái của má lúc còn sống nó cũng giống con lắm. Nó cũng mơ ước trở thành nhà báo…Nhìn thấy con, má cứ ngỡ là nó sống lại trở về với má !...Má chính là má Hậu đây !

Cô gái nghe nói vậy thì bàng hoàng xúc động, cô ôm ghì lấy bà má không biết nói gì. Hồi lâu, cô mới nói:

- Con không ngờ bà Hậu – người Mẹ Việt Nam anh hùng lại ngồi bán quán nước bình dân như thế này!

- Thế con nghĩ là bà Hậu sẽ như thế nào?

- Con hình dung đó phải là một người oai phong lẫm liệt như một vị tướng tả xung hữu đột chốn sa trường, phải có sức mạnh phi thường khiến cho bọn giặc phải bay hồn bạt vía…và bây giờ thì ngực lấp lánh huân chương sáng chói đang đứng trên lễ đài rực rỡ cờ hoa…

- Ôi, con giống con Hiền của má ngày xưa quá ! Nó cũng nghĩ là ra trận sẽ có cờ dong trống mở như ngày xưa ấy !...

- Má ơi !...

- Cô gái định nói gì đó mà không nói thành lời, cô lại ôm ghì lấy bà, xúc động mãnh liệt. Đột nhiên, cô gái nắm chặt lấy hai tay bà, nói:

- Má ơi, con nghe các anh ở phòng thương binh xã hội nói hiện nay má ở có một mình, vậy con về ở với má nhé. Con sẽ viết báo kiếm tiên nuôi má, má không phải ngồi bán quán nước như thế này nữa !...

- Trời ơi!...Con chưa thành nhà báo mà đã tính chuyện viết báo lấy tiền nuôi má!... Thôi, đi về nhà đi, trời hết mưa rồi kìa !

- Trời đã hết mưa thật. Bầu trời bỗng sáng rực, một chiếc cầu vồng bảy sắc chợt hiện ra vắt ngang bầu trời lung linh, huyền ảo !...

Đỗ Ngọc Thạch




Chuyện một nhà báo

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Hơn hai mươi năm lăn lộn trong nghiệp chướng “viết lách” tôi đã tiếp   xúc với khá nhiều nhà báo thuộc đủ các “đẳng cấp” khác nhau, nhưng người gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là Bửu Báo. Tôi gặp B.B (từ đây, xin cứ gọi tắt Bửu Báo là B.B   cho tiện và cũng vì một lý do nữa là Bửu Báo rất   khoái khi tôi gọi thế, chỉ vì một lần đến chơi với tôi, thấy có bức ảnh nhân vật   nổi tiếng người Đức Béc-tôn   Brếch, Báo nói người này hơi giống mình và xin luôn bức ảnh đó về…)   khi tôi đang thịnh còn B.B thì đang ở vào thuở   “hàn vi”. Lúc ấy, tôi đang phụ trách công tác xuất bản và một tờ tạp chí của Sở Văn hóa thông tin một tỉnh lớn (giờ đã tách thành hai tỉnh), có thể nói cũng là “quan to” vì   nó tương đương với một nhà xuất bản và một tờ tạp chí ở một tỉnh phát triển mạnh và sớm. B.B lúc đó đang làm nhân viên của phòng văn hóa thông tin một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa,   “vùng biên ải”. Tôi vì “chán đời” mà   bỏ đất Thủ đô vân du bốn phương   nên đã gặp B.B lần đầu ở tận chốn thâm sơn cùng cốc vùng biên ải và không hiểu sao, số phận tôi lại liên quan với B.B …
Lần ấy tôi đi cùng hai nhà sưu tầm văn hóa dân gian đến huyện thì gặp B.B. Lúc đó, chúng tôi vào trụ sở của phòng văn hóa thông tin huyện thì thấy vắng tanh vắng ngắt như vào một cái miếu cổ bỏ hoang lâu ngày. Chúng tôi   tính bỏ đi bỗng nghe có tiếng rì rầm phát ra từ một căn phòng đóng cửa. Tôi tiến lại gõ cửa, khoảng năm phút sau, một   thanh niên cao to bước ra, khép hai cánh cửa   lại sau lưng. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh ta đã vồn vã nói :
-   Chào các anh !   Em là   Báo, Bửu Báo.   Phòng đã nhận được điện báo các anh sẽ tới từ ba bốn ngày. Ông   trưởng phòng bị trúng gió nằm ở nhà, giao nhiệm vụ cho em thường trực ở đây đón các anh…Mời các anh vào phòng   khách.
Khi đã an tọa trong phòng khách, tôi đưa giấy tờ cho Báo, Báo mới liếc qua liền nói :
- Em biết tên anh từ ngày anh mới chuyển về tỉnh cơ. Chả là ông bố em phụ trách công việc của các anh ở trên tỉnh mà . Em đã tính đến gặp anh để xin làm đệ tử, nhưng chưa kịp thì ổng đã đầy em tới vùng biên ải này !...
Tôi ngạc nhiên hỏi :
-   Vậy cậu là con ông cháu cha hả ?   Ông nào vậy ?
- Anh chẳng cần biết ông ấy làm gì cho mệt óc. Vả lại, theo như em biết   thì các sếp trên tỉnh không thích anh đâu. Vì tỉnh người ta yên tĩnh, đúng theo kiểu tỉnh lẻ, tự nhiên anh về làm náo động cả lên, bày ra những việc    “kiểu trung ương”   như thế, chẳng ai   quen được đâu !...
-   Thế chẳng lẽ một   cơ quan văn hóa thông tin mà suốt ngày, thậm chí suốt đêm chỉ chơi bài   “tiến lên”   và sáng xỉn chiều say ?   Đâu có được !
- Thế mà vẫn được đó anh ơi !   Ngay bây giờ nếu anh sang văn phòng ủy ban sẽ thấy cán bộ phòng em và cả các phòng khác đang tụ tập chơi bài “tiến   lên” và nhậu tới bến mới thôi ! Nhưng đó là chuyện nhỏ, kệ họ. Bây giờ ta bàn chuyện ta. Các anh đã quá bộ về tới đây, Báo này xin phục vụ từ A tới Z.   Nhưng bù lại, anh cũng phải giúp em một việc. Tính em ưa sòng phẳng, nói thẳng nói thiệt, nhất là khi em được biết anh cũng là đại lãng tử, chơi được, có đúng không ?
Không để tôi trả lời, B.B đi ra cái phòng đóng cửa lúc nãy dắt vào một người phụ nữ trên dưới ba mươi tuổi, ấn ngồi xuống ghế và nói   :
- Xin giới thiệu với các anh, đây là chị Xiu Hoa, phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã. Chị Xiu Hoa sẽ duyệt luôn kế hoạch công tác của các anh với huyện, duyệt luôn cả phí hỗ trợ các anh nếu cần, sẽ đi với các anh xuống xã. Chị   Xiu Hoa tuy là người dân tộc nhưng đã được ra thủ đô Hà Nội học nhiều thứ nên rất hiểu và nhiệt tình với công   việc của các anh !...
Chỉ sau mười phút, “kế hoạch hành động” của chúng tôi ở huyện đã được Xiu Hoa ủng hộ, hưởng ứng tối đa. Khi Xiu Hoa đưa hai nhà sưu tầm đến chỗ ăn nghỉ, B.B nói:
-   Em và anh tuy lần đầu gặp mặt nhưng em nghĩ rằng chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước
-   Cậu lém thế ? – Tôi nhìn thẳng vào B.B nói.
-   Em đâu dám lấy vải thưa che mắt thánh, múa rìu qua mắt thợ! Nhưng em xin nói hai câu này, nếu anh chịu thì ta bắt tay kết nghĩa huynh đệ, còn nếu anh thấy không đúng thì em xin tự cắt lưỡi làm thằng câm suốt đời. Thứ nhất, nhìn tướng anh, em biết anh thuộc loại đại lãng tử, vân du bốn biển không yên chốn nào. Chỉ hai năm nữa anh sẽ đi khỏi tỉnh này thôi. Và , năm năm nữa, anh sẽ gặp hạn, lúc đó người cứu   anh sẽ là…Bửu Báo này!...Nhìn thần sắc anh, em biết là anh vừa giật mình ! Có đúng không anh ?
-   Trời đất !...Cậu còn trẻ tuổi mà nói đúng như một chiêm tinh gia có tiếng ở Hà Nội đã nói với tôi trước khi tôi bỏ Hà Nội đi !...Còn câu thứ hai?
-   Câu thứ hai là tiếp nối câu thứ nhất. Năm năm nữa, chính cái lúc anh gặp hạn lại là lúc em phất to. Nếu đúng như tử vi của em thì lúc đó em sẽ làm Sếp một tờ báo, ở chốn phồn hoa đô hội hẳn hoi chứ không phải ở tỉnh lẻ như anh. Ngay bây giờ, trong đầu em đã hình dung công việc lúc đó sẽ triển khai như thế nào, và anh sẽ đảm đương phần việc nào cho em!...Nói thế, người tầm thường không hiểu sẽ cho là em bốc phét và   xấc láo với anh. Còn anh, em tin là anh cũng biết xem tướng, anh hãy nhìn tướng em và xét xem lời em nói thế nào?
-   Tớ đã quan sát rất kỹ tướng mạo cậu ngay từ khi mới gặp…
-   Nhìn ánh mắt anh là em biết anh đang “hành nghề” xem tướng người nói chuyện với mình!
-   Cậu có cái mũi cực quý, gọi là “huyền đởm tỵ”, mũi như trái mật treo, tất cuộc đời sẽ phú quý, gặp nhiều may mắn, nhiều khi không làm mà vẫn có ăn !... Cũng có thể nói mũi cậu là mũi “phục tê quán đính”, nếu như ngày xưa có thể làm tới quan thượng phẩm. Còn nếu thời nay, làm sếp một tờ báo thì cũng là thường… Kéo áo lên tớ coi cái bụng chút xíu !
B.B kéo áo lên, tức thì tôi kinh ngạc thốt lên:
-   “Tễ khả nạp quất”…Cực quý, cực quý !...Cậu tuy   đang bị đày nơi thâm sơn cùng cốc nhưng sống như đế vương. Cậu tất phải là con cháu bậc vua chúa đời xưa !
Tôi vừa dứt lời, B.B đã rút trong túi quần rộng thùng thình ra một xếp   tiền đưa tôi và nói:
-   Mặc dù em biết anh thuộc loại coi đồng tiền như cái rác nhưng đây là “nhuận bút” của những lời anh vừa nói. Còn lát nữa, em xin đãi anh một chầu bia với đặc sản núi rừng, anh sẽ nhớ đời!...Trước khi đi, em xin múa hầu anh bài quyền Ngọc Trản để anh thấy em đúng là con cháu vương tướng ngày xưa, văn võ song toàn !
  Dứt lời, B.B cởi phăng áo, múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu :
“Ngọc Trản ngân đài
Tả hữu tấn khai
Hồi thập tự
Liệng diệp liên ba
Đả sát túc…”
Trên   đường đi, B.B nói :   “Tuy hiện tại em chỉ là thằng nhân viên quèn,   nhưng bà phó chủ tịch ban nãy là bồ, còn ông phó chủ tịch thì đánh bài “tiến lên” với em chỉ cháy túi, luôn nợ em vài trăm . Cho nên, em điều khiển hai vị này không khác gì chủ tịch huyện, tức cũng xấp xỉ uy quyền vương hầu ngày xưa. Gặp anh ở đây, em nghĩ   đến chuyện Lưu Bang gặp Hàn Tín. Nhưng anh giúp em thì rất dễ dàng, chẳng vất vả khó nhọc như Hàn Tín đâu. Anh chỉ cần đăng cho em dăm bài trên tờ Tạp chí của anh, in giúp em vài cuốn sách. Còn cái bằng Đại học Báo chí thì em lấy dễ như lấy đồ trong túi. Ta phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện tối thiểu, thời cơ đến là   a   lê   hấp !
B.B còn nói cho tôi rất loằng ngoằng về   “cây gia phả”   của các vua nhà Nguyễn, nhưng tôi cũng quên luôn B.B thuộc chi nào, nhánh nào của dòng giống vua nhà Nguyễn vì các vua nhà Nguyễn lắm vợ nhiều con quá !   Tối hôm đó, B.B dẫn tôi đi uống “bia ôm”   (lúc đó, thuật ngữ bia ôm chưa phổ cập trong đời sống xã hội). Nhìn cung cách ăn chơi của B.B, tôi thầm nghĩ đúng là ăn chơi kiểu đế vương !   
*
Hai năm sau, đúng lúc tôi đang tiến hành làm ăn lớn thì gặp chuyện phiền toái về viết lách, tôi tự xin thôi việc đi một mạch về Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống giang hồ một trăm phần trăm. Ba năm đầu, phải làm thuê làm mướn đủ kiểu, kể cả làm thợ, không dính gì đến văn chương báo chí. Tuy thế, công việc cũng vừa sức và đủ tiền xài lai rai. Nhưng đến năm thứ tư đúng là   “họa vô đơn chí”, tai họa chẳng bao giờ đi riêng lẻ mà luôn có “bạn đồng nghiệp” ! Nợ nần chồng chất như chúa Chổm, tôi đã tính chuyện chết quách đi cho rồi thì bất ngờ gặp lại B.B. Hôm đó, tôi đang đạp xích lô lòng vòng quanh mấy cái nhà hàng lớn để kiếm khách thì thấy một ông khách to béo, ăn mặc theo mô-đen Việt kiều ngoắc tôi lại. Tôi cho xe cặp sát ông ta thì ông khách đã nắm chặt lấy tay tôi la lớn :
- Trời đất ơi !  Anh hùng tuyệt bút như tiên sinh mà đến nông nỗi này sao ?
-   Trời !... – Tôi cũng giật mình la lên – B.B đó à ?
Sau phút hàn huyên, tôi chở B.B về nhà B.B . Đó là một cái nhà kiểu biệt   thự, diện tích khoảng gần năm trăm mét vuông tọa lạc ở cuối một con hẻm lớn vùng ven đô…
B.B   nói   với tôi :
-    Cái nhà này là em nhờ lộc của vợ.   Em lấy vợ có tướng “ngọc đới yêu vi” cực quý, vượng phu ích tử không ai bằng ! Còn em, đang chuẩn bị nhậm chức phó Tổng biên tập cho một tờ báo ngành, thực chất là Tổng. Cái mốt bây giờ là làm báo cho các ngành mới có ăn, còn làm báo thuần văn chương như các anh ngày trước là “xưa rồi Diễm ơi!”…Nhưng em lại muốn anh làm cái việc rất xưa ấy cho tờ báo của em !
- Thế là sao?- Tôi ngạc nhiên, hỏi.
- Anh thường hay nói rằng muốn tiến lên hiện đại thì trước hết phải hiểu kỹ truyền thống đó sao? Bây giờ em nói ngắn gọn thế này: Anh đi ôm về đây cho em tất cả các loại báo chí cũ, càng cũ càng hay. Sau đó công việc của anh sẽ là “hiện đại hóa” cái đống báo cũ đó. Em nghĩ rằng anh chỉ phẩy tay là xong! Thời gian chuẩn bị “chiến trường” của chúng ta còn ba tháng nữa, quá ư rộng rãi !
- Các công đoạn khác từ A đến Z cậu đã chuẩn bị đến đâu rồi ?
- Anh quên rằng em đã chuẩn bị từ năm năm trước à ? Nhân gặp lại cố nhân, em sẽ kêu “dàn tướng sĩ”   của em tới đây ta lai rai một chập để anh quan sát chúng nó và “tham mưu” cho em trong cái việc sắp xếp đội hình này !
Nói rồi B.B ấn số máy điện thoại di động một hồi, đoạn nói:
-   Chỉ sau mười phút nữa chúng nó sẽ tới. Em nói trước với anh là em chỉ thu nạp những thằng đang sa cơ lỡ vận, có vậy chúng mới ơn mình và trung thành với mình. Đại loại như là em nuôi một đàn chó săn ấy !
-   Thế tớ cũng là một trong những con chó trung thành của cậu à ?
-   Đâu có ! Đời nào thằng em này lại dám hỗn láo với ông anh như thế! Cái ơn dìu dắt em từ ngày còn ở nơi rừng xanh núi bạc của anh có bao giờ em quên và bao giờ đền đáp hết được? Ngoài cái việc “khai thác vốn cổ” ra, anh còn phải có trọng trách với em như là Khổng Minh với Lưu Bị   ấy chứ. Về chức danh, anh sẽ là "Trợ lý Tổng biên tập”, đương nhiên là lúc   em bận bịu này nọ, anh điều hành công việc cho em !
-   Này, nghe cậu nói cũng bùi tai đấy. Nhưng nói thật, lâu ngày không rờ đến chuyện viết lách, tớ sinh lười nhác rồi. Vả lại, tớ đã thề “quăng bút”, đoạn tuyệt với Nàng Thơ rồi !
-   Trời đất ơi!   Anh là người am hiểu tướng số mà anh quên rằng “viết lách” nó là cái “nghiệp chướng” sao? Riêng đối với anh, chuyện này càng nặng. Anh không bao giờ thoát khỏi cái   “nghiệp chướng” này đâu! Em đã có cách rồi: em sẽ tuyển cho anh một nũ thư ký tuyệt vời , cô nàng sẽ đốt lại ngọn lửa đã tắt trong anh !...Còn bây giờ, em sẽ kêu một cô nàng “mát-xa” loại nhà nghề đến giúp anh giãn gân cốt sau bao ngày lao động chân tay vất vả !...
B.B nói rồi lại ấn số điện thoại…Đúng sau mười phút gọi cho dàn tướng sĩ, năm người, cùng một lúc, đã tới. B.B giới Thiệu tôi với họ và giới thiệu họ với tôi:
-   Đây là “Sáu bụng bự”, con có biệt danh là “Thùng phi” vì có thể uống hết một thùng phi bia hơi ! Trước đây, Sáu làm chủ một đại lý bia lớn, có tài kinh doanh tiếp thị. Hỗ trợ cho Sáu bụng bự là “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, đảm trách công việc chạy quảng cáo cho tờ báo của chúng ta. Tôi xin nhắc lại, báo chí bây giờ sống khỏe là nhờ vào quảng cáo, cho nên chúng tôi xin được sống nhờ vào tài năng “diệt giám đốc” của Cô Ba ! Còn đây là cặp bài trùng Lý toét – Xã xệ, hai cây bút phóng sự chủ lực của báo ta. Lý   toét và Xã vệ cứ phóng bút   thoải mái như thời còn làm cho báo phường, báo quận, đã có sư phụ tuyệt bút đây làm cái việc “đánh bóng, mạ kền” trước khi bài viết lên báo ! Còn nhân vật thứ năm, nhìn bên ngoài có vẻ dị dạng, xấu xí nhưng tài ba thì vào loại đệ nhất đô thành, bàn tay bé nhỏ thế kia nhưng có thể nắm trong tay tất cả các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy và in ấn của cả khu vực miền Nam này ! Báo của chúng ta có thể in hàng triệu bản mà không bao giờ lo thiếu giấy !
Mọi người nâng ly bia mừng buổi gặp mặt …Trong khi uống bia và nghe “ngũ hổ tướng quân” của B.B nói huyên thuyên về kế hoạch tác chiến của mình, tôi chú ý quan sát kỹ từng người một để tìm hiểu xem tại sao họ lại được B.B tín nhiệm và liệu họ có làm khynh đảo được thị trường báo chí như   B.B   ao ước hay không ? Sáu bụng bự uống bia quả là   tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, duy có một chi tiết khiến tôi lấy làm lạ là chốc chốc, Sáu lại nặn trứng cá ở trên mặt và cho luôn vào mồm nhai như không !   Còn “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, tuy không vào loại   tuyệt   thế giai nhân nhưng tất cả các “bộ phận” trên người cô đều như đang “bốc lửa” sẵn sàng “thiêu đốt” bất cứ đấng nam nhi quân tử nào. Cô Ba uống bia nhỏ nhẹ và có một động tác thường xuyên là cúi xuống   ngửi nách mình rồi lấy   khăn lạnh lau nách ! Thấy vậy, tôi nói nhỏ với B.B rằng cô này có tướng “sú hương”   cực xấu, không thể làm việc đối ngoại được, nhưng B.B   bảo, cô Ba có tới mười cái cực xấu nhưng lại có một cái cực tốt là tướng “song long nhiễu nguyệt”,   đó là tướng “thập trọc nhất   thanh”, một cái cực tốt kia sẽ xóa bỏ được mười cái cực xấu ! Quan sát kỹ hai nhân vật Lý toét và Xã vệ, quả là một cặp bài trùng hiếm có : Lý toét (gọi là Lý toét vì người này cận nặng) có cái dáng ký giả ở mọi cử chỉ, dạng mạo, còn Xã xệ “to cao đen hôi” như một võ sĩ quyền Anh người da đen, hai người mà cộng hưởng với nhau thì tuyệt ! Hai người này vừa ăn uống vừa hí hoáy ghi chép cái gì đó đúng phong cách phóng viên tác nghiệp. Tôi nhoài người tới cụng ly và liếc nhanh   vào cuốn sổ tay của họ thì giật mình kinh ngạc vì nhìn thấy trên sổ tay của Lý toét kín đặc chỉ toàn chữ A, còn trên sổ tay của Xã xệ thì   chữ gì ngoằn ngoèo   như chữ Camphuchia và to như quả trứng   gà !...Nhân vật thứ năm quả là dị tướng,   sơ bộ có thể xếp vào loại tướng “Bát tiểu”, là quý cách, gặp vận có thể phú quý hết chỗ nói !
Điều bất ngờ lớn đối với tôi là cả năm người này đều rất sẵn tiền trong người và qua cung cách, nói năng thì họ xài “tiền tấn” chứ không phải đếm từng đồng như người bình thường. Khi B.B hô mọi người gom tiền mua cho tôi một   căn nhà ở tạm thì chỉ sau năm phút, trong tay tôi đã có một cục tiền đô, trị giá khoảng hơn hai mươi cây vàng 24K !    Chưa biết sau này B.B và các chiến tướng làm ăn ra sao, nhưng cứ bằng vào việc đối xử với một anh trắng tay như tôi như thế, đủ để nói rằng cái “E-kíp” này rất mạnh, bởi tôi vẫn thường nghĩ, thời nào cũng thế, có tiền mua tiên cũng được !...
*
Tôi đang cặm cụi làm cái việc mà B.B đã giao cho thì bất ngờ nhận được tin bố tôi đột ngột qua đời. Tôi phải bay ra Hà Nội chịu tang bố. Trong dịp này, tôi gặp lại một người bạn học cũ hiện đang dạy ở một   trường đại học. Tôi khoe chuyện làm báo với B.B thì người bạn nãy rũ ra cười, chảy cả nước mắt và nói   :
-    Trời đất ơi, cái thằng Báo ấy nó đã lên tới ngạch sếp rồi cơ à ? Ngày xưa, tớ dạy nó ở lớp tại chức đại học báo chí, nó có học hành gì đâu, chỉ ngồi sờ mó mấy cô gái đa tình thôi à ! Tớ nghĩ nó sẽ phất nhưng là phất nhờ làm chủ quán bia ôm cơ chứ !
- Thì nó cũng có dưới tay mấy quán chứ đâu phải một quán !
- Ờ…nó được cái tài “sát gái” và   biết đâu tài làm báo mới phát lộ cũng nên ! Nhưng theo tớ, cậu không nên đi theo “phò giúp” nó làm gì   vì cậu không phải cái “típ” như nó. Cậu phải làm cái   gì đó liên quan tới đất đá…
- Đi buôn bán địa ốc thì mình không đủ tài, còn đi tìm đá quý thì không có võ để chống lại bọn đầu gấu trấn lột…
- Cậu nói tới đá quý, tớ chợt nhớ tới một ông chú họ, xưa đã từng là tướng đặc công, hiện đang làm chủ một công ty vàng bạc đá quý. Ông ta cần viết lại cuộc đời oanh liệt của mình. Để tớ liên lạc với ông ta rồi giới thiệu cậu ! 
Theo lời khuyên của người bạn học, tôi không trở lại gặp B.B nữa mà chui vào thư viện đọc tất cả những sách báo nói về bộ đội đặc công vì tôi muốn có một chút hiểu biết về binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này trước khi tiếp xúc với ông tướng đặc công về hưu kia. Mê mải trong thư viện, thời gian trôi qua bên ngoài rất nhanh. Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua, người bạn tôi vẫn chưa liên lạc được với ông tướng đặc công. Tôi tính ra hè đường đánh máy thuê kiếm sống qua ngày thì bất ngờ gặp Sáu bụng bự. Sáu lôi tôi vào quán bia và nói :
-    Báo vẫn ra đều kỳ nhưng chẳng   ma nào mua, các đại lý đều trả lại hết. Cứ cung cách này thì đến sập tiệm. Em ra chuyến này để tiếp xúc các sếp ở một   tờ   báo khác, nếu thuận buồm xuôi gió,   em sẽ làm trưởng đại diện cho họ ở trong   ấy    !
-   Thế cậu bỏ B.B à ? Cùng “dựng cờ lập nghiệp” với nhau cơ mà ?
-   Nhưng hắn du côn lắm, ngày nào cũng đá đít, bạt   tai em như là đánh đầy tớ ! Không hiểu sao em lại nhịn được như thế ?   Nhưng mối tình này cũng phải đến lúc chia tay   !
Sáu bụng bự nâng ly bia lên cụng với tôi, tôi chợt giật mình khi thấy trên miệng ly bia, lẫn vào trong đám bọt đang tan dần là những viên trứng cá mà Sáu vừa nặn ra khi đang nói chuyện với tôi ! Tôi không nhịn được, nói :
-   Sao cậu ăn uống dơ bẩn thế?
-   Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ ! Anh quên câu nói đó à? – Nói rồi Sáu   làm một hơi cạn li rồi nói tiếp – Nếu anh khó khăn thì vào làm cho B.B đi, hắn vẫn nhắc anh luôn và không giận anh đâu. Hắn bảo cái số của anh như thế. Còn nếu không, anh chờ một thời gian nữa, em nhận chức mới rồi, sẽ lấy anh làm Phó, nếu anh vui vẻ ô kê !
Sáu bụng bự vừa dứt lời thì B.B đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống kèm với tiếng nói:”A! Thằng phản thùng!   Tao cứu mày khỏi tù mục xương mà mày trả ơn thế hả?”.   Và rồi B.B hét lên như diễn viên tuồng rồi múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu: “Ngọc Trản ngân đài – Tả hữu tấn khai – Hồi thập tự - Liệng diệp liên ba – Đả sát túc…”, tới câu “Đả sát túc” thì tôi thấy Sáu bụng bự bay ra cửa quán bia như một quả bóng !... 
Sau đó, B.B nhẹ nhàng cầm tay tôi dắt ra khỏi quán bia và nhỏ nhẹ nói:”Chỗ này không phải chỗ người có chí lớn lui tới!...Ông anh giang hồ mê chơi quên quê hương quá rồi đó! Cô thư ký riêng của anh chờ anh mỏi mắt! Sao anh nỡ đối xử với người đẹp như vậy?”… Không biết B.B còn nói gì nữa không vì tôi có cảm giác như mình đang bước đi trên một tầng mây xốp rất lớn !.../.
Cuối năm Tý, TP.HCM
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét