NGƯỜI CHÉP SỬ
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
Sử quan chép cái sử gì
Chuyện vua ăn uống, chuyện đi thuyền rồng…Đại sự: “Bí sử thâm cung”!
Cho nên sử thật nằm trong nấm mồ!
(Sử quan – Đ.N.T)
Trong số những người dòng họ Nguyễn Cửu theo phò Chúa Nguyễn, có một người văn võ song toàn, tài ba khác thường, mà không thấy sử sách nào của nhà Nguyễn ghi chép, đó là Nguyễn Cửu Long. Nguyễn Ánh luôn giữ Cửu Long bên mình, như hình với bóng, nhưng bắt đổi tên là Võ. Cho mãi đến năm Nhâm Tuất (1802), khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua thì Võ đột ngột lâm bệnh, phải trị thuốc hơn ba năm mới khỏi. Võ khỏi bệnh, vua Gia Long muốn ban cho Võ một chức võ tướng trong đội cấm vệ, nhưng Võ lại xin một chức sử quan. Vua Gia Long chấp thuận. Năm 1812, khi đã xây dựng xong kinh đô Huế, Gia Long mật chỉ giao cho Cửu Võ viết bộ sử, tính từ chúa Nguyễn Hoàng (1524- 1613), mở đầu vào phương Nam dựng nước, đến khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế lập nên triều Nguyễn (1802). Thời hạn hoàn thành công việc là 5 năm. Thế là từ đó, Nguyễn Cửu Võ âm thầm ngồi viết bộ sử “Chúa Nguyễn dựng nước”…
Sau ba năm, Nguyễn Cửu Võ đã viết xong bộ sử và dâng vua Gia Long. Vua Gia Long đọc xong liền cho gọi Cửu Võ tới nói :
- Ta đã đọc xong rồi. Ta thật không ngờ nhà ngươi lại biết nhiều chuyện của các Chúa Nguyễn như vậy ? Có cả những chuyện mà chính ta cũng chưa được nghe nói tới bao giờ ?
Võ nói :
- Tâu bệ hạ ! Kẻ hạ thần đã gắng sức đem hiểu biết nông cạn của mình ra để viết bộ sử này. Có điều gì sơ suất mong bệ hạ phán xét …
Vua Gia Long lại nói :
- Nhà ngươi có biết rằng trong bộ sử viết về những chuyện riêng
kín đáo của các Chúa Nguyễn quá nhiều không ? Nhà ngươi có biết rằng
để thiên hạ biết quá nhiều về các bậc vua chúa là bất lợi như thế nào
không ? Và tại sao những trận đánh thắng của các Chúa Nguyễn nhà
ngươi lại viết quá sơ sài, còn những trận thua lại viết quá tỉ mỉ ?
Sao không làm ngược lại ? Sao nhà ngươi không tự biết rằng, có những
chuyện, dù rất hệ trọng cũng không được phép ghi ra sử sách, nếu có
phương hại đến thanh danh của các bậc vua chúa ? Chẳng hạn, những lần
ta rút quân ra Phú Quốc hoặc Côn Lôn, rồi những lần ta tiếp xúc với các
giáo sĩ Tây Phương, những chuyện ấy không ai được phép biết đến !
Những kẻ biết rõ những chuyện đó, nhà ngươi phải biết xử như thế nào
không ?
Nguyễn Cửu Võ không biết nói sao, đứng ngây như tượng . Vua Gia Long thấy vậy mỉm cười nói :
- Ngươi đừng sợ ! Ta sẵn lòng tha thứ cho dù nhà ngươi phạm tội. Đó là cái tình của ta giành riêng cho ngươi sau bao nhiêu năm đã trung thành theo ta, vượt qua những trận tử chiến kinh hoàng nhất…Nhưng ngươi phải khai không sót một ai, tên những người đã biết rõ mọi chuyện của ta thời còn đánh nhau với quân Tây Sơn. Và, ngươi cấp tốc viết lại bộ sử này trong thời hạn một năm ! Những chỗ nào ta đánh dấu đều phải viết lại ! Xong, đem cả hai bản lại cho ta xem, ta sẽ trọng thưởng !
Suốt đêm hôm ấy và bao đêm kế tiếp, Cửu Võ thường thức trắng. Những năm tháng tưởng như đã trôi vào lãng quên bỗng hiện về rõ mồn một. Trước đây, Võ nhìn việc Nguyễn Ánh giết những đại công thần như Đỗ Thành Nhơn, rồi Nguyễn Văn Thành và nhiều tướng tâm phúc khác, theo lẽ thường tình là: kẻ nào trái ý vua chúa đều có thể mất đầu như chơi! Nhưng giờ đây, Võ nhìn những vụ “trị tội” ấy bằng con mắt khác hẳn! Võ thấy vua Gia Long hiện ra trước mặt rõ mồn một với hình ảnh kinh hoàng của một bạo chúa!...Và Võ giật mình bàng hoàng hồi lâu khi nghĩ đến lưỡi gươm trừng phạt của bạo chúa sẽ giáng xuống chính mình!...
Cửu Võ lo nghĩ nhiều mà thành bệnh. Song, Võ gắng gượng chống lại con bệnh mà mải miết viết thâu đêm, không mấy khi rời khỏi thư phòng.
Ngày tháng vùn vụt trôi đi, đã được nửa năm. Võ viết xong ba tập sách dày. Tối hôm đó, vào một đêm cuối năm Gia Long thứ 17(1818), Nguyễn Cửu Võ gọi Nguyễn Cửu Sơn, người con trai với một người thiếp tới, nói:
- Đây là bộ sử thật về các chúa Nguyễn. Mọi việc lớn nhỏ cha đều viết tường tận, không thiên vị ai, dù đó là vua chúa hay những người trong dòng họ ta. Chính vì thế, nay cha trao bộ sách này cho con vì con là người có tư chất khác thường sau này tất làm chuyện lớn, và bộ sách này sẽ có ích cho con nhiều lắm…
Cửu Sơn lạy tạ nhận sách, ngậm ngùi không nói nên lời. Trầm ngâm một lát, Cửu Võ nói tiếp:
- Cha sẽ xin cáo quan về ở ẩn như các bậc cao nhân thời xưa. Còn con, con hãy vào phương Nam , ngày đêm dùi mài kinh sử, cổ kim đông tây phải làu làu. Khi nào đời cần đến, tự khắc con sẽ biết.
Ngày
hôm sau, Võ âm thầm cấp lộ phí cho Cửu Sơn đi vào phương Nam xa xôi.
Rồi Võ lại vào thư phòng, đóng chặt cửa, viết lại bộ sử theo gợi ý của
vua Gia Long. Đúng hạn định, Võ dâng sách. Vua Gia Long đọc bộ sử mới
viết lại, thấy mọi việc diễn biến đều hết sức ca ngợi những chiến công
hiển hách của các chúa Nguyễn, thì lấy làm hài lòng lắm. Nhưng đọc đi
đọc lại, vua Gia Long cảm thấy đó không phải là khẩu khí văn chương của
Cửu Võ, không thấy cả tiếng gươm khua ngựa hý mà chỉ là những dòng chữ
lạnh lùng, khô khốc! Vốn đa nghi, Gia Long không thể tin rằng một con
người mạnh mẽ khác thường cả về thể lực và khí chất như Cửu Võ lại có
thể thay đổi nhanh chóng như vậy được? Vì thế, khi Cửu Võ xin cáo quan
về nhà, Gia Long chấp thuận ngay, nhưng mật sai Nguyễn Đức Xuyên, một
danh tướng cũng từng phò tá hết lòng từ những năm tháng cùng khốn, đem
binh phục ở quãng đường vắng để hạ sát Cửu Võ…Thương thay cho Cửu Võ
cùng toàn thể gia quyến đã chết bi thảm trong một cuộc tàn sát âm thầm…
Theo lời truyền lại của người trong vùng, chỗ Cửu Võ cùng gia quyến bị
sát hại đã mọc lên một rừng trúc khác thường, đêm đêm trong rừng luôn
vẳng tiếng nói rì rầm như người kể chuyện mãi không thôi. Người ta lấy
ông trúc khoét sáo thì sáo có âm thanh thật kỳ lạ, khác hẳn sáo trúc
của những vùng khác./.Đỗ Ngọc Thạch
CHÚA TRỊNH - NGÀY TÀN
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Sau khi thoát được vòng vây của Nguyễn Hữu Chỉnh ở Quế ổ, Chúa Trịnh Bồng (1) chạy đến Hàm Giang, nương tựa vào Đinh Tích Nhưỡng (2). Nhưỡng là con của Đinh Văn Tả (1602-1685),
là tướng nhà Hậu Lê, người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải
Dương, lập nhiều công trạng các thời chúa Trịnh từ Trịnh Tạc
(1653-1682), tới Trịnh Căn (1682-1709).
Năm
1645, hai con thứ của Trịnh Tráng là Trịnh Lịch (trấn thủ Sơn Tây) và
Trịnh Sầm (trấn thủ Hải Dương), muốn tranh ngôi thế tử với Trịnh Tạc,
nhân lúc cha bị ốm bèn cùng nhau làm phản. Trịnh Tạc bèn cầm quân đi
đánh. Đinh Văn Tả được cử làm tiên phong. Trịnh Lịch và Trịnh Sầm chia
quân cắt quân Trịnh Tạc làm đôi. Trịnh Tạc phá được vây ra trước. Đinh
Văn Tả bị hãm trong trận, hai người con Tả bị tử trận. Đinh Văn Tả tả
xung hữu đột chém 18 tướng sĩ của Lịch và Sầm khiến quân địch phải dãn
ra. Trịnh Tạc thấy Đinh Văn Tả còn sống bèn mang quân quay lại cứu, bắt
được Trịnh Lịch. Trịnh Sầm chạy về Ninh Giang, sau cũng bị bắt. Cả hai
đều bị xử chém.
Năm
1667, chúa Trịnh đem quân đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, Đinh Văn Tả làm
đốc suất. Quân Mạc thua chạy vào vùng Miên Khâu, Châu Lăng núi non
hiểm trở. Đinh Văn Tả truy kích đến nơi, bắt được 800 quân Mạc. Mạc
Kính Vũ bỏ chạy sang Trung Quốc.
Đinh
Văn Tả nhờ công đó được phong Quận công. Đầu năm 1668, chúa Trịnh cử
Tả làm kiêm trấn thủ mấy trấn vùng biên là Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái
Nguyên. Đến tháng 6 năm đó, được gia phong làm đô đốc.
Tháng
8 năm 1677, khi đã 74 tuổi, Đinh Văn Tả tiến quân đánh tan Mạc Kính Vũ
một lần nữa ở Cao Bằng. Tả thân đốc các tướng 4 mặt đánh thành, phá vỡ
quân địch, chém được mấy trăm quân Mạc. Mạc Kính Vũ bị thua trận, quân
sĩ đều tan vỡ, chạy sang Long Châu (Trung Quốc). Từ đó Mạc Kính Vũ
không trở về Cao Bằng được nữa, đất này trở về với nhà Hậu Lê.
Chúa Trịnh thấy Đinh Văn Tả tuổi cao, liền triệu về kinh, giao cho Đặng Công Chất thay chức trấn thủ Cao Bằng.
Vì có nhiều công lao, Đinh Văn Tả được gia phong làm thượng tể, ban cho ruộng 300 mẫu.
Ngày 4 tháng 5 âm lịch năm 1685, Đinh Văn Tả mất ở kinh đô Thăng Long, hưởng thọ 84 tuổi.
Đinh
Văn Tả có hai bà vợ, là hai cô cháu trong một nhà họ Phạm. Bà vợ cả là
con gái nhỏ của vị quan họ Phạm, bà vợ thứ là cháu gái vị đó, cả hai
cô cháu cùng cưới một ngày. Bà vợ cả sinh được 3 trai 1 gái; bà vợ thứ
sinh được 1 trai 1 gái. Hai người con rể ông đều làm quận công.
Con cháu Đinh Văn Tả đều làm quan cho nhà Hậu Lê:
*
Lại nói về Chúa Trịnh Bồng, sau khi thoát khỏi vòng vây của Nguyễn Hữu Chỉnh (3)
ở Quế Ổ thì đến Hàm Giang nương nhờ Đinh Tích Nhưỡng, đám lính già yếu
cho về quê hết, chỉ giữ lại Toại và Châu cùng gần một trăm dũng sĩ
khỏe mạnh. Nguyễn Đình Toại và Trần Quan Châu chỉ là thổ hào ở vùng
Kinh Bắc nhưng dũng cảm hơn người. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra
kinh thành, chúa Trịnh Bồng phải chạy về trấn Kinh Bắc thì Toại vâng
mật chỉ của Chúa kêu gọi các thổ hào vùng Thuận Thành, Từ Sơn mộ quân
nghĩa dũng để đánh lại Nguyễn Hữu Chỉnh…Khi Chỉnh đánh đến Quế Ổ, Toại
và Châu đều đốc xuất quân chiến đấu rất ngoan cường khiến Chỉnh không
dễ dàng tiến binh, phải cho quân bao vây Quế Ổ chờ thời cơ. Trong cuộc
phá vòng vây Quế Ổ, Toại và Châu mỗi người lãnh 50 dũng sĩ, vừa tiên
phong mở đường máu cho Chúa thoát vòng vây vừa chặn hậu, tả xung hữu
đột không khác gì Triệu Tử Long cứu ấu chúa thời Tam Quốc!
Toại
và Châu đêm ngày ở bên cạnh Chúa, nửa bước không rời. Nhưỡng có ý
không mặn mà với Chúa và không ưa hai viên tướng thường đứng hầu bên
cạnh Chúa. Đối với Toại thì Nhưỡng ganh ghét là con nhà tướng; đối với
Châu thì Nhưỡng khinh rẻ là kẻ bạch đinh. Hai người dò biết ý Nhưỡng,
sợ có điều gì bất trắc, nên đều từ giã chúa và ra đi cùng một ngày.
Chúa thương cảm khóc lóc tiễn đưa hai người mà rằng:
- Đúng là "chết đuối vớ phải bọt", bám cũng không được, chẳng bao lâu nữa ta cũng đi thôi, giữ các ngươi lại làm gì cho nhục!
Chúa ở lại hơn 10 ngày, Nhưỡng không hề nói đến việc đại sự. Chợt một đêm, Nhưỡng tới chỗ chúa ở, nói:
- Hôm nay gió mát trăng thanh, vẻ thu rất đẹp, thần đã đem rượu lên thuyền chờ đợi, xin chúa đi chơi một lúc, ngắm xem phong cảnh, cho khuây khỏa.
- Hôm nay gió mát trăng thanh, vẻ thu rất đẹp, thần đã đem rượu lên thuyền chờ đợi, xin chúa đi chơi một lúc, ngắm xem phong cảnh, cho khuây khỏa.
Chúa tỏ vẻ sầu não mà rằng:
-
Phong cảnh vẫn sông núi ruộng đồng ấy mà ngước mắt thấy non sông khác
lạ. Ta chưa giết được quân thù, không thể cởi giáp mà ngủ. Bơi thuyền
uống rượu ngắm trăng không phải là việc của ta ngày nay. Tướng quân hãy
đi mà chơi!
Nhưỡng đi rồi, chúa tựa ghế ôm sầu, buồn khổ vô cùng, bảo bọn người hầu:
- Quan võ đều không thể tin cậy, bọn quan văn có hy vọng gì chăng?
Có người nói: “Quan Bình chương Trương Đăng Quỹ là người được Vua Lê quý trọng, chúa có thể nhờ cậy người này!”
Chúa
bèn viết bức thư, sai người ngầm đưa cho quan Bình chương là Trương
Đăng Quỹ. Thư nói rằng: "Kiếp này sinh ra không gặp thời, lại là lúc nhà
nước lắm nạn; lạm dự vào dòng đích nhà chúa, rất lo cho việc tôn miếu
xã tắc. Dâng biểu trần tình, may được hoàng thượng cho về triều kiến.
Lúc mới về, chỉ muốn giữ lấy việc thờ phụng tổ tiên cho tròn đạo hiếu,
thực không có bụng dạ nào khác. Sự thế đổi thay, lại bị chư tướng ép
buộc, thành ra trái ý hoàng thượng. Lúc Chỉnh vào kinh, cung khuyết liền
bị tiêu huỷ. Con chim bị mất tổ, bay quanh không biết nương nhờ vào
đâu. Vì thế phải phiêu bạt giang hồ, không dám về nơi kinh khuyết. Nay
Quế Ổ, mai Hàm Giang, chỉ vì lo tìm nơi trú ngụ, bèn vướng lấy hình tích
chống chế triều đình, khiến kẻ ghét mình có cớ mà nói. Mảnh lòng kính
thuận, không có cách nào thấu đến bề trên. Ông hãy dùng lời lẽ khéo
léo, tâu bày giúp cho. Lần này, dù tiến dù lui, tuỳ theo mệnh lệnh của
hoàng thượng".
Đăng Quỹ nhận thư ấy, liền đem tâu vua. Vua ngậm ngùi mà rằng:
-
Tấm lòng thật thà của chúa, trẫm đã lường biết. Chỉ vì không khéo xử
sự trong lúc tai biến nên mới đến nông nỗi này. Nay nếu đã nghĩ lại và
biết hối lỗi, trẫm sẽ có cách đối đãi, chẳng những giữ được dòng dõi,
mà cũng không mất địa vị giàu sang.
Vua Lê bèn sai Đăng Quỹ làm sứ thần đi nghênh tiếp, đón chúa về triều.
*
Lúc
đó, chúa ở Hàm Giang, nghe nói Nhưỡng và Chỉnh ngấm ngầm đi lại với
nhau, nghi ngờ chúng có mưu đồ gì khác, liền than rằng:
-
Đây không phải là chỗ có thể gửi gắm cả sinh mạng được. Ta thà liều
chết vượt biển vào núi còn hơn là ngồi lại mà chịu nhục!
Rồi
chúa sai người hầu bí mật mượn mấy chiếc thuyền buôn, đang đêm đem cả
bọn người thân tín, thủ hạ, thuận gió giương buồm chạy thẳng tới Sơn
Nam . Sáng hôm sau, Nhưỡng mới biết, lấy làm kinh sợ mà rằng:
- Chúa đi sang nam mà không nói gì với ta, phải chăng là có ý ngờ ta?
Nếu không theo chúa, lòng này không sao bộc bạch ra được, thiên hạ sẽ
cho ta là người muốn bức hại chúa, làm sao mà thanh minh đây?
Tức thì, Nhưỡng cũng lên chiếc thuyền binh chạy theo chúa.
*
Chúa đến huyện Chân Định thì có Phạm Tôn Lân lên thuyền yết kiến.
Lân
quê ở làng Bác Trạch, huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương, thuộc
Thái Bình), vốn dòng dõi quan lại, có nhiều quân công; ông tổ đời trước
là Phạm Tôn Nhậm, một danh tướng của Trịnh Doanh, khoảng đầu niên hiệu
Cảnh Hưng từng lập được nhiều chiến công. Tính Lân hào hiệp, khách ăn
trong nhà thường có hàng trăm, chẳng khác gì Mạnh Thường Quân(4) bên
Tàu ngày xưa. Trong đám thổ hào của trấn Sơn Nam hạ, Lân là bậc nhất.
Lúc
gặp chúa, Lân bàn việc binh, vạch chước tiến thủ rất mạch lạc. Chúa
rất mừng, cầm tay Lân nghẹn ngào: “ Tiếc rằng ta gặp ngươi muộn quá!
Ngươi hãy gắng giúp ta để nối công đức của tổ tiên ngày xưa!”.
Lân nói:” Thần vốn không có tài gì. May được nhờ oai linh của chúa, dám đâu không hết sức”.
Lân nói:” Thần vốn không có tài gì. May được nhờ oai linh của chúa, dám đâu không hết sức”.
Nói rồi Lân mời chúa về nhà, kêu gọi thêm đồ đảng, hộ vệ cho chúa.
Hôm sau, Nhưỡng cũng đã theo đến nơi. Trước hết. Nhưỡng sai người đưa một tờ khải cho chúa, trong nói:
"Nhà
thần bao đời được đội ơn dày, một lòng với nhà chúa. Nay thần với
Chỉnh, nói về tình tuy có quen thuộc, nhưng nói về thế thì không thể nào
cùng phe. Cả nước ai cũng biết điều đó, thần dám có lòng nào để nhục
đến tổ tiên đời trước, xin chúa soi xét cho, khiến thần có thể lập được
chút công, bù lại lỗi trước...".
Chúa
xem khải rồi hỏi ý Lân, Lân vốn nghe tiếng tăm của Nhưỡng, thường coi
là tay cự phách xứ Đông, nay may được chung sức làm việc thì rất lấy
làm mừng, nên cố khuyên chúa đem lòng thành thực mà dùng Nhưỡng để thêm
thế lực. Chúa nghe lời, Lân lập tức tự mình ra đón Nhưỡng cùng vào gặp
chúa. Do đó, hai người rất là tương đắc. Họ liền đưa hịch đi các phủ
Thái Bình, Kiến Xương, Thiên Trường hẹn cùng hội quân đánh Chỉnh. Trong
khoảng mười ngày, người theo về có đến vài vạn. Họ định ngày cùng tiến
quân, thuyền bè kín mặt sông, thanh thế lừng lẫy. Nhiều người tin rằng,
nghiệp chúa có thể tính từng ngày mà khôi phục. Con em nhà quan lúc
trước, như bọn Đoàn Nguyễn Tuấn, Phạm Giáp, Nhữ Công Liêu, Đào Nhữ Toản
cũng đều chiêu mộ người làng đến họp. Các xứ đông tây cùng nổi dậy
trong một lúc.
Bấy giờ Trương Đăng Quỹ vâng mệnh đi đón chúa, đến huyện Tiên Hưng, đường bị nghẽn, phải trở lại.
*
Chợt
có người từ kinh thành tới yết kiến chúa, nói rõ việc Chỉnh chuyên
quyền kiêu ngạo, lòng người không phục, vua cũng nghi ngờ Chỉnh làm
phản, và khuyên chúa nên nhân lúc lòng người hướng theo mà gấp rút tiến
binh đánh Chỉnh.
Chúa
Trịnh Bồng nói: “ Ta có viên tướng cũ là Bùi Nhuận, hiện ở kinh thành,
coi quân Kim-ngô, lĩnh chức tứ thành đề lĩnh, có thể bảo y làm nội
ứng. Chức trách của Nhuận là việc tuần phòng, chắc không ai nghi ngờ”.
Rồi chúa bèn sai người đưa mật chỉ cho Nhuận, bảo làm nội ứng.
Rồi chúa bèn sai người đưa mật chỉ cho Nhuận, bảo làm nội ứng.
Tiếp chỉ, Nhuận liền bàn với người thân tín, đổi hết các quân canh giữ cửa ô. Con Hữu Chỉnh là
Bái
Xuyên hầu dò biết việc đó, lập tức bắt Nhuận; rồi sai tướng của Chỉnh
là Nguyễn Viết Tuyển hiện làm chức trấn thủ Sơn Nam đem quân bản bộ
đánh chúa Trịnh Bồng.
Quân
thuỷ của Tuyển tới sông Ngô Đồng (thuộc huyện Giao Thuỷ , Nam Định )
mà lính bộ chưa đến cửa Đại Hoàng (thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình), có
người dò biết về báo với chúa. Nhưỡng đem hai chục thuyền biển lớn
nhất, dàn ngang sông thành trận chữ "nhất", trên đầu thuyền bày đặt các
thứ súng, trông như bức thành. Quân Tuyển đến đánh, vì thuyền nhỏ không
thể chống cự, nhiều chiếc bị súng Bảo long bắn chìm xuống sông. Tuyển
sợ, định lui giữ mạn sông Hoàng Giang (thuộc phủ Lý Nhân, Hà Nam ) để
cùng bộ binh nương tựa lẫn nhau.
Thình
lình có gió đông nam nổi lên, Nhưỡng liền sai các hải thuyền tản ra,
ghé sát vào hai bờ, rồi buộc thuyền lại mà lên bộ. Tiếp đó Nhưỡng chỉ
huy quân lính từ trên bờ theo chiều gió bắn xuống thuyền quân của Tuyển.
Nhưng quân của Nhưỡng toàn là quân ô hợp, đứng, ngồi, tiến, lui chưa
quen hiệu lệnh, lại hờ hững không có chí chiến đấu; nên sau khi lên bộ,
hàng ngũ lộn xộn, chẳng ra sao. Tuyển ở dưới sông trông thấy vậy, liền
hô to: “Quân Nhưỡng thua rồi!”.
Thế
là quân của Nhưỡng đâm nghi hoặc, rồi hoảng sợ, tan vỡ, đua nhau cướp
đường mà chạy, giày xéo lẫn nhau, không sao ngăn cấm được nữa. Thuyền
bè bỏ bừa ven sông, đều bị quân Tuyển bắt được.
Quân
Lân ở sau, trông thấy quân của Nhưỡng thua chạy tan tác, lại nghe nói
Nhưỡng đã bị giặc giết rồi, nên đều kinh sợ. Lân cũng không thể điều
khiển được quân lính nữa, thế là cùng lúc ấy, đám quân tan vỡ luôn. Lân
bèn hộ vệ chúa, lên một chiếc thuyền, xuôi dòng chạy sang phủ Thái
Bình. Chừng nửa đêm, đến huyện Đông Quan, chợt nghe tiếng súng đùng
đùng, giống như hiệu lệnh hành quân. Có người bảo quân Tuyển đuổi theo.
Có người ngờ là bọn kẻ cướp. Sau Lân sai người đi dò, mới biết đó là
quân của Trần Mạnh Khuông.
Trần
Mạnh Khuông là một hào mục ở huyện Đông Quan, gia tư giàu có, lại có
nghĩa khí. Khi mới tiếp được tờ hịch, lập tức tụ tập quân lính trong
huyện để hưởng ứng việc nghĩa, hẹn ngày hôm ấy xuất quân ra đi. Lúc này
quân Khuông đóng ở Bái Hạ, cách đấy không xa.
Nghe nói, chúa bèn vội vàng sai người đến gọi Khuông. Khuông theo sứ
giả tới yết kiến, chúa nói: “Quả nhân tài hèn, đức kém, không biết tự
lượng sức mình, hễ hành động gì liền bị vấp ngã. Bây giờ nên làm thế
nào?”. Khuông nói: “Thắng bại là sự thường tình của nhà binh, dù là đạo
quân thắng trận luôn, cũng phải có một lúc thua trận. Cho nên tướng
giỏi đời xưa trước hết phải xem hình thế, đắp doanh luỹ, chứa lương
thực, phòng bị sẵn những khi xảy ra việc cần kíp, làm cho khi tiến có
thể đánh, khi lui có thể giữ. Đó chính là cái kế vẹn toàn, không làm gì
đến nỗi thua một trận mà đã đầu hàng. Ở huyện tôi có làng Bái Hạ, bốn
mặt đều là đồng lầy, phía trước có sông lớn chặn ngang, chỉ có một lối
ra vào, lại có khe nhỏ quanh co thông với con sông, có thể dùng để
chuyển vận quân lương. Cuộc loạn lạc năm trước, địa phương đây ở vào
chỗ xung yếu của hai vùng đông và nam, nên tôi đã cho sửa sang lại, nay
hào thành đều đã bền vững. Chỉ hiềm luôn mấy năm mất mùa, thóc lúa
tích trữ chưa được đầy đủ mà thôi. Xin chúa hãy tạm dời xa giá về đó,
rồi thong thả sẽ tính chuyện sau”.
Chúa Trịnh nghe theo, bèn phong cho Lân làm quân phủ trưởng sử. Khuông làm chức hành doanh sứ, dẫn quân vào đóng ở ấp Bái Hạ.
*
Ở
Bái Hạ mới được vài ngày, Khuông sai người đi trưng thu lương thực
chưa về, thì Chỉnh đã lại sai Nguyễn Như Thái đem lính bộ đến, hợp với
quân của Tuyển, hai đường thuỷ bộ tiếp nhau, hai mặt trước sau đánh dồn
lại. Trong đồn dựa vào tình thế hiểm yếu mà giữ, quân Chỉnh đánh luôn
mười ngày không hạ được. Tuyển bèn đắp luỹ dài để tuyệt đường lương
thực của quân chúa. Quân chúa hết lương đến nỗi phải đào cả củ chuối mà
ăn, tình thế rất là nguy khốn.
Lân và Khuông liền nói vơi các thủ hạ rằng:
-
Ngồi đây để làm con ma chết đói của làng Bái Hạ, sao bằng quyết một
trận tử chiến, giết lấy vài trăm tên giặc cho sướng tay? Các ngươi ai là
người có thể chung lòng góp sức với ta, để ta khỏi mang tiếng phụ chúa
mà các ngươi cũng không mang tiếng phụ ta. Dẫu có chết còn được làm
con ma trung nghĩa. May mà không chết, rồi đây công lao sự nghiệp sẽ
không biết đến đâu mà lường!
Mọi
người nghe nói đều cảm động, có hơn trăm người xin theo. Đêm đến, bốn
bề đã vắng lặng, họ bèn cưỡi thuyền nan, theo đường khe mà đi ra. Nhân
lúc Tuyển và Thái sơ ý, họ liền phóng hoả đốt doanh trại. Hai người
hoang mang không kịp chống cự. Lân và Khuông tức thì phá vỡ vòng vây,
đem chúa ra, cướp mấy chiếc thuyền, rồi theo cửa biển chạy thẳng về
phía đông. Tuyển đem quân đuổi theo, nhưng không kịp. Thái thả quân vào
làng Bái Hạ, chém giết lung tung, trai, gái, già, trẻ, không sót lại
một người. Từ khi dấy cuộc binh đao tới lúc này, không chỗ nào không có
nạn chém giết, nhưng chưa có đâu bị chém giết thảm hại như ở đây.
Lại nói, sau trận thua ở sông Ngô Đồng, Nhưỡng một mình chạy về phía đông, thuyền bè và đồ quân dụng bỏ mất gần hết.
Đến
khi đồn Bái Hạ bị vỡ, chúa chạy về Hải Dương, lại cùng bọn Lân vượt
biển tới đất Quảng Yên, giả làm khách buôn, chia nhau ở trọ trong các
nhà dân ở châu Vạn Ninh (nay là đất Móng Cái ). Chẳng bao lâu, Lân vì
có việc nhà, cáo từ xin về, người theo hầu chúa chỉ còn lại Mạnh Khuông
mà thôi. Sau đó hơn một tháng, Khuông lại mắc bệnh, rồi chết. Lúc bấy
giờ, bên cạnh chúa không còn có ai, chúa một mình sống ẩn khuất ở vùng
ven biển, tình cảnh rất là thương tâm mà không ai hay biết.
Chúa
nghĩ bụng: "Giầu sang ở kiếp phù sinh, đều là cảnh mộng. Bởi vậy, ngày
xưa đã có người xin thề đời đời đừng sinh vào nhà đế vương... Phật
thương hết thảy chúng sinh bị chìm đắm trong biển khổ. Óc Người thông
suốt, ý kiến Người thông suốt, thật như gương sáng muôn đời. Từ lúc ta ở
trọ đất Chương Đức đã có ý nghĩ như thế. Bây giờ nên quay đầu lại là
hơn".
Thế rồi chúa Trịnh Bồng gột sạch ma chướng ở đời, tự xưng là Hải đạt thiền sư, dạo khắp các chùa ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.
*
Bấy
giờ có người học trò đất Kinh Bắc tên là Vũ Kiền, chạy loạn lên ở Lạng
Sơn. Một hôm Kiền gặp Hải đạt thiền sư ở chùa Tam Giáo, nhân trong lúc
đàm kinh thuyết pháp, Kiền ngầm biết đó là chúa, bèn báo với bọn phiên
thần ở đó là Hà Quốc Ký, và Nguyễn Khắc Trần .
Hai người bèn vờ nói là có việc làm cơm chay, đón Hải đạt thiền sư về nhà, rồi đuổi hết người nhà ra mà bảo với nhà sư rằng:
-
Chúng tôi nối đời làm bề tôi ở chốn biên cương, ở xa vẫn mến oai đức
của triều đình, thường chỉ nghe người ta nói vua Lê chúa Trịnh như tiếng
sấm ở trên trời. Nếu như thiên hạ vô sự, bọn chúng tôi làm sao được
nhìn thấy chúa. Gặp lúc nhà nước có nạn, xe chúa phải tới nơi biên ải,
thần dân ai cũng đau lòng. Đây chính là dịp cho kẻ trung thần nghĩa sĩ
trổ tài kinh luân. Vậy chúng tôi xin rước chúa về ở Đoàn Thành (tức
thành trấn Lạng Sơn), xướng nghĩa cả, để lo việc chấn hưng oai linh xưa,
phục dựng lại sơn hà xã tắc. Nhờ vào hồng phúc của chúa, thành được
việc lớn thì lũ tù trưởng nhỏ mọn ở xứ mọi rợ này mới có cơ may được dự
vào hàng cuối ở vân đài (*) , ấy là ý nguyện của chúng tôi.
Nhà sư nhắm mắt chắp tay, khoan thai trả lời:
-
Bần tăng xuất gia theo Phật, không can dự gì đến việc đời đã lâu. Các
ông chớ có nhận lầm, khiến cho đương lúc yên lặng, lại sinh ra bao
nhiêu nỗi phiền não. Trong thiên hạ, ai là vua, ai là chúa, đã có mệnh
trời; bần tăng chỉ biết một lọ một bát, tu hành ở cửa thiền, làm môn đồ
đức Phật Như lai mà thôi.
Vũ Kiền lúc ấy cũng thưa rằng:
-
Thần tuy chưa được vào chầu phủ chúa, nhưng khi du học ở kinh sư cũng
đã từng nhìn trộm dung nhan của chúa. Người trong nước còn có lòng ấy,
chúa cũng không nên từ chối. Thần nghe nói, nghiệp vương phải khó nhọc,
không thể ngồi yên mà có được. Bởi vậy, Quang Võ đã phải bạc cả tóc
đầu, Tiên chúa (Quang Võ là vua đầu nhà Đông Hán. Tiên chúa tức Lưu Bị,
là vua nhà Thục thời Tam quốc) thì phải mòn hết thịt vế. Những cơn
nguy hiểm ở Quế ổ và Bái Hạ gần đây, cũng giống việc Tuy Thuỷ, Hô Đà
đời Hán (**), chỉ vì không nản chí, không ngã lòng, rốt cuộc họ đã làm
nên nghiệp lớn. Thần chưa từng bao giờ thấy ai đường đường là một vị
vương giả mà lại lui về làm nhà sư nhàn hạ. Xin chúa hãy nghĩ lại!
Nhà sư khóc và nói:
-
Cái cảnh "Thử ly","Mạch tú" (***) ở đâu cũng đều cảm động. Ta không
phải là gỗ đá, sao có thể làm ngơ. Nhưng đã biết sức của ta, mà vẫn
không thể dành được với trời, nên đành phải nín nhịn để giữ lấy mình,
đâu còn dám làm càn để lại lầm lẫn lần nữa?
Chúa đã nói lộ bản tướng, liền bị mọi người vin lấy mà bắt buộc phải truyền sắc lệnh ra để điểm quân, thu lương.
Bọn
Ký và Trần đều là kẻ tầm thường, không nghiêm cấm nổi thủ hạ, để chúng
làm bừa những việc phi pháp. Nhân dân không thể chịu đựng được, họ bèn
nổi lên làm loạn, giết bọn Ký và Trần, rồi đuổi chúa đi. Chúa chạy về
đất Hữu Lũng (nay thuộc Lạng Sơn) rồi từ đó ẩn khuất trong chốn thâm
sơn cùng cốc, không ai còn thấy mặt chúa ở đâu nữa.
Họ
Trịnh từ Thái vương là Trịnh Kiểm thụ phong, truyền đến Thịnh vương là
Trịnh Sâm, vừa được tám đời thì xảy ra biến loạn. Rồi đến Đoan nam
vương là Trịnh Khải, Án Đô vương là Trịnh Bồng thì nghiệp chúa hết
(****).
Xét trong địa ký chép về đất phát tích của tổ tiên họ Trịnh có lời tiên đoán rằng:
" Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ ".
Quả nhiên, sự hưng thịnh rồi suy vong của Chúa Trịnh đúng là như vậy! ./.
Sài Gòn, tháng 7-2010
Đỗ Ngọc Thạch
-----
(*) Vân đài : Vân Đài có nghĩa “Đài cao chạm mây”, nơi vua Minh đế nhà Hán sai vẽ hình 28 vị công thần có công gây dựng Nhà Hán.
(**) Tuy Thủy, Hô Đà :
Theo Hán thư, sau khi Hán vương là Lưu Bang vào chiếm Bành Thành, Sở
vương là Hạng Võ đem quân trở về, phá tan quân Hán trên sông Tuy Thuỷ và
vây Hán vương ba vòng, may gặp có gió lớn nổi lên, thổi tan quân Sở,
Hán vương mới chạy thoát. Cũng theo Hán thư: Khi vua Quang Võ đi đến
trạm Khúc Dương, phía sau có quân Lương Vang theo đuổi, mọi người đều
kinh sợ. Quang Võ cho người đi dò đường thì họ nói, trước mặt có sông Hô
Đà nước chảy mạnh lắm, không thể qua được. Quang Võ lại bảo Vương Bá
đi xem lại. Vương Bá e quân lính hoảng sợ, bèn nói dối là ở sông băng
giá đóng rất chắc, có thể đi qua được. Quang Võ bèn bảo Bá hộ vệ mình
qua sông, nhưng mới qua được mấy người thì băng đã tan. Ở đây, mượn hai
điển tích này để nói làm nên nghiệp lớn thế nào cũng phải trải qua
nhiều gian nan, nguy hiểm thì mới đi tới thành công.
(***) Thử ly, Mạch tú: Thử ly là một bài thơ trong Kinh Thi nói về cảnh cung điện nhà Chu bị tan hoang thành ra ruộng lúa. Mạch tú là
bài hát của Cơ tử nói về việc nhà Thương mất nước, cung điện thành
ruộng cấy lúa mạch: ở đây chỉ cảnh tang thương của họ Trịnh.
(****) Chúa Trịnh: Chúa
Trịnh (1545 - 1787) là tập đoàn phong kiến kiểm soát quyền lực nhà
nước Đại Việt thời nhà Hậu Lê, khi nhà vua không có thực quyền vẫn được
duy trì ngôi vị. Bộ máy triều đình lúc này hoạt động theo thể chế lưỡng đầu . Các đời chúa Trịnh tồn tại trong 243 năm (1545-1787), trải qua 12 đời chúa.
Người
mở đầu sự nghiệp của họ Trịnh là Trịnh Kiểm, người huyện Vĩnh Lộc,
Thanh Hóa. Tương truyền thuở nhỏ nhà Trịnh Kiểm nghèo, mẹ thích ăn gà
nên ông thường bắt trộm gà của hàng xóm cho mẹ ăn. Hàng xóm rất ghét,
nhân khi Trịnh Kiểm đi vắng bèn bắt mẹ ông ném xuống vực. Trịnh Kiểm về
không thấy mẹ đâu bèn đi tìm, đến vực tìm ra xác mẹ thì mối đã xông đầy
lên rồi. Sau có ông thày tướng đi qua chỉ vào ngôi mộ mẹ Trịnh Kiểm
đọc rằng:
Phi đế phi bá /Quyền khuynh thiên hạ
Truyền tộ bát đại / Tiêu tường khởi vạ
(Chẳng đế chẳng bá / Quyền nghiêng thiên hạ / Truyền được tám đời/ Trong nhà dấy vạ)
Mẹ
mất, nghe tin Nguyễn Kim nổi dậy dựng lại nhà Lê, Trịnh Kiểm bèn đến
xin gia nhập. Nhờ tài năng, ông được Nguyễn Kim tin cậy và gả con gái là
Ngọc Bảo cho. Nǎm 1539 ông được phong làm Đại tướng quân, tước Dực
quận công. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền,
được phong làm thái sư nắm toàn thể quân đội.
“Phi đế phi bá, quyền khuynh thiên hạ”:
Nắm
quyền trong triều đình Nam triều nhà Lê, trước hết Trịnh Kiểm lo đối
phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực: đầu độc giết con
cả của Kim là Nguyễn Uông. Người con thứ là Nguyễn Hoàng sợ hãi xin
xuống trấn giữ vùng Thuận Hóa – Quảng Nam ở phía Nam . Trịnh Kiểm cho
rằng giết cả hai anh em Hoàng sẽ mang tiếng, mà Thuận - Quảng là nơi xa
xôi, “ô châu ác địa” nên bằng lòng cho Hoàng vào đó để mượn tay nhà
Mạc giết Hoàng. Từ đó Trịnh Kiểm nắm toàn bộ quyền hành của nhà Lê, xây
dựng sự nghiệp cho họ Trịnh.
Năm
1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối, Trịnh Kiểm định thay
ngôi nhà Lê, nhưng còn do dự sợ dư luận, bèn sai người tìm đến Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bấy giờ đang ẩn dật. Nghe theo lời khuyên của
Trạng Trình (“ Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản ”), Trịnh Kiểm bèn
đi tìm được người trong tôn thất nhà Lê là Lê Duy Bang, cháu 5 đời của
Lê Trừ (anh Lê Thái Tổ), lập làm vua, tức là Lê Anh Tông. Từ đó họ
Trịnh nối đời cầm quyền nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò, làm bề tôi cho
nhà Lê, hai họ sống chung trong cơ chế lưỡng đầu. Bởi vậy người đời
truyền lại câu: “ Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong. ”
Năm
1570, Trịnh Kiểm mất, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền.
Hai anh em dàn quân đánh nhau. Cùng lúc đó quân Mạc từ bắc kéo vào.
Trịnh Cối bị kẹp giữa hai đường không thể cự nổi bèn đầu hàng nhà Mạc,
được nhà Mạc thu nhận và phong chức.
Bản
ý của vua Lê Anh Tông là ủng hộ ngôi con trưởng của Trịnh Cối, do đó
mâu thuẫn với Trịnh Tùng. Vua Anh Tông mang 4 người con lánh đi nơi
khác. Trịnh Tùng lập người con út của vua là Đàm lên ngôi, tức là Lê
Thế Tông. Sau đó, Trịnh Tùng lùng bắt được cha con vua Anh Tông mang về
lập mưu giám sát, rồi bức chết. Từ đó vua Lê hoàn toàn nép trong cung,
Trịnh Tùng tự mình xử trí mọi việc trong triều. Các vua Lê sau có ý
định chống lại đều bị xử tử và thay thế bằng một hoàng đế nhỏ tuổi hoặc
dễ bảo hơn.
.Tháng
11 năm 1592, Trịnh Tùng lại tiến đánh Thăng Long. Mạc Mậu Hợp thua
chạy về Kim Thành (Hải Dương). Thấy thế nguy cấp, Mậu Hợp lập con là
Toàn lên ngôi, tự mình làm tướng thống suất quân đội. Sau các cuộc
chiến ác liệt tại khu vực các phủ Nam Sách, Hạ Hồng, Kinh Môn trong
tháng 11 và 12 thì quân Mạc thua to. Mạc Mậu Hợp phải bỏ trốn đến huyện
Phượng Nhãn, bị bắt sống sau đó ít ngày và bị hành hình.
Sau
vài cuộc chiến khác chống lại các thế lực tàn dư nhà Mạc, Trịnh Tùng
rước vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long năm 1593. Họ Trịnh đánh dấu
quyền lực bằng cách tiến hành xây Phủ Chúa ở Thăng Long.
“Truyền tộ bát đại, tiêu tường khởi vạ”:
Họ
Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Sâm là truyền được 8 đời chúa. Năm 1782,
Trịnh Sâm qua đời. Ngay từ khi Sâm còn sống đã diễn ra cuộc tranh
giành ngôi thế tử giữa con trưởng Trịnh Tông và con thứ Trịnh Cán. Cán
còn nhỏ nên thực chất đó là phe Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Tuyên phi lôi
kéo quận Huy là Hoàng Đình Bảo (cháu Hoàng Ngũ Phúc). Vì Tuyên phi được
sủng ái nên Trịnh Cán được lập làm thế tử. Khi Sâm mất, Trịnh Cán lên
thay, quận Huy phụ chính. Quân kiêu binh giúp Trịnh Tông làm binh biến
giết chết quận Huy, phế bỏ Trịnh Cán và đưa Tông lên ngôi chúa, đổi tên
là Khải.
Trịnh Khải và Trịnh Bồng dù không đủ năng lực nhưng cũng là những người biết cách rút lui .
Trịnh Khải tự vẫn không để mình lọt vào tay Tây Sơn, Trịnh Bồng bỏ đi
mai danh ẩn tích khi biết dòng họ mình không còn đủ uy tín để giữ ngôi
cai trị. Không ai trong họ Trịnh đi cầu viện nước ngoài như những người
đứng đầu các tập đoàn song song tồn tại khi đó là Nguyễn Phúc Thuần
(định cầu viện nhà Thanh), Nguyễn Ánh (cầu Xiêm, Pháp, Bồ), Lê Chiêu
Thống (cầu viện Thanh). Các tập đoàn phong kiến Lê và Trịnh gần như cùng
mất một thời điểm nhưng cách rời bỏ vũ đài chính trị của họ Trịnh
không giống với họ Lê.
(***) Vân Đài : Vân Đài có nghĩa “Đài cao chạm mây”, nơi vua Minh đế nhà Hán sai vẽ hình 28 vị công thần có công gây dựng Nhà Hán.
(1) Trịnh Bồng là
con Trịnh Giang, bác họ của Trịnh Tông. Lúc đầu Bồng được phong làm
Côn quận công. Trịnh Tông thua, Trịnh Bồng lánh nạn ở huyện Văn Giang
(Hải Dương) chiêu tập binh mã đợi thời cơ. Khi Nguyễn Huệ cùng anh là
Thái Ðức Nguyễn Nhạc rút về Nam, Trịnh Lệ liền đem quân qua đò Thanh
Trì kéo về chiếm lại phủ chúa. Ðang đêm, Trịnh Lệ cho nổi trống triệu
tập triều quan đến bàn việc lập Lệ lên ngôi chúa. Việc hấp tấp vội vàng
đã không thành. Vua Lê, sau khi gắn bó với Tây Sơn không muốn chia
quyền cho họ Trịnh như trước nữa, quan hệ giữa Vua Lê và Trịnh Lệ rất
căng thẳng, Trịnh Lệ định mưu thoán nghịch.
Giữa
lúc ấy, một số người thân cận xui Trịnh Bồng viết biểu xin về chầu
vua. Trịnh Bồng bấy giờ đã 40 tuổi, tính nết hiền từ, khoan hậu được
nhiều người mến mộ. Cuối đời, Trịnh Sâm, vì việc lập con trưởng, con
thứ khó quyết, có lúc Sâm định lập Trịnh Bồng để trả lại ngôi chúa cho
anh con nhà bác. Vì thế Sâm cho Thị Huệ nuôi Trịnh Bồng đề phòng thay
Cán nếu Cán mệnh mệt. Trịnh Tông lên ngôi, kiêu binh mấy lần muốn phò
Côn Quận Công Trịnh Bồng, đã vào tận nhà để thúc ép và đón rước, Bồng
đã một mực từ chối. Lúc quân Tây Sơn kéo ra, Bồng chỉ đem theo một đứa
ở, một tên lính lánh vào huyện Chương Ðức, có tính chuyện đi tu. Biết
Trịnh Lệ làm nhiều điều ngang ngược, trái phép, một số quan tìm gặp,
khuyên Trịnh Bồng về triều giúp vua. Thấy Trịnh Bồng vào triều, triều
thần theo giúp, thanh thế Trịnh Bồng ngày càng lớn. Bồng chưa có ý lấn
quyền vua Lê nhưng do bộ hạ thúc giục nên đã nghe theo.
Bồng
đến chầu, vua muốn Bồng trở về nhà cũ, phong làm Tiết chế thuỷ bộ chủ
quân, Bình chương quân quốc trọng sự, Thái uý Côn quận công, cấp 3000
tên lính, 5000 mẫu ruộng và 200 xã dân tộc để phụng thờ họ Trịnh. Bọn
Ðinh Tích Nhưỡng lại muốn Trịnh Bồng làm vương tại
phủ
chúa đời chúa trước kia nên đã nhiều lần gan lì sang xin vua phong
vương cho Trịnh Bồng. Ngược lại, vua Lê kiên quyết từ chối. Cuối cùng do
sức ép của Ðinh Tích Nhưỡng kẻ nắm binh quyền, bất đắc dĩ, vua phải y
theo, phong Bồng làm Nguyên soái, tổng quốc chính, Án Ðô vương.
Trịnh Bồng nhu nhược, lười biếng, không điều khiển được công việc, do đó chính sự lại lọt vào tay Ðinh Tích Nhưỡng. Chúng khuyên Bồng lập lại phủ chúa như xưa, phủ chúa thành một triều đình riêng. Từ đó, vua và chúa ngày càng mâu thuẫn. Vua Lê định cầu viện quân ngoài trấn vào kinh dẹp Trịnh, Trịnh Bồng biết, doạ giết, lập vua khác. Tình thế hết sức nguy khốn. Vua Lê buộc phải cho vời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An cho quân về giúp. Quân Chỉnh vào Thăng Long một cách dễ dàng. Tướng lính Trịnh bỏ chạy. Họ Trịnh từ Thái vương Trịnh Kiểm truyền đến Trịnh Sâm vừa được 8 đời thì xảy ra biến loạn, đúng với lời phán đoán về đất phát tích của tổ tiên họ Trịnh. Ðến án Ðô vương Trịnh Bồng thì nghiệp chúa hết.
Trịnh Bồng chạy thoát, dâng biểu về cho Lê Chiêu Thống viết:
"Kiếp
này sinh ra lỗi thời, gặp lúc nước nhà lắm nạn, rất lo cho việc tôn
miếu xã tắc. Dâng biểu trần tình, rất mong được hoàng thượng cho triều
kiến..."
Vua Chiêu Thống ngậm ngùi:
Tấm
lòng thật thà của Bồng, trẫm đã lường biết, chỉ vì không khéo xử sự
trong lúc gặp biến cố nên mới ra nỗi như thế. Nếu đã nghĩ lại và biết
hối, trẫm sẽ có cách đối đãi, chẳng những giữ được dòng dõi mà cũng
không mất địa vị giàu sang.
Nguyên
lúc đó vua Chiêu Thống bị Hữu Chỉnh lộng quyền, không làm gì được nên
lại có ý hợp tác với Trịnh Bồng. Tuy nhiên, khi Chiêu Thống sai người
đi đón ông, Nguyễn Hữu Chỉnh hay tin, mang quân đánh tan quân của Đinh
Tích Nhưỡng. Nhưỡng thua nặng, không còn thủ hạ, binh khí, bỏ chúa mà
chạy. Trịnh Bồng phải sống lẩn lút ở ven biển và cuối cùng ông bỏ đi tu,
tự xưng là Hải Đạt thiền sư , đi khắp vùng Lạng Sơn, Cao Bằng…
(2) Đinh Tích Nhưỡng : quê làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Ông
là tướng cuối đời Hậu Lê, giỏi về thủy chiến. Được vua Lê và chúa
Trịnh ưu đãi, ông phục vụ tận tâm, được phong tước Liễn Trung Hầu, rồi
thăng Liễn Quận công. Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lần thứ nhất, ông
đem thủy quân ra phía cửa Luộc. Nhưng trước sức tấn công của nghĩa
quân Tây Sơn, phải bỏ thuyền mà chạy. Về sau ông trở mặt làm phản vua
Lê Chiêu Thống, góp phần làm cho cơ nghiệp nhà Lê đổ nát.
Đinh Văn Tả (1602-1685)
là tướng nhà Hậu Lê, người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải
Dương, lập nhiều công trạng từ thời Trịnh Tạc tới Trịnh Căn.
Năm
1645, hai con thứ của Trịnh Tráng là Trịnh Lịch đang trấn thủ Sơn Tây
và Trịnh Sầm đang trấn thủ Hải Dương , muốn tranh ngôi thế tử với Trịnh
Tạc, nhân lúc cha bị ốm bèn dấy quân khởi loạn. Thế tử Trịnh Tạc bèn
cầm quân đi đánh. Đinh Văn Tả được cử làm tiên phong. Trịnh Lịch và
Trịnh Sầm chia quân cắt quân Trịnh Tạc làm đôi. Trịnh Tạc phá được vây
ra trước. Đinh Văn Tả bị hãm trong trận, hai người con bị tử trận. Tả
liều chết chém 18 quân địch khiến quân địch phải dãn ra. Trịnh Tạc thấy
Văn Tả còn sống bèn mang quân quay lại cứu, đánh tan quân địch, bắt
được Trịnh Lịch, còn Trịnh Sầm trốn vào Ninh Giang, sau cũng bị bắt
nốt. Cả hai đều bị xử chém.
Năm
1647, có quân thổ phỉ ở Đông Hải quấy phá. Đinh Văn Tả được làm Đô
tổng binh, giữ việc trấn thủ Yên Quảng, dẹp được quân thổ phỉ.
Năm
1667, chúa Trịnh mang quân đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, Đinh Văn Tả
làm đốc suất. Quân Mạc thua chạy vào vùng Miên Khâu, Châu Lăng hiểm
trở. Đinh Văn Tả mang quân truy kích đến nơi, bắt được 800 quân Mạc.
Mạc Kính Vũ bỏ chạy sang Trung Quốc.
Đinh
Văn Tả nhờ công đó được phong làm quận công. Tháng 2 năm 1668, chúa
Trịnh cử ông làm kiêm trấn thủ mấy trấn vùng biên là Cao Bằng, Lạng
Sơn, Thái Nguyên. Đến tháng 6 năm đó, liền được gia phong làm đô đốc.
Năm
1677, khi đã 75 tuổi, Đinh Văn Tả tiến quân đánh tan Kính Vũ một lần
nữa ở Cao Bằng. Ông thân đốc các tướng 4 mặt đánh thành, phá vỡ quân
địch, chém được mấy trăm quân Mạc. Mạc Kính Vũ bị thua trận, thủ hạ đều
tan vỡ, chạy sang Long Châu (Trung Quốc). Từ đó Mạc Kính Vũ không trở
về Cao Bằng được nữa, đất này trở về với nhà Hậu Lê.
Chúa Trịnh thấy Đinh Văn Tả tuổi cao, liền triệu ông về kinh, giao cho Đặng Công Chất thay ông trấn thủ Cao Bằng.
Vì có nhiều công lao, Đinh Văn Tả được gia phong làm thượng tể, ban cho ruộng 300 mẫu.
Ngày 4 tháng 5 âm lịch năm 1685, Đinh Văn Tả mất ở kinh đô Thăng Long, hưởng thọ 84 tuổi.
Đinh
Văn Tả có hai bà vợ, là hai cô cháu trong một nhà họ Phạm. Bà vợ cả là
con gái nhỏ của vị quan họ Phạm, bà vợ thứ là cháu gái vị đó, cả hai
cô cháu cùng cưới một ngày. Bà vợ cả sinh được 3 trai 1 gái; bà vợ thứ
sinh được 1 trai 1 gái. Hai người con rể ông đều làm quận công.
Con cháu Đinh Văn Tả đều làm quan cho nhà Hậu Lê:
(3) Nguyễn Hữu Chỉnh: (?-1787)
là tướng nhà Hậu Lê. Người huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, Trấn Nghệ
An, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi Nguyễn Huệ ra
Bắc lần thứ nhất, Chỉnh đã bày mưu cho Nguyễn Huệ “phò Lê diệt Trịnh”
thành công, còn làm mai mối cho Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân Công chúa…
Vua
Thái Đức (Nguyễn Nhạc) không muốn Nguyễn Huệ đánh ra Bắc Hà nên thân
hành ra Bắc gọi em về. Nguyễn Huệ biết Nguyễn Hữu Chỉnh là người dễ thay
lòng đổi dạ nên không muốn dung nạp, lập kế đột ngột rút quân về nam.
Nguyễn Hữu Chỉnh biết người ở Bắc Hà ghét mình (vì dẫn đường cho quân
Tây Sơn), sợ bị họ giết nên khi phát hiện quân Tây Sơn rút đi, Chỉnh vội
vã chạy theo. Nguyễn Huệ thấy vậy liền sai Chỉnh trấn thủ Nghệ An là
đất giáp ranh giữa Tây Sơn và đất nhà Lê.
Ở
Bắc Hà sau khi Tây Sơn rút, các tướng ủng hộ họ Trịnh như Ðinh Tích
Nhưỡng Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế nổi dậy, dựng Trịnh Bồng làm chúa
mới, tức là Án Ðô Vương, lại lấn át vua Lê mới là Chiêu Thống (cháu
nội Hiển Tông).
Vua
Lê nghe theo lời các văn thần, liền sai người vào Nghệ An mời Nguyễn
Hữu Chỉnh dẹp họ Trịnh. Được danh chính là lời gọi của vua Lê, Chỉnh
chiêu tập hơn 1 vạn quân,Bắc tiến như chẻ tre. Quân Trịnh do Phan Huy
Ích chỉ huy nhưng bị Chỉnh đánh bại, Ích bị Chỉnh bắt sống. Sau đó quân
Chỉnh tiến thẳng ra Thăng Long, các tướng Trịnh thua trận bỏ chạy, Án
Ðô Vương Trịnh Bồng bỏ đi mất tích. Chiêu Thống sai đốt phủ chúa. Họ
Trịnh từ đó không quay lại ngôi vị được nữa.
Dẹp xong chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Chiêu Thống phong là Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ðại Tư Ðồ, Bằng Trung công.
Các
tướng họ Trịnh cũ vẫn hoạt động chống lại nhà Lê. Nguyễn Hữu Chỉnh một
tay lần lượt đánh bại và giết cả Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế và
Hoàng Phùng Cơ. Cả Bắc Hà khi đó không còn đối thủ, Nguyễn Hữu Chỉnh cậy
quyền thế lại coi thường lấn át vua Lê...
(4) Mạnh Thường Quân: Mạnh Thường quân tên thật là Điền Văn ( 田文 ),
người nước Tề, làm Tướng quốc nước Tề thời Chiến Quốc, và là một trong
Tứ Công tử Chiến Quốc. Điền Văn là con Tướng Quốc Điền Anh. Ông là một
người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, văn
cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách.
Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư Hầu thời bấy giờ.
Hiện
nay, trong tiếng Việt, danh từ Mạnh Thường Quân dùng để chỉ những vị
giàu có, đầy lòng nghĩa hiệp, thường đóng góp nhiều cho các hoạt động từ
thiện../.