Thiên thần áo trắng
Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH
Anh lính lái xe tăng Lê Sơn Ưng bị nhiều vết thương, khi được đưa đến
đội điều trị dã chiến của Bác sĩ Thanh Nga thì những vết thương đã rất
trầm trọng, tuy nhiên thi thoảng vẫn hồi tỉnh và còn nhìn thấy mọi
người, mọi vật xung quanh. Ba ngày sau, những vết thương đã có chiều
hướng tốt và anh lính Sơn Ưng đã tỉnh táo hoàn toàn nhưng đôi mắt cứ mờ
dần và ba ngày sau nữa thì không thể nhìn thấy gì nữa!…
Người được giao nhiệm vụ chăm sóc, điều trị thường xuyên cho Sơn Ưng là
cô Y tá Trần Thị Ninh. Từ khi không nhìn thấy gì nữa, tính tình anh
lính Sơn Ưng thay đổi hẳn khiến cho cô Y tá Ninh rất lo ngại: suốt ngày
cứ ngồi lỳ một chỗ, như người câm, hỏi gì cũng không nói, nếu có nói
chỉ nói mỗi một câu: Tôi muốn được yên tĩnh! Anh ta đang nghĩ gì vậy?
Không thể đầu hàng số phận như vậy được! Khi mới tới đội điều trị, anh
ta rất gan dạ, còn làm gương cho người khác trong việc chống chọi với
sự đau đớn của những vết thương cơ mà? Ninh nói chuyện với Bác sĩ Thanh
Nga thì chị nói: “Em cứ bình tĩnh! Anh ta đang tập làm quen với bóng
tối! Ngoài sự đau nhức của những vết thương khác, anh ta lần đầu bị
bóng tối bao phủ, hành hạ!…Đừng có trách anh ta mà cần dịu dàng hơn,
chăm sóc tốt hơn! Và em nhớ đừng bao giờ quên mình là một Thiên Thần Áo
Trắng, có thể thay đổi được tình trạng thương tật cũng như số phận của
các anh em Thương binh!”.
Lời
nói của chị Thanh Nga đã khiến cô Y tá Ninh bình tĩnh trở lại. Tuy mới
làm Y tá ở Đội điều trị này được hai tháng nhưng cô Y tá Ninh đã không
còn là “Lính mới” nữa mà đã “đầy mình” kinh nghiệm bởi ngày nào cũng
có hai, ba thương binh được đưa tới. Song, không hiểu sao, với anh
chàng Sơn Ưng này, Ninh thấy mình có một cảm xúc khác lạ? Không phải vì
anh ta là đồng hương đất Quan họ Bắc Ninh và khi mới gặp Ninh, anh ta
khẳng định Ninh rất giống người yêu của anh ta, mà mỗi khi thay băng,
tiêm thuốc rồi cho anh ta uống thuốc, Ninh thấy người anh ta có một cái
Mùi rất lạ, nó gần giống như mùi rượu mà mỗi khi bố Ninh uống, Ninh
đều ngửi thấy? Một cảm giác bâng khuâng, nhẹ nhàng mà ngây ngất?
Sang ngày thứ hai kể từ khi
anh lính Sơn Ưng bị hỏng mắt, Cô Y tá Ninh thôi không hỏi chuyện anh
thương binh Sơn Ưng bằng lời nói thông thường nữa mà bằng những bài ca
Quan Họ quen thuộc. Khi cần hỏi anh chàng Sơn Ưng điều gì, chẳng hạn như
đêm qua ngủ có ngon giấc không, các vết thương có còn đau nhức không,
hiện thấy trong người thế nào… thì cô lồng vào những bài ca Quan Họ mà
cô tin chắc rằng anh chàng Thương binh này sẽ hiểu ra ngay! Quả nhiên,
sau nửa ngày vẫn “im như thóc”, anh chàng Thương binh Sơn Ưng bỗng trở
thành một Liền Anh chính hiệu khiến cho tất cả Đội điều trị kinh ngạc
mãi không thôi! Có ba anh chàng thương binh đòi Liền Anh Sơn Ưng “huấn
luyện cấp tốc” để trở thành Liền Anh bởi gần chục cô gái của Đội điều
trị từ chị nuôi, Y tá đến Bác sĩ đều là những Liền Chị rất diệu nghệ!…
Và chỉ sau một ngày huấn luyện cấp tốc, có tới sáu người được cấp chứng
chỉ là Liền Anh xuất sắc! Cả Đội điều trị bỗng như là trở thành một
Làng Quan họ!…
Song, cái “Làng Quan Họ” ấy chỉ tồn tại được một tuần thì hơn một nửa
số thương binh được chuyển về tuyến sau và Đội Điều trị được điều động
tăng cường cho những nơi có chiến sự ác liệt hơn. Anh thương binh Sơn
Ưng nằm trong số những người được chuyển về tuyến sau bởi các vết thương
đã ổn định. Khi chia tay Đội điều trị, thời gian quá gấp gáp khiến Sơn
Ưng và Cô Y tá Ninh không thể “nói hết” những điều cần nói!… Tuy
nhiên, như có một nhà thơ của thế hệ này đã viết: phút chia tay ta chỉ
nắm tay mình / điều chưa nói thì bàn tay đã nói / người đi rồi hơi ấm
còn ở lại / còn bồi hồi trên mỗi ngón tay ta… Và điều kỳ diệu bất ngờ
đã xảy ra: chính vào cái thời khắc chia ly lưu luyến đó, sau câu nói
cuối cùng của cô Y tá Ninh lúc chia tay: “Chúc anh nhanh chóng hồi phục
sức khỏe và cầu Bồ Tát phù hộ cho đôi mắt của anh lại nhìn thấy ánh
sáng như xưa”, thì như là có phép nhiệm màu, đôi mắt của Sơn Ưng lại bừng sáng!…
Sau đó, Sơn Ưng đã không “về tuyến sau” nữa mà tìm về đơn vị cũ, đơn vị
của anh đang chuẩn bị chiến dịch lớn mà Đại đội của anh được chọn là
mũi nhọn xung kích!
* *
Mười
năm sau, cả Bác sĩ Thanh Nga và cô Y tá Trần Thị Ninh cùng chuyển về
làm việc ở Bệnh viện Đa Khoa của tỉnh Bắc Ninh. Bác sĩ Thanh Nga đã lấy
chồng, là một bạn học cũ, người yêu cũ, hiện là một Giám đốc một Sở
của tỉnh. Còn Cô Y tá Trần Thị Ninh thì vẫn ngày ngày ngóng đợi anh
chàng Sơn Ưng…Ngày ngày, cô giở cuốn sổ ghi chép của Sơn Ưng đã tặng cô
lúc chia tay và đã đọc có tới hàng ngàn lần những đoạn nhật ký, những
bài thơ anh đã chép vào cuốn sổ nhỏ, trong đó có bài thơ Đợi anh về mà
cô đã thuộc lòng:
Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi.
…
Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi cứ đợi!
…
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!
Đợi anh anh lại về.
Trông chết cười ngạo nghễ.
…
Vì sao anh chẳng chết?
Nào bao giờ ai biết?
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người.
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi.
…
Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi cứ đợi!
…
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!
Đợi anh anh lại về.
Trông chết cười ngạo nghễ.
…
Vì sao anh chẳng chết?
Nào bao giờ ai biết?
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người.
Biết như em chờ đợi!…
* *
…Một
ngày kia, có một người lính, đeo chiếc ba lô con cóc còn vương bụi
đường, tìm đến Bệnh viện xin gặp cô Y tá Trần Thị Ninh. Nhận được tin,
cô Y tá Ninh chạy như bay ra phòng thường trực, nhưng khi nhìn thấy
người lính, cô đứng sững lại, bối rối vì đó không phải là anh lính Sơn
Ưng của cô! Nhưng người lính kia cứ một mực tự nhận mình là Sơn Ưng và
khẳng định cô Y tá Ninh chính là người mà anh cần tìm, chính là cô Y tá
Thiên Thần Áo Trắng của Đội Điều trị dã chiến nơi anh đã từng tới điều
trị và chính cô đã cầu Bồ Tát cho đôi mắt của anh thoát khỏi sự bao
phủ của bóng tối…Nói tóm lại, người lính nhất quyết khẳng định cô chính
là người đã ước hẹn với anh ngày gặp lại hôm nay! Cô Y tá Trần Thị
Ninh bàng hoàng kinh ngạc không hiểu tại sao lại có người lính này nói
đúng mọi điều suy nghĩ của cô bao năm nay, nhất là khi anh còn hỏi cô
có còn giữ quyển sổ nhỏ mà anh đã tặng cô lúc chia tay, trong đó có bài
thơ Đợi anh về hay không?
Bác
sĩ Thanh Nga cũng được gọi tới để “nhận diện” người lính tự nhận là
Sơn Ưng này. Bác sĩ Thanh Nga nói với Ninh: “Về diện mạo thì rõ ràng
người lính này không phải là cái anh thương binh Sơn Ưng ngày ấy đã
điều trị ở Đội Điều trị của chúng ta. Nhưng những gì anh ta nói thì
ngoài Sơn Ưng ra, không thể có người thứ hai!”. Cô Y tá Ninh nói: “Liệu
có phải đây là một người đồng đội thân thiết của anh Sơn Ưng không?
Anh Sơn Ưng đã kể hết mọi chuyện của mình cho những người đồng đội thì
những người này “vào vai” Sơn Ưng có khó khăn gì?”. “- Nói như thế cũng
phải, nhưng anh ta cứ nhất quyết rằng mình chính là Sơn Ưng thì thật
là khó hiểu?”…
Hai
người đang băn khoăn không biết làm gì thì một người lính khác, cũng
như là vừa từ nơi chiến trường khói lửa trở về, tới Bệnh viện xin gặp cô
Y tá Trần Thị Ninh và điều khiến cho Bác sĩ Thanh Nga và cô Y tá Ninh
lại một phen nữa phải kinh ngạc là người lính này cũng tự nhận mình là
Sơn Ưng!…
Cả Bác sĩ Thanh Nga và cô Y tá Ninh quả là đã hoàn toàn bất lực và rối
trí tới mức sẽ phát điên nếu như không có hai cô Y tá tên là Liên Hương
và Lan Hương tới và cùng nói: “Người ta “vào vai” anh chàng Sơn Ưng
rất giỏi thì chúng em cũng có thể “vào vai” cô Y tá Trần Thị Ninh còn
đạt hơn bởi các chị nhìn lại chúng em xem có giống chị Ninh không?”.
Khi cùng nhìn lại dung mạo của hai cô Y tá Liên Hương và Lan Hương, cả
Bác sĩ Thanh Nga và cô Y tá Ninh đều phải giật mình sửng sốt khi thấy
hai cô gái này thật là giống cô Y tá Ninh! Và đúng như dự đoán của Bác
sĩ Thanh Nga, khi cho hai người lính kia, từng người tiếp xúc với Liên
Hương và Lan Hương thì cứ như là họ mới xa nhau có vài ngày, vài tháng
mà thôi! Họ không những nhận nhau ngay mà còn biểu lộ những cảm xúc rất
mãnh liệt!…
* *
Sang
ngày hôm sau, lại có hai người lính như hai người lính ngày hôm trước,
tới Bệnh viện xin gặp cô Y tá Trần Thị Ninh và đều nhận mình là anh
thương binh Sơn Ưng, người đã từng điều trị ở Đội Điều trị dã chiến của
Bác sĩ Thanh Nga thời kỳ chiến tranh. Như là một sự phản ứng có sẵn,
Bác sĩ Thanh Nga cho tập trung tất cả các cô Y tá của Bệnh viện và ngay
lập tức, không khó khăn gì khi chọn ra được hai người khá giống cô Y
tá Ninh! Và câu chuyện “Sơn Ưng nhân bản” rồi “Cô Y tá Ninh nhân bản”
không biết sẽ đi tới đâu nếu như cô Y tá Trần Thị Ninh không nhận được
điện thoại của gia đình anh lính Sơn Ưng báo tin: gia đình mới nhận
được giấy báo tử của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh nói rõ rằng Sơn Ưng đã hy
sinh!…
* *
Bác
sĩ Thanh Nga, nguyên mẫu của nhân vật Bác sĩ trong truyện ngắn này,
hiện đã nghỉ hưu và đang là thành viên của một nhóm Đi tìm đồng đội, gồm
toàn những cựu chiến binh từ sáu mươi tuổi trở lên . Câu chuyện về mối
tình giữa anh thương Sơn Ưng và cô Y tá Ninh cũng là do Bác sĩ Thanh
Nga kể, đến đoạn khi nhận được điện thoại của gia đình Sơn Ưng báo tin
anh đã hy sinh thì cô Y tá Ninh xin nghỉ việc ở Bệnh viện, về nhà anh
lính Sơn Ưng dự lễ truy điệu rồi vào chiến trường Tây Nguyên tìm hài
cốt Sơn Ưng rồi từ đó không thấy tin tức gì cả…
Sau
khi nghỉ hưu, Bác sĩ Thanh Nga quyết định đi vào Tây Nguyên để tìm cô Y
tá Trần Thị Ninh vì chị thường được cô Y tá Ninh báo mộng rằng cô đã
gặp nạn ở một khu rừng thuộc huyện Đăc Glây thuộc tỉnh Kon Tum. Tôi, tác
giả của truyện ngắn này, ngẫu nhiên gặp Bác sĩ Thanh Nga ở huyện Đăc
Glây khi còn làm báo và đi viết bài về Chương trình Nước sạch Nông thôn ở
tỉnh Kon Tum khi Chương trình này còn do Sở Lao động-Thương binh và Xã
hội tỉnh Kon Tum đảm trách. Khi tôi mới gặp Bác sĩ Thanh Nga, người
phụ trách Chương trình Nước sạch Nông thôn nói: “Bà này còn sung lắm,
trèo đèo lội suối còn hơn cả cánh Nước sạch Nông thôn chúng tôi…Nhưng
hình như bà ta có biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt, đi vào những
cánh rừng bạt ngàn, tìm một vật vô tăm tích, không gọi là tâm thần thì
gọi là gì?”. Tôi đem ý ấy của người phụ trách Chương trình Nước sạch
nói với Bác sĩ Thanh Nga thì chị cười bảo: “Bây giờ có chuyện ngược đời
như thế đấy, người không biết gì về Y học thì lại chẩn bệnh cho Bác
sĩ, cũng giống như chuyện người bạn tôi ở bên Viện Kiểm sát, kẻ phạm
tội lại đi điều tra người tốt, quyết định số phận của người tốt!…Nếu
anh có ý định viết về mối tình của anh lính lái xe tăng Sơn Ưng và cô Y
tá Thiên Thần Áo Trắng Trần Thị Ninh thì hãy đợi tôi tìm được tung
tích của cô Y tá Ninh đã!…Cầu Bồ Tát cho cô Y tá Ninh vẫn còn sống và
sẽ tìm thấy hài cốt của anh lính Sơn Ưng!”…
Khi
tôi gặp Bác sĩ Thanh Nga ở Đăc Glây là từ trước năm 2000. Tôi đợi từ
đó đến nay đã hơn mười năm mà vẫn chưa thấy Bác sĩ Thanh Nga thông báo
kết quả của cuộc kiếm tìm đó. Tôi nghĩ có lẽ vì lý do gì đó mà Bác sĩ
Thanh Nga không muốn báo cho tôi biết kết quả. Nhưng vào những ngày
cuối năm Con Trâu vừa rồi, tôi được Bác sĩ Thanh Nga gửi cho một Email
với nội dung ngắn gọn như sau: “Đã tìm thấy cô Y tá Trần Thị Ninh hơn
một năm nay, nhưng chưa báo cho anh biết vì kết cục rất buồn: cô Ninh
bị lăn xuống vực, bị thương rất nặng, được người dân tộc Giẻ Triêng cứu
sống nhưng đã bị mất trí nhớ hoàn toàn, đang chữa trị bằng mọi cách
nhưng chưa có tiến triển gì!”. Kèm theo nội dung đó là một bức ảnh cô Y
tá Trần Thị Ninh đang ngồi bên một thác nước: đó là một bà già tóc rất
dài nhưng đã bạc trắng như thác nước, đang cười rất vô tư nên không
thể hiểu được một cách chính xác nụ cười đó có bao hàm ý nghĩa gì?
**
Khi
tôi viết tới đoạn trên, có gửi cho Bác sĩ Thanh Nga đọc trước thì nhận
được Email trả lời như sau: “Không hiểu sao tháng nay tôi bỗng nhớ nhớ
quên quên, không nghĩ rành mạch được một chuyện gì cả. Nếu anh quan
tâm thì tôi sẽ gửi cho anh mấy cuốn băng kể chuyện đời lính Quân Y của
tôi, nhớ đâu kể đó…Hy vọng sẽ giúp ích cho anh khi viết về những người
lính Quân Y chúng tôi!…”. Kèm theo nội dung Email là tấm ảnh chụp Bác
sĩ Thanh Nga và cô Y tá Ninh: đó là hai bà già tóc trắng như mây và
cùng cười, hai nụ cười đều rất vô tư nên rất khó đoán ý nghĩa!
Sài Gòn, Tháng 2-2010
Đỗ Ngọc Thạch
ĐUA CHÓ
Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH
Ông
Thành Công và bà Thi Đua đều là cán bộ Công Đoàn chuyên trách của một
tỉnh miền núi phía Bắc và đều đã nghỉ hưu được hai năm. Năm đầu, hai
ông bà còn phải lo giải quyết ngàn lẻ một công chuyện của thời kỳ “hậu
viên chức” nên thực ra chẳng ngày gọi là được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa
của hai chữ này. Năm thứ hai mới là năm hai người thực sự “giành cho
nhau”, tức “yêu nhau trăm phần trăm”! Bởi trước đây, hai người làm ở
hai ngành và đều thường phải đi công tác cơ sở, mà ở cái tỉnh vùng cao
núi non điệp trùng này, mỗi chuyến đi là mất đứt cả tuần, tức mỗi
tháng hai vợ chồng chỉ thực sự gần nhau hai ba ngày sau mỗi chuyến đi
công cán về. Mà ở nhà đâu chỉ có hai người, còn cha mẹ già và đàn con
dại cứ quây lấy như đi đánh trận trong cảnh tứ bề thọ địch, nên mỗi
lần vợ chồng gần nhau chỉ được năm mười phút! Tuy nhiên, cái cảnh hai
vợ chồng già cứ suốt ngày cặp kè bên nhau thì mãi cũng chán! Vì thế,
hết năm thứ hai nghỉ hưu thì cả hai người đều thấy buồn chán, đi ra đi
vào hễ đụng nhau là cãi lộn, chẳng ai chịu thua ai dù chỉ một chữ, bởi
cả hai người đều là cán bộ loại giỏi của Tuyên huấn Công đoàn tỉnh.
Về đường con cái, ông
Thành Công và bà Thi Đua có thể hãnh diện với thiên hạ bởi cả bốn đứa
con đều thành đạt, đứa thấp nhất là thằng út cũng là Thạc sĩ, còn toàn
là giáo sư, Tiến sĩ. Chỉ có điều, con cái của ông bà đều tứ tán bốn
phương, không đứa nào chịu về quê hương tỉnh nhà mà đứa gần nhất tức
thằng út, cũng ở tận Sài Gòn, còn anh chị nó thì đều định cư ở nước
ngoài, thằng cả ở Nga, thằng thứ hai ở Đức và cô con gái thứ ba thì
lấy chồng và định cư luôn ở Pháp. Cả ba đứa con giờ đã là Việt Kiều đều
muốn đón ông bà sang chơi rồi nếu thích thì ở luôn bên đó nhưng vốn là
“dân Tuyên huấn” nên cả hai người đều gặp nhau ở ý tưởng: nước mình
tuy nghèo nhưng ổn định, an toàn nhất thế giới, đừng có thấy người ta
có cuộc sống hào nhoáng mà ham, chỉ cần một cú “bùm” (tức đánh bom liều
chết) là tan thành mây khói hết!
Sang năm nghỉ hưu thứ
ba, hai ông bà Thành Công và Thi Đua tính đến chuyện làm kinh tế, thứ
nhất là tăng thu nhập, thứ hai là có lao động, làm việc thì sức khỏe
mới tốt, mới có thể sống đến ngày nhìn thấy Việt Nam có tàu vũ trụ như
xứ người! Nhưng hai người bàn tính nát nước mà vẫn chưa thể quyết là
làm kinh tế kiểu gì, thuộc lĩnh vực nào, bởi cái nghề Tuyên huấn Công
đoàn giúp hai ông bà biết tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội nhưng biết
là biết ở “tầm vĩ mô” thế thôi, chứ đi sâu vào ngóc ngách của từng nghề
nghiệp, từng lĩnh vực thì hai người đều chưa quen, tức không thể thành
thạo như thợ lành nghề được! Trước đây, người ta thường nói “Một
người biết lo còn hơn một kho người biết làm” là nói về những người như
hai ông bà, lo cho đời sống của hàng trăm ngàn người lao động thì được
nhưng làm một công việc gì đó cụ thể thì không ổn!
Cuộc bàn tính phương
án “làm kinh tế ở tuổi về hưu” của hai ông bà Thành Công và Thi Đua có
lẽ sẽ bàn thảo hàng năm, thậm chí hàng thập niên cũng chưa thể ngã ngũ
nếu như không có sự xuất hiện của cậu con út. Người ta nói “Giàu con
út, khó con út” quả là chí lý. Nhân chuyến đi tham quan Hàn Quốc về,
cậu con út đã tới thăm bố mẹ. Sau khi nghe cả bố và mẹ nêu vấn đề, cậu
út nói ngay: “Chúng ta không thể đánh trận trên bản đồ mà phải ở nơi
chiến địa. Bây giờ bố và mẹ hãy đi cùng con vào Sài Gòn, thực tiễn
thương trường sôi động sẽ nói cho ta biết phải làm gì và làm như thế
nào?”. Cậu con út quả là đã thành “người Sài Gòn”, thế là ngay ngày hôm
sau, tất cả ba người bay ngay vào phương Nam ngập nắng…
**
Tuy là “chân chạy”
nhưng cả ông Thành Công và bà Thi Đua đều không mấy khi đi xa ra khỏi
tỉnh nhà, có đi thì chỉ là đi họp hành, tham quan vài ba ngày trong
“tâm thế” cưỡi ngựa xem hoa, cho nên ngay cả những tỉnh láng giềng kề
cận, hai người cũng chỉ biết một cách “khái quát” chứ đừng nói tới
những tỉnh thành ở miền Trung rồi miền Nam xa xôi, từ cảnh vật đến con
người đều khác xa với mọi thứ đều như trong lòng bàn tay của tỉnh nhà.
Nói đến miền Trung, ông bà chỉ hình dung qua câu ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông cát trắng / đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng cát trắng mênh mông…”.
Đúng là “sống trong cát, chết vùi trong cát”, quả là phi thường! Còn
nói đến miền Nam, ông bà cũng chỉ mường tượng qua cuốn sách rất hay
của nhà văn miền Nam Đoàn Giỏi là “Đất rừng phương Nam” và mấy câu hát
thuộc từ thời khăn quàng đỏ: “Miền Nam em dừa nhiều / miền Nam em dứa nhiều / miền Nam em xoài thơm / miền Nam em khoai bùi…”.
Vợ chồng thằng út nói khi ông bà nghỉ hưu thì vào Sài Gòn ở với vợ
chồng nó rồi chúng nó sẽ dẫn đi tham quan du lịch khắp nơi cho biết,
nhưng cả ông và bà đều cho như vậy là quá xa xỉ, tốn kém, mình là viên
chức nhà nước ăn lương, chỉ đủ sống là may, làm gì có thừa tiền mà đi
du lịch khắp nơi?
Chính vì thế, bây
giờ mới vào Sài Gòn - cái thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc
Viễn Đông” - cả ông và bà đều thấy choáng ngợp. Tuy nhiên, sau một tuần
được hai đứa cháu (con của thằng út) dẫn đi “thực tế” những địa danh
nổi tiếng của Sài Gòn, hai ông bà Thành Công và Thi Đua đã quen dần với
nhịp sống hối hả của cái thành phố năng động nhất nước này. Và rồi cái
cảm giác choáng ngợp ban đầu chỉ còn một nửa bởi tới đâu hai người
cũng đều thấy những hình ảnh rất quen thuộc, rất đặc trưng của Việt Nam
mà ở tỉnh thành nào cũng có: đó là sự luộm thuộm, nhếch nhác, mất trật
tự tới mức hỗn loạn của mọi nơi, mọi lúc và tâm trạng bất an luôn đè
nặng lên những con người yếu đuối, bé nhỏ. Có lẽ bà Thi Đua sẽ không
bao giờ quên được cái cảm giác bàng hoàng khi bà vừa mua cái ví xách
tay rất đẹp, có bao nhiêu tiền mang theo bà cho hết vào, và đúng lúc
bà vui sướng, mãn nguyện cầm cái ví tung tăng vừa đi vừa hát “Hôm nay em tới trường..”
thì thật bất ngờ, như là có một bàn tay ma giật phăng cái ví trên tay
bà và biến mất trong tích tắc!... Còn với ông Thành Công thì còn “đau
hơn hoạn” khi ông đang vỗ về an ủi bà sau khi cái ví xách tay biến mất
thì ông thấy có người vuốt cổ tay ông rất nhanh và cái đồng hồ Seiko
rất đẹp, chạy rất đúng giờ của ông cũng biến mất, để lại cổ tay ông một
vết xước rớm máu! Tuy sau đó, vợ chồng thằng út có “đền bù” cho bà một
cái ví xách tay đẹp hơn nhiều và cho ông một cái đồng hồ mới có hạt
xoàn đắt gấp năm lần cái đồng hồ cũ, nhưng cũng không xua tan đi được
“nỗi buồn Sài Gòn” của cả ông và bà.
Thấy cha mẹ có vẻ
“căm thù Sài Gòn” không tan, cậu út bèn xin nghỉ phép một tuần để đưa
ông Thành Công và bà Thi Đua đi đổi gió, “xả xú-páp”: ba ngày lên rừng,
tức lên Đà Lạt và ba ngày xuống biển, tức đi Vũng Tàu! Nhưng bà Thi
Đua nói: “Đi hai nơi như thế tốn kém quá. Với lại núi rừng thì bố mẹ
còn lạ gì. Vì thế ta chỉ nên đi tắm biển Vũng Tàu thôi!”. Ông Thành
Công tán đồng ngay và nói với cậu út: “Mẹ con nói rất đúng! Dù cho các
con có kiếm được nhiều tiền cũng vẫn phải nhớ phương châm Tiết kiệm là quốc sách”.
Thế là quyết định đi Vũng Tàu. Hai đứa con cậu út bận học nên phải ở
nhà, tất nhiên là cả mẹ nó cũng phải ở nhà với chúng. Chỉ có hai ông
bà Thành Công, Thi Đua và cậu út đi Vũng Tàu mà thôi…
**
Đến Vũng Tàu, người
chủ khách sạn là chỗ “chiến hữu” của cậu út, được cậu út “ủy nhiệm” cho
việc “hướng đạo” chọn điểm đưa hai ông bà đi thăm thú, bởi “bụt chùa
nhà không thiêng”. Người chủ khách sạn nói:
- Đến Vũng Tàu chúng
ta không thể không đi tham quan các di tích Bạch Dinh, trận địa pháo
núi Lớn, đỉnh Tao Phùng với tượng chúa Giesu, thắng cảnh Thích Ca Phật
đài, rồi đùa giỡn với sóng biển thỏa thích!
Cậu út hỏi:
- Nghe nói có cái gì rất mới, độc nhất vô nhị, không đâu có cả?
Người chủ khách sạn
nói ngay như là không chỉ với cậu út, ông Thành Công và bà Thi Đua, mà
như đang thuyết trình trước một đám đông:
- Đến Vũng Tàu bây
giờ, ngoài chuyện tắm biển và du ngoạn phong cảnh, ở thành phố biển
xinh đẹp này còn có một môn giải trí độc đáo và hấp dẫn là đua chó, hay
còn gọi là Greyhound Racing do sử dụng giống chó Greyhound. Giống chó
này có đặc điểm cao, to, mõm nhọn, có tập quán săn bắt theo bầy. Đây
là một giống chó săn có thể hình lý tưởng cho tốc độ, có thể đạt đến
60km/h. Môn đua chó giải trí do Công ty dịch vụ thể thao thi đấu giải
trí (SES-VN) du nhập về Việt Nam, được chính thức cấp phép từ năm 2001
tại TP. Vũng Tàu, hiện là điểm duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Người có công đưa môn thể thao giải trí độc đáo này về Vũng Tàu là một
Việt kiều Úc, ông Nguyễn Ngọc Mỹ. Theo ông Mỹ, giống chó đua có tên
Greyhound, là một loại chó săn có nguồn gốc từ Ireland, sau đó được
người Úc nhân giống, rồi cung cấp cho trường đua chó Vũng Tàu và nhiều
nước khác. Chó Greyhuond có thể đạt đến trọng lượng 22 - 30kg khi
trưởng thành. Khi nhập về Việt Nam, mỗi con Greyhound có giá gần 2.000
USD. Hiện Công ty SES-VN đã nhân giống được chó Greyhound tại một trang
trại ở TX. Bà Rịa, cũng là trung tâm huấn luyện chó đua và đang sở
hữu khoảng 800 chú chó đua.
Chó đua khi mở mắt
chào đời được theo dõi kỹ lưỡng trong khu sinh sản. Một bộ phận đặc
biệt đặt tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu làm khai sinh và đặt cho chó những
cái tên rất... đẹp như Cát Tường, Chiến Phong, Phi Phụng, Hoàng Gia,
Tiểu Phương, Hằng Nga, Phú Long... Một tháng sau, các “quý tử” rời khu
sơ sinh để bước vào trại “thanh thiếu niên”. Ở đây, chúng được ăn uống
theo chế độ “tăng cường sinh lực” (thịt kanguru và thức ăn khô hiệu
Pedigree) để chóng lớn. Khi chó được 4 tháng tuổi, có trọng lượng từ 3
đến 14kg là thời điểm để các nhà chuyên môn bắt đầu tuyển chọn và huấn
luyện thành chó đua với những bài tập rất khắt khe. Hàng ngày, chó
được đưa vào hồ tắm để tập lội nước, được đưa ra đường chạy để tập
đua, làm quen với trường đua, ánh đèn và tiếng ồn để không hoảng sợ khi
bước vào đua chính thức có sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả... Sau 5
tháng huấn luyện, chó có thể tham gia đua và tuổi thọ đua được trong
khoảng 4 năm. Nếu tính bình quân, mỗi “tay đua” có cơ hội “ra sân” hơn
100 lần trong đời, tức 1-2 tuần/lần. Trước ngày đua, chó được ăn khẩu
phần đặc biệt, 2 bữa/ngày với 100 gr thịt kanguru (nhập từ Úc) và 100
gr thức ăn khô Pedigree; được massage trước và sau giờ thi đấu. Hàng
tuần, khoảng 80 chó đua được chọn vào trường đua là sân vận động Lam
Sơn ở TP Vũng Tàu. Chúng ta sẽ đến sân vận động Lam Sơn số 15 đường Lê
Lợi để thưởng thức môn đua chó có một không hai ở Việt Nam, để cùng
hồi hộp, thót tim với những bước chân của các “vận động viên” khuyển
trong suốt 3 tiếng đồng hồ, từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 tức 10 lượt đua.
Sân vận động Lam Sơn được thiết kế vòng đua rộng 6 mét, từ khán đài,
ta có thể quan sát được từng sải chân của các chú chó. Ôm theo vòng
đua, người ta xây một đường trượt để cho một con “thỏ mồi” chạy phía
trước. Do có mùi “đáng ghét” nên “thỏ mồi” này sẽ hút các “vận động
viên chó” đuổi theo như trong một cuộc săn thật sự. Đường chạy cho chó
cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Quan trọng nhất là lớp cát phủ lên bề
mặt. Cát được xử lý theo mẫu lấy từ trường đua của Úc: Không được mềm
quá (chó sẽ bị lún, không chạy nhanh được) và cũng không được cứng quá
(chân chó nếu bị trầy xước sẽ bị nhiễm trùng).
Sau khi phát lệnh,
một con “thỏ mồi” được gắn trên đường trượt quanh đường đua sẽ chạy
trước với tốc độ luôn nhanh hơn các chú chó nhưng khoảng cách không quá
xa để các vận động viên chó đuổi theo. Mỗi vòng đua dài 450m, có 8 chú
chó tham gia. Với quãng đường này, chó đua chạy hết 27-30 giây, với
vận tốc gần 60km/giờ, nhanh hơn tốc độ của một vận động viên điền kinh.
Con nào về đích trước thì sẽ thắng cuộc. Bên cạnh việc xem chó đua,
nhiều người rất thích tham gia chương trình dự thưởng để cho cuộc đua
thêm hồi hộp, hấp dẫn. Có 3 loại thắng giải áp dụng cho mọi đợt đua là
Win, Exacta và Trifecta. Thắng nhất là Win nếu con chó mà bạn chọn về
nhất. Thắng nhất, nhì (Exacta) là 2 con chó bạn chọn về nhất, nhì và
thắng nhất-nhì-ba (Trifecta) là thắng đậm nhất nếu cả 3 con bạn chọn
đều đứng về 3 thứ hạng đầu có thể bạn sẽ giành trọn tiền thưởng (tùy
thuộc vào số người cùng chọn và số tiền dự thưởng). Trước khi chọn chó
để đặt thưởng, chúng ta sẽ được phát một cuốn tài liệu có giới thiệu
khá chi tiết về từng chú chó, từ những thành tích tốt, xấu đến tình
trạng sức khỏe, cuộc đua gần nhất có tham gia… sẽ giúp ta dễ dàng
quyết định chọn lựa. Cái cảm giác thăng hoa khi chú chó mà ta chọn
thắng cuộc sẽ thực sự khiến chúng ta bùng nổ, kiểu như đội bóng mà ta
yêu thích chiến thắng trong từng trận đấu. Trong khi chó đang trên
đường chạy, người xem có thể thoải mái la hét, cổ vũ cho chú chó mình
yêu thích, cũng là một cách giảm stress khá hiệu quả. Mỗi vòng đua có 8
con tham dự. Người xem có thể đặt cược tùy ý cho con về 1, cặp về 1-2
(đúng theo thứ tự), 1-2-3 ... Tỉ lệ ban đầu tùy theo thành tích trước
đây mỗi con, và sẽ thay đổi theo số tiền thực tế người xem đang đặt cho
đến khi bắt đầu đua. Ví dụ càng nhiều người cùng đặt cho một con về 1
thì tỉ lệ ăn của con này sẽ giảm dần, càng ít người đặt thì tỉ lệ càng
cao. Sau khi các tay đua trình diện và vào chuồng, Nhà cái ngưng nhận
đặt cược, bắt đầu vòng đua. Một con mồi giả hình con thỏ, màu đỏ chạy
phía trước và các tay đua sẽ lao theo, như là một cuộc săn thỏ. Giá vé
là 20.000 và 50.000 VND, 20.000 đồng là ngồi ở khu vực khán đài,
50.000 là khu vực VIP. Công ty SES-VN đã đầu tư 7 triệu USD cho mô hình
này. Cho đến nay, đua chó ở Vũng Tàu vẫn là môn giải trí được xây dựng
đầu tiên ở Đông Nam Á. Công ty SES-VN dự định đầu tư thêm 6 trung tâm
kiểu này ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ...
Người chủ khách sạn
quả là có năng khiếu thuyết trình, khiến cho hai vợ chồng ông Thành
Công và bà Thi Đua vốn là những chuyên viên cao cấp của cái “nghề uốn
ba tấc lưỡi” này cũng phải ngạc nhiên vì mình đã bị cuốn hút vào bài
thuyết trình từ lúc nào! Và đến khi đặt chân vào sân vận động Lam Sơn,
cả ông Thành Công và bà Thi Đua đều cảm thấy mình như là “người trong
cuộc” chứ không còn là “người xa lạ” như dự cảm ban đầu nữa!
**
Sau chuyến đi Vũng
Tàu, cậu út của ông Thành Công và bà Thi Đua đề xuất nhiều phương án
“làm ăn” cho bố mẹ, mới nghe thì rất hay nhưng khi bàn kỹ thì không
phương án nào khả thi! Xem ra, cậu út chỉ giỏi lý thuyết, đúng như cái
chức danh giáo viên về kinh tế học mà cậu đang đảm nhiệm, tức cũng
thừa hưởng nhiều cái tố chất “lý thuyết gia” từ bố và mẹ! Thực ra, sự
vững chắc và có chiều hướng ngày càng khởi sắc của kinh tế gia đình cậu
út là nhờ cả vào người vợ tài ba: chưa tới ba mươi tuổi mà đã là giám
đốc chi nhánh một Ngân hàng lớn. Chờ cho cả ba người, tức ông Thành
Công, bà Thi Đua và cậu út tới phút không biết nói gì nữa, bà Giám đốc
trẻ mới nói: “Sao ta không biến dự định đầu tư thêm 6 sân vận động đua
chó mà Công ty SES-VN chưa thực hiện được thành hiện thực? Con tin
rằng nếu bố và mẹ triển khai cái trò đua chó ở ngoài Bắc như ở Vũng Tàu
thì sẽ thắng lớn. Trước mắt, ta chỉ khởi động một vòng đua với một tốp
8 vận động viên chó đua Greyhound, sau đó sẽ tăng dần lên. Vốn đầu tư
con sẽ lo hết!”. Như mọi khi, nghe Giám đốc vợ vừa nói dứt lời, cậu út
đã reo lên như là trúng số đặc biệt! Còn ông Thành Công và bà Thi Đua
thì không biết nói sao bởi trong đầu hai người cứ hiện ra không thôi
cái hình ảnh những vận động viên chó đua Greyhound đang phi như đoàn kỵ
binh của Thành Cát Tư Hãn!...
Cô con dâu Giám đốc
là “con người hành động” nên những lời nói của cô sau ba ngày đã thành
“một nửa hiện thực”: 8 vận động viên chó đua Greyhound đã được “đóng
đai đóng kiện” đưa ra gửi ở toa tàu chở động vật trên tàu Thống nhất
để đi ra Bắc. Còn việc ông Thành Công sẽ làm Giám đốc cái “Công ty đua
chó” (đó là gọi vắn tắt, còn khi khai trương ra mắt trước bàn dân thiên
hạ thì nó cũng sẽ có một cái tên đầy đủ dài dòng như ở Vũng Tàu: Công
ty dịch vụ thể thao thi đấu giải trí) ấy như thế nào thì cô con dâu
Giám đốc đã cho một trợ thủ của mình biệt phái ra giúp khoảng một
tháng, mọi việc sẽ đâu vào đó!
**
Ngồi trên con tàu
Thống Nhất trở ra Bắc, không hiểu sao đầu óc ông Thành Công cứ như bị
một bàn tay bí ẩn nào đó sắp xếp lại vị trí của các dây thần kinh? Rồi
ông liên tục gặp những ác mộng, mà toàn là những câu chuyện không đầu
không cuối? Phải mãi khi con tàu qua cố đô Hoa Lư, tức địa phận tỉnh
Ninh Bình, cơn ác mộng mới hiện ra một cách thứ tự, lớp lang rõ ràng,
nhưng sao mà thật kinh hoàng? Khi tàu tới ga Thường Tín, tức ngoại
thành Hà Nội, cơn ác mộng kinh hoàng ấy lại hiện ra, khiến ông toát mồ
hôi, ôm chặt lấy bà vợ mà nói như rên: “Không được hại vợ tôi!...
Không được hại…vợ…tôi!...”. Bà Thi Đua thấy ông chồng mình như vậy thì
hốt hoảng, vừa lay vai ông, vừa hỏi dồn: “Ông làm sao vậy? Ông gặp ác
mộng gì? Ai hại tôi?”. Ông Thành Công vẫn hoảng sợ ôm chặt lấy bà vợ,
úp mặt vào ngực vợ như muốn lẩn trốn những hình ảnh ma quái trong cơn
ác mộng. Và khi ông nghe rõ tiếng tim vợ đang đập dồn như trống làng
thì ông bừng tỉnh và nói với bà Thi Đua: “Chúng ta xuống tàu ngay! Tôi
muốn tránh xa cái con tàu này, ở toa súc vật có 8 con chó Greyhound!”.
Có vẻ như bà Thi Đua đã đoán ra cái gì đã làm ông chồng mình khiếp sợ
như vậy: 8 con chó Greyhound! Bà liền nhanh nhẹn dìu ông Thành Công
xuống ga Thường Tín và thuê một chiếc Taxi đưa ông về nhà…
Phải gần một giờ sau,
ông Thành Công mới hoàn toàn tỉnh táo. Bà Thi Đua hỏi ngay: “Ông nhìn
thấy gì trong cơn ác mộng?”. Ông Thành Công giật mình thảng thốt nhìn
bà vợ rồi ôm chặt lấy bà, nói nhỏ: “Tôi nhìn thấy 8 con chó Greyhound
ấy nó làm trò đồi bại với bà!”. Vừa nói xong, ông Thành Công lại ngất
xỉu trên tay bà Thi Đua!
**
Ngay ngày hôm sau,
cô con dâu giám đốc gọi điện ra hỏi thăm và báo ba ngày nữa thì người
trợ lý sẽ bay ra. Ông Thành Công liền nói với cô con dâu: “Bỏ dự án đua
chó ấy đi vì người không thể sống chung với chó! Cũng như vậy, bố vẫn
giữ quan điểm người không thể sống chung với lũ!”.
Đỗ Ngọc Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét