nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/truyen-ngan/do-ngo...
16 Tháng Năm 2011 ... TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH ... Năm người này, cùng với tôi là sáu, còn có đặc điểm giống nhau nữa là không phải thuộc nhóm ...
tapchivan.com/tin-ly-luan-van-nghe-truyen-ngan---nhung-...
5 Tháng Ba 2012 ... Với tư cách là một thể loại độc lập, truyện ngắn (short story) xuất ..... (6) Đỗ Ngọc Thạch,Truyện ngắn – đặc trưng thể loại, www.phongdiep.net ...
blog.yume.vn/xem-blog/10-truyen-ngan-cua-do-ngoc-thach-...
5 Tháng Chín 2011 ... YuMe.vn - Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH ... yên ổn, rồi sẽ tính sau, đại loại Thơ sẽ xin chuyển sang bệnh viện khác. .... (do địa điểm đóng quân bị không kích – ném bom) thì quả là không thể nói ..... phố Tạ Hiền – một con phố của người Hoa, chuyên bán đồ ăn đặc sản, ...
www.vanchuongviet.org/index.php%3Fcomp%3Dtacpham%26acti...
22 Tháng Ba 2009 ... Các truyện khác trong hai tập truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch và khá ... Và chỉ trong 1.289 từ nhưng, xét về thể loại, đây là một truyện ngắn trọn vẹn ..... cưỡng chống quy luật của thực tế, thì - với điểmnhìn đặc biệt - nó là ảo.
Trích đăng:
Lý luận văn nghệ
Truyện ngắn - những đường biên thể loại
"Not that the story need be long, but it will take a long while to make it short" (Không cứ câu chuyện phải dài, nhưng sẽ mất một thời gian dài để làm cho nó ngắn đi)
- Henry David Thoreau –
1. Truyện ngắn – thể loại của thời hiện tại
Với tư cách là một thể loại độc lập, truyện ngắn (short story) xuất hiện tương đối muộn, vào khoảng thế kỷ XIX. Điều này có thể làm không ít người ngạc nhiên, vì xét mức độ phổ biến cũng như khả năng tự vận động, tự phát triển, đặc trưng năng động thể loại, truyện ngắn phải ra đời sớm hơn. Từ khi xã hội loài người hình thành khả năng giao tiếp và xu hướng lưu giữ những giá trị mình tạo lập, truyện ngắn hẳn đã có mặt, dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Những câu chuyện Kinh Thánh, chuyện kể nghìn lẻ một đêm của nàng Scheherazade, những chuyện tiền thân Đức Phật trong tập Jataka… là những biểu hiện sơ khai của lối trần thuật ngắn, gợi mở một hình thức kể chuyện nén gọn nhưng có hiệu quả tác động khá mạnh mẽ.
Truyện ngắn là “Tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.”(1) Như vậy, ấn tượng mà truyện ngắn để lại, thứ nhất nằm ở hình thức (dung lượng), thứ hai là nằm ở khả năng tác động mạnh mẽ và tức thì. Điều này được Edgar Allan Poe – người được tôn vinh khai sinh ra truyện ngắn hiện đại – đã nêu trong Triết lý về soạn tác (The Philosophy of Composition): “Nếu như một tác phẩm văn học quá dài, không thể đọc được một lèo, chúng ta bỏ mất hiệu quả quan trọng phát sinh từ sự thống nhất ấn tượng – bởi vì, nếu như phải đọc làm hai lượt (hai lèo), những công việc trên đời này sẽ xen vào và cái tổng thể lập tức bị phá hủy”. Với định nghĩa này, ngay từ thế kỉ XIX, Poe đã chỉ ra được một đặc trưng rất lớn của hình thức trần thuật ngắn này, cho đến nay các nhà phê bình hiện đại vẫn xem đây như một cái chuẩn để nghiên cứu truyện ngắn cũng như khẳng định ưu thế của nó so với thể loại đầy sức mạnh là tiểu thuyết. Đặc trưng khu biệt ấy là sự tinh lọc, nén gọn, khi mà tác giả tập trung khắc họa chỉ một sự kiện nhỏ, một thời điểm hoặc một khoảng khắc ngắn. Trong khi một cuốn tiểu thuyết thường phải diễn tả nhiều sự kiện, nhiều thời điểm khác nhau, số lượng nhân vật, tình tiết thường phải đông đảo, thì một câu chuyện ngắn lại có xu hướng giản lược những yếu tố ấy.
Truyện ngắn cũng cho phép và khuyến dụ người viết thử nghiệm các phương pháp, hình thức mới. So với việc phiêu lưu trong một thời gian gian dài với một cuốn tiểu thuyết, việc “chơi” với một câu chuyện ngắn có lẽ có sức quyến rũ hơn. Chính trong sự phát triển thể loại truyện ngắn người ta dễ cảm nhận được sự uyển chuyển và khả năng thích nghi nhanh chóng của nó với thời đại, với các trào lưu. Truyện ngắn hiện đại ngày nay đã cho thấy khá nhiều cách tân và thể nghiệm táo bạo, vượt ra ngoài những giới hạn, phá vỡ hoàn toàn cấu trúc năm màn truyền thống, thậm chí truyện mà không có chuyện. Chẳng hạn, truyện của Jorge Luis Borges, tác giả nổi tiếng người Argentina, hay nhà văn Mỹ Donald Barthelme thu hút độc giả bởi những hư cấu rối rắm và rời rạc, thực và phi thực, đầy đủ và đứt quãng, liên tục và chắp ghép, thậm chí sử dụng cả những chất liệu khắp nơi trong đời sống văn hóa đại chúng...
Xét về mặt lý thuyết thể loại, giữa những hình thức sơ khai thời xa xưa và những dạng thức truyện ngắn thời nay thật ra cũng không mấy cách biệt. Trong hình thức nén gọn của mình, truyện ngắn có thể uyển chuyển thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống và biến đổi linh hoạt kịp thời với nhịp đời trôi chảy. Nó không có tham vọng thâu tóm mọi hiện thực, không nhắm đến sự hoàn hảo. Truyện ngắn đôi khi chỉ là một buổi chiều, một giấc mơ, một tiếng thở dài, một mảnh vỡ đâu đó của tâm hồn… “Nó cắt ra một mảnh nhỏ của hiện thực, đặt mảnh ấy vào trong những giới hạn nào đó, nhưng nhờ vậy tác phẩm sẽ bung ra như một cú nổ làm mở toang một hiện thực rộng lớn hơn rất nhiều”(2). Điều đó có nghĩa là, truyện ngắn dĩ nhiên phải ngắn, nhưng không hề là sự rút gọn của một truyện dài, mà thực sự như một bài haiku “một sự tình vắn tắt đã tìm được hình thức vừa vặn với mình” (Roland Barthes). Nhân loại gặp nhau trong một chén trà. Sự va chạm của muôn vàn phương diện cuộc sống đều được thể hiện trong hình thức trần thuật ngắn gọn. Sức hấp dẫn của truyện ngắn là ở điểm ấy, khi nó không tự gói mình trong cái áo chật hẹp của hình thức và của thể loại, mà luôn chứa đựng sức khai phóng tiềm tàng. Ngay cả những truyện ngắn được cho là “không có gì để kể”, nó vẫn có một độ căng hiện thực nhất định và khả năng bùng nổ.
Thể loại truyện ngắn đang ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Phương thức căn bản để cấu trúc một truyện ngắn có sự thay đổi đáng kể. Thay vì chọn lựa những chuyện ly kỳ, hấp dẫn, gây bất ngờ như truyện ngắn thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỉ XX (Edgar Poe hay O’Henry chẳng hạn), những cây bút hiện đại tỏ ra ưa chuộng hơn những sự kiện đời thường nhưng được trình diễn bằng một lối kể tinh xảo, không dành cho loại độc giả đọc vội. Trong những truyện ngắn của Hemingway như Rặng đồi tựa đàn voi trắng, Một nơi sạch sẽ và sáng sủa… thật ra chẳng có hành động cụ thể nào diễn ra. Hay như các truyện trong lòng bàn taycủa Kawabata, cũng không dung chứa sự kiện gì đáng kể, chỉ là một gì đó mơ hồ, một cảm xúc bảng lảng, giống như những rung động thơ ca.
Chính những biến đổi sâu sắc của thể loại truyện ngắn khiến cho mọi định nghĩa về nó trở nên chật hẹp và mọi tiêu chí đưa ra không được thỏa mãn trọn vẹn. Thế nhưng, đó lại chính là điểm mạnh của truyện ngắn, khẳng định tính đa dạng, sức sống mạnh mẽ của thể loại này trong thời đại ngày nay.
Có thể gọi truyện ngắn là thể loại của thời hiện tại. Bởi mọi định nghĩa về nó vẫn chưa được hoàn thiện. Và cái chính, tác động của truyện ngắn là tức thời và liền mạch. Nó tạo một lát cắt, bất ngờ đặt người đọc vào đâu đó giữa lòng cuộc sống rồi cứ thế đẩy anh ta đi tiếp. Truyện ngắn không đòi hỏi người đọc phải bao quát được nhiều tầng của hiện thực, nó chỉ là một khoảnh khắc được ngưng đọng, một tia sáng được soi chiếu, thành ra người đọc dễ dàng đến với truyện ngắn trong bất cứ thời gian nào, bối cảnh nào. Ký ức nó để lại bao giờ cũng tươi rói và đầy ấn tượng, trong khoảnh khắc ấy, phút giây ấy. Cho nên, không đầy sự hoài vọng như thơ hay tùy bút, không vươn mình kể những gì dài rộng như tiểu thuyết, truyện ngắn thản nhiên bày biện một cách gọn ghẽ một hiện tại hiện tồn. Dường như, truyện ngắn là thể loại thích hợp hơn cả để thể hiện những đoạn cắt cuộc đời. Bởi quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa tới, những mảnh vụn tâm tình chỉ có thể dành cho hiện tại.
Hơn thế, trong nhịp sống hối hả ngày nay, con người có chút ít thời gian để lật vội những trang báo, tạp chí hay kích chuột trên màn hình vi tính để tìm đọc những sáng tác văn chương, truyện ngắn trở thành thể loại “hợp thời” và cần thiết cho công cuộc duy trì văn hóa đọc của quần chúng.
2. Truyện ngắn – nơi gặp gỡ của nhiều thể loại hay là khả năng biến hóa của chính nó
Lịch sử phát triển của văn học cũng là lịch sử phát triển của thể loại. Các thể loại, dù có những đặc trưng riêng, vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau, xâm nhập vào nhau. Ngay cả khi Aristole phân chia văn bản văn học thành các thể loại tự sự (epic), trữ tình (lyric) và kịch (drama), thì các hình thức đó vẫn cứ giao thoa, vay mượn và thẩm thấu lẫn nhau. Iliad,Odyssey, Mahabharata… là những truyện kể bằng thơ, các tản văn Tiên Tần xuất hiện dưới hình thức văn – sử – triết bất phân, các truyện vật ngữ (monogatari) Nhật Bản dù được xem là tiểu thuyết nhưng vẫn pha trộn thơ ca, lịch sử trên cả phương diện hình thức lẫn nội dung…
Đối với truyện ngắn, hiện tượng giao thoa thể loại này có thể được tìm hiểu trên nhiều mối quan hệ. Trong các định nghĩa về truyện ngắn thường có liên hệ đối sánh với thể loại tiểu thuyết và truyện vừa. Sự nhập nhằng giữa việc đánh giá thế nào là ngắn – dài, thế nào thì được coi là tiểu thuyết, truyện vừa hay truyện ngắn phần nào dẫn đến việc mờ nhòe lằn ranh giữa các thể loại. Thêm vào đó, xu hướng “truyện ngắn hóa” trong nhiều tiểu thuyết hiện đại (chẳng hạn tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI có nhiều tác phẩm có dung lượng khá gọn, trong khoảng 100 – 300 trang, như Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn… của Nguyễn Bình Phương, Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Tấm ván phóng dao của Mạc Can, Chinatown của Thuận, v.v(3) cũng cho thấy sự gặp gỡ, gần gũi giữa những thể loại này. Tuy nhiên, cái giống và khác giữa truyện ngắn và tiểu thuyết không phải nằm ở dung lượng dài – ngắn, mà ở đặc trưng của nguyên tắc phản ánh. Nếu tiểu thuyết mở rộng biên độ phản ánh, việc thiết lập (settings) thường phong phú, đa diện thì truyện ngắn chọn lấy một nút thắt, đi thẳng vào trung tâm xung đột (có thể là xung đột xã hội hoặc xung đột tâm lý), từ đó bung ra, đập mạnh vào ấn tượng người đọc. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu lý luận văn học đã phân biệt rõ “sự khác nhau giữa tiểu thuyết và truyện – ngắn là sự khác nhau về thể loại (kind). Một truyện – ngắn thực sự là cái gì đó khác hơn chỉ là một câu chuyện mang đặc điểm ngắn. Một truyện – ngắn thực sự khác với tiểu thuyết chủ yếu ở sự duy nhất về ấn tượng cốt lõi của nó. Diễn đạt một cách chính xác và đúng đắn hơn là một truyện – ngắn có sự duy nhất mà tiểu thuyết không thể có.”(4) Tuy nhiên, nhiều tiểu thuyết hiện đại đang có xu hướng nén gọn lại, “đại tự sự” không còn là khát vọng thường trực trong nhà văn, là chuẩn mực để xây dựng những tác phẩm vĩ đại kiểu Chiến tranh và hòa bình hay Sông Đông êm đềm. Ước muốn tái hiện một bức tranh hiện thực rộng lớn đã nhường chỗ cho những mảnh vỡ của đời thực, cho những khoảnh khắc nội tâm, cho những thân phận hạn hẹp, điều đó đưa tiểu thuyết và truyện ngắn đến gần nhau hơn.
Nhưng “thể loại gần nhất với thơ trữ tình là truyện ngắn” (Frank O’Connor)(5). Đọc Hoa muộncủa Phan Thị Vàng Anh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, hay Hai đứa trẻ của Thạch Lam “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru…”, dễ dàng nhận thấy một chất thơ bàng bạc, thậm chí có người nhận định đó là những bài thơ văn xuôi. Về cơ bản, sự ngắn gọn, người đọc có thể tiếp thu một mạch, trong giây lát là yếu tố đầu tiên khiến cho truyện ngắn gần với thơ. Thêm vào đó, lối viết của truyện ngắn cũng như thơ phải phát triển quanh một cái “tứ” độc đáo, phác ra những ý cơ bản, rất mờ ảo, để người đọc tự cảm nhận và đồng sáng tạo. Vậy nên, rất nhiều nhà văn tự nhận đã khởi sự với thơ và tin rằng văn xuôi ở đỉnh cao thăng hoa tuyệt mỹ thì chính là thơ vậy. Ví dụ như Kawabata luôn thích viết những truyện rất ngắn mà ông gọi là “truyện trong lòng bàn tay” – những tác phẩm chứa đựng sự quan sát tinh tế, những xao động u uẩn và ảo diệu, sự đắm chìm trong lòng vạn vật để tìm ra điều gì đấy tựa như tia sáng của cái Đẹp và tinh thần nhân bản, một cuộc tìm kiếm vô tận trong cõi thâm u cả tâm cảm. Mỗi truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata gợi nhắc bài haiku từ những thế kỷ XVII. Không chỉ bởi thi pháp của nó. Mà có lẽ từ hồn thơ Kawabata vấn vương từ thuở trẻ tuổi. Như một lời tự bạch của ông: “Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca, còn tôi, thay vì thơ ca, tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay… Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống sót trong những câu chuyện ấy”. Hồn thơ của người lữ khách triền miên trên hành trình đi tìm cái Đẹp đã gieo vào những câu chuyện ngắn một không khí thâm trầm, hòa lẫn nhiều tri giác, một thế giới của sự sống và cái chết phảng phất trong ngôn ngữ u uẩn, mong manh. Cái tinh túy của tinh thần Nhật Bản và ngòi bút tài hoa kỳ lạ của Kawabata dồn đọng trong tác phẩm, ngân lên ở cõi nhân gian với rất nhiều cảm thức đặc biệt. Như một tuyết lạnh, một đốm lửa trong màn đêm, một cánh anh đào hay đôi giày mùa hạ “nở hoa trắng trên bãi cỏ khô”… Mỗi hình ảnh xuất hiện trong truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata đều đọng lại trong lòng người đọc những rung cảm xao xuyến và cả những thảng thốt, ám ảnh.
Mưa phùn mùa xuân không đủ ướt vạn vật. Nhẹ như sương móc, chỉ thấm ướt làn da trong sáng. Người thiếu nữ chạy ra nhìn chiếc dù của chàng thiếu niên ngỡ ngàng:
- Trời mưa hay sao?
Người thiếu niên mở dù để giấu che niềm xấu hổ khi đi ngang cửa hiệu có người thiếu nữ đang ngồi, hơn là vì mưa.
Nhưng anh lặng lẽ hướng dù về thân thể cô gái. Và nàng, chỉ một bờ vai ẩn dưới mái dù của anh.
(“Mưa phùn” – Kawabata Yasunari – Hoàng Long dịch)
Nói chung, cái tạng của truyện ngắn rất gần với thi ca, nó gần như một cấu trúc đặc biệt của thơ vậy. Giọng điệu, sự trùng điệp, cấu trúc vòng tròn trong truyện gợi sự liên tưởng đến phương thức thể hiện của thơ. Đặc biệt, thế giới bên trong của truyện ngắn thường là những cảm hứng sâu lắng về cuộc đời, tình người, đọng lại những tình cảm tinh tế, mờ ảo, lấp lánh nỗi niềm suy tư, trăn trở về nhân thế. Chính chất trữ tình sâu lắng trong nhiều tác phẩm truyện ngắn (ví dụ của K. Paustopski, Y. Kawabata…) mà chúng ta gọi là “chất thơ” giúp cho đặc trưng của thơ và truyện ngắn, nhất là truyện cực ngắn (nhỏ gọn như một bài thơ, phát triển quanh một “tứ” độc đáo) có sự thẩm thấu một cách tinh tế, như một nhận định: “Ranh giới giữa truyện cực ngắn và thơ thật mờ. […] nhiều người đã nghiệm thấy truyện ngắn gần với thơ hơn là với tiểu thuyết: yếu tố chủ đạo trong truyện ngắn, đặc biệt truyện thật ngắn, nằm trong không khí truyện hơn là bản thân câu chuyện.”(6)
Bởi dung lượng gọn ghẽ của mình, truyện ngắn ngày nay được dung dưỡng trên báo chí. Các cuộc thi sáng tác trên phương tiện truyền thông thường có xu hướng nhắm đến truyện ngắn. Qua các phương tiện báo chí và báo mạng trực tuyến, truyện ngắn lại càng có xu hướng ngắn hơn. Điều này phần nào tác động đến sự biến đổi của truyện ngắn, trên bề mặt và cả trong cấu trúc văn bản. Xuất hiện nhiều truyện ngắn mang yếu tố thời sự, lấy đề tài từ loại “tin vặt”, rất phổ biến trên báo chí(7).
Mượn hình thức mini của “mẩu tin”, thậm chí cả những tình tiết truyện giống như các tin tức thời sự, nóng hổi đăng đầy dẫy trên các mặt báo, truyện ngắn xây dựng một nghệ thuật kể chuyện độc đáo, dồn tụ các yếu tố bình thường, ngẫu nhiên trong một mạch ngầm của những ẩn dụ, biểu tượng, phúng dụ… để gieo vào người đọc một ấn tượng “bàng hoàng”(8). Đọc Trong rừng trúc của Akutagawa Ryunosuke, chúng ta thấy cốt truyện một vụ án cưỡng hiếp – giết người thường xuất hiện trên các mục tin tức báo, mọi yếu tố cảm xúc, chủ quan đã bị lược bỏ đáng kể, các tình tiết cũng được cô đọng đến mức chỉ là cung cấp thông tin. Toàn bộ tác phẩm chắp ghép từ những lời khai khác nhau của các nhân vật, hình thức truyện gần như một biên bản, một ghi chép những lời các nhân chứng, nghi phạm, thủ phạm và nạn nhân khai với quan kiểm sát. Nhân vật hiện lên không có số phận riêng, không có tiểu sử đặc biệt, chỉ là vài nét phác trên tờ khai: “tên là Kanatdava Takêkhirô, khoảng hai mươi sáu tuổi”; “Maxugô, mười chín tuổi… có nước da ngăm ngăm, đuôi mắt trái có nốt ruồi, khuôn mặt nhỏ, dài…”. Truyện đã chớp lấy “một khoảnh khắc của bi kịch”(9) giống như bác tiều phu buổi sáng vào rừng vô tình phát hiện xác chết, đưa ra những cảm nhận mơ hồ song đầy ám ảnh về cuộc đời, về sự thật thông qua hàng loạt các lời kể (có ít nhất 7 người kể chuyện), nhưng hoàn toàn bằng giọng lạnh lùng, khách quan tuyệt đối. Người kể chuyện giống như tác giả của các “tin vặt”, cố tình gây ấn tượng, bất ngờ, song lại tỏ vẻ đứng ngoài, xa cách, vô can, mặc cho độc giả hoang mang với sự kiện.
Một số thể loại nhìn ở phương thức thể hiện thì cách nhau khá xa, tuy nhiên lại chia sẻ một số yếu tố chung cũng như sự liên tưởng trong cách tiếp cận. Chẳng hạn, chúng ta đang bàn về truyện ngắn, dễ dàng nhận thấy truyện ngắn cũng rất gần với kịch. Sự giản thiểu các sự kiện, tình tiết trong truyện ngắn đòi hỏi độ căng của kịch. Xung đột trong kịch với xung đột của truyện ngắn cũng có yêu cầu độ nén và sự bùng nổ mạnh mẽ như nhau, tức yếu tố “kịch tính”. Hay như loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh, chúng ta có thể liên tưởng một truyện ngắn giống như một tấm hình nghệ thuật. Cả hai đều khuôn hiện thực vào một định dạng nhất định, chọn lấy một góc nhìn, một điểm khai phá. Người cảm thụ nắm bắt toàn vẹn tác phẩm và “người chụp ảnh hay người viết truyện ngắn phải chọn lựa và đặt giới hạn cho một hình ảnh hay sự kiện để biến nó thành một dạng "khai nhãn" (apertura), một quá trình lên men nâng trí tuệ và cảm xúc vượt qua cái giai thoại thị ảnh hay văn chương (la anécdota visual o literaria) mà tác phẩm nhiếp ảnh hay truyện ngắn chứa đựng.”(10) Truyện ngắn cũng có thể gặp gỡ với các thể loại khác như ký sự (sketch) hay chuyện kể (tale): “truyện ngắn hiện đại biến thiên từ loại chuyện kể đầy tưởng tượng cho đến loại ký sự mô tả chính xác thực tế và có khi kết hợp cả hai loại hình.”(11)
Truyện ngắn là nơi gặp gỡ của nhiều thể loại, có khả năng biến hóa linh hoạt luôn biến đổi không ngừng. Ngày nay truyện ngắn vẫn đang vận động, vẫn đang định hình (giống như Bakhtin quan niệm về tiểu thuyết), luôn bám sát mọi biến chuyển của đời sống bằng các phương tiện của thời hiện đại Vấn đề giao thoa giữa các thể loại, đặt ở trường hợp truyện ngắn, thật ra nằm ở đặc trưng của chính thể loại này: khả năng tan vào các thể loại khác hoặc thu hút các thể loại khác đến gần và thẩm thấu vào bên trong nó. Nó luôn “mới”, luôn biến đổi và luôn ẩn chứa nhiều thấu kính vạn hoa.
3. Truyện ngắn – ranh giới thể loại và vấn đề liên văn bản
Thể loại không phải cái khung để ràng buộc các tác phẩm, nhưng nó tồn tại trong tâm thế của nhà văn và người tiếp nhận mỗi khi đứng trước văn bản. Mỗi văn bản là một thế giới ngôn ngữ đã được dày xếp bao ký ức của nhân loại, bởi không có tác phẩm nào không có cội rễ sâu xa từ tầng tầng lớp lớp những nếp văn hóa, quan niệm, xu hướng… của con người. Chính vì vậy, khi nói tới vấn đề ranh giới thể loại, sự gặp gỡ, giao thoa giữa các thể loại, ở đây là trường hợp truyện ngắn, chúng ta thấy rằng khả năng kết nối giữa các văn bản ở các thể loại khác nhau phải chăng cũng tác động không nhỏ đến việc hình thành đặc trưng, bản chất của thể loại? Nếu như vậy, tính liên văn bản (intertextuality) – một khái niệm mới nảy sinh từ cuối thế kỷ XX – trở thành một điểm kết nối quan trọng để chúng ta có thể đánh giá sâu sắc hơn các phương diện của truyện ngắn với tư cách là một thể loại độc lập nhưng có khả năng dung chứa nhiều yếu tố (elements) của các thể loại đa dạng khác.
Khái niệm “Liên văn bản” (Intertexuality), còn gọi là “sự tương tác giữa các văn bản” gắn với tên tuổi nhà kí hiệu học người Pháp Julia Kristeva, là quan niệm về một văn bản như bức tranh khảm nhiều màu sắc, nơi vang dội từ vô tận các ý tưởng đã tồn tại từ bao đời. Nói cách khác, một văn bản thuần tuý là một đơn vị nhỏ trong mạng lưới vô cùng rộng lớn của hằng hà sa số những văn bản khác, mỗi văn bản đều là sự kết nối, hấp thu và chuyển đổi với các văn bản khác, sự tham chiếu lẫn nhau giữa các văn bản đã hình thành nên một kết cấu mạng lưới có tính mở rộng, từ đó cấu thành hệ thống mở rộng cực lớn của văn bản quá khứ, hiện tại, tương lai. Văn bản của hôm nay, thực ra, chỉ là sự viết lại của những văn bản đã tồn tại từ trước, nhưng với những cách khác.
Vậy nên, mỗi khi chúng ta nhận định có hiện tượng giao thoa thể loại trong một tác phẩm thì thực chất trong tâm thức chúng ta đã có sự bật mở ký ức về các thể loại này. Khi nhận định về khả năng bao quát hiện thực trong một tác phẩm tự sự ngắn, chúng ta sẽ liên hệ đến tiểu thuyết; tính trữ tình trong truyện thì gắn với thơ; xung đột, kịch tính thì kết nối với kịch… Liên văn bản giúp cho truyện ngắn trong hình thức nhỏ gọn của mình có thể bung mở nhiều phương diện chỉ trong một lối trần thuật duy nhất. Người đọc sẽ chiếm lĩnh nó bằng khả năng “liên văn bản” của mình.
Đó là trên bình diện thể loại, còn trong nội tại từng tác phẩm riêng lẻ, có thể nhận thấy rằng, nhằm tăng cường hiệu quả tác động của mình, truyện ngắn thường sử dụng các yếu tố liên văn bản, trong đó nhiều nhất là các yếu tố thần thoại. Truyện khuấy động cảm xúc người đọc bằng cách tác động vào ký ức tập thể, trên cơ sở đó mở rộng tầm ý nghĩa của câu chuyện thông qua cách kể rất nhanh, mạnh, cô đọng. “Truyện ngắn cũng dần được cấu trúc theo một kiểu mẫu mực căn bản: tình tiết và các nhân vật là quan trọng trong chừng mực chúng gợi tới một chủ điểm hoặc hình thường theo truyền thống, hoặc tới những kiểu mẫu đã lặp đi lặp lại với hàm nghĩa rộng rãi quen thuộc trong lịch sử loài người”(12). Giống như nhà văn Nhật Chiêu nói về truyện “tuyệt ngắn” của ông – tập Lời tiên tri của giọt sương(13), một truyện ngắn đôi khi chỉ có một chữ, chẳng hạn truyện Sử thi nàng Sita chỉ có một từ: “Đất”:
“Truyện “tuyệt ngắn” của tôi về nàng Sita giống như một sự tóm tắt sử thi Ramayana. Nếu có ai đó bảo tôi tóm tắt 50.000 câu Ramayana còn một từ, tôi sẽ dùng từ Đất - vì từ này là chuẩn xác nhất. Không chỉ giúp bạn đọc liên tưởng đến sử thi tiêu biểu của Ấn Độ qua truyện ngắn này, tôi còn muốn thể hiện triết lý từ Đông sang Tây về thân phận một kiếp người. Chúng ta thường nói “sinh ra từ cát bụi và trở về cát bụi” điều này cũng đồng nghĩa với sinh ra từ đất và chết đi về với đất”.(14)
Hoặc như những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp Huyền thoại phố phường,Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa, Sang sông… sử dụng đậm đặc các yếu tố huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích và lịch sử. Nếu không huy động phương thức tiếp cận liên văn bản để giải mã những tác phẩm kiểu này, độc giả khó mà chiếm lĩnh được toàn bộ giá trị của truyện.
Ngay cả khi người đọc không chuẩn bị một tâm thế tiếp cận liên văn bản, nhưng khi đọc một tác phẩm, chẳng hạn Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh, nỗi “bâng khuâng mơ hồ buồn” vì cái cảm giác “mai nở rồi mà vẫn không thành Tết” từ một chuyện rất giản dị về một cô Hạc sắp lỡ làng rõ ràng phải bắt nguồn từ ấn tượng chung về mùa xuân, về duyên phận, về tình đời. Mùa xuân đến, mọi người vẫn hồ hởi, mai vườn nhà khác vẫn nở đẹp, chỉ có lòng Hạc buồn rũ rượi, chỉ có vườn mai nhà Hạc xanh một màu quạnh hiu. Mùa xuân đất trời vẫn tuần hoàn, xuân đời người lại một đi không trở lại. Tuổi xuân đi, tình yêu cũng theo hết. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...” (Trịnh Công Sơn). Quy luật bình thường của cuộc đời, với Hạc, lại ngậm ngùi đến thế.
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
(Ca dao)
Câu chuyện còn gợi nhắc bài thơ Phiếu hữu mai, khiến người đọc cũng đồng cảm ngậm ngùi với người đồng cảnh, cô gái Trung Quốc xưa cũng cảm thấy tuổi xuân qua mỗi lúc một nhanh như quả mai chín rồi rụng, lúc đầu còn thưa thớt, sau dồn dập như trút.
Cây mai rụng
Quả bảy trên cành
Ấy ai là kẻ cầu mình
Tính sao cho kịp ngày lành hỡi ai…
Như vậy, tận dụng hiệu quả của liên văn bản là một cách thức để nhà văn lẫn người tiếp nhận có được một mối liên thông, từ đó giúp cho thể loại truyện ngắn có cơ hội phát huy cực độ những thuộc tính, phương thức trần thuật của mình. Kiểu truyện ngắn “nhại” chính là sự khai thác tối đa hệ thống liên văn bản. Và lý thuyết này, ở mặt nào đó, cũng góp phần lý giải cho những biến động trong cấu trúc của nhiều tác phẩm truyện ngắn hiện đại.
Thay lời kết
Truyện ngắn đã chọn con đường làm một hạt cát để hình dung về thế giới. Như William Blake từng nói: “Để trông thấy một thế giới trong một hạt cát”. Trong cái nhỏ bé nhất của vạn vật, thế giới vẫn hiện hữu. Và nếu chúng ta lặn sâu được vào cuộc sống, chúng ta sẽ khám phá được toàn vẹn bản thể vũ trụ chỉ trong một hạt cát mỏng.
Nguyễn Phương Khánh
CHÚ DẪN
(1) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
(2) Julio Cotázar, Về truyện ngắn và truyện cực ngắn, Hoàng Ngọc Tuấn dịch,www.tienve.org
(3) Xem thêm Hoàng Cẩm Giang, Vấn đề thể loại và ranh giới thể loại trong một số tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, in trong Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội 2006.
(4) Brander Matthews, dẫn theo Lê Huy Bắc (2004), Truyện ngắn: Lý luận, tác gia và tác phẩm, 2 tập, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 20.
(5) Lê Huy Bắc (2004), sđd, tr. 339.
(6) Đỗ Ngọc Thạch, Truyện ngắn – đặc trưng thể loại, www.phongdiep.net
(7) Xem thêm Đặng Anh Đào (2007), “Truyện cực ngắn”, in trong Việt Nam và phương Tây, tiếp nhận và giao thoa trong văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.371.
(8) Đặng Anh Đào (2007), sđd, tr. 337.
(9) Đặng Anh Đào (2007), sđd, tr. 380.
(10) Akutagawa Ryunosuke, (2000), Tuyển tập truyện ngắn, Phong Vũ dịch, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
(11) Encyclopaedia Britannica, mục từ “Short story”, “Intertexuality”.
(12) Encyclopaedia Britannica, mục từ “Short story”, “Intertexuality”.
(13) Nhật Chiêu, (2011), Lời tiên tri của giọt sương, NXB Phương Nam và Hội nhà văn.
(14) Nhật Chiêu, Những truyện ngắn chỉ có một từ, một câu, www.baomoi.com
Bài được đăng bởi biên tập viên Cao Vĩ Nhánh vào lúc 03:34 - 05/03/2012
Nguồn: Tạp chí Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét