Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Chờ; Ở Trọ - Đỗ Ngọc Thạch

http://lucbat.com/admin/upload/110607054756.jpg

CHỜ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Vào năm 1972, khi tôi vào học năm thứ hai của Khoa Ngữ Văn (trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) thì chúng tôi sơ tán về xã Châu Minh, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Những ngày đầu năm học, cả lớp học quân sự (khoảng 2 tuần), còn tôi và hai người nữa, đều đã từng là quân nhân cho nên không phải dự học quân sự mà thầy Đỗ Đức Hiểu, Chủ nhiệm Khoa lúc đó, giao cho nhiệm vụ đón tiếp sinh viên năm thứ nhất. Chúng tôi đặt trạm đón tiếp ở Chợ Chờ, khi có sinh viên mới đến thì xem giấy gọi, đánh dấu vào bản danh sách có sẵn rồi dắt người sinh viên mới đến đó vào chỗ ở, cũng thuộc xã Châu Minh. Vì là thời chiến, bom đạn khắp nơi nên các sinh viên từ bốn phương không phải đến đúng ngày ghi trong giấy gọi mà mỗi ngày lác đác dăm ba người, phải hơn một tuần mới hết! Trong những ngày nằm chờ các sinh viên mới đến nhập học ở Chợ Chờ, tôi không khỏi ngạc nhiên về sự trùng hợp giữa nhiệm vụ mình làm và cái địa danh mà mình ở: Nằm chờ sinh viên mới ở chợ Chờ!

Nhà chủ mà chúng tôi ở nhờ và đặt trạm đón tiếp có bốn người con, hai người con trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, hai cô con gái, cô chị tên Hà, mới học hết THPT năm ngoái nhưng không đi học tiếp Đại học mà phải ở nhà chăm sóc bố mẹ vì cả hai người đều đã già yếu, trái gió trở trời là lại ốm đau. Cô em, tên Bắc, mới mười sáu tuổi, đang học lớp chín. Cả hai chị em đều rất xinh đẹp theo đúng kiểu con gái Kinh Bắc! Những lúc rảnh rỗi, hai chị em thường hát Quan họ cho chúng tôi nghe và kể cho tôi nghe về cái Chợ Chờ quê hương.

Ngày xưa, hăm bảy tháng chạp là phiên chợ tết cuối năm ở chợ Chờ. Đó là một phiên chợ rất đặc biệt vì đây là phiên chợ cuối cùng của một năm và là phiên chợ tết chủ yếu dành cho lũ trẻ con. Vào ngày đó tất cả trẻ con của tổng Chờ và các vùng lân cận sẽ được được đi chơi chợ tết. Sở dĩ có tên gọi Chợ Chờ là bởi từ xa xưa, mỗi lần người dân Kinh Bắc đi làm ăn buôn bán ở bên kinh thành Thăng Long, đều phải vượt sông Cầu, đi qua một bến sông có tên là bến Đò Lo. Xung quanh bến đò rất vắng vẻ, hoang vu, bọn cướp thường lộng hành. Chính vì thế trước khi qua bến đò, họ đã đợi chờ nhau ở khu vực đông dân cư, đủ thành một tốp năm bảy người mới cùng nhau qua sông. Chỗ đợi chờ nhau đó có tên Làng Chờ. Còn những người đi buôn bán, trước khi qua sông cũng buôn qua bán lại với người dân địa phương ở đó mà dần dần hình thành nên Chợ Chờ.

Nhạc sĩ Huy Du là một người đa cảm, chỉ chữ Chờ đã viết thành ca khúc làm nao lòng người:

Chợ Chờ em vẫn chờ ai
Để bâng khuâng câu hát tháng năm dài anh đi
Chợ Chờ ơi em đợi chờ ai
Có phải quê em sau bao mùa đánh giặc
Đất nghìn năm Hà Bắc trái tim luôn thầm nhắc
Này Yên Phong, mảnh đất quê mình xứ Bắc còn ghi
Giặc Tống giặc Nguyên phơi xác đầy đồng
Ngày hội khao quân bên chợ Chờ, chợ Núi
Câu hát đợi chờ, sao anh chẳng đến
Để bến đò chờ thành bến đò lo
Nước chảy lơ thơ, mãi đến bây giờ ...

*
Vào những buổi chiều, khoảng từ bốn giờ trở đi, trạm đón tiếp của chúng tôi không có việc, tức vào giờ này, không có sinh viên mới đến nhập học nữa. Có lẽ chẳng ai lại muốn đến chỗ ở mới vào lúc nhập nhoạng, tối tăm. Cho nên, vào những buổi chiều là khoảng thời gian chúng tôi được sống đúng như những người đã nằm chờ ở chợ Chờ xa xưa!

Tôi thường đi dạo dọc con đường dẫn ra bến đò Lo. Cảnh vật ở đây không còn hoang vu như thời xưa song cũng khá vắng vẻ bởi lúc này đang là thời chiến, thỉnh thoảng vẫn dội về những tiếng bom rền ở cả bốn phương trời xa… Một lần, tới bến đò Lo vào khoảng năm, sáu giờ chiều, tôi thấy một họa sĩ già đang đứng trước giá vẽ. Trên mặt tranh là cảnh hoàng hôn của bến đò Lo đang vẽ dở dang. Người họa sĩ như là đang đưa cái hoàng hôn của bến đò vào bức tranh, không phải là một khoảnh khắc nào đó của hoàng hôn ở bến đò mà là hoàng hôn đang từ từ xâm nhập bến đò, khiến cho ta có cảm giác như hoàng hôn đang chậm chạp đi qua bến đò và muốn đưa cái bến đò hoang vu này vào bóng đêm huyền ảo! Khi người họa sĩ già ngừng vẽ, ông ta liền nói với tôi: “Cậu là người xem tranh của ta đầu tiên, lại ở đúng cả địa điểm và thời gian bức tranh hoàn thành. Vậy cậu hãy nói cảm nhận của mình về bức tranh này! Xin cứ nói thẳng, nói hết, ta rất cần như vậy!”. Tôi không định nói nhưng lại buột mồm: “Tôi có cảm giác bức tranh của ông chưa làm ông mãn nguyện, nó như còn thiếu một cái gì đó!”. Người họa sĩ già chụp lấy tay tôi rồi nói: “Cậu nói rất đúng! Tôi đã vẽ gần một trăm bức “Bến đò Lo hoàng hôn” này rồi mà vẫn chưa thấy ưng ý. Đúng là như còn thiếu một cái gì đó ta chưa thể hiện được trong tranh!”. Nói rồi ông mời tôi về nhà ông chơi để xem những bức tranh “Bến đò Lo hoàng hôn” khác.

Ông họa sĩ già tên là Thảo, đã gần sáu mươi tuổi, là người sinh sống ở Chợ Chờ này đã từ lâu đời. Vừa ngồi xuống bàn trà của ông Thảo, trong khi ông Thảo đang pha trà thì từ trong buồng, một ông già bước ra. Vừa nhìn thấy ông già , tôi giật mình kinh ngạc khi thấy ông già này giống ông Thảo kỳ lạ, chỉ khác là tóc đã bạc trắng như các vị đại tiên trên thượng giới. Ông Thảo nói với tôi: “Đây là cha tôi, tên Hiếu, đã hơn tám mươi tuổi rồi!”. Ông Hiếu nở nụ cười phúc hậu chào tôi rồi ngồi xuống bàn trà. Tôi đã từng gặp những trường hợp cha và con rất giống nhau nhưng chưa có ai giống nhau như hai cha con ông Hiếu – Thảo. Tôi cùng cha con ông Hiếu, Thảo uống xong hai tách trà thì ông Hiếu nói với tôi: “Tôi biết các anh đến Chợ Chờ này để đón sinh viên từ mấy ngày nay, tính qua gặp các anh để nhờ một việc. Hôm nay gặp rồi thì thật là may!”. Tôi hỏi ông Hiếu muốn nhờ việc gì thì ông nói: “Tôi có thằng cháu nội, tên là Cầu, tức con của bố Thảo nó đây, hiện nó đang học ở trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhưng tôi muốn xin cho nó chuyển sang Khoa Văn của các anh. Không biết phải làm như thế nào?”. Tôi nói ngay: “Thưa bác, việc đó không khó, chỉ cần viết đơn xin chuyển trường, Hiệu trưởng trường MTCN ký vào rồi tới gặp Thầy Chủ nhiệm Khoa của chúng cháu là thầy Đỗ Đức Hiểu, hiện cũng đang sơ tán về Huyện Yên Phong này. Thầy Hiểu sẽ hỏi chuyện và sẽ ra cho một đề thi về văn học. Nếu làm tốt thì thầy sẽ ký nhận rồi về lại Trường MTCN làm thủ tục chuyển trường!”. Ông Hiếu gật gù rồi nói: “Tức là phải kiểm tra khả năng về việc học văn của nó?”. Tôi nói: “Dạ, đúng vậy. Chính cháu trước cũng đang học ở Khoa Toán, khi muốn chuyển sang Khoa Văn cũng đã phải đi qua các bước như thế!...Vậy cho cháu hỏi thêm, em Cầu có năng khiếu gì về văn chương không?”. Ông Thảo nói: “Cái đó khỏi lo! Thực ra ngay từ đầu nó đã muốn thi vào Khoa Văn các cậu đấy chứ! Nhưng lúc ấy, tôi lại bắt nó thi vào trường MTCN! Tất cả là tại tôi, không nên bắt nó làm theo ý mình!”. Tôi nói thêm với ông Thảo rằng làm lại cũng chưa muộn và sẽ không có khó khăn gì. Hai cha con ông Hiếu, Thảo dường như rất vui, kêu người nhà làm cơm và mời tôi uống rượu Làng Vân nổi tiếng. Được nửa tiệc rượu thì ông Hiếu mời tôi vào xem phòng tranh của ông. Tranh của ông Hiếu chủ yếu là tranh phong cảnh và xoay quanh đề tài Quan Họ. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có tới gần một trăm bức chưa hoàn thành về bến đò Lo, và tôi kinh ngạc thật sự khi sang xem phòng tranh của ông con, tức ông Thảo, cũng có gần một trăm bức vẽ bến đò Lo!...
*
Khi tôi trở về nhà trọ của mình, tức Trạm đón tiếp sinh viên mới, thì đã gần nửa đêm. Tôi uống rượu Làng Vân đã nhiều lần và có một điều lạ là không bao giờ say, lần này cũng vậy! Có lẽ rượu ngon là không thể say, bởi say mèm (và ói mửa nữa) thì làm sao biết hết cái sự ngon của rượu!

Chủ nhà trọ của tôi dường như là chưa ngủ. Cô gái út chủ nhà đang hát bài “Chợ Chờ em vẫn chờ ai?” , nghe mà muốn hóa đá! Tôi cứ băn khoăn mãi với ý nghĩ, không biết hai cha con ông Hiếu, Thảo đang tìm kiếm điều gì trong cái buổi hoàng hôn của bến đò Lo? Khi cô con gái của chủ nhà ngừng hát bài “Chợ Chờ em vẫn chờ ai?” thì một ý nghĩ vụt hiện trong đầu: muốn tìm cái điều bí ẩn của bến đò Lo hoàng hôn, hãy đến một vài bến đò khác, khi ấy bến đò Lo sẽ hiện ra cái bí ẩn kia !

Sáng hôm sau, tôi đến ngay nhà cha con ông Hiếu, Thảo và nói cái ý nghĩ ấy của mình. Ông Hiếu, rồi cả ông Thảo, ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Chiều nay chúng ta đến bến sông Như Nguyệt xem sao?”. Buổi chiều, tôi tới nhà cha con ông Hiếu, Thảo thì người nhà nói hai người đã đi được hai mươi phút. Tôi lại thả bộ ra bến đò Lo thì thật là kinh ngạc khi thấy một người thanh niên trẻ tuổi, giống hệt ông Thảo đang đứng bên giá vẽ. Tôi khẳng định đây hẳn là anh chàng tên Cầu, là con của ông Thảo, đang học ở trường Mỹ thuật Công nghiệp. Khi lại gần hỏi chuyện thì quả nhiên là anh chàng Cầu, anh ta đang vẽ dở bức tranh “Bến đò Lo hoàng hôn”!

Khác với người cha là ông Thảo, anh chàng Cầu không hỏi tôi nhận xét về bức tranh anh đang vẽ mà lại hỏi tôi về…thơ! Nào là tôi có làm thơ không, có thích nhà thơ nào của đất Kinh Bắc không và anh chàng đọc cho tôi nghe ba bài liền của các nhà thơ đương đại viết về Quan họ, về đất Kinh Bắc! Xem ra anh chàng Cầu này có vẻ mê đắm Nàng Thơ hơn là vẽ tranh, tôi liền hỏi: “Cậu có thể nói về mối liên hệ giữa hội họa và thi ca không?”. Dường như tôi đã gãi đúng chỗ ngứa của anh chàng Cầu, anh ta nói như reo lên: “Đúng rồi, anh vừa nói tới mối liên hệ giữa hội họa và thi ca, ở đó thơ đã thể hiện rõ đặc trưng của nó: họa là thơ nhìn thấy, thơ là họa cảm thấy! Có đúng không? À, có câu nói rất hay, rất ngắn gọn về điều này, không hiểu tại sao nhất thời em quên mất? Anh có thể nhắc lại cho em không?”. Tôi nói ngay: “Thi trung hữu họa!”. Anh chàng Cầu lại reo lên: “Đúng rồi! Trong thơ có họa! Các nhà thơ quả là những họa sĩ tài ba, họ không cần dùng những hộp màu đắt tiền mà vẫn vẽ lên được những bức tranh tuyệt vời! Chính vì thế mà em muốn đi học Tổng hợp Văn như các anh để trở thành nhà thơ!”. Tôi nói ngay: “Đi học Tổng hợp Văn có thể thôi chứ chưa chắc trăm phần trăm trở thành nhà thơ, nếu như không được Nàng Thơ để mắt tới thì sẽ vỡ mộng!”. Anh chàng Cầu nắm chặt tay tôi nói: “Ông nội em đã nói chuyện của em muốn chuyển về học ở Khoa Văn với anh rồi đó! Anh hãy giúp em nhé! Em xin bái anh làm Sư phụ!”. Nói rồi sụp lạy tôi lia lịa! Tôi vội đỡ anh chàng Cầu lên và nói: “Cậu làm thế tôi tổn thọ đấy! Thôi được, tôi sẽ giúp cậu trong khả năng của tôi. Trước tiên tôi dẫn cậu đi gặp thầy Chủ nhiệm Khoa Đỗ Đức Hiểu, nếu thầy OK thì ta sẽ làm các bước tiếp theo!”.

Tôi dẫn anh chàng Cầu đến ngay chỗ thầy Đỗ Đức Hiểu. Trên đường đi, anh chàng Cầu đọc cho tôi nghe mấy bài thơ lẻ và tôi thật sự bất ngờ khi anh ta đọc chương mở đầu Trường ca “Chợ Chờ quê tôi”. Nhìn chung, thơ của anh chàng Cầu đã “sạch nước cản” và ý tứ vừa rất phóng túng vừa trĩu nặng cảm xúc. Tôi còn nhớ mấy câu như: Chợ Chờ - em chờ đợi ai / Để cho tôi hóa thành người mộng mơ / Con đò lạc giữa đôi bờ / Tôi thì lạc giữa đôi bờ môi em…
*
Sáng hôm sau, như mọi ngày, tôi vào chợ mua vài thứ về nấu ăn. Lúc tới chỗ bán thịt thì thật bất ngờ, tôi đã gặp cô Na, vợ của anh chàng Cầu đang đứng trước phản thịt. Trên phản thịt lúc đó chỉ còn mấy cục xương và một ít thịt vụn. Vừa nhìn thấy tôi, cô Na cười rất tươi và nói: “Anh chờ một lát sẽ có thịt mới!” (Lại là chữ Chờ! ). Cô Na vừa nói xong thì có hai cô gái khiêng một con lợn tới, khoảng năm mươi ki-lô-gam. Và tôi lại bị bất ngờ, khi hai cô gái đó chính là chị em cô Hà con chủ nhà trọ của tôi. Điều bất ngờ chưa chịu dừng lại và tôi như là bị thôi miên khi chứng kiến ba cô gái vừa chọc tiết con lợn, cạo lông, pha thịt…tất cả chưa tới ba mươi phút! Tôi chỉ kịp định thần khi cô Na đưa cho tôi xâu thịt tươi ngon và miệng cũng cười rất tươi: “Cân thịt này em biếu anh để tạ ơn anh đã giúp chồng em tới gặp thầy Chủ nhiệm Khoa Văn của anh! Gọi là của ít lòng nhiều!”. Tôi định nói lời từ chối và lấy tiền ra trả thì cô Na đã như là đang múa dao trước một tảng thịt lớn! Hai chị em cô Hà nhìn thấy điệu bộ lúng túng đó của tôi thì cười khanh khách rồi cô chị nói: “Em vừa nhìn thấy có mấy người đưa con tới nhập học đấy! Anh mau về tiếp họ đi!”. Tôi còn biết làm gì hơn là …nghe theo!

Quả nhiên, buổi sáng hôm đó có tới tám sinh viên mới, đi cùng cả người nhà tới Trạm đón tiếp khiến chúng tôi phải tíu tít tiếp khách. Có một ông là cha của cô con gái đến nhập học, sau khi uống trà thì bỗng nói: “Cái tên Chờ này thật là có nhiều ý tứ. Từ xa xưa người ta đã phải chờ và đến bây giờ các anh lại phải chờ! Vì vậy, tôi bỗng muốn được tham gia vào cái sự chờ đợi này! Tôi có đề nghị này: Chắc phải vài ngày nữa học sinh mới tới đủ và chính thức nhập học. Trong khi các anh chờ cho đủ số học sinh tới nhập học thì cho tôi ở đây chơi với con tôi vài ngày, chờ khi nào chính thức khai giảng thì tôi xin về. Chắc không sao chứ?”. Tôi nói ngay: “Bác cứ ở lại với con bao lâu cũng không sao, chỉ sợ người ở nhà chờ tin bác mà sốt ruột!”. Ông Phụ huynh cười khà khà rất sảng khoái rồi nói: “Đó, thế là cả người ở nhà tôi cũng được tham gia vào cái sự chờ đợi này! Thế thì tôi phải đi tìm hiểu kỹ cái Chợ Chờ này xem nó thế nào rồi tôi sẽ sáng tác một vở chèo về nó! Thú thật với anh, tôi là diễn viên chèo của đoàn chèo Hải Phòng, chưa hề có ý định viết kịch bản, nhưng không hiểu sao bỗng nổi hứng sáng tác kịch bản!”. Nghe đến đó thì tôi không thể “bình thường hóa vấn đề” được nữa, phải xem xét lại từ đầu: cái chữ Chờ kia nó có ma lực gì mà khiến cho người ta phải “lao tâm khổ tứ” nhiều như thế?

Tiếng hát của cô gái út chủ nhà từ phía sau vọng lên, ngân nga một cách kỳ lạ, cắt ngang ý nghĩ của tôi:

Chợ Chờ em vẫn chờ ai
Để bâng khuâng câu hát tháng năm dài anh đi…

Sài Gòn, tháng 3-2010
Đỗ Ngọc Thạch
http://www.neolaia.gr/wp-content/uploads/2011/11/national-geographic-8-200x140.jpg

Ở TRỌ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Có hai cửa ải quan trọng đối với “dân ngoại tỉnh” khi đến những thành phố lớn là ở trọ và đi làm thuê kiếm sống. Hai cửa ải này nó “liên thông” với nhau nên cùng lúc vượt qua cả hai cửa ải không hề đơn giản. Phải là người đã từng “Nếm mật nằm gai” như Việt Vương Câu Tiễn mới có thể đồng cảm với điều tôi vừa nói. Có lẽ tôi là người có “Quý nhân phù trợ” cho nên việc vượt qua hai cửa ải nói trên tuy cũng trần ai như ai nhưng cũng không đến nỗi nào, công việc thì cũng “sạch sẽ”, vừa sức và cả năm chỗ mà tôi đã từng ở trọ thì đều thuộc loại một, hai sao – tức có đầy đủ tiện nghi tối thiểu chứ không phải dạng “một mình một chiếu” trong một lán trại đông đúc như dân công hỏa tuyến thời chiến tranh!
*
Nhà đầu tiên tôi ở trọ là nhà ông Hòa, ở trong một ngõ hẻm rộng của đường N.T. Lựu thuộc Quận 3. Đây là một khu vực đẹp cả về nhà cửa và đường phố của Quận 3. Chủ nhà, tức ông Hòa là một cựu chiến binh, đã về hưu được dăm ba năm. Hồi chiến tranh, ông là lính cảnh vệ, bảo vệ an toàn cho căn cứ và thủ trưởng nào cần đi đâu thì đều muốn ông đi bảo vệ. Vì thế, khi hết chiến tranh, ông Hòa về thành phố, được các thủ trưởng cũ quan tâm đặc biệt, phân cho một căn nhà khá rộng rãi (4mx25m).
Căn nhà của ông Hòa thuộc loại “trung lưu”, tức không phải vi-la biệt thự nhưng khá đẹp: một trệt một lầu, sân trước 3 mét, sân sau bảy mét, tức diện tích căn nhà chỉ còn 4mx15m=60m2, nhưng với gia đình chỉ có 4 người, hai vợ chồng ông Hòa và hai đứa con (từ 10 đến 15 tuổi) thì quá ư rộng rãi. Vợ ông Hòa khi ở trong cứ làm chị nuôi, được các thủ trưởng rất quý (và đã đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới với anh lính cảnh vệ Hòa) nên khi về thành phố, được biên chế vào ngành thương nghiệp rồi giao cho phụ trách hẳn một cửa hàng bách hóa. Vì thế, khi về hưu, bà Hòa làm một cái tủ “Bách hóa” nho nhỏ, bán tại nhà, cũng đủ tiền chợ cho cả nhà. Song, khi hai đứa con lớn dần lên thì lương hưu của hai vợ chồng và cả cái tủ “Bách hóa” cũng không đủ chi tiêu tối thiểu nữa, vì thế ông Hòa quyết định cho thuê toàn bộ phần trên gác sau khi đã mở rộng thêm diện tích trên phần sân trước và sân sau, cũng được 4mx10m=40m2. Như vậy, toàn bộ diện tích cho thuê tổng cộng là 100m2, chia là năm ô, mỗi ô 20m2, tức ngang 4 m, sâu 5 m, cho một hộ “tiểu gia đình” (hai vợ chồng và một đứa con – mô hình “tiểu gia đình” này là khách ở trọ khá phổ biến bởi bất kỳ chàng trai cô gái nào yêu nhau mà chỉ có “hai trái tim vàng” thì đi ở trọ là cách tốt nhất để bảo vệ Tình yêu!) thuê là quá đẹp! Tôi đi ở trọ cũng không ngoài cái công thức khá phổ biến là “Một căn phòng trọ, hai trái tim vàng!”…
Khi tôi đến nhà ông Hòa hỏi thuê nhà thì chỉ còn một phòng ở trên chỗ sân sau, nó ở ngay trên chỗ nhà bếp và khu nhà vệ sinh (sàn lát gỗ) nên khá ồn và nhiều mùi xú uế, nhưng nó lại liền kề với con hẻm nhỏ phía sau nhà (có cổng sau) nên cũng khá thoáng mát…Công việc tôi làm lúc này chỉ là nhận đánh máy bản thảo cho mấy nhà xuất bản, được đồng nào hay đồng ấy bởi người chủ cái “tiểu gia đình” của chúng tôi là vợ tôi, đang làm y tá ở Bệnh viện, tạm thời có thể “nuôi sống” cái “tiểu gia đình” này! Vì thế, những khi hết việc, tức hết bản thảo, tôi thường đem cái máy chữ xách tay Olympia ra chỗ rẽ ở cầu thang, ngồi gõ tí tách đủ các thể loại (tùy hứng) và bao giờ cũng vậy, vừa gõ xong một trang, đang thay giấy thì nghe vọng tới tiếng hát đến nao lòng:

Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre ... í ... a
Dòng sông ... í ... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ...

*
Tôi ở trọ được hai ngày thì người hát những câu hát trên xuất hiện: đó là một cô gái có dáng hiền thục thôn nữ, nhưng thoắt cái đã tỏ ra rất tinh ranh, nghịch ngợm. Cô gái ở ngay nhà kế bên. Mỗi khi phơi đồ, cô gái đều hát một bài gì đó. Khi thấy tôi ngừng đánh máy và nghểnh tai lên để nghe thì cô gái cười khanh khách và nói: “Cho anh kia nghe miễn phí nhưng nhớ là khi nào tôi cần đánh máy đơn từ gì đó thì làm giùm nghe không?”. Nghe cô gái nói vậy, tôi nghĩ bụng: cô gái này có giọng hát mê đắm lòng người, thế nào cũng trở thành ngôi sao ca nhạc nếu thời cơ đến!”. Quả nhiên, ngày hôm sau, cô gái sang nhờ tôi đánh máy tờ đơn xin dự tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Tất nhiên là mấy tờ nữa gồm tóm tắt lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, bản sao học bạ - cô gái tên Hoa, đang học năm cuối trung học phổ thông, v.v…Trong khi ngồi chờ tôi đánh máy, cô gái nói: “Thực ra, em cũng không muốn bỏ học giữa chừng thế này nhưng không hiểu sao, hai năm nay em cứ học trước quên sau, các công thức, định lý chẳng nhớ được cái nào nên khi làm bài tập không biết xoay trở ra sao? Nói chuyện với mẹ, mẹ em bảo em không thích hợp với việc học hành nữa mà nên phát huy sở trường ca múa của mình. Con người ta làm gì cũng đều cao quý miễn làm tốt và được mọi người ủng hộ!”. Tôi nói ngay: “Mẹ cô nói đúng đấy. Cô có giọng hát rất lạ, rất quyến rũ, thế nào cô cũng thành công! Khi nào biểu diễn ở đâu nhớ cho tôi biết nghe!”. Cô gái cười rất hồn nhiên, nói “Nhất định rồi!” rồi cất tiếng hát:

Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời
Miền xa ... í ... a
Trời đất ... í ... a
Nhân gian về trọ nhiều nơi
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng …

Cô gái đột ngột ngừng hát rồi lại cười khanh khách, nói: “Em chỉ làm ca sĩ khoảng dăm năm, kiếm được ít tiền thì tu sửa cái nhà thành nhà cho thuê! Mẹ em nói đúng lắm, mọi chuyện đều sẽ trôi đi theo thời gian nhưng chuyện ở trọ thì muôn đời không bao giờ mất đi, bao giờ cũng có người cần ở trọ!”. Tôi đã đánh máy xong, cô gái cầm lấy và cám ơn rối rít rồi lại hát:

Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Từng không ... í ... a
Người xinh ... í ... a
Tim em người trọ là tôi
Mai kia dù có xa xôi cũng gần

*
Năm năm trôi qua thật nhanh…Tôi chỉ ở trọ nhà ông Hòa hai tháng thì một người quen vợ tôi tới nói: “Tôi có một phòng mạch ở quận 5, định tu sửa lại cho khang trang nhưng chưa đủ tiền. Vậy nếu hai người không chê thì đến ở tạm, coi như trông nhà giùm cho tôi!”. Căn nhà đang làm phòng mạch của ông Bác sĩ này cũng khá rộng, ngang 4 mét, sâu 25 mét, gác gỗ nửa sau, điện nước đầy đủ. Ông bác sĩ và phòng mạch chỉ hoạt động từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, cũng như bao phòng mạch khác. Còn ngoài thời gian đó ra, chỉ có “tiểu gia đình” của tôi. Đúng là cái số tôi có “quý nhân phò trợ”, bởi chỉ mấy tháng sau, “tiểu gia đình” của tôi có thêm một thành viên là cô bé “Tí xíu” – nếu như còn ở trọ (như nhà trọ của ông Hòa chẳng hạn) thì quả là sẽ rất khó khăn!
Khi cô bé “Tí Xíu” của “Tiểu gia đình” chúng tôi được năm tuổi thì vợ tôi được Bệnh viện phân cho một “suất nhà”: cùng một người nữa cũng mới cưới nhau, ở chung trong nửa căn hộ 4mx8m bổ dọc thành 2mx8m. “Tiểu gia đình” của tôi (3 người) ở phía trên (gác gỗ), còn 2 người mới cưới ở phần dưới. Tôi phải làm cái cầu thang ở phía trước để vào nhà và một cầu thang ở phía sau để xuống khu vực vệ sinh, giặt rũ! Tuy nhà là của mình, không phải ở trọ nhưng lại quá chật chội và bất tiện! Và điều bất tiện lớn nhất là từ chỗ ở (trên đường Lò Siêu) đến chỗ làm việc của vợ tôi ở Bệnh viện quá xa, phải đi mất gần sáu mươi phút xe đạp! Vì thế, khi tôi có việc làm ở một tờ báo thì “tiểu gia đình” chúng tôi lại đi ở trọ, không phải nhà ông Hòa mà một nhà ở trong hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, vợ tôi chỉ bước vài bước là tới nơi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, còn tôi chỉ đạp xe 10 phút là tới tòa báo trên đường Phạm Ngọc Thạch. Thế mới biết, ở trọ vẫn là giải pháp tốt nhất đối với những hoàn cảnh luôn có nhiều khó khăn như “tiểu gia đình” của tôi!
Một hôm, có việc phải đi qua chỗ nhà trọ của ông Hòa, tôi tạt vào chơi thì cả nhà đi đâu cả, cửa khóa im ỉm. Tôi tính bước ra thì từ trên lầu nhà bên cạnh có tiếng hát vang lên:

Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
Người xinh ... í ... a
Kiều xinh ... í ... a
Xin cho về trọ gần nhau
Mai sau dù có ra sao cũng đành …

Tiếng hát vừa ngừng lại thì từ trên ban-công, một cô gái hiện ra, tươi cười dơ tay vẫy vẫy. Mới nhìn thoáng qua, tôi nhận ra ngay cô bé Hoa năm năm trước, không thay đổi mấy, chỉ có điều rực rỡ hơn, quyến rũ hơn mà thôi! Thì ra cái lần ấy, cách nay năm năm, Hoa đã trúng tuyển vào Ðoàn ca múa Bông Sen nhýng cô chỉ xuất hiện trong những tiết mục tốp ca, tốp múa mà không ðứng riêng nhý một “Ngôi sao”!...Cô gái tỏ vẻ hơi buồn vì gặp lại tôi mà chưa thành “Ngôi sao”. Tôi bảo: “Nếu Hoa mà thành Ngôi sao rồi thì tôi làm sao mà gặp được? Thôi, cứ là bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp là tốt rồi, như thế lại lâu bền !” Cô gái nghe tôi nói vậy thì vui hẳn lên, nói: “Mẹ em cũng thường nói như vậy! Bây giờ em không còn quan tâm chuyện thành Ngôi sao nữa mà tập trung vào việc kinh doanh!”. Hoa mời tôi lên tham quan khách sạn bình dân mới hoàn tất, ngày mai là sẽ khai trương. Tôi quan sát một lượt rồi nói: “Cũng được đấy, nhưng sao không nâng cấp lên thành ba, bốn sao có phải là hái ra tiền không? Khu vực này thuộc trung tâm thành phố, sẽ rất đắt khách!”. Hoa cười rất tươi, nói chuyện kinh doanh mà như bàn về ca từ của một bài ca trữ tình: “Em cần tiền nhưng không thuộc loại kiếm tiền bằng mọi giá, càng nhiều càng ít. Em sửa nhà cho thuê là có ý muốn giúp đỡ phần nào những người “Sảy nhà ra thất nghiệp” vượt qua giai đoạn khó khăn mà vươn lên! Chẳng hạn như anh đó, anh bây giờ có còn phải ở trọ không? Nếu có khó khăn thì đến đây em cho ở trọ miễn phí tháng đầu, từ tháng thứ hai chỉ lấy nửa tiền!”. Quả là buồn ngủ gặp chiếu …hoa, “tiểu gia đình” của tôi đến dãy nhà trọ của Hoa ngay ngày hôm sau và sau đó, chúng tôi ở đây gần một năm nữa!
*
Dãy phòng trọ ở nhà cô bé Hoa cũng gồm 5 phòng, diện tích cũng 20 m2 một phòng nhưng được trang trí đẹp hơn nhà ông Hòa một chút. Song điều đặc biệt là thành phần người thuê có khác nhau cơ bản: bên nhà ông Hòa toàn những người làm ăn buôn bán ở các tỉnh khác về thành phố để móc nối mối buôn bán, còn bên nhà cô bé Hoa đều là viên chức nhà nước “sa cơ lỡ vận”, hoặc sinh viên mới ra trường nhưng còn đang thất nghiệp!
Ngay sát phòng tôi ở trọ là một cô gái học trường Sư phạm, đã tốt nghiệp, nhưng bị phân đi miền núi nên không đến nhiệm sở. Ngày ngày cô gái đi dạy học (làm gia sư) và tối về thì ngồi viết tiểu thuyết. Cô gái làm gia sư kiếm sống này có gương mặt khá xinh xắn và cương nghị, xem chừng cô sẽ “thi gan” với số phận đến cùng! Đối với những cô gái như thế, khi tiếp xúc nên tránh nói đến chuyện bị phân đi miền núi của cô! Tuy nhiên, thi thoảng mới gặp tôi trong thời gian ngắn ngủi, vậy mà cô gái Gia sư đều nói với tôi chuyện về mấy đứa bạn cùng lớp bây giờ đang ở trên Tây Nguyên dạy học và sống ra sao: “Anh biết không, con Lan bạn em nó nói, giờ lên lớp coi như bằng không bởi vì những đứa trẻ người dân tộc ấy chúng nó nghe và nói tiếng Kinh mình còn chưa được thì học hành cái gì? Chúng nói với nhau bằng tiếng dân tộc, còn nói với cô giáo bằng thứ tiếng lơ lớ như người nước ngoài nói tiếng Việt ấy! Được vài ngày lại có hai ba đứa bỏ học, chẳng lẽ cứ phải đến từng nhà để van nài chúng đi học mà lên lớp thì như vịt nghe sấm? Có mấy thằng con trai lớn tướng thì không lo học mà chỉ tìm cách dụ cô giáo đến nhà để bắt làm vợ! Con Lan nó đã thành vợ của thằng học trò nó tên là Ksor Nhú, cuối năm nay thế nào cũng đẻ ra một thằng “oẳn-tà-roằn”!”. Tôi nói: “Vậy những người bạn của cô đã bị “Tây Nguyên hóa” rồi đó! Đến thế hệ sau thì sẽ có một lớp người nửa Kinh nửa Tây nguyên, rất phù hợp! Lúc ấy chắc sẽ không phải bắt buộc những người không thích đi xa như bạn đến Tây Nguyên nữa! Có lẽ bạn sẽ phải chờ đến lúc ấy mới có thể hy vọng người ta đổi quyết định!”. Cô gái làm Gia sư không hề tỏ ra buồn nản mà lại rất vui: “Em đã quen với cách sống tự do này rồi! Mình vẫn được làm cô giáo mà lại được tự do hoàn toàn! Tự do muôn năm!...À, em có việc này tính bàn với anh, có thể kiếm bộn tiền mà rất dễ dàng: Có khoảng gần mười người đang học hệ Tại chức của Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp phải viết Luận văn tốt nghiệp. Rất tiếc là đề tài của họ toàn là văn học Việt Nam, mà sở trường của em lại là văn học nước ngoài, nhất là văn học Trung Quốc. Vì thế, nếu anh đồng ý thì em sẽ nhận “đấu thầu” hết “cả gói”, tiền công viết tám cái Luận văn này anh cứ nhận hết, nhưng em cần là cần cái tiếng “Viết Luận văn thuê” vào loại cao thủ, để làm ăn về sau!”. Quả nhiên, sau khi tôi hoàn thành tám cái Luận văn, tiếng tăm viết Luận văn thuê của cô gái Gia sư nổi như cồn cát, đến nỗi năm nào tôi cũng phải bỏ ra chục ngày lẫn đêm để tiếp sức cho cô Gia sư giải quyết những Luận văn tại chức không thuộc sở trường của cô!
Tuy việc bán chất xám làm cho tôi khá mệt mỏi nhưng không hiểu sao, đúng vào lúc mệt mỏi nhất, tôi lại nghe thấy tiếng hát của cô gái ca sĩ – chủ nhà ngân vang, khiến cho tôi quên hết mệt mỏi và “như người bỗng lênh đênh giữa đời”:

Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm ... í ... a
Buồn như ... í ... a
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời …

*
Lẽ ra, những kỷ niệm ở trọ của tôi toàn những chuyện vui nếu như không có một vụ “tự thiêu” xảy ra ở bên dãy phòng trọ nhà ông Hòa. Song, cũng rất may là vụ “tự thiêu” bị phát hiện ngay nên được khống chế ngay! Sự phát hiện vụ “tự thiêu” hoàn toàn tình cờ: sáng hôm ấy, tôi dậy muộn do phải “viết thuê” đến ba giờ sáng. Khi ra ngoài đầu hẻm ăn sáng thì đã chín giờ. Tôi đang ngồi ăn tô phở thì có một người đàn bà ngồi xuống bàn, phía đối diện và nói ngay: “Tôi là bồ của ông Tám Cá Tra, đang ở trọ bên nhà ông Hòa, cạnh chỗ anh cũng đang ở trọ. Tôi phải nói thật với anh là sáng nay, ông Tám Cá Tra có hẹn tôi đến là để cùng “tự thiêu”, vì chúng tôi nợ nần chồng chất, tới tiền tỷ mà xem ra không có khả năng chi trả! Nhưng tôi không muốn chết chung với ông ta và cũng không muốn ông ta chết mà làm liên lụy tới người khác, bởi ông ta sẽ chọn cách tự thiêu! Vì vậy, anh hãy vào nói ngay với ông Hòa, bắt ông Cá Tra giao cho cảnh sát ngay kẻo sẽ xảy ra hỏa hoạn!”. Nghe tới đó, tôi chạy ngay vào nhà ông Hòa, nói với ông Hòa rồi cùng chạy lên phòng của ông Tám Cá Tra. Quả nhiên, ông Tám Cá Tra đang ngồi uống rượu (chắc là đợi cô bồ), sau lưng là hai can xăng đầy!...
Sau vụ ông Tám Cá Tra, tôi mới nói với ông Hòa: “Khi cho ai ở trọ, ông phải nhìn kỹ mặt người ở trọ sẽ thấy rõ ngay đó là người muốn sống hay muốn chết!”. Ông Hòa ngớ người: “Làm sao mà biết được ai là người muốn sống, ai là người muốn chết?”. Tôi nói ngay: “Người muốn sống thì trên trán có chữ Sinh, người muốn chết thì trên trán có chữ Tử. Đơn giản vậy mà ông không biết hay sao?”. Tôi tưởng nói giỡn chơi ông Hòa vậy rồi thôi nhưng không ngờ hai hôm sau, ông Hòa ăn mặc rất chỉnh tề, qua mời tôi sang làm lễ Bái sư, tức ông sẽ học tôi môn Tướng mạo học, bởi theo ông thì muốn làm chủ nhà trọ, phải biết nhìn người, trông mặt phải bắt được hình dong !...
Sài Gòn, tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét