Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Làng Nói Trạng; Làng tôi xanh bóng tre - Đỗ Ngọc Thạch

http://tinhtayninh.vn/upload/images/images.jpeg

Làng nói trạng

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

 

 Nếu có ai hỏi ông Đồ Tiếu, một trong số những người cao tuổi nhất Làng Hạ, rằng tại sao Làng Hạ có “biệt danh” là “Làng nói Trạng” thì ông đều kể bằng một câu chuyện rất dài và chỉ có thể tóm tắt như sau:
Ngày xưa, có lần ông Thầy Địa lý khét tiếng Tả Ao trên đường đi ngao du bốn phương, khi tới Làng đã năm lần bảy lượt bỏ đi rồi lại quay lại Làng, đi tới đi lui, định nói gì rồi lại thôi. Cứ như thế suốt hai ngày, khiến cho những nhà Nho trong Làng hồi hộp lo âu không biết Làng mình có điều gì bí ẩn mà đến bậc đã khiến cho Quỷ khốc Thần sầu như Tả Ao Tiên sinh phải đắn đo nhiều như vậy? Đến ngày thứ ba, dường như đành bất lực trước những bí ẩn của Thiên cơ, Thầy Tả Ao đến chào bái biệt Trưởng Làng. Trưởng Làng cố gặng hỏi để thầy Tả Ao nói cho vài câu nhưng thầy đều nói mãi ba chữ: “Bất khả tri!”.  Đến khi Trưởng Làng bảo người vợ ra chào thì thầy Tả Ao giật mình kinh ngạc chú mục nhìn người vợ Trưởng Làng rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhắm nghiền rồi nói: “Kỳ nhân dị tướng! Ngàn năm mới có một người!”. Trưởng Làng thấy vậy thì bảo người nhà lui hết đoạn vái thầy Tả Ao ba vái mà nói: “Xin thầy cho biết! Xin thầy cho biết!”. Thầy Tả Ao lúc ấy mới thong thả nói: “Vợ ông mới tắm xong, cho nên tôi thấy Con Ô Long còn dính nước và nó bò tới mắt cá chân bà nhà! Còn bình thường thì nó xoắn lại, cuốn xung quanh cái chân ngọc ngà của bà nhà, nên không ai nhìn thấy con Ô Long đó! Đó gọi là Tướng cách Đại Quý Ô Long quấn ngọc trụ!”. Thầy Tả Ao nói vậy nhưng Trưởng Làng còn chưa hiểu ra sao, thầy Tả Ao phải giải thích cặn kẽ: “Âm mao của bà nhà cực kỳ xum xuê như lau sậy, trong đó có một sợi đen nhánh, to bằng ba sợi khác, bình thường thì sợi âm mao này xoắn lại quấn lấy bắp đùi, bắp vế bà nhà, cho nên gọi là Ô Long quấn ngọc trụ, tức Con Rồng đen quấn cột ngọc! Ban nãy bà nhà tắm, dội nước nên con Ô Long mới duỗi ra, dài tới mắt cá chân, nên tôi đã nhìn thấy đuôi con Rồng đen đó!”. Trưởng Làng ngẩn ngơ một lúc rồi như hiểu ra, song vẫn cố hỏi cho cặn kẽ: “Vậy con Ô Long của bà nhà tôi có liên quan gì tới vận số của Làng này nói chung?”. Thầy Tả Ao nói: “Sao lại không liên quan! Làng ông là vùng đất Địa linh Nhân kiệt, nhân tài xuất chúng có nhiều nhưng do hướng Đình đặt sai cho nên bị ma quỷ quậy phá, kẻ xấu hãm hại mà không đạt tới kết quả mỹ mãn, đáng đỗ Trạng mà không thấy tên trong bảng Vàng, bia đá!... Song nhờ có Ô Long phò trợ mà tai qua nạn khỏi”. Trưởng Làng nghe nói vậy thì muốn nhờ thầy Tả Ao chọn lại hướng Đình, nhưng thầy Tả Ao nói: “Vận số của Làng đã được định đoạt cho tới vài trăm năm nữa, tôi sao dám sửa lại sổ sách của Nhà Trời. Song tôi có thể giúp cách khắc chế tai ương, giảm thiểu điều xấu, bảo lưu điều tốt!”. Hỏi làm như thế nào thì Thầy Tả Ao nói: “Cần làm ngay cái miếu thờ Thần Ô Long, đặt ở hướng chính Tây của Đình Làng, khoảng cách là năm đến mười dặm. Thêm nữa, trong Làng, phàm chỗ nào đất đã trũng thì cho đào thành ao hồ, thả hoa sen, hoa súng. Cần có ít nhất chín cái ao hồ lớn để làm chỗ cho Thần Ô Long giáng hạ. Điểm cuối cùng, nên đổi tên Làng Hạ thành Làng Hạ Long!”…
Trưởng Làng lắng nghe như nuốt từng chữ, từng lời của thầy Tả Ao. Nghe xong, Trưởng Làng định hỏi thêm thì đã không thấy thầy Tả Ao đâu nữa!
Từ khi Làng mang tên mới là Làng Hạ Long, cảnh sắc của Làng trở nên tươi đẹp như tranh vẽ. Làng có chín cái hồ lớn và chín cái ao nhỏ lúc nào cũng ngào ngạt hương hoa sen, hoa súng gợi cảnh thanh bình, an lạc. Duy chỉ có điều lạ là trẻ con trong Làng đều được cho ăn học từ nhỏ, nhưng đến những nấc thang cuối cùng của chuyện thi cử thì đều rơi rụng hết, không có ai đỗ đạt cao, chẳng hạn như ngày xưa thì có ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, thì chỉ qua được kỳ thi Hương, vài người qua được kỳ thi Hội, còn tới kỳ thi Đình thì không bao giờ có người đỗ; còn như ngày nay thì chỉ qua được kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tới thi Đại học thì rụng gần hết, chỉ còn được vài người đỗ vớt hoặc được cộng thêm điểm ưu tiên!...Tuy nhiên, những người cao tuổi không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Hội Bảo trợ học đường ra đời rất sớm, sau này là Hội Khuyến học, hoạt động cũng rất mạnh. Và để khích lệ tinh thần sĩ tử, khóa nào có ai đỗ Trạng Nguyên, Làng cùng mời cho được Quan Trạng về Làng rồi chọn lấy vài người học trò xuất sắc nhất, thi tài họa thơ, đối chữ với Quan Trạng, thực ra là để đánh đổ uy danh của Quan Trạng, tôn vinh tài học của người Làng, song đa phần cũng chỉ một chín một mười mà thôi. Tuy nhiên, trong những cuộc so tài đó, ai có thể đối đáp ngang ngửa với Quan Trạng đều được Làng phong danh hiệu Trạng Nguyên, cũng có nghi thức đón rước Trạng Nguyên về…tận nhà và điều quan trọng nhất là cũng được cưới “Công Chúa của Làng” mà không tốn kém một đồng bạc nào! Việc chọn ra “Công Chúa của Làng” được tiến hành hàng năm nên lúc nào cũng có sẵn Công chúa ngọc ngà đế Tân khoa Trạng Nguyên đón Nàng về dinh động phòng hoa chúc!
Trải qua thời gian, số Trạng Nguyên được Làng phong tặng ngày càng nhiều và hầu hết những Trạng Nguyên này đều mãn nguyện với cuộc sống của mình: vợ đẹp con khôn và không bao giờ lo đói bởi đó sẽ là những ông Đồ đắt giá (sau này là Gia sư) vĩnh viễn của Làng, thậm chí các làng khác trong vùng cũng đem con em tới nhờ dạy bảo! Và, như một tất yếu khách quan, những Ông Trạng không sắc phong này “coi Trời bằng vung”, nói một tấc đến Trời, tức nói khoác không ai bằng! Vì thế, người trong vùng gọi Làng Hạ Long này là Làng Nói Trạng! Hàng năm, Làng đều có tổ chức thi nói Trạng và ai đoạt giải nhất  cũng được Làng phong danh hiệu Trạng Nguyên!
*
Chúng ta đã được biết một số Làng nói Trạng do những nhà sưu tầm văn hóa dân gian, nhà báo sưu tầm và kể lại trên một số báo chí như Quảng Cư (Quảng Bình),Vĩnh Hoàng (tỉnh Quảng Trị), Đồng Sài (tỉnh Bắc Ninh), Trúc Ổ (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Văn Lang (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ),v.v… Song, Làng nói Trạng Hạ Long sẽ khiến cho người tiếp xúc lần đầu tiên phải thốt lên: “Không thể nói khoác hơn!”…
Những nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folkllore) có quê gốc là Làng Nói Trạng Hạ Long đang khẩn trương sưu tập những câu chuyện Nói Trạng của Làng để in thành ba tập sách, mỗi tập khoảng một ngàn trang, dự kiến hết năm 2010 sẽ xong mọi vấn đề và sẽ được in ấn, phát hành vào quý một năm 2011. Đến lúc ấy, bạn đọc có thể “no sôi chán chè” về Truyện Nói Trạng. Những gì tiếp dưới đây là được rút từ bộ sách nói trên.
*
Làng Nói Trạng có rất nhiều nhân vật thuộc loại Kỳ nhân dị tướng, tất nhiên. Nhân vật có nhiều huyền thoại bao quanh nhất là ông Song Long. Ông Song Long chính là con trai trưởng của ông Trưởng Làng với bà vợ có tướng cách Đại quý Ô Long quấn ngọc trụ, người đã từng được tiếp kiến Tả Ao Tiên sinh đã nói trên. Năm nay, ông Song Long đã hơn trăm tuổi, song sức khỏe còn rất tốt, có thể nói là đẹp Lão, không thua gì các vị Đại Tiên trên Thượng giới. Khi ông được sinh ra, rất đặc biệt, không như người thường. Theo lệ thường, khi người mẹ ra nước ối thì đứa con sẽ chui ra ngay, nhưng ông Song Long thì không chịu ra ngay mà phải một ngày sau. Lúc ông chui ra, bà đỡ thấy tay ông cứ nắm chặt “con Ô Long” của người mẹ thì không biết làm thế nào, bởi nếu làm đứt “con Ô Long” của người mẹ thì rất nguy hiểm bởi người mẹ sẽ mất đi cái Tướng cách Đại quý Ô Long quấn ngọc trụ! Bà đỡ bèn nói rõ tình hình với người mẹ, lập tức người mẹ quát lớn: “Thả tay ra ngay! Mẹ đã cho con những hai con Ô Long rồi còn muốn gì? Sờ tay lên đầu xem!”. Ông Song Long, tức thằng bé vừa chui ra từ bụng mẹ liền sờ tay lên đỉnh đầu, quả nhiên ngay giữa huyệt Bách hội, có hai sợi tóc đen nhánh, to gấp ba lần những sợi khác, dài tới mười phân! Từ đó, đứa bé được đặt tên là Song Long. Hai sợi tóc đó của thằng bé dài ra không ngờ, khi năm tuổi thì có thể quấn kín người như cái áo giáp, dao chém không đứt, dáo đâm không thủng. Bình thường phải cuộn hai sợi tóc đó lại, cho vào một cái túi vải, đeo dưới nách!
Khi mới mười tuổi, cậu bé Song Long đã đỗ đầu kỳ thi Hương, kỳ thi Hội cũng đỗ Á khoa, nhưng đến kỳ thi Đình thì bị đánh trượt vì chê con gái yêu của Quan Chủ khảo là xấu xí, không chịu thành thân. Thực ra, cậu bé Song Long đã được ông Trưởng Làng chọn cho người vợ ở cùng Làng có Tướng cách cực quý là Song Long nhiễu nguyệt, hai vợ chồng đều có quý tướng thì còn mơ tưởng gì nữa!
Sau lần hỏng thi đó, cậu bé Song Long ở nhà, cưới vợ rồi vui thú chuyện vợ con, chẳng thiết gì chuyện thi cử lập công danh nữa! Tuy thế, tài học cũng như tài nói khoác của Song Long đã bay tứ phương, nhiều Đại Nho quanh vùng phải tâm phục khẩu phục!
Lần ấy, có một vị quan Thượng Thư người miền trong, từng đậu Trạng Nguyên, đi kinh lý qua Làng Hạ Long, đã nghe đồn nhiều về Song Long, bèn vào Làng tìm Song Long xem thực hư thế nào. Quan Thượng Thư vốn ghét những người không đỗ đạt mà lại nói khoác nên muốn tìm cách dồn Song Long vào chỗ chết. Lúc đó, Song Long mới gần hai mươi tuổi, đang sức trai tràn trề, mà chỉ loanh quanh ở nhà, không mấy khi đi ra khỏi lũy tre làng, nên quả là có nhiều quả ngon vật lạ ở tứ phương mà chưa biết tới. Quan Thượng Thư muốn khai thác chỗ yếu đó của Song Long, bèn nói: “Ta có người thiếp, tuổi chỉ xấp xỉ bằng ngươi, nhưng đã đi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc, món ngon vật lạ gì cũng đã nếm qua. Vậy ngươi có món ăn gì khiến cho Nàng thích như là mới biết lần đầu thì được thưởng ngàn lạng bạc, bằng không sẽ bị chém đầu. Ngươi có dám nhận lời thách đố không?”. Song Long chấp nhận ngay và yêu cầu Quan Thượng Thư quây vải thành cái buồng giữa sân để dâng đặc sản!
Khi Song Long dâng đặc sản, mọi người chỉ nhìn thấy Song Long bưng cái mâm đồng trên úp lồng bàn nên không thể biết trong mâm là món gì? Nhưng chỉ năm phút sau thì người thiếp của Quan Thượng Thư bước ra nói: “Quả là Thiếp chưa từng được nếm món này!... Cực ngon!...”. Lúc ấy Song Long bưng cái mâm ra, Quan Thượng Thư vội lật lồng bàn ra xem thì không thấy gì, tròn mắt hỏi: “Món ấy đâu?”. Người Thiếp nói: “Thiếp đã ăn hết ngay!”… Đám đông xì xào bàn tán hồi lâu mà không biết Song Long đã dâng món gì? Hỏi mấy ông già lão làng thì chỉ nói kiểu gợi ý: Nhìn tạng người Quan Thượng Thư hom hem như thế, tất khi “hành sự” chỉ như “đuôi chuột ngoáy lọ mỡ”, như thế người Thiếp trẻ đẹp kia tất sẽ nuốt chửng cái “món ấy” của chàng trai trẻ!...
*
Có một cao thủ nói khoác ở một Làng nói Trạng khác của tỉnh nọ, nghe đồn Làng nói Trạng Hạ Long có nhân vật huyền thoại Song Long, liền tìm đến thách đấu. Cao thủ nói khoác này có người vợ yêu cực kỳ sung mãn, đặc biệt là đôi nhũ hoa đẹp không thể tả, với số đo vòng một theo kiểu đo bây giờ phải tới hơn chín mươi phân. Người này cũng dò hỏi và biết Song Long có người vợ có quý tướng Song Long nhiễu nguyệt thì háo hức muốn biết Song Long nhiễu nguyệt có hơn Nhũ hoa điểm son của vợ mình hay không, liền đưa ra điều kiện thách đố là “Được hoặc mất vợ với đối phương”. Khi người kia tới thách đấu, Song Long nhận lời ngay. Người vợ Song Long thấy vậy thì nói: “Sao chàng lại đem thiếp ra nhận thách đấu? Lỡ Chàng thua thì làm sao Thiếp sống nổi với người ta?”. Song Long bình thản nói: “Người này thách đấu như thế là đã tự hại mình, thua là cái chắc bởi ba điều: 1/ Mới vào cuộc anh ta đã chăm chăm muốn chiếm đoạt vợ người, không biết có chiếm được vợ người hay không nhưng mất vợ mình là không tránh khỏi; 2/ Vợ anh ta mạnh về đôi nhũ hoa, mà đôi nhũ hoa là tài sản của con cái chứ không phải của người chồng, vậy là anh ta đã cầm lộn vũ khí, con cái sẽ phản đối, chưa đánh đã thua; 3/ Có câu “Thái quá bất cập”, tức đôi nhũ hoa của vợ anh ta to đến như thế là hết cỡ. Anh ta nói khoác ắt nói về đôi nhũ hoa vô địch của vợ, ắt nói nó sẽ to nhất thế giới, phình to đến như thế ắt sẽ nổ tung, anh ta thua cuộc là cái chắc!”. Vợ Song Long nghe nói vậy thì yên tâm và thầm nghĩ, nếu chồng mình biết dùng vũ khí đặc biệt là “Đôi Rồng đang ấp mặt trăng” của mình thì thế nào cũng bắt trói được cô nàng có “Nhũ hoa điểm son” về làm vợ bé cho mình có người sai khiến! Quả nhiên, khi vào cuộc thi nói khoác, tay cao thủ kia cứ bơm mãi cho đôi nhũ hoa của vợ mình lớn đến cực đại để đến nỗi đối thủ chỉ khẽ chọc cũng nổ tung. Còn Song Long cứ tha hồ kéo dài cặp “Song Long nhiễu nguyệt” ra tới vô cực!... Người vợ của kẻ nói khoác bại trận có đôi nhũ hoa điểm son sau đó thành vợ bé của Song Long, khiến cho gia thế thêm thịnh vượng!
*
Khoảng nửa Thế kỷ thứ 21 trở lại đây, “phong trào nói khoác” ở Làng Hạ Long cũng như ở các Làng Nói Trạng khác có phần im ắng, bởi có thời gian, chính quyền địa phương cho chuyện nói Trạng, nói khoác là không tốt, thậm chí có hại cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước! Song, khoảng chục năm trở lại đây, vấn đề tìm về cội nguồn dân tộc để xác định bản sắc văn hóa của dân tộc được chú ý nên chuyện Nói Trạng lại được chú ý khai thác, bảo tồn bởi đó là một trong những nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc!...
Một ngày kia, Làng nói Trạng Hạ Long lại tổ chức Hội Thi Nói khoác, có mời các Làng nói Trạng ở các nơi tham dự, giải thưởng được treo cực lớn, có mơ như kiểu nói khoác cũng không thể ngờ!... Song, người bị bất ngờ lại chính là Ban Giám khảo của Hội Thi Nói Trạng, trong đó có dị nhân Song Long đã thọ hơn trăm tuổi! Họ bị bất ngờ vì nhận được chín bài dự thi được đóng xén rất đẹp thành chín cuốn sách khổ lớn như Lịch treo tường, dày hơn ngàn trang! Nội dung của chín tập sách đó là gì? Đó là những bản Báo cáo Tổng kết hàng năm (chỉ tập hợp các Báo cáo điển hình trong khoảng mười năm gần đây) của các cơ quan cấp Bộ như Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế,  Bộ Văn hóa, v.v… và một số Tỉnh, Thành phố nổi tiếng về “Báo cáo láo” để phô trương thành tích {mà báo chí gọi là “Bệnh thành tích”)… Hỏi tác giả của những “Bài thi” đó thì toàn là chuyên viên cao cấp chuyên ngành viết Báo Cáo của các Bộ, Tỉnh thành nói trên!
Ban Giám khảo họp một ngày và quyết định trao giải Nhất đồng hạng cho cả chín cuốn Bài thi nói  Khoác! Sau Tết năm con Cọp sẽ làm lễ phát thưởng, chưa biết ngày chính xác là ngày nào? Có lẽ sẽ phải là một ngày dài hơn Thế kỷ!.../.
Sài Gòn, 2010
Đỗ Ngọc Thạch

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiV0vAx1bMcO7wW4gU9jq2zhFk8b9lKJad4x1lfqP8t5nqYwUs86CCPn_hpIXXSL8yjz8l7LoGrjprGqOEcZW9w2e09hETMT0PSj8hHCE7XRzMPk_jYP0UteO1aX69fQHaBWdD6uM8G9mUq/s320/10.jpg
LÀNG TÔI XANH BÓNG TRE
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


Làng Yên Khê là một vùng bán sơn địa, tuy nhỏ nhưng phong cảnh thật ngoạn mục: có núi Voi phục cao gần một ngàn mét, in hình trên nền trời xanh, nhìn xa xa như một con voi đang phủ phục. Từ núi voi, một dòng suối nhỏ chảy lượn lờ như một dải lụa mềm qua một khu đồi thấp chỉ có cây sim, cây mua lúp súp. Dòng suối nhỏ lúc nào cũng yên bình và trong xanh nên người ta đặt tên cho nó là Yên Khê. Suối Yên Khê uốn lượn được khoảng ba cây số thì chảy vào một cái đầm lớn gọi là đầm Vạc, bởi ở đây chỉ có con cò con vạc. Bên kia đầm Vạc là xã Thanh Thủy…
Khởi thủy, làng Yên Khê là khu đồi hoang sơ, chỉ là nơi dừng chân nghỉ ngơi tắm rửa của những người tiều phu từ Thanh Thủy tới núi Voi kiếm củi. Con suối Yên Khê không ngờ có một bãi tắm rất đẹp: lòng suối mở rộng, nước sâu tới ngực và trong vắt, nhìn tới đáy thấy những viên đá cuội trắng như ngọc trai. Người ta nói đó là bãi tắm Tiên, xưa kia các Nàng Tiên thường tới đây tắm và nô đùa cả buổi. Thời nay, chưa ai nhìn thấy các Nàng Tiên tắm nhưng cái tên bãi tắm Tiên thì vẫn còn. Có một số cô gái ở Thanh Thủy tin là nếu tắm ở bãi tắm Tiên thì sẽ được đẹp như Tiên nên thi thoảng cũng rủ nhau đi núi Voi kiếm củi để rồi tới bãi tắm Tiên. Quả nhiên, sau mỗi lần tắm ở bãi tắm Tiên, các cô gái Thanh Thủy đều thấy mình đẹp hơn, da dẻ trắng ngần…
Vào thời Minh Mạng (*) nhà Nguyễn, ở Thanh Thủy, nhà kia có hai chị em sinh đôi, chị tên Hiền, em tên Hậu, đều thuộc loại đẹp người, đẹp nết nhưng không hiểu sao cả hai chị em đều bị chứng bệnh ngớ ngẩn, càng lớn bệnh càng nặng, nhất là khi hai chị em qua tuổi thập tam. Và sau vài lần đi tắm ở bãi tắm Tiên về, cái bụng của cả hai chị em cứ lớn dần. Bởi vì mắc chứng bệnh ngớ ngẩn nên cả hai chị em đều không thể nói ra được kẻ nào đã làm cho họ mang hoang thai. Các bô lão nói với bà Tình, mẹ của hai chị em: “Cứ theo lệ làng thì hai chị em đều sẽ bị làng phạt vạ, nhưng các bô lão thương tình người bị bệnh ngớ ngẩn nên không phạt vạ mà chỉ bị “đi đầy”: Làng sẽ làm cho hai chị em một căn nhà nhỏ dưới chân núi Voi để tới đó mà sinh nở!”. Ngày mãn nguyệt khai hoa, chỉ có bà Tình, người mẹ của hai chị em tới chăm sóc hai người mẹ trẻ rồi bà cũng ở lại với con và hai đứa cháu gái. Năm người giới tính nữ đó chính là năm người đầu tiên của làng Yên Khê… Một thời gian sau, người ta thấy có khá nhiều người đến chân núi Voi phục cư ngụ, mà những tốp người đầu tiên đến họ đều vốn là nghĩa quân của Phan Bá Vành trôi dạt tới. Chính những người này đã bao bọc, che chở cho năm người giới tính nữ đầu tiên của làng Yên Khê. Khi chính quyền mới được thiết lập, tức năm 1945, thì hai người con của hai bà Hiền và Hậu đã trăm tuổi, để lại ba thế hệ con cháu nữa mà bà Thanh Yên, sinh năm 1946, là thế hệ thứ năm…
*
Làng Yên Khê bây giờ trở nên sầm uất vì nó đã trở thành khu du lịch sinh thái liên hoàn với Đầm Vạc: du khách sau khi chơi thuyền trên Đầm Vạc sẽ được du ngoạn ngắm cảnh suối Yên Khê đẹp như Bồng Lai Tiên cảnh rồi được chơi trò “Tắm Tiên” ở bãi tắm Tiên. Tất nhiên có rất nhiều các “Nàng Tiên” chân dài cùng nô đùa trong dòng nước trong vắt nhìn thấy đáy. Dọc theo con suối Yên Khê và dưới chân núi Voi phục, người ta xây những nhà nghỉ kiểu biệt thự nhỏ, không lúc nào vắng khách…
Cách chân núi Voi phục khoảng năm cây số về phía Nam, có một xóm nhỏ gọi là xóm Ngẩn Ngơ. Gọi là xóm Ngẩn Ngơ vì cư dân của xóm này toàn là những người bị bệnh ngớ ngẩn, vốn là con cháu của năm người giới tính nữ đầu tiên ở chân núi Voi phục. Tuy nhiên, không hiểu sao, con gái của cái xóm nhỏ này lại đều xinh đẹp như Tiên nữ giáng trần khiến ai mới thoạt nhìn cũng đều ngẩn ngơ hàng giờ. Có lẽ cái tên xóm Ngẩn Ngơ hình thành là do cái lý do này. Những người ở xóm Ngẩn Ngơ vốn cư ngụ ngay dưới chân núi Voi phục, nhưng khi qui hoạch khu du lịch sinh thái Đầm Vạc - Yên Khê, người ta đã “giải tỏa - đền bù” và vận động tất cả di dời đến vị trí bây giờ, tức ở phía Nam, cách chân núi Voi phục năm cây số. Có một điều kỳ lạ là khi xóm Ngẩn Ngơ hình thành, bỗng xuất hiện một dòng suối nhỏ chảy từ núi Voi phục tới xóm Ngẩn Ngơ. Dòng suối này ngày càng lớn và không khác gì dòng suối Yên Khê, nơi ở cũ của những người xóm Ngẩn Ngơ. Vì thế người ta gọi dòng suối mới này là Nam Yên Khê. Và điều kỳ lạ nữa đang xảy ra từng ngày là dòng suối Yên Khê cũ có vẻ như đang nhỏ dần, có vẻ như nó đang muốn biến mất để nhập vào dòng suối Nam Yên Khê?
Cho đến thế hệ bà Thanh Yên thì dường như bệnh ngớ ngẩn của con cháu bà Hiền, bà Hậu đã thuyên giảm rất nhiều. Bà Thanh Yên tuy không học hết bậc học phổ thông trung học vì vẫn mắc chứng bệnh “nhớ trước quên sau”, nhưng bà có những năng khiếu bẩm sinh tức cầm kỳ thi họa cái gì cũng giỏi. Hẳn là bà Thanh Yên được thừa hưởng những tài hoa ấy từ người ông nội, một nhà Nho tài tử trong đám nghĩa quân của Phan Bá Vành ngày xưa. Trong những nét tài hoa của bà Thanh Yên thì đặc biệt hơn cả là tài hội họa và thanh nhạc: khi bà cầm bút vẽ thì không khác gì danh họa nổi tiếng thời xưa. Chỉ qua lời kể của các bậc tiền nhân mà bà Thanh Yên đã vẽ được một bộ tranh từ năm người đầu tiên của làng Yên Khê cho đến những người đang sống. Không chỉ vẽ người, bà Thanh Yên còn vẽ được một bộ tranh về làng Yên Khê từ thuở khai sinh cho đến hôm nay. Nhìn vào bộ tranh của bà Thanh Yên, người ta đã viết lại được rất đầy đủ câu chuyện “Sự tích làng Yên Khê”. Và người viết lại được câu chuyện “Sự tích làng Yên Khê” chính là một chàng trai ở xã Thanh Thủy, bên kia Đầm Vạc, tên là Thanh Long, tức chồng bà Thanh Yên bây giờ.
Về năng khiếu thanh nhạc, bà Thanh Yên có một giọng ca trời phú và chỉ nghe ca sĩ nào đó hát một lần, bà có thể hát lại không sai một nốt nhạc và điều bất ngờ là giọng hát của bà truyền cảm hơn rất nhiều, cứ như là nhạc sĩ sáng tác ra bài hát đó là chỉ để riêng cho bà hát mà thôi! Điều đặc biệt là bà rất hay hát và hát rất hay cả bốn bài hát cùng có tên là Làng tôi (**), đặc biệt là hai bài Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Chung Quân. Mỗi khi bà hát bài Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao, người ta như nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đang ngân rung trên thinh không:
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một giòng sông.
Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn.
Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tan hoang.

Chiều khi quân Pháp qua
Chiều vắng tiếng chuông ngân, phá tan nhà thờ xưa.
Làng tôi theo đoàn quân du kích,
Cướp ngay súng quân thù trả thù xưa.
Bao căm hờn từ xa quê nhà, rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa.
Từ xa quê trông lớp cây già, làng quê còn thấy buồn đau.

Ngày diệt quân Pháp tan,
Là lúc tiếng chuông ngân, tiếng chuông nhà thờ rung.
Làng tôi theo đoàn quân chiến thắng, đánh tan lũ quân thù về làng xưa.
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu, cùng lập chiến lũy đào hào sâu.
Giặc chưa tan chiến đấu không thôi, đồng quê chào đón ngày mai.

(Làng tôi - Văn Cao)
Còn khi bà Thanh Yên hát bài Làng tôi của Chung Quân, người ta như thấy mọi cảnh vật của làng mình hiện ra ngay trước mắt, sống động biết bao và cũng u buồn tới mức muốn khóc:
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng
Nhưng than ôi có một chiều thu lá thu rơi
Có một chiều thu lá thu rơi
Ôm súng chiều quê tôi thầm mơ bóng ngày về
Mơ trong bóng ngày về
Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương

(Làng tôi - Chung Quân)
*
Ông Thanh Long khi còn đang tuổi học trò cũng thường lên núi Voi kiếm củi và khi đi qua bãi tắm Tiên đã bị tiếng hát mê hồn của “Nàng Tiên cá” Thanh Yên quyến rũ. Rồi khi đến tuổi lấy vợ, ông Thanh Long nhất quyết đòi bố mẹ đến làng Yên Khê xin cưới Thanh Yên. Nhưng cả bố và mẹ ông Thanh Long đều không đồng ý cho ông cưới cô gái ngớ ngẩn… cho đến khi ông đem về cho song thân hai bức tranh chân dung của chính hai người do Thanh Yên vẽ chỉ qua lời kể của ông Thanh Long thì hai ông bà mới bái phục tài “cô gái ngớ ngẩn” và đồng ý cho Thanh Long cưới Thanh Yên! Sau khi cưới Thanh Yên, chàng Thanh Long tới làng Yên Khê ở rể và đã hoàn chỉnh câu chuyện “Sự tích làng Yên Khê”. Tới khi những người qui hoạch khu du lịch sinh thái Đầm Vạc - Yên Khê muốn đẩy tất cả những người ngớ ngẩn ở làng Yên Khê đi khỏi chân núi Voi tới năm cây số, tức xóm Ngẩn Ngơ bây giờ, chàng rể Thanh Long lúc này tuy đã là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng cũng không thể làm gì để cứu vãn tình thế bị di dời! Mặc dù đầy ấm ức, nhưng Thanh Long cũng đành ngậm đắng nuốt cay cùng vợ và những người ngớ ngẩn về nơi “tái định cư” ở xóm Ngẩn Ngơ!
*
Tuy đã phải về định cư ở xóm Ngẩn Ngơ, nhưng chàng rể Thanh Long vẫn ngày đêm âm thầm điều tra cái công ty du lịch sinh thái Đầm Vạc - Yên Khê và chàng đã thu thập được khá nhiều bằng chứng về hoạt động buôn bán bất hợp pháp, nhất là hoạt động đánh bạc và “kinh doanh thân xác phụ nữ”, thậm chí không chỉ phạm vi trong nước mà còn ra cả nước ngoài. Một năm rồi hai năm trôi qua, Thanh Long đã hoàn chỉnh hồ sơ tố cáo Công ty du lịch sinh thái Đầm Vạc - Yên Khê và quyết định giao nộp cho một người cán bộ lãnh đạo đứng thứ hai của tỉnh, dưới một người trên vạn người, cũng là người đồng hương ở xã Thanh Thủy. Người này nhận hồ sơ và hẹn ba ngày sau sẽ gặp lại rồi cho câu trả lời. Thanh Long mừng thầm ra về và bàn với các bô lão về dự án xây dựng kinh tế trang trại tại Làng Yên Khê sau khi đuổi cổ được cái công ty du lịch sinh thái trá hình kia và cùng nhau “trở lại cố đô”!
Nhưng, niềm hi vọng của Thanh Long chỉ tồn tại được đúng ba ngày. Tới ngày hẹn, người cán bộ lãnh đạo đứng thứ hai của tỉnh cho gọi Thanh Long vào phòng làm việc và nói liền một mạch, như là không muốn cho người nghe chen ngang: “Chúng tôi đã cho người đi thẩm tra hoạt động kinh doanh của công ty du lịch sinh thái Đầm Vạc - Yên Khê, họ làm ăn rất tốt, đóng thuế đầy đủ và nộp ngân sách cao nhất trong tỉnh, lại còn đứng đầu tỉnh về công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công đang gặp khó khăn. Nếu như họ mà biết anh là tác giả của cái hồ sơ tố cáo này, họ sẽ kiện anh tội vu khống, lúc đó không ai có thể cứu anh được. Vì thế, coi như chưa hề có chuyện tố cáo này… Nhân đây, tỉnh muốn giao cho anh với tư cách một nhà khoa học, đọc duyệt bản thảo một cuốn sách về địa chí của tỉnh mà chủ yếu là về phần viết về vùng đất Thanh Thủy quê ta, trong đó Làng Yên Khê như là một điểm sáng văn hóa và tiềm năng làm kinh tế du lịch!”.
Ông Thanh Long biết là chưa thể nói gì thêm về cái vụ làm ăn phi pháp của Công ty du lịch sinh thái Đầm Vạc - Yên Khê nên vội nhận lời đọc cái cuốn địa chí kia, vì nó sẽ liên quan nhiều đến cái nghề sưu tầm văn hóa dân gian của ông. Nhưng khi đọc đến phần nói về “Lịch sử ra đời và phát triển của Làng Yên Khê” thì ông kinh ngạc tột độ bởi trong đó không hề có một chữ nào nói về những người lập làng là năm người giới tính nữ mà lại dựng đứng lên rằng những người đầu tiên khai sinh ra Làng Yên Khê này là những người hát Ả đào, hay còn gọi là hát cô đầu và khẳng định rằng làng Yên Khê là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Ca Trù, vì thế bây giờ cần phục hồi và phát huy truyền thống đó!
*
Tính từ sau khi bàn với các bô lão về dự án làm kinh tế trang trại rồi lên gặp lãnh đạo tỉnh trở về, người dân xóm Ngẩn Ngơ không hiểu vì sao chàng rể Thanh Long, tức nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Long bỗng trở nên có biểu hiện của căn bệnh ngơ ngẩn nặng nhất xóm Ngẩn Ngơ. Mấy bô lão đã được Thanh Long mời bàn bạc về chuyện kinh tế trang trại, mỗi lần nhìn thấy người vợ của Thanh Long là Thanh Yên thì đều xúm lại hỏi nhưng chỉ nhận được những lời ca tha thiết mà u buồn của bài hát Làng tôi:
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng…

Sài Gòn, tháng 5-2011
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(*) Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh (1791-1841), tức Nguyễn Thánh Tổ Nhân Hoàng đế là vị Hoàng đế thứ hai (ở ngôi từ 1820 đến 1841) của nhà Nguyễn. Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm còn có tên Nguyễn Phúc Kiểu.
Minh Mạng được xem là một ông vua năng động và quyết đoán, đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Ông cho lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở kinh đô Huế, bãi bỏ chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Dưới thời ông, quân đội nhà Nguyễn được tổ chức lại, chia thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh và pháo thủ binh. Minh Mạng còn cử quan ra chỉ đạo khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Là người tinh thông Nho học và sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến việc học tập và củng cố thi cử, năm 1822 ông mở lại các kì thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài. Dưới triều Minh Mạng có nhiều cuộc nổi dậy diễn ra: Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân,… ở miền Bắc và Lê Văn Khôi ở miền Nam. Triều đình đã phải đối phó vất vả với những cuộc nổi dậy ấy.
(**) Hai bài Làng tôi khác là của Nhạc sĩ Hồ Bắc và Lê Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét