Ký Ức Làm Báo - 2
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Báo chí mới có ở xứ ta từ đầu Thế kỷ 20 và phải nói là cho đến nay, Nhà báo vẫn được xã hội coi trọng và người dân nói chung vẫn thích đọc báo, và ở nhiều bộ phận người dân, đọc báo là một nhu cầu không thể thiếu, như ăn sáng, uống cà-phê hàng ngày.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết để có được tờ báo chỉ vài ngàn đồng (để ai cũng có thể mua được), đã trải qua biết bao công sức của rất nhiều người: từ người viết (Phóng viên, Cộng tác viên) đến người biên tập, người trình bày và cuối cùng là một đội ngũ nhà in đông đảo (bây giờ có máy in hiện đại thì đỡ vất vả chứ ngày trước, thời dùng máy in ti-pô, những người công nhân xếp chữ phải xếp từng con chữ (bằng chì) vào bát chữ rồi in thử vài lần đến khi thật chính xác mới chạy in hàng loạt (bây giờ công đoạn này làm trên máy tính nhanh hơn rất nhiều). Báo in xong, lại phải có một đội quân khá đông đảo đi bán báo dưới nhiều hình thức mà nói gọn là công tác phát hành. Bây giờ, Hội nhà báo Việt Nam có tờ Nhà báo và công luận, hoặc Hội Nhà báo TP.HCM có tờ Nghề báo, bạn đọc nào thích thú tìm hiểu kỹ về nghề làm báo thì cần tìm đọc hai tờ báo chuyên về nghề làm báo này. Đương nhiên, hàng trăm tờ báo của các ngành, các đoàn thể, các Hội nghề nghiệp và các địa phương cũng có những bài viết về nghề làm báo, nhưng không thường xuyên.
Nói vắn tắt như vậy cũng đủ thấy sản phẩm tờ báo mà bạn đang cầm trên tay thật đáng trân trọng và bổ ích biết bao. Chính vì thế, có không ít người rất công phu sưu tập các loại báo mà mình yêu thích hoặc sưu tập các bài báo về một chủ đề, đề tài nào đó mà họ quan tâm. Những công việc này, ở các Thư viện lớn người ta phải làm thường xuyên, nhưng cá nhân mà làm nên những bộ sưu tập đồ sộ như vậy thì quả là đáng nể phục.
Tôi thuộc “trường phái” trân trọng, nâng niu những tờ báo (nhất là những tờ báo có đăng bài của mình, đương nhiên), nhưng không có đủ “tiềm lực” để làm như những nhà sưu tập kia, và cũng vì thường ỷ lại vào Thư viện, cần tra cứu gì cứ vào Thư viện Quốc gia hoặc Thư viện của Viện Thông tin Khoa học xã hội là có đủ. Ngay cả “Thú chơi sách” tôi cũng không chơi được vì không bao giờ có dư tiền để mua sách vì những cuốn sách mà mình thích và cần đọc thì rất nhiều mà “ngân sách” thì hầu như bằng không, cho nên cũng nhờ vào Thư Viện, muốn đọc sách gì cũng có!
Tôi có anh bạn cũng là nhà báo cùng “trường phái” nhưng “yêu báo” đến mê si, đắm đuối như thế thì quả là hiếm có. Anh bạn tên là Hoành, do lúc sinh ra đời, cái thai (tức anh bạn Hoành sau này) lại nằm ngang, khiến mẹ anh rất khó đẻ. Vì thế, người ông của anh mới đặt cho cái tên là Hoành. Song, ông cụ lại nghĩ, tính nết nó mà cứ “ngang như cua” thì có ngày chết oan, cho nên mới thêm chữ Tung ở trước, để cho nó tung hoành thiên hạ, thỏa chí tang bồng! Khi nghe tin đứa cháu làm nghề báo, người ông vuốt râu cười khà: “Nhân bảo như thần bảo, cháu tôi nó làm nghề báo thì tha hồ tung hoành rồi còn gì!”. Nhưng thực ra, anh bạn Tung Hoành của tôi đâu có tung hoành gì được vì tờ báo mà anh làm là loại báo “Lưu hành nội bộ” (xin miễn nêu tên tờ báo ra vì có vấn đề “tế nhị”). Sau này không biết thế nào, chứ hiện thời (lúc đó, là vào đầu những năm 1980) anh chỉ tung hoành trên trang báo của mình mà thôi! Song, chuyện về anh bạn Tung Hoành tôi muốn nói tới là một chuyện khác, thuộc khâu phát hành nhưng nó khiến chúng tôi bị “sốc” một thời gian dài.
Như tôi vừa nói trên, anh bạn Tung Hoành yêu báo đến mê si, đắm đuối (tức yêu cả nghề làm báo và sản phẩm tờ báo). Đang đi trên đường, thấy có tờ báo ai đó quăng bỏ từ bao giờ, anh đều nhặt lên, vuốt cho phẳng phiu rồi cho vào cặp. Thậm chí thấy có ai đang ăn xôi hoặc bánh mỳ dùng tờ báo để gói, thì anh đi theo (nếu người đó vừa đi vừa ăn) hoặc ngồi chờ (nếu người đó đang ngồi ăn) cho đến khi người kia ăn xong, quăng tờ báo đi thì anh tới nhặt ngay. Có nhiều người thấy Tung Hoành như vậy thì cho rằng anh bị tâm thần, nhưng tôi xin khẳng định anh không hề tâm thần bởi anh thường nói câu này: “Báo in ra là để đọc chứ không phải để gói đồ linh tinh!”. Nhiều lúc, tôi định hỏi Tung Hoành rằng nếu bắt gặp ai đó dùng giấy báo để chùi đ… (sau khi ị) thì anh sẽ phản ứng như thế nào, nhưng không hiểu sao, cứ định hỏi câu ấy thì lại có chuyện gì đó bất ngờ cắt ngang. Và đây là một lần cắt ngang nhớ đời. Lúc ấy, chúng tôi đang ngồi uống trà, tôi tính uống xong chén trà thứ hai sẽ hỏi thì anh bạn Tung Hoành nói: “Uống nhanh lên, tôi sẽ dẫn ông tới một nơi có thể gọi là “Lò sát sinh” của báo chí!”. Tôi nghĩ chắc không đến nỗi trầm trọng thế nên túc tắc hưởng cho hết hương vị của chén trà…Thì ra anh bạn Tung Hoành dẫn tôi tới một cơ sở làm pháo tư nhân khá lớn (hồi đó chưa có sắc lệnh cấm đốt pháo). Tôi giật mình khi Tung Hoành dẫn tôi tới kho giấy của cơ sở làm pháo: từng đống, từng đống cao ngất, đủ các loại báo, không chỉ là báo cũ mà tôi còn nhìn thấy cả những bó báo mới còn nguyên đai nguyên kiện, và hẳn là chưa hề qua tay người đọc mà rất có thể được đưa thẳng từ nhà in tới đây!? Và điều khiến tôi kinh hoàng tột độ khi nhận ra có đến gần chục bó tờ Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật của chính cơ quan mình làm ra!...
Sau sự việc đó, tôi gần như bị ngơ ngẩn đến cả tháng. Hàng loạt câu hỏi không thể có câu trả lời cứ quay cuồng trong đầu, chẳng hạn như câu hỏi: “Lẽ nào người phụ trách Trị sự của cơ quan Tạp chí chúng tôi (và của cả những cơ quan báo chí khác) không hề làm cái việc phát hành mà lại bán hết báo cho cơ sở làm pháo?!”. Tôi vụt nhớ đến câu thơ về pháo “Than ôi xác pháo không còn nữa / Nhưng đã tung ra vạn sắc hồng” và nhiều câu thơ nữa nói về “xác pháo rắc hồng lối đi” ở những tiệc cưới và ngày Tết, ngày Lễ… Trước đây, tôi rất thích những câu thơ về pháo như thế nhưng sau “cú sốc” nói trên, tôi thấy những câu thơ về pháo đó thật … nhức tai! Và tôi bắt đầu ghét trò đốt pháo từ sau lần đó. Rồi sau này, khi có lệnh cấm pháo thì tôi mới thực sự thấy “nhẹ người”! Quả là một sự ám ảnh nặng nề không thể giải tỏa nếu không có sắc lệnh cấm pháo! Lệnh cấm pháo quả là đúng đắn: những “Lò sát sinh báo chí” biến mất, và tất nhiên là còn nhiều những cái lợi lớn cả về kinh tế và đời sống xã hội.
*
Báo chí của chúng ta có rất nhiều chủng loại, không kể đến báo nói (Đài Phát thanh Tiếng nói…) và báo hình (Đài truyền hình) thì báo giấy đã thật đa dạng và có rất “nhiều chuyện” để các nhà báo, nhà văn khai thác đặng làm nên những tác phẩm lớn cả về phương diện báo chí và văn chương. Rất tiếc là các nhà báo, nhà văn của chúng ta lại ít viết về nghề báo, nghề văn mà chỉ “hướng ngoại”. Ngay cả như “Vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng cũng chưa có tác phẩm về nghề làm báo mà lẽ ra, một văn tài đã từng sống chết với nghề báo như Vũ Trọng Phụng có dư điều kiện để viết một tác phẩm lớn chẳng hạn như “Tôi làm báo”?! Có lẽ cuốn “Bốn mươi năm nói Láo” của Vũ Bằng vẫn là đỉnh cao chưa ai có thể vượt qua khi viết về nghề làm báo?
Tôi có may mắn là đã tham gia vào nhiều chủng loại báo chí, từ trung ương tới địa phương, chỉ có Nhật báo (báo ra hàng ngày) là chưa có dịp “dự phần”, thật đáng tiếc. Tôi cứ hình dung ra rằng chỉ có làm Nhật báo mới thực sự hiểu biết tường tận và sâu sắc về nghề báo, bởi rất đơn giản: không ngày nào là công việc “Làm báo” với ngàn lẻ một sự cố không thúc ép, tra vấn người làm báo, buộc anh ta phải đối mặt. Vì thế, tôi thật sự thán phục nhà báo, nhà văn Trần Văn Tuấn ở báo Sài Gòn giải phóng: phải đảm nhiệm các chức trách Trưởng ban văn hóa-văn nghệ, Thư ký Tòa soạn, rồi Phó Tổng biên tập “bận hơn con mọn” mà vẫn cho ra truyện ngắn, tiểu thuyết đều đều, với số lượng hơn hai chục đầu sách. Có lẽ Trần Văn Tuấn là một hình mẫu khá chuẩn của một nhà báo, nhà văn hiện nay.
Tuy nhiên, nói về những vẻ đẹp của nhà báo như thế không phải “cái đích” của truyện ngắn này. Mà tôi muốn nói đến “cú sốc” lớn thứ hai (sau cái vụ mục kích báo chí bị đưa đi dùng làm pháo) của đời làm báo là “sự xung đột” trong nghề làm báo. Người ta thường nói, sự vận động phát triển nào cũng có xung đột, sau xung đột là phát triển, sau “cơn giông” trời lại sáng. Đó là nhìn khái quát, ở tầm vĩ mô. Còn đi vào ngóc ngách của vấn đề thì … đầy bi kịch và bi kịch này lại liên quan tới nhân cách của nhà báo. Đó mới chính là “Nỗi buồn làm báo” mà tôi luôn bị ám ảnh!
Nói đến “xung đột” trong nghề làm báo là đụng đến những vấn đề “phức tạp và tế nhị”. Nói chung, lâu nay người ta đều né tránh. Có lẽ chỉ có nhà phê bình Nguyễn Hòa là dũng cảm, không né tránh khi đưa ra nhận xét có tính khái quát sau: “Theo tôi, câu chuyện quanh cuốn Văn luận là ví dụ điển hình để có thể nhận định rằng tình trạng nhiễu loạn chuẩn mực và tình trạng cánh hẩu trong sinh hoạt khoa học ở Việt Nam hiện đã cần được báo động như thế nào!” (Trong bài viết về cuốn Văn luận của Tiến sĩ Đoàn Hương trong cuốn Bàn phím và … “cây búa”: Tiểu luận, phê bình của Nguyễn Hòa. NXB Văn học, 2007). Nhưng có lẽ chưa thể có thêm hai hoặc ba Nguyễn Hòa. Và dường như một cánh én không làm nên mùa xuân. Cuốn Bàn phím… có vẻ như bị người ta lờ đi, coi như chưa từng có, vì cuốn sách đụng chạm đến quá nhiều người khả kính, và vì thế người ta lại tiếp tục né tránh - “tránh voi chẳng xấu mặt nào”!
Song, nếu cứ né tránh hoài thì vô hình chung chúng ta đã đi xa bản chất của nghề làm báo - đó là tính trung thực, tính chiến đấu. Xin nói ngay rằng, “tính chiến đấu” ở đây là chiến đấu chống cái ác, cái xấu, chống tham nhũng…chứ tuyệt nhiên không phải là “chiến đấu” kiểu huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt… mà người ta quen gọi là “đấu đá”. Rất tiếc là một trong những điều mà người ta cứ né tránh hoài chính là cái sự “đấu đá” huynh đệ tương tàn này.
Trước khi bước vào nghề báo, như trên đã nói, tôi thuộc “trường phái” trân trọng, tin yêu tới mức nồng nhiệt tờ báo và tất nhiên cả người làm ra tờ báo, tức Nhà báo theo như quan niệm phổ biến của xã hội: tờ báo là sự thật, là công lý, là những chuẩn mực của đời sống muôn mặt, và đương nhiên, nhà báo là những người được xếp ở “đẳng cấp cao”, bởi có “quyền lực thứ tư”. Với phần lớn sinh viên Văn khoa (lúc đó chưa có đại học báo chí như bây giờ), được vào làm việc ở các tòa báo là một vinh dự. Vì thế, tuy đang ở Viện Văn học, một cơ quan nghiên cứu có danh tiếng nhất nhì ở xứ ta, khi được ông Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật mời về, tôi cũng bỏ Viện Văn học mà đi ngay. Song, cú sốc đầu tiên mà tôi vừa nói trên (chứng kiến người ta đem báo đi làm pháo) như là gáo nước lạnh đột ngột dội vào tôi khiến trong tôi hình thành “Nỗi buồn nghề báo” và cái “Nỗi buồn nghề báo” này lớn dần khi tôi bị cú sốc thứ hai: chứng kiến sự “đấu đá” khốc liệt của các nhà báo với nhau! Chuyện bè phái, tranh giành quyền lực, “đấu đá” quyết liệt thì ở các cơ quan nhà nước thì chỗ nào cũng có, ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà thôi. Nhưng tôi vẫn không thể tin được ở những cơ quan báo chí lại có hiện tượng này, giống như ngành Thanh tra đi kiểm tra mà lại nhận hối lộ hoặc ngành Công an mà lại phạm tội! Tuy nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra: cái ác, cái xấu có thể tồn tại ở bất cứ đâu!
Nói về chuyện “đấu đá” của các Sếp cũ của mình là chuyện cực chẳng đã (xu thế chung là khen ngợi, thậm chí bốc thơm tới mức phong thánh), vì thế, không thể nói dài dòng, cà kê mà chỉ xin tóm lược như sau. Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật mà tôi vừa nói trên là nhà viết kịch Kính Dân (bút danh). Ông là tác giả kịch bản hoạt động bên lĩnh vực sân khấu và khi được giao làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật, ông có xu hướng muốn lấy thêm về những người có năng lực nghiên cứu và viết lách cho nên đã lấy ông Nguyễn Đức Đàn, một nhà nghiên cứu và viết lách đã thành danh ở Viện Văn học, về giao phụ trách Tổ Lý luận của Tạp chí. Khi tôi về Tạp chí thì ông Nguyễn Đức Đàn đang làm Tổ trưởng Tổ Lý luận, tôi làm tổ viên, đương nhiên. Với ông Kính Dân và cả ông Nguyễn Đức Đàn, tôi đều kính trọng và coi như sư phụ nghề làm báo của mình. Chính vì vậy, tôi thực sự kinh ngạc (tức bị cú sốc thứ hai khi mới bước vào nghề làm báo) khi thấy ông Nguyễn Đức Đàn, sau khi được ông Kính Dân đề nghị thăng chức lên Phó Tổng Biên tập, đã làm “đảo chính lật đổ” ông Kính Dân để ngồi lên cái ghế Tổng Biên tập!... Sau này, khi làm cho báo Lao động-Xã hội, hai Sếp Phó Tổng Biên tập ở đây cũng cãi lộn như hát hay, những lúc lên tới cao trào thì còn hơn cả mổ bò hoặc hàng tôm hàng cá ngoài chợ! Tuy nhiên, vì đã “vô cảm” với thời tiết nóng lạnh như thế nên tôi không việc gì mà phải suy tư âu sầu, cứ lo cày sâu cuốc bẫm lấy tiền nhuận bút nuôi con, càng nhiều càng ít!
Sau vụ “đảo chính” này, lòng yêu nghề báo một cách mê si, vụng dại của tôi không còn nữa mà chỉ làm báo vì sinh kế mà thôi! Tuy nhiên, “cái nghiệp” làm báo vẫn cứ bám lấy tôi khiến tôi chỉ bỏ báo này mà sang báo khác mà thôi chứ không dứt hẳn nghề làm báo: bỏ Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, tôi về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai- Kon Tum làm tờ Tạp chí Văn nghệ, rồi sau lại bỏ tỉnh Gia Lai-Kon Tum về Sài Gòn, làm cho tờ báo Tuần của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội một vài năm! Đó là làm báo thực sự, từ A tới Z, còn làm báo “một công đoạn nào đó” thì phải kể thêm thời gian ở cơ quan đại diện tại các tỉnh phía Nam của báo Văn Nghệ ở 43 Đồng Khởi do nhà thơ Nguyễn Duy làm Sếp và cơ quan thường trú tại phía Nam của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam do ông Hồ Thanh làm Sếp. Đúng như câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, thời gian sau này, tôi làm bất cứ việc gì, từ đánh máy bản thảo cho tới viết một mẩu tin ngắn vài dòng, miễn sao có vài đồng bạc đem về góp với vợ nuôi con! Mọi chuyện nhân tình thế sự bỏ ngoài tai! Tuy nhiên, chính thời gian này đã “kích hoạt” tôi viết được nhiều truyện ngắn. Lúc đầu, chỉ bởi thể loại này ở trong tương quan một tờ báo thì nhuận bút cao vào loại nhất nhì. Sau càng viết càng thấy ham, giống như nghiện xì ke, ma túy! Nếu nói môi trường báo chí là bà đỡ của văn chương thì quá đúng vì hầu như nhà văn nào thành đạt và “ăn nên làm ra” đều được tôi rèn qua nghề làm báo. Song, tôi vẫn muốn nhắc lại, các nhà báo, nhà văn cần phải viết về nghề Làm báo nhiều hơn, sâu hơn thì mới là cách trả nợ cái môi trường báo chí đã nuôi dưỡng cho họ nên người. Có lẽ đây là món nợ khó trả nhất đối với các nhà báo, nhà văn?
*
Ở trên, tôi có nói về hai chuyện khiến cho tôi bị sốc (là sản phẩm báo chí bị kẻ xấu cho vào “Lò sát sinh” - đem đi làm pháo và các sếp báo thường “đấu đá” dữ dội) và thay cho sự thiêng liêng hóa nghề báo là lúc nào cũng bị “Nỗi buồn nghề báo” gậm nhấm… Song, tôi lại được giải tỏa bởi câu nói của một nhà văn lớn: “Dẫu có buồn vì thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp!”, có nghĩa là tôi vẫn trở lại Yêu nghề báo từ lúc nào không hay! Hoặc nói như nhà báo, nhà văn Vũ Bằng: “…nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu: Người mẹ nào sinh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” (Bốn mươi năm nói láo).
Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng báo chí hiện nay, không khỏi cám cảnh và lại muốn đem “Nỗi buồn nghề báo” ra mà gậm nhấm. Không buồn sao được khi một tờ báo lớn cả về phương diện báo chí và văn chương là tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN lại luôn bị chê là “Nhạt” và có nhiều “tiếng ong tiếng ve” như thế. Từ chuyện in sai tên một cái truyện ngắn đến chuyện chê bai báo Văn nghệ hết lời của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, lại đến loạt bài “Văn Nghệ chí” của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, vốn là phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ đã nghỉ hưu… khiến cho công chúng yêu báo chí và văn chương không khỏi bối rối. Có lẽ đã đến lúc, phải là chính những nhà báo - những người trong cuộc, đang hành nghề có tiếng nói rõ ràng, minh bạch trước công luận. Nếu như nhà văn, nhà báo không tự sửa mình trước, tu bổ, quét dọn “Nhà mình” trước thì làm sao nói chuyện đạo lý trước bàn dân thiên hạ?
Có một câu nói đã trở thành tục ngữ, thành ngữ, không chỉ giới báo chí thường dùng mà cả trong đời sống xã hội: Bao giờ cho đến…ngày xưa! Tại sao lại có tâm trạng “hoài cổ” trong nhịp sống hiện đại sôi động? Trả lời cặn kẽ câu hỏi này, nhiều vấn đề lớn sẽ được giải tỏa. Riêng với Nghề báo, mỗi khi nghĩ đến những chuyện “Ngày xưa” của báo chí, tôi lại thấy những nhà báo, nhà văn của thời kỳ đầu Thế kỷ 20 thật tài ba và bản lĩnh rất đáng ngưỡng mộ, chẳng hạn như nhà báo, nhà văn Phan Khôi được vinh danh là “Ngự sử văn đàn”, mà hiện nay, nghề báo đã rất phát triển với một đội ngũ nhà báo khổng lồ, cũng khó mà tìm ra được ai như thế? Vì thế, những lúc bị “Nỗi buồn Nghề báo” gậm nhấm, tôi lại thốt lên “Bao giờ cho đến … ngày xưa”?
Sài Gòn, 6-6-2011
Đỗ Ngọc Thạch
Ký Ức Làm Báo - 3
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch1. “Dũng sĩ diệt Giám đốc”
Bây giờ, báo chí đều được in trên giấy tốt với màu sắc rực rỡ. Nhưng mới đây thôi, khoảng hai chục năm trước, tức là vào những năm 1980, cho đến đầu những năm 1990, phần lớn báo chí còn phải in trên những tờ giấy đen thui! Phép lạ nào đã biến “Nàng lọ lem” báo chí thành Công chúa rực rỡ sắc màu? Một trong những phép lạ đó chính là chuyện báo chí tham gia việc quảng cáo đủ các loại sản phẩm cho các doanh nghiệp. Nói về chuyện quảng cáo của báo chí thì không bao giờ hết. Vì thế, ở đây tôi chỉ nói về một nhân vật nữ chuyên “chạy quảng cáo” cho các tờ báo mà tài năng của cô đã được “vinh danh” là “Dũng sĩ diệt giám đốc”.
Xin nói ngay, “thuật ngữ” này là cách nói ăn theo cụm từ “Dũng sĩ diệt Mỹ” của cánh nhà báo dùng để chỉ những ai có tài chinh phục được các giám đốc các công ty để lấy quảng cáo về cho tờ báo của mình. Nhân tiện cũng nói sơ qua về xuất xứ và ý nghĩa của cụm từ “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ sau năm 1965, Lầu Năm Góc đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, khiến cho cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Lính Mỹ được huấn luyện kỹ càng, còn được gọi là “lính Vua” vì được trang bị rất đầy đủ: vũ khí tối tân, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn đêm, mặt nạ phòng độc. Trước khi vào trận thì có máy bay ném bom và pháo binh dọn đường, ăn uống tốt, chỗ ở tốt, giải trí có rất nhiều hình thức, lương cao… Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, chúng ta đã phát động một cuộc thi đua diệt Mỹ trong toàn quân, toàn dân. Bất cứ ai, có tinh thần chiến đấu cao, tiêu diệt được một lính Mỹ thì được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Có rất nhiều chiến sĩ của chúng ta, đã nhiều lần được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đặc biệt, có cô bé Hồ Thị Thu được phong danh hiệu này khi mới 13 tuổi.
Khi mới 9 tuổi, cô bé Hồ Thị Thu đã là giao liên hoạt động tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam ) chuyển tài liệu, thư từ cho cán bộ chiến sĩ trong vùng bí mật. Lúc 11 tuổi, Thu xung phong vào đội xung kích bí mật của xã hoạt động tại vùng giáp danh giữa hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, vận chuyển vũ khí tham gia chống càn trên mặt trận Quảng - Đà. Năm 1967, Thu được giao nhiệm vụ canh chừng các động tĩnh của đồn bốt địch để báo cáo. Thấy lính Mỹ - Ngụy đem rất nhiều súng ra lau chùi, cô cùng 3 bạn nhỏ bí mật nhặt sỏi, cát nhét vào các nòng súng. Tối đó, bộ đội ta tập kích đồn địch, đánh giáp lá cà, không có vũ khí chống trả, địch bị ép ra mép sông, bỏ chạy tán loạn, bỏ lại những khẩu súng toác nòng dính máu. Trận đánh đó ta thắng lớn mà không bị tổn thất. Riêng Thu, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ khi mới 13 tuổi! Sau khi được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, cô bé Hồ Thị Thu được ra miền Bắc gặp Hồ Chủ Tịch, không chỉ một lần mà tới ba lần…
Trong số rất nhiều những người được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, có một người tên Hoàng Dũng Cảm, được nhận danh hiệu này tới sáu lần, nhưng có kết cục thật bất hạnh: trận đánh cuối cùng đã lấy của Dũng Cảm cả hai cái tay và hai cái chân!... Khi Hoàng Dũng Cảm gặp lại người vợ và đứa con gái năm tuổi, tên là Cam, cả hai mẹ con đều ngất xỉu, khi tỉnh lại thì người mẹ ngơ ngẩn như người tâm thần, còn cô con gái nhỏ thì gọi Dũng Cảm là bố Sọ Dừa và cùng với mẹ ở lại trại An dưỡng chăm sóc bố Sọ Dừa. Trại An dưỡng làm cho họ một căn nhà nhỏ ở mảnh vườn cây ăn quả của trại, sau này có nhiều gia đình thương binh nữa đến ở, khu vườn trở thành một xóm nhỏ rất vui. Hai mẹ con vừa chăm sóc người bố Sọ Dừa vừa nhận thêm việc của nhà bếp trong trại. Thời gian cứ lầm lì trôi qua, người bố Sọ Dừa của cô bé Cam không thể mọc lại tay và chân như trong truyện cổ tích, nhưng ba năm sau, người mẹ của cô bé lại đẻ thêm cho cô bé một đứa em gái, đặt tên là Chanh. Tuy nhiên, cô bé Cam vẫn nuôi hy vọng người bố Sọ Dừa của cô sẽ mọc ra đủ hai tay và hai chân như trong truyện cổ tích.
*
Tôi biết cái gia đình bốn người nhưng chỉ có sáu cái tay và sáu cái chân này từ hồi còn là sinh viên, được cử đến Trại An dưỡng để viết về những “Dũng sĩ diệt Mỹ” và những chiến công của họ. Lúc đó, năm 1972, cô bé Cam đã 9 tuổi, đã có thể làm mọi việc như người mẹ: từ việc chăm sóc người bố Sọ Dừa, chăm sóc em bé và những công việc của nhà bếp trong trại An dưỡng. Mới thoạt nhìn ai cũng có thể nghĩ cái gia đình nhỏ bé này thật khó mà tồn tại. Tuy nhiên, hai mẹ con cô bé Cam lại tỏ ra rất thản nhiên chấp nhận mọi khó khăn của cuộc sống và nếu có hai hỏi cô bé sau này sẽ làm gì để nuôi người bố tàn tật thì cô bé thản nhiên nói: “Bố cháu đã sáu lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ thì cháu cũng sẽ phải là “Dũng sĩ kiếm tiền”. Người ta vẫn nói “Hổ phụ sinh hổ tử” đó thôi!”. Ngay tức thời, ai nghe cũng bật cười và không thể hình dung nổi cách nói “Dũng sĩ kiếm tiền” của cô bé có nghĩa như thế nào?
Tôi gặp lại cô bé Cam vào khoảng hơn 10 năm sau, ngay tại trước cổng của Trại An dưỡng, khi tôi đi cùng một người bạn tới trại An dưỡng thăm người nhà. Lúc này, cô bé Cam ngày xưa đã là một thiếu nữ tuổi đôi mươi cực kỳ xinh đẹp… Gặp lại tôi, cô bé rất vui và líu ríu kể rất nhiều chuyện: “Bố Sọ Dừa của em vẫn khỏe mạnh. Mẹ em thì có yếu đi nhiều nhưng không còn cái tật ngơ ngẩn như người tâm thần nữa. Bây giờ em đã có tới hai đứa em chứ không phải chỉ một như trước. Đứa chị đã hơn 10 tuổi, nó là “đôi chân của bố”. Đứa em mới bảy tuổi, nhưng nó đã là “Đôi tay của bố”. Còn em là “Dũng sĩ kiếm tiền” của bố!...”. Rồi cô gái đưa tôi về nhà: ngôi nhà đã được “gia cố” nhìn khang trang hơn xưa, người bố Sọ Dừa đang dạy học cho hai đứa con và ba đứa trẻ hàng xóm, anh ngồi trên một cái ghế dựa lớn, được “cố định” vào cái ghế bằng một cái “đai xanh”, giống như người ta ngồi trên máy bay buộc dây an toàn. Ngồi nói chuyện với người Dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa, tôi không thấy ở anh có một biểu hiện gì là kêu khổ, ta thán về cuộc sống thiếu hẳn tay chân của mình. Dường như anh đã rất quen với cái thân hình Sọ Dừa mà cô con gái đặt cho anh (Thực ra, Sọ Dừa chỉ có cái đầu và mỗi khi di chuyển thì lăn như quả bóng. Tuy người Dũng sĩ diệt Mỹ Dũng Cảm có thêm cái thân người nhưng hai chân bị cưa tới bẹn nên không thể tự ngồi được và cũng lăn quay gần như Sọ Dừa). Tôi đang định hỏi khi cần “vận động” thì ai trợ giúp và bằng cách nào thì cô con gái tên Cam tới cởi cái “đai xanh” cho người bố Sọ Dừa và nói với tôi: “Tới giờ bố em đi tè rồi!”, và vừa nói cô bé Cam vừa bế người bố Sọ Dừa lên như bế một con gấu bông! Tôi thật sự kinh ngạc về sức khỏe cử đỉnh Hạng Võ của cô bé Cam thì đứa em mười tuổi của cô bé Cam nhìn tôi tủm tỉm cười rồi nói: “Cháu cũng bế được bố Sọ Dừa như thế!”. Đứa chị chưa dứt lời thì đứa em bảy tuổi nói: “Em cũng bế được bố Sọ Dừa!”. Nhìn hai đứa bé tuy không sinh đôi nhưng rất giống nhau, tôi thoáng nghĩ nếu còn là thời chiến thì chị em chúng nó đã thành Dũng sĩ diệt Mỹ rồi! …Cảm giác của tôi khi chia tay là nói chung, cuộc sống của cái tiểu gia đình thương binh này không đến nỗi khó khăn, thiếu thốn như người ta tưởng…
Bẵng đi hai năm, một hôm cô gái tên Cam đến tìm tôi ở tòa soạn. Có vẻ như cô gái rất bận bịu nhiều việc, nhiều cuộc hẹn nên sau khi mời tôi chủ nhật tới đến nhà cô ở Trại An dưỡng để ăn lễ đầy năm đứa em thứ ba, cô gái đưa tôi cái “Cạc-vi-zit” để “nếu có gì thì gọi điện thoại” rồi cáo từ. Khi cô gái tên Cam đi khuất bóng, tôi mới ngó tới cái mảnh giấy nhỏ có mùi thơm đặc biệt thì giật mình khi thấy không phải là cái tên Hoàng Thị Cam như tôi nghĩ mà là “Hoàng Đại Nương”, một cái tên khét tiếng, - một “Dũng sĩ diệt giám đốc” trong làng báo ở khu vực quảng cáo, tiếp thị mà tôi mới nghe nói tới khoảng hai năm nay! Nghĩ tới người bố Sọ Dừa “Dũng sĩ diệt Mỹ” của cô gái, tôi chỉ còn biết thốt lên: Quả là Hổ phụ sinh Hổ tử!
2. Tai biến của nghề báo
Người ta thường nói nghề báo là “Nghề nguy hiểm”, nhà báo hay gặp “Tai nạn nghề nghiệp”. Quả là như vậy, nhưng cũng cần mở ngoặc là chỉ những nhà báo nào “dấn thân”, “nhập thế” thì mới phải hứng chịu sự nghiệt ngã của cái “quy luật muôn đời”, còn những nhà báo “chuyên môn thuần túy”, thích “ẩn dật” thì vẫn có thể bình chân như vại!
Nói về những nhà báo “bình chân như vại” và “sống lâu lên lão làng” thì thực ra chẳng có gì để “dựng thành chuyện”. Tuy nhiên, kiểu nhà báo này lại rất quan trọng và nó tạo ra “mặt bằng” của đời sống báo chí. Có thể gọi kiểu nhà báo này là “viên chức mẫn cán” và có thể nói, về bản chất, báo chí là một loại “công cụ đặc biệt” của Nhà nước và lẽ đương nhiên nó có những qui định, qui chế rất chặt chẽ không thể vi phạm, không thể “tự do quá trớn” và “dân chủ bừa bãi”. Nếu nhà báo nào nhận thức sâu sắc được điều này thì sẽ suốt đời bình chân như vại và sống lâu lên lão làng cho đến lúc về hưu. Còn những nhà báo nông nổi và ảo tưởng với những “sứ mạng thiêng liêng” của báo chí mà thực ra chỉ do những nhà “Lãng mạn chủ nghĩa” hoặc “chủ nghĩa không tưởng” gán cho nó, không sớm thì muộn cũng dính tai họa, không nặng thì nhẹ.
Nói về “tai biến của nghề báo” thì thật thiên hình vạn trạng và có lẽ cũng chỉ có thể nói được phần nào bằng thể loại lớn như tiểu thuyết trường thiên hoặc phim truyền hình nhiều tập. Trường hợp “tai nạn nghề nghiệp” mà tôi nói dưới đây là thích hợp với thể loại Truyện ngắn hơn cả.
Tôi biết anh bạn Lý Trần Tiến Công trong một cuộc “Họp báo” của một doanh nghiệp lớn. Hôm đó, doanh nghiệp này kỷ niệm 10 năm thành lập và chiêu đãi cánh nhà báo “không say không về”. Lý Trần Tiến Công được bạn hữu “rút gọn” lại là A Công và vì nó gần âm với “A Còng” nên gọi là A Còng - một cái bút danh tuy không độc đáo nhưng hợp thời. A Còng kém tôi đúng một con giáp nên mới quen biết đã kết bái huynh đệ và luôn mồm gọi tôi là Đại Ca. A Còng nói lai lịch có tới ba đời làm nghề báo nhưng hoàn toàn tự thân vận động chứ không dựa dẫm vào cha và ông nội là những nhà báo quan chức khá lớn. Khi mới vào nghề, đúng như tên gọi mà người ông đặt cho, A Còng được biên chế vào tổ chuyên viết về chống tham nhũng. Nhưng chỉ sau một năm, A Còng nhận thấy người tổ trưởng của mình không những không chống được tham nhũng mà xem ra đang bị một đường dây tham nhũng lớn chi phối. Không thể đi theo tổ trưởng và cũng không nỡ tố cáo tổ trưởng (và muốn tố cáo cũng không hề dễ dàng bởi người tổ trưởng rất kín võ), A Còng xin sang một tờ báo khác, thuộc quyền quản lý của “Đàn bà” - giống như nhà thơ Nguyễn Vỹ ngày xưa đã từng “bưng thúng theo đàn bà / ra chợ bán văn ngày tháng qua”. Dù làm cho tờ báo nào thì cái tên cúng cơm của A Còng luôn quy định tinh chất công việc của A Còng: kiên quyết không ngừng thế tiến công ! (Cái tên “Tiến Công” của A Còng được ông nội của A Còng lấy ra từ hai chữ cuối của câu thơ này). Có nghĩa là A Còng được giao nhiệm vụ chuyên viết về đề tài “chống mua bán dâm” trong cộng đồng dân cư! Thực ra, chuyện mua bán dâm cũng như chuyện tham nhũng, hối lộ, đã có từ “thời Napoleon cởi truồng”, và ai cũng phải thừa nhận chống cũng như không! Nhưng chuyện chống luôn nằm trong danh mục nhiệm vụ của cơ quan báo chí và không những không thể bỏ mà thi thoảng phải đem ra “hâm nóng”. Nói cách khác, nhiệm vụ của A Còng là “hâm nóng” cái đề tài muôn thuở đó khi có chỉ thị từ trên!...
Khi A Còng gặp tôi là đã có thâm niên gần mười năm làm công việc “hâm nóng” cái đề tài “chống mua bán dâm”. Lúc chia tay, A Còng nói: “Lúc nào đại ca thấy chán đời, cần có nơi dốc bầu tâm sự, cần có một bờ vai mềm mại để tựa má kề vai thì cứ phôn cho đệ!”. Tôi ghi nhớ lời nói đó của A Còng nhưng vì bận bịu nhiều việc mà quên khuấy đi có đến gần một năm mới sực nhớ ra. Tôi liền gọi điện cho A Còng thì ở bên kia có tiếng nói của một giọng nữ, rất mềm mại và êm dịu: “Anh hỏi A Còng nhà em hả? Bị bắt hai hôm nay rồi, bị kết tội môi giới và tổ chức mua bán dâm!... Nhưng không sao đâu, chắc là họ bắt nhầm, em đang nhờ người bảo lãnh, có lẽ chỉ ngày mai là về thôi! Ngày mai anh tới nha!”. Ngày mai tôi lại có việc phải đi xa, tới tận huyện Đăc Glei, tuốt miền biên giới Việt Lào để viết về chuyên đề Nước sạch nông thôn cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, không biết bao giờ mới trở về để tới thăm A Còng? Trên đường đi Đăc Glei, trong những giấc ngủ chập chờn trên ô tô, tôi được thần linh báo mộng là A Còng sẽ chết vì nhiễm căn bệnh thế kỷ, không biết có đúng không? Khi kết thúc chuyến đi Đăc Glei, tôi có tìm đến nhà A Còng nhưng người vợ nói đã hỏa thiêu được ba ngày. Tôi hỏi lý do chết thì người vợ nói bác sĩ pháp y kết luận là đột tử do bệnh tim!
3. Ai mới thực sự là “Nhà nghèo”?
Người ta thường nói “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo - nhà nghèo”. Câu nói ấy xem ra không còn mang tính phổ quát nữa mà chỉ đúng với những người ngây thơ, tức “không chịu xa rời tuổi ấu thơ”, tức lúc nào cũng là trẻ thơ! Và cái từ “Nhà nghèo” thực sự, từ ngàn xưa, là của Nhà nông, nhất là ở những nơi xa xôi, hẻo lánh mà người ta gọi là “Vùng xa, vùng sâu”. Tôi thường nghĩ, có hai nơi mà ai đã làm Nghề báo thì đều không thể không đến đó là những “Điểm Nóng” (xuất hiện theo “tính thời sự” của đời sống xã hội) và những “Vùng xa, vùng sâu”. Đến với những “điểm nóng” thì hầu như nhà báo nào cũng hăng hái, còn đến với những “vùng xa, vùng sâu” thì hầu như không mấy ai quan tâm và thường được cho là “chuyện của muôn năm cũ”, nếu có đi thì phải có một cái cớ cụ thể nào đó, chẳng hạn như đi cùng đoàn cứu trợ nhân đạo, đi thực hiện đề tài “xóa đói giảm nghèo” khi có lệnh, hoặc muốn đi tìm cái cảm giác ẩn dật nơi thâm sơn cùng cốc cùng vị “đạo sĩ” nào đó!
Nếu muốn có danh sách Top 10 hoặc Top 100 những tỷ phú đại gia của Việt Nam và của cả thế giới thì sẽ nhanh chóng có ngay (tìm trong Google), nhưng muốn có danh sách Top 10 hoặc Top 100 những người (hoặc địa phương, ở Việt Nam thôi) nghèo nhất thì không thể có ngay! Tôi có người bạn vong niên còn hành nghề nhà báo và có quan tâm đến đề tài “Xóa đói giảm nghèo”, nhưng khi hỏi thì cũng chịu và ngậm ngùi nói: “Tôi đã tiến hành thống kê số hộ, số người thuộc diện đói nghèo cần Nhà nước cứu trợ, nhưng chỉ một tháng sau, đi kiểm tra lại để “khóa sổ” thì con số cũ đã thay đổi rất nhiều, không phải theo chiều hướng giàu có lên mà là ngược lại!”.
Tuy nhiên, người bạn này cũng cho tôi DANH SÁCH 62 HUYỆN NGHÈO NHẤT TRÊN CẢ NƯỚC (Theo tài liệu công bố năm 2008):
Hà Giang có 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Cao Bằng có 5 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Hạ Lang.
Lào Cai có 3 huyện: Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà.
Yên Bái có 2 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu.
Bắc Kạn có 2 huyện: Ba Bể, Pác Nặm.
Bắc Giang có 1 huyện là Sơn Động.
Phú Thọ có 1 huyện là Tân Sơn.
Sơn La có 5 huyện: Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai.
Lai Châu có 5 huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Yên, Than Uyên.
Điện Biên có 4 huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng.
Thanh Hóa có 7 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Như Xuân, Bá
Thước.
Nghệ An có 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Quảng Bình có 1 huyện là Minh Hóa.
Quảng Trị có l huyện là Đa Krông.
Quảng Ngãi có 6 huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà, Ba Tơ.
Quảng Nam có 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn.
Bình Định có 3 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Ninh Thuận có 1 huyện là Bác Ái.
Kon Tum có 2 huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông.
Lâm Đồng có 1 huyện là Đam Rông.
Thấy tôi có vẻ như còn băn khoăn điều gì, Người bạn này nói thêm: “Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo toàn quốc, t ổng số hộ nghèo cả nước là 3.055.566 hộ , t ổng số hộ cận nghèo của cả nước là 1.612.381 hộ . Tại cuộc họp diễn ra ở Hà Nội hôm 30 tháng 5 năm 2011, đại diện Bộ Lao Ðộng-Thương binh và Xã Hội công bố phúc trình nói rằng tỉ lệ các gia đình nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 22 của năm 2005 xuống còn 9.45 vào cuối năm 2010 vừa qua. Cũng theo phúc trình này, số gia đình nghèo đến nay chỉ còn xấp xỉ khoảng 3 triệu, chiếm tỉ lệ 14.2. Bộ này định nghĩa gia đình nghèo khi các thành viên trong gia đình không ai có lợi tức nhiều hơn 400,000 đồng/tháng. Phúc trình này cũng nói vùng Tây Bắc là nơi có số gia đình nghèo nhiều nhất Việt Nam : Ðiện Biên (50.01), Lai Châu (trên 46), Lào Cai (43), Hà Giang (41.8). Phúc trình của Bộ LĐ-TB & XH còn hứa hẹn rằng trong 9 năm tới, người nghèo sẽ được cải thiện điều kiện sinh sống về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở… và được tiếp cận với các dịch vụ xã hội căn bản một cách thuận lợi. Trong khi đó, một số chuyên viên trong lĩnh vực này chỉ trích “chuẩn” nghèo của Bộ LĐ-TB & XH, cho rằng chuẩn này sai vì chưa được tính lại, chưa cộng thêm yếu tố trượt giá. Ông viện trưởng Viện “Những vấn đề phát triển VN” nói rằng số lượng gia đình nghèo và “cận” nghèo được nêu trên không chính xác mà chỉ mang tính ước lệ!? Thực tế thì dư luận Việt Nam không ngớt ồn ào chỉ trích những con số phúc trình sai thực tế của Bộ LĐ-TB & XH. Nhiều người cho rằng cơn bão giá dồn dập đến 3 đợt từ đầu năm đến nay đã nhấn chìm hàng triệu gia đình vào cơn khốn khó. Một chuyên viên xã hội xin được giấu tên cho biết: “Bộ LĐ-TB & XH nói chỉ có hơn 3 triệu gia đình ở Việt Nam thuộc thành phần nghèo là nói ‘phét’” !?”.
*
Khi còn làm cho báo Lao động & Xã hội, tôi (và một người nữa) có đến tỉnh Kon Tum để làm một số báo chuyên đề về vấn đề “Nước sạch nông thôn” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh đảm nhiệm. Đích thân ông Giám đốc Sở và người Chủ nhiệm chương trình Nước sạch đã dẫn chúng tôi đi tới tận những nơi mà chương trình nước sạch đã triển khai. Không chỉ đến mấy huyện quanh thị xã Kon Tum, ông Giám đốc Sở còn dẫn chúng tôi đến cả huyện Đăc Glei là huyện xa nhất, gần đất nước Triệu Voi, có thể nghe rõ tiếng voi gầm! Phải nói rằng những người làm dự án Chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh Kon Tum đã rất nỗ lực, không khác gì đi đánh trận thời chiến tranh. Nhưng có đến gần nửa số giếng khoan được lắp đặt rất công phu, khó nhọc đã bị hỏng hóc hoặc mạch nước không còn nữa! Ở những nơi có nước thì không khí thật vui vẻ, người dân coi những người của chương trình nước sạch như là ân nhân, thậm chí như Giang Đăc (Thần nước) và tất nhiên có mời uống rượu cần, múa Soang thâu đêm. Nhưng ở những nơi giếng khoan không có nước, bể chứa nước đã thành thùng rác thì không khí thật ảm đạm, đau buồn đến không bút nào tả xiết. “Đón” đoàn công tác nước sạch chỉ có dăm ba đứa trẻ đen nhẻm, gày ốm tong teo, ruồi bu đầy mặt không thèm đuổi!...
Đúng vào một buổi chúng tôi buồn chán nẫu ruột như thế thì thật bất ngờ, chúng tôi gặp bố con người Dũng sĩ diệt Mỹ Hoàng Dũng Cảm và Hoàng Thị Cam. Thì ra cô con gái “Dũng sĩ diệt giám đốc” đưa ông bố Sọ Dừa đi thăm lại chiến trường xưa. Công việc đi thực địa với đoàn Nước sạch cũng đã xong, tôi chia tay Nước sạch (và hẹn gặp lại ở thị xã Kon Tum để hoàn thành bản thảo cho số báo chuyên đề) và đi cùng “đoàn Dũng sĩ” trở lại chiến trường xưa, hy vọng có rất nhiều chuyện tha hồ mà viết. Những lúc phải luồn rừng, trèo đèo lội suối, cô gái Cam “Dũng sĩ diệt giám đốc” cho người bố Sọ Dừa vào cái ba lô cóc to đùng rồi đeo trên lưng, bước đi thoăn thoắt. Còn những lúc đi trên đường quang đãng, có hai “phu kiệu” lực lưỡng khiêng như kiểu hành quân của Quang Trung Nguyễn Huệ thời xưa!
Suốt trên những chặng đường rừng dài dằng dặc, tôi cứ muốn hỏi cô gái tên Cam về “Bí quyết diệt giám đốc” nhưng chưa tìm được “cơ hội” thì một lần ngồi nghỉ uống nước, Cam nhìn tôi cười hóm hỉnh rồi nói: “Hình như anh muốn hỏi em về “Bí quyết diệt giám đốc” phải không?”. Tôi ngạc nhiên, nói: “Làm sao mà cô biết tôi muốn nói gì?”. Cam nói ngay: “Tự nhiên là em biết thôi. Cũng như câu trả lời của em về bí quyết là: Bí quyết là không có bí quyết gì cả !”. Nhìn cái dáng vẻ hồn nhiên thơ ngây nhưng ẩn chứa một sức mạnh khác thường của cô gái, tôi lại nghĩ: đó là cái khả năng thiên phú, hay còn gọi là “siêu năng lực”!./.
Sài Gòn, 16-6-2011
Đỗ Ngọc Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét