Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Bạn học Đại Học; Bà Ngoại - Đỗ Ngọc Thạch

Bạn học đại học

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch  

Khi con người ta bước qua tuổi 60, tức ở tuổi “lên lão”, tức bước vào nhóm “Người cao tuổi” VN thì coi như đã hết hi vọng “Hồi  xuân”, hết hi vọng “Làm lại cuộc đời”! Lúc ấy, người ta thường không sống với thực tại mà sống với ký ức, nhất là đối với những người có nhiều biến động thời tuổi trẻ! Chính sự hoạt động của ký ức đã giúp cho những người “Lên Lão” được thực hiện những chuyến du hành vào quá khứ, những chuyến tốc hành đi ngược thời gian, sống lại những quãng thời gian tưởng chừng như chẳng bao giờ trở lại! Sở dĩ tôi không bị “Lão hóa”, tức mắc những căn bệnh của người già bởi tôi luôn luôn thực hiện những chuyến du hành vào quá khứ và nhiều khi ở lại đó khá lâu nhất là quãng thời gian cắp sách đến trường!
Tôi đã viết nhiều truyện ngắn về thời kỳ học Trung học Phổ thông mà chưa có cái nào về thời gian học đại học khiến cho mấy người bạn học đại học của tôi trách cứ: “Đó mới là giai đoạn có nhiều ý nghĩa quan trọng quyết định số phận cả đời người. Còn những chuyện thời đánh bi đánh đáo, những người bạn thời cởi truồng là chuyện con nít, chẳng có trọng lượng gì cả, người ta quên hết rồi, Delete khỏi bộ nhớ rồi!”. Tôi nghĩ chưa vội tranh luận với bạn mà mở “kho lưu trữ” của thời kỳ này xem thế nào đã vì dù sao cũng đã trên dưới 40 năm, làm sao nhất thời nhớ hết!
*
Khi nhớ về bạn học đại học, tôi cứ bị ám ảnh bởi hai điều: 1/ Tại sao tôi đã học qua hơn mười trường Trung học Phổ thông mà khi lên học Đại học không gặp lại một ai cùng học thời Trung học, mà ở Đại học, tôi học ở những ba lớp (năm 1966 học tại Lớp Toán Cơ, Khoa Toán, Trường ĐHTH HN, năm 1970 tiếp tục học tại Khoa Toán sau 4 năm đi lính, từ 1971 đến 1975 học tại Lớp Văn, Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHTH HN) khác nhau chứ đâu chỉ một lớp một trường? 2/ Ở cả ba lớp Đại học, tôi đều phải chứng kiến (hoặc nghe tin) những cái chết thương tâm của những người bạn học và điều lạ lùng là những người bạn này đều là những người bạn rất tốt? (Những người bạn đã chết đó là:1- Khoa Toán 1966: Phan Xuân Vỹ; 2-Khoa Toán 1970: Nguyễn Văn Thạc; 3-Khoa Văn 1971-1975: Lê Văn Thụy, Nguyễn Huy Cừ, Nguyễn Quốc Minh,  Phạm Thị Huyền, Nguyễn Thế Hùng).
Ngày đầu tiên trên chuyến tàu tốc hành trở về quá khứ 40 năm trước (chính xác là 44 năm trước, tức năm 1966, khi tôi rời Hải Phòng tới Khoa Toán sơ tán tận huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên), người đầu tiên tôi gặp là Phan Xuân Vỹ. Không phải là cậu trai trẻ Vỹ vừa mới rời trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng huyện Đức Thọ mà là anh chàng Vỹ đang là Cán bộ giảng dạy tại Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa nhìn thấy Vỹ mặt mày tươi tỉnh, đầu chải rẽ ngôi, áo sơ mi trắng cổ cồn bỏ trong cái quần simili mới may xanh biếc để đến chỗ hẹn với người yêu…, tôi ào tới toan ôm chầm lấy Vỹ thì thoắt cái đã thấy Vỹ thay đổi y phục như trong tiết mục ảo thuật: Vỹ đang dơ tay chào tôi theo kiểu quân sự và toàn thân xanh màu lá trong bộ quân phục mới toanh! Đây cũng chính là những hình ảnh quen thuộc đối với tôi trong 4 năm tại ngũ nên theo phản xạ tự nhiên, tôi dơ tay chào lại. Chào xong, tôi định tiến lại nắm lấy hai cánh tay Vỹ thì cũng như là phép ảo thuật: anh tân binh Vỹ biến mất mà thay vào đó là xác Vỹ nằm bất động trên cái cáng, toàn thân mọng nước và những cửa ngõ đi vào bên trong cơ thể đều đang rỉ máu! Vĩ đã nằm dưới cái hút nước ấy làm gì suốt một ngày một đêm? Và trong tư thế đang nằm bất động đó, Vỹ đột ngột biến mất như lúc xuất hiện! Rút cục, tôi không nói được gì với Vỹ và Vỹ cũng chưa nói gì!
Ngày thứ hai, rút kinh nghiệm ngày thứ nhất, tôi viết sẵn cái địa chỉ mà tôi muốn tới rồi để lên mặt bàn: Xã Đầm Mây, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Song, khi tôi ấn nút con tàu ngược thời gian thì lại không phải là Đầm Mây, có căn nhà tranh nhỏ nhắn, yên bình nơi tôi trọ học mà lại tới đúng lúc trên một đoạn đường đổ dốc của vùng đồi  huyện Đại Từ, tôi đang ngồi trên cái xe thiếu nhi Liên Xô, chở anh bạn Nguyễn Vũ Sơn, và cả hai đang xuống dốc…không phanh! Kết quả là cả hai cánh tay tôi, cả hai đầu gối tôi đều tóe máu vì bị chà sát xuống đường rất mạnh! Vũ Sơn cũng không nhẹ hơn tôi và chúng tôi nhìn nhau không nói nên lời! Tuy nhiên, chính vì có vết thương đó mà cô bạn cùng lớp có cái tên rất hay là Thanh Thanh đã chăm sóc vết thương cho tôi rất tận tình! Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự mềm mại của bàn tay con gái!
*
Những ngày tiếp theo sau đó, “con tàu tốc hành ngược thời gian” đều đưa tôi về địa chỉ Đầm Mây. Tôi và Nguyễn Vũ Sơn cùng trọ ở trong nhà một người dân “bản địa”. Chủ nhà đang tại ngũ, là Hải Quân, đang đóng quân ở Hải Phòng. Ở nhà chỉ có người vợ gần ba mươi tuổi và hai đứa con, một gái, là chị mới  10 tuổi, một trai, là em mới 8 tuổi. Người mẹ và hai đứa con sống bằng nghề hái măng, là một công việc khá phổ biến ở vùng rừng núi này. Trước đây, hái măng giỏi cũng không đủ ăn mà phải làm thêm những việc khác như như trồng khoai sắn, rau cải, bầu bí trên nương rẫy hoặc chăn nuôi gia cầm. Nhưng, từ khi có trường Đại học sơ tán về đây, măng trở thành món hàng có giá bởi bao nhiêu măng ở chợ đều không đủ cho các bếp ăn sinh viên, bởi canh măng (thứ đến là canh rau cải, canh bầu bí, canh củ sắn) là món ăn chủ lực và phải công nhận rằng đó cũng là một món ăn khoái khẩu của người Việt ở mọi nơi!
Khi chúng tôi nhập học là tháng 9, tức cuối Thu, đầu Đông, trời đã bắt đầu lạnh. Mà nói đến mùa Đông giá lạnh không thể không nói đến câu thơ “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế / Gió qua rừng đèo Khế gió sang…”. Cái rét tuy thế cũng không đáng ngại: chỉ cần mặc quần áo ấm và quá rét thì đốt đống lửa giữa nhà là ổn. Người miền núi thường đốt lửa suốt ngày trong nhà chính là để chống rét. Cái rét có người bạn đồng hành rất nguy hiểm là cái đói. Hai từ “Đói rét” thường đi liền nhau: đã rét thì thấy đói và đã đói thì càng rét! Có lẽ chính vì thế mà “cơm no áo ấm” là ước nguyện muôn đời của người lao động và đó cũng chính là mục tiêu đầu tiên và chính yếu của mọi cuộc cách mạng xóa bỏ sự áp bức, bóc lột!
Nếu có ai hỏi bất kỳ một người nào đã từng qua cuộc đời sinh viên rằng điều gì để lại ấn tượng mạnh nhất thì sẽ nhận được câu trả lời ngắn gọn chỉ có một từ: Đói! Chỉ một từ này thôi nhưng nó chứa đựng tất cả mọi vấn đề của cuộc sống sinh viên và nó sẽ có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào thời gian và địa điểm nó tồn tại! Chẳng hạn như khi ở khu sơ tán Đầm Mây này, “hình hài” đặc trưng của nó là chén cơm vơi vơi và tô canh măng lõng bõng (hoặc được thay đổi luân phiên là canh rau cải, canh bầu bí, canh củ sắn…như đã nói trên). Hoặc như sau này, vào năm 1972, khi tôi trở lại cuộc đời sinh viên và lại đi sơ tán (ở Hà Bắc rồi Hà Nam), thì “hình hài” phổ biến của nó có màu sắc “miền xuôi” là lưng cơm “gạo Mậu” (đã hôi, chớm mốc và còn độn khoai, sắn) và tô canh mồng tơi bơi giữa bí bầu và mấy quả cà muối không thể mặn hơn! Các chàng trai, cô gái đang ở độ “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” mà ăn uống như thế thì làm sao mà “vực được đạo”?
Song, muốn nói gì thì nói, cuối cùng thì mọi chuyện cũng sẽ trôi qua bởi bánh xe thời gian không bao giờ ngừng quay! Vấn đề là ở chỗ người ta vượt qua mọi sự ấy như thế nào? Mỗi người theo cách riêng của mình, song chung qui lại đều gặp nhau ở chữ “Nhẫn”: “Kiên trì và nhẫn nại / Không chịu lùi một phân / Vật chất tuy đau khổ / Không nao núng tinh thần”. Lúc đó, lúc ở Khoa Toán Đầm Mây, tuy tôi còn rất “xa lạ” với văn chương nhưng tôi đã học được sự chịu đựng qua những câu thơ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tôi còn học được ở cả ca dao thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà tôi không bao giờ quên: “Thằng Tây chớ cậy chân dài / Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày / Thằng Tây chớ cậy béo quay / Chạy ba cây số là mày bở hơi / Chúng tao thức bốn đêm rồi / Ăn cháo ba bữa chạy mười tám cây /  Bây giờ tao gặp mày đây / Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao!”…Quả là phi thường!
Song, nếu thiếu một thứ, rất quan trọng, thì chúng ta sẽ không thể qua nổi cái sự “thử thách” đó của Tạo hóa: đó là Tình bạn! Khi ta thấy giá lạnh, Tình bạn sưởi ấm. Khi ta thấy đói lòng, Tình bạn là chén rượu tình không bao giờ vơi cạn!
Mỗi sáng thức dậy, lúc còn nhỏ sống ở nhà với gia đình, tôi được giao nhiệm vụ dậy sớm làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Thường là luộc khoai, sắn hoặc rang cơm nguội, nấu cơm mới. Bữa ăn sáng là một nhu cầu không thể thiếu. Vì thế, tới khu sơ tán Đầm Mây này, tôi phải làm quen với cách sống mới: sáng sáng lên lớp với cái bụng rỗng! Quả là rất khó thích nghi với cung cách này: chỉ ngồi khoảng gần nửa giờ là cái bụng bắt đầu réo sôi! Hình như là tôi nghe thấy cả tiếng réo sôi của những người khác! Và sau đó thì mắt hoa, đầu váng, tai ù…cố định thần cũng không biết là thầy giáo đang nói gì! Và, hết buổi học thì mọi người ngơ ngác nhìn nhau không hiểu chuyện gì đã xảy ra! Có lẽ chỉ có gần chục người là vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chắc chắn là buổi sáng đã ăn gì đó hoặc có “tài nhịn đói bẩm sinh”! Tình trạng như vậy diễn ra khoảng ba ngày, thì sang buổi sáng thứ tư, vừa tỉnh dậy, tôi thấy có mùi gì thơm thơm như lạ như quen. Nhìn lên đống sách vở (để trên một cái chõng tre tự tạo) tôi thấy một đĩa khoai luộc, có hai củ khá to, còn đang bốc hơi nóng! Tôi vừa định gọi Vũ Sơn dậy thì anh chàng dường như đã đánh hơi thấy “mùi lạ” và bật ngay dậy, vươn cánh tay vượn ra cầm lấy một củ khoai rồi…ăn ngon lành! Tôi thì phải đi đánh răng xúc miệng xong mới có thể ăn gì được. Khi quay vào thì Vũ Sơn đã ăn xong một củ khoai luộc và nói: “Chắc mày ăn không hết củ khoai kia đâu, bẻ cho tao một nửa, sao hôm nay đói quá mà khoai ai luộc ngon thế?”. Tôi bẻ cho anh chàng háu đói non nửa củ khoai và nói: “Không biết bà Tiên nào đã để đĩa khoai ở đây? Ăn mà không biết ai cho thì thật khó nuốt!”. Vũ Sơn lấy cái điếu thuốc lào, rít một hơi “tụt nõ”, khoan khoái nhả khói rồi mới nói: “Tao với mày có số quý nhân phù trợ, cứ ăn đi, khỏi phải nghĩ ngợi gì cả!”. Nghe Sơn nói vậy, tôi cũng yên tâm, nhưng liên tục sau đó vẫn có những đĩa khoai luộc (có hôm thì là ngô, sắn, lại có cả bánh chưng bánh giò nữa) xuất hiện thì tôi quyết định phải tìm cho ra “Quý nhân phù trợ” kia là ai? Thực ra thì tôi không thể phát hiện ra vì lúc đĩa khoai luộc xuất hiện là lúc chúng tôi ngủ say nhất! Chỉ tình cờ một buổi sáng chủ nhật, tôi và hai người bạn khác là Trúc và Kiên đi chơi chợ Ký Phú thì nhìn thấy Thanh Thanh và Vượng đang ngồi chọn mua khoai với số lượng lớn! Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn hai cô bạn này đã thường đem những đĩa khoai luộc sang cho chúng tôi!
Ngay tối hôm chủ nhật đó, tôi qua nhà trọ của hai cô bạn gái thì thấy Thanh Thanh đang rửa khoai. Tôi nói ngay: “Thì ra những đĩa khoai từ đây mà bay qua chỗ chúng tớ!”. Thanh Thanh cười rất duyên, nói như gió thoảng: “Cậu thật là kém, ăn khoai mà không biết ai luộc khoai sao?”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Làm sao mà biết được?”. Thanh Thanh lại cười và nói như đùa như thật: “Cậu nhìn cho kỹ nhé, tớ đang phải dùng cả hai bàn tay để chà sát rất mạnh vào củ khoai, như thế mùi bàn tay tớ sẽ còn lại mãi ở củ khoai và khi cậu ăn khoai thì phải nhận ra chứ?”. Tôi ngớ người và thầm nghĩ: “Có thế mà không biết, thật là ngốc”. Và sáng hôm sau, khi vừa nhìn thấy đĩa khoai, hít một hơi thật mạnh, tôi đã nhận ra ngay ở bên trong cái mùi thơm của củ khoai luộc là mùi bàn tay kỳ ảo của cô bạn gái!
Sau đó, tôi và Vũ Sơn quyết định vào rừng kiếm củi để bán cho nhà bếp lấy tiền góp vào “kho khoai sắn” của hai người bạn gái, không thể để cho họ cứ nuôi mình như…nuôi con vậy! Khi tôi và Vũ Sơn vừa tới cửa rừng thì bất ngờ thấy Thanh Thanh hiện ra y hệt như Nàng Tiên hiện ra như trong chuyện cổ tích! Vũ Sơn hỏi: “Cậu đi đâu đấy? Không sợ rắn cắn hổ vồ à?”. Thanh Thanh cười khanh khách: “Người sợ rắn cắn hổ vồ phải là các cậu chứ: người thì chân què, người thì bạch diện thư sinh trói gà không chặt! Tớ đi bảo vệ các cậu đấy!”. Tôi và Sơn đều không tự ái vì câu nói của Thanh Thanh vì…nghe đã quen! Ngược lại, chúng tôi cảm thấy vui vì được bạn gái “quan tâm” đặc biệt như thế! Chúng tôi tiến sâu vào rừng và lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe một cô gái xinh đẹp hát trong rừng và hát rất hay! Dường như không phải Thanh Thanh hát mà những bản nhạc rừng đang ngân lên khi trầm khi bổng, khi êm đềm khi réo rắt! Những bài hát được chúng tôi yêu cầu hát lại liên tục hôm đó là “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Chiếc khăn Piêu”, “Bóng cây Kơ-nia”,  “Bài ca trong hang đá”… nhất là bài “Bài ca trong hang đá” viết cho phim “Vợ chồng A Phủ”:…Rừng núi kia có…hai người yêu nhau!... Dường như tiếng hát kỳ diệu của Thanh Thanh đã biến tôi từ một anh chàng bạch diện thư sinh “trói gà không chặt” trở thành một tiều phu thực thụ: tôi chặt củi như điên và khi bó lại được những năm bó, phải để lại trong rừng hai bó, ngày mai vào vác về!
*
Thực ra, tôi và Vũ Sơn không hề yếu đuối như cô bạn Thanh Thanh lầm tưởng. Tôi và Vũ Sơn còn đi kiếm củi ba lần nữa và chỉ ngừng khi anh bạn tên Vàng, quản lý nhà bếp nói: “Từ từ thôi, nhà bếp không có tiền mua củi nữa đâu! Sắp tới có khi phải bắt buộc mỗi người đóng góp một bó củi mỗi tuần!”. Trời ơi, thế là hết đường kiếm ăn rồi sao?
Tôi và Vũ Sơn còn có một kỷ niệm khá mạo hiểm nữa là đi bộ, tất nhiên là băng rừng vượt suối như người vùng cao bản địa, từ huyện Đại Từ qua huyện Phú Lương, vừa đi vừa về gần trăm cây số! Trường Đại học Y Dược Hà Nội đang sơ tán ở huyện Phú Lương. Vũ Sơn có cô bạn gái đang học năm thứ nhất, còn tôi có người chị cả đang học năm thứ ba. Thế là vào một ngày chủ nhật, chúng tôi rủ nhau băng rừng vượt suối qua huyện Phú Lương. Khi hai người đã lọt vào đại ngàn ngút mắt không một bóng người, tôi thoáng thấy ớn lạnh và nói với Vũ Sơn: “Rừng sâu kể cũng đáng sợ đấy chứ? Kể chuyện gì hay hay cho đỡ sợ đi? Hay là kể chuyện về ông bố mày đã viết “Bỉ vỏ” như thế nào, chuyện có thật hay bịa?”. Vũ Sơn làm ra vẻ như đang suy nghĩ gì đó rồi nói: “Tao cũng dự định sẽ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm kiểu như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” ấy nhưng là chuyện về núi rừng, lấy núi rừng Yên Thế làm bối cảnh! Cái huyện Tiên Sơn nơi tao ở cũng đẹp lắm, thật là sơn thủy hữu tình!”. Nói rồi Vũ Sơn kể tôi nghe câu chuyện về một chàng trai là kỹ sư địa chất, bị lạc trong rừng sâu và gặp chín chín tám mốt kiếp nạn như thầy trò Đường Tam Tạng trong Tây Du ký!... Khi tới đoạn chàng kỹ sư địa chất gặp một bản làng toàn đàn bà con gái thì thật là bất ngờ, chúng tôi đã tới khu sơ tán của trường Đại học Y Dược từ lúc nào! Chúng tôi như lạc giữa một rừng Tiên nữ vì ở trường Đại học Y Dược, sinh viên chủ yếu là nữ chứ không như ở Khoa Toán của chúng tôi chỉ có năm cô gái mà thôi. Đó là Vượng, Thanh, Lan, Hải và Mậu – Ngũ Long công chúa!
*
Sau này, khi tôi từ quân ngũ trở về tiếp tục học tại Khoa Toán (năm 1971) thì các bạn của tôi ở Đầm Mây dạo ấy đã ra trường.  Vũ Sơn về làm việc ở một Đoàn Địa chất thuộc Liên Đoàn Địa chất VN, cứ như là có điềm báo trước khi ở trong rừng hôm ấy, Vũ Sơn đã kể cho tôi nghe chuyện về anh chàng Kỹ sư địa chất bị lạc trong rừng! Không biết sau này Vũ Sơn có viết truyện đường rừng không, tôi cũng chưa hỏi lại!
Ở lại Khoa Toán làm cán bộ giảng dạy có Lê Tiến Tam và Phan Xuân Vỹ. Hai người ở trong khu tập thể giáo viên Khoa Toán trong khu Mễ Trì. Sau này, tôi có đến ở cùng phòng với Vỹ một thời gian cho vui. Và cái chết oan nghiệt đã đến với Vỹ khi Vỹ nhập ngũ và bị chết đuối ở nơi huấn luyện tân binh!...Bộ môn Toán học Xác suất mất đi một nhà Toán học trẻ có nhiều triển vọng, gia đình Vỹ mất đi một người con hiếu thảo, những người bạn chúng tôi mất đi một người bạn rất trung thực, nhiệt tình!
*
Tuy sau này tôi chuyển sang học ở Khoa Văn và làm công tác nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, rồi làm báo, chẳng còn dính dáng gì đến Toán học nhưng những ký ức về Khoa Toán và những người bạn ở Khoa Toán luôn trở đi trở lại trong ký ức của tôi, cứ như là vừa mới xảy ra, thậm chí như là đang xảy ra. Một lần, một người bạn già thấy tôi hay nói tới Khoa Toán và những người bạn Khoa Toán thì nói: “Lá số Tử vi của cậu rất giống với lá số Tử vi của cái anh bạn Phan Xuân Vỹ ấy! Cậu thoát chết trong gang tấc tới ba lần chính vì cậu đã hoán cải được số mệnh bằng việc chuyển từ Khoa Toán sang Khoa Văn đó!”. Nghe ông bạn già nói mà giật mình! Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ân hận vì đã chuyển từ Khoa Toán sang Khoa Văn, vẫn thấy rằng, sai lầm lớn nhất của tôi trong đời là bỏ Khoa Toán sang Khoa Văn!./.
Sài Gòn, tháng 3-2010

Đỗ Ngọc Thạch

Bà Ngoại

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Bà Ngoại tôi sinh được bốn người con: mẹ tôi, cậu Thuần, dì Phượng và cậu Phúc.Sau giải phóng Thủ đô, gia đình mẹ tôi và cậu Thuần đều về Hà Nội. Dĩ nhiên là Bà Ngoại ở nhà con trai là cậu Thuần, ở phố Ngô Thì Nhậm. Còn Dì Phượng , cậu Phúc sau đều trở thành nhà giáo, dì Phượng dạy học ở Thị xã Bắc Ninh, cậu Phúc dạy học ở Thị xã Hà Đông. Nếu nhìn về đường con cái thì có thể nói, bà Ngoại tôi đã mãn nguyện, bởi trong thời buổi chiến tranh loạn lạc như thế mà con cái đều trưởng thành và bình an thì thật là quá nhiều may mắn!...
Lúc đó, tôi đã bảy, tám tuổi, đã có thể một mình đi khắp 36 phố phường Hà Nội nên hầu như ngày nào tôi cũng tới thăm bà Ngoại. Lý do nữa để tôi luôn tới thăm bà ngoại là lúc đó, cậu Thuần tôi đã là Dược Sĩ, có xưởng bào chế thuốc mang tên Lê Văn Thuần, hoạt động rất náo nhiệt. Nếu so với những máy móc hiện đại bây giờ thì xưởng bào chế thuốc của cậu Thuần là đồ bỏ, nhưng vào thời điểm lúc đó, nó vào loại có tiếng ở Hà Nội. Xin nhắc lại là sau kháng chiến chống Pháp, dân ta có tới khoảng 80% là mù chữ thì việc cậu tôi đã là Dược sĩ và có xưởng bào chế thuốc riêng thì ở Hà Nội chỉ có vài người.
Những người làm việc ở trong xưởng bào chế đó có rất nhiều các ông cậu của tôi, do ông Ngoại tôi có tới ba bà vợ, bà hai và bà ba thì nhiều con hơn bà cả, tức Bà Ngoại sinh ra mẹ tôi. Ở Xưởng bào chế chơi với các cậu một lúc thì về nhà cậu Thuần thăm bà Ngoại. Không hiểu sao nhu cầu gặp bà Ngoại của tôi nó lại luôn thường trực trong tôi và mặc dù, mỗi lần đến, bà Ngoại chỉ hỏi tôi dăm ba câu rồi lại phải tất bật với mấy đứa cháu con cậu Thuần (Cậu Thuần về Hà Nội mới lấy vợ, là người Hà Nội và sau đó có liên tục bốn người con). Vì vào thời điểm này, mẹ tôi cũng mới sinh thêm người con trai nên nhìn thấy bà Ngoại tất bật với mấy đứa cháu nội, tôi lại nhớ nhiệm vụ của mình là “Vú em” cho cậu em trai, nên chạy vội về nhà, không thì no đòn (Khi bố tôi đi làm về, thấy quần áo tã lót của em tôi chưa dọn sạch là “xuất chưởng” tới tấp, không cần hỏi tại sao?).
Ông Ngoại tôi có tới ba vợ, có nghĩa là tôi có tới ba bà Ngoại. Ở quê tôi, các bà vợ sau của ông Ngoại (và cả ông Nội) đều gọi là bà Trẻ. Các người con của hai bà Trẻ đều từ lứa tuổi tôi và trở lên trên khoảng hơn chục tuổi nữa. Hai bà Trẻ đều có nhiều con hơn bà Ngoại vì thế có thể nói bên họ Ngoại của tôi rất đông, tôi thường bị nhầm lẫn hoài vì lâu lâu mới gặp nhau một đôi lần vào những dịp giỗ chạp hoặc Tết nhất. Song, tôi có một nhận xét chung là tất cả đều rất yêu kính bà Ngoại và những người con của hai bà Trẻ đều hao hao giống bà Ngoại. Khi ông Ngoại tôi “đi về với Tổ Tiên”, cả cái đại gia đình ấy như ong vỡ tổ, mọi người tứ tán, phiêu dạt bốn phương trời …Nhưng chỉ một thời gian sau, ba bà cùng với tiểu gia đình của mình đều dần ổn định theo cách riêng của mình. Những người con của Bà Trẻ Thùng (tức bà Hai) cũng về Hà Nội gần hết, chỉ có Bà Trẻ Hào và người con trai cả là “bám trụ” ở quê, làm nông dân trăm phần trăm!
*
Bà Ngoại tôi có tên rất đặc biệt: Sái Thị Tích. Lúc đó, tôi đã nghiện Tam quốc diễn nghĩa của ông La Quán Trung (*) nên cứ nghĩ chắc họ Sái của bà có quan hệ với họ Sái trong Tam Quốc diễn nghĩa, một họ lớn ở Kinh Châu! Một lần, tôi hỏi bà Ngoại: “Họ Sái của bà có liên quan gì đến họ Sái ở Kinh Châu không?”. Bà Ngoại ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi: “Tại sao cháu lại hỏi vậy?”. Tôi nói: “Tại cháu thấy ở Việt Nam chủ yếu là các họ Lê, Lý, Trần, Nguyễn…Cho nên những người họ Tào, họ Gia Cát, họ Uông, hoặc họ Sái như bà thì thế nào cũng là từ Trung Quốc di dân qua Việt Nam!”. Bà Ngoại cười rồi nói: “Cháu nghĩ đúng đấy! Họ Sái (**) của bà chính là xuất xứ từ họ Sái ở Kinh Châu (***), ở Việt Nam hiện nay, họ Sái có rất ít”. Tôi liền hỏi: “Vậy bà có biết nói tiếng Trung Hoa không?” – “Sao lại không? Cháu có thích nghe hát bằng tiếng Trung không? Lúc chưa lấy chồng bà rất hay hát”. Nói rồi bà Ngoại mắt ngước lên trời như nhìn về một nơi rất xa, quả là bà đang nghĩ về miền Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời nơi quê hương tổ tiên bà và bà hát: “Kìa bầu trời xanh lớp lớp mây trôi về / In trên tầng mây trắng vó ngựa phi…”. Bà chỉ hát câu đầu bằng lời Việt và sau đó thì hát cả bài bằng tiếng Trung, một thứ tiếng Trung líu lo như chim họa mi, sơn ca cùng hòa điệu! Hát xong, bà nói nhỏ: “Đó là bài hát “Mặt trời không bao giờ lặn trên thảo nguyên”. Những người họ Sái xa xưa chủ yếu sống trên lưng ngựa, màu xanh thảo nguyên là màu họ yêu thích nhất!”. Nghe bà Ngoại nói vậy, tôi mới sực nhớ lại hồi còn ở quê, nhà bà cũng nuôi một đàn ngựa nhỏ và ông cậu Thuần đã được bà Ngoại cho tập phi ngựa từ nhỏ và cậu đã có thể trở thành một kỵ sĩ nếu không đi học Dược để thành Dược sĩ!
Chính vì thường được nghe bà hát bằng  tiếng Trung nên tôi cho rằng tiếng Trung có âm điệu rất hay, chỉ nói mà đã như hát và khi hát thì như là chim ca, như mây bay, như gió thổi! khi lên lớp Năm, tôi đã chọn học lớp có Trung Văn (lúc đó, từ lớp Năm, tức cấp Hai, học sinh đã được học ngoại ngữ gồm hai thứ tiếng: Nga văn và Trung văn). Đến khi học xong phần phát âm, tức là nhìn vào những từ mới, chúng tôi có thể tự đọc được nhờ phần phiên âm bằng tiếng La-tinh ở bên cạnh, thầy giáo Trung văn dạy chúng tôi hát bài “Mặt trời không bao giờ lặn trên thảo nguyên” thì tôi càng thấy rõ hơn bà Ngoại của mình chính là một ca sĩ của Thảo nguyên!
*
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: tại sao không thấy bà Ngoại tới nhà tôi chơi, không thấy mẹ tôi và bà ngoại (tức hai mẹ con) ngồi nói chuyện với nhau, cũng không thấy bố tôi và bà ngoại (tức con rể và mẹ vợ) ngồi nói chuyện với nhau? Rồi bà Nội và bà Ngoại, hai người là thông gia mà tôi chưa thấy cùng ngồi nói chuyện với nhau bao giờ? Rồi tôi lại tự trả lời: có lẽ tôi đã không có mặt trong những cuộc gặp gỡ đó?
Có một chuyện đau lòng mà cả hai bên nội, ngoại nhà tôi đều rất ít khi nói đến, đó là cái chết của ông Ngoại tôi trong Cải cách ruộng đất. Ông Ngoại bị qui là địa chủ và ông đã chết tại nơi giam giữ. Cái chết của ông Ngoại dường như là một bí ẩn mà không ai có thể “giải mã” được. Tôi đã hỏi mẹ tôi tới ba lần và hỏi bà Ngoại hai lần nhưng cả hai người đều không nói gì và điều thật kỳ lạ là cả mẹ tôi và bà Ngoại đều “ngâm Kiều” khi thấy tôi thất vọng bỏ đi:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Chính vì thế mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thuộc những câu mở đầu Truyện Kiều ấy. Nhưng về sau này, mỗi khi nhớ đến bà Ngoại, tôi lại “ngâm Kiều” như Người và chỉ dừng lại ở mấy câu sau:
Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
*
Bà Ngoại “đi gặp ông Ngoại” vào một chiều Mùa Đông u ám… Trước khi “đi”, bà Ngoại không kịp nói gì với con cháu vì khi bà mở cửa ra ngoài ban-công để phơi đồ thì Tử Thần đã cưỡi một cơn gió mạnh ào tới và đem bà đi vĩnh viễn! Chắc là ông Ngoại tôi có chuyện gì đó rất hệ trọng cần gặp bà Ngoại gấp?
Không hiểu sao, từ khi bà Ngoại “ra đi”, tôi mới phát hiện ra mẹ tôi, và cả cậu Thuần nữa, rất giống bà Ngoại. Giống đến nỗi mỗi khi nhìn vào mẹ tôi, tôi lại thấy bà Ngoại thấp thoáng khi ẩn khi hiện trên gương mặt mẹ: một khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt hiền từ nhưng nhìn lâu thì thấy thăm thẳm u buồn!./.
Sài Gòn, tháng 7-2010

Đỗ Ngọc Thạch

-----
Chú thích:
(*) La Quán Trung: Tác giả Tam quốc diễn nghĩa, bản dịch của Phan Kế Bính qua hiệu đính của cụ Bùi Kỷ được phát hành năm 1959 (NXB Phổ thông, Hà Nội) là bản dịch tốt nhất, tính văn học thể hiện cao nhất. Bản dịch được NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội tái bản năm 1987.
(**) Họ Sái:
Vị vua đầu tiên của nhà Chu, Chu Vũ Vương  phong chức tước, địa vị và đất đai cho những người em trai của mình. Người em trai thứ năm là Cơ Độ được phân cho phần đất ngày nay thuộc huyện Thượng Thái , Trú Mã Điếm, Hà Nam, Trung Quốc và trở thành Thái Thúc Độ. Con trai của ông, Cơ Hồ (Thái Trọng Hồ), thiết lập kinh đô tại Thượng Thái.
Thái Thúc Độ cùng hai người em khác của Chu Vũ Vương là Hoắc Thúc Xử và Quản Thúc Tiên được phong ở những vùng đất xung quanh Vũ Canh, con vua Trụ nhà Thương để làm "tam giám" coi chừng Vũ Canh. Nhưng cả 3 vị tam giám lại nghe theo Vũ Canh, nổi loạn chống lại nhà Chu. Cuối cùng họ đều bị Chu Công dẹp yên. Vũ Canh và Quản Thúc Tiên bị giết; Thái Thúc Độ và Hoắc Thúc Xử bị đi đày. Tuy nhiên, nước Thái của ông không bị xoá bỏ và phong cho người khác như nước Vệ của Quản Thúc. Con ông vẫn được tập tước.
Thời kỳ đầu, Thái cùng các nước Lỗ, Tống từng xuất binh tấn công nước Trịnh. Năm 684 TCN, sau khi phát sinh mâu thẫn với nước Sở, vua Sở Văn Vương đã xuất quân bắt sống Thái Ai hầu và biến Thái trở thành một nước chư hầu của mình. Cho tới năm 531 TCN, Sở đã một lần tiêu diệt Thái, nhưng sau đó ba năm thì Thái Bình hầu lại giành được độc lập và di chuyển kinh đô tới Lữ Đình (nay là huyện Tân Thái ) vào năm 528 TCN. Năm 506 TCN, Thái cùng Ngô tấn công Sở, tiến tới tận Dĩnh Đô. Năm 493 TCN, do bị Sở bức bách, Thái Chiêu hầu phải di chuyển kinh đô tới Châu Lai , ngày nay là huyện Phượng Đài , địa cấp thị Hoài Nam, tỉnh An Huy, tại khu vực gọi là Hạ Thái . Năm 447 TCN, vua Sở Huệ Vương xâm chiếm nước Thái và lãnh thổ của nó trở thành một phần phía bắc của Sở.
Những người cai trị nước Thái còn sót lại đã di cư xuống phía nam tới sông Dương Tử vào khu vực hiện nay gọi là Thường Đức (tỉnh Hồ Nam) và định cư tại khu vực gọi là Cao Thái , nhưng nhà nước suy tàn này đã bị tiêu diệt hoàn toàn sau đó khoảng 80 năm.
Với sự phổ biến của họ đối với mọi giai cấp trong thời kỳ nhà Tần, được thành lập năm 221 TCN, nhiều người có tổ tiên trước đây là thần dân nước Thái đã lấy họ Thái hay Sái để nhớ về cố quốc của họ.
Kể từ khi nước Thái biến mất, các hậu duệ của họ đã có 2 cuộc di cư lớn. Trong cuộc nổi dậy của Hoàng Sào năm 875 vào cuối thời kỳ nhà Đường  (618-907), thị tộc họ Thái/Sái đã di cư tới các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Cuộc di cư lớn thứ hai diễn ra khi người trung thành với nhà Minh là Quốc Tính gia (Trịnh Thành Công, 1624-1662) đưa các tướng họ Sái/Thái cùng gia đình họ sang đảo Đài Loan trong thế kỷ 17. Kết quả là hiện nay các họ Thái/Sái là phổ biến hơn cả tại những khu vực này.
(***) Họ Sái ở Kinh Châu: Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa thì Lưu Kỳ ban đầu được cha đẻ là Lưu Biểu rất yêu quý vì tướng mạo rất giống cha nhưng sau khi Lưu Biểu lấy lẽ là Sái thị thì lại quay ra thích con đẻ của Sái thị là Lưu Tông. Lưu Biểu nhất nhất nuông chiều Sái thị nên Kỳ ngày càng bị cha xa lánh. Ở Kinh Châu họ Sái nhân thế cũng nắm hết quyền hành (anh em Sái Mạo) thế nên Lưu Kỳ tính tình vốn đã bạc nhược nên phải dựa vào Lưu Bị. Lưu Bị bèn bày kế cho Lưu Kỳ hỏi Gia Cát Lượng kế sách yên thân. Ban đầu Gia Cát Lượng không chịu nhưng sau Kỳ dùng mẹo lừa Gia Cát lên lầu và rút thang không cho xuống khi ấy Gia Cát mới chịu bày kế cho Kỳ. Gia Cát khuyên Kỳ không nên ở lại Kinh Châu. Kỳ nghe theo, bèn nhân cơ hội Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ bị Tôn Quyền mưu sát thì xin Lưu Biểu về coi Giang Hạ. Khi cha là Lưu Biểu hấp hối Kỳ có về Kinh Châu nhưng bị bọn Sái Mạo không cho gặp. Lưu Biểu mất bọn Sái Mạo đưa cháu của mình là Lưu Tông lên làm Kinh Châu mục. Khi Tào Tháo đánh đến Tân Dã bọn Lưu Tông Sái Mạo ra hàng Tào Tháo, Lưu Kỳ chạy về Giang Nam theo Lưu Bị. Sau khi Tào Tháo thua trận ở Xích Bích, Lưu Bị phong Lưu Kỳ làm Thứ sử Kinh Châu, qua năm thì mất. ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét