Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Sự lựa chọn...; Kỳ nhân... - Đỗ Ngọc Thạch

SỰ LỰA CHỌN NGHIỆT NGÃ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Lê Bần là một nông dân chân chỉ hạt bột, ở một vùng quê nghèo, hẻo lánh. Lúc tuổi trẻ đi lính, mải mê chinh chiến tuổi trẻ trôi qua lúc nào không hay. Đến lúc giải ngũ thì đã tới xấp xỉ tứ tuần, trở về nhà với hai bàn tay trắng, còn nghĩ là may mắn vì không bị què cụt gì! Bố và mẹ của Lê Bần lúc đó đã ngoài sáu mươi, hai người quanh năm suốt tháng quần quật ngoài đồng mà nhà nghèo vẫn hoàn nghèo, không khá lên được!
Khi trở về nhà, Lê Bần nói với bố mẹ: “Con thật là bất hiếu, gần bốn mươi tuổi mà chưa hề nghĩ đến chuyện bố mẹ sẽ già yếu, cần phải phụng dưỡng, cứ nay đây mai đó làm những chuyện đâu đâu! Bố mẹ hãy trách phạt con đi!”. Người bố nói: “Con nói sai rồi! Tuổi trai tráng là phải phụng sự Tổ quốc, con đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sao lại nói là làm những chuyện đâu đâu!”. Người mẹ nói: “Bố con nói đúng đó! Ông Trời thương gia cảnh mình neo đơn nên con đi xa, bố mẹ đều bình an, không xảy ra chuyện gì! Nhà mình nghèo là bởi vận số chưa tới! Nay con đã trở về thì lo lấy vợ, sinh con đẻ cái khắc có lộc, có phúc!”. Lê Bần nghe theo, nhờ người mai mối kiếm cho người vợ hiền thục, đảm đang. Song, khi nhìn gia cảnh của Lê Bần, không cô gái nào chịu vào làm vợ Lê Bần cả!...
Chuyện kiếm vợ của Lê Bần tưởng chừng tuyệt lộ thì Ông Tơ, Bà Nguyệt thương tình ra tay trợ giúp bằng cách báo mộng rằng: “Ở làng bên, có một người sĩ quan quân đội về hưu, mới chết. Ngày mai sẽ hạ huyệt, vậy hãy qua làng bên tới đám tang xin được làm một chân khiêng quan tài, sẽ gặp người con gái có thể cưới làm vợ!”. Sáng tỉnh dậy, Lê Bần vẫn còn nhớ rõ từng lời báo mộng, bèn đi qua làng bên. Tới nơi, quả nhiên có đám tang của một sĩ quan quân đội đã về hưu. Hỏi kỹ thì ra ông sĩ quan kia là Thủ trưởng đơn vị cũ của Lê Bần. Lê Bần bèn gặp bà vợ của người quá cố, xin được khiêng quan tài đưa tiễn Thủ trưởng cũ. Bà vợ ông Sĩ quan nghe chuyện cảm động lắm, đồng ý ngay. Xong đám tang, Lê Bần cứ loanh quanh chưa về vì thấy lời báo mộng chưa hiệu nghiệm tới câu cuối cùng!
Bà chủ nhà thấy Lê Bần cứ loanh quanh ngoài sân chưa về, bèn ra hỏi: “Thủ trưởng cậu đã mồ yên mả đẹp rồi, tôi xin cám ơn cậu đã tới đưa tiễn ông nhà. Cậu có điều gì muốn nói hay sao mà vẫn chưa về?”. Lê Bần ngập ngừng rồi nói thật ra lời báo mộng của mình. Bà chủ nhà nghe xong thì bật cười và nói: “Cậu quả là người thật thà hiếm có! Tôi cũng vì tình cảm của cậu với ông nhà tôi mà sẽ giúp cậu toại nguyện. Song, cậu phải vượt qua cửa ải này!”. Hỏi cửa ải thế nào thì bà chủ nhà nói: “Tôi có bốn cô con gái, ba cô đã có chồng con. Bây giờ tôi cho bốn cô đứng dàn hàng ngang trước mặt cậu, cách hai mét. Cậu sẽ bị bịt mắt. Nếu cậu chỉ ra đâu là cô gái chưa có chồng thì tôi sẽ cho cậu cưới làm vợ, không đòi hỏi thách cưới gì cả!”. Lê Bần nghe xong thì hoảng sợ, nói: “Tôi bị bịt mắt thì làm sao mà nhìn ra cô nào chưa có chồng? Tôi không thể chỉ hú họa được!?”. Bà chủ nhà cười nói: “Đó là chủ ý của con gái tôi, biết làm sao? Bao nhiêu người đến đã thất bại rồi đó! Không biết cậu có qua nổi không?”. Lê Bần thoáng nghĩ: “Mình chẳng có cơ sở nào để lựa chọn cả! Thôi thì cứ phó mặc cho số phận!”. Lê Bần liền nhận lời. Sau khi bị buộc kín mắt, Lê Bần cứ đi đi lại lại trước bốn cô gái. Khi đi tới lần thứ tư thì Lê Bần chợt phát hiện ra rằng, mỗi khi đứng trước cô gái ở vị trí thứ tư thì lại thấy như có luồng điện phóng qua người, khiến toàn thân rạo rực! Và lúc đó, Lê Bần không tự chủ được nữa, cởi tấm vải buộc mắt ra và tiến tới sát cô gái và nói: “Tôi đã tìm thấy vợ rồi!”! Tất cả mọi người chứng kiến đều kinh ngạc vì Lê Bần đã chỉ đúng cô gái chưa có chồng!...
Bà chủ nhà chấp thuận cho Lê Bần cưới vợ, chỉ chờ qua 49 ngày. Thực ra cô gái mà Lê Bần chỉ đúng đã “lỡ thì” từ lâu - là chị cả của bốn chị em gái. Cho nên, ai cũng nói, việc người lấy được vợ, người có được chồng là chuyện Ông Trời xe duyên, tức “Duyên số”. Song, không ai biết được rằng tại sao Lê Bần lại chỉ đúng ai là người con gái chưa chồng? Về sau, khi đã thành vơ chồng rồi, người vợ Lê Bân hỏi: “Tại sao lúc ấy ông lại biết tôi là gái chưa chồng mà chỉ đúng như vậy?”. Lê Bần thật thà nói: “Khi người ta bị bịt mắt thì dùng mũi đánh hơi! Lúc ấy, khi đi tới trước chỗ bà đứng, tôi ngửi thấy một mùi hương rất kỳ lạ, rất quyến rũ, khiến tôi mê mẩn. Còn ba người kia, tôi chỉ ngửi thấy mùi sữa mẹ và mùi cứt đái của trẻ con!”…
*
Đó là lần thứ nhất Lê Bần “Lựa chọn” cho số phận của mình. Lần này, tuy có hệ trọng song chưa tới mức “Thập tử nhất sinh”. Lần “Lựa chọn” thứ hai mới nghiệt ngã làm sao, bởi không thể lựa chọn một cách dễ dàng!
Sau khi Lê Bần có vợ, căn nhà nghèo nàn, đơn sơ đã trở nên ấm cúng, có “sinh khí”. Và khi có tiếng cười con trẻ thì ai cũng nghĩ hạnh phúc sẽ ngập tràn. Song, nhiều khi sự đời không theo chiều thuận như thế. Sau hai năm nuôi con thơ, gia cảnh nhà Lê Bần xem chừng không thoát khỏi chữ nghèo mà có phần trầm trọng hơn! Lúc này, cả bố và mẹ Lê Bần đều ốm yếu, bệnh tật thường xuyên. Lý do thì ai cũng nhìn thấy: làm việc quá nhiều mà ăn uống, thuốc men thì rất hạn chế. Người già khi đã thiếu ăn thì sức khỏe suy sụp rất nhanh. Trong khi cả nhà đang luôn luôn thiếu cái ăn trầm trọng thì thằng Lê Ban, đứa con trai vừa bước sang ba tuổi của vợ chồng Lê Bần lại ăn rất khỏe. Thường thường, cứ sau mỗi bữa ăn, thằng Lê Ban lại mò mẫm ra vườn, bứt lá rau, lá cây trong vườn ăn ngon lành như dê con ăn lá cây! Lúc đầu, không ai để ý, nhưng sau một thời gian, vợ chồng Lê Bần nhận thấy lá rau, lá cây trong vườn trơ trụi cả thì nghĩ rằng mấy con dê, con bê của người ta đã chui qua hàng rào vào vườn ăn lá, liền rào dậu cẩn thận và chú ý canh chừng khu vườn. Song, điều khiến vợ chồng Lê Bần kinh ngạc là đã nhìn thấy thằng con trai mình bứt lá cây ăn ngon lành đúng như là con dê con! Hai vợ chồng nhào ra vườn, ôm lấy con, hỏi han rối rít thì thằng bé thản nhiên nói: “Từ giờ bố mẹ không phải lo kiếm đồ ăn cho con nữa, con ăn lá cây đã quen rồi, rất ngon!”. Người mẹ ôm lấy con nước mắt ràn rụa không nói nên lời. Còn Lê Bần thì thử nhai cái lá cây thằng con đang cầm ở tay, nhưng khi nuốt thì không được!...
Một hôm, người bố của Lê Bần gọi con ra góc vườn nói: “Bố đã nghĩ nát nước rồi, cứ xúm xít ở nhà ngồi nhìn nhau như thế này không phải là cách! Thế nào cũng chết đói cả nút!”. Lê Bần sợ hãi nhìn bố, lo lắng hỏi: “Vậy bố bảo con phải làm gì bây giờ?”. Người bố nói rõ ràng, dứt khoát: “Bố sống thế cũng coi như là thọ rồi, giờ sức khỏe không còn, chỉ ngồi ăn mà không làm gì được thì cũng khổ nhục lắm!... Để bố đi gặp Tổ tiên sớm ngày nào hay ngày ấy, nhà bớt được một miệng ăn, dồn lại cho mẹ con! Bà ấy đã yếu lắm, không thể cứ rau cháo mãi được!”. Lê Bần nghe người bố nói vậy thì khóc rống, rồi cứ tự đấm vào ngực mà rằng: “Ta là đồ vô dụng! Không nuôi nổi cha mẹ già, không nuôi nổi vợ con!...Đồ vô dụng!”. Lúc đó, thằng con trai Lê Ban của Lê Bần đang đứng ở góc vườn bên kia ăn lá cây, liền chạy tới giữ lấy tay bố nó mà nói: “Bố đừng tự đánh mình nữa! Lỗi tất cả là tại con! Con đã làm cho cả bố, mẹ và ông, bà phải vất vả cực nhọc! Vậy bây giờ bố đem con bán đi, có tiền mua gạo, thịt về nuôi ông, bà!”. Cả người bố của Lê Bần và Lê Bần đều sững sờ nhìn thằng bé ba tuổi mà nói chính xác từng từ!...Thằng Lê Ban thấy bố và ông cứ nhìn mình trân trân thì nói: “Bố phải lựa chọn ngay: con hay là ông sẽ ra đi? Ông chết đi thì hết, bởi làm sao mà sống lại? Còn bán con đi thì khi nào có đủ cái ăn, bố mẹ có thể đẻ đứa con khác!”. Lúc thằng Lê Ban vừa dứt lời thì mẹ nó không biết đã đứng nghe từ bao giờ, nhào tới ôm chầm lấy nó và lại khóc như mưa!...Tuy không ai nói ra, nhưng cả vợ chồng Lê Bần và người bố Lê Bần đều nghĩ: Thằng bé nói đúng quá, phải lựa chọn lấy một và chỉ một mà thôi!...
*
Lê Bần đã phải lựa chọn: đem thằng con trai Lê Ban lên miền núi bán cho một Phú Hộ - nhà giàu…Phú Hộ này thấy thằng bé mới có ba tuổi mà thông minh nhanh nhẹn, lại có “năng lực siêu nhiên” là ăn lá cây ngon lành như dê con thì thích lắm, nói với Lê Bần: “Sau một năm, nếu nhờ vía của thằng bé kỳ dị này mà làm ăn phát tài, ta sẽ gửi thêm trợ cấp hàng tháng cho nhà ông cho đến khi thằng bé trưởng thành, lúc đó tất nó sẽ biết giúp ông bà như thế nào!”. Còn Lê Bần, trở về nhà , mỗi khi nhớ con lại ra vườn hái lá cây ăn! Ai ngờ chỉ sau một tháng ăn lá cây, sức khỏe Lê Bần bỗng thay đổi khác thường: cơ thể tráng kiện như thời còn trai trẻ, mỗi khi suy nghĩ về một chuyện gì đều rất mạch lạc, rõ ràng và nhanh chóng tìm ra cách giải quyết hiệu quả! Lê Bần thấy lạ liền kêu cả nhà ngày ngày ra vườn ăn lá cây! Quả nhiên chỉ một tháng sau nữa, ai cũng như là đã cải lão hoàn đồng !
Có ông thầy Lang ở cùng làng với vợ Lê Bần biết chuyện bèn tới vườn cây xem xét thì nói: “Cái vườn này, khoảng trăm năm trước là một vườn thuốc của một danh y. Ở đây có nhiều loại cây thuốc quý hiếm. Vì vậy, cần phải chăm sóc và nhân rộng vườn cây này ra!”. Từ đó, bố con Lê Bần ngày ngày cặm cụi chăm sóc vườn cây. Chỉ một năm sau thì vườn cây thuốc đã xanh tốt khác thường!...
Mùa Xuân năm ấy, cậu bé Lê Ban được nhà Phú Hộ cho người dẫn về thăm bố mẹ đẻ, bởi đúng như lời hứa, việc làm ăn của ông Phú Hộ rất phát đạt. Vừa tới vườn cây, thằng bé Lê Ban đã lon ton chạy tới mấy cây vừa đâm chồi nảy lộc, bứt lá non ăn ngon lành như con dê con! Nhìn thằng cháu nội nhai lá cây ngon lành, bố con ông Lê Bần cứ thay nhau lẩm nhẩm hoài mấy lời sau: “Hết lúa gạo thì ăn cỏ cây mà sống! Chân lý giản đơn như vậy mà sao ta lại không nhận ra?”!...
Mùa Đông, 2009
Đỗ Ngọc Thạch

KỲ NHÂN DỊ TƯỚNG

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

1.
Năm chị em Tý được sinh ra “liền một mạch”, tức mẹ Tý đẻ sòn sòn năm một và đều được đặt tên theo năm con giáp mà đứa con đó sinh ra: Tý (1948), Sửu (1949), Dần (1950), Mão (1951), Thìn (1952). Mẹ Tý là gái quê trăm phần trăm , tháng ngày cày sâu cuốc bẫm nuôi năm chị em, còn bố Tý thì sau khi mẹ sinh em út đã nhập ngũ rồi tham gia chiến dịch Điện Biên, ông đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Mường Thanh. Khi tin bố hy sinh được báo về cho mẹ Tý thì người mẹ trẻ một nách năm con đã không chịu nổi nỗi đau quá lớn và quá bất ngờ, đã khóc thương chồng năm ngày liền để đến nỗi cả đôi mắt đã bị mù vĩnh viễn!...
Sau hòa bình 1954, với chế độ con Liệt sỹ, năm chị em Tý được tập trung vào trường nuôi dưỡng con Thương binh, Liệt sỹ của Nhà nước, nhưng ông bà Ngoại và mẹ Tý thương nhớ năm chị em còn quá nhỏ tuổi nên xin đón về nhà và nhận tiền trợ cấp. Vì thế, cô bé Tý mới Sáu tuổi đã phải làm mọi việc chăm sóc đàn em nhỏ và người mẹ mù!
Tuy thế, ông Trời cũng không đến nỗi nhẫn tâm triệt đường sống của người mẹ mù bất hạnh và năm đứa con sớm mồ côi cha. Ông Trời đã phú cho cả ông, bà ngoại, mẹ và năm chị em những năng khiếu bẩm sinh mà không phải ai nào cũng có. Tý thì nhanh nhẹn như con Chuột, làm mọi việc trong nhà, chăm sóc bốn đứa em không lúc nào ngơi mà người ta vừa thấy Tý ở ngoài ruộng khoai (để mót khoai) đầu làng đã thấy cô bé ở bến sông để đem cá do ông ngoại câu được (Ông Ngoại nổi tiếng là sát cá, đến nỗi trong giấc mơ, ông Ngoại thường thấy Long Vương hiện ra năn nỉ xin ông nhẹ tay kẻo đội quân Binh Tôm Tướng Cá của Long Vương bị hao hụt quá lớn!) về nhà cho mẹ bán. Mẹ Tý tuy bị mù nhưng cai quản cái cửa hàng “Bách hóa tý hon” đâu ra đấy và đặc biệt rất có duyên bán hàng. Hàng do bà ngoại Tý lấy ở ngoài chợ phố huyện buổi sáng về thì chỉ đến xế chiều đã bán hết, có hôm còn không đủ hàng mà bán! Bà Ngoại như là có một Thần uy ẩn tàng khiến cho ai giao hàng cho bà cũng đều giao hàng tốt với giá phải chăng, thậm chí giá gốc mà không lấy lời ở nơi bà! Sau này Tý mới biết tại sao mẹ lại mát tay bán hàng như vậy: đôi mắt mù luôn như nhìn nơi vô định của mẹ càng làm tăng thêm vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ của khuôn mặt đẹp như tranh vẽ Tố Nữ! Và điều đặc biệt có một không hai là : người mẹ có một mùi hương quyến rũ lạ lùng, khiến cho những người đứng gần ngây ngất như người mất hồn! Mùi hương quyến rũ đặc biệt đó mấy ông thầy tướng bảo đó là Quý tướng: Lan nhi chi tự hương! Còn bốn đứa em của Tý thì đều như là hiện thân của Con Giáp mà chúng nó cầm tinh: thằng Sửu thì to khỏe như trâu mộng, ai cũng gọi nó là Trâu Vàng; con Dần là gái mà cũng khỏe và nhanh như hổ, ai cũng bảo nó mà lớn lên thì dữ hơn Cọp Cái; thằng Mão thì khôn ranh như mèo, ông thầy tướng nói nó sau này sẽ làm tới Cảnh sát Trưởng; còn con Thìn thì ông thầy tướng nói: “Rồng bay phượng múa, tuy lúc trẻ tuổi nó phát lộ tài năng về văn nghệ, nhưng có câu “Xướng ca vô loài” nên dần dần phải hướng nó vào chốn quan trường, nó sẽ phát tướng ở hàng vương tướng, quan văn thì tới nhất phẩm, quan võ thì tới đại tướng quân!”…
2.
Năm 1958, khi Tý chẵn 10 tuổi thì cả ông bà Ngoại cùng qui tiên. Mẹ Tý lại một lần nữa phải chống chọi với nỗi đau quá lớn khiến bà suýt gục ngã, nếu như cả năm chị em Tý không đứng thành hàng và đồng thanh la lớn “Mẹ không được chết!...”, thì có lẽ mẹ Tý đã đi theo ông bà Ngoại!...Tuy nhiên, cái chết của ông bà Ngoại như là sự chuyển giao công việc của ông bà Ngoại cho Tý và thằng em Sửu, chỉ kém Tý một tuổi. Có nghĩa là từ nay, Tý sẽ làm phần công việc mà bà Ngoại làm trước đây: ngày ngày, đi lấy hàng về cho mẹ ngồi bán tại nhà! Còn thằng Sửu thì nhận toàn bộ con thuyền câu của ông Ngoại và ngày ngày ngồi câu cá trên sông như ông Ngoại đã làm trước đây! Một thằng bé chín tuổi suốt ngày, thậm chí cả đêm, ngồi trên thuyền câu như một ông già – điều này khó mà tin nổi nhưng nó lại là sự thật hàng ngày bởi thu nhập mà thằng bé đem về còn hơn cả ông Ngoại nó trước đây, tức nó sát cá hơn cả ông Ngoại và dĩ nhiên, ngày nào trong giấc mơ, nó cũng gặp Long Vương tới năn nỉ xin nó nương tay với đội quân Binh Tôm Tướng Cá của Ngài! Lúc ấy, nó chẳng nói gì, bởi biết nói sao, nếu chiều lòng Long Vương thì nhà nó…chết đói!
Như vậy là nhà có sáu người thì ba người kiếm được tiền đủ nuôi sáu người, cho nên mẹ Tý nói với Tý: “Nhà mình đủ ăn thế là tốt rồi, từ nay phải lo cho ba đứa Dần, Mão, Thìn đi học tới nơi tới chốn. Năm học mới sắp đến rồi, con dắt em Dần đến trường làng xin cho nó vào Lớp Một nhé!” Tý nói: “Vừa rồi vì vướng cái tang của ông bà Ngoại cho nên em Dần bị lỡ mất một năm, bảy tuổi là được vào lớp Một rồi mà. Vì thế, con muốn cho cả hai chị em Dần và Mão cùng vào Lớp Một. Như thế, hai chị em chúng nó dắt nhau đi học, em Dần nó khỏe như Hổ, không lo bị bắt nạt!” Mẹ Tý cười: “Con tính giỏi quá! Biết lo xa như thế là đã thành người lớn rồi đấy!”. Thế là từ khi năm học mới bắt đầu, hai chị em Dần, Mão dắt nhau đi học ngày ngày mà không xảy ra vấn đề gì, Tý và mẹ mừng lắm!
Việc hai chị em Dần và Mão học hành rất tốt, hai chị em luôn thay nhau đứng nhất nhì lớp, hết học kỳ I còn đem giấy khen và phần thưởng về nhà, khiến người mẹ mù suy nghĩ: Hai đứa Dần, Mão học giỏi như thế, chẳng lẽ hai đứa anh, chị của nó lại không học giỏi được như các em của chúng nó? Nếu không cho chúng nó đi học thì có phải là bị thiệt thòi không? Người mẹ đem chuyện này nói với hai chị em Tý Sửu thì cả hai đứa đều nói: Nếu chúng con đi học thì lấy ai làm các việc để kiếm tiền? Ưu tiên cho chúng nó, hai đứa học thay phần của chúng con tất nhiên phải học giỏi mà! Người mẹ nghe nói thế càng không yên tâm, bà cứ nghĩ mãi tìm cách nào để cho cả bốn chị em cùng được đi học? Nghĩ mãi không ra thì có chú Luyến, cũng một đơn vị bộ đội với bố của năm đứa ngày xưa, là Thương binh, giờ làm Chủ tịch Xã, đến thăm mấy mẹ con, thấy vậy thì bảo cho hai đứa lớn đi học hệ Bổ túc, chương trình cũng như mười năm phổ thông, chỉ khác là học vào ban tối, có đủ mọi lứa tuổi cùng học một lớp vì ban ngày họ còn phải đi làm việc. Người mẹ mừng quá, thế là cả bốn đứa cùng được đi học, chúng sẽ thi đua với nhau, nhất định sẽ học giỏi. Quả nhiên, hai đứa học Bổ túc cũng thay nhau nhất nhì lớp! Niềm vui chuyện học hành của bốn đứa con làm cho người mẹ như là khỏe mạnh, tươi trẻ như thời còn là con gái. Tuy đôi mắt không nhìn thấy nhưng đi lại, làm mọi việc trong nhà không khác gì người sáng mắt!
Bốn năm trôi qua nhanh như chớp mắt! Hai chị em Dần, Mão đều tốt nghiệp Tiểu học loại Ưu. Còn hai chị em Tý, Sửu thì đều tốt nghiệp Tiểu học hệ Bổ túc, cũng loại Ưu! Người mẹ và năm đứa con tính mở tiệc ăn mừng thì Tai họa không biết từ đâu giáng xuống, thật tàn bạo!...
3.
…Sau Tai họa ấy, cô bé Tý mới 14 tuổi đã phải đứng là làm chủ hộ, đứng ra gồng gánh, quyết định mọi việc của cuộc sống năm chị em. Qua cơn giông bão, người ta mới nhìn thấy hết sự tàn phá ghê gớm của nó. Cũng như vậy, qua Tai họa, nhìn lại, người ta mới nhìn thấy hết sự khốc liệt của nó! Đã một năm trôi qua, tưởng rằng vết thương đã lên da non, nhưng thực ra nó vẫn đang rỉ máu và làm cho người ta đau đớn hơn. Đó là tâm trạng của cô gái Tý, mới 15 tuổi mà đã phải lãnh án 5 năm tù vì tội Ngộ sát!...
Thực ra, cái chết của ông phó chủ tịch Xã kiêm Trưởng Công an xã không phải do Tý gây ra mà do thằng Sửu, nhưng Tý không thể để nó ngồi tù! Tý là chị Cả, Tý phải chịu trách nhiệm tất cả, Tý phải nhận về mình mọi nỗi bất hạnh để cho mấy đứa em được yên lành, như lời dặn dò của mẹ trước khi nhắm mắt! Sự việc xảy ra đã một năm rồi mà Tý thấy như là vừa mới xảy ra hôm qua…
Tối hôm ấy, hai chị em Tý, Sửu vừa tan buổi học lớp Bổ túc về tới cổng thì có tiếng nói qua lại giữa mẹ Tý và ai đó: -Bà có muốn ta dẹp cái cửa hàng Bách hóa của bà đi không?
-Tôi van xin ông, ông tha cho mẹ con tôi!
-Vậy tại sao lại chống cự?
-Xin ông hãy để lúc khác tôi sẽ hầu ông! Ở đây con tôi nó biết thì…
-Nó biết thì sao chứ…Ta không thể chờ được đến lúc khác! Vừa ngửi thấy mùi hương trên người bà là ta đã thấy rạo rực trong người rồi! Sao mà chờ!...- Vừa nói người kia vừa nhào tới mẹ Tý.
Hai chị em Tý Sửu đã hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tý vốn rất nhanh nhẹn mà không kịp hiểu thằng Sửu đã lấy cái mái chèo từ lúc nào và cái mái chèo đã bổ xuống đầu người kia như thế nào mà đầu người kia vỡ toác!... Còn người mẹ mù của năm đứa trẻ vì quá sợ hãi mà ngất xỉu! Sau đó, bà chỉ hồi tỉnh được khoảng năm phút, dặn dò Tý vài câu rồi không bao giờ hồi tỉnh!...
Bây giờ thì ngày ngày, thằng Sửu phải xoay xỏa để chăm sóc ba đứa em, thực ra chúng nó cũng đã lớn xấp xỉ thằng Sửu: Sửu 14 thì Dần 13, Mão 12, Thìn 11. Có lẽ chỉ cô bé Thìn là chưa hiểu hết điều gì đang xảy ra đối với chị em chúng nó. Tuy nhiên, nó cũng biết mẹ nó vì sao mà chết, chị Tý của nó vì sao mà bị ngồi tù! Có lần nó còn trốn các anh, chị một mình đến Trại giam thăm chị Tý và nó nói với Tý bằng giọng nói thật nghiêm trang: “Nhất định em sẽ cứu chị ra!...” Tý nhìn nó chằm chằm, hỏi: “Em cứu chị bằng cách nào?” Nhìn điệu bộ suy nghĩ rất đăm chiêu của con Thìn, quả thật Tý không hiểu em mình nó đang nghĩ gì? Mới xa các em có một năm trời mà mỗi lần gặp lại chúng nó, nhìn đứa nào cũng thay đổi rất nhiều, chúng như là mất đi cái vẻ hồn nhiên, nghịch ngợm mà đứa nào cũng có cái dáng vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi như người già! Như con cái Thìn, nó nói “Nhất định em sẽ cứu chị ra!” thì nhất định không phải là câu nói của đứa bé 11 tuổi! Con Thìn nhìn chị nó bằng ánh mắt thương cảm, âu yếm và nói: “Chị chịu khó chờ vài ngày nữa, em đang tiến hành!...”. Trời đất! Tý suýt la lên, không hiểu con Thìn nó có kế hoạch gì? Tý vội nắm chặt lấy tay nó, hỏi dồn dập: “Kế hoạch gì? Em phải nói cho chị biết, chị có thể giúp em mà!”.Con Thìn nói ngay: “Chị đang bị giam thế này thì giúp gì được em! Thôi được, em có thể nói sơ qua cho chị biết! Hôm rồi, em thấy mẹ hiện về trong giấc mơ, mẹ nói: “Các con phải cứu chị Tý ra khỏi trại giam, càng sớm càng tốt! Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài!”. Em vội hỏi mẹ: “Con cũng muốn cứu chị Tý, nhưng con không biết làm thế nào? Cướp tù nhân như trong phim thì chúng con không làm được!” Mẹ nói: “Mẹ sẽ cho ba chị em gái một vũ khí đặc biệt, đó là mùi hương quyến rũ, các con hãy dùng vũ khí này tấn công bọn cai ngục, nhất định chúng sẽ bị đánh gục!...Đó gọi là Mỹ nhân kế!” Nói rồi mẹ ôm chặt lấy em, rồi nói: “Mẹ đã truyền cho con vũ khí mùi hương quyến rũ rồi đó! Mai mốt mẹ sẽ truyền cho cả chị Dần và chị Tý!” Tý nghe con cái Thìn nói mà ngơ ngác chưa hiểu ra sao, thì cái Thìn đứng sát vào Tý mà nói: “Chị có ngửi thấy mùi hương trên người em không?”. Tý chưa kịp hít hít để kiểm tra xem thế nào thì cái mùi hương ấy đã như là tràn ngập khứu giác, và nó thốt lên: “Mùi hương như là mùi trên người mẹ lúc còn sống!” Con Thìn cười nói: “Đó, chị tin chưa? Khi nào chị gặp mẹ thì cho em biết nhé! Mỹ nhân kế đã được em tiến hành rồi, lão Giám thị Trại giam sẽ bị em đánh gục, vì lão không thể ngờ con bé mới 11 tuổi như em đang dụ lão vào bẫy!” Tý vội nói: “Nhưng em tiến hành mỹ nhân kế như thế nào? Lão ta cáo già lắm, chị sợ em bị lão ăn thịt mất!” Con Thìn cười to, nói: “Chị đừng lo, đêm nào mẹ cũng hiện về bày mưu tính kế với em! Khi chị có giấy ra tù rồi thì chị sẽ thấy lão ta nằm trong bệnh viện tâm thần vì trúng Mê hồn tán của em!”…
Quả nhiên, chỉ một tuần sau buổi nói chuyện của hai chị em Tý và Thìn, Tý nhận được giấy ra trại nhân ngày Thiếu Nhi Quốc Tế, và mọi việc sau đó đúng như những gì con Thìn đã nói…
4.
Ngày sinh nhật Tý 16 tuổi thật là đặc biệt. Đêm hôm trước, mẹ và bố đã gặp cả năm chị em trong giấc mơ. Mẹ đã truyền mùi hương quyến rũ cho cả Tý và Dần. Một lúc sau thì bố truyền hết công lực cho cả hai anh em Sửu và Mão. Khi cả năm chị em tỉnh dậy thì tất cả đều kinh ngạc khi thấy ba chị em gái Tý, Dần và Thìn đều cực kỳ xinh đẹp, cứ như là ba nàng Tiên! Còn hai anh em trai Sửu và Mão thì tráng kiện như hai lực sĩ!...
Bữa tiệc sinh nhật Tý đặc biệt bởi hai lý do: 1/ Chú Luyến, Chủ tịch xã sẽ chính thức làm Cha Nuôi – Người Bảo hộ của năm chị em Tý; 2/ Ngày sinh nhật của Tý , ngày 7-5, cũng sẽ là ngày sinh nhật của cả năm chị em, bởi thực ra ngày sinh của năm chị em chỉ cách nhau có vài ngày, và điều quan trọng là trong cùng một tháng – Tháng Năm: tháng có nhiều ngày kỷ niệm lớn…
Cái Tý nói với các em: “Giờ thì các em đã lớn cả rồi, có thể tự chăm sóc cho mình. Nhân chuyện gặp được cả bố và mẹ trong giấc mơ, chị muốn làm việc gì đó để có thể thường xuyên gặp được bố mẹ. Có ai nghĩ ra được cái gì không?”. Thằng Sửu và thằng Mão cùng nói: “Chúng ta đón những người già về nuôi, nhìn những người già thường xuyên cũng như nhìn thấy bố mẹ mình!” Hai đứa vừa dứt lời thì cả Tý, Dần và Thìn đều nói: “Đúng đấy, chúng ta sẽ làm một cái Nhà Dưỡng Lão!” Chú Luyến nghe năm chị em cái Tý nói thế thì như là reo lên: “Sao các cháu nói trúng ý định của chú từ bao lâu nay! Chú muốn thành lập Nhà Dưỡng Lão của xã mình từ lâu mà không ai ủng hộ cả! Giờ thì chúng ta có thể hợp tác với nhau trong việc này rồi! Chú sẽ lo mọi thủ tục, xin đất, xin tiền làm nhà…Còn công việc chi tiết cụ thể sau đó giao cho năm chị em! Được chưa?”.
Chỉ sau ba tháng, một khu Nhà Dưỡng Lão của xã Bình Minh đã hình thành. Trong khuôn viên 200 mét vuông, ba căn nhà trệt năm gian được bố cục hình chữ U, ở giữa có vườn hoa cây cảnh đẹp như công viên…Khi khu Nhà Dưỡng Lão mới nằm trong “Ý tưởng” thì không ai để ý, còn cho là chuyện hão huyền. Nhưng khi nó đã tồn tại như một vật thể có thể mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì hàng trăm con mắt ngó vào! Và sau một tháng “tranh luận” gay gắt, khu Nhà dưỡng Lão được quyết định chuyển thành “Nhà Văn hóa Xã Bình Minh”. Khi người được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà Văn hóa Xã cầm quyết định của Huyện tới gặp Chú Luyến, Chủ tịch Xã, thì chú ngớ người, đi tìm lũ trẻ - chị em cái Tý. Khi tới nhà cái Tý, thấy nó đang ngồi nói chuyện với bốn ông già – những thành viên đầu tiên xin vào Nhà dưỡng Lão, còn ba đứa Dần, Mão, Thìn thì đang ngủ. Nhìn thấy chú Luyến, cái Tý nói: “Bốn ông già ấy là Bắc Phương, Nam Nhân, Đông Hải và Tây Sơn. Các ông ấy nói chuyện hay lắm!” Chú Luyến ngồi nghe một lúc thì nói với cái Tý: “Để chú đi tìm thằng Sửu về ta bàn chuyện này!”. Vừa đi, chú Luyến vừa nói một mình: “Bốn ông già nói chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Mà cũng thật lạ, ông Bắc Phương lại nói giọng miền Nam, còn ông Nam Nhân lại nói giọng Bắc?”. Chú Luyến đi ra bờ sông thì thấy thằng cu Sửu đang ngồi câu cá, mà bây giờ sao nó không dùng cần câu nữa?”…
Lúc chú Luyến lại gần thằng Sửu, định kêu nó về thì một con cá cực lớn đớp mồi câu của nó rồi lôi tuột nó xuống sông!
Sài Gòn, Tháng Mười 2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét