Truyện ngắn Đ.N.T - Trích: Ba chìm bảy nổi
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích : Ba chìm bảy nổi
www.vanchuongviet.org/index.php%3Fcomp%3Dtacgia%26actio...
Đỗ Ngọc Thạch ... Tổng số tác phẩm: 133. Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng (truyện ngắn). Đại gia và siêu mẫu chân dài (truyện ngắn). Đấu trường 100 ...
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Bà chủ quán và Cô nhà báo tập sự (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Truyện ngắn | |
Ba chìm bảy nổi | |
“Liễu cao kều” là biệt danh mà bọn bạn học gọi Liễu từ khi lên lớp Mười. Lúc ấy, Liễu chỉ cao 1,65 mét, nhưng vì Liễu rất gày cho nên càng nhìn …càng thấy cao! Không có ai trong lớp cao bằng Liễu, thậm chí lớp Liễu lại rất nhiều người lùn, chỉ trên 1,50 mét một chút. Đã lùn mà lại béo mập cho nên lớp Liễu bị các lớp khác gọi là “Lớp Chim cánh cụt”! Lúc ấy, Liễu cũng thấy chiều cao của mình là quá khổ, là xấu và cô luôn thấy mắc cỡ khi phải đứng nói chuyện với ai thấp hơn mình đến một cái đầu!
Liễu là con của hai nhà giáo, một nhà thơ và một nhà văn ở một “tỉnh lẻ” (mẹ Liễu là giáo viên môn văn, làm thơ suốt ngày suốt đêm, còn bố Liễu là giáo viên môn sử, viết tiểu thuyết lịch sử suốt đêm suốt ngày), cho nên việc Liễu vào đại học Sư phạm rồi nối nghiệp cha hoặc mẹ là chuyện không có gì khó khăn. Nhưng sự đời quả là luôn có những biến cố mà người ta không thể lường trước: đó là vào những ngày Liễu chuẩn bị thi đại học thì mẹ Liễu bỗng “mất tích” ba ngày liền. Đến ngày thứ tư, hai bố con Liễu nhận được một cuộn băng video quay rất chi tiết ba ngày mẹ Liễu chung sống rất say mê, rất lãng mạn với một nhà thơ lớn ở Hà Nội trên bãi biển ở tận Vịnh Hạ Long! Trong bức thư gửi kèm theo cuộn băng video, người gửi còn nói rõ, sở dĩ có cuộn băng này là do ông ta thuê thám tử quay để có chứng cứ “đánh” nhà thơ lớn kia, nhưng vì ông ta cũng có biết sơ qua hai vợ chồng nhà văn – nhà thơ tỉnh lẻ nên nhân tiện gửi cho ông chồng sử học biết mình đã bị vợ cắm sừng như thế nào! Và ông ta cũng khuyên là coi cho biết thôi chứ không nên làm to chuyện với vợ vì nhà thơ nữ tỉnh lẻ chỉ là nạn nhân mà thôi!...Song, nhà văn – nhà sử học lại không chịu nổi một “sự thật lịch sử” rất nghiệt ngã của chính mình, cho nên trái tim nhạy cảm của người chồng tội nghiệp đã vỡ thành trăm ngàn mảnh, khiến ông đột tử!
Sau cái chết đột ngột và đầy bi kịch của người cha, Liễu không còn đầu óc nào mà lều chõng đi thi nữa, nhất là người mẹ - nhà thơ, của Liễu cứ về Hà Nội, bám riết lấy nhà thơ lớn kia! Và, trong một đêm trời đầy sao rụng, cô bé Liễu đã nhảy xuống dòng sông Đà quê hương, để mặc cho những con sóng tung bọt muốn đưa đi đâu thì đưa!...
*
Người thấy Liễu trôi dạt trên một bãi cát ven sông ở vùng hạ lưu là một chàng thanh niên Chử Đồng Tử thời nay, tức một người đánh dậm nghèo khổ. Anh chàng đánh dậm đưa Liễu về nhà, một căn lều nhỏ bên bến sông vắng.
Anh chàng đánh dậm sống với người cha, cũng làm nghề đánh dậm, mới hơn năm mươi tuổi. Hai cha con người đánh dậm đã mời được ông thầy lang của làng tới thuốc thang cho Liễu. Vốn đã quen chạy chữa cho những người bị chết đuối ở khúc sông này cho nên chỉ sau một ngày một đêm, Liễu đã hoàn toàn hồi tỉnh. Anh chàng đánh dậm thấy Liễu đã trở lại bình thường mà không hề bị tổn thương gì, mừng lắm, nói với Liễu: “Từ hai ngày trước, Hà Bá đã báo mộng cho tôi rằng tôi sẽ có vợ là một cô gái sẽ bị trôi dạt đến khúc sông này. Vậy bây giờ cô đã tới đây là đúng như sự xếp đặt của thần linh. Vậy ba ngày nữa chúng ta sẽ làm đám cưới!”. Từ lúc tỉnh lại, Liễu nghĩ cái số mình chưa chết, ông Trời không cho mình chết. Thực ra, Liễu đã bơi lội rất giỏi từ khi năm sáu tuổi, cho nên sau khi nhảy xuống sông, Liễu không chìm mà cứ trôi theo dòng nước, cho đến khi Liễu cảm thấy mình nằm trên một bờ cát thì mới kiệt sức ngất đi! Bây giờ tỉnh lại, Liễu thấy mình thật là dại dột, tại sao lại phải tìm đến cái chết chỉ vì những chuyện rắc rối của bố và mẹ? Song, Liễu cũng thấy không thể trở về nhà được nữa: bố thì đã chết, mẹ thì đang mê đắm cái ông nhà thơ nào đó ở Hà Nội, đã chắc gì có nhà? Cho nên, Liễu cũng không biết phải đi đâu, làm gì tiếp theo? Vì thế, khi nghe anh chàng đánh dậm nói là Hà Bá đưa đưa mình tới cho anh ta cưới làm vợ thì Liễu giật mình nghĩ đến những câu chuyện dị thường mà cô vẫn thường đọc thấy trong những chuyện cổ tích, thần thoại từ nhỏ! Những chuyện kỳ dị như thế giờ lại nhằm vào chính mình sao? Mình sẽ làm vợ một anh chàng đánh dậm xa lạ sao? Liễu nhìn kỹ anh chàng đánh dậm, thấy cũng chạc tuổi mình, mặt mũi cũng đầy đủ và nghiêm chỉnh, ngó bộ có vẻ là người chăm làm lụng, lại cũng cao lớn như mình thì thoáng nghĩ, đúng là trời sinh một cặp cao kều, cứ mặc cho số phận xem sao? Liễu liền nói: “Nếu là số Trời thì cứ cưới đi! Nhưng tôi nói trước, nếu tôi thấy chán anh là tôi bỏ đi đó!”. Chàng đánh dậm nghĩ bụng, có vợ là thích rồi, cứ ngỡ là nghèo như ta thì chẳng lấy được vợ, nay Trời có vợ ngày nào thì hay ngày đó, nghĩ nhiều làm gì? Anh chàng đánh dậm liền thề thốt với Liễu hết lời, rằng sẽ chăm sóc, hầu hạ Liễu từ A tới Z, rằng Liễu sẽ không phải làm gì nặng nhọc, vất vả, anh ta sẽ kiếm được thật nhiều tôm cá cho Liễu ăn chán thì thôi!
Ba ngày sau, đám cưới của anh chàng đánh dậm và Liễu được tổ chức rất đông vui, những người đến dự được đánh chén một bữa tôm cá ê hề. Thực ra, đám binh tôm tướng cá của vua Thủy Tề thấy trên bến sông có chuyện lạ, tức xuất hiện một trinh nữ từ trên thượng nguồn trôi dạt về, liền kéo nhau tới xem, liền bị hai cha con người đánh dậm đem lưới ra bắt gần hết! Những tên còn sống sót, chạy về Thủy cung cấp báo với vua Thủy Tề, vua Thủy Tề liên tục điều thêm binh đi tiếp cứu, nhưng có đi mà không có về. Đó là sự giải thích cho hiện tượng vì sao từ khi có cô gái xuất hiện trên bến sông này, tôm cá lại tụ về đây nhiều vô kể! Và nhờ được ăn nhiều tôm cá, chỉ sau một tháng, Liễu từ một cô bé cao gày như cò hương bỗng thay da đổi thịt trở thành một cô gái cân đối, nở nang, da dẻ mịn màng, trắng bóc và toàn thân tỏa ra một mùi hương quyến rũ kỳ lạ! Và ngay cả khuôn mặt của Liễu, khi còn gày gò thì nhìn dài như mặt ngựa nhưng nay thì “khuôn trang đày đặn nét ngài nở nang” khiến cho ai đã nhìn thì cứ muốn nhìn mãi không thôi! Đến tháng thứ ba, tức sau hai tháng làm vợ anh chàng đánh dậm, nhìn Liễu, ai cũng phải trố mắt mà kinh ngạc thốt lên: “Tiên nữ giáng trần!”…
Trong khi anh chàng đánh dậm sướng run lên mỗi khi chạm tay vào Liễu thì những con “Yêu râu xanh” ở cái làng bên sông này bắt đầu chú ý đến từng bộ phận trên cơ thể Liễu và ngay lập tức nảy sinh ý đồ chiếm đoạt. Một trong những con “Yêu râu xanh” đó chính là ông chủ tịch xã, kiêm trưởng làng, vì ông vừa mới từ cái chức trưởng làng lên làm chủ tịch xã mà chưa kịp tìm người kế nhiệm cái chức trưởng làng. Cái Làng bên sông này tuy thưa dân và nghèo khó nhưng đã có một bề dày lịch sử khá dài và lệ làng khá khắc nghiệt. Bên cạnh những lệ làng khắc nghiệt , có một cái lệ làng “bất thành văn” là: chỉ những ai đức cao vọng trọng, có vai vế trong làng, trong xã thì mới được cưới vợ đẹp và khi anh chàng cùng đinh nào đó chót có vợ đẹp thì người đẹp đó phải “trở về với người chủ xứng đáng”, tức phải về làm lẽ, làm thiếp trưởng làng hoặc ai đó do trưởng làng đề cử! Vì thế, sau gần hai tháng Liễu làm vợ anh chàng đánh dậm, những người có vai vế trong làng đã họp với nhau và đi đến quyết định: Liễu phải ly hôn anh chàng đánh dậm mà về nhà trưởng làng kiêm chủ tịch xã làm bà ba!
Khi nghe được tin đó, anh chàng đánh dậm hoảng sợ vô cùng, chạy ngay về nhà bàn với cha và Liễu đi trốn. Nhưng người cha nói ngay: “Chạy trốn không phải là cách vẹn toàn, trốn được ngày hôm nay không trốn được ngày mai! Từ ngàn đời nay, biết bao nhiêu cặp trai gái rủ nhau đi trốn đều không có kết quả tốt đẹp, trước sau rồi cũng bị bắt, nếu không bị bắt thì phải sống chui nhủi nơi đất khách quê người, muôn đời không ngóc đầu lên được!”. Anh chàng đánh dậm nghe vậy thì nhăn nhó: “Vậy cha bảo phải làm sao bây giờ?”. Người cha nói ngay: “Chẳng làm sao hết! Cứ để cái gì đến thì nó sẽ đến. Con không thấy chuyện tự nhiên có vợ rồi tự nhiên mất vợ là chuyện tất nhiên sẽ xảy ra sao? Con đã chấp nhận chuyện trước thì cũng phải chấp nhận chuyện sau. Vả lại, có câu “Vợ đẹp là vợ người ta”, con không biết sao?”. Nghe hai cha con người đánh dậm nói một hồi, Liễu nói: “Cha nói đúng đấy, chúng ta là dân đen thấp cổ bé họng, không có ai bảo bọc thì làm sao mà chống lại được lệ làng phép nước. Cách tốt nhất là cứ ngồi đợi số phận xem Con Tạo nó xoay vần tới đâu?”. Anh chàng đánh dậm như là vẫn không chịu sẽ có một kết cục là mất vợ cho nên hết vò đầu bứt tai lại dậm chân, đấm thùm thụp vào ngực! Đúng lúc đó thì chủ tịch xã và mấy người nữa đi tới, làm thành một hình cánh cung trước căn lều bé nhỏ của cha con người đánh dậm. Người cha thì đứng im bất động trước cửa, người con thì sững sờ rồi ngã quỵ, còn Liễu thì từ từ đi đến bên cạnh chủ tịch xã nói: “Ông hãy đón tôi về từ bãi cát bên bờ sông thì coi như tôi chưa từng là vợ người đánh dậm mà là Trời trao tôi cho ông chứ không phải ông cướp vợ từ tay người đánh dậm!”. Chủ tịch xã nghe vậy thì bùi tai và đồng ý ngay, cho giải tán đám người hộ tống rồi về nhà, mặc bộ quần áo đẹp nhất, nai nịt chỉnh tề rồi đi ra bờ sông.
Khi chủ tịch xã ra tới bãi cát bên bờ sông, nơi Liễu bị trôi dạt tới hơn hai tháng trước, thì đã thấy Liễu đang ngồi mơ màng trên bãi cát, từng đợt gió nhẹ thổi từ mặt sông lên mát rượi, làm những lọn tóc mai của Liễu bay phơ phất, khiến cho hình ảnh của Liễu còn đẹp hơn cả Tiên nữ giáng trần. Nhìn thấy Liễu, ông chủ tịch xã không kìm được lòng ham muốn đang thiêu đốt trong người như lò lửa, ông liền nhào tới muốn ôm chầm lấy Liễu. Nhưng, như đã chuẩn bị trước, Liễu tránh được cú “hổ vồ mồi” của ông chủ tịch xã và nhanh tay vốc một nắm cát ném vào giữ mặt ông ta. Ông chủ tịch xã bị bất ngờ, tối tăm mặt mũi rồi ngã đổ vật xuống bãi cát. Liễu liền vốc một nắm cát nữa nhét vào cái mồm đang ú ớ của ông ta và nói: “Đây là kết cục cho những kẻ lòng lang dạ thú, chỉ muốn đè nén, áp bức người khác! Muốn cướp vợ người đâu có được?”. Bị một vốc cát nữa vào mồm, vào mũi ông chủ tịch xã như là đã bị ngạt thở, nằm lịm đi trên bãi cát!
*
…Liễu cứ vừa đi vừa chạy men theo bờ sông, không nghĩ ngợi, không cảm giác. Được khoảng nửa giờ thì Liễu thấy mệt và bờ sông cũng không còn là những bãi cát mịn nữa mà là những bãi sình lầy, nhưng con còng đang chạy như gió, những con cua bò nghênh ngang, những con cá nhỏ đang cố lách qua những vũng bùn lầy, không biết chúng sẽ tới đâu? Liễu dừng lại bên đám sình lầy và mải mê quan sát đám sinh vật nhỏ bé đang chạy tới chạy lui mà không biết trên mặt sông lúc đó, ngang chỗ Liễu đứng, có một chiếc tàu pha sông-biển đang neo đậu từ bao giờ. Có một người thanh niên cao lớn, từ trên tàu đã nhìn thấy Liễu liền xuống một chiếc xuồng nhỏ, chèo vào bờ. Khi người thanh niên tới sát bên Liễu, Liễu vẫn không hay biết!...
Thì ra người thanh niên cao lớn đó tên Tư Hải, là thuyền trưởng của con tàu pha sông biển đang neo đậu trên khúc sông đó để chờ giao hàng. Con tàu của Tư Hải thường nhận chở hàng đủ loại từ bến cảng ở Hải Phòng đi các tỉnh lân cận, cũng có khi vào cả miền Trung, miền Nam tùy theo yêu cầu của chủ hàng. Tư Hải rất ngạc nhiên khi thấy một cô gái xinh đẹp như người mẫu thời trang lại bơ vơ nơi bến sông hẻo lánh này. Sau khi mời Liễu lên tàu, ngồi uống trà một lúc Liễu mới “hoàn hồn” kể lại đầu đuôi câu chuyện từ khi Liễu bị trôi dạt đến bến sông đó và trở thành vợ người đánh dậm rồi bị ông chủ tịch xã âm mưu chiếm đoạt và đã thoát khỏi ông chủ tịch xã như thế nào! Nghe Liễu kể lể sự tình xong, Tư Hải nói: “Chúng ta quả là có duyên cho nên ông Trời mới cho gặp nhau như thế này. Song, chúng ta có phận hay không thì còn phải chờ xem ông Tơ Bà Nguyệt có buộc sợi chỉ hồng vào tay hai người không đã! Tôi tính thế này, cô cứ ở trên tàu này với tôi một thời gian, nếu chúng ta hợp nhau, nếu cô thích tôi thì chúng ta sẽ bái đường thành thân, kết nghĩa vợ chồng trăm năm. Còn nếu không thì tôi sẽ giúp cô tìm chỗ sinh sống thích hợp, chúng ta sẽ là bạn tốt!”. Nghe Tư Hải nói năng từ tốn, nhã nhặn, khuôn mặt lại rất phúc hậu và đặc biệt khi anh ta cười thì thật là hiền lành, đáng yêu, Liễu muốn trao ngay đời mình cho Tư Hải, song cứ như lời anh ta nói thì chẳng nên vội vàng mà làm gì, hoa muốn nở, quả muốn chín còn phải chờ thời gian huống chi tình cảm con người! Thế là từ ngày hôm đó, Liễu trở thành Bếp trưởng của con tàu pha sông biển…
*
Ở đời, có những lúc chẳng thể làm một việc nào đó theo một trình tự, lớp lang đàng hoàng, mà sự kiện nọ nó cứ thúc đẩy sự kiện kia trở nên gấp gáp hơn, dồn dập hơn. Tư Hải muốn để một thời gian cho Liễu hoàn toàn bình tâm sau những biến cố dữ dội và liên tiếp, rồi sẽ đưa Liễu về quê giới thiệu với gia đình, họ hàng và cưới hỏi đàng hoàng. Tư Hải còn muốn Liễu đi học một khóa Y tá hay dược tá gì đó, để có một cái nghề căn bản, mà nghề Y, Dược thì thời nào cũng cần, ở đâu cũng có giá trị. Con người ta mà không có một nghề nghiệp chuyên môn nào đó thì gọi là loại “vô công rồi nghề”, đó là điều mà ông bố của Tư Hải luôn nói với con cái từ khi còn nhỏ tuổi. Tư Hải nói chuyện đó với Liễu và Liễu cũng đồng ý ngay, bởi dù sao thì cô cũng là con cái nhà có học. Song, đúng lúc chuẩn bị đi học một lớp Y tá thì Liễu mới phát hiện ra mình đã có thai với người chồng đánh dậm, tính kỹ ra thì đã gần ba tháng!
Tư Hải vốn là người nhân từ, đức độ cho nên khi Liễu nói đã có thai với người chồng đánh dậm, Tư Hải nói anh sẽ làm bố đứa con này và sẽ coi như con đẻ, bởi nếu phá thai thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến những lần sinh đẻ sau! Liễu tin là Tư Hải sẽ là người cha tốt của đứa con người đánh dậm này, nhưng cô vẫn thấy không thật yên tâm và thực ra, cô cũng không muốn giữ “giọt máu của người đánh dậm” làm gì!
Đúng lúc Liễu còn đang lưỡng lự, phân vân chưa quyết định dứt khoát chuyện cái thai thì một sự cố bất ngờ đầy kinh hoàng ập đến với Tư Hải và Liễu: Trong một đêm trời đầy sao rụng, Tư Hải và Liễu đang ngồi uống trà trên boong tàu, con tàu đang chở đầy hàng cao cấp thì từ hai bên mạn tàu, có bốn con thuyền nhỏ áp sát và gần chục người bịt mặt, quăng giây nhảy vọt lên tàu. Khi Tư Hải thấy có tiếng động lạ bên mạn tàu, liền chạy ra lan can ngó xuống và kêu to lên “Bọn cướp đường sông!”, thì một cái móc sắt quăng trúng người và anh bị kéo rớt xuống mạn tàu, lập tức bị một thằng cướp chém một nhát trúng đầu!...
*
Tư Hải đã chết ngay trong đợt tấn công đầu tiên của bọn cướp đường sông. Về chuyện tình duyên giữa Tư Hải và Liễu, đúng như câu Kiều: “Ông Tơ gàn quải chi nhau / Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”./.
Sài Gòn, Tháng 5- 2010
| |
Đỗ Ngọc Thạch |
nguồn: vanchuongviet.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét