Lớp đào tạo “Đầu bếp” của Bá Cường tiến hành được hai mươi ngày thì lớp Bổ túc văn hóa của tôi mới “Khai giảng”. Các học viên của lớp Bổ túc văn hóa trình độ không đồng đều (Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch ) - Ngày đăng: 09/12/2009. Lần đọc: 1369 . Cập nhật bởi: DiepAnh
CÔ GÁI VÀ BẢY ANH LÍNH- Đỗ Ngọc Thạch
CÔ GÁI VÀ BẢY ANH LÍNH
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
Tính năng của máy Ra-đa là có thể phát hiện mục tiêu máy bay địch từ xa, ở khoảng cách tới bốn, năm trăm ki-lô-mét. Càng ngày, khoảng cách này càng được nối dài. Vì thế Ra-đa được gọi là “Mắt Thần”, giống như vị Thần có con mắt nhìn xa ngàn dặm trên Thiên Đình gọi là “Thiên Lý Nhãn”. Tuy nhiên, Ra-đa cũng có “Gót chân A-sin”, tức là trong vòng bán kính khoảng mười ki-lô-mét tính từ chỗ đặt máy, mục tiêu lẫn vào “sóng cố định” dày đặc nên không thể nhận ra được. Lợi dụng “Gót chân A-sin” đó của máy Ra-đa, máy bay địch cố gắng bay rất thấp, khi qua những vùng địa hình có núi cao thì luồn lách qua những khe núi (muốn bay như thế, phi công phải là những cao thủ), khi máy bay địch bay như thế, sóng phản xạ có hiện về nhưng lẫn vào đám sóng cố định nên không thể nhận ra!...
Để khắc phục “Gót chân A-sin” của Ra-đa Mắt Thần, những Đài quan sát bằng mắt thường đã được thành lập và bố trí xen kẽ với những Đài Ra-đa Mắt Thần, kịp thời bổ khuyết đường bay của máy bay địch để Sở Chỉ Huy của Lực lượng Phòng Không – Không quân theo dõi mục tiêu được liên tục và có đối sách kịp thời. Những Đài quan sát bằng mắt thường của chúng ta đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của bộ đội Phòng Không – Không quân trong cuộc chiến Chống chiến tranh phá hoại bằng Không quân của Không lực Hoa Kỳ trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng!...
*
Đài Quan sát bằng mắt thường (từ đây gọi tắt là Đài quan sát – ĐQS) được biên chế thành một Tiểu đội, trực thuộc Sở Chỉ huy . ĐQS của Tiểu đội Trưởng Lê Nhãn có biệt danh là Thiên Lý, đóng “Đại bản doanh” trên một ngọn núi, chỉ cao chưa tới một ngàn mét nhưng có cái tên rất hay là Chim Ưng, vì thế, trong liên lạc thì dùng biệt danh Thiên Lý, còn trong ngôn ngữ đời thường thì gọi là Chim Ưng. Tiểu đội Trưởng Nhãn rất thích loài Chim Ưng nên anh đã nuôi được một tổ Chim Ưng trên núi.
Tiểu đội của ĐQS gồm có bảy người, ba người thay nhau trực 24/24 trên Đài Quan sát, hai người lo nhiệm vụ thông tin, liên lạc thông suốt và hai người lo nuôi quân “ăn no đánh thắng”!
Lực lượng “Hỏa đầu quân” trong quân đội chúng ta được gọi là Chiến sĩ nuôi quân, hay gọi tắt bằng cách gọi thân mật là Anh nuôi, để phân biệt với những Chiến sĩ nuôi quân gái là Chị Nuôi. Đi bộ đội, thường là chẳng ai thích làm Anh nuôi và lực lượng này thường được xếp vào bảng danh mục dưới cái tên chung là Hậu cần, để phân biệt với những đội quân xung kích chuyên lãnh ấn Tiên phong mỗi khi đánh trận!…
Hai Anh nuôi của Tiểu đội ĐQS là nhân vật chính của Truyện ngắn này và không hiểu tại sao lại là anh em sinh đôi, được bố mẹ đặt tên cho trái ngược nhau là Thủy và Hỏa, nhưng họ lại chẳng hề xung khắc với nhau như Nước với Lửa – như tên gọi của họ -, mà ngay từ nhỏ, họ đã luôn gắn bó với nhau như hình với bóng! Một điểm đặc biệt nữa của hai Anh nuôi là họ đều “không cao”, chỉ đúng một mét rưỡi! Và đặc điểm “không cao” này không chỉ của hai anh em Thủy và Hỏa mà là của cả Tiểu đội ĐQS! Tuy chưa phải là người lùn “Mét Mốt” – chiều cao chuẩn phổ biến của người Lùn trên toàn thế giới, - nhưng khi nhìn cả bảy người của Tiểu đội ĐQS đứng cạnh nhau thì người ta nghĩ ngay đến câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn”! Nhưng người nói ý nghĩ ấy ra thành lời chính là Tham Mưu Trưởng Trung Đoàn khi đến thăm Đài quan sát của “Bảy Chú Lùn”. Lúc ấy Tham Mưu Trưởng nói: “Phải chi có Nàng Bạch Tuyết đến đây thì chúng ta có được câu chuyện Cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” thời hiện đại!”.
Nghe Tham Mưu trưởng nói vậy, Anh nuôi Thủy ngập ngừng, nói: “Báo cáo Thủ trưởng, nếu chúng em tìm được Nàng Bạch Tuyết thì Thủ trưởng có cho ở trên núi này với chúng em không?”. Tham Mưu Trưởng cười lớn: “Nếu có cô gái nào tình nguyện làm Nàng Bạch Tuyết thì tôi sẽ ký quyết định cả hai tay, biên chế cô ta vào thành viên chính thức với nhiệm vụ Y tá!”. Tức thì Anh nuôi Hỏa nói nhanh: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy, Thủ trưởng nhớ nhé!” Tham Mưu trưởng lại cười lớn, nhưng nhìn kỹ vào hai con mắt thâm quầng của ông, người ta thấy ươn ướt!... “Ở nơi núi cao rừng sâu này thì làm sao có cô gái nào dám mạo hiểm leo núi? Nếu là truyện Liêu Trai thì sẽ là Hồ Ly tinh mà thôi!...” – Tham Mưu Trưởng thoáng nghĩ và cảm thấy ớn lạnh nơi sống lưng!...
*
Vì sao Anh nuôi Hỏa lại nói với Tham Mưu Trưởng như vậy? Bởi vì ngay từ khi mới lên núi làm nhiệm vụ, lúc đi dạo quanh đoạn đường dưới chân núi, Cả Thủy và Hỏa đã gặp cô Sơn Nữ đang đi hái lá thuốc và sau khi làm quen, cô nói sẽ có ngày lên núi thăm Tiểu đội ĐQS. Thủy và Hỏa tưởng là cô Sơn Nữ nói vui miệng nên không nhớ đến câu nói đó, tức không hề có sự chuẩn bị đón khách! Vì thế, chỉ ba ngày sau, hai Anh nuôi đang đi cõng nước (từ lưng chừng núi lên đỉnh núi, gần năm trăm mét) thì bất ngờ gặp cô Sơn Nữ ở đúng nơi có mạch nước!
Nhìn bộ dạng lúng túng của hai anh chàng Cửu Vạn (khi đi cõng nước, nước đựng trong cái can bằng sắt, vốn để đựng xăng, loại 20 lít, rất nặng và phải leo lên từng bậc đá …nên “trang phục” phải gọn gàng như Đô Vật, tức chỉ mặc cái quần đùi), cô Sơn Nữ cười rúc rích một hồi rồi nói: “Hai anh sao không mời em lên núi chơi mà cứ gãi đầu gãi tai hoài như thế?” Thủy nói: “Tại…chúng tôi mắc cỡ quá!...Bây giờ cô đứng đây chờ tôi vác cái can nước này lên núi rồi quay lại đón cô nhé!” Hỏa nói thêm: “Đúng đấy! Để chúng tôi về báo cho mọi người chuẩn bị để đón tiếp cô thật đàng hoàng!”. Cô Sơn Nữ không cười nữa mà nói: “Các anh chỉ vẽ chuyện. Ngọn núi này em vẫn thường lên hái cây thuốc, từ ngày các anh tới thì em chưa lên mà thôi! Hôm nay em muốn lên giới thiệu với các anh vườn thuốc của em ở trên đỉnh núi! Tức như là em về nhà mình, bây giờ là nhà của chúng ta!” Nói rồi cô Sơn Nữ leo lên những bậc đá nhanh thoăn thoắt, khiến cho hai anh nuôi tròn mắt ngạc nhiên!
Cuộc đón tiếp cô Sơn Nữ trên đỉnh núi Chim Ưng được coi như là một sự kiện trọng đại của Đài Quan Sát. Cô Sơn Nữ còn hứa là sẽ rủ rê thêm các cô bạn nữa thường xuyên lên núi chơi, nhân tiện vận chuyển giúp Đài Quan Sát một số lương thực, thực phẩm…từ chân núi lên đỉnh núi.
*
Từ khi có cô Sơn Nữ lên đỉnh núi thăm Đài Quan Sát, hai anh em Thủy và Hỏa bàn với nhau: Cứ tưởng bảy người lính chúng ta như là bị giam lỏng ở đây, sẽ chết già trong cô đơn hoang vu! Ai ngờ có cô Sơn Nữ xinh đẹp như Tiên Nữ giáng trần tới thăm, và sẽ còn cùng với các Nàng Tiên khác tới nữa. Như vậy, chúng ta phải làm cho nơi rừng núi hoang vu này biến thành chốn Bồng lai Tiên cảnh, thì mới gọi là đáp lại thiện cảm của các Nàng Tiên! Thế là ngày ngày, hai anh em Anh nuôi Thủy và Hỏa đi lấy các loại cây giống của các loại cây Đào Hoa, Đào Quả, Mận, Mơ, Mai, và rất nhiều loại hoa đem trồng trên đỉnh núi. Trên đỉnh núi trồng kín rồi thì lan dần xuống các triền núi!...
Công việc trồng cây, trồng hoa của hai anh em Anh nuôi Thủy và Hỏa nó cũng âm thầm, bền bỉ như công việc quan sát bầu trời, phát hiện mục tiêu máy bay của Đài Quan Sát. Ở Sở Chỉ huy, các sĩ quan Tham mưu và đặc biệt là Tham mưu trưởng vẫn ngày ngày đều đặn nhận được những số liệu về đường bay của máy bay địch ở khu vực hoạt động của Đài Quan Sát Thiên Lý. Cũng như vậy, trên đỉnh núi Chim Ưng, những mầm sống của cây Đào, cây Mai, cây Mận…vẫn ngày ngày phát triển. Và đến lúc cả đỉnh núi Chim Ưng đã trở thành một rừng Đào, rừng Mận thì ai cũng chưa dám tin ngay đó là sự thật…
*
Sáu năm sau, Đài Quan Sát được lệnh giải thể. Tính từ lúc nó được thành lập năm 1967 đến lúc có lệnh giải thể là năm 1973, chỉ có duy nhất một lần Tham Mưu trưởng và hai sĩ quan Tham mưu tới thăm sau khi nó được thành lập một tháng. Không phải người ta quên nó vì nó ở nơi heo hút xa xôi mà vì còn rất nhiều công việc khác cấp bách hơn! … Chính vì thế, như là để chuộc lại sự “bỏ rơi” suốt sáu năm qua, đích thân Tham Mưu trưởng – tác giả sáng lập ĐQS –, Lúc này đã là Trung Đoàn Trưởng, đã cầm Quyết định giải thể đến gặp những người lính ở Đài Quan Sát Thiên Lý. Ông đã nghe các chiến sĩ nói qua máy bộ đàm về vườn Đào trên đỉnh núi Chim Ưng, nhưng khi được tận mắt chứng kiến, ông vẫn hết sức kinh ngạc: Đúng là chốn Bồng Lai Tiên cảnh! Và điều ngạc nhiên thứ hai là cả Bảy chiến sĩ của Đài Quan Sát dường như là không hề bị già đi theo thời gian, ngược lại họ còn khỏe mạnh hơn lúc mới lên núi!... Khi nói về nguyện vọng sau khi giải thể, Tiểu Đội trưởng Lê Nhãn nói: “Nếu quân đội cần chúng tôi đi đâu, chúng tôi xin sẵn sàng! Nhưng sau khi kết thúc chiến tranh, chúng tôi xin được phục viên về đây làm nghề trồng Đào Tiên, vì đang có bảy người vợ và mười bốn đứa con đang chờ đợi!” Nói rồi Tiểu đội trưởng Lê Nhãn dẫn Tham Mưu trưởng xuống Làng Chim Ưng ở sườn núi, nơi gần với mạch suối nước: Có bảy ngôi nhà ẩn hiện trong những cây Đào Quả lúc lỉu và những cây Đào Hoa rực rỡ!...
Việc Tham Mưu Trưởng tức Trung Đoàn Trưởng ra quyết định cho cả Bảy chiến sĩ của Đài Quan Sát Thiên Lý được phục viên ngay sau quyết định giải thể chỉ mãi sau ngày 30-4-1975 người ta mới tán đồng, tức là khi ông bị đột tử trong một vụ tai nạn giao thông. Còn khi mới ra quyết định cho cả Bảy chiến sĩ của Đài quan sát phục viên, ai cũng phản đối! Chỉ khi người ta chết đi thì mọi việc làm trước đó mới được nhìn nhận chính xác chăng?
Bây giờ, đến đỉnh núi Chim Ưng (đã được đổi tên thành Vườn Đào Bảy Chú Lùn), ta sẽ thấy ngôi mộ của Tham Mưu Trưởng và Bức Tượng “Tham Mưu Trưởng và Bảy Chú Lùn” rất đẹp!
Sài Gòn, 24,25-2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net :
: |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét