Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

từ PBVH ở Pháp đến...- Đào Duy Hiệp



Từ Phê bình văn học ở Pháp đến...



Thứ ba, ngày 03 tháng chín năm 2013

Từ phê bình văn học ở Pháp đến... - Đ.D. Hiệp

Từ phê bình văn học ở Pháp đến thực tế của ta

Đào Duy Hiệp

Việc nghiên cứu và đào tạo Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mà trong bài viết này tôi muốn đề cập đến hai vấn đề vừa thời sự vừa muôn đời, nhưng chỉ khoanh vào lĩnh vực văn học là: nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học trong nhà trường đại học.
Mặc dù Hội thảo có tên: “Nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam: thành tựu và kinh nghiệm”, nhưng vì mọi thành tựu và kinh nghiệm đều phải có nguồn gốc, nên ở bài này, tôi đi theo hướng tìm những ảnh hưởng từ bên ngoài qua mối giao lưu lịch sử giữa hai nước Pháp – Việt trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học. Bài viết có hai ý chính: phê bình văn học của Pháp và ảnh hưởng của nó đến phê bình văn học của Việt Nam như thế nào.
Trở lại nền nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học của Pháp thế kỉ 19, đương nhiên, nhiều điều giờ đây đã trở nên lạc hậu, cũ kĩ, nhưng vào những năm 30, 40 của thế kỉ trước nó đã in dấu ấn khá sâu đậm lên không khí văn nghệ Việt Nam với nhiều cây bút ở cả lĩnh vực phê bình lẫn sáng tác của ta (tôi sẽ nói ở phần 2 của bài viết). Tôi đi vào hai vấn đề lớn là phê bình và giảng dạy văn học trong nhà trường Đại học của Pháp để qua đó phần nào chúng ta có thể rút ra được một vài ý nghĩa thiết thực.
Phê bình văn học là một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống văn học. Một tác phẩm ra đời, đến tay người đọc, đã tất yếu được phê bình theo nghĩa có khen có chê, ngay cả khi công chúng thưởng thức không tự ý thức. So sánh hay, dở cũng là một kiểu phê bình. Ngay từ thời Phục hưng, nội hàm của thuật ngữ “phê bình”theo nghĩa hiện đại của nó đã xuất hiện với tên tuổi của Joseph Juste Scaliger (1540 – 1609). Sau đó, phê bình văn học trở thành một hoạt động văn hóa gắn với thú vui đàm thoại. Bóng dáng của các cuộc đàm thoại này sẽ còn thấy một cách vui nhộn trong Phê bình trường học làm vợ (1663) của Molière[1]. Phê bình lúc đó chủ yếu nhắm vào những khuyết điểm của tác giả, trong thực tế thì nó chỉ giới hạn ở phê bình về các chi tiết. Cách bình giảng của Voltaire về các vở kịch của Corneille, chẳng hạn. Voltaire quan niệm nhà phê bình lí tưởng phải là một người “có nhiều khoa học và nhiều khiếu thẩm mĩ, không được thành kiến và không được đố kị”- điều quá đúng cả cho hôm nay.
Vào đầu thế kỉ 19, bên cạnh văn học đã xuất hiện hình thức khác của diễn ngôn như một sự thực hành độc lập và riêng biệt, đó là phê bình văn học. Với sự phát triển của báo chí, phê bình văn học thế kỉ 19 ở Pháp đã trở thành một thể loại với việc xuất bản định kì các tạp chí, ấn phẩm. Cho đến cuối thế kỉ, trong các trường đại học đã thành lập các khoa nghiên cứu về lịch sử văn học Pháp. Một phần trong số đó đã được xếp vào dưới cái tên là “phê bình văn học”trong ý nghĩa rộng của thuật ngữ này. Dù từ lâu người ta đã bắt đầu và đã phán định các tác phẩm văn học, nhưng phê bình văn học từ đây mới mang một chức năng tự trị và, trong sự chuyển biến đó, sự phát triển của ý thức về lịch sử đã được tính đến, cũng như sức mạnh của báo chí, rồi sự đổi mới của trường đại học: phê bình lúc đó thường thường là các nhà văn, nhà báo hoặc giáo sư gọi là phê bình nghệ sĩ, phê bình báo chí và phê bình chuyên nghiệp. Vấn đề là từ một sự thực hành phong phú thông qua cái viết phê bình đó, phương pháp phát triển dần lên từ đầu thế kỉ 19 sang đến thế kỉ 20, nên phê bình đã tự cấp trước cho mình một công chúng ngày càng rộng lớn.
Dưới đây là một số tên tuổi lớn về phê bình văn học, trong đó có cả giáo sư đại học kiêm nhà phê bình của Pháp ở thế kỉ 19. Nhắc đến những thành tựu và cả nhược điểm của họ chính là ta nhìn lại hành trình “phủ định”để phát triển của ngànhKHXH&NV Pháp. Và cũng qua đó để ta tránh không lặp lại những gì đã trở thành quá khứ.
Sainte-Beuve[2] (1804 – 1869) cũng đồng thời là nhà báo viết về phê bình văn học. Phương pháp tiểu sử trong phê bình văn học của Sainte-Beuve vẫn được hiểu như mang tính nhân quả (cây nào quả nấy”), từ đó dẫn ông từ nghiên cứu văn học đến nghiên cứu tâm sinh lý học, yếu tố di truyền từ gia đình, dòng họ.
Ngày nay, phương pháp phê bình văn học của Sainte-Beuve đã đi vào quá khứ, không còn được tôn vinh như đương thời. Việc nhìn ra những hạn chế của phương pháp này không phải đến bây giờ thế giới mới đề cập đến. Ngay từ đầu thế kỉ 20, Marcel Proust trong Chống Sainte-Beuve đã phê bình một cách thẳng thắn “phương pháp tiểu sử”này. Proust viết: “một quyển sách là một sản phẩm của một cái tôikhác với cái tôi mà chúng ta thể hiện ra trong các thói quen của chúng ta, trong xã hội, trong những thói tật của chúng ta.”[3]. Nhận định đó của Proust có nghĩa là, sản phẩm tinh thần, mà ở đây là tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, là một diễn ngôn của một cái “tôi”khác với cái “tôi”của chính con người tác giả – điều mà Sainte-Beuve lại cho là một, không thể tách rời. Thậm chí sau này Roland Barthes đã đề cập đến “cái chết của tác giả”trong tác phẩm văn học. Ở đó, mọi chủ thể phát ngôn đều hòa lẫn giọng vào nhau, rất khó phân biệt, chúng mất hút trong văn bản đó, nhất là chủ thể của con người cầm bút viết. Có thể coi nhận định của Proust đã là một trong những tiền đề cho phê bình của Pháp và phương Tây thế kỉ 20 trong mối quan hệtác giả – tác phẩm – người đọc. Chỉ gần nửa thế kỉ sau đó, nghĩa là vào những năm 60, 70 của thế kỉ 20, Pháp là một trong những quốc gia mạnh về lí thuyết nghiên cứu văn học.
Ở Việt Nam, các nhà phê bình của ta đều có ít nhiều ảnh hưởng của phương pháp này, tôi sẽ nói bên dưới. Ngay cả giờ đây, hạn chế của phương pháp phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve mà hơn một thế kỉ nay các nhà văn và các nhà phê bình phương Tây đã chỉ ra và đã không còn sử dụng nữa, thì ở ta, đây đó, phảng phất vẫn còn những bài viết hoặc bài giảng theo hơi hướng “tiểu sử”để hiểu tác phẩm. Phương pháp này không giúp cho người học hiểu thêm được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Hippolyte Taine[4](1828 – 1893), là nhà triết học, sử học, nhà phê bình văn học,giáo sư dạy về thẩm mĩ học. Công trình Nhập môn nghiên cứu về Lịch sử thực nghiệmlà một tuyên ngôn xét tới lịch sử khoa học. Đối với ông, lịch sử thuộc về phạm vi của thực nghiệm cũng như là tâm lí học. Người ta phải áp dụng cho nó cùng những phương pháp như đối với khoa học tự nhiên. Những biến cố trong lịch sử sẽ được xác định bởi các luật lệ tương đương với các luật lệ của thế giới tự nhiên. Mỗi sự kiện lịch sử sẽ phụ thuộc vào ba điều kiện: môi trường (địa lí, khí hậu); chủng loài (trạng thái thể chất của con người: cơ thể và vị trí của anh ta trong sự phát triển sinh học); thời điểm (trạng thái sớm phát triển trí tuệ của con người). Có thể đưa vào vị trí đó một phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu chúng, như đối với y học (xem Claude Bernard). Không chỉ có sự nghiên cứu về các triệu chứng, mà còn là một công việc của phòng thí nghiệm với những kinh nghiệm về vật lí học và hóa học về các loài vật đang sống để hiểu tốt hơn về con người và những bệnh tật của họ và để thử nghiệm các phản ứng của các cơ quan trong cơ thể đối với các chất khác nhau thuộc về hóa học.
Mặc dù những suy nghĩ về lịch sử, địa lí là mối quan tâm lớn của ông, nhưng ông vẫn chú ý đến văn học, nghệ thuật và ứng dụng những “thực nghiệm”của mình vào lĩnh vực phê bình văn học. Tiểu luận về Ngụ ngôn của La Fontaine (1853), là luận án tiến sĩ của ông được ông chỉnh sửa và đem in. Ngay những dòng đầu tiên của Lời nói đầu – tái bản thứ 4 (1861), ông đã nêu bật lên định hướng mang tính chất hệ thống của công trình của mình:
“Ta có thể quan niệm con người giống như một con vật thuộc chủng loài siêu đẳng sản sinh ra triết học và thơ ca cũng gần giống như những con tằm kéo kén và những con ong xây tổ của chúng. Hãy tưởng tượng rằng trước các bài thơ ngụ ngôn của la Fontaine các bạn đang đứng trước một trong những cái tổ đó. Người ta có thể sẽ nói với bạn một cách văn vẻ rằng: Bạn có thấy khâm phục sự khéo léo biết bao của những con ong này không. Người ta lại cũng có thể nói với bạn bằng giọng đạo đức: Bạn hãy sử dụng cho có lợi tấm gương về sự cần mẫn biết bao của những con côn trùng này. Cuối cùng, người ta sẽ nói với bạn với tư cách nhà tự nhiên học: chúng ta sẽ phẫu tích một con ong, xem xét đôi cánh của nó, hàm trên của nó; cái nơi chứa mật của nó, toàn bộ kết cấu của các cơ quan nội tạng của nó, rồi ghi nhận xem nó thuộc lớp nào.”[5](.
Bằng cách quan sát cách làm việc, phân tích các cơ quan nội tạng của con ong, trên cơ sở các dữ liệu đã cho: một khu vườn, bầy ong, cái tổ đã xây, qua một vài thao tác trung gian, Taine đi đến kết luận:
“Bạn sẽ rút ra được từ đó, khiến bạn cảm thấy khá hài lòng, những kết luận không chỉ riêng đối với loài ong và các cái tổ của chúng, mà về mọi loài côn trùng, và có thể về toàn bộ các loài vật”[6].
Như vậy, ta đã phần nào hiểu phương pháp làm việc của Taine: ông đã gắn La Fontaine với môi trường (khu vườn) của nhà thơ; rồi phân tích tính chất và văn hóa ở đó và tách riêng cái năng lực vượt trội là năng lực thơ ra: từ đó ông rút ra được toàn bộ các tính chất của các bài ngụ ngôn. Theo ông, La Fontaine đã thực hành năng lực thơ ca trong bức tranh của xã hội Pháp và của thiên nhiên và trong việc sử dụng huyền thoại: chọn lựa các chi tiết, sáng tạo ra các cách biểu hiện. Cuối cùng, Taine đã nghiên cứu mối quan hệ, đối lập ngụ ngôn bằng thơ ca với ngụ ngôn nguyên thủy và ngụ ngôn triết lí. Đề tài về văn học này, thực tế lại là đề tài về triết học: mục đích của nó chắc chắn là tìm hiểu về La Fontaine và các ngụ ngôn của ông, nhưng lại phân tích chủ yếu về năng lực thơ ca, qua sự khảo sát một trường hợp nổi tiếng.
(Chút ít liên hệ: Trong Sách giáo khoa lớp 9[7] của ta, ở Bài 21, trang 37, có dạy bài thơ ngụ ngôn Chó sói và cừu của La Fontaine do Tú Mỡ dịch và trích đoạn phân tích rất tinh tế của H.Taine về cái nhìn của nhà vạn vật học, bá tước de Buffon (1707-1788) và của nhà thơ La Fontaine về hai con vật trong bài thơ. “Nếu nhà bác học chỉ thấy con sói ấy là một con vật có hại, thì nhà thơ, với đầu óc phóng khoáng hơn, lại phát hiện ra những khía cạnh khác. Nhà thơ sẽ thấy con chó sói độc ác mà cũng khổ sở, tuy trộm cướp đấy nhưng thường bị mắc mưu nhiều hơn. Nhà thơ hiểu rằng những tật xấu của chó sói là do nó vụng về, vì chẳng có tài trí gì, nên nó luôn đói meo, và vì đói nên nó hóa rồ. Ông để Buy-phông dựng một vở bi kịch về sự độc ác, còn ông dựng một vở hài kịch về sự ngu ngốc”[8]
Những năm gần đây chúng ta ai cũng đã từng đọc, nghe thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về giáo dục, nhất là về môn Văn, ở cả nhà trường phổ thông lẫn đại học. Sai đúng ra sao ta chưa bàn đến ở đây mà chỉ cần quan sát phạm vi tranh luận rộng lớn đã thấy được tầm quan trọng của vấn đề. Các nhà giáo dục, nhà văn, nhà báo, những người biên soạn sách,… đều đã lên tiếng về những bất cập trong việc giảng dạy môn này.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) có bài bàn về cách dạy và học văn ở Mĩ đăng trên trang 9 và trang 33, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 3 năm 2008 rất đáng chú ý. Mặc dù bài viết chủ yếu bàn về dạy và học văn ở cấp phổ thông, nhưng không phải không có những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Ví dụ việc dạy và học văn ở Mĩ khá thoáng, nếu ta chưa áp dụng được hoàn toàn thì cũng nên thay đổi cách dạy để cho học sinh, sinh viên đỡ buồn ngủ trong giờ văn là điều rất nên lưu ý. Việc học sinh tự đọc tác phẩm cũng là một cách dạy tích cực như Lanson đề ra và qua đó có cách kiểm tra được người học có đọc hay không.
Trong một bài viết ngắn “Dạy văn, học văn…”[9] của TS. Nguyễn Duy Bình, tôi thấy cũng có một số ý kiến đáng chia sẻ, ví như: môn văn không nên bắt học thuộc lòng; ta chưa chú ý đến: “tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong việc học tiếng Việt, đặc biệt là các ngoại ngữ như tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, vốn là những ngôn ngữ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của tiếng Việt”. Và để nhấn mạnh rằng nếu không chú ý đến dạy và học văn cẩn thận, có phương pháp thì tâm hồn con người sẽ trở nên khô héo, TS. Nguyễn Duy Bình đã đi đến kết luận bằng một câu đầy hình ảnh xúc động: “Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ thu mình trong góc, và ca dao sẽ bật khóc mà thôi”…).
Ferdinand Vincent-de-Paul Marie Brunetière[10] (1849 – 1906) là giáo sư và Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Brunetière về cơ bản là một người hâm mộ tính chất duy lí của chủ nghĩa cổ điển thế kỉ 17, điều đó đã dẫn ông tới chỗ đôi khi đối lập với các trường phái văn học của thời đại mình. Là có một trí tuệ sắc sảo và một lối biện luận hùng hồn cùng với những dẫn chứng phong phú, khá lôi cuốn, Brunetière có nhiều châm ngôn lạ, thú vị: “Ngôn ngữ là một nhà hát mà các từ là diễn viên”- (“La langue est un théâtre dont les mots sont les acteurs”) hoặc “Nếu rốt cuộc người ta đã có thể nói rằng chủ nghĩa lãng mạn là cái ngược lại với chủ nghĩa cổ điển, thì lí do quan trọng ở đây là chủ nghĩa cổ điển đã biến từ sự phi ngã của tác phẩm nghệ thuật thành một trong những điều kiện về sự hoàn hảo của nó”- (“Et si l’on a pu dire enfin que le romantisme avait pris en tout le contre-pied du classicisme, la grande raison en est que le classicisme avait fait de l’impersonnalité de l’oeuvre d’art l’une des conditions de sa perfection”).
Trong Tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa Brunetière đã chống lại lối viết và cách lí giải của Zola về con người và xã hộiÔng bảo vệ lí thuyết về sự phát triển của các thể loại văn học, “tựa như trong ngành thực vật học hay động vật học, nhiều biến chủng được quy lại thành một dạng tiêu biểu – loài”, được lấy cảm hứng từ thuyết tiến hóa của Darwin. Quan niệm về phê bình văn học của ông có những ý kiến đáng lưu ý mà chúng tôi cho rằng nó vẫn là cần thiết và quan trọng: “phê bình cần phải thiết lập được những mối liên hệ giữa một tác phẩm riêng biệt với lịch sử chung của nền văn học, với các quy luật vốn có của thể loại tác phẩm, với hoàn cảnh mà nó xuất hiện và cuối cùng là với tác giả của nó. Đó chính là công việc được gọi là giải thích”. Brunetière muốn nhấn mạnh đến việc xem xét tác phẩm từ góc độ lịch sử của thể loại để thấy được sự khác biệt và độc đáo của nó. (Ví dụ, ở Việt Nam, xétTruyện Kiều trong truyền thống thơ Nôm; Nỗi buồn chiến tranh trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh,…). Ông dè dặt hơn Sainte-Beuve trong việc đi tìm tiểu sử của nhà văn: “Tác phẩm của nhà văn đúng hơn không phải là dấu hiệu, là bằng chứng hay là hình ảnh đáng tin cậy cho thấy nhà văn thực tế là người như thế nào, mà văn học hay nghệ thuật là “sự phản ánh xã hội đương thời”, còn phong cách – đó mới chính là con người”. Như vậy, tiểu sử của nhà văn, theo Brunetière, chỉ để giải thích nội dung tác phẩm – cái đã có sẵn trong thực tại đời sống, là “sự phản ánh xã hội đương thời”, còn nghệ thuật mới là cái của chính con người tài năng của nhà văn.
Phê bình văn học, với ông, còn là môi trường. “Chúng ta suy nghĩ cùng với thời đại của mình và thời đại cùng viết với chúng ta”. Nhưng không dừng ở đó, ông còn nhấn mạnh đến mối liên hệ “liên văn bản”với các tác phẩm trước so với tác phẩm đang được xem xét bởi “gánh nặng kí ức”của người đi trước để lại. Ở đây có sự ganh đua, có nghĩa là tìm ra sự phát triển của “loài”qua sự ganh đua đó. Ông hi vọng phê bình văn học cũng được phân loại như khoa học phân loại các loài trong tự nhiên. Nhờ lịch sử và khoa học, tác phẩm văn học thể hiện không phụ thuộc vào tâm trạng, cá tính của nhà phê bình nữa và cũng không bị biến mất cùng với anh ta. “Chức năng của phê bình là tác động tới quan điểm xã hội, tới chính các tác giả và khuynh hướng phát triển chung của văn học và nghệ thuật”.
Mới điểm qua ba nhà phê bình văn học sinh từ đầu đến giữa thế kỉ 19, ta đã thấy được con đường phát triển khoa học dần lên của họ: nếu Sainte-Beuve là “tiểu sử”; Hippolyte Taine là “thực nghiệm”; thì Brunetière khoa học “tiến hóa”hơn và đã tiên báo, tuy còn sơ khai tính “liên văn bản”cho phê bình văn học ở thế kỉ sau. Nhưng phải đợi đến Gustave Lanson, người sinh ở nửa sau thế kỉ 19, phê bình và giảng dạy văn học Pháp mới có những bước đột phá lớn.
Gustave Lanson[11] (1854-1934) chính là người đặt nền móng cho phê bình văn học hiện đại của Pháp trong việc xác định một phương pháp và thiết lập nên những công cụ trong Giáo trình thư mục học về văn học Pháp hiện đại từ 1500 đến ngày nay,1909-1921 và việc giảng dạy văn học một cách khoa học. Lanson khẳng định rằng văn học không phải là đối tượng để hiểu biết: nó là sự rèn luyện thẩm mĩ, khoái cảm, nhưng những nghiên cứu ở trường đại học Pháp trong thời gian dài đều hướng tới lịch sử văn học và chúng vẫn được sắp xếp vào đề mục là phê bình văn học[12]. Ở đây ta nên dừng lại một chút về ý: “văn học không phải là đối tượng để hiểu biết”có lẽ Lanson muốn hướng tới việc rèn luyện hiểu biết về nghệ thuật hơn là về nội dung – cái điều nằm trong văn bản, còn nội dung thì người đọc, người học có thể tự nắm được. Bởi vậy, ngay sau đó, ông đã đối lập giữa “lịch sử văn học”với “phê bình văn học”: phê bình văn học chính là cách giáo dục thẩm mĩ cho người học.
Gustave Lanson là người cổ vũ cho một sự tiếp cận khách quan và lịch sử đối với văn học, là một gương mặt tiêu biểu cho sự canh tân hệ thống giảng dạy văn học ở bậc trung học và đại học của Pháp kéo dài đến tận giữa thế kỉ 20. Ông là một trong những người khởi xướng phương pháp phê bình xã hội học (sociocritique) và gắn bó đặc biệt với việc giải thích văn bản (explication de texte), xây dựng cách đọc chi tiết và tỉ mỉ các trích đoạn. Đây là một phương pháp tiếp cận văn bản nghệ thuậtmột cách khoa học nhất và có ảnh hưởng đến các trào lưu phê bình sau này. (Lanson có ảnh hưởng lớn tới các nhà phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20 mà tôi sẽ đề cập ở dưới). Tác phẩm Lịch sử văn học Pháp (1894) của ông có uy tín lớn trong một thời gian dài. Trong lĩnh vực giảng dạy, Lanson đã có nhiều cải cách. Ông đứng về phía những người đổi mới, ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của một nền văn hóa hiện đại. Lanson cùng với những người đổi mới của thời đại đã phê bình cách giáo dục cổ điển trong nhà trường trung học là còn xa lạ với thực tế đời sống (tu từ học và ngôn ngữ cổ là những môn học không còn thích hợp đối với nước Pháp vào đầu thế kỉ 20 được nữa). “Chúng ta, những giáo sư, chúng ta cần phải làm việc để tạo ra những con người của thời hiện tại, tạo ra cả những con người của ngày mai nữa, và là những con người tuyệt vời… Chúng ta không thể không làm cho họ nhận ra các ý tưởng trực tiếp và sống động về xã hội đương đại, mà chúng ta đang sống, mà họ sẽ sống, trong khi chờ họ phá hủy chúng đi, chúng ta biến đổi họ”[13]. Lanson quan niệm rằng một nền giáo dục hiện đại cần phải khoa học, ưu tiên việc tiếp cận khoa học, các phương pháp khoa học khác nhau, trong đó có văn học.
Đối với ông, mục đích được định cho các giáo sư dạy văn học là bộ ba gồm: trí tuệ, đạo đức và tính công dân. “Chúng ta cần chuẩn bị cho thanh niên hiểu được những vấn đề về đạo đức và về xã hội mà họ sẽ cần phải giải quyết, cần phải chuẩn bị để giải quyết chúng với sự chính xác, chân thật, không vụ lợi, công bằng”[14]. Tính mục đích về giảng dạy văn học, đối với ông, trước hết là phải chú ý đến sự cấu tạo của văn học. Nói một cách khác là nghiên cứu nghệ thuật tạo nên tác phẩm văn học. “Chỉ duy nhất có một điều, trong thực tế, đã biến mất hoặc cần phải biến mất: đó là giáo trình giáo điều và tiếp theo là văn học với sự xa hoa của các chi tiết gây tò mò và của những công thức trừu tượng của nó”[15]. Những giáo trình kiểu này chỉ khiến học trò học vẹt. Các sách giáo khoa có quá nhiều lời chú giải các tác phẩm. Các khái niệm đã được học bằng con đường tắt. Đó là cái kết quả đã xong xuôi mà không phải các phương tiện để dạy học trò tiến đến kết quả đó. Lanson lên án việc “dạy các kết quả”và khẳng định: “Nghiên cứu các nền văn học sẽ phải được thực hiện qua các văn bản”[16]. Ông viết: “Việc luyện tập giải thích có mục đích và, khi được tiến hành tốt, có hiệu quả là tạo ra ở sinh viên một thói quen đọc chăm chú và diễn giải trung thành các văn bản văn chương”.[17]
Điều này đúng cho đến tận ngày nay. Sách giáo khoa của ta hiện nay trước mỗi bài đều có mục “Văn bản”để học sinh đọc-hiểu.
Ảnh hưởng của ông bị xuống dần trước sự xuất hiện của Phê bình Mới (New Criticism) của Anh-Mĩ, sau đó Phê bình Mới (Nouvelle Critique) của Pháp được dẫn dắt bởi Roland Barthes. Vấn đề giải thích văn bản hay đọc kĩ văn bản của ông cũng rất gần với các trường phái phê bình văn học hiện đại sau này như: Trường phái phê bình Hình thức Nga; Chủ nghĩa cấu trúc; Phê bình xã hội học; v.v. mà ở nửa sau thế kỉ 20 ở phương Tây đã có những thành tựu to lớn.
Từ nửa sau thế kỉ 20 trở lại đây, phê bình văn học ở Pháp đã có những chuyên gia mang tầm cỡ thế giới : G.Genette, J-Y.Tadié, J.Kristeva, P.Ricoeur, R.Barthes,…
Bài học chúng ta rút ra qua các nhà phê bình văn học Pháp trong quá khứ này là gì?
- Đó là những nhà khoa học say mê làm việc, sáng tạo và phát kiến không ngừng. Trong thế kỉ của mình, họ đã đưa đến cho phê bình văn học một không khí thực sự học thuật.
- Từ những phát kiến họ đề ra những lí thuyết thực hành cho nghiên cứu phê bình và cho giảng dạy văn học. Mà như ta đã biết, lí thuyết công cụ rất cần thiết cho cả nhà nghiên cứu lẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.
- Chỉ trong một thế kỉ, và chỉ qua một vài nhà phê bình đồng thời có người cũng giảng dạy đại học, ta đã thấy những “phủ định”kế tiếp nhau của họ về khoa học để đi đến những tiến bộ. Thành quả của họ đã được các thế hệ sau tiếp nối và phát triển bên cạnh sự loại bỏ những phương pháp đã cũ.
Như ta đã biết, ảnh hưởng của văn hóa Pháp đối với Việt Nam những năm đầu thế kỉ 20 là khá sâu đậm trong các lĩnh vực phê bình, nghiên cứu, giảng dạy và cả sáng tác văn học. Phần 2 của bài viết này tôi đi vào chứng minh và phân tích những vấn đề đó, tuy chỉ dám coi đó là một bức phác họa rất tóm lược.
2. Phê bình văn học ở Việt Nam thế kỉ 20
Dương Quảng Hàm quan niệm về “thể văn phê bình”trong Việt Nam văn học sử yếunhư sau: “Thể văn phê bình là một thể văn ta mới mượn của Pháp văn. Không phải xưa kia các cụ không hề phê bình, nhưng các lời phán đoán khen chê của các cụ chỉ xen vào trong một bài văn hoặc một cuốn sách chứ chưa hề biệt lập thành một văn thể riêng. Mãi đến gần đây, các văn gia mới phỏng theo thể phê bình của người Pháp mà viết tác phẩm thuộc thể ấy”.[18]
Thanh Lãng quy thành 3 loại phê bình: Hình thức những bài tranh luận về lập trường; Hình thức những bài vịnh tán thưởng nguyên văn và Lối thẩm định cách trực tiếp[19]qua các cuộc tranh luận giữa các nhà phê bình. Ông coi Huỳnh Tịnh Của (1834-1897) và Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là những người đầu tiên phê bình văn học theo lối Tây phương đã “áp dụng phương pháp phê phán các tài liệu, đối chiếu các văn bản vào công việc sưu tập các văn kiện cổ như Kiều, Lục Vân Tiên”. Có lẽ ngày nay ta gọi đó là phương pháp so sánh văn bản. Báo chí phát triển trong giai đoạn này cũng giúp cho văn phong phê bình sắc bén hơn. (“Vụ án”Truyện Kiều giữa các tên tuổi: Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Trần Trọng Kim đứng về phe bênh vựcPhạm Quỳnh; còn Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng phê phán Phạm Quỳnh quá đề cao Kiều và lần đầu tiên Kiều đã bị cụ Huỳnh gọi là “con đĩ”[20] là một ví dụ).
Tác phẩm Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ của Lê Thước được ông Ưng Quả coi là: “Quyển sách phê bình về văn học ra đời trước nhất…”để so sánh với lối phê bình của các nhà nho thủa trước “khen câu thơ này, bẻ câu thơ kia, cắt nghĩa qua một ít điển tích vậy thôi[21] Ưng Quả thấy Lê Thước đã “biết lợi dụng cuộc đời của nhà văn để biện minh cho tác phẩm”, nghĩa là ông đã bước đầu đặt chân lên địa hạt phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve. Giai đoạn (1932-1945) phê bình lớn mạnh về số lượng (lên đến hàng trăm người) chia làm các “chiến tuyến”cựu học, tân học, thủ cựu, cấp tiến, duy vật, duy tâm… tranh luận nhau dữ dội trên các báo lúc bấy giờ.
Phan Khôi (1887-1959) là một tên tuổi nổi đình nổi đám trong báo giới khi đó. Chính ông đã châm ngòi cho “Vụ án”Kiều bùng nổ trở lại. Có thể nói Phan Khôi sinh ra để làm báo. Nội trong hai năm 1929, 1930 mỗi năm ông viết đến 7, 8 trăm trang chữ nhỏ.[22] Chỉ cần lướt qua mấy cái tên bài báo cũng đủ cho thấy một trí óc mau lẹ, tinh quái, hóm hỉnh: Khổng giáo cùng Âu hoá gặp nhau, An Nam là chồng tinh thầncủa nước Pháp, Ối chào chà là Hán học, Cái xứ dở dang, Luận về phụ nữ tự sát, Đàn bà không nên đọc, Tú tài chó, Đường sanh nhai của hưu quan, Lạy ông đừng ngôn tự, Theo ông nào rồi cũng chết, Thế nào mới là dốt?, Nước nào nhiều thầy chùa nhứt?, Lập hội lõa thể, Con chó giống ông trời… Phan Khôi chủ yếu viết về những vấn đề thời sự mọi mặt của đời sống. Ngoài ra, ông còn nói chuyện thơ. Lí giải vì sao thi ca xưa nay chủ yếu do người đàn ông làm ra, nhưng lại thường mang hình ảnh, tình tự của đàn bà, ông viết: “Một là vì cái đẹp là cái cốt của văn học và đàn bà là biểu hiện cho sự đẹp, cho nên trong văn học hay tả về đàn bà cũng như trong mỹ thuật hay đắp hoặc vẽ hình mỹ nhân. Hai là vì văn học trọng đường tình cảm mà nói chuyện đàn bà thì khiến người ta dễ cảm. Cho nên hay nói chuyện đàn bà nhiều hơn”.[23] Lí giải này của ông mặc dù nặng về cảm tính nhưng không phải không có lí.
Thiếu Sơn (1908 – 1978), với cuốn Phê bình và Cảo luận in năm 1933 và tái bản trong tuyển tập năm 2000 có tên là Nghệ thuật & Nhân sinh. Ngay trong lời Tựa, Thiếu Sơn đã làm “lịch sử vấn đề”về “thể văn phê bình”ở nước ta, nhưng thấy vẫn “không thành hẳn một sự nghiệp”như các ông Émile Faguet hay Jules Lemaître.[24] Sau đó ông định nghĩa về nhà phê bình, có chua tiếng Pháp ngay bên cạnh: “Nhà phê bình là kẻ đọc giùm người khác, Le critique est celui qui lit pour les autres”và có trích dẫn Jules Lemaître: “Sự phê bình văn học có thể là một việc thú vị vô cùng, và có thể có giá trị ngang, hoặc hơn, những tác phẩm bị phê bình nữa”. Ông xác định rõ Cảo luậnlà dịch từ chữ Essais của Pháp và phân biệt sự khác nhau giữa phê bình và cảo luận. Sách của ông có tên Phê bình và Cảo luận từ sự định danh ý nghĩa của từ ngữ như vậy. Ta thấy ảnh hưởng rất rõ từ phê bình Pháp của Thiếu Sơn qua việc trích dẫn các nhà phê bình cùng với việc đặt tên sách. Trong bài Nói chuyện tiểu thuyết,Thiếu Sơn phân biệt ba loại: “tả thực”khác với “cổ điển”và “lãng mạn”rồi trích dẫn Crébillon fils mấy câu bàn về nội dung cần thiết của tiểu thuyết. Nhìn chung, phê bình của Thiếu Sơn vẫn chỉ dừng lại ở những nhận xét về nội dung văn chương trong khi so sánh, dẫn chứng khá nhiều các nhà văn Pháp (Rousseau, Bernadin de Saint Pierre, Hugo…). Trong bài Nhà phê bình văn học có tính lí luận, định hướng cho phê bình văn học, ông có dẫn Henry Bidou, Vương Thánh Thán và tóm tắt lại ý củaSte Bewve (nếu đúng thì phải viết là Sainte-Beuve) về hình thức và nội dung của văn phê bình.[25] Ông quan niệm nhà phê bình văn học phải: “biết giới thiệu với quần chúng những cái tinh hoa của dân tộc và biết giới thiệu với nước ngoài những cái đặc sắc của giống nòi”. Những quan niệm về phê bình và nhà phê bình của Thiếu Sơn có thể nói là đúng đắn và trong những bài viết của ông dấu vết về phê bình và văn học Pháp khá rõ. Thanh Lãng xếp Thiếu Sơn vào “Phê bình giáo điều cổ điển”có lẽ ở một trong ba “công tác”(chữ dùng của Thanh Lãng) là: “Dựa vào lí thuyết nghệ thuật cổ điển Đông phương nhất là Tây phương để nghiên cứu, phê bình, đánh giá các tác phẩm văn chương”.[26] Ngày nay, nếu nói về tính “chuyên nghiệp”của phê bình dựa trên sự ra đời của công trình thì Lê Thước xuất hiện trước Thiếu Sơn; còn tính “hiện đại”thì Thiếu Sơn hơn một chút.
Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa) với Kinh Thi Việt Nam[27], được viết xong, theo lời đề cuối sách, là: “Tháng Tám năm 1940”. Ngay trong lời mở đầu, ông đã dẫn P.Lafargue một đoạn ngắn về nguồn gốc, xuất xứ của ca dao. Sau đó, ở chương X, nói về “Đời sống bản năng”trong nội dung của ca dao, ông đã dẫn Freud: “Gần đây, nhà bác học Freud có xướng ra một cái thuyết rất táo bạo…”(tr.141) để nói về bản năng tính dục của con người. Còn lại, chủ yếu Nguyễn Bách Khoa liên hệ với “phong dao”Tàu về lai lịch và sự phát triển của nó. Nhiều nhận định trong cuốn sách khá thuyết phục như mối quan hệ giữa lịch sử với ca dao; về “tâm lí công cộng”- cái có lẽ được diễn đạt hiện đại là vô thức tập thể. Dấu vết của phê bình văn học phương Tây có chứng lí và được viện dẫn cụ thể, tuy không nhiều, nhưng vẫn cho thấy một cách làm khoa học của nhà nghiên cứu này.
Hoài Thanh (1909-1982) vẫn được nhiều người nhắc tới bấy lâu nay như một nhà phê bình “ấn tượng chủ nghĩa”, nhưng Trịnh Bá Đĩnh trong bài Các hình thái tư duy phê bình văn học đầu thế kỉ XX[28]; sau đó, Trần Đình Sử trong bài Hoài Thanh trước 1945 - từ nhà lí luận đến nhà phê bình văn học(,[29] đã thấy cách gọi đó chưa thỏa đáng. Phân biệt như Trần Đình Sử về hai loại văn phê bình của Hoài Thanh là tiểu luận và phê bình, tôi nghĩ là đúngSau đó, ông nhấn mạnh: “Thể loại phê bình thứ hai của Hoài Thanh cần được định danh chính xác là “bình thơ”, bởi ông quan niệm sự “phê”là không có mấy ý nghĩa. Phải nói rằng đó là một quan niệm lí thú”.
Vũ Ngọc Phan (1904 – 1987) không hẹn mà nên, cùng trong năm 1942 cả hai cuốnThi nhân Việt Nam và Nhà văn hiện đại đều ra mắt bạn đọc: một thuần về thơ, một chủ yếu về văn xuôi. Ngay trong Lời nói đầu, Vũ Ngọc Phan đã rất hiện đại (theo nghĩa lối hành văn gần với chúng ta ngày nay): trong thời buổi mà người ta tự xưng là “bỉ nhân”, gọi thanh niên là “công tử”hay “thiếu niên”, gọi các nhà thơ, nhà văn là “tiên sinh”, là “người”cảm động, rưng rưng thành kính, ông gọi bằng tên không: “Theo ý tôi, đó là một sự tôn trọng đệ nhất; vì viết về các nhà văn, tôi muốn đối với thiên thu mà viết, tôi hi vọng tên các ông sẽ tồn tại với văn phẩm của các ông”.[30] Văn của ông từ tốn, điềm đạm, khô khan chứ không bay bổng, réo rắt, thiết tha. Ví dụ khi nhận xét về văn Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc Phan trích ra một câu dài về các thứ “tình”mà Phạm Quỳnh kê ra, rồi nhận xét: “Thật là một câu dài dằng dặc chẳng khác nào những câu của Marcel Proust, nhưng lại khác Marcel Proust là không hết ý, ở đoạn trên, dù ông đã kể bấy nhiêu thứ tình mà vẫn còn nhiều thứ tình nữa; và đoạn dưới, dù ông đã kể ra mấy muôn mục đích của tình dục, nhưng vẫn còn nhiều mục đích nữa của thứ tình này”(tr.82). Khi viết về Nguyễn Tuân, vào đoạn kết, ông lại một lần nữa nhắc đến Proust: “Người ta hay nói đến những cái lôi thôi, những cái dài dòng trong văn của Nguyễn Tuân, nhưng người ta quên không nhớ rằng Marcel Proust, Tourguenief còn dài dòng hơn nhiều, mà đó chỉ là những sự diễn tả thành thực của tâm hồn”(tr.439).
Đó là những nhận định chính xác, chứng tỏ Vũ Ngọc Phan đã đọc kĩ, nắm được cái thần và nội dung trong sáng tác của Proust. Ông còn so sánh rất đúng giữa Tố Tâmcủa Hoàng Ngọc Phách với Về Tình yêu của Stendhal, khi ông cho rằng Tố Tâmkhông phải là tiểu thuyết tâm lí: “Đọc chương IV trong quyển De lAmour của Stendhal (édition Flammarion), người ta còn thấy thú vị hơn nhiều”(tr.329). VớiTrần Thanh Mại, ông sắc sảo, đáo để chỉ với 3 câu: “Trần Thanh Mại thật không phải là một nhà phê bình dè dặt. Shakespeare và Lord Byron là hai nhà đại thi hào của Anh và của cả thế giới nữa, vậy mà “cũng không ăn đứt được”Hàn Mạc Tử. Tôi dám chắc nếu nhà thi sĩ này còn sống, cũng sẽ phải đỏ mặt về những lời quá to tát của họ Trần. Tôi không được cái hân hạnh đọc toàn tập Cẩm châu duyên vì một lẽ giản dị là nó chưa ra đời, nhưng đọc những câu do Trần Thanh Mại trích và cho là hay tuyệt, tôi thấy cái câu này của người Tàu bình phẩm người Việt Nam ta thật đúng quá chừng Người thì bé nhỏ mà lại hay đại ngôn”(tr.483). Nhịp hai câu đầu ngắn, chậm rãi, “dè dặt”, nghe rất hiền lành chưa có gì bất ngờ, đến tận “cho là hay tuyệt”vẫn bình yên, nhưng đến hai chữ “đại ngôn”hạ cuối câu ba thì không còn “dè dặt”nữa, khiến ta phải bật cười. Ta chỉ còn thấy giọng của người trích dẫn hơn là giọng của người được trích dẫn. Tất nhiên, nhà phê bình họ Vũ chỉ mới đọc qua những câu trích Cẩm châu duyên từ Trần Thanh Mại, nếu ông đọc hết Hàn Mặc Tử, chắc sẽ không bi quan đến thế. Cũng như khi viết về Vũ Trọng Phụng, ông đã liên hệ với các học thuyết của Freud, Janet, Piéron và cả với Gustave Flaubert, Molière. Tuy nhiên, với nhà văn cùng họ Vũ, ông đã phê bình có chỗ chưa thật chính xác, công bằng. Có lẽ vì khi đó ông còn khá trẻ: Nhà văn hiện đại được viết khi Vũ Ngọc Phan mới ngoài 30 tuổi. Ngày nay đọc lại Nhà văn hiện đại, cảm nhận về sự đơn giản, vẫn còn sơ sài là rất rõ. Đúng ra nó mới dừng ở “điểm danh”78 nhà văn có tính chất văn học sử về trước tác của họ, sau đó khen chê một chút, nhưng đó cũng đã là một cố gắng rất lớn rồi.
Trong chuyên luận Hàn Mạc Tử (1942), Trần Thanh Mại (1911-1965) đã dẫn tên một số tác giả phương Tây, chủ yếu là các nhà văn, nhà triết học, chứ không thấy nhà phê bình[31]. (Nếu có một người dẫn nhiều nhà văn, nhà thơ nhất thời bấy giờ, có lẽ phải là Hoài Thanh qua hai cuốn Bình luận văn chương[32] và Thi nhân Việt Nam[33]. Nhưng cả Hoài Thanh cũng không thấy dẫn các nhà phê bình Pháp như mấy người trước ông (Thiếu Sơn, Trương Tửu). Điều đó cũng cho thấy phần nào Hoài Thanh không ứng dụng cũng như bị ảnh hưởng gì từ phê bình Pháp, mà nguồn ảnh hưởng của ông vẫn theo lối phê bình mĩ học cổ điển phương Đông theo kiểu bình tán).
Nhìn chung Trần Thanh Mại vẫn đi theo con đường bám sát cuộc đời nhà thơ theo phương pháp tiểu sử để lí giải thơ: ông đã nhắc đến Marcel Proust khi liên hệ bệnh hen suyễn với bệnh tật của thi sĩ họ Hàn:
“Nhờ cái bệnh nó đóng đinh nhà văn suốt đời trên giường, Proust mới phát kiến ra thuyết “thời gian”nó là một trong những tòa tư tưởng lộng lẫy cao siêu của nhân loại.
Lấy riêng về cái trường hợp của thi sĩ Hàn Mạc Tử, thì ta phải nhận rằng thuyết ấy là đúng”(.[34]
Văn học Pháp đã tác động đến sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Phạm Thế Ngũ cho biết Hoàng Ngọc Phách trong một lần phỏng vấn đã kể tên các nhà văn đã ảnh hưởng tới ông: Rousseau, Chateaubriand, Lamartine, Hugo, Musset, Vigny. Những người này đều đã được dạy ở nhà trường Pháp Việt lúc đó. Ngoài ra, “Những trường phái Pháp: lãng mạn, tả chân, tượng trưng, siêu thực, đã lần lượt in dấu vết vào trong sáng tác của ta. Ở Xuân Diệu, Huy Cận, người ta thấy vết tích Baudelaire, Verlaine, Khái Hưng đã chịu bao nhiêu ảnh hưởng của Anatole France. Người ta có thể phân tích cả một “gidisme”ở tiểu thuyết Việt Nam thời này từ Nhất Linh đến Nguyễn Tuân”([i]).[35]
Tóm lại, con đường phê bình phương Tây vào Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ 20 không được đồng đều, mà tự phát, đúng ra là chưa có phong trào thực sự.
Một điều đáng lưu ý: ở giai đoạn này, các nhà văn Pháp được trích dẫn nhiều hơn so với các nhà phê bình. (Tôi sẽ trở lại ý này ở phần sau).
Sang nửa sau thế kỉ 20, phê bình Việt Nam đã có những bước tiến rất to lớn và không chỉ còn ảnh hưởng của riêng Pháp nữa. Bức tranh hiện nay về phê bình Việt Nam do còn khá gần với chúng ta, ai cũng rõ, nên ở phần này tôi chỉ nói lướt qua. Bước phát triển của phê bình hiện nay do nhiều con đường, có thể qua: dịch thuật các công trình lớn của phương Tây cả phê bình lẫn các loại sách triết học, khoa học; các công trình viết riêng và viết chung, hệ thống giáo trình văn học phương Tây, các bài nghiên cứu ứng dụng các phương pháp đó trên các tạp chí chuyên ngành; các cuộc trao đổi khoa học giữa Université Paris 7 với Khoa Văn Đại học Tổng hợp (cũ) vào những năm 80; các hội nghị khoa học quốc gia về Tự sự học 2002, các hội nghị về những vấn đề lí luận, phê bình, v.v. Tất cả đều in khá rõ sự ứng dụng phương pháp phê bình, nghiên cứu của phương Tây.
Về dịch thuật: nhiều tác giả phương Tây đã được dịch sang tiếng Việt: M.Bakhtine, R.Barthes, L.X.Vưgôtxki, M.Kundera, N.Konrat, J.K.Melvil, O.Paz, A.Robbe-Grillet, J.P.Sartre, E.M.Meletinski, T.Todorov, Iu.M.Lotman… Kiểu sách viết về các danh nhân: David Stafford-Clark về S.Freud, E.A.Bennet về Jung, François Mayer về Bergson. Các loại sách dịch, giới thiệu về phê bìnhhoặc các chủ nghĩa hay các luận án tiến sĩ được in thành sách,v.v., nghĩa là còn rất nhiều.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu, các giáo sư đại học của Việt Nam đã viết bài giới thiệu các công trình hoặc các trào lưu, trường phái phê bình của phương Tây. Tạp chí Văn học nước ngoài thường xuyên đăng các chuyên mục lí luận, dịch các bài phát biểu, các công trình của các tác giả phương Tây, trong đó có nhiều tác giả người Pháp. Từ những năm 80 của thế kỉ 20 đến nay, các công trình phê bình có ứng dụng thi pháp phương Tây đã xuất hiện khá nhiều. Trong một thời gian khá dài các khoá luận, luận văn, luận án, đến cả các công trình đều rất hay gắn với “Thi pháp”. Sự ồ ạt, tràn lan đó tuy không để lại nhiều công trình thực sự có giá trị, nhưng vẫn cho thấy một khí hậu mới của phê bình văn học trong nước ta.
Riêng trong lĩnh vực lí thuyết về thời gian trong nghệ thuật ngôn từ đã có nhiều người nghiên cứu, trong đó có các khoá luận, luận văn, luận án tiến sĩ nghiên cứu riêng về thời gian[36]. Có thể lướt qua một số công trình ít nhiều có đề cập đến vấn đề này (tôi không dẫn nguồn cụ thể vì đã quá quen thuộc với chúng ta): Đỗ Đức Hiểu với các công trình Phê bình của mình đều có đề cập đến thời gian; Đặng Thị Hạnh đã ứng dụng vấn đề thời gian để viết nhiều bài nghiên cứu rất sâu trên Tạp chí Văn học về Thâm Tâm, Xuân Diệu, Tô Hoài; Trần Đình Sử đã viết về “Thời gian nghệ thuật” trong Truyện Kiều, trong thơ Tố HữuNguyễn Xuân Kính tìm hiểu thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng trong ca dao; trong tất cả các bài viết hoặc các công trình của Đặng Anh Đào đều có vấn đề thời gian, nhất là của Proust, Joyce, Kafka, Hemingway, Camus…; Bùi Văn Tiếng đã ứng dụng lí thuyết thời gian vào nghiên cứu những tác phẩm quan trọng của Vũ Trọng Phụng; trên Tạp chí Văn học năm 1998, Bùi Mạnh Nhị có bàn về thời gian trong ca dao, dân ca; cùng năm, cũng trênTạp chí Văn học, Lê Thu Yến có bài về thời gian trong thơ chữ Hán Nguyễn Du;Hoàng Trinh đã đề cập đến những vấn đề: “Thời gian trong Tiểu thuyết Mới”; “Tìm hiểu trở lại Proust, Joyce, Faulkner“trong Phương Tây văn học và con người của ông; Nguyễn Thái Hoà, Phương Lựu đều ít nhiều đã giới thiệu công trình nổi tiếng Figure III của Genette qua nguyên bản hoặc có thể qua một ngôn ngữ khác nên có phần hơi khó hiểu; Lê Thị Tuyết Hạnh đã ứng dụng lí thuyết của Genette, Ricoeur, Todorov để nghiên cứu Thời gian nghệ thuật trong cấu trúc văn bản tự sự (Qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1995). Trên đây là tình hình chung của các tác giả Việt Nam khi nghiên cứu về vấn đề thời gian và áp dụng nó để nghiên cứu các nhà văn trong và ngoài nước. Cũng còn vài bài viết khác trên Tạp chí Văn học có áp dụng thời gian vào việc nghiên cứu, tôi chỉ nhắc qua như các bài của Nguyễn Phong Nam vềHình tượng thời gian trong các truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểusố 6/1992; hay Nguyễn Thị Hồng Nam với Thời gian nghệ thuật trong thơ, số 7/1996…
Trên đây tôi vừa phác qua con đường lí thuyết phê bình Pháp và sau đó, muộn hơn là phương Tây đã vào Việt Nam như thế nào và ta đã tiếp thu, ứng dụng chúng ra sao cũng như những thành tựu đã đạt được của các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học. Có thể nói, lí thuyết về văn học ngày càng phát triển mạnh mẽ và là những công cụ vô cùng cần thiết cho những người làm công tác này, ngay cả đối với sinh viên.
Lí luận, phê bình giờ đây đã thực sự được coi như một ngành khoa học nhân văn chân chính; nó mở ra một chân trời mới cho nghiên cứu và sáng tạo văn học.
Trên hành trình hơn một thế kỉ phê bình văn học phương Tây đến Việt Nam, chủ yếu là các nhà phê bình Pháp, sau đó là các nhà phê bình phương Tây khác đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của phê bình văn học Việt Nam và thúc đẩy cho sáng tác lớn mạnh, phong phú hơn.
Song trước hết phải kể đến vai trò của bản thân sáng tác: ở nửa đầu thế kỉ, văn học Pháp đã có mặt trước qua dịch thuật và trích dẫn của các nhà phê bình; sau đó mới đến phê bình, nếu có đồng thời thì cũng chỉ lác đác chứ chưa thành hệ thống. Đã có không ít các nhà phê bình (Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại…) nói tới ảnh hưởng của văn học Pháp tới sáng tác thơ và tiểu thuyết Việt Nam. Điều đó đã in dấu lên cả tư duy sáng tác lẫn cách hành văn của nhà văn Việt Nam lúc đó. Những câu văn, câu thơ viết kiểu phương Tây đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình nhắc đến. Tiếp sau đó, điều này có vẻ trừu tượng hơn, là ý thức khoa học, hiện đại trong lĩnh vực phê bình cũng như lối tiếp cận sáng tác đã chín muồi dần theo chiều dài thế kỉ.
Các nhà phê bình Việt Nam hôm nay, trên cơ sở kế thừa truyền thống phương Đông, tiếp thu những tri thức mới mẻ, hiện đại trong phê bình văn học của phương Tây, đã có một công cụ mới, hữu hiệu cho lao động khoa học và sáng tạo của mình. Bên cạnh đó là công tác giảng dạy. Nó có sức thúc đẩy lớn cho công tác giáo dục và nghiên cứu.
Nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV, cụ thể là công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học ở Việt Nam hiện nay đã có những bước đi mới từ những công cụ lí thuyết trong suốt quá trình dài tiếp thu và hội nhập. Đó là những cơ hội tốt để phát triển. Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển và hợp tác được với quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, ta vẫn cần phải có một đội ngũ chuyên gia đủ chuyên nghiệp để đối thoại. Trong lĩnh vực văn học, việc phát triển theo hướng văn học so sánh (các cấp độ văn hóa, triết học, truyền thống, con người,… Đông – Tây) cũng là một cách; hoặc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, trước tiên là khu vực là rất cần thiết (những vấn đề quan tâm có tính chất chung về con người: ý thức tôn giáo, lối sống, bản sắc văn hóa); hoặc nghệ thuật trần thuật đương đại trong văn học Việt Nam tương đồng ra sao với văn học phương Tây,… Để đến được đó, việc đào tạo hiện nay theo tín chỉ vẫn phải là mối quan tâm hàng đầu và là nhiệm vụ của chúng ta. Việc giảng dạy ở bậc Đại học luôn gắn liền với nghiên cứu, thậm chí, nghiên cứu phải được dành nhiều thời gian nhất trong các hoạt động Đại học.
Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy có mấy ý nhỏ về nghiên cứu, giảng dạy và học môn Văn ở bậc Đại học.
  • Để làm tốt công tác giảng dạy ở bậc đại học, theo tôi, có lẽ, trước hết người dạy phải nghiên cứu khoa học thường xuyên bằng công cụ lí thuyết hiện đại.
  • Để có và hiểu được lí thuyết hiện đại thì người dạy phải đọc từ nguyên bản hoặc qua bản dịch. (Kinh nghiệm cho thấy không phải bản dịch nào cũng chính xác, nên nếu đọc được trực tiếp vẫn tốt hơn).
  • Cung cấp trước photo hoặc gửi qua mailgroup những tài liệu về vấn đề lí thuyết hoặc tác phẩm cho lớp đọc trước rồi giảng, sau đó cho sinh viên, học viên thực hành ứng dụng cũng là một cách để họ say mê học tập.
  • Các phương tiện hiện đại (internet, máy trình chiếu,…) nên sử dụng thường xuyên, vừa đỡ vất vả phải viết bảng, sinh viên viết được chính xác hơn các tên hay các thuật ngữ nước ngoài, đồng thời cũng tạo cho người học thói quen tiếp xúc với phương tiện hiện đại. (Hệ thống wifi của Trường cần phải nâng cấp và có thể cung cấp pass-word cho người dạy để trên lớp vẫn có thể truy cập phục vụ cho giảng dạy được).
  • Việc kiểm tra kiến thức (ngoài bài thi cuối kì) cũng nên tiến hành thường xuyên tại lớp qua hỏi, đáp, trao đổi nhóm, giải đáp của người dạy cũng là cách tạo không khí học tập và hiểu sâu bài hơn…
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ nhỏ của tôi mong góp vào Hội nghị. Tôi mong được trao đổi thêm. Xin cảm ơn.


[1] Xem Đỗ Đức Hiểu, Lịch sử văn học Pháp, Tập I, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005. Bài: “Molière
[2] Các tác phẩm chínhTrò chuyện ngày Thứ Hai, 1851-1862 – [“Les Causeries du lundi”]; vừa là một nhà phê bình lớn về lịch sử văn học: Bức tranh về lịch sử và phê bình thơ và sân khấu Pháp ở thế kỉ XVI – 1828 [“Tableau historique et critique de la poésie et du théâtre français au XVIe siècle”]; Chateaubriand và văn phái của ông dưới thời Đế chế, 1861 – [Chateaubriand et son groupe littéraire sous l’Empire”]; Port-Royal, 1840-1859
[3] Marcel Proust, Contre Sainte-Beuve, Paris, Gallimard, 1954, p.136-137 được viết từ 1908 đến 1910.
[4]   Các tác phẩm chính: La Fontaine và các truyện ngụ ngôn của ông, 1853-1861 [“La Fontaine et ses fables”]; Lịch sử văn học Anh1864 – [“Histoire de la littérature anglaise”]; Các nhà triết học kinh điển thế kỉ XIX ở Pháp, 1857 và 1868 – [“Les Philosophes classiques du XIXe siècle en France”]; Tiểu luận về phê bình và lịch sử,1858 và 1882 – [“Essais de critique et d’histoire”]; Triết học về nghệ thuật, 1865 và 1882 – [“Philosophie de l’art”]; Tiểu luận mới về phê bình và lịch sử: Balzac, 1865 và 1901 – [“Nouveaux essais de critique et d’histoire: Balzac”]; Du hành đến Italia, 1866 – [“Voyage en Italie”]; v.v.
[5] H.Taine, La Fontaine et ses fables, Quatrième Édition, Paris, Librairie de L. Hachette et Cie, Rue Pierre-Sarrazin, N14, 1861, p.1. Tác phẩm cơ bản của ông nằm trong lĩnh vực phê bình văn học là Nhập môn nghiên cứu về Lịch sử thực nghiệm[“L'Introduction à l'étude de l'Histoire expérimentale”], xuất hiện vào năm 1866, cùng năm với Nhập môn nghiên cứu về y học thực nghiệm của Claude Bernard [“L'Introduction à l'étude de la médecine expérimentale”].
[6] Sách trên, p.2.
[7]  Ngữ văn 9, Nxb. Giáo dục, 2005, tr.37-42.
[8] Sách trên, tr.39-40
[9] Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=2951&CategoryID=6
[10] Các tác phẩm chính: Tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa (1883) – [“Le Roman naturaliste”]; Sự vận động của phê bình (1890) [“Évolution de la critique”]; Sự vận động của các thể loại trong lịch sử văn học (1890) – [“Évolution des genres dans l'histoire de la littérature”]; Sự vận động của thơ trữ tình ở Pháp thế kỉ XIX (1891-1892) – [“Évolution de la poésie lyrique en France au dix-neuvième siècle”]; Lịch sử văn học cổ điển Pháp (1891-1892) – [“Histoire de la littérature française classique”]; Lịch sử sân khấu Pháp (1891-1892) – [“Histoire du théâtre français”]; Tiểu luận về văn học đương đại (1892) – [“Essais sur la littérature contemporaine”]; Giáo trình lịch sử văn học Pháp (1898) – [Manuel de l'histoire de la littérature française]; Honoré de Balzac(1905); Những nghiên cứu phê bình về lịch sử văn học Pháp (1880-1907) – [“Études critiques sur l'histoire de la littérature française”].
[11] Các tác phẩm chính: Lịch sử văn học Pháp [“Histoire de la littérature française”];Phác thảo về một lịch sử bi kịch Pháp [“Esquisse d’une histoire de la tragédie française”]; Nghệ thuật văn xuôi [“L’Art de la prose”]; Boileau; Corneille; Voltaire;Những cội nguồn của kịch đương đại [“Les Origines du drame contemporain”]; Tiểu luận về Montaigne: nghiên cứu và phân tích; Sân khấu cổ điển vào thời Alexandre Hardy[“Le Théâtre classique au temps d’Alexandre Hardy”],…
[12] Các tác phẩm: của Lanson, Chamard đối với Pléiade; của Adam đối với thế kỉ thứ XVII; về tác giả: Pommeau, Tôn giáo của Voltaire, 1956; về giai đoạn: Hazard, Cuộc khủng hoảng của ý thức châu Âu, 1680-1715, 1935; về thể loại: Scherer, Sân khấu cổ điển, 1952; về lịch sử một khái niệm: Mauzi, Ý tưởng về hạnh phúc ở thế kỉ thứ XVIII,1963; về văn học so sánh: Paul Van Tieghem, Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học châu Âu, 1948…
[13] Gustave Lanson, Nghiên cứu về các nhà văn Pháp – [“L'étude des auteurs français”], Revue universitaire, 1894, T. II, p. 262.
[14] Gustave Lanson, Những nghiên cứu hiện đại trong giáo dục trung học [“Les études modernes dans l'enseignement secondaire”], 12 février 1903, p.184. Ces conférences à l’Ecole des Hautes études sociales sont réunies dansL’Education de la démocratie, Paris, Félix Alcan, 1903.
[15] ([15])  Gustave Lanson, Giáo dục những năm 1902-1909.
[16] Gustave Lanson, Những tính nhân đạo hiện đại thực sự [Les véritables humanités modernes], Colin, 1902, pp. 111-112.
[17] Dẫn theo Antoine Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết, văn chương và cảm nghĩ thông thường, Nxb. Đại học Sư phạm, 2006, tr. 203
[18] Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb. Phong trào Văn hóa, Sài Gòn, 1967, tr.289.
[19] Thanh Lãng, Sđd, tr.290-299
[20] Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo năm 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2006, tr.915.
[21] Thiếu Sơn, Nghệ thuật và nhân sinh, tuyển tập, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000, Lê Quang Hưng sưu tầm và chỉnh lí, tr.18
[22] Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo năm 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005, 765 trang.
[23] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Văn học hiện đại 1862-1945, Nxb. Đồng Tháp, 1998, tr.269.
[24] Jules Lemaître (1853 – 1914), nhà thơ, nhà phê bình sân khấu và văn học, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp năm 1896. Các tác phẩm chính: La Comédie après Molière et le théâtre de Dancourt (1882) [“Hài kịch sau Molière và sân khấu của Dancourt”];Impressions de théâtre (1888-1898) [“Ấn tượng về sân khấu”]; ngoài ra ông còn viết vềRacine; Fenelon; Chateaubriand;… Ông không tin vào tính khách quan của phê bình, từ chối hệ thống phân loại và chỉ đơn giản thích thú hoặc không thích thú về một tác phẩm, tác giả theo cảm tính của mình. Ông là điển hình cho cái gọi là “phê bình ấn tượng” chống lại phê bình khoa học của Brunetière và đứng về phía A.France. Ông là tác giả của En marge des vieux livres (1905) [“Bên lề những cuốn sách cũ”] và được A.France khen ngợi là người “có bộ óc tài tình và có thiện ý của một tâm hồn giản dị”.
[25] Thiếu Sơn, Nghệ thuật & nhân sinh, tuyển tập, NXB. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000, Lê Quang Hưng sưu tầm và chỉnh lí, tr.122.
[26] Thanh Lãng, Sđd, 1967, tr.703.
[27] Nguyễn Bách Khoa, Kinh Thi Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.13
[28] Trịnh Bá Đĩnh, Các hình thái tư duy phê bình văn học đầu thế kỉ XX, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2 và 3/2004.
[29] Trần Đình Sử, Hoài Thanh trước 1945 - từ nhà lí luận đến nhà phê bình văn học, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2005.
[30] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập một, N Nxb. Khoa học xã hội, 1989, tr.12.
[31] Trần Thanh Mại Toàn tập, tập 1, NXB. Văn học, 2004. Các tên tuổi được Trần Thanh Mại dẫn hoặc dẫn lại: Mallarmé, Valéry, Walt Whitman, Edgar Poở, Baudelaire, Marcel Proust, Blaise Pascal, Lord Byron, Xavrier de Maitre, Rousseau, John Keats, Musset, Vigny, Paul Claudel, Nostradamus, Ivan Tourgueniev, Gilbert. (Chú ý: Trần Thanh Mại gọi là Hàn Mạc Tửchứ không phải là Hàn Mặc Tử).
[32] Xem: Đào Duy Hiệp, bài: “Phê bình văn học phương Tây ở Việt Nam – tiếp cận và ứng dụng”, in phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, Nxb. Giáo dục, 2008.
[33] Như trên.
[34] Trần Thanh Mại Toàn tập, tập 1, Nxb. Văn học, 2004, tr.519-520.
[35] Thanh Lãng, Sđd, 1967, tr.419
[36] Đào Duy Hiệp, Thời gian trong “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust, 2003. Một số bài trên tạp chí Nghiên cứu Văn họcVăn học nước ngoài… về vấn đề thời gian trong các tác phẩm văn xuôi và thơ của Proust, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Huyền Thư….

Nguồn: Tham luận Hội thảo  ”Nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam: thành tựu và kinh nghiệm”, ngày 15/11/2010 tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

nguốn: phebinhvanhoc.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét