Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Đấu Trường 100; Vòng Nguyệt Quế - Đỗ Ngọc Thạch


ĐẤU  TRƯỜNG  100    
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch

1. 
Lần đầu tiên tham gia trò chơi truyền hình “Đấu trường 100”, Thảo có hai cảm giác thật là phấn khích: 1/ Lần lượt hạ gục hết 100 đối thủ để giành chiến thắng; 2/ Được một món tiền thưởng gần 30 triệu đồng mà từ khi sinh ra đến giờ, có nằm mơ Thảo cũng không bao giờ dám nghĩ tới! Có những câu hỏi rất dễ mà có tới hơn bốn, năm chục người rơi rụng khiến Thảo thấy “Thiên hạ” sao mà quá ư là dốt nát! Không gọi là dốt nát sao được khi hỏi đại dương nào lớn nhất, hoặc châu lục nào đông dân nhất mà cũng không biết? Thôi, bỏ cái câu hỏi về thế giới bao la đi, dân mình mải lo làm ăn kiếm từng đồng tiền bát gạo hơi đâu quan tâm đến những chuyện đâu đâu, nhưng sao khi hỏi về đất nước mình như: Thánh địa Mỹ Sơn ở tỉnh nào, tỉnh nào có diện tích lớn nhất, TP. Đà Nẵng có con sông gì, cầu Hàm Rồng bắc qua sông nào, mà cũng không nói được thì …hết biết! 
Khi mang phần thưởng về nhà, Thảo nói với bố: “Con đã là nhà vô địch rồi bố nhé! Từ giờ bố đừng chê con gái của bố là lớ ngớ nữa nhé!”. Bố Thảo chỉ cười, không nói gì, nhưng anh Thảo thì nói: “Em đừng quên đó chỉ là 100 người, mà dân số nước mình là những hơn 80 triệu! 100 người thì chỉ như hai lớp học của em, hoặc như một xóm nhỏ mà thôi! Nếu em thích gọi là Nhà Vô địch thì anh sẽ gọi em là Nhà Vô địch xóm!”. Thảo không muốn cãi lại anh Hiếu bởi anh đã là giảng viên Đại học, đang làm luận án Thạc sĩ, còn Thảo chỉ là sinh viên năm thứ ba trường Đại học…Dân lập! Nếu như Thảo sớm biết được rằng , số 100 người ở đấu trường hôm ấy phần lớn được Nhà Đài huy động đến đều là công nhân của một xưởng May mặc và một xí nghiệp Đông Lạnh chuyên đứng mổ cá basa, cá tra, đang hết việc làm nên đến góp mặt cho xôm trò, thì Thảo đã chẳng Tự hào vỗ ngực là Nhà Vô địch! 
Khi không còn thấy tự hào về tri thức, về sự hiểu biết đa dạng của mình sau cái vụ vô địch Đấu trường 100, Thảo lại được “Cái vụ Đấu trường 100” ấy dắt dẫn đến một suy nghĩ khác: cuộc sống là một đấu trường mà mỗi con người đều phải chiến đấu để tồn tại, nếu ai yếu kém lập tức sẽ bị loại bỏ! Vì thế, thời gian cuối ở trường Đại học, Thảo không lo việc cạnh tranh với bạn bè về chuyện kiến thức nữa (mà có cạnh tranh về kiến thức cũng khó qua nổi mấy “con mọt sách” quanh năm suốt tháng chỉ vùi đầu trong Thư viện) mà tập trung nghiên cứu những “chiêu thức” loại bỏ đối thủ trong trường đời! Lúc đầu, Thảo tưởng chỉ có mình là chuyên tâm vào chuyện này song thật không ngờ khi chợt phát hiện ra có tới ba người nữa cũng “trùng đề tài nghiên cứu” với mình! Đó chính là “Bộ Tứ” của Lớp gồm: Lớp Trưởng, Lớp Phó, Bí Thư Chi Đoàn và Phó Bí Thư Chi Đoàn, trong đó, Thảo chỉ là Phó Bí Thư Chi Đoàn mà đã phải tốn rất nhiều “công sức”!... Điều khá bất ngờ nữa đối với Thảo là thầy giáo Chủ nhiệm lớp chính là người “hướng dẫn nghiên cứu đề tài” này! Thông thường, mỗi khi họp “Bộ Tứ” gần xong thì thầy xuất hiện. Lúc đầu, Thảo tưởng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì “Bộ Tứ” thường họp ở một quán Cà-phê sang trọng cạnh nhà thầy, sau mới biết, khi cần gọi thầy tới thì Lớp trưởng chỉ việc nhá máy điện thoại di động! 
Thầy Chủ nhiệm tên là Lê Điệp Trùng Đồi, do thầy quê ở một vùng Trung du toàn đồi trọc là đồi trọc! Khi còn là sinh viên, thầy Đồi được bạn cùng lớp “nhớ đời” vì hai lý do: 1/ Thầy vừa lùn vừa mập, khuôn mặt to như cái mâm nhưng hai con mắt lại ti hí mắt lươn, nhìn rất kỳ, người yếu bóng vía sẽ bị ớn lạnh khi “đấu  mắt” với thầy, nói chung là nhìn thầy rất “gian phi” nên mọi người đặt cho thầy cái biệt danh “Gián điệp”;
2/ Thầy Lùn nhất lớp nhưng lại là người “chức trọng quyền cao” nhất lớp: Lớp Trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Đảng khối sinh viên (tất cả sinh viên là Đảng viên sinh hoạt trong một Chi Bộ). Ra trường, thầy ở lại trường một thời gian rồi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, lúc về nước thì về cái trường ĐH mà Thảo đang học!...Thảo nhớ mãi lần đầu tiên gặp thầy Đồi, Thảo đã bị thầy phóng ánh mắt sắc lạnh lên toàn thân! Thoạt đầu, Thảo thấy ớn lạnh nhưng khi thấy ánh mắt của thầy chuyển dần về một điểm duy nhất là…”cái ấy” thì Thảo chợt nghĩ: phàm đàn ông mà bộc lộ “máu dê” quá mạnh thì có thể “sỏ mũi” được! Và quả nhiên, Thảo đã nhanh chóng “sỏ mũi” thầy Đồi để làm cái chức Phó BT Chi Đoàn và sau này là Cán bộ giảng dạy của trường!... 
Khi Thảo vừa nhận Quyết định ở lại Trường được hai ngày, thầy Đồi đã gọi Thảo tới nhà và đòi làm lễ cưới ngay! Thảo nghĩ bụng: “Đâu có dễ dàng chui đầu vào rọ nhanh như thế? Sự nghiệp của ta chỉ mới là bước khởi đầu sao lại định trói buộc ta?”; Liền nói với thầy Đồi: “Em đã nói là phải chờ làm xong Luận án Thạc sĩ mới tính đến chuyện cưới hỏi cơ mà? Sao anh nôn nóng thế?”. Thầy Đồi trố mắt nhìn Thảo kinh ngạc bởi cô Nàng nuốt lời mà cứ tỉnh khô (Thảo đã hứa với thầy Đồi là khi có QĐ ở lại trường sẽ cho thầy Đồi làm lễ cưới ngay), cứ như là chưa hề nói tới chuyện cưới bao giờ? Thầy Đồi thoáng nghĩ, ả giở trò “Qua cầu rút ván” với ta chắc? Đã vậy thì phải cho ả nếm mùi đắng cay của kẻ bị ruồng bỏ! Em đừng trách ta tàn độc nha, đó là tại em ép ta đó! Nghĩ vậy, Thầy Đồi làm bộ khát khao, dại khờ của kẻ si tình, quỳ xuống chân Thảo mà rằng: “Đó là tại anh khát khao được hưởng tình yêu nồng cháy của em! Em hãy cho anh được ngây ngất trong vòng tay nóng bỏng của em!”. Vừa dứt lời, thầy Đồi nhào tới Thảo, tính xô cô nàng té ngã xuống giường ở ngay sau lưng! Nhưng, bằng sự nhạy cảm của “Kẻ cắp gặp bà già”, Thảo nhẹ nhàng né tránh và xoay người nửa vòng, chém mạnh vào gáy thầy Đồi, khiến thầy Đồi đổ sập xuống giường!... 
2. 
Nhát chém chí mạng của Thảo khiến thầy Đồi ngất xỉu và phải một giờ sau mới tỉnh lại. Tuy nhiên, cả thầy Đồi và Thảo đều không ngờ rằng khi tỉnh lại, trí nhớ của thầy Đồi đã bị xóa sạch! Không ai hiểu được nguyên nhân tại sao thầy Đồi bỗng nhiên lại trở thành người ngu ngơ, ngù ngờ và phải ba ngày sau, người nhà của thầy ở miền quê vùng đồi tới đón thầy về chăm sóc trọn đời! Bà mẹ thầy Đồi khi đến đón con về đã khóc lóc thảm thiết mà rằng: “Đã bảo là về quê mẹ con rau cháo nuôi nhau mà không nghe, giờ mới ra nông nỗi này, con ơi là con ơi!... Ông Trời ơi là ông Trời, ông cho con tôi học hành những gì mà có mỗi câu “Trường đời nhiều cạm bẫy”, Ông lại không cho nó biết để đến nỗi nó thành dở điên dở khùng thế này!”. Nghe bà mẹ thầy Đồi khóc lóc thảm thiết như vậy, Thảo nghĩ bụng: “Còn một câu nữa rất đơn giản mà tại sao bà không dạy con là “Tham thì thâm!”. Con bà tham lắm, bao nhiêu học sinh đã qua tay anh ta rồi bà có biết đâu! Anh ta dụ cưới tôi chẳng qua là để chiếm đoạt trinh tiết của tôi mà thôi, nhưng tôi đâu có dễ bị vào bẫy của anh ta! Cái câu “Trường đời nhiều cạm bẫy” anh ta có biết đấy, nhưng anh ta lại bị sập bẫy do chính mình giăng ra là do quả báo mà thôi! Khóc lóc mà làm gì, sinh ra ở vùng đồi thì trở về vùng đồi là tới lúc rồi, tên anh ta là Đồi mà! Nếu bà có đẻ con nữa thì đặt tên là Phố Thị nha!”… Thảo không đưa tiễn thầy Đồi về quê vùng đồi như mấy người cùng tổ giáo viên của thầy Đồi mà đến ngay Câu lạc bộ Karatedo với ý nghĩ: Ta phải khổ luyện cho “tuyệt chiêu chặt chém” này thâm hậu hơn nữa, sẽ còn phải dùng đến nhiều đây!... 
Sau khi “tay đã nhúng chàm”, Thảo bỗng cảm thấy mình thông minh, linh hoạt lên rất nhiều trong các mối quan hệ xã hội cũng như trong quan hệ Ái tình! Về quan hệ xã hội, Thảo nghĩ mình phải ngồi lên cái ghế Hiệu trưởng, chứ cái bà Hiệu trưởng đương nhiệm Thảo thấy chẳng xứng đáng tí nào: Thứ nhất, xét về nhan sắc, đàn bà gì mà mặt như cái mẹt, cái mũi thì to đùng như nắm đấm, nói chung là chẳng có chút nữ tính nào, thế mà bà ta cũng có bồ làm gì đó khá lớn trên Bộ, có lẽ vì thế mà bà ta ngồi lên được cái ghế Hiệu trưởng? Thứ hai, xét về trình độ, Tiến sĩ gì mà chẳng thấy tham gia đề tài nghiên cứu khoa học nào, hoặc chí ít cũng phải có vài bài báo đăng ở những Tạp chí danh tiếng chớ? Về quan hệ Ái tình, Thảo nghĩ mình phải xỏ mũi được  ít nhất là một tá (mười hai) thằng đàn ông, dắt chúng đi giữa đường đời như dắt một lũ chó con!...Nghĩ vậy, Thảo nhanh chóng vạch ra một kế hoạch hành động rất chi tiết!... 
Thảo nạp vào máy tính xong đem in “Kế hoạch hành động” ấy làm hai bản, đưa ông anh Trung Hiếu một bản và bố một bản để xin ý kiến. Một ngày sau, anh Hiếu  nói với Thảo: “Anh đang nhận viết một cuốn sách về những Liệt nữ của Việt Nam, thời gian rất gấp, vì thế những vấn đề của em trong “Kế hoạch hành động” ấy chưa thể đụng tới vì hai kiểu tư duy này nó triệt tiêu nhau! Vậy em cứ làm việc với bố trước, bố sẽ cho em những ý kiến rất chính xác. Còn anh, sau này có gì cần anh trợ giúp thì anh sẽ sẵn sàng!”.
 Thảo nghe anh Hiếu nói vậy thì nghĩ: “Ông anh ta lại né tránh rồi! Ta cũng không hi vọng gì ở ông anh rất thông minh, lĩnh vực nào cũng như một chuyên gia thứ thiệt nhưng cái gì cũng quá thật thà, không biết nói dối là gì!”. Còn ông anh Hiếu của Thảo thì lo lắng vô cùng, bởi với cái “Kế hoạch hành động” đó, cô em gái của anh sẽ phải “hạ sát” biết bao nhiêu nhân mạng? Mà chẳng lẽ cô em mình lại không gặp phải đối thủ cao tay hơn? Lúc đó thì thật là nguy hiểm! Nghĩ tới đó, ông anh Hiếu của Thảo vụt nảy ra ý tưởng thành lập một Công ty cứu hộ và sẽ cho người bám sát từng bước đi của cô em, lo cứu cô em là chính nhưng hễ có ai lâm nạn cũng cứu, bởi với ông anh Hiếu, cứu một người còn hơn xây bảy tòa tháp!... 
Ba ngày sau, Thảo mới gặp được bố - giáo sư Hi, một nhà khoa học lừng danh nhưng phải gánh chịu nhiều bất hạnh quá lớn, trong đó sự ra đi bất ngờ của người vợ khi hai đứa con còn thơ dại là một nỗi đau quá sức chiu đựng của ông. Ông đã hứa với vợ là sẽ “Gà trống nuôi con” lớn khôn, thành đạt bằng mọi giá cho nên những biểu hiện gần đây của con gái khiến ông rất lo ngại! Ông không bao giờ phản đối, ngăn cản mọi suy nghĩ, sở thích của con (đó là cách cưng chiều tối đa của những ông bố muốn bù đắp tối đa cho những đứa con phải chịu một sự mất mát lớn ), nhưng ông cũng không muốn con mình trở thành kẻ tội lỗi tới mức phi nhân tính. Bây giờ ông không biết làm sao để cô con gái yêu của mình rút chân ra khỏi cái “Đấu trường 100” này ngoài câu nói “Quay đầu là bờ” mà ông thấy Nhà Phật thường dùng! Cuối cùng thì ông Hi cũng không tìm ra được giải pháp nào tối ưu hơn giải pháp thành lập Công ty Cứu hộ của người con trai! Nếu đúng là con hơn cha là nhà có phúc thì ông sẽ làm theo cái cách của thằng Hiếu, như thế con gái ông sẽ tránh được tội lỗi và tai họa chăng? Vì thế, khi gặp Thảo, thật là ngẫu nhiên, ông cũng nói giống hệt như Hiếu, khiến Thảo ngạc nhiên vô cùng và nghĩ: “Có lẽ bây giờ ta đã lớn rồi, không thể cứ hỏi anh, hỏi bố mãi! Vả lại ông anh và bố ta là “típ” người an phận, có phần yếu mềm thì làm sao giúp gì được cho ta? Vậy thì, phải tự thân vận động, nhất là cuộc chiến một chọi một trăm trong cái “Đấu trường 100” này!”…
3. 
Thảo đã lao vào “Đấu trường 100” một cách mạnh mẽ và tự tin với tư thế đơn thương độc mã giống như Triệu Tử Long một mình cứu Chúa trong Tam Quốc chí. Với câu hỏi số Một, làm sao để có cái bằng Thạc sĩ, Thảo đã trả lời rất nhanh: cặp bồ với hai ông Thầy trong Hội đồng Khoa học, một ông là hướng dẫn (thực ra Thảo chỉ cần cho ông ta hưởng ba ngày “trăng mật” là ông ta đã viết xong cái Luận án vào loại khá), một ông là phản biện (ông phản biện thì chỉ cần hai lần đi bơi thuyền Con vịt ở Đầm Sen) – là Thảo đã có cái Bằng Thạc sĩ vào loại Ưu tú, còn được đề nghị chuyển tiếp nghiên cứu sinh Tiến sĩ! Với câu hỏi thứ hai, làm sao để nắm lấy chức vụ Trưởng Khoa bỏ qua “thời kỳ quá độ” chức Phó Khoa, Thảo đã trả lời nhanh như tên lửa: song đây là “Thiên cơ bất khả lộ” nên đành tuân thủ “Luật im lặng”. Khi Thảo về nhà khoe với anh Hiếu và Bố về chuyện vừa “làm xong “ cái Thạc sĩ thì liền được đề bạt chức vụ Trưởng khoa, cả hai người vừa mới cùng nhau “nghiên cứu” , xem kỹ lại Tử vi của Thảo nên không hề ngạc nhiên và cùng chúc mừng Thảo. Tuy nhiên, sau đó anh Hiếu đã cảnh báo: “Tử vi của em nói còn có thể làm Hậu chứ không chỉ là Xe, Pháo như thế đâu! Nhưng em cần xem lại, nếu em quyết ngồi lên cái ghế Hiệu Trưởng thì sẽ bị đối thủ cạnh tranh gài bom đấy! Theo anh thì …”.
Thảo nói ngay: “Anh giỏi lắm, biết cả việc em muốn ngồi ghế Hiệu Trưởng, chẳng thua gì Quỷ Cốc Tiên sinh! Nhưng anh đừng có làm “Kỳ đà cản mũi”, em đã quyết rồi, không thể bỏ cuộc!”. Đó cũng chính là câu hỏi thứ ba trong cái “Đấu trường 100” mà Thảo đang tham dự: làm sao để nhanh chóng ngồi lên cái ghế Hiệu Trưởng? Đây quả là câu hỏi khó, có lẽ Thảo phải suy nghĩ thêm trong một ngày nữa vì nếu cứ máy móc rập theo cái “Kế hoạch hành động” cũ thì không còn thích hợp vì một số tình tiết đã có sự thay đổi, một số nhân vật mới xuất hiện!... 
*
Đây quả là câu hỏi khó bởi đối thủ của Thảo lúc này chính là Bà Hiệu Trưởng xấu xí, nhưng khi hỏi ông “Quân sư quạt mo” (thực ra là bạn của ông bố Thảo, được bố Thảo “cài” vào cạnh Thảo để có đối sách bảo vệ Thảo khi gặp nguy hiểm một cách nhanh nhất) thì ông ta nói: “Cái hình dáng có vẻ xấu của bà ta không không phải là sự xấu xí bình thường mà đó là “Dị tướng”, tức người có Quý tướng khác thường, có nhiều Quý nhân phò trợ,  rất khó mà đánh thẳng, đánh “nốc-ao” mà phải tìm cách “đánh từ xa”, đánh từ trong đánh ra, tức phải cài đặt nội gián, đánh phải hạ gục ngay chiêu đầu tiên, viên đạn đầu tiên, tức phải có sát thủ loại siêu hạng cỡ “Người Dơi”, “Người Nhện” hoặc “Siêu nhân”!...”.
Ông “Quân sư” còn nói nhiều nữa, nhưng càng nói thì càng như là muốn “khua chiêng thu quân” chứ không muốn đánh đấm gì nữa!... 
Quả là có chuyện “Một ngày dài hơn Thế kỷ”, Thảo mới ngồi suy nghĩ có nửa ngày mà khi rửa mặt để đi ăn cơm trưa, nhìn vào tấm gương Thảo tưởng như có ai đứng sau lưng mình mà hiện vào gương, nhưng khi quay lại thì không có ai cả! Nhìn lại khuôn mặt người trong gương, thật kỹ thì vẫn là Thảo nhưng đã mang nhiều dáng nét của một khuôn mặt khác!...Thảo đem chuyện này nói với “Quân sư” thì ngay lập tức, “Quân sư” nói lớn: “Lui binh một trăm dặm hạ trại!”… 

Cái Truyện ngắn này được viết qua lời kể của người anh của nhân vật Thảo, vì là chuyện đang xảy ra nên nghe từng đoạn một rồi lại phải chờ. Đến đoạn này thì chờ một tháng mà không thấy anh trai của Thảo tới, mà cuối cùng là cú điện thoại gọi về từ Nam Mỹ của người anh Thảo: “Ba bố con chúng tôi đang kết hợp công chuyện và du lịch ở Nam Mỹ, quả là chốn Bồng Lai Tiên cảnh!...Xin ông dẹp cái truyện ông đang viết dở đi bởi bố con tôi nhất định có cách làm cho Thảo bỏ cái “Đấu trường 100” quái gở của cô ta!” Tôi hỏi ngay: “Ông có thể bật mí là cách gì được không?”. Nhưng không hiểu sao điện thoại mất tín hiệu! Có lẽ đâu đó đang có giông bão, đã cản trở cuộc nói chuyện điện thoại của chúng tôi? Tuy nhiên tôi nghĩ, với thể loại Truyện ngắn, chỉ cần tới cuộc điện thoại bị cắt ngang là đủ!... 
Sài Gòn, 9-1-2010
Đỗ Ngọc Thạch

VÒNG   NGUYỆT    QUẾ 
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
       Trọng  Nghĩa  sinh năm 1988, đến năm nay  2005  là mười bảy tuổi. Nghĩa đang học lớp mười một tại Plêi Ku. Bố Nghĩa là bộ đội  ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, mẹ là nhân viên văn thư ở Sở Văn hóa – thông tin . Là người con hiếu thảo, hiếu học năm học nào Nghĩa cũng đứng nhất nhì lớp. Chính vì thế, năm nay  Nghĩa  được các thầy giáo cho đi  tham gia cuộc thi  “Đường  lên  đỉnh  OLYMPIA” ở Hà Nội. Trước lúc Nghĩa đi  Hà Nội, thầy giáo dạy Toán đưa cho Nghĩa một lá thư và nói :
-    Thầy có một ông thầy giáo cũ ở Hà Nội, ông là một nhà giáo rất uyên bác ở nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Em hãy đến gặp ông trước khi tham dự cuộc thi . Thầy  tin là em sẽ có thêm những tri thức thú vị !
     Nghĩa  đi  Hà Nội có một mình, cũng như bố Nghĩa, hồi chiến tranh chống Mỹ, cũng một mình đi từ Quảng Bình ra Hà Nội để  nhập trường đại học. Nghĩa thấy vui vui khi nghĩ rằng : bố mình đã tốt nghiệp đại học thì đến đời mình, nhất định cũng phải vào đại học, và còn phải phấn đấu học lên cao hơn nữa, người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc” đó sao ? Cuộc thi này là một thử thách bước đầu, nhất định mình phải vượt qua !...
     Chuyến tàu Liên vận Tây Nguyên – Hà Nội đã tới ga  Hà Nội rất đúng giờ. Nghĩa bừng tỉnh, đứng  dậy định lấy cái ba-lô để trên giá đồ xuống nhưng cậu giật mình khi thấy chỗ để cái  ba-lô đã trống  không ! Toàn bộ hành lý của Nghĩa chỉ có cái  ba-lô đó, vậy mà…Nghĩa giật mình khi nghĩ đến lá thư của thầy giáo : tên ông thầy của thầy giáo Nghĩa cùng địa chỉ nhà ông ghi ngoài bì thư chợt hiện lên rõ ràng trong  đầu nghĩa : ông Nhân Sinh, số nhà XYZ, Ngõ Văn Chương !...Nghĩa lẩm nhẩm cái địa chỉ đó và xuống tàu, ra cửa ga và thuê một xe ôm đưa tới.
      Đó là một căn nhà cấp bốn  (theo lối gọi từ xưa ở Hà Nội) đã cũ, xen giữa hai tòa nhà cao chót vót, có cả sân thượng và cái mái ngói nhọn như một lưỡi rìu !  Nghĩa gọi cửa, chỉ hai phút sau có một ông già hơn sáu mươi tuổi, tóc đã bạc phơ, bước ra.
-   Chào ông ! Ông là ông Nhân Sinh ? – Nghĩa lễ phép hỏi .
-   Cậu là Trọng  Nghĩa phải  không ? - Ông già vừa mở cửa, vừa nói.
Nghĩa  ngạc nhiên thì ông già kéo Nghĩa vào nhà và nói :
-  Thầy giáo của cậu đã gọi điện cho ta từ hôm qua. Sao, bị mất hành lý rồi hả ?
-   Sao ông lại biết ? – Nghĩa lại ngạc nhiên, trố mắt nhìn ông già – ông cứ như là ông Tiên trong chuyện cổ tích !
    Ông  Sinh mỉm cười hiền hậu :
-   Nhìn bộ dạng của cậu thì kẻ trộm nó bám đuôi ngay ! Sự đời có mất có được ! Thôi, đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Giờ sắp tối rồi, cậu đi tắm rửa rồi ăn cơm, tôi đã chuẩn bị thết  đãi cậu xong đâu vào đó !  Tôi còn hai bộ quần áo rất mới, cậu mặc chắc sẽ rất vừa !
     Nghĩa tắm xong thì bữa cơm đã được dọn ra tươm tất, không cầu kỳ nhưng toàn là những món Nghĩa rất thích : Thịt ba chỉ luộc, đậu đũa xào  với khoai tây, cà-rốt, cá chép món rán, món nấu canh ! Nghĩa cảm thấy chưa bao giờ mình được ăn một bữa cơm ngon lành như thế !...
      Ông Sinh sống độc thân. Căn nhà bày biện đơn giản, chỉ có một cái bàn làm việc lớn, các bức tường  đều treo kín loại giá sách bằng sắt, bên dưới những giá sách là những tủ nhỏ không có cửa, đựng đầy những tượng gỗ, tượng đá đủ các kiểu, trên mặt tủ là những đồ trông rất lạ mắt ! Trong lúc ông Sinh đang khoan khoái uống từng ngụm nhỏ trà Thái thơm sóng sánh và hít hà từng hơi điếu thuốc lá cuốn to đùng  thì Nghĩa dán mắt vào những giá sách đủ loại, đủ kiểu. Nghĩa thầm nghĩ, số sách này của ông  có lẽ đã có từ hơn bốn mươi năm trở lại đây, có nhiều cuốn Nghĩa chỉ mới nghe nói đến tên sách chứ chưa hề được đọc. Nghĩa mừng thầm vì nghĩ rằng trong một tuần ở đây với ông già, Nghĩa sẽ đọc hết những cuốn mà mình thích !
      Hút xong điếu thuốc lá cuốn, ông Sinh thong thả nói :
-    Cháu thật là may mắn vì được là học trò cưng  của thầy giáo Toán. Ngày xưa, thầy Toán của cháu cũng là học trò cưng của ông đấy. Mới thoạt nhìn cũng có cái dáng vẻ thật thà, hiền lành như cháu bây giờ. Thầy Toán đã gửi cháu cho ông  thì cháu cứ yên tâm, cháu ở đây sẽ rất thoải mái, tự do !
-   Cháu sẽ điện cho bố mẹ gửi tiền ra, gói tiền một triệu đồng cháu để ở đáy ba-lô chắc là bọn trộm đã đem đến quán rượu và tiêm chích hết ! Cháu thật là vô dụng, cháu rất đau buồn vì đó là tiền công mẹ cháu đánh máy thuê suốt một tháng trời !
     Nghĩa suýt bật khóc khi nghĩ đến số tiền đã bị mất và cậu cũng cảm thấy ái ngại khi thấy ông Sinh sống rất thanh đạm trong căn nhà nhỏ đơn sơ này. Dường như ông Sinh  đã đọc được ý nghĩ trong đầu Nghĩa, ông mỉm cười, nhẹ nhàng nói :
-  Ông tuy nghèo nhưng không đến nỗi túng thiếu. Ông vừa mới được người ta in hai cuốn sách, đủ nuôi cháu cả tháng chứ đâu chỉ một tuần, thôi khỏi lo chuyện tiền nong. Nếu cháu mệt thì đi ngủ, mai ông cháu ta sẽ nói chuyện nhiều !
     Nghĩa vội nói ngay :
-  Cháu đã ngủ trên tàu nhiều lắm rồi ! Cháu chỉ được ở bên ông có một tuần, cháu muốn nói chuyện với ông thật nhiều. Thầy Toán cháu có dặn là : ông là một cái kho kiến thức vô tận, phải tận dụng hết thời gian để khai thác !
     Ông Sinh bật cười :
-  Nếu tri thức mà cũng truyền được ngay tức thì như người ta truyền công lực trong các phim chưởng Hồng Kông thì ông sẽ truyền hết ngay cho cháu ! Tiếc thay, tri thức lại cần tích lũy qua thời gian, như kiến tha lâu đầy tổ, như con ong mải  miết  bay đi  kiếm từng giọt mật mỗi ngày !...
    Nghĩa như đang mơ màng thả ý nghĩ bay đi tới tận những cánh đồng xa đầy hoa thơm cỏ lạ như những con ong mật thì từ trên mái nhà một tiếng “rầm” rất to phá tan sự thanh tĩnh của hai ông cháu. Tiếp theo là “rần, rần…”, như là tiếng động của một vật nặng đang lăn trên mái tôn. Quả đúng là như vậy vì chuỗi tiếng động ấy được kết thúc bằng tiếng  “phịch” của một vật nặng rơi xuống đất !  Đồng thời với âm thanh nặng nề đó là tiếng  tri hô “Trộm ! Trộm ! Bắt lấy nó !” Thì ra là có một tên trộm định lẻn vào ăn trộm ở nhà lầu bên cạnh nhà ông Sinh nhưng bị chủ nhà phát hiện vội bỏ chạy và rơi xuống mái nhà của ông Sinh ! Nghĩa vừa nghĩ đến đó thì “Rầm !”, tiếng động rất lớn này không chỉ ở trên mái nhà mà từ mái nhà rơi thẳng xuống sàn nhà, và điều tồi tệ nhất đã xảy ra : mấy thanh đòn tay, xà nhà, mái tôn và cả người một tên trộm nữa rơi trúng nơi ông Sinh và Nghĩa đang ngồi uống trà ! Nghĩa bị mái tôn đập lên đầu, khiến cậu choáng váng tối tăm mặt mũi, nhưng vốn có sức khỏe rất tốt,  Nghĩa tỉnh táo lại rất nhanh và thấy một thanh xà gỗ khá to đã rơi trúng đầu ông Sinh, làm cho ông ngất xỉu ngay, máu chảy đầm đìa trên mặt ! Nghĩa vội nâng cái mái  tôn ra, nhấc thanh xà gỗ ra và bế ông Sinh ra gần cửa, nơi để chiếc máy điện thoại và gọi cấp cứu. Chỉ ba phút sau, xe cấp cứu đã tới đưa ông Sinh vào bệnh viện !...
     Đêm hôm ấy, Nghĩa đã ở trong bệnh viện suốt đêm với ông Sinh, gần tới sáng, tức khi chân trời ửng hồng, ông Sinh mới tỉnh lại. Ông Sinh nói với Nghĩa :
-   Cháu hãy về nhà trông nhà cho ông, kêu ngay thợ tới sửa lại ngay cái mái nhà. Chắc chỉ hai ngày nữa ông sẽ ra viện, cháu không phải lo lắng gì cho ông !
    Sau hai ngày, Nghĩa đã kêu thợ sửa xong mái nhà cho ông Sinh, nhưng ông vẫn chưa  ra  Viện. Nghĩa vào bệnh viện thì thấy sức khỏe ông Sinh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, các bác sĩ vẫn chưa cho về, giữ lại để theo dõi !
      Thế là trong năm ngày sau đó, ngoài những lúc đến bệnh viện thăm ông Sinh, Nghĩa vùi đầu vào cái kho sách muôn màu muôn vẻ của ông Sinh. Ở cái kho sách này có rất nhiều điều thật mới lạ, thật hấp dẫn. Chỗ nào cảm thấy chưa hiểu, Nghĩa lại đến bệnh viện hỏi ông Sinh. Mỗi lần nghe ông Sinh nói, Nghĩa lại thấy mình như lớn thêm một chút, đầu óc như sáng ra một ít . Quả là chính xác khi có câu thành ngữ nói rằng  “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”!  Nghĩa nhớ mãi những điều ông Sinh nói về lời nói của con người. Ông bảo, lời nói thể hiện bản chất, tính cách, tư chất của con người ta. Cứ nghe ai đó nói vài ba câu, thậm chí chỉ cần một câu nói cũng biết người đó là ai, tốt hay xấu, sang hay hèn, giỏi giang hay ngu dốt. Chẳng hạn đứng trước một dòng sông thì ngư dân nói : ở đây hẳn có nhiều cá, nhà thơ sẽ nói : “Đôi ta cách một con sông, muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”, còn người lính sẽ nói gì, cháu biết không?
Nghĩa nói ngay : người lính sẽ nói : “Nước sông công lính !”. Ông  Sinh cười : “Cháu ứng đối thật là linh hoạt. Con quân nhân có khác. Ông cháu cũng là lính chứ gì ! Có thể tổ phụ của cháu cũng là một người lính !...Cháu nên nhớ, dân tộc ta đã phải chiến đấu từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến mùa xuân đại thắng 1975 để thực hiện câu nói của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Công lao của người lính thật là lớn. Vậy mà thế hệ học trò các cháu bây giờ dường như không hề biết đến điều đó. Ông rất buồn khi thấy trong kỳ thi “Đường lên đỉnh OLYMPIA” kỳ vừa rồi, một em thí sinh đã không trả lời được câu hỏi  “Nhằm thẳng quân thù mà bắn !” là câu nói gắn với tên tuổi người anh hùng nào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ? Cháu có biết câu nói đó là của ai chứ ? Nghĩa đáp : “Dạ, cháu biết, đó là câu nói của anh hùng  Nguyễn Viết  Xuân. Quê hương đất lửa Quảng Bình của cháu ai cũng biết câu nói nổi tiếng đó” !
 Ông Sinh hít một hơi dài rồi nhẹ nhàng thở ra, như vừa nén một cơn đau rồi cười nói  : “Quả nhiên là như vậy, nếu không thì chỉ với súng trường làm sao những cô dân quân, những lão bạch đầu  quân bắn rơi được máy bay Mỹ ! Ông muốn nói thêm để cháu hiểu hoàn cảnh ra đời của câu nói đó. Lúc đó, “Không lực Huê Kỳ” như một con ngáo ộp, chỉ nguyên tiếng  gầm rú của động cơ máy bay cũng khiến cho người yếu bóng vía “vãi linh hồn”, cho nên người anh hùng Nguyễn Viết  Xuân,  bằng  khẩu lệnh chiến đấu đó đã giúp tất cả chúng ta tạo nên một dáng đứng Việt Nam thật oai hùng ! Và cũng thật ngẫu nhiên, nhà thơ Lê Anh Xuân cũng đã làm nên một bài thơ để đời về điều đó, bài Dáng đứng Việt Nam thật là đẹp, thể hiện rõ khí phách của dân tộc ta trước nạn ngoại xâm ! Những  điều này, thế hệ trẻ các cháu không thể không  biết !”
      Thời gian trôi đi thật nhanh khi người ta muốn làm được nhiều việc. Thế rồi ngày Nghĩa tham dự cuộc đua “Đường lên đỉnh OLYMPIA” cũng đến. Ông Sinh đã dự định đến trường quay để làm “cổ động viên” cho Nghĩa, nhưng đến phút chót, sức khỏe của ông Sinh lại “có vấn đề”, thế là ông đành nằm ở bệnh viện mà theo dõi trên ti-vi !
      Nghĩa  vượt qua phần “Khởi động” một cách dễ dàng, cậu không ngờ câu hỏi lại dễ như thế : tháng 1 còn gọi là tháng gì ? Trời ơi, năm nào mà không dùng hết một “lốc” lịch treo tường, trong đó người ta đã in rõ “Tháng Giêng” ở phần dưới tờ lịch ! Còn câu hỏi  “Ngựa ô có màu gì ?  “khiến Nghĩa suýt bật cười vì đây là câu hỏi trong một cuộc thi “Bé khỏe bé ngoan” ở tỉnh Nghĩa từ hai năm trước ! Và Nghĩa cũng thật ngạc nhiên khi thấy các bạn thi của mình có những sai sót thật ngớ ngẩn : Ngày Rằm tháng Giêng từ năm 2003 đến nay được lấy làm “Ngày thơ Việt Nam” thì lại trả lời là “Ngày chống bệnh “si-đa”,  hoặc câu thơ của Hồ Chủ tịch “Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu” thì lại nói là của Nguyễn Trãi !...
      Nghĩa đã kết thúc câu hỏi cuối cùng  trong phần “Về đích” khi nhận được câu hỏi :  “Hãy nêu ba câu nói nổi tiếng và ngắn gọn của một triết gia,  một nhà thơ và một lãnh tụ ?”.  Nghĩa nhớ ngay đến trong một cuốn sổ ghi chép đã rất cũ của ông Sinh có ghi những câu nói rất hay và trả lời liền : “Nhà triết học  Đề-các nói : Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại ; Nhà thơ Gớt  nói : Phải hành động, còn lãnh tụ thiên tài  V.I. Lê-nin nói Phải biết ước mơ !”. Tiếng vỗ tay rào rào, Nghĩa nghĩ đến ông Sinh, chắc là ông rất vui ! Nghĩa đã đoạt được Vòng nguyệt quế với tổng số điểm là 370 ! Vừa bước ra khỏi chỗ thi, Nghĩa chạy ngay đến bệnh viện. Nhưng Nghĩa đã đến quá muộn, ông Sinh đã đột ngột ra đi ! Cô y tá đưa cho Nghĩa mảnh giấy  có những chữ viết run run của ông Sinh : “Nghĩa ! Ông tin là cháu sẽ đoạt được Vòng nguyệt quế !  Ông để lại cho cháu tất cả tài sản của ông còn lại ! Chúc cháu thành công ! Ông của cháu : Nhân Sinh”.
       Nghĩa cầm tờ giấy của ông Sinh, sửng sốt, bàng hoàng rồi òa khóc ! Đây là lần đầu Nghĩa cảm nhận được nỗi đau cào xé tâm can của sự mất mát lớn lao : mất đi người mình kính yêu, cảm phục, gắn bó, thân thiết như là ruột thịt ! Tuy mới ở bên ông Sinh đúng một tuần,  nhưng Nghĩa thấy ông như một người bạn thân, như người thầy, như người cha, như người ông…Nghĩa không thể tin được rằng ông đã ra đi mãi mãi !
       Nghĩa điện thoại cho thầy Toán báo tin về cái chết của ông Nhân Sinh. Ngay hôm sau, thầy Toán đã đáp chuyến bay Plêi  Ku- Hà Nội. Thầy Toán vừa nhìn thấy Nghĩa liền ôm chầm lấy Nghĩa mà khóc như trẻ con ! Thầy Toán cứ nói mãi câu : “Thầy  Sinh ơi, con đã hại chết thầy rồi ! Vì con bảo thằng Nghĩa nó đến ở với thầy mà thầy gặp nạn ! Đáng lẽ tháng này thầy đi Tây Nguyên cơ mà !” Trời ơi !  Nghĩa mà biết ông Sinh có kế hoạch đi Tây Nguyên thì Nghĩa sẽ không đến nhà ông Sinh nữa !  Có lẽ nào Nghĩa lại là nguyên nhân gây ra cái chết của ông Sinh ? Còn hai thằng kẻ trộm rơi trên mái nhà kia ? Tại sao chúng lại rơi xuống mái nhà ông Sinh đúng lúc ông đang ngồi ở giữa nhà ? Tại sao ? Tại sao lại như vậy ? Nghĩa không thể nào giải thích được những điều đó, Nghĩa hoảng sợ, cứ ôm chặt lấy xác ông Sinh mà khóc nức nở. Nước mắt của Nghĩa ướt sũng ngực ông Sinh…
     Đúng lúc thầy Toán kéo Nghĩa ra khỏi  ông Sinh để chuẩn bị liệm thì hai thầy trò cùng trố mắt kinh ngạc khi thấy miệng ông Sinh mấp máy và một giọng nói ấm, trầm từ miệng ông Sinh phát ra:”Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại!”. Cả thầy Toán và Nghĩa cùng đứng ngây ra một lúc rồi cùng nhào tới ông Sinh. Điều kỳ diệu đã xảy ra: ông Sinh đã sống lại! Ông Sinh nhìn thầy Toán và Nghĩa mỉm cười! Nghĩa nghĩ rằng ông Sinh cười vì hài lòng với thành tích đoạt  vòng Nguyệt quế của Nghĩa, còn thầy Toán thì nghĩ rằng ông Sinh cười vì ông vừa chiến thắng tử thần! Nhưng cả hai thầy trò thầy Toán đều không biết rằng họ đã nhầm vì nụ cười lúc đó của ông Sinh là nụ cười của ước mơ: ông đang ước thời gian quay ngược lại cái hồi ông bằng tuổi Nghĩa để đi thi  “Đường lên đỉnh OLYMPIA” và chắc chắn là ông sẽ đoạt được Vòng Nguyệt quế!... 

TP.Hồ Chí Minh, 2005-2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét