Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Em ở Tây Hồ; Chương trình... - Đỗ Ngọc Thạch


Em ở Tây hồ

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Tôi có bà chị hơn tôi hai tuổi (sinh năm 1946), lấy chồng ở ngay kề sát Hồ Tây, là dân Hồ Tây chính cống. Khi bà chị tôi sinh cháu trai, tôi còn đang rảnh rỗi nên thường đến nhà chị chăm sóc cháu bé, cứ hai ba ngày lại đi một lần. Lúc đó tôi đang ở nhà bố mẹ trên đường Giảng Võ (khu tập thể Bộ Y  Tế), nên lộ trình của tôi qua ba đoạn đường quan trọng: 1/ Quảng Trường Ba Đình có Lăng Bác; 2/ Đường Thanh Niên bên bờ Hồ Tây; 3/ Đê Yên Phụ cũng men theo bờ Hồ Tây, đổ một cái dốc là tới nơi – làng Tây Hồ
Khi bà chị tôi sinh cậu con trai thứ hai, sự việc như trên lại tiếp diễn! Nói như vậy để thấy rằng Quảng Trường Ba Đình và Hồ Tây là hai hình ảnh in rất đậm trong trí nhớ của tôi! Và cũng vì khi tôi đi trên đoạn đường Thanh Niên qua Đê Yên Phụ bên bờ Hồ Tây đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện…trong đó có những chuyện quyết định đến vận mạng của đời tôi!
*
Khi tôi đi trên con đường Thanh Niên và Đê Yên Phụ ven Hồ Tây, lần nào cũng vậy, trong tay tôi “lăm lăm vũ khí” là bài thơ hỏi cô gái bán chiếu của Đại Thi Hào Nguyễn Trãi: Em ở Tây Hồ bán chiếu gon / chẳng hay chiếu đã hết hay còn / xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi / đã có chồng chưa, được mấy con?  Theo tôi nghĩ, với tuyệt tác thi ca này là quá đủ để có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào khi giáp mặt! Tuy nhiên, ròng rã gần tháng trời mà tôi chẳng gặp cô gái bán chiếu nào để “xuất độc chiêu” cả! Người đi dạo trên đường Thanh Niên thường là đã thành đôi, thành cặp, không có ai đơn lẻ để tôi “xuất chiêu”! Song, đúng lúc tôi “cất vũ khí”, không có ý định “chiến đấu” thì thật bất ngờ: đối thủ đã xuất hiện!
Hôm đó là một ngày thật đẹp trời! Tôi đang thả bộ trên đường Thanh Niên thì nghe có tiếng ai đó ngâm câu thơ ở phía sau : “Trời Thu xanh ngắt mấy tầng cao / Cành liễu lơ thơ gió hắt hiu!...” Tôi quay lại, định nói với người đọc thơ rằng Cành trúc chứ không phải Cành Liễu thì giật mình khi nhận ra đó là một cô gái đẹp như Trầm Ngư Điêu Thuyền. Và điều kỳ lạ là người con gái này rất giống với nhân vật Điêu Thuyền như các họa sĩ đã vẽ trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa! Hình như tôi cứ đứng ngây người ra như thế khá lâu nên khi định thần lại thì bóng người con gái đã thấp thoáng phía xa! Tôi đuổi theo và lại kinh ngạc lần nữa khi thấy người con gái đang đó đang cầm khoảng chục cái chiếu nhỏ (loại cho trẻ con nằm ngủ), vừa đi vừa rao: “Trẻ nhỏ nằm chiếu nhỏ / Lớn lên nằm chiếu lớn / Không nằm lên bãi cỏ / Kiến cắn con thì khốn !”. Chỉ khoảng nửa giờ, cô gái đã bán gần hết số chiếu, chắc chỉ còn hai, ba cái. Tôi lại gần cô gái, chưa kịp nói gì thì cô gái đã nói: “Anh theo tôi từ nãy đến giờ chắc không phải để mua chiếu chứ? Nếu anh định đọc thơ ghẹo cô gái bán chiếu thì đọc đi, tôi đang thích nghe mà không thấy ai đọc cả!”. Tức thì tôi thay chữ von trong nguyên tác bằng chữ con và đọc liền một mạch: Em ở Tây Hồ bán chiếu con / Chẳng hay chiếu đã hết hay còn…”.  Tôi chưa kịp đọc hết thì cô gái chen ngang: Em ở Tây Hồ bán chiếu con / Chẳng cần biết chiếu hết hay còn / Cũng chẳng cần biết bao nhiêu tuổi / Càng không nên hỏi chuyện chồng con! Đọc xong mấy câu thơ đó, cô gái tiến sát lại gần tôi nói nhỏ: “Nếu anh thích cô bán chiếu thì hãy đi theo nha!”…
Nói rồi cô gái đi rất nhanh, như gió lướt trên thảm cỏ! Vượt dốc qua mặt đê rồi lại tụt dốc xuống bên kia đường đê. Mỗi khi đi trên mặt đê Yên Phụ ở quãng này, tôi chỉ nhìn xuống mà chưa bao giờ đi xuống cái xóm ven đê này, cho nên khi theo cô gái đi vào, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự xanh tốt của cây cối các loại ở cái xóm ven đê này. Đúng là cây cối và cả con người ở đây đều sống nhờ vào phù sa sông Hồng từ ngàn năm nay!...Mải suy nghĩ về phù sa, tôi đã đứng trước một căn nhà đúng kiểu nơi thôn dã, xung quanh cây cối um tùm! Có lẽ tại hôm qua, tôi vừa mới đọc Liêu Trai Chí Dị của ông Bồ Tùng Linh cho nên lập tức, trong đầu tôi hiện lên cảnh vui đùa nô giỡn của một gia đình Hồ Ly tinh! Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nhìn vào trong nhà thì thấy giống y như cảnh vừa hiện ra trong đầu về một gia đình Hồ Ly tinh!...
Nếu theo như Liêu Trai thì Hồ Ly tinh giả làm người đẹp rất giống: từ ánh mắt nụ cười cho đến tiếng ho, cái hắt xì hơi, và đặc biệt là rất giỏi: cầm kỳ thi họa, văn hóa cổ kim đông tây cái gì cũng rành rẽ như lòng bàn tay! Và những chàng thư sinh tài hoa kia chỉ nhận ra được mỹ nhân mà mình đang xây mộng tưởng là Hồ Ly sau khi đã thân tàn ma dại! Song, rất may là tôi đã được cuốn Liêu Trai của Bồ Tùng Linh “cảnh báo” nên đã thoát khỏi “Hang Cáo” ấy một cách nhẹ nhàng! Song, nếu không có sự trợ giúp của một cô gái Tây Hồ đích thực, tên là Hằng Nga, thì chưa chắc tôi đã thoát khỏi “Hang Cáo” một cách lành lặn!
Cô gái Tây Hồ đích thực đó ở ngay chỗ đổ dốc từ đường đê Yên Phụ xuống Làng Tây Hồ. Chính vì nhà cô gái ở lưng chừng dốc cho nên dù đi xe đạp hay đi bộ thì cũng khó mà có thể ngó nghiêng bóng hồng cho dù cô có đứng ngay trước cổng! Mặt khác, chỗ đổ dốc này lại rất nguy hiểm, tức rất dễ xảy ra tai nạn nếu “thả phanh” vô tư, bởi tới chân dốc lại phải quẹo trái một chút thì mới ăn vào đường dẫn xuống Làng Tây Hồ. Một lần, tôi đang từ trên dốc dắt cái xe đạp xuống dốc, khi đi ngang qua cổng nhà Hằng Nga thì bất ngờ có một cái xe máy phóng từ dưới chân dốc lên, với tốc độ như tia chớp! Tôi chỉ kịp nhảy vọt vào cổng nhà Hằng Nga để tránh cái xe máy! Khi kịp định thần thì thấy mình nằm còng queo giữa sân nhà Hằng Nga và khắp người đau ê ẩm. Lúc đó, Hằng Nga và người mẹ đang ở nhà, hai mẹ con đã nhiệt tình sơ cứu cho tôi và chỉ sau hai mươi phút, tôi đã có thể đi lại bình thường. Hỏi ra mới biết, Hằng Nga đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khi ra trường phải đi dạy ở miền núi, nhưng khi người anh đi bộ đội hy sinh, bố mẹ cô đều thương nhớ con trai mà thành bệnh, cô phải bỏ nghề dạy học về chăm sóc cha mẹ. Hiện sức khỏe mẹ cô đã hồi phục, hai mẹ con làm nghề gói bánh chưng kiếm sống đạm bạc!...
Trở lại chuyện tôi đã gặp Hồ Ly tinh bán chiếu con ở đường Thanh Niên. Thực ra tôi chỉ phát hiện ra cô gái bán chiếu và cả nhà cô ta (gồm cáo bố, cáo mẹ và chín cáo con) là Hồ Ly khi ngồi uống rượu với cáo bố lúc mới vào “Hang Cáo”. Tôi uống rượu tuy chưa phải loại sành điệu nhưng với những loại rượu kém chất lượng, nôm na là rượu rỏm thì tôi có phản ứng ngay: thấy đau đầu và muốn ói! Cứ như là một phản ứng tự nhiên của cơ thể! Và cũng như thế, khi ngửi phải “mùi lạ” mà ngược với mùi thơm, tức “xú khí” là cơ thể tôi cũng có phản ứng tương tự! Vì thế, vừa uống xong ly rượu đầu tiên là tôi có cảm giác thấy mùi “xú khí” và lập tức xây xẩm mặt mày, muốn ói, muốn té ngửa xuống đất! Cô gái bán chiếu con thấy vậy thì dìu tôi vào buồng, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Hôm nay Hồ nhiều gió, chắc anh chàng bị trúng gió rồi!” Tôi đi được ba bước thì như là sực tỉnh vì cô gái bán chiếu ôm lấy người tôi rất mạnh, khiến tôi cảm thấy hơi đau và đưa tay đẩy vào lưng cô ta, tính thoát khỏi vòng tay đang siết mạnh. Nhưng cú đẩy không có tác dụng và tay tôi trượt xuống mông cô ta, và tôi bàng hoàng khi bàn tay nắm trọn phải một cái đuôi cáo! Như trên đã nói, vì tôi đã đọc nhiều chuyện Hồ Ly tinh trong Liêu Trai, nên thay vì la toáng lên do hoảng sợ, tôi lại giả bộ ôm chặt lấy Hồ Ly và tìm thời cơ điểm huyệt để hạ gục Hồ Ly đặng thoát thân!
Đúng lúc đó, có tiếng rao “Bánh chưng nóng đây!...”, và có tiếng của Cáo bố: “Con Tư đưa tiền bán chiếu cho cha mua bánh chưng nóng nào!”. Cô gái bán chiếu nghe thấy vậy thì đặt tôi xuống giường và vọt ra ngoài. Nghe có tiếng cãi lộn của cô gái bán chiếu với ai đó và tiếng cãi lộn đi xa dần, tôi vùng chạy ra ngoài, thấy cáo bố và mấy cáo con đang quây quanh người bán bánh chưng. Thoáng nhìn thấy tôi, người bán bánh – mà tôi kịp nhận ra chính là Hằng Nga, - đưa hết bánh cho cáo bố và mấy cáo con rồi đuổi theo tôi. Khi đuổi kịp tôi, Hằng Nga nắm lấy cánh tay nói: “Là anh à? Đi theo tôi!...” Tôi đi theo Hằng Nga, đúng ra là chạy. Không ngờ Hằng Nga khỏe thế, vừa chạy vừa kéo tôi đi khiến chân tôi như là không chạm đất. Lúc vượt dốc lên mặt đê cũng nhẹ nhàng như không! Vượt dốc qua bờ đê rồi lại tụt dốc xuống mặt đường, Hằng Nga mới dừng lại hỏi: “Anh có uống rượu với ông già trong nhà không?” Tôi ngạc nhiên trả lời: “Có! Sao cô biết?”. Hằng Nga đưa tôi một viên thuốc nhỏ bảo nuốt và nói: “Tôi đã vào đó cứu anh trai tôi và người bạn nên biết đó là Hang ổ của Hồ Ly tinh! Anh nôn ra đi là thấy nhẹ người ngay!”. Hằng Nga vừa nói thì tôi ngồi thụp xuống ói ra một bãi nước bọt! Chúng tôi vào một quán nước trà bên đường, uống một ly trà nóng mới thật sự “hoàn hồn”! Hằng Nga nói thêm: “Mấy con Hồ Ly ở bãi sông đó đã thành tinh từ lâu, chúng đã hại không biết bao nhiêu chàng trai háo sắc, nhẹ dạ cả tin!”. Tôi nói: “Thế không có vị Cao tăng đắc đạo nào ra tay diệt trừ yêu nghiệt trừ hại cho dân hay sao?”. Hằng Nga nén một tiếng thở dài rồi nói: “Phải chi em học ở trường Cảnh sát thì thích hợp quá!...Bố em đã từng là cảnh sát song ông lại bị “tai nạn nghề nghiệp” nên không muốn em lại như vậy nên nhất định muốn em thành cô giáo! Đúng là sự đời dâu bể, cuối cùng lại là người bán bánh chưng!”. Tôi định nói gì đó với Hằng Nga mà không biết diễn đạt như thế nào bởi rất nhiều ý nghĩ cứ như chuyển động Brao ở trong đầu!
*
Mấy ngày sau, khi tôi đi qua đoạn đường Thanh Niên bên Hồ Tây, lại gặp cô gái bán chiếu lượn lờ trên đường, mà không phải chỉ một mình cô ta, còn hai, ba người nữa cũng cầm những cái chiếu nhỏ bán dạo trên đường!...
Chỉ một lúc sau, có mấy chàng trai, dáng vẻ thư sinh, lẽo đẽo bám theo mấy cô gái bán chiếu, mồm thì lẩm nhẩm cái gì đó, lại gần sát thì ra là họ đang đọc thầm bài thơ hỏi ghẹo cô gái bán chiếu: “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon / Chẳng hay chiếu đã hết hay còn …”. Tôi định chặn mấy chàng trai đó lại mà nói rằng, đó là mấy con Hồ Ly tinh cải trang thành cô gái bán chiếu đó, hãy tránh xa nó ra! Nhưng lại nghĩ, họ đang say sưa “khám phá” thì làm sao mà tin những gì tôi nói? Lòng buồn vô hạn, tôi đạp xe thật nhanh đến nhà Hằng Nga nhưng bà mẹ Hằng Nga nói cô đang đi giao bánh chưng!...
Tôi dắt xe vào nhà bà chị, nhưng đi được một lúc lại thấy mình đứng trước mặt hồ cuộn sóng, những con sâm cầm chao liệng cũng không khác chi chim Hải Âu trên biển! Và tôi thoáng thấy mấy chàng thanh niên ban nãy đang đi theo mấy cô gái bán chiếu, mồm thì đọc: “Em ở Tây Hồ…”!./.

Sài Gòn, 2009
Đỗ Ngọc Thạch



Chương trình
Operation baby lift (*)

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


Cẩm Lai là một cô gái sinh vào đầu năm, tháng 1 năm 1975. Đó là một cô gái có hình thức bên ngoài như người mẫu thời trang nhưng cô lại làm việc ở một nơi không hề dính dáng tới thời trang mà luôn kề cận với Tử Thần: đó là phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện trong thành phố. Khi mới ngoài hai mươi tuổi, Cẩm Lai đã một lần lên xe hoa nhưng vợ chồng chỉ sống với nhau được hai năm thì ly hôn vì Cẩm Lai bị bệnh đau tim, sinh đẻ sẽ nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó người chồng Cẩm Lai thuộc loại người thích con đàn cháu đống!...Đó là những gì tôi biết về Cẩm Lai, người hàng xóm cùng ngõ hẻm với tôi.
Thực ra thì tuy là cùng ở trong một con hẻm, nhưng những người có xu hướng “Hướng nội” như tôi hầu như không biết mấy về những cư dân ở xung quanh mình. Tôi biết khá rõ và thi thoảng có tiếp xúc với Cẩm Lai vì vợ tôi trước cùng làm trong Bệnh viện với Cẩm Lai và cả ông bố - tên Hài và bà mẹ Cẩm Lai -  tên Hà, - đều xấp xỉ tuổi tôi và cùng có sở thích chơi cờ Vua và thường “giao đấu” rất gay cấn nên thường qua mời tôi làm Trọng tài!
Những ngày cuối tháng ba vừa rồi, ông Hài nói với tôi: “Đầu tháng tư này, vào khoảng mùng 2, sẽ có gần 100 người từng là trẻ babylift từ nhiều quốc gia trên thế giới đến Sài Gòn để tham dự cuộc đoàn tụ “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” do cô Kim Browne, người Anh gốc Việt, tổ chức. Sau đó, khoảng sáng mùng  6, đoàn Babylift sẽ có buổi giao lưu gặp gỡ với bạn đọc báo Tuổi trẻ tại Tòa soạn báo Tuổi trẻ. Nếu anh quan tâm đến vấn đề Babylift hãy đi cùng chúng tôi! Sẽ có nhiều chuyện bất ngờ và thú vị!”. Tôi đồng ý ngay và nói: “Hình như hai người chưa bao giờ nói với tôi thật kỹ về “Chương trình Babylift”? Ông có thể nói rõ hơn cho tôi nghe về cái vụ này và theo suy nghĩ của ông, nó là một chương trình nhân đạo hay bên trong là một toan tính gì khác?”. Ông Hài trầm ngâm một hai phút rồi mới thong thả nói: “Tôi tuy là “người trong cuộc” của cái “Chương trình Babylift”này ((tiếng Anh: Operation Babylift), nhưng tôi chỉ là một nhân viên quèn nên không thể có phán xét gì về cái chương trình Babylift này. Và ngay sau chuyến bay đầu tiên, chuyến bay định mệnh  C-5A đầy bi thảm, tôi đã thoát khỏi cái chương trình Babylift đó và muốn quên nó đi, muốn xóa nó khỏi ký ức!” – “Có những điều không thể xóa được và nó luôn là nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời về sau!” – “Ám ảnh! Ông nói rất đúng, tôi luôn bị ám ảnh bởi tấn thảm kịch C-5A ấy! Thực ra thì đáng lẽ tôi đã mất mạng trong chuyến bay đầu tiên của chiếc vận tải cơ C-5A ấy bởi tôi là lái phụ. Song đến phút chót thì người ta lại thay bằng người khác và tôi được giao lái chính chuyến thứ hai… Là vận tải cơ lớn nhất thế giới thời điểm đó (có thể vận chuyển xe tăng và thậm chí cầu quân sự nặng 70 tấn), một chiếc Lockheed C-5A Galaxy được phái đến Sài Gòn trong sứ mạng Babylift từ căn cứ không quân Clark (Philippines) ngày 4-4-1975. Sau khi hơn 300 trẻ em và người lớn (trong đó có nhân viên Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn) được đưa lên máy bay, C-5A bắt đầu rời đường băng. Cất cánh khoảng 67 phút và cách Tân Sơn Nhất chừng 64 km, C-5A bắt đầu bốc cháy sau tiếng nổ to ở cửa sau (C-5A đáng lý chỉ nên chở không hơn 100 em, bởi chiếc vận tải cơ không đủ mặt nạ ôxy). Phi hành đoàn buộc phải quay lại Tân Sơn Nhất. Khi cách Sài Gòn khoảng 16 km, C-5A bắt đầu rơi, lướt đập vào bờ kè và gần như vỡ vụn! Chỉ có 170 người lớn và trẻ em sống sót với nhiều thương tích. Bà Hà và bé Cẩm Lai là hai người may mắn trong số 170 người sống sót sau thảm kịch đó. Thực ra tôi làm công tác cứu hộ cũng như những người khác, nhưng khi tôi thấy bà Hà đang bế bé Cẩm Lai đã ngất xỉu trên tay, bà nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ và nói giọng yếu ớt: “Anh hãy đưa hai mẹ con em đi khỏi chỗ chết chóc này, đi thật xa!”, rồi cũng ngất xỉu!”.
Ông Hài nói tới đó thì bà Hà đi tới, ngồi xuống bên cạnh, rót nước cho chúng tôi và nói: “Chiến dịch Babylift” – di tản trẻ mồ côi Việt Nam từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác hồi tháng 4-1975 – đã được Tổng thống Gerald Ford bật đèn xanh theo yêu cầu của nhiều tổ chức Công giáo Mỹ”. Tuy là nhân viên lâu năm của Cô nhi viện An Lạc (**), tôi cũng chỉ biết về “Chiến dịch Babylift” ngắn gọn như vậy! Nhưng qua những câu chuyện với các Ma-xơ khác, tôi hiểu đây là một chương trình rất lớn và đầy bí mật, chúng tôi chỉ được biết phần công việc của mình ở giai đoạn đầu là chăm sóc bọn trẻ khi chúng đến nơi ở mới! Tôi ngạc nhiên là sau thảm kịch của chuyến bay đầu tiên C-5A, chiến dịch Babylift không hề suy chuyển và xem chừng còn được xúc tiến mạnh hơn.Từ ngày 4-4 đến 19-4-1975, với 30 chuyến bay được thực hiện, chiến dịch Babylift mang được chừng 2.000 em đến Mỹ và 1.300 em đến Canada, châu Âu và Úc. Sau này tôi mới được biết, chiến dịch Babylift có tham vọng  lớn hơn những con số đó nhiều: mang 70.000 trẻ mồ côi Việt Nam ra khỏi Sài Gòn”.
Bà Hà uống một ly trà rồi trầm ngâm, như nhìn vào nơi vô định, nói nhỏ: “Tôi những tưởng sẽ quên đi được cái quá khứ đau buồn ấy nhưng quả là không thể quên được. Tôi cũng muốn gặp lại những đứa trẻ hồi ấy dù lúc đó chúng chỉ là trẻ sơ sinh, đứa nào cũng bọc trong tã lót trắng tinh, số phận chúng thật mỏng manh như làn gió nhẹ ban mai… Và chục đứa, trăm đứa như một, không  thể phân biệt được chúng với nhau. Nhưng cái cảm giác được nhìn thấy chúng đã là một người lớn thật kỳ lạ! Và mặc dù sẽ có nhiều chuyện buồn hơn chuyện vui, nhưng tôi vẫn muốn gặp lại chúng! À, cái cảm giác của tôi lúc gặp lại chúng hồi năm 2005 thật là lạ: tôi như là thời còn ở Cô nhi viện An Lạc và chúng thì như trở lại là những đứa trẻ sơ sinh!...Tại sao như thế, tôi cũng không hiểu! Vừa rồi, tôi có đọc một bài thơ ngắn của một đứa trẻ Babylift, thật là buồn. Đọc xong bài thơ, tôi cứ ngơ ngẩn hoài. Hình như tác giả là một cô gái. Tôi không còn nhớ tên tác giả nhưng thuộc ngay bài thơ:
Có một cánh cửa trong trái tim tôi,
Không khóa, không chìa, không biển báo
Cánh cửa mở ra một cánh đồng hoa
Đó là nơi cho người trong tim tôi.
Sau cánh cửa từng là tối đen
Cái lạnh rùng mình không sưởi ấm
Hạt mầm hi vọng tôi gieo
Mong một ngày sẽ biết.
Không cái tên nào, nơi nào, ngày nào, thời nào
Từ đó tôi là tôi
Và một nụ hôn người mẹ,
Đã có bao giờ đặt lên má tôi?
*
 Ngoài một số thành viên có mặt tại Việt Nam từ trước, những chuyến bay đầu tiên chở chín “trẻ babylift” hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong hai ngày 1 và 2-4-2010. Ông Hài và bà Hà đều “đi đón” những “trẻ Babylift” ở sân bay.Rồi 10 giờ sáng ngày 6-4-2010, vợ chồng ông Hài, bà Hà và Cẩm Lai tới chỗ tổ chức buổi gặp mặt giao lưu do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tôi cũng muốn đi cùng vợ chồng ông Hài nhưng đúng sáng mùng 6-4, đôi chân đã từng lên rừng xuống biển không biết mỏi của tôi bỗng nhiên giở chứng, không chịu nhúc nhích!
Chiều tối, tôi qua nhà ông Hài bà Hà thì thấy ông Hài và Cẩm Lai đang ngồi nói chuyện với một người đàn bà trạc tuổi bà Hà và mới thoạt nhìn hao hao giống bà Hà. Còn bà Hà thì đang đi tới đi lui trong phòng, chốc chốc lại nói như là người tập thoại kịch. Điều kỳ lạ là những câu mà Hà đang “nói một mình” lại là những câu về “Chương trình Baby Lift”, chẳng hạn như:
-Ngày 3-4-1975, Tổng thống Hoa Kỳ là Geral Ford đã ban hành chương trình Baby Lift Orphan, ra lệnh cho quân đội Mỹ phải đưa tất cả các trẻ em ở các viện mồ côi rời khỏi Việt Nam. Và tính từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 26 tháng tư, có tất cả  26 chuyến bay và 2548 đứa  trẻ được đưa đến Hoa Kỳ.
-Trong chiến dịch di tản đó, một điều vô cùng đáng tiếc đã xảy ra, một chiếc máy bay vừa cất cánh không bao lâu thì bị rơi ngay cạnh sông Sài Gòn khiến cho hơn phân nửa số người có mặt trên chuyến bay cùng với một số trẻ em mồ côi đã chết.

-Theo tôi được biết thì lúc bấy giờ một cánh cửa hông máy bay bị trục trặc và viên phi công đã lo lắng lắm vì chuyện này, nhưng ông ta được lệnh vẫn tiếp tục cất cánh… Chỉ 15 phút sau, cửa sau máy bay bật ra và mặc dù trong tình trạng như thế, ông ấy vẫn cố gắng quay lại ngay Sài Gòn, tiếc thay, đã không còn điều khiển được nữa và máy bay đâm xuống một cánh đồng ở bên sông Sài Gòn. Trên chuyến bay đó, có 230 trẻ em và một số nhân viên, cùng vợ con của họ, phân nửa đã chết, khoảng 180 em. Chuyến bay đó là C-5A và bị rơi vào ngày 4 tháng 4 năm 1975.
Khi thấy tôi tới nhà, ông Hài nói: “Bà Hà nhà tôi từ lúc về nhà đến nay, gần sáu mươi phút rồi, cứ chốc chốc lại “độc thoại” như thế, cứ như là không hề biết có chúng tôi đang ở bên cạnh! Tôi nghĩ phải đi gọi Bác sĩ Thần kinh tới xem thế nào?”. Nhưng Cẩm Lai nói ngay: “Cứ từ từ xem sao? Chắc mẹ con chỉ bị “chập mạch” một lúc là hết liền à! Chuyện này con đã gặp nhiều rồi!”. Nói rồi Cẩm Lai cầm lon nước ngọt trong tủ lạnh đưa cho bà Hà, bà mở lon nước rất bình thản, uống một hơi hết phân nửa lon nước cũng rất bình thản! Nhưng khi đưa lon nước còn lại cho Cẩm Lai xong thì … lại “độc thoại” như ban nãy!
Ông Hài giới thiệu với tôi người đàn bà mà tôi mới thấy lần đầu: “Đây là Ma-xơ Loan, trước cùng làm một chỗ với bà Hà nhà tôi!”. Ma-xơ Loan nhẹ nhàng chào tôi rồi nói: “Khi mới gặp tôi, bà Hà và tôi cùng nhớ lại tấn thảm kịch của chuyến bay C-5A. Không hiểu sao, chúng tôi như là cùng ở giữa gần 200 đứa trẻ sơ sinh người bê bết máu, có rất nhiều đứa bị đứt lìa chân tay, cả đầu nữa! Chúng tôi cùng lịm đi như là bị hút vào cái “Lỗ đen” vũ trụ! … Ngay lúc này đây, cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy những đứa trẻ đó, lúc thì như là tôi đang gói cuộn chúng lại trong những tấm tã lót rồi đặt chúng nằm ngay ngắn trong những hộp giấy cac-ton, lúc thì thấy chúng bị hất văng tung tóe khắp nơi!...”. Tôi có cảm giác như Ma-xơ Loan sẽ sa vào tình trạng “Kể chuyện một mình” như bà Hà nếu như đúng lúc đó, bà Hà không đột ngột dừng “độc thoại” mà đi tới bên Ma-xơ Loan, nắm chặt lấy hai bàn tay Ma-xơ Loan mà nói: “Sơ hãy cứu lấy bọn trẻ! Hãy đưa chúng đi khỏi chỗ chết chóc này!”, rồi bà Hà ngất xỉu!
Sáng hôm sau, tôi lại qua nhà ông Hài thì thấy ông đang ngồi uống rượu suông một mình. Còn bà Hà thì vẫn đi lại trong nhà và liên tục “độc thoại” như hôm qua. Tôi vừa định hỏi ông Hài xem Cẩm Lai đâu thì từ trong buồng vẳng ra tiếng đọc bài thơ hôm trước bà Hà mới đọc cho tôi nghe. Tôi nói với ông Hài: “Cẩm Lai thích bài thơ đó thế cơ à?”. Ông Hài cười méo mó: “Thích thì lại không có chuyện! Bây giờ nó cũng “đọc thơ” liên hồi như bà Hà vậy!”. Tôi giật mình và vụt nghĩ: Không biết ông Hài có thể giống như bà Hà và cô gái Cẩm Lai hay không?
*
Qua báo chí, tôi được biết có bộ phim Chiến dịch Babylift mà đạo diễn Trang Đài vừa làm xong, chuẩn bị trình chiếu trên truyền hình Úc SBS tháng sáu này. Bộ phim dài 52 phút của Trang Đài nhắm vào sự kiện này của chiến tranh vì như Trang Đài so sánh, chưa từng bao giờ có chuyện đưa trẻ em ra khỏi vùng chiến tranh như thế. Trang Đài nói: "Ngay cả sóng thần Indonesia người ta cũng không tổ chức di cư hàng loạt trẻ ra khỏi vùng thảm họa. Cả trong chiến tranh Iraq. Vậy mà điều đó đã xảy ra ở Việt Nam. Và giờ đây nhìn lại, tôi muốn đặt câu hỏi về tính phù phiếm của nó. Nó đã gây quá nhiều đau khổ".
Trang Đài cũng rời khỏi Việt Nam năm 1975, thời điểm lịch sử của những "đứa trẻ Babylift". Rời Việt Nam khi còn quá nhỏ, nên dù có gia đình, Trang Đài cũng dễ đồng cảm với cảm giác trống vắng, cô đơn của những đứa “trẻ Babylift”. Bộ phim Chiến dịch Babylift hoàn tất. Trang Đài nói cô rất mừng vì đã chắp nối được những mảng bối cảnh lịch sử cho những đứa trẻ mồ côi của “chiến dịch Babylift”. Chúng có quyền được biết điều gì đã xảy ra vào những ngày tháng 4-1975, tại sao chúng bị bứt khỏi cội rễ của mình để sống ở một nơi xa lạ. Chắc chắn là nhiều đứa trẻ có cuộc sống tốt, thậm chí rất tốt, nhưng cũng không ít đứa “trẻ babylift” phải trải qua những sư giày vò tinh thần dữ dội, những cảm xúc pha trộn giữa sự bối rối, giận dữ, bị ghét bỏ... Trang Đài nói cô hi vọng sau bộ phim, những "đứa trẻ babylift" sẽ tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử và văn hóa đất nước ruột thịt của mình.Gần đây nhất, Trang Đài cho biết: "Tôi chưa thể hình dung phản ứng khán giả sẽ thế nào, nhưng khi chiếu cho một số "trẻ babylift" xem thử, họ khóc suốt bộ phim".
*
Khi tôi viết tới những dòng cuối của cái truyện ngắn này, tình trạng của bà Hà và Cẩm Lai vẫn chưa có gì biến chuyển. Tôi bảo ông Hài đã gọi Bác sĩ Thần kinh chưa thì ông Hài lại nói: “Bác sĩ Thần kinh cũng sẽ bó tay mà thôi! Theo tôi nghĩ, chỉ có một cách duy nhất là quay ngược thời gian trở lại ngày 1-4-1975 và không để cho Chương trình Baby Lift xảy ra!”.

Sài Gòn, Tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
-----
Chú thích:
(*) Chương trình Operation baby lift : Là “Chiến dịch Babylift” – di tản trẻ mồ côi Việt Nam từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác hồi tháng 4-1975 – đã được Tổng thống Gerald Ford bật đèn xanh theo yêu cầu của nhiều tổ chức Công giáo Mỹ.
 (**) Cô nhi viện An Lạc trước thuộc Biên Hòa, nay thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét