Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Lá thư tuyệt mệnh; Mẹ tôi - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Ảnh riêngẢnh riêngẢnh riêng


Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (124)
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Trích:
Lá thư tuyệt mệnh
; Mẹ tôi là Y tá.

Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 15:36 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Email In PDF.

Giết chết người tình

Một buổi sáng, vào khoảng Năm giờ, đường phố còn vắng tanh, người lượm ve chai, như thường lệ, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để “móc bọc”. Trước cửa các căn nhà, những bịch rác to nhỏ đủ các cỡ, nằm ngổn ngang, bốc mùi hôi thối.

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 15:34 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Email In PDF.

Lá thư tuyệt mệnh

Ông Trần Phú Quý là một Kỹ sư Nông nghiệp, sau khi có cái bằng Thạc sĩ thì lên Trưởng Phòng Nông nghiệp Huyện và hiện là Phó Chủ tịch một Huyện.

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 15:20 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Email In PDF.

Sinh ngày 30/4

30-4Giải Phóng là con trai trưởng của bà chị con ông bác, gọi tôi bằng cậu. Bà chị tôi đặt tên con trai là Giải Phóng để kỷ niệm ngày giải phóng Huế, quê người bố. Ngày giải phóng Huế, cứ ngỡ sẽ sinh con nên bà chị đã đặt tên trước cho con là Giải Phóng, bất luận trai hay gái.

Các bài viết khác...

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Ảnh riêngẢnh riêngẢnh riêng

Lá thư tuyệt mệnh

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 15:34 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Ông Trần Phú Quý là một Kỹ sư Nông nghiệp, sau khi có cái bằng Thạc sĩ thì lên Trưởng Phòng Nông nghiệp Huyện và hiện là Phó Chủ tịch một Huyện.
Vợ ông Trần, tên gọi Lê Vũ Tử Vi, chỉ học Vi tính ở một Trung tâm dạy nghề bình thường, rồi xin vào Ủy ban Huyện làm Vi tính Văn phòng. Nhưng ở đây, cô gái Tử Vi xinh đẹp đã chấm chàng “Nông dân” Trần Phú Quý từ lúc còn là nhân viên của Phòng Nông nghiệp Huyện và từ khi hai người trở thành Phu – Phụ thì anh chàng “Nông dân” thăng quan tiến chức nhanh như diều gặp gió. Cho tới lúc ông Trần lên tới chức Phó Chủ tịch Huyện đặc trách Nông nghiệp thì gia đình ông đã trở thành một Đại gia đứng thứ ba trong Top 5 Đại gia của Huyện…

Về đường con cái, vợ chồng ông Trần có vừa đúng một cặp, một nam, một nữ. Đứa em là con trai, tên gọi Quý Tử, đang học lớp 10 trường Huyện, còn đứa chị là con gái, tên gọi Vi Vi, đang học lớp 11, cũng trường Huyện.
*
Sáng ngày Rằm tháng Giêng, Vi Vi cùng cô bạn cùng lớp đi chơi Vũng Tàu, nói là ngày hôm sau sẽ trở về. Nhưng đã hết ngày 16, vợ chồng ông Trần chờ mãi mà không thấy cô con gái về, gọi vào máy điện thoại di động của Vi Vi thì chỉ có câu “…không liên lạc được!”. Ông Trần và bà Tử Vi đều linh cảm thấy có chuyện bất thường, liền nhờ Công an Huyện làm việc với Công an Vũng Tàu triển khai việc đi tìm cô gái Vi Vi và người bạn…Song, qua hai ngày đêm tìm kiếm khắp hang cùng ngõ hẻm vẫn không thấy một dấu vết gì của hai cô gái!

Tới ngày tìm kiếm thứ ba, vợ chồng ông Trần nhận được một phong bì thư chuyển phát nhanh, dấu Bưu điện Vũng Tàu ngày 1-3-2010 tức ngày 16 tháng Giêng. Mở phong bì thư ra là hai tờ giấy xé từ một cuốn vở học sinh, được viết kín. Vợ chồng ông Trần bàng hoàng, kinh ngạc khi đó là bức thư tuyệt mệnh của cô con gái Vi Vi. Hai vợ chồng ông Trần nghiến ngấu đọc…Đọc đi đọc lại đến lần thứ ba thì ông Trần nói với vợ: “Ngoài tôi và em ra, không có người thứ ba được biết lá thư này!”. Bà Tử Vi cũng nói ngay: “Đúng vậy! Chúng ta coi như không có bức thư này! Ông hãy đốt bức thư đi!... Và cứ tiếp tục công việc tìm kiếm con bé Vi Vi và đứa bạn!”. Nhưng trước khi đốt bức thư, tôi muốn hỏi em cho rõ một số chuyện mà con bé đã viết trong thư!”. Bà Tử Vi nhanh tay giật lá thư từ tay ông Trần, lừ lừ nhìn ông Trần và nói nhỏ: “Nếu thế tôi cũng phải hỏi lại ông vài chuyện! Và ông có biết kết cục sẽ ra sao không? Chúng ta sẽ tàn sát lẫn nhau! Và như thế thật không hay chút nào!” – “Vậy bây giờ ý em thế nào?” – “Thì tôi đã nói rồi: đốt ngay bức thư và coi như không có bức thư này!” – “Nhưng em đã cắm sừng tôi bao nhiêu năm nay và coi tôi như thằng ngốc! Làm sao tôi coi như không có gì được?” – “Thì ông cũng lén lút nuôi bồ nhí khắp nơi, tội còn nặng hơn tôi nhiều lần! Vậy không bỏ qua thì ông muốn bị xử phạt chắc?” – “Người bị xử phạt chính là bà chứ không phải tôi!” – vừa dứt lời, ông Trần bất ngờ nhào tới chụp cổ vợ mà bóp mạnh. Bà Tử Vi như là đã chuẩn bị trước, dùng hai tay đánh mạnh vào “hạ bộ” ông Trần khiến ông đau điếng, té ngửa. Bà Tử Vi tức thì nhào tới, túm ngay cái cà- vạt trên cổ ông Trần, cuốn một vòng rồi siết mạnh. Song, ông Trần vẫn còn đủ sức chụp lấy cổ bà vợ mà bóp mạnh! … Chỉ hai phút sau thì cả hai người cùng ngất xỉu!

Ngay từ khi hai vợ chồng ông Trần đọc xong bức thư thì cậu con trai Quý Tử đã đến bên ngoài cánh cửa căn phòng và thấy hai ông bà nói những câu “lạ tai” thì đứng nghe hết cuộc đối thoại của hai người. Khi hai vợ chồng ông Trần cùng ngất xỉu thì cậu con trai bước vào, lấy bức thư của chị gái rồi lặng lẽ bước ra, đi lang thang đường phố!
*
Sau khi đọc tới chục lần lá thư tuyệt mệnh của chị gái, Phú Quý nhập nguyên văn lá thư của Vi Vi vào Blog của mình rồi đi Vũng Tàu tìm chị. Sau nửa ngày lang thang ở Vũng Tàu, khi đi qua cửa một căn nhà nọ, Phú Quý thấy từ trong nhà vọng ra tiếng hát của một ca sĩ đang hát trên tivi bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”: Mùa hoa Lê-ki-ma nở / ở quê ta miền đất đỏ… Phú Quý vụt nghĩ: “Chị Vi Vi của mình rất thích bài hát này và cũng thích cả nhân vật Võ Thị Sáu. Chị đã để mái tóc giống y chang kiểu tóc của nhân vật chị Võ Thị Sáu. Chị cũng nói sẽ có ngày phải ra Côn Đảo viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Vậy lúc này tất chị đã đến Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo rồi!”. Vừa nghĩ tới đó, Phú Quý quyết định ra Côn Đảo…

Phú Quý là bạn học một lớp với đứa cháu của tôi – tác giả truyện ngắn này. Phú Quý, đứa cháu tôi và tôi là “bạn cư dân mạng” nên tôi thường vào Blog của Phú Quý (cũng như nhiều bạn nhỏ lứa tuổi 8X, 9X khác) để “trẻ hóa cảm xúc” và đã bắt gặp lá thư tuyệt mệnh của cô gái Vi Vi. Sau đây là nguyên văn lá thư tuyệt mệnh đó.
*
Vũng Tàu, 28-2-2010
Kính gửi Mẹ kính yêu và anh trai quý mến!

Khi hai người thân yêu nhất của con đọc được lá thư này của con thì sóng biển đã đưa con ra tận ngoài xa khơi rồi! Chắc là hai người sẽ hỏi tại sao con lại hành động điên rồ như thế? Chính con cũng không biết phải làm như thế nào khi mà con phải chứng kiến những điều không thể tưởng tượng nổi?

Thưa mẹ, con sẽ phải làm sao khi được biết rằng con không phải là “giọt máu” của bố mà là một đứa con hoang? Và thật là kinh hoàng khi còn được biết rằng chính mẹ đã phụ tình bố đẻ của con và còn tàn nhẫn liên kết với ông ta – tức người chồng hiện nay của mẹ, tức người bố hợp pháp của con -, để hại bố đẻ của con, tức người yêu cũ của mẹ -, đẩy người thanh niên tài giỏi nhưng thật thà đến ngốc nghếch ấy vào nhà tù!...Vậy mà suốt 15 năm qua, con không hề biết gì cả, con đã thật thà và ngốc nghếch như bố đẻ của mình mà “gọi giặc là cha”! Đã hơn một năm nay, con đã âm thầm đi tìm người bố đẻ thực sự của mình nhưng con đã không tìm ra! Không biết bố đẻ của con đã chết trong nhà tù hay lưu lạc phương trời nào? Có đúng như mấy ông thầy tướng số nói thì bố đẻ của con đã “mất tích” rồi! Ôi, vậy là suốt cuộc đời còn lại của mình, con sẽ phải đi tìm một người bố vô tăm tích? Biết đến bao giờ mới tìm thấy? Có những lúc con tính sẽ tìm mọi cách để làm cho mẹ “sống lại những ngày mộng mơ, kỳ ảo” của “Mối tình đầu” mà đi tìm bố đẻ cho con nhưng rồi con lại nghĩ, người đã nhẫn tâm giẫm đạp lên tình yêu rồi thì khó mà có thể “hồi tâm, chuyển ý”, người đã đi cùng với ma quỷ, dù chỉ một chặng đường ngắn cũng khó có thể “cải tà qui chính”, có thể “hoàn lương”!... Nhưng, mẹ ơi, dẫu sao thì mẹ vẫn là mẹ của con, con bao giờ cũng không quên ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, và dù cho mẹ đã phụ tình bố đẻ của con, nhẫn tâm dồn bố đẻ của con vào chỗ chết thì con vẫn không bao giờ nghĩ mẹ là người có tội, con chỉ nghĩ rằng có một con quỷ đã mượn thân xác của mẹ!...Vì thế, chỉ có mẹ mới có thể đuổi con quỷ độc ác ấy ra khỏi con người xương thịt của mẹ mà thôi! Với lòng kính yêu vô vàn của đứa con gái bé bỏng với mẹ, con cầu xin mẹ hãy để cho những ngày tươi đẹp của “Mối tình đầu” của mẹ được sống lại, dù trong thời gian rất ngắn ngủi, rồi dắt con đi tìm người bố tội nghiệp của con!

Mẹ ơi, một lần con gặp bố đẻ của con trong giấc mộng ngắn ngủi, bố đẻ của con đang đeo mặt nạ phòng độc để phun thuốc trừ sâu trên ruộng lúa thí nghiệm của Phòng Nông nghiệp Huyện thì bắt gặp ông Ngoại bị ai đó đánh ngất xỉu rồi quẳng xác xuống ruộng. Người đã vác xác ông Ngoại chạy đến Bênh viện Huyện để cấp cứu nhưng không kịp, ông Ngoại đã chết! Vậy mà chỉ sau đó năm phút, công an Huyện đã đến Bệnh viện bắt Người về tội giết người, tức giết ông Ngoại!...Tất cả những hình ảnh của quá trình “giết người” đó của bố đẻ của con hiện ra rất rõ, vậy mà con thật không hiểu tại sao khi công an lấy lời khai bổ sung cho vụ án, mẹ đã nói là bố đẻ của con đã từng xung đột rất dữ dội với ông Ngoại vì ông Ngoại không cho cưới mẹ, sao mẹ lại sáng tác ra cái nguyên nhân phạm tội, cái lý do giết ông Ngoại của người yêu của mình như vậy?

Mẹ ơi, con cũng thật không hiểu tại sao người ta lại nhanh chóng khép lại vụ án “Xác chết trên ruộng lúa” nhanh như thế, kết tội bố đẻ của con là thủ phạm giết ông Ngoại nhanh như thế mà không tiến hành điều tra gì cả, khám nghiệm tử thi cũng không? Bố đẻ của con vô tội! Đó là điều chắc chắn! Vậy thực ra thủ phạm là ai? Cái chết của ông Ngoại có lợi cho ai? Bố đẻ của con bị loại ra khỏi cuộc sống có lợi cho ai? Con đã suy nghĩ mãi về những câu hỏi đó. Ôi, giá như con là một thám tử lừng danh như Sloc Hom thì tốt biết bao nhiêu, con sẽ lôi cổ thủ phạm ra ánh sáng, trả lại sự trong sạch cho bố đẻ của con! Và con đã tới Thư viện đọc hết những cuốn sách về Sloc Hom, đọc cả những cuốn sách về những nhân vật phá án tài ba như Địch Nhân Kiệt đời nhà Đường, Bao Công đời nhà Tống bên Tàu…và quả nhiên, con đã dần dần thấy rõ những diễn biến của vụ án. Con có thể nêu ra đây giả thiết: Tối hôm đó, ông Ngoại bị kẻ trộm đánh chết để cướp số tiền khá lớn mà ông đã chuẩn bị để sáng hôm sau mua phân bón và thuốc trừ sâu. Thửa ruộng thí nghiệm của Phòng Nông nghiệp Huyện ở gần nhà ông Ngoại nên kẻ giết người đã quẳng xác ông Ngoại xuống ruộng lúa. Sáng hôm sau, bố đẻ của con ra phun thuốc trừ sâu ở thửa ruộng thí nghiệm đó thì thấy xác của ông Ngoại và đã vác xác ông Ngoại chạy một mạch tới Bệnh viện Huyện. Nếu như bố đẻ của con là kẻ đã giết ông Ngoại thì không thể vác xác ông Ngoại chạy trên một quãng đường dài hơn ba ki-lô-mét như thế được! Còn tại sao bố đẻ của con lại bị kết tội là thủ phạm thì mẹ và người chồng của mẹ, tức người bố hợp pháp của con hiện nay là người biết rõ! Ôi, con ước gì có thể đọc được ý nghĩ của mẹ? Song, con cũng có thể suy luận ra đường dây cơ bản của vụ án có màu sắc ái tình ở đoạn cuối như sau: Lúc đó, ông bố hợp pháp của con, tức ông Phú Quý, đang là Trưởng phòng Nông nghiệp Huyện, đang mê đắm cô Lê Vũ Tử Vi, hiện đã là người yêu công khai của anh chàng Kỹ sư Nông nghiệp Phan Lực Điền. Ông Phú Quý đang tìm mọi cách để giành được cô gái Tử Vi từ tay anh chàng Lực Điền thì một cơ hội Trời cho xuất hiện: ông ta đang lảng vảng bên nhà Tử Vi và đã chứng kiến toàn bộ quá trình đánh người cướp tiền rồi quẳng xác xuống ruộng của bọn cướp. Lập tức, ông Phú Quý đã lên một kế hoạch: ngay sáng hôm sau, ra lệnh cho anh chàng Lực Điền tới phun thuốc trừ sâu cho thửa ruộng thí nghiệm của Phòng Nông nghiệp để anh ta tiếp cận với xác chết và trở thành người bị tình nghi đầu tiên của vụ án. Để cho tình nghi nhanh chóng trở thành thủ phạm thì không phải là một việc khó đối với một cán bộ cấp Trưởng phòng, đối với một kẻ si tình đang muốn loại bỏ đối thủ bằng mọi cách nhanh nhất!...

Mẹ ơi, viết đến đây, con chỉ muốn hỏi mẹ một câu: Lúc đó mẹ có còn yêu bố đẻ của con không và kẻ thứ ba kia có dùng thủ đoạn gì để ép buộc mẹ phải nghe theo nó không? Con hỏi như vậy vì con biết chắc chắn rằng mẹ không hề yêu cái ông Phú Quý này. Bằng chứng là mẹ đã giấu ông ta việc mẹ đã có thai với người yêu cũ được gần hai tháng, bằng chứng là ông Phú Quý quan hệ luyến ái với những ai mẹ không thèm quan tâm mà mẹ cũng có người tình bí mật! Con hỏi là hỏi vậy thôi chứ con cũng không chờ câu trả lời của mẹ, bởi có những điều không thể diễn đạt ra thành ngôn ngữ thông thường!

Mẹ ơi, lúc đầu con dự tính sẽ tự điều tra để lật lại vụ án “Xác chết trên ruộng lúa”. Việc này không khó vì có một anh công an hình sự đang đeo bám con và “xin chết” bất cứ lúc nào. Con chỉ cần ra điều kiện lật lại vụ án “Xác chết trên ruộng lúa” thành công thì sẽ thành người của anh ta là xong! Nhưng con lại không muốn làm như thế vì mẹ tất sẽ bị liên quan, mà con không thể lại “điều tra” người mẹ kính yêu của mình! Vì thế, con phải chọn một cách để giữ trọn được đạo hiếu với mẹ: đi gặp bố để xin bố tha thứ cho mẹ và nếu như Ông Trời thương tình thì kiếp sau gia đình ta lại đoàn tụ!

Mẹ kính yêu, em trai quý mến!
Thư một bức ngàn lời tâm huyết, con không thể viết được nữa vì lá thư đã ướt đẫm nước mắt! Con đi đây! Lạy mẹ…Chào em trai, em hãy thay chị chăm sóc mẹ!
*
Khi cậu em trai Quý Tử tới Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo thì người bảo vệ Nghĩa trang nói là có hai cô gái, trong đó có một cô rất giống chị Võ Thị Sáu, đã tới viếng mộ chị Võ Thị Sáu và ở lại rất lâu bên mộ người con gái Anh hùng miền đất đỏ. Cô gái đó còn hát rất hay bài hát “Mùa hoa Lê-ki-ma…” nữa! Nhưng đã thuê một chiếc thuyền buồm của dân chài rồi nói là đi thám hiểm đại dương, xa khơi gì đó! Chắc là giờ đang lênh đênh trên biển!

Cậu em trai Quý Tử vì không biết bơi nên đã không thể mạo hiểm vượt biển để đi tìm chị nên đã quay về và tìm đến hỏi tôi – tác giả truyện ngắn này -, xem nên làm gì tiếp theo? Tôi lập tức hỏi ngày tháng năm sinh của Vi Vi rồi lên lá số tử vi của cô bé. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, tôi nói với cậu bé Quý Tử: “Theo như lá số tử vi của chị cậu thì chị cậu sống tới những 90 tuổi! Chắc là chỉ chục ngày nữa là trở về thôi!”. Khi cậu bé Quý Tử đi về rồi, tôi mới gửi Email cho cậu ta: “Xin lỗi vì tôi không thể nói thành lời điều này: Chị gái Vi Vi của cậu có tướng chết non, lẽ ra đã chết từ khi mới hai tháng thai trong bụng mẹ, nhưng vì có Quý nhân phò trợ nên giải thoát và giúp cho sống thêm 16 năm nữa, tức là năm nay đó!”.
Sài Gòn, 3-3-2010
ĐỖ NGỌC THẠCH
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch 
Ảnh riêngẢnh riêngẢnh riêng

Mẹ tôi là y tá

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 15:05 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
ytaThông thường, người ta chỉ muốn “khoe” cha, mẹ của mình khi làm “Ông nọ Bà kia”. Nhưng tôi và cô bạn Hiền Lương thì lại muốn “khoe” mẹ của mình là Y tá. Thực ra, chỉ sau này, khi đã đi làm ở các cơ quan Nhà nước được khoảng năm năm, tôi mới có ý thức về sự phân biệt cao thấp, lớn bé của các vị trí viên chức trong các cơ quan công quyền.
Việc làm Y tá của mẹ tôi và mẹ cô bạn Hiền Lương có cái gì đó bất bình thường, mà mãi sau này, khi mẹ tôi sắp qua đời tôi mới được biết tường tận. Mới đọc mấy dòng này, thế nào cũng có người hỏi: Tại sao tôi không chỉ tập trung nói về mẹ của mình mà lại có cả mẹ của cô bạn Hiền Lương nào đó? Tôi xin nói ngay, mẹ tôi và mẹ của cô bạn Hiền Lương là chị em sinh đôi, mẹ tôi tên Thao Giang, là chị, còn mẹ Hiền Lương tên Lô Giang, là em, đương nhiên. Còn tôi và Hiền Lương chỉ coi nhau là bạn mà không phải là anh em con Dì con Già vì Hiền Lương không phải là con đẻ mà chỉ là con nuôi, nhưng mẹ Hiền Lương coi như con đẻ vì đã nuôi Hiền Lương từ lúc mới lọt lòng!
*
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hai chị em Thao Giang và Lô Giang đều đã học hết bậc Trung học, nên khi lên chiến khu tham gia kháng chiến đều được gọi đi học: người chị Thao Giang học Sư phạm, còn người em học Y. Lúc đó, chưa có trường Đại học như bây giờ, nên khi tốt nghiệp chỉ tương đương trình độ Trung cấp, tức cô chị Thao Giang về làm giáo viên Cấp Hai (từ lớp 5 đến lớp 7, hệ 10 năm), còn cô em Lô Giang về làm Y sĩ. Thời kỳ kháng chiến lúc đó, trình độ văn hóa, chuyên môn như thế đã là cao vì so với mặt bằng văn hóa chung của đất nước thì còn có tới 80% là mù chữ!
Cả tôi và Hiền Lương đều được sinh ra khi mẹ tôi ( tức người chị Thao Giang) và mẹ Hiền Lương còn đang học ở trường Sư phạm và trường Y, nên khi hai người mẹ học xong và đi làm ở đâu thì chúng tôi làm sao mà biết?
Sau kháng chiến, tất cả chúng tôi đều về sống ở Hà Nội, cùng thuê chung một căn nhà. Lúc đầu, cả mẹ tôi và mẹ Hiền Lương đều không đi làm ở cơ quan Nhà nước mà mẹ Hiền Lương thì bán xôi đậu xanh, còn mẹ tôi thì bán xôi gấc. Thực ra hai người cùng làm hàng và cùng bán với nhau, tuy lúc bán thì mẹ tôi lo thúng xôi gấc còn mẹ Hiền Lương lo thúng xôi đậu xanh. Song, hai người ngồi cạnh nhau, có thể thay nhau xử lý mọi việc, cho nên tuy hai mà một!
Lúc đó, việc buôn bán như thế không phổ biến đại trà như bây giờ và bị coi như “ngoài vòng pháp luật”, có thể bị mấy anh cán bộ Thuế vụ bắt bất cứ lúc nào! Song, hai cô hàng xôi Thao Giang và Lô Giang khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh nên thoáng thấy “động” là đội thúng xôi lên đầu mà “ù té quyền”!
Tôi và Hiền Lương lúc đó đã bảy, tám tuổi, thường đi bán phụ cho hai người mẹ nên công việc rất nhanh chóng kết thúc, chỉ khoảng chín giờ sáng là đã có thể thu dọn chiến trường. Chính vì tôi và Hiền Lương thường đi bán xôi với mẹ nên khi vừa thò mặt tới trường là mấy đứa hay trêu chọc hát liền bài hát “Cô hàng xôi”: Cô hàng xôi ơi / Bán tôi hai hào / Bán cho rẻ nhé / thêm tí hành phi / thêm tí hạt tiêu / ới cô hàng xôi /…xôi cô ngon ghê / nhưng mà tôi chê / móng tay cô dài / cô gãi lên đầu / chấy rơi vào xôi…
Lúc đầu, nghe chúng bạn hát thế, Hiền Lương tỏ vẻ bực tức, nhưng tôi bảo: “Kệ chúng nó! Rồi thế nào chúng cũng bị kết tội xuyên tạc bài hát!” (Vì đó là lời nhại bài gốc “Hoa Chăm Pa” và lúc đó sự “nhại lời” những bài hát đã nổi tiếng, đã phổ biến được coi như là hành vi phản động!). Mấy đứa kia sau khi biết tôi nói vậy thì sợ, không dám hát trêu chọc nữa!
*
Một hôm, chúng tôi mới bán được non nửa thúng xôi thì hai cán bộ Thuế vụ đột ngột xuất hiện, ngồi thành hai đống lù lù trước hai thúng xôi! Cả hai người mẹ và hai đứa con chúng tôi đều tròn mắt kinh ngạc, nổi da gà và tất nhiên là không thể chạy như mọi khi mà ngồi chết lặng! Hai cán bộ Thuế vụ kéo cái “xà-cột” (loại túi công tác lúc đó, thường đeo lủng lẳng bên hông, có người lại thích để lủng lẳng phía trước, cho thiên hạ sợ!) lên đùi, lấy ra kẹp giấy tính viết phạt thì có hai người khách đang ngồi ăn xôi cạnh đó (chúng tôi có đem theo vài cái ghế con để ai muốn ăn ngay tại chỗ thì ngồi), đến sát bên hai người cán bộ Thuế vụ, rút ra hai cái thẻ gì đó rồi chìa ra trước mặt hai người kia, đồng thời nói nhỏ đủ cho hai người cán bộ Thuế vụ nghe rõ: “Đây là đối tượng của chúng tôi đang “Làm việc”, các anh không được đụng vào!”. Hai người cán bộ Thuế vụ thấy vậy thì đứng dậy, lẳng lặng “rút quân” ! Hai người khách đang ăn xôi chờ cho hai người cán bộ Thuế vụ đi xa thì cười cười rồi nói: “Hai người không phải sợ bất cứ ai, có chúng tôi “canh chừng” thì không ai dám “làm gì” cả!”…
Về nhà, hai người mẹ cứ suy nghĩ mãi về hai người khách ăn xôi, không biết vì sao họ lại “quan tâm đặc biệt” đến mình như vậy? Không cần đợi lâu, sáng hôm sau, khi hai người mẹ vừa đặt thúng xôi xuống chỗ bán xôi quen thuộc thì hai người khách ăn xôi đặc biệt hôm qua xuất hiện, kéo ghế ngồi trước thúng xôi và cùng nói: “Hôm nay chúng tôi mở hàng, hẳn sẽ rất đắt hàng!”. Vừa ăn xôi, hai người khách này vừa nhỏ nhẹ hỏi dăm ba câu và kín đáo đưa tình qua ánh mắt với hai “Cô hàng xôi”!...Trước khi đi, hai người khách ăn xôi còn hát bài “Cô hàng xôi” và cố ý dừng ở câu:… Cô hàng xôi ơi / Tôi muốn cùng cô / Kết duyên trọn đời!
Buổi trưa, khi ăn cơm, cả mẹ tôi và mẹ Hiền Lương không nói câu nào, khác hẳn những bữa ăn mọi khi, nói đủ thứ chuyện. Như là không chịu nổi sự im lặng như thế, Hiền Lương nói: “Con thấy có vẻ như hai người khách ăn xôi kia muốn cưới mẹ Lô Giang và bá (bác) Thao Giang?”. Mẹ Hiền Lương nói như quát: “Không được nói bậy! Mẹ Lô Giang đã quyết không lấy chồng để nuôi Hiền Lương. Còn mẹ Thao Giang thì ai mà lớ xớ đụng vào, ông Tiểu đoàn trưởng về bắn vỡ sọ!”. Không ngờ Hiền Lương nói ngay, mà giọng điệu như người lớn: “Mẹ không thể ở vậy suốt đời được! Mẹ phải lấy chồng thì mới có người bảo vệ, mới có chỗ dựa chắc chắn! Mẹ không nhớ hôm hai người cán bộ Thuế vụ định “bóp nặn” chúng ta à? Nếu không có hai người khách ăn xôi thì lỗ nặng! Còn bố sĩ quan của chúng ta thì có mấy khi về nhà, đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”! Con nói có đúng không?”. Mẹ tôi lúc ấy mới nói: “Con Hiền Lương còn nhỏ mà nói đúng lắm! Tôi có cảm giác bất an, lúc nào cũng thấy thấp thỏm!...Có lẽ chúng ta phải nghỉ bán xôi, tới Bệnh viện nào đó xin việc làm, tôi nghĩ chắc không khó vì Bệnh viện nào cũng sẽ rất thiếu người!”. Mẹ Lô Giang nghe nói vậy thì có vẻ như tán đồng nhưng lại băn khoăn: “Em thì không nói làm gì, với chuyên môn như em, chắc chắn người ta sẽ nhận ngay. Nhưng còn chị, ai lại nhận cô giáo vào làm việc ở Bệnh viện?”. Mẹ tôi nói ngay: “Cô giáo chẳng lẽ không làm được Hộ lý? Rồi tôi sẽ xin đi học lớp Y sỹ tại chức!”. “Như thế thì vất vả cho chị quá!” – mẹ Lô Giang thở dài. Còn mẹ tôi thì như là nuốt tiếng “thở dài” vào trong bụng, tuy nhiên hai giọt nước mắt vẫn cứ lăn ra…
*
Hai chị em Thao Giang và Lô Giang bàn tính với nhau ngày hôm sau sẽ đến Bệnh Viện Phủ Doãn để xin việc vì người em Lô Giang hy vọng sẽ có người cùng học lớp Y sĩ với mình hồi ở chiến khu đang làm việc ở đó giới thiệu. Khi đến Bệnh viện Phủ Doãn, quả nhiên gặp tới hai người cùng học rồi cùng làm việc với nhau một thời gian sau khi kết thúc khóa học, nhưng cả hai người cùng nói: “Bạn thật không may rồi! Cái ông Trần Mã, cán bộ phụ trách vấn đề nhân sự của chiến khu hồi ấy, người đã định chiếm đoạt trinh tiết của bạn không được rồi kỷ luật đuổi việc bạn khi có chuyện bệnh nhân tử vong ấy, giờ làm chức gì đó to lắm ở trên Sở Y tế, vợ cũng là cán bộ Tổ chức của Bệnh viện này. Việc bạn xin vào làm ở đây thế nào cũng phải qua sự phê duyệt của vợ chồng ông ta! Chắc là sẽ khó đấy!”. Bàn tính mãi, cuối cùng người bạn kia chặc lưỡi nói: “Cứ thử xem sao vậy! Biết đâu giờ ông ta lại có tấm lòng Bồ Tát mà nhận các bạn vào làm ở Bệnh viện này cũng nên? Thời gian có thể làm thay đổi tính nết con người mà!”.
Quả nhiên, khi người bạn dẫn hai chị em Thao Giang và Lô Giang đến gặp vợ ông Trần Mã, rồi gặp ngay cả ông Trần Mã, đều rất vui vẻ, đều nói Bệnh viện đang rất cần người có chuyên môn giỏi và nhiệt tình công tác, yêu nghề và quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề Y này... Nhưng hôm sau, khi hai chị em đến Bệnh viện để làm thủ tục thì bà vợ ông Trần Mã nói: “Vấn đề của cô hóa ra lại rất phức tạp, vừa có “tiền án” lại có chuyện thành phần lý lịch. Vậy cô phải lên Sở Y tế, ở trên đó mới có thẩm quyền quyết định!”. Khi lên Sở Y tế, hình như ông Trần Mã đã chờ sẵn. Tuy nhiên, ông Trần Mã không nói ngay đến chuyện xin vào Bệnh viện mà cứ hỏi hết chuyện nọ sang chuyện kia. Chẳng hạn như từ ngày về Hà Nội sinh sống thế nào, sức khỏe có tốt không, đêm ngủ có ngon không, có hay gặp ác mộng không, v.v…Trong khi nói chuyện, ông Trần Mã cứ nhìn xoáy vào ngực hai chị em, lại còn thỉnh thoảng cứ đụng chân, đụng tay…Hai chị em đều “đọc” được cái ý nghĩa thực sự đằng sau những câu chuyện vòng vo Tam quốc của ông Trần Mã, đã có đến ba lần, hai chị em ra hiệu cho nhau “rút quân” nhưng không hiểu sao không dứt khoát được? Cuối cùng thì ông Trần Mã cũng thò cái đuôi cáo ra , kết thúc buổi gặp bằng lời hứa: “Chúng tôi sẽ họp bàn lại trong Ban lãnh đạo, sẽ cố gắng chọn cách giải quyết tốt nhất, song còn phải xem “thành ý” của các cô ra sao?”.
Buổi tối, hai chị em Thao Giang và Lô Giang đang ngồi thở ngắn than dài với nhau thì ông Trần Mã bất ngờ xuất hiện như người tàng hình và nói ngay: “Chúng tôi đã nhất trí nhận cả cô Lô Giang và cô Thao Giang vào Bệnh viện làm việc. Cô Lô Giang sẽ làm nhiệm vụ Y tá. Sau một thời gian thử thách, nếu có biểu hiện tốt sẽ được làm đúng khả năng đã được đào tạo là Y sĩ. Còn cô Thao Giang cứ tạm thời làm Hộ lý, với trình độ văn hóa cao như cô, khi nào có lớp học Y tá sẽ bố trí cho đi học. Nếu học giỏi, có thể học lên Y sĩ, thậm chí tới Bác sĩ!”. Cả hai chị em không ngờ kết quả lại bất ngờ như vậy thì cùng cảm ơn rối rít. Ông Trần Quả liền nói tiếp: “Không thể chỉ cảm ơn suông như thế, mà phải bằng hành động thực tế!”. Cả hai chị em lại đồng thanh nói: “Chúng em sẽ tích cực làm việc, không ngại khó khăn, gian khổ!”. Ông Trần Mã cười nói: “Tôi nghe những lời hứa như thế quá nhiều rồi, ai cũng nói như thế! Giờ tôi muốn các cô phải bằng hành động thực tế? Vậy mà các cô không hiểu sao, cô Lô Giang?”. Ông Trần Mã nhìn xoáy vào Lô Giang, ánh mắt ma quái của ông ta như đàn côn trùng bò khắp cơ thể cô gái, khiến cô rùng mình, nổi da gà!
Đúng lúc đó, hai người khách ăn xôi bất ngờ xuất hiện như từ trên trời rơi xuống! Một người đứng ở cửa, như có ý nói “Tất cả ngồi im! Nội bất xuất, ngoại bất nhập!”. Một người nhẹ nhàng đi lại gần chỗ hai chị em Thao Giang và Lô Giang, dịu dàng nói: “Tại sao hai chị em không bán xôi nữa mà không nói một tiếng, để chúng tôi nhịn đói hai ngày hôm nay rồi?”. Hai chị em ngớ người, chưa biết phản ứng thế nào thì người này tiến sát đến bên ông Trần Mã, nói nhẹ nhàng nhưng trong giọng nói ẩn chứa rất nhiều sát khí: “Xin chào Mã Tiên sinh! Nghe danh Mã Tiên sinh đã lâu mà hôm nay mới được diện kiến, quả là “danh bất hư truyền”, Mã Giám Sinh của Thi hào Nguyễn Du làm sao sánh bằng? Lần này thì Ban Bảo vệ nội bộ có đầy đủ bằng chứng sinh động, cụ thể chứ không chỉ “nghe nói” nữa rồi!”. Ông Trần Mã từ nãy vẫn đứng yên bất động, giờ thì giật mình, luống cuống , song ông ta cũng kịp lấy lại “sự bình tĩnh nghề nghiệp” và đi lại cạnh người đứng ở cửa, nói cái gì đó với người này và hai người cùng đi ra ngoài!
*
Sau lần “đụng độ” giữa ông Trần Mã và “hai người ăn xôi”, thực ra là hai cán bộ của Ban Bảo vệ nội bộ - những người có sức mạnh ngầm -, hai chị em Thao Giang và Lô Giang được nhận vào làm việc ở Bệnh viện, người chị Thao Giang làm Hộ Lý, người em Lô Giang làm Y tá. Một tháng sau thì người chị được cử đi học một khóa Y tá chín tháng, còn người em Lô Giang thì lên xe hoa với một trong hai người khách ăn xôi kia! Sau khi cưới chồng, hai mẹ con Lô Giang không ở với người chị Thao Giang nữa mà Lô Giang phải về nhà chồng làm một nàng dâu thảo hiền!
Lâu lâu, hai mẹ con Lô Giang mới đến thăm người chị Thao Giang. Lần nào cũng vậy, vừa nhìn thấy chị Thao Giang, người em Lô Giang đều nhào tới chị rồi khóc nức nở như là ở nhà chồng không thể được khóc! Khóc tới năm phút, Lô Giang mới nói với chị: “Chị ơi, em khổ quá! Chồng em nó vũ phu quá, hơi tí là đánh em không hề nương tay!”. Nói rồi lại khóc mãi, không nói gì được cho tới lúc chia tay!
*
Từ sau khi mẹ con Lô Giang và Hiền Lương về nhà người chồng Lô Giang, tôi không có dịp gặp lại hai mẹ con nữa. Có hỏi mẹ Thao Giang nhưng mẹ như là không muốn nói. Ngay cả chuyện tại sao mẹ Thao Giang thôi không làm cô giáo nữa, mà lại làm Y tá , phải đi học lại từ đầu và công việc thì cực nhọc, vất vả hơn làm cô giáo rất nhiều, mẹ cũng không muốn nói….Mãi tới khi mẹ Thao Giang bệnh nặng, có vẻ như sắp qua đời, mẹ mới nói: “Nếu như không có đợt tăng cường lực lượng cho các Bệnh viện dã chiến ở chiến trường thì có lẽ dì Lô Giang sẽ chết lụi dưới tay người chồng vũ phu! Nhưng vào Quân Y được ba năm thì Thần Chết ở chiến trường đã bắt dì ấy đi rồi! Thật tội nghiệp!... Còn việc tại sao mẹ lại bỏ nghề cô giáo mà chuyển sang làm Y tá thì không thể giải thích được tại sao? Con không nhớ câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Thì đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa” sao?”.
Sài Gòn, cuối tháng 2-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch 
Ảnh riêngẢnh riêngẢnh riêng

Ảnh riêngẢnh riêngẢnh riêng
nguồn: vannghechunhat.net
Tìm tag: truyện ngắn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét