Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Mẹ tôi là Y tá; Mẹ tôi ngày nào...; Sinh ngày 30 tháng 4 - Đ.N.T

 

MẸ TÔI LÀ Y TÁ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Thông thường, người ta chỉ muốn “khoe” cha, mẹ của mình khi làm “Ông nọ Bà kia”. Nhưng tôi và cô bạn Hiền Lương thì lại muốn “khoe” mẹ của mình là Y tá. Thực ra, chỉ sau này, khi đã đi làm ở các cơ quan Nhà nước được khoảng năm năm, tôi mới có ý thức về sự phân biệt cao thấp, lớn bé của các vị trí viên chức trong các cơ quan công quyền.
Việc làm Y tá của mẹ tôi và mẹ cô bạn Hiền Lương có cái gì đó bất bình thường, mà mãi sau này, khi mẹ tôi sắp qua đời tôi mới được biết tường tận. Mới đọc mấy dòng này, thế nào cũng có người hỏi: Tại sao tôi không chỉ tập trung nói về mẹ của mình mà lại có cả mẹ của cô bạn Hiền Lương nào đó? Tôi xin nói ngay, mẹ tôi và mẹ của cô bạn Hiền Lương là chị em sinh đôi, mẹ tôi tên Thao Giang, là chị, còn mẹ Hiền Lương tên Lô Giang, là em, đương nhiên. Còn tôi và Hiền Lương chỉ coi nhau là bạn mà không phải là anh em con Dì con Già vì Hiền Lương không phải là con đẻ mà chỉ là con nuôi, nhưng mẹ Hiền Lương coi như con đẻ vì đã nuôi Hiền Lương từ lúc mới lọt lòng!
*
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hai chị em Thao Giang và Lô Giang đều đã học hết bậc Trung học, nên khi lên chiến khu tham gia kháng chiến đều được gọi đi học: người chị Thao Giang học Sư phạm, còn người em học Y. Lúc đó, chưa có trường Đại học như bây giờ, nên khi tốt nghiệp chỉ tương đương trình độ Trung cấp, tức cô chị Thao Giang về làm giáo viên Cấp Hai (từ lớp 5 đến lớp 7, hệ 10 năm), còn cô em Lô Giang về làm Y sĩ. Thời kỳ kháng chiến lúc đó, trình độ văn hóa, chuyên môn như thế đã là cao vì so với mặt bằng văn hóa chung của đất nước thì còn có tới 80% là mù chữ!
Cả tôi và Hiền Lương đều được sinh ra khi mẹ tôi ( tức người chị Thao Giang) và mẹ Hiền Lương còn đang học ở trường Sư phạm và trường Y, nên khi hai người mẹ học xong và đi làm ở đâu thì chúng tôi làm sao mà biết?
Sau kháng chiến, tất cả chúng tôi đều về sống ở Hà Nội, cùng thuê chung một căn nhà. Lúc đầu, cả mẹ tôi và mẹ Hiền Lương đều không đi làm ở cơ quan Nhà nước mà mẹ Hiền Lương thì bán xôi đậu xanh, còn mẹ tôi thì bán xôi gấc. Thực ra hai người cùng làm hàng và cùng bán với nhau, tuy lúc bán thì mẹ tôi lo thúng xôi gấc còn mẹ Hiền Lương lo thúng xôi đậu xanh. Song, hai người ngồi cạnh nhau, có thể thay nhau xử lý mọi việc, cho nên tuy hai mà một!
Lúc đó, việc buôn bán như thế không phổ biến đại trà như bây giờ và bị coi như “ngoài vòng pháp luật”, có thể bị mấy anh cán bộ Thuế vụ bắt bất cứ lúc nào! Song, hai cô hàng xôi Thao Giang và Lô Giang khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh nên thoáng thấy “động” là đội thúng xôi lên đầu mà “ù té quyền”!
Tôi và Hiền Lương lúc đó đã bảy, tám tuổi, thường đi bán phụ cho hai người mẹ nên công việc rất nhanh chóng kết thúc, chỉ khoảng chín giờ sáng là đã có thể thu dọn chiến trường. Chính vì tôi và Hiền Lương thường đi bán xôi với mẹ nên khi vừa thò mặt tới trường là mấy đứa hay trêu chọc hát liền bài hát “Cô hàng xôi”: Cô hàng xôi ơi / Bán tôi hai hào / Bán cho rẻ nhé / thêm tí hành phi / thêm tí hạt tiêu / ới cô hàng xôi /…xôi cô ngon ghê / nhưng mà tôi chê / móng tay cô dài / cô gãi lên đầu / chấy rơi vào xôi…
Lúc đầu, nghe chúng bạn hát thế, Hiền Lương tỏ vẻ bực tức, nhưng tôi bảo: “Kệ chúng nó! Rồi thế nào chúng cũng bị kết tội xuyên tạc bài hát!” (Vì đó là lời nhại bài gốc “Hoa Chăm Pa” và lúc đó sự “nhại lời” những bài hát đã nổi tiếng, đã phổ biến được coi như là hành vi phản động!). Mấy đứa kia sau khi biết tôi nói vậy thì sợ, không dám hát trêu chọc nữa!
*
Một hôm, chúng tôi mới bán được non nửa thúng xôi thì hai cán bộ Thuế vụ đột ngột xuất hiện, ngồi thành hai đống lù lù trước hai thúng xôi! Cả hai người mẹ và hai đứa con chúng tôi đều tròn mắt kinh ngạc, nổi da gà và tất nhiên là không thể chạy như mọi khi mà ngồi chết lặng! Hai cán bộ Thuế vụ kéo cái “xà-cột” (loại túi công tác lúc đó, thường đeo lủng lẳng bên hông, có người lại thích để lủng lẳng phía trước, cho thiên hạ sợ!) lên đùi, lấy ra kẹp giấy tính viết phạt thì có hai người khách đang ngồi ăn xôi cạnh đó (chúng tôi có đem theo vài cái ghế con để ai muốn ăn ngay tại chỗ thì ngồi), đến sát bên hai người cán bộ Thuế vụ, rút ra hai cái thẻ gì đó rồi chìa ra trước mặt hai người kia, đồng thời nói nhỏ đủ cho hai người cán bộ Thuế vụ nghe rõ: “Đây là đối tượng của chúng tôi đang “Làm việc”, các anh không được đụng vào!”. Hai người cán bộ Thuế vụ thấy vậy thì đứng dậy, lẳng lặng “rút quân” ! Hai người khách đang ăn xôi chờ cho hai người cán bộ Thuế vụ đi xa thì cười cười rồi nói: “Hai người không phải sợ bất cứ ai, có chúng tôi “canh chừng” thì không ai dám “làm gì” cả!”…
Về nhà, hai người mẹ cứ suy nghĩ mãi về hai người khách ăn xôi, không biết vì sao họ lại “quan tâm đặc biệt” đến mình như vậy? Không cần đợi lâu, sáng hôm sau, khi hai người mẹ vừa đặt thúng xôi xuống chỗ bán xôi quen thuộc thì hai người khách ăn xôi đặc biệt hôm qua xuất hiện, kéo ghế ngồi trước thúng xôi và cùng nói: “Hôm nay chúng tôi mở hàng, hẳn sẽ rất đắt hàng!”. Vừa ăn xôi, hai người khách này vừa nhỏ nhẹ hỏi dăm ba câu và kín đáo đưa tình qua ánh mắt với hai “Cô hàng xôi”!...Trước khi đi, hai người khách ăn xôi còn hát bài “Cô hàng xôi” và cố ý dừng ở câu:… Cô hàng xôi ơi / Tôi muốn cùng cô / Kết duyên trọn đời!
Buổi trưa, khi ăn cơm, cả mẹ tôi và mẹ Hiền Lương không nói câu nào, khác hẳn những bữa ăn mọi khi, nói đủ thứ chuyện. Như là không chịu nổi sự im lặng như thế, Hiền Lương nói: “Con thấy có vẻ như hai người khách ăn xôi kia muốn cưới mẹ Lô Giang và bá (bác) Thao Giang?”. Mẹ Hiền Lương nói như quát: “Không được nói bậy! Mẹ Lô Giang đã quyết không lấy chồng để nuôi Hiền Lương. Còn mẹ Thao Giang thì ai mà lớ xớ đụng vào, ông Tiểu đoàn trưởng về bắn vỡ sọ!”. Không ngờ Hiền Lương nói ngay, mà giọng điệu như người lớn: “Mẹ không thể ở vậy suốt đời được! Mẹ phải lấy chồng thì mới có người bảo vệ, mới có chỗ dựa chắc chắn! Mẹ không nhớ hôm hai người cán bộ Thuế vụ định “bóp nặn” chúng ta à? Nếu không có hai người khách ăn xôi thì lỗ nặng! Còn bố sĩ quan của chúng ta thì có mấy khi về nhà, đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”! Con nói có đúng không?”. Mẹ tôi lúc ấy mới nói: “Con Hiền Lương còn nhỏ mà nói đúng lắm! Tôi có cảm giác bất an, lúc nào cũng thấy thấp thỏm!...Có lẽ chúng ta phải nghỉ bán xôi, tới Bệnh viện nào đó xin việc làm, tôi nghĩ chắc không khó vì Bệnh viện nào cũng sẽ rất thiếu người!”. Mẹ Lô Giang nghe nói vậy thì có vẻ như tán đồng nhưng lại băn khoăn: “Em thì không nói làm gì, với chuyên môn như em, chắc chắn người ta sẽ nhận ngay. Nhưng còn chị, ai lại nhận cô giáo vào làm việc ở Bệnh viện?”. Mẹ tôi nói ngay: “Cô giáo chẳng lẽ không làm được Hộ lý? Rồi tôi sẽ xin đi học lớp Y sỹ tại chức!”. “Như thế thì vất vả cho chị quá!” – mẹ Lô Giang thở dài. Còn mẹ tôi thì như là nuốt tiếng “thở dài” vào trong bụng, tuy nhiên hai giọt nước mắt vẫn cứ lăn ra…
*
Hai chị em Thao Giang và Lô Giang bàn tính với nhau ngày hôm sau sẽ đến Bệnh Viện Phủ Doãn để xin việc vì người em Lô Giang hy vọng sẽ có người cùng học lớp Y sĩ với mình hồi ở chiến khu đang làm việc ở đó giới thiệu. Khi đến Bệnh viện Phủ Doãn, quả nhiên gặp tới hai người cùng học rồi cùng làm việc với nhau một thời gian sau khi kết thúc khóa học, nhưng cả hai người cùng nói: “Bạn thật không may rồi! Cái ông Trần Mã, cán bộ phụ trách vấn đề nhân sự của chiến khu hồi ấy, người đã định chiếm đoạt trinh tiết của bạn không được rồi kỷ luật đuổi việc bạn khi có chuyện bệnh nhân tử vong ấy, giờ làm chức gì đó to lắm ở trên Sở Y tế, vợ cũng là cán bộ Tổ chức của Bệnh viện này. Việc bạn xin vào làm ở đây thế nào cũng phải qua sự phê duyệt của vợ chồng ông ta! Chắc là sẽ khó đấy!”. Bàn tính mãi, cuối cùng người bạn kia chặc lưỡi nói: “Cứ thử xem sao vậy! Biết đâu giờ ông ta lại có tấm lòng Bồ Tát mà nhận các bạn vào làm ở Bệnh viện này cũng nên? Thời gian có thể làm thay đổi tính nết con người mà!”.
Quả nhiên, khi người bạn dẫn hai chị em Thao Giang và Lô Giang đến gặp vợ ông Trần Mã, rồi gặp ngay cả ông Trần Mã, đều rất vui vẻ, đều nói Bệnh viện đang rất cần người có chuyên môn giỏi và nhiệt tình công tác, yêu nghề và quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề Y này... Nhưng hôm sau, khi hai chị em đến Bệnh viện để làm thủ tục thì bà vợ ông Trần Mã nói: “Vấn đề của cô hóa ra lại rất phức tạp, vừa có “tiền án” lại có chuyện thành phần lý lịch. Vậy cô phải lên Sở Y tế, ở trên đó mới có thẩm quyền quyết định!”. Khi lên Sở Y tế, hình như ông Trần Mã đã chờ sẵn. Tuy nhiên, ông Trần Mã không nói ngay đến chuyện xin vào Bệnh viện mà cứ hỏi hết chuyện nọ sang chuyện kia. Chẳng hạn như từ ngày về Hà Nội sinh sống thế nào, sức khỏe có tốt không, đêm ngủ có ngon không, có hay gặp ác mộng không, v.v…Trong khi nói chuyện, ông Trần Mã cứ nhìn xoáy vào ngực hai chị em, lại còn thỉnh thoảng cứ đụng chân, đụng tay…Hai chị em đều “đọc” được cái ý nghĩa thực sự đằng sau những câu chuyện vòng vo Tam quốc của ông Trần Mã, đã có đến ba lần, hai chị em ra hiệu cho nhau “rút quân” nhưng không hiểu sao không dứt khoát được? Cuối cùng thì ông Trần Mã cũng thò cái đuôi cáo ra , kết thúc buổi gặp bằng lời hứa: “Chúng tôi sẽ họp bàn lại trong Ban lãnh đạo, sẽ cố gắng chọn cách giải quyết tốt nhất, song còn phải xem “thành ý” của các cô ra sao?”.
Buổi tối, hai chị em Thao Giang và Lô Giang đang ngồi thở ngắn than dài với nhau thì ông Trần Mã bất ngờ xuất hiện như người tàng hình và nói ngay: “Chúng tôi đã nhất trí nhận cả cô Lô Giang và cô Thao Giang vào Bệnh viện làm việc. Cô Lô Giang sẽ làm nhiệm vụ Y tá. Sau một thời gian thử thách, nếu có biểu hiện tốt sẽ được làm đúng khả năng đã được đào tạo là Y sĩ. Còn cô Thao Giang cứ tạm thời làm Hộ lý, với trình độ văn hóa cao như cô, khi nào có lớp học Y tá sẽ bố trí cho đi học. Nếu học giỏi, có thể học lên Y sĩ, thậm chí tới Bác sĩ!”. Cả hai chị em không ngờ kết quả lại bất ngờ như vậy thì cùng cảm ơn rối rít. Ông Trần Quả liền nói tiếp: “Không thể chỉ cảm ơn suông như thế, mà phải bằng hành động thực tế!”. Cả hai chị em lại đồng thanh nói: “Chúng em sẽ tích cực làm việc, không ngại khó khăn, gian khổ!”. Ông Trần Mã cười nói: “Tôi nghe những lời hứa như thế quá nhiều rồi, ai cũng nói như thế! Giờ tôi muốn các cô phải bằng hành động thực tế? Vậy mà các cô không hiểu sao, cô Lô Giang?”. Ông Trần Mã nhìn xoáy vào Lô Giang, ánh mắt ma quái của ông ta như đàn côn trùng bò khắp cơ thể cô gái, khiến cô rùng mình, nổi da gà!
Đúng lúc đó, hai người khách ăn xôi bất ngờ xuất hiện như từ trên trời rơi xuống! Một người đứng ở cửa, như có ý nói “Tất cả ngồi im! Nội bất xuất, ngoại bất nhập!”. Một người nhẹ nhàng đi lại gần chỗ hai chị em Thao Giang và Lô Giang, dịu dàng nói: “Tại sao hai chị em không bán xôi nữa mà không nói một tiếng, để chúng tôi nhịn đói hai ngày hôm nay rồi?”. Hai chị em ngớ người, chưa biết phản ứng thế nào thì người này tiến sát đến bên ông Trần Mã, nói nhẹ nhàng nhưng trong giọng nói ẩn chứa rất nhiều sát khí: “Xin chào Mã Tiên sinh! Nghe danh Mã Tiên sinh đã lâu mà hôm nay mới được diện kiến, quả là “danh bất hư truyền”, Mã Giám Sinh của Thi hào Nguyễn Du làm sao sánh bằng? Lần này thì Ban Bảo vệ nội bộ có đầy đủ bằng chứng sinh động, cụ thể chứ không chỉ “nghe nói” nữa rồi!”. Ông Trần Mã từ nãy vẫn đứng yên bất động, giờ thì giật mình, luống cuống , song ông ta cũng kịp lấy lại “sự bình tĩnh nghề nghiệp” và đi lại cạnh người đứng ở cửa, nói cái gì đó với người này và hai người cùng đi ra ngoài!
*
Sau lần “đụng độ” giữa ông Trần Mã và “hai người ăn xôi”, thực ra là hai cán bộ của Ban Bảo vệ nội bộ - những người có sức mạnh ngầm -, hai chị em Thao Giang và Lô Giang được nhận vào làm việc ở Bệnh viện, người chị Thao Giang làm Hộ Lý, người em Lô Giang làm Y tá. Một tháng sau thì người chị được cử đi học một khóa Y tá chín tháng, còn người em Lô Giang thì lên xe hoa với một trong hai người khách ăn xôi kia! Sau khi cưới chồng, hai mẹ con Lô Giang không ở với người chị Thao Giang nữa mà Lô Giang phải về nhà chồng làm một nàng dâu thảo hiền!
Lâu lâu, hai mẹ con Lô Giang mới đến thăm người chị Thao Giang. Lần nào cũng vậy, vừa nhìn thấy chị Thao Giang, người em Lô Giang đều nhào tới chị rồi khóc nức nở như là ở nhà chồng không thể được khóc! Khóc tới năm phút, Lô Giang mới nói với chị: “Chị ơi, em khổ quá! Chồng em nó vũ phu quá, hơi tí là đánh em không hề nương tay!”. Nói rồi lại khóc mãi, không nói gì được cho tới lúc chia tay!
*
Từ sau khi mẹ con Lô Giang và Hiền Lương về nhà người chồng Lô Giang, tôi không có dịp gặp lại hai mẹ con nữa. Có hỏi mẹ Thao Giang nhưng mẹ như là không muốn nói. Ngay cả chuyện tại sao mẹ Thao Giang thôi không làm cô giáo nữa, mà lại làm Y tá , phải đi học lại từ đầu và công việc thì cực nhọc, vất vả hơn làm cô giáo rất nhiều, mẹ cũng không muốn nói….Mãi tới khi mẹ Thao Giang bệnh nặng, có vẻ như sắp qua đời, mẹ mới nói: “Nếu như không có đợt tăng cường lực lượng cho các Bệnh viện dã chiến ở chiến trường thì có lẽ dì Lô Giang sẽ chết lụi dưới tay người chồng vũ phu! Nhưng vào Quân Y được ba năm thì Thần Chết ở chiến trường đã bắt dì ấy đi rồi! Thật tội nghiệp!... Còn việc tại sao mẹ lại bỏ nghề cô giáo mà chuyển sang làm Y tá thì không thể giải thích được tại sao? Con không nhớ câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Thì đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa” sao?”.
Sài Gòn, cuối tháng 2-2010
Đỗ Ngọc Thạch





Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch 

1.
Mẹ tôi ra đi hồi đầu năm 1984, đến nay đã được 26 năm, nhưng những ký ức về Mẹ thì như là đi ngược thời gian trở về với tôi, mỗi ngày một nhiều thêm và như đang tồn tại…
…Mẹ tôi chưa bao giờ nói với tôi về tình cảm giữa Bố và Mẹ nhưng tôi hầu như không bao giờ thấy hai người to tiếng với nhau (hoặc có những biểu hiện của sự bất hòa), trước mặt con cái cũng như trước bất kỳ ai. Mẹ nói bố và Mẹ lấy nhau là do Ông Tơ, Bà Nguyệt xe duyên, là do bàn tay Tạo hóa sắp đặt. Điều đó tôi thấy rất đúng. Hẳn là cả hai người đều đã tuân thủ nghiêm ngặt những điều lệ mặc định của cuộc hôn nhân “số trời” này cho nên có thể nói song thân tôi đã tạo nên được một gia đình hạnh phúc, vẹn toàn.
Giỏ nhà ai quai nhà ấy, Mẹ nào con nấy, Hổ phụ sinh hổ tử…là những câu nói về con cái, sẽ phải giống cha mẹ. Điều đó hoàn toàn đúng đối với những người con chúng tôi. Nhà tôi có tới bảy anh chị em, cũng có thể nói là đông đúc. Song, không hề có chuyện “nội bộ lục đục” mà rất hòa thuận, vui vẻ, ai cũng kính trên nhường dưới, thương yêu nhau rất mực. Đó cũng là một trong những lý do để anh chị em chúng tôi rất chăm học và đều học giỏi (sau này cả bảy người đều tốt nghiệp Đại học). Tối tối, đến giờ học bài là nhà tôi như một lớp học, người học lớp trên chỉ bảo người lớp dưới, người lớp dưới quyết học giỏi để đuổi kịp người lớp trên! Một không khí thi đua quyết liệt luôn thôi thúc chúng tôi học tập. Đó là điều rất khó thực hiện ở hầu hết các gia đình. Vì thế, gia đình tôi được xem như một mẫu mực của kiểu gia đình hòa thuận, nền nếp. Gia đình tôi thường sống trong những khu tập thể của nơi bố tôi làm việc. Mỗi khi gặp những người hàng xóm, họ đều nhìn anh chị em chúng tôi bằng ánh mắt thiện cảm và thường lấy chúng tôi làm gương cho con cái noi theo. Những ký ức bình thường ấy chỉ sau này, khi anh chị em chúng tôi đã bước sang tuổi già, tôi mới thấy hết giá trị của nó và càng thấy bố và mẹ của mình mới kỳ diệu làm sao!
Bây giờ, mỗi khi thấy các gia đình xung quanh có những chuyện như vợ chồng cãi lộn ầm ỹ, đánh nhau máu mê đầm đìa, anh em nhào vào nhau “ăn thua đủ”… là tôi lại nhớ tới song thân. Nhiều lúc, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: không biết bố mẹ mình có bí quyết gì mà giữ được một gia đình ấm êm, hòa thuận như vậy? Và những ký ức về song thân cứ hiện về lung linh kỳ ảo như những vì sao trong bầu trời đêm mênh mông vô tận…
2.
Những năm hòa bình đầu tiên ở Hà Nội (1954-1956), gia đình tôi có 9 người ( ông nội, bà nội, bố, mẹ và năm anh chị em – sinh từ 1945 đến 1955) đều chỉ sống bằng lương Bác sĩ quân y của bố tôi, phải đến năm 1957, khi bố tôi chuyển ngành sang dân Y, về phụ trách Bệnh Khu Gang Thép Thái Nguyên thì mẹ tôi mới đi học lớp Y Tá rồi đi làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Nói vậy để thấy rằng cuộc sống của một gia đình như thế là quá nghèo. Cảnh nghèo như thế còn kéo dài hơn chục năm nữa khi bốn người lớn chúng tôi lần lượt vào đại học và chủ yếu sống bằng học bổng!
Đối với người lương thiện thì cách kiếm tiền duy nhất là đi làm thuê, làm mướn. Nhưng bố tôi quyết nuôi con học hành tới nơi tới chốn nên không thể cho chúng tôi nghỉ học để đi làm mà chọn cách “vừa làm vừa học”: nhận đồ gia công về nhà làm là cách kiếm tiền khá phổ biến của công nhân viên chức Nhà nước lúc đó, mặc dù giá làm hàng gia công rất rẻ mạt! Mỗi khi có hàng, cả nhà tôi lại như là một phân xưởng, tất cả hì hụi làm đến tận một, hai giờ sáng! Bọn trẻ chúng tôi vì đang tuổi ăn tuổi ngủ nên nhiều lúc đang làm mà ngủ gục, bừng tỉnh dậy thấy mẹ tôi vẫn cặm cụi làm, tôi liền vụt đứng dậy đi lau mặt nước lạnh rồi vào làm tiếp!
Giống như ở chiến khu thời kháng chiến, tăng gia sản xuất là một trong những giải pháp hữu hiệu để sống. Gia đình chúng tôi luôn ở trong những khuôn viên của cơ quan bố tôi công tác, thường là Bệnh viện, nên có rất nhiều những chỗ đất trống chỉ có cỏ dại, bụi gai. Và anh em chúng tôi luôn là những người đầu tiên “khai hoang, vỡ đất” và trồng đủ các loại rau màu, cả ngô khoai sắn, tức lương thực! Mùa hè chúng tôi trồng rau muống, rau cần, rau mồng tơi, rau ngót, Mùa Đông chúng tôi trồng su hào, cải xanh, cải bắp, cà chua! Đó là dưới đất, còn trên cao thì bắc giàn bầu, giàn bí, mướp, su su, đậu ván…đủ loại! Tôi còn nhớ là hầu như mẹ tôi không phải đi chợ mua rau mà chúng tôi còn bán cho những người hàng xóm, hoặc có hôm mẹ tôi cho tất cả rau dưa vào một cái rổ lớn rồi ngồi bán ở cổng Bệnh viện, chỉ khoảng nửa giờ là bán hết!
Trồng trọt thường đi đôi với chăn nuôi, đó là cách tồn tại phổ biến của cư dân Việt từ ngàn xưa. Gia đình chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi vừa có chuồng gà vừa có chuồng lợn, thỉnh thoảng lại nuôi thỏ, gà tây, ngan ngỗng…không khác gì một cái “Trang trại”. Còn đồ ăn cho gà lợn …thì từ vườn rau và đến lấy đồ ăn thừa ở thùng rác thải của nhà bếp Bệnh viện. Hàng ngày chúng tôi đều có thu hoạch trứng gà, ngày Tết, ngày lễ đều có thể mổ gà , thi thoảng thì mổ lợn…Những khi ăn uống kham khổ, là tôi luôn nhớ lại những lần thu hoạch từ cái “trang trại mi-ni” ngày ấy!
Làm đồ gia công, trồng trọt và chăn nuôi là những cách kiếm sống chủ yếu của những gia đình công nhân viên chức Nhà nước nghèo thời đó, mà gia đình chúng tôi đã thực hiện khá tốt, rất hiệu quả. Ngoài những công việc thường xuyên đó, vào những dịp nghỉ hè (từ lớp một đến lớp mười có tới chín kỳ nghỉ hè, mỗi kỳ ba tháng), tôi còn đi làm kiếm tiền ở các xí nghiệp, công trường xây dựng… như một lao động thực thụ! Cho đến tận bây giờ, nghĩ lại tôi mới thấy lúc đó sức khỏe của mình thật là tốt!
Thông thường, trong những lúc làm việc mệt nhọc, vất vả, tôi thường nhìn mẹ tôi và thấy Người không bao giờ kêu la, rên rỉ hay đại loại như vậy. Chính điều đó đã khiến cho tôi cũng giống như Người trong suốt cuộc đời: không bao giờ kêu mệt mỏi trong khi đang làm việc! Đó cũng chính là điều cắt nghĩa rõ nhất tại sao mẹ tôi vẫn giữ được đầy đủ đàn con của mình mà không phải đem cho, đem bán như bao nhiêu gia đình nghèo đông con khác. Khi mới về Hà Nội , năm 1955, mẹ tôi sinh con thứ 6, đặt tên là Thủy – lấy theo tên Bệnh viện Đồn Thủy, nơi mẹ tôi sinh con và cũng là  nơi bố tôi làm việc (sau đổi tên là Bệnh viện Quân Y 108). Lúc bé Thủy được gần một tuổi, rất bụ bẫm, dễ thương, ai nhìn thấy cũng muốn bế bồng. Có một chuyên gia nước ngoài đã xin làm con nuôi, mọi thủ tục đã hoàn tất. Nhưng khi người chuyên gia nước ngoài này đang ngồi chờ ở sân bay thì mẹ tôi đến, đòi bế bé Thủy về. Người chuyên gia nước ngoài thấy mẹ tôi thương yêu con như vậy thì không nỡ đưa bé Thủy đi mà đồng ý trả lại, còn tặng luôn cả một thùng đường sữa, bột dinh dưỡng… đã chuẩn bị cho bé Thủy ăn trên đường đi. Hiện giờ, bé Thủy ngày ấy đang sống ở Canada, đã 55 tuổi. Quả nhiên là có số sống ở nước ngoài!...Khi tôi đang học lớp hai, lúc đó đang ở Quân Y viện 9, thị xã Vĩnh Yên. Có hai vợ chồng đều là Bác sĩ quân Y, lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Hai vợ chồng người Bác sĩ này đã thuyết phục được bố tôi cho một đứa con làm con nuôi và hai người Bác sĩ này đã chọn tôi. Nhưng ngay ngày hôm sau, tôi thấy mẹ tôi sang nhà hai người Bác sĩ “bố mẹ nuôi” của tôi và dắt tôi về! Sau này, tôi được biết rằng hai vợ chồng đó không có con là do người chồng (súng đạn có vấn đề), sau đó người vợ đẻ hai lần bốn đứa con, đều sinh đôi, -  nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo!
3.
Mẹ tôi làm việc ở Bệnh viện về là lại luôn chân luôn tay với 1001 công việc “kiếm sống” ở nhà như vừa nói trên, cho nên có thể nói, hầu như Mẹ không có thời gian để “giải trí” hoặc đi du lịch đó đây như những gia đình sung túc, giàu có khác. Thi thoảng mới có những giây phút rảnh rỗi trong ngày thì mẹ tôi lại đọc báo (thời bao cấp, cán bộ như bố tôi là đã có tiêu chuẩn báo chí riêng) và đọc báo đã trở thành một nhu cầu thường nhật ở nhà tôi. Duy trì được một nền nếp sinh hoạt văn hóa bổ ích trong gia đình là một việc không hề dễ dàng. Và càng khó khăn hơn là việc xác định một định hướng đúng và thực hiện bằng được định hướng đó cho những người con.
Việc xác định mục tiêu tất cả các con phải tốt nghiệp Đại học, nói thì dễ nhưng để làm được không hề đơn giản. Nếu như không kiên định như Mẹ thì hẳn là sẽ có những người con rẽ ngang. Và chính tôi là một người đã định rẽ ngang tới ba lần, nhưng mẹ tôi đều kéo tôi trở lại con đường đã chọn! Lần thứ nhất là hồi tôi đang học lớp 6, ở Hải Phòng. Lúc đó, phong trào bóng bàn ở Hải Phòng rất mạnh, vô địch Toàn quốc đơn Nam (Trần Vũ Phấy) và cả vô địch đơn Nữ (Ngọc Anh) đều ở Hải Phòng và đều không phải VĐV chuyên nghiệp. Tôi tuy chưa tham gia thi đấu nhưng chơi khá tốt và chủ yếu rất mê môn thể thao này, lúc nào ở lưng cũng gài cái vợt mút Đường sắt! Bố tôi có người bạn làm việc ở Sở TDTT Hải Phòng, thấy tôi mê bóng bàn thì nói với bố tôi: “Cho nó vào đội tuyển thiếu niên, không chừng thành Nhà vô địch! Song vấn đề nhất cử lưỡng tiện là nếu được vào đội tuyển thì ông không phải lo nuôi nó ăn học nữa mà có khi nó còn kiếm được tiền đưa cho ông!”. Bố tôi nghe nói vậy thì đồng ý ngay, cho tôi đi thi dự tuyển. Tôi trúng tuyển không khó khăn gì. Đang tập ở phòng tập được ba ngày thì mẹ tôi tới, đưa cho tôi một hộp bóng bàn của nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong và nói: “Mẹ vừa vào Nhà máy nhựa để nhận đồ về làm gia công hộp đựng bóng bàn, người ta cho hộp bóng này, cho con!”. Tôi cầm hộp bóng bàn mà run cả tay vì từ hồi biết chơi bóng bàn, tôi chỉ có thể mua hai, ba quả một lúc chứ không thể mua cả hộp như thế này! Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì mẹ tôi lại nói: “Lần này nhận nhiều hộp bóng bàn gia công lắm, không có con làm thì bao giờ xong mà trả hàng cho người ta!”. Mẹ tôi nói rồi lẳng lặng đi ra phía cổng sân vận động Lạch Tray, tôi chạy theo ra thì thấy một cái xe ba gác loại nhỏ chất đầy bìa giấy (để làm hộp đựng bóng bàn) và người chị sát trên tôi đang ngồi trên càng xe! Không kịp nói gì, như là một phản xạ tự nhiên, tôi chạy lại cầm lấy càng xe và kéo đi như một người thợ kéo xe chuyên nghiệp!
Lần thứ hai tôi định rẽ ngang, bỏ chuyện học hành là khi tôi vừa đi lính trở về, đang học năm thứ nhất ở Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp. Có một đợt tuyển đi học Công nhân Kỹ thuật công nghệ cao ở Đức mà đối tượng là bộ đội xuất ngũ, là thương binh càng được ưu tiên. Người phụ trách tuyển sinh vốn là bạn chiến đấu với bố tôi thời kháng chiến 9 năm, tới nhà chơi thì nói: “Đợt tuyển sinh này là cơ hội để cho nhà cậu đổi đời, thoát nghèo. Làm công nhân kỹ thuật cao cũng rất oai mà đi học về còn có thể có tiền xây nhà! Còn nếu muốn học đại học thì sau này học tại chức cũng chưa muộn!”. Bố tôi đồng ý ngay. Tôi khẩn trương làm các thủ tục giấy tờ, gần xong thì người bạn Tuyển sinh kia tới nói với bố tôi: “Chưa kịp bổ sung tên con ông vào danh sách thì không biết từ đâu, các Sếp cấp trên gửi gắm cả đống hồ sơ với đủ thứ dấu má quan trọng, không thể từ chối! Ta rút lui vậy nhé, vừa vặn sáng nay bà vợ ông tới nói phải bỏ ngay ý định đưa con bà đi học công nhân kỹ thuật!”.
4.
Khi đã nghỉ hưu, năm 1980, mẹ tôi vẫn ngày ngày ngồi bán thuốc lá ở cổng cơ quan Bộ Y tế trên đường Giảng Võ (nhà tôi ở trong khu Tập thể của Bộ Y tế, nằm ở phía sau cơ quan Bộ). Bán thuốc lá, bán vé số là công việc mà phần lớn những người về hưu lựa chọn vì lúc đó đời sống của người dân, - nhất là khu vực công nhân viên chức chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi, - rất khó khăn: gạo đong theo sổ, mỗi lần đi mua gạo phải chen chúc, xếp hàng cả ngày và chỉ được mua tối đa 5 kg có độn ngô, khoai, mà gạo chỉ là gạo lưu kho đã lâu, đã chớm mốc, mục mà rất nhiều sạn! Thực phẩm thì theo chế độ tem phiếu gồm có thịt, cá , đậu phụ, nước mắm…nhưng không phải lúc nào cũng có bán mà mua, và khi có hàng thì cũng phải chen chúc xếp hàng như đi mua gạo, như đi … đánh trận! Lúc này, sức khỏe mẹ tôi đã rất kém nhưng người vẫn phải chầu chực, chen chúc ở cửa hàng gạo, ở chợ để mua theo tem phiếu vì không thể mua ở ngoài “Chợ đen” được!
Thời gian này, anh chị em chúng tôi đều đã đi làm và đều làm ở cơ quan Nhà nước với đồng lương chỉ đủ sống 15 ngày, nên đành bất lực nhìn mẹ ngồi dầm mưa, dãi nắng bên hè đường lầm bụi mà không biết làm sao! Thế đấy, mẹ đã nuôi một đàn con trưởng thành mà cho đến lúc qua đời, không có đứa con nào nuôi được mẹ để cho mẹ thảnh thơi an hưởng tuổi già! Chỉ nghĩ như vậy, tôi thấy mình thật là vô dụng! Khi tôi nghĩ được như vậy thì mẹ tôi lâm trọng bệnh: Ung thư tuyến tụy, đã ở giai đoạn cuối! Có câu “Sinh nghề, tử nghiệp”, quả không sai! Chồng con, anh em, bạn bè cả một đống Bác sĩ cũng đành ngồi nhìn Tử Thần đến bắt mẹ đi mà không biết làm gì!
Những ngày cuối cùng, tôi ngày nào cũng vào chăm sóc mẹ. Mẹ thường nằm bất động, hai tay đặt lên bụng, mắt khép hờ như ngủ nhưng thực ra mẹ đang nằm đợi hai người con còn ở Sài Gòn chưa ra gặp mẹ lần cuối, đó là người chị cả và người em áp út. Bao giờ cũng vậy, biết tôi tới là mẹ hỏi ngay: “Chị Thanh có ra chưa? Vừa mới sinh con, đi lại đường dài sẽ vất vả lắm!”. Tôi nói: “Máy bay chỉ bay có 4 giờ là tới ngay mà! Chắc là tại mua vé đi ngay rất khó!”. Mẹ khẽ thở dài rồi nói nhỏ: “Chỉ tiếc là mẹ không vào tắm cho cháu ngoại được!... Còn hai thằng em con chưa chịu lấy vợ, mẹ làm sao mà yên tâm được?”. Đó là mẹ tôi nói về hai người em trai út và áp út, mẹ đã trông mong từng ngày để cưới vợ cho hai chú ấy mà không được, biết làm sao?
Tôi mở hai ngăn cái “cạp-lồng” nhỏ, lấy cháo ra định múc cho mẹ ăn nhưng mẹ nói: “Mẹ chưa muốn ăn cháo! Hôm nay có nướng cá rô cho mẹ không?”. Tôi nói “Có” rồi gỡ con cá rô nướng đút cho mẹ. Mẹ ăn ngon lành hết một con rồi nói: “Thôi, được rồi!...Giờ đọc Truyện Kiều cho mẹ nghe đi!”. Từ hôm mẹ tôi nằm liệt giường, ngày nào tôi đến mẹ cũng bảo tôi đọc Truyện Kiều cho bà nghe. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đó là những ý thích bất chợt của người lâm trọng bệnh biết mình sẽ ra đi, nhưng đến ngày thứ ba thì mẹ nói: “Mẹ muốn con từ giờ cần bình tâm, tĩnh trí trước mọi thử thách của cuộc đời. Có một cách rèn luyện rất tốt là đọc lại Truyện Kiều một cách khoan thai, từ từ. Con sẽ ngộ ra được nhiều điều bổ ích!”. Tôi cầm cuốn Truyện Kiều lên và đọc “Trăm năm trong cõi người ta…” thì mẹ nói: “Hôm nay đọc từ chỗ gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình chuộc cha…”. Tôi liền đọc: “Một ngày lạ thói sai nha / Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền…”.
*
Sau khi mẹ tôi qua đời, anh chị em chúng tôi đều ngơ ngẩn cả tháng trời mới quen dần với nỗi đau MẤT MẸ! Chỉ đến lúc đó, tôi mới thấy hết được ý tứ của câu hát “cho những ai đang còn có Mẹ”: chúng ta đừng để phải hối tiếc vì khi Mẹ còn sống đã làm cho Mẹ buồn lòng!
Anh chị em quyết định giao cho tôi giữ toàn bộ quần áo của Mẹ đã dùng lúc còn sống. Tôi nghĩ chắc mọi người muốn để cho vợ tôi sử dụng tiếp số quần áo đó của Mẹ. Nhưng, vợ tôi không thích dùng nên tôi cho tất cả quần áo vải mỏng vào một cái bọc ni-lon, cất kỹ. Còn những áo mặc mùa Đông (như áo bông, áo len, áo sợi, khăn len…) tôi cho vào cái ba-lô con cóc thời còn đi lính, để trên nóc tủ, mỗi ngày, thường là vào đêm đêm, khi ngồi làm việc, lại lấy một cái ra khoác cho đỡ nhớ Mẹ và quả là rất ấm, - lúc đó đang là Mùa Đông. Một lần, trời khá lạnh, tôi lấy cái áo bông, đã sờn cũ của mẹ ra khoác. Chuẩn bị ngồi xuống bàn làm việc thì khi vô tình thọc tay vào túi được khâu bên trong cái áo bông, tôi thấy một gói giấy bằng bàn tay. Mở gói giấy ra thì thấy một gói tiền, rất mới, tổng cộng là ba trăm ngàn đồng cùng với một mảnh giấy nhỏ có viết vài dòng như sau: “Con chỉ dùng số tiền này khi thật túng thiếu!”. Quả là tôi đang rất túng thiếu, vợ chưa có việc làm, con thì mới hai, ba tuổi, tôi phải thức thâu đêm để đánh máy bản thảo thuê cho mấy nhà xuất bản, mà như muối bỏ bể!
Từ đó, tối tối, khi ngồi bên máy chữ, tôi lại khoác cái áo bông cũ của Mẹ tôi, và thật kỳ lạ, không hề thấy rét buốt gì nữa, cũng không hề buồn ngủ mà ngược lại, tôi đánh máy rất nhanh, gần gấp đôi mọi khi! Dường như là ngày nào Mẹ tôi cũng hiện về bên tôi!./.
Sài Gòn, tháng 3 năm 2010

Đỗ Ngọc Thạch


SINH NGÀY 30 THÁNG 4

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Giải Phóng là con trai trưởng của bà chị con ông bác, gọi tôi bằng cậu. Bà chị tôi đặt tên con trai là Giải Phóng để kỷ niệm ngày giải phóng Huế, quê người bố. Ngày giải phóng Huế, cứ ngỡ sẽ sinh con nên bà chị đã đặt tên trước cho con là Giải Phóng, bất luận trai hay gái. Nhưng không hiểu sao, mãi tới ngày 26-4-1975, bà chị tôi mới sinh con. Lúc đó quân ta mới bắt đầu mở chiến dịch Hồ Chí Minh – giải phóng Sài Gòn. Với cách đánh thần tốc, quân ta đã giải phóng Sài Gòn vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bà chị tôi thường nói : “Tuy thằng Phóng không sinh đúng ngày giải phóng Huế nhưng lại cận ngày giải phóng Sài Gòn, như thế càng có ý nghĩa lớn hơn. Chỉ tiếc là không chui ra đúng ngày 30 tháng 4 mà lại sớm mất bốn ngày, thật là tiếc !”. Ông anh rể tôi thì lại nói : “Nếu sinh đúng ngày 30 tháng 4 thì cũng hay, nhưng sớm hơn bốn ngày như thế lại có ý nghĩa hay hơn : nó là nhà tiên tri báo trước rằng ta sẽ giải phóng Sài Gòn !”. Tuy nhiên, ông anh rể trong bụng cũng thích thằng con trai đầu của mình sinh đúng ngày 30 tháng 4, vì dù sao, đó là ngày sáng chói trong lịch sử giữ nước của dân tộc !...
Những đứa trẻ sinh vào đúng ngày 30 tháng 4 quả nhiên được hưởng niềm vinh dự đặc biệt : kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm nào cũng vậy, nhất là vào những năm chẵn như mười năm, hai mươi năm, chúng được lên báo, lên ti-vi…cha mẹ tha hồ mà nở mày nở mặt ! Những lúc ấy, bà chị và ông anh rể tôi cứ xuýt xoa tiếc, chỉ lùi lại có bốn ngày thôi chứ có khó khăn gì đâu ! Và điều oái oăm nữa là thằng Phóng không những không được lên báo, lên ti-vi mà chính nó phải vác cái máy quay to tướng theo đoàn phim của đài truyền hình đi quay phim những đứa trẻ đã sinh đúng ngày 30 tháng 4 kia !...Năm nay, lễ kỷ niệm ngày 30 tháng 4 sẽ làm rất lớn vì đã tới con số 30 năm ! Thằng Phóng con bà chị tôi vẫn phải làm công việc cũ nhưng có hai cái mới : 1- nó không phải trực tiếp vác máy quay nữa mà chỉ huy cả đoàn làm phim, tức nó đã lên chức làm “Sếp”, 2- năm nay, những đứa trẻ sinh ngày 30 tháng 4 đã ba mươi tuổi, tức đã trưởng thành, mà ở tuổi này, các cụ xưa có câu “Tam thập nhi lập”, cho nên thằng Phóng có nhiệm vụ phải đi quay phim phóng sự về những nhà doanh nghiệp trẻ có nhiều thành công . Ngay từ những ngày sau Tết con Gà, thằng Phóng và đoàn làm phim của nó đã rong ruổi trên đường !...
Vào những ngày cuối tháng ba, bà chị và ông anh rể mời tôi đi Huế để dự lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng Huế. Sở dĩ mời tôi đi Huế vì năm nay họ hàng nhà anh rể tôi làm đại lễ để ăn mừng sự thành đạt của rất nhiều người trong họ, có người là nhà doanh nghiệp lớn, có người là quan chức lớn tương đương với chức quan Thượng thư mà ông tổ của họ đã kinh qua, lại có người đã đeo lon thiếu tướng, đại tá có tới năm người và các chức danh khác như tiến sĩ giáo sư, nhà văn, nhà báo… thì nhiều lắm ! Cuộc đại lễ nhà ông anh rể tôi thật đông vui và thật bất ngờ lớn đối với tôi : tôi gặp lại người bạn học cũ từ hồi lớp chín ở trường Ngô Quyền, Hải Phòng . Đó là Xuân Liên, cô gái xinh đẹp, nhí nhảnh và học giỏi nhất lớp. Liên là học sinh trường Miền Nam, năm đó các trường học sinh miền nam có chủ trương cho một số học sinh có gia đình ra học ở các trường nơi gia đình cư trú. Tôi học với Liên chỉ có một năm lớp chín, vì lên lớp mười, trường phải đi sơ tán ở huyện Vĩnh Bảo, nên tôi chuyển về trường Hải An, là huyện ngoại thành nên không phải đi sơ tán và ở cạnh nhà tôi. Từ đó tôi không gặp lại Liên cho đến dịp này. Ngồi cạnh Liên là người đàn ông đã gần sáu mươi, mặc quân phục đeo quân hàm đại tá, ngực rất nhiều huân chương, nhưng gương mặt thì vô hồn, vô cảm. Thì ra đó là chồng Liên, vốn là sĩ quan đặc công , vì bị thương nhiều lần và hiện trong đầu còn một đầu đạn không thể lấy ra được nên đã thành người mất trí , mất hết mọi cảm giác.
Sau buổi tiệc, tôi về nhà Liên. Vừa nhìn thấy đứa con trai đang ngồi giữa nhà, mặt thì ngơ ngác, nước miếng cứ chảy dòng xuống ngực, vài giây lại đập tay xuống sàn nhà “bộp, bộp”, Liên òa khóc. Phải năm phút sau, có một bà giúp việc nhà đi đâu về, thu xếp cho người chồng Liên nằm lên cái giường xếp rồi cho đứa con trai Liên ăn cơm, Liên mới bình tĩnh pha trà mời tôi uống và kể :
- Hết phổ thông, mình được vào học ở đại học Y dược, sơ tán tuốt trên huyện Phú Lương của tỉnh Thái Nguyên. Hết năm thứ tư thì chuyển sang quân y rồi được điều vào chiến trường miền Trung . Tại đây, mình đã gặp anh ấy, một sĩ quan đặc công anh hùng . Rồi chúng mình làm lễ cưới, chỉ sống vợ chồng với nhau được đúng một ngày một đêm !...Đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975, mình sinh con và bố của nó cũng bị thương nặng !...Bạn đã thấy rồi đấy, hai bố con không thể nhận ra nhau và cũng chẳng biết mình là ai ? Ngay từ lúc biết ngồi thằng con mình đã liên tục đập tay xuống sàn nhà như vậy, bây giờ tay nó cứng như một cái búa tạ ! - Liên cười mếu máo nhưng nước mắt lại trào ra… - Đã lâu lắm mình không biết khóc nữa, hôm nay chắc là gặp lại bạn, tuổi học trò của mình cứ hiện về ào ạt, khiến cho nước mắt cứ trào ra !...
Tôi nhìn Liên dở khóc dở cười mà thấy cổ họng đắng ngắt, tim như bị một bàn tay vô hình bóp ngẹt ! Những hình ảnh của Liên thời học trò quả là đang hiện về như cuốn phim tài liệu được quay nhanh trước mắt tôi !...Cái hình ảnh hiện về rõ nhất là nụ cười và cái nhìn thách thức của Liên mỗi khi trả bài kiểm tra, Liên luôn luôn hơn tôi một điểm ! Hồi đó, tôi đã tức phát điên lên khi không sao bằng điểm chứ đừng nói hơn điểm Liên ! Nhiều lần, tôi đã mượn bài kiểm tra của Liên để xem thầy giáo chấm có thiên vị hay không, hoặc giả bài của Liên có còn lỗi nào không mà thầy giáo bỏ sót, nhưng tuyệt nhiên không có. Bài làm của Liên luôn trình bày rất đẹp, chữ viết cứ như chữ in trong sách tập viết lớp một, các đáp số của bài tập đều đóng khung nghiêm chỉnh ! Trong khi đó, đặt bài làm của tôi bên cạnh thì mới thấy rõ : chữ viết xiêu vẹo, lại còn hay viết tắt, kẻ ô ghi điểm và lời phê của thầy giáo thì vừa nhỏ vừa viết thiếu : đáng lẽ phải viết đầy đủ là “Lời phê của thầy giáo” thì tôi chỉ viết “Lời phê” ! Tôi có một kỷ niệm khó quên với Liên là tại kỳ thi học sinh giỏi toán toàn thành phố Hải Phòng năm ấy (1966), trước khi vào phòng thi, tôi nhận được một phong bì, bên trong là lá thư ngắn ngủi của Liên : “Th. Thân mến, đáng lẽ hôm nay L. cũng tham dự cuộc thi này, nhưng đêm qua L. bị sốt nặng , ông Trời không ủng hộ L. rồi ! Sáng nay L. muốn cố đi, nhưng cơn sốt đêm qua đã khiến toàn thân mệt mỏi rã rời ! Vậy là Th, không có đối thủ rồi ! Chúc thành công ! Hẹn ngày mai gặp lại nhau Th, đã là một nhà Toán học tài năng !”. Lá thư ấy của Liên tôi còn giữ mãi cho đến ngày nhập ngũ, để trong một cuốn sổ nhỏ, chuyên ghi chép những bài thơ hay, những bài hát ưa thích, thì bị chính trị viên tịch thu với tội danh “ghi chép và lưu hành thơ lãng mạn và nhạc vàng !”
Tôi đang như bay lãng đãng trên những tầng mây trắng xốp thì Liên vỗ vào tai tôi, cười nói :
- Bạn nghĩ gì mà như người mất hồn thế ! – Tôi giật mình bừng tỉnh, Liên kéo tôi lại chỗ thằng con trai rồi nói – Thằng con mình rất lạ, tuy nó không hề nói năng gì gần ba mươi năm nay chỉ biết đập tay xuống sàn nhà, nhưng mắt nó thì có sự thay đổi. Mình mới phát hiện ra điều này khoảng năm năm nay : khi có khách tới thăm, hễ nó thích ai thì mắt nhìn thẳng vào người đó, lộ ra đôi tròng đen và cặp mắt có màu xanh, còn hễ không thích ai, ghét ai thì ngó nghiêng trợn ngược để lộ ra hai tròng trắng ! Lúc đầu, mình không để ý, nhưng dần dần mình nhận thấy rằng những người bạn tốt đến thăm, nó đều lộ rõ cặp mắt xanh, còn những người mình không thích, hoặc đến với những ý đồ xấu thì nó đều ngó nghiêng trợn ngược để lộ ra hai tròng trắng ! Mình đã kiểm tra lại nhiều lần thì quả là đúng như vậy !...
Tôi giật mình nhìn kỹ vào đôi mắt của thằng bé (đã ba mươi tuổi), dần dần lộ ra màu xanh ! Khi màu xanh đã lộ rõ, Liên nắm chặt lấy tay tôi, reo lên :
- Màu xanh ! Bạn đúng là người tốt rồi !
Như một hành động vô thức, Liên nắm chặt lấy tay tôi rồi úp mặt vào ngực tôi. Tôi lặng người khi những sợi tóc Liên mơn man lên má tôi. Tôi nhìn xuống mái tóc Liên : những sợi bạc đã chiếm phần nửa ! Tôi không còn biết cảm xúc của mình lúc đó như thế nào khi chợt nghe có tiếng chuông điện thoại ! Liên đi lại bàn nghe điện thoại xong thì nói :
- Có đứa bạn cùng đơn vị cũ tới nhờ con mắt xanh kiểm tra xem người giám đốc công ty này tốt hay xấu. Ông ta là bạn học cũ với nó, trước đây rất thân nhau nhưng gần đây nó nghi ngờ ông ta có liên quan tới một đường dây tham nhũng cỡ lớn, toàn loại VIP !
Vừa nói xong thì người bạn của Liên đã tới. Đó là một bác sĩ quân y, đeo quân hàm đại tá. Còn người đàn ông kia dáng vẻ bệ vệ, trông giống như hình vẽ của các họa sĩ tranh biếm thường đăng trên báo. Thoạt nhìn, tôi đã nhận thấy ông này không phải loại người tốt, trên mặt có “tà khí” bốc lên ngùn ngụt ! Quả nhiên, ông ta vào nhà Liên chưa được hai, ba phút thì thằng con Liên ngó nghiêng trợn ngược, mắt để lộ ra hai tròng trắng, tay nó thì đập xuống sàn nhà nhanh và mạnh hơn bình thường ! Ông khách kia thấy vậy thì lẩm bẩm : “Quái thai như vậy mà sống dai như đỉa đói !” rồi móc túi lấy ra cái điện thoại di động gọi đi đâu đó ! Lúc đó, Liên và người bạn đang nói chuyện với nhau nhưng hình như đều nghe thấy câu nói lẩm bẩm kia, Liên lặng người, còn người bạn thì giận run cả tay. Người bạn Liên quay lại nói với ông ta : “Hôm nay tôi dẫn anh đến gặp ông bạn Trưởng Ban thanh tra của tôi là để anh tự thú chứ không phải để gặp mặt thân mật như anh muốn đâu ! Có đồng ý thì đi !”. Ông kia nghe nói vậy thì trố mắt kinh ngạc và gào lên : “Bà điên à ? Bạn bè năm mươi năm rồi mà lại lật mặt như vậy sao ? Được rồi, tôi sẽ cho bà biết phản bội bạn bè là như thế nào !” Nói rồi ông ta đi ra nhanh như chạy !...
Liên giới thiệu người bạn với tôi. Người bạn tên Hường, cũng là học sinh miền Nam tập kết như Liên, cũng học ngành Y nhưng là ở nước ngoài. Hường nhìn tôi cười vui vẻ, trên gương mặt đã có nhiều nếp nhăn và nhuốm màu phong sương bỗng ánh lên những nét tươi trẻ của thời con gái ! Hường tuyên bố chắc nịch như ra lệnh lúc ở chiến trường :
- Hôm nay tôi khai trừ thằng Phệ ấy ra khỏi nhóm bạn và kết nạp người bạn mới này ! Đã lâu lắm rồi chúng ta chưa say sưa cùng bạn bè, hôm nay phải say hết mình !
Nói rồi Hường gọi điện thoại cho bốn người bạn nữa, trong khi chờ đợi, Hường nói :
- Chúng tôi ở Huế đây chỉ có bảy người là bạn học từ thời “tập kết”, ai cũng thành đạt cả, gọi là “Thất hiệp hoa phượng đỏ”, bởi đều cùng từ thành phố Hải Phòng ra đi lập nghiệp. Dạo này, tôi cứ lo là khai trừ thằng Phệ rồi, sẽ chỉ còn sáu người, mà sáu người thì là “lục súc”, cái tên ấy nghe mà ớn ! Nay thì mất một lại được một, cuộc đời thật là công bằng !
Tôi vội nói :
- Có lẽ tôi chỉ là thành viên “dự thính” của nhóm bạn “Thất hiệp” này thôi. Tôi không phải là người thành đạt, cái số phiêu du chưa chắc đã hết ! Vả lại…
Hường nói cắt ngang :
- Vả lại Liên chưa nói gì phải không ? Liên nó nói với tôi rằng nó thích bạn từ cái hồi học lớp chín mà lúc ấy bạn ngốc lắm, có biết nó nghĩ gì đâu ? Người chồng sĩ quan đặc công này của Liên chỉ là tình yêu chợt đến, rồi thương tật đã đem anh ấy đi luôn rồi còn đâu ? Gần ba mươi năm nay, Liên nó đã vượt qua bao khó khăn để nuôi hai bố con mà chỉ được làm vợ đúng một ngày một đêm cái ngày cưới cách đây ba mươi năm đó ! Thế là nó đã nói quá nhiều rồi đấy, chẳng lẽ cậu lại không nghe thấy gì ?
Chắc là Hường sẽ còn nói gì nữa và chắc là đầu tôi sẽ nổ tung nếu như lúc đó, những người bạn kia không ào đến như một cơn gió lốc !...
*
Trở về Sài Gòn, tôi gặp ngay thằng cháu Phóng . Nó đã làm xong hai cuốn phim phóng sự về hai nhà doanh nghiệp tuổi 30 liền gọi điện thoại cho tôi tới coi. Một nhà doanh nghiệp sinh vào đúng mười hai giờ trưa ngày 30 tháng 4, còn nhà doanh nghiệp kia sinh vào giây phút giao thừa giữa ngày 29 và ngày 30, vì thế nói là ngày 29 cũng đúng và ngày 30 cũng được ! Nhà doanh nghiệp sinh vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 hiện rất thành công trong ngành xây dựng và kinh doanh địa ốc, còn nhà doanh nghiệp sinh vào lúc nửa đêm thì lại rất phát đạt về đồ điện tử, máy vi tính …Đây là hai lĩnh vực rất nóng trong khoảng mười năm trở lại đây !
Xem xong hai cuốn phim phóng sự của Phóng , tôi có cảm giác bất ổn về hai doanh nhân tuổi ba mươi này. Nói về sự thành đạt trong kinh doanh mà cứ như những bản báo cáo tổng kết mừng công của các “chuyên gia” viết báo cáo nghe rất đại ngôn và đầy mỹ từ ! Đến khi trả lời phỏng vấn “Cảm xúc như thế nào về ngày 30/4, về mùa xuân đại thắng của dân tộc” thì toàn nói những lời có cánh như một nhà thơ chuyên viết tụng ca ! Sáo nhất là câu nói “Dường như số phận chọn đúng ngày 30/4 để cho tôi được chào đời, để cho đúng lúc tôi cất tiếng chào đời thì vầng hào quang sáng rực của lịch sử đã chùm lên đầu tôi !” của nhà doanh nghiệp sinh vào buổi trưa ngày 30/4 và câu nói của nhà doanh nghiệp sinh vào lúc nửa đêm thì đầy vẻ tự mãn : “Tôi sinh ra vào thời điểm giao thừa của lịch sử dân tộc, có nghĩa rằng, chiến tranh đã kết thúc, lịch sử đã trao vào tay chúng tôi nhiệm vụ mới : làm giàu cho đất nước, đưa dân tộc ta từ đói nghèo tiến thẳng lên triệu phú, tỷ phú !”. Tôi không thể giải thích để cho thằng cháu Phóng của tôi hiểu được cái cảm giác bất ổn của tôi về hai nhân vật doanh nhân đó, nhưng với linh cảm nghề nghiệp của hơn hai chục năm lăn lộn trong nghề làm báo đủ các đẳng cấp, tôi không tin được tính chân thực của hai cái phim phóng sự này. Để khỏi làm mất lòng thằng cháu và để có thời gian suy nghĩ thêm, tôi nói để lại cho tôi mượn xem thêm một đêm, nếu có hứng thú tôi sẽ nhận viết lời bình cho nó ! Cầm hai cuốn phim phóng sự về nhà, tôi suy nghĩ miên man và đi tới trước cửa một cửa hàng in sang băng từ lúc nào không hay. Thấy tôi đứng ngơ ngác trước cửa hàng , một cô gái từ trong cửa hàng nhanh nhẹn bước ra và không hiểu bằng cách nào, cô gái đã kéo tôi vào trong . Khi tôi tỉnh táo lại thì trước mặt tôi là bốn cuốn băng , tức việc in sang băng đã hoàn tất ! Tôi nghĩ tại sao cô gái ở cửa hàng lại biết tôi muốn in sang băng ? Hay là tôi đã nói mà không còn nhớ là mình đã nói gì ? Hình ảnh hai doanh nhân trong hai cuốn băng cứ chập chờn trước mặt tôi như ma chơi và bỗng biến mất nhanh như ông Phệ, bạn của cô bạn Hường ở Huế ! Hình ảnh đứa con trai của Liên bỗng hiện ra trước mặt tôi rõ như bằng xương bằng thịt ! Tôi reo lên : “Cặp mắt xanh !” , và chạy như bay đến Bưu điện : phải gửi ngay hai cuốn băng cho cặp mắt xanh ! Tôi gửi chuyển phát nhanh và gọi điện thoại báo cho Liên biết yêu cầu của tôi !...
Trong khi chờ đợi kết quả thẩm định của cặp mắt xanh , tôi ngồi xem lại hai cuộn băng phóng sự về hai doanh nhân ba mươi tuổi của thằng cháu Phóng. Được một lúc thì ông hàng xóm sang rủ chơi cờ. Nhìn lên màn hình, ông hàng xóm nói:
- Đó là thằng Mão, con đại úy Dần cùng đơn vị với tôi hồi xưa! Giữa năm 1974, đại úy Dần đột nhiên được sang Mỹ dự một khóa huấn luyện đặc biệt, về sau mang cả vợ sang bên ấy. Hắn thật là hên, thoát được những trận đánh ác liệt đầu năm 1975. Hắn về nước cách đây năm năm, thằng con tên Mão đó đẻ ở Mỹ, đúng trưa ngày 30 tháng 4, giống bố như đúc. Bây giờ nó đã thành nhà doanh nghiệp lớn rồi cơ à? Lại kinh doanh ngành xây dựng và địa ốc thì có chết người không cơ chứ!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao ông lại nói vậy?
Ông hàng xóm nhắm nghiền mắt, ngửa mặt lên trời một lúc rồi nói:
- Đại úy Dần tuy là sĩ quan đơn vị chiến đấu nhưng ông ta chỉ lo kiếm tiền. Là sĩ quan tác chiến của Bộ Tư lệnh vùng chiến thuật, ông ta chỉ lo móc nối để nhận thầu xây dựng các công trình quân sự. Các công trình xây dựng đó bị bớt xén vật liệu rất tàn bạo, gọi là bê-tông nhưng thực ra xi-măng, cốt sắt hầu như không có, chỉ một phát B.40 là cả cái lô-cốt tan thành cát bụi!
- Tại sao ông lại biết như vậy? – tôi ngạc nhiên hỏi.
- Thì tôi là "phó" của đại úy Dần! – ông hàng xóm cười ranh mãnh rồi nói tiếp – Anh mới tiếp xúc với tôi nên chắc là chưa biết nhiều về tôi. Hồi đó, tôi được một người bà con giác ngộ, tôi đã xin sang hàng ngũ quân giải phóng, nhưng người bà con đó bảo cứ ở lại đó thêm một thời gian làm cơ sở bí mật cho quân giải phóng. Khi nghe tôi nói chuyện đại úy Dần hay “rút ruột” các công trình xây dựng quân sự, người bà con đó lại bảo phải giúp hắn rút ruột nhiều hơn nữa để quân giải phóng đỡ tốn thuốc nổ và đạn B40 khi đánh các căn cứ quân sự của địch. Nhờ vậy mà tôi đã được tính công. Chỉ tiếc là tôi chưa được trở thành người chiến sĩ quân giải phóng đàng hoàng, công khai thì đã giải phóng miền Nam!...
- Dạo này ông có gặp cha con ông Dần không?- tôi lại hỏi.
- Có! Cha con ông ta có đến gặp tôi ba lần, mời tôi làm phó giám đốc cho cái công ty của con ông ta, tức cái thằng Mão đó. Nhưng tôi từ chối vì lý do: cha con đại úy Dần muốn tôi tiếp tục “trổ tài rút ruột” các công trình xây dựng! Chẳng lẽ cái công ty của thằng Mão lại làm ăn giống như bố nó ngày xưa? Nếu vậy thì thật nguy hiểm!...
Nghe ông hàng xóm nói đến đó, tai tôi như có tiếng bom nổ ùng oàng!Chuông điện thoại của tôi đổ ba bốn hồi tôi mới biết. Đầu đằng kia là tiếng nói của Liên:”Không có cặp mắt xanh, xem đến lần thứ hai vẫn là hai tròng trắng! Mà nó đập tay rất mạnh, vỡ cả gạch men nền nhà!...”
*
Thằng cháu Phóng của tôi tái mặt khi nghe tôi kể chuyện về ông hàng xóm và người có cặp mắt xanh.Phóng lặng người đến năm phút rồi mới nói :
- Cháu sẽ bỏ hai cái phóng sự này ! Nhưng cậu phải dẫn cháu đến gặp người mẹ và anh con trai có cặp mắt xanh ngay, cháu sẽ làm phim về họ !
- ? !
- Phải đi Huế ngay cậu ơi ! Chỉ còn ba ngày nữa là hết hạn . Cháu sẽ làm Thần tốc đúng như chiến dịch Hồ Chí Minh ! Và lần này thì nhất định là cậu phải viết lời bình cho cháu ! Nhân vật của cháu là nạn nhân chất độc màu da cam !...
Tôi không thể từ chối lời đề nghị của thằng cháu nhưng tôi cứ nghĩ giá như cháu tôi tự nó tìm đến chỗ người có cặp mắt xanh thì hay hơn vì thực ra tôi chưa biết mình sẽ đến với Liên bằng tư cách gì ? Lòng tôi rối bời, trong khi đó thằng cháu cứ giục hối như còi tàu ! Trong lúc đó, trên ti-vi đang đưa tin vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã gặp trở ngại lớn ! Những nạn nhân chất độc màu da cam trong đó có hai bố con cặp mắt xanh như đang hiện ra trước mặt tôi, mỗi lúc càng rõ ràng như bằng xương bằng thịt ! Không kịp suy nghĩ gì nữa, tôi và thằng cháu Phóng đi ngay ra sân bay !...
Khi tôi và thằng cháu Phóng đến nhà Liên, tất cả đang ở nhà. Vừa nhìn thấy Phóng, người con của Liên đã lộ rõ cặp mắt xanh , thay vì vẫn đập tay xuống sàn nhà, anh ta nhìn Phóng với cặp mắt xanh lấp lánh và nở nụ cười thật hồn nhiên khi Phóng dơ máy quay phim lên trước mặt anh ta ! Chiếc máy ảnh nhỏ xíu của tôi đã kịp thời ghi lại được hình ảnh đó, đó cũng là hình ảnh mở đầu của tập phim phóng sự “Người sinh ngày 30 tháng 4” - hình ảnh này người quay phim không thể ghi lại được bằng máy quay phim !...
Sài Gòn, 2005 - 2009

Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét