Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Kiếm tiền tiêu Tết ; Kiếm sống - Đỗ Ngọc Thạch

KIẾM TIỀN TIÊU TẾT
Truyện ngắn của  Đỗ Ngọc Thạch 

Khi năm hết Tết đến, mối quan tâm của hầu hết người dân, và đặc biệt là những người lao động nghèo, là Tiền Tiêu Tết! Người ta xoay xỏa đủ kiểu, đủ cách để kiếm tiền tiêu Tết, nhưng không phải ai cũng đạt được điều mong muốn, thậm chí ngày Ba mươi Tết rồi mà chưa kiếm đủ số để sắm ba mâm cúng không thể thiếu: Chiều Ba Mươi, Giao Thừa và Sáng Mồng Một. Có rất nhiều nhà ăn Tết mà cũng chỉ như ngày thường! …Nhà ông Song Hàn và bà Lưỡng Bần thuộc vào số những nhà nghèo, kém may mắn như vậy… 
Ông Song Hàn quê gốc ở vùng Sông Hàn, tên ông là tên con sông nổi tiếng toàn quốc đã đi vào thơ ca, nhạc họa, chẳng hạn như câu thơ sau của nhà thơ xứ này: Con qua Cẩm Lệ, Sông Hàn / Ngũ Hành Sơn đó mơ màng bóng cha… Nhưng văn phòng UB Xã làm bay mất cái dấu “Mũ” trên chữ “O”, thành ra tên ông thành Song Hàn, lại có ý nghĩa khác: Hai cái nghèo, hai kiếp nghèo, hai đời nghèo? Vận vào đời mình, ông thấy đúng quá, đời cha ông rất nghèo, lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, nghèo vẫn hoàn nghèo, và ông sinh ra trong cảnh nghèo, lúc nhỏ sữa cũng không có mà uống! Như thế tức là ông nghèo hai đời? Tuy thế, khi sinh ra cô con gái đầu (và cũng là duy nhất), ông lại rất vui vì nghĩ đời nó sẽ hết nghèo, nên ông đặt tên nó là Kim Ngân! Tuy từ khi có cô con gái Kim Ngân, nhà ông chưa giàu lên nhưng cũng không bao giờ bị đói, ông đã tự mua được chiếc xích lô, vợ ông đã có đủ vốn để làm một cái tủ trái cây ngon lành và con gái ông đã được học hết lớp 10 rồi đi học một lớp Y tá sơ cấp, giờ đã được làm trong một Bệnh viện lớn, lương không cao nhưng “bổng lộc” mùa nào thức ấy, người nhà bệnh nhân tạ ơn thì có gì sai mà không nhận? Tết năm con Trâu này, con gái ông vừa chẵn hai Giáp, tức 24 tuổi, thầy tướng nào cũng nói sẽ có lộc mới, sẽ phát tài, nên ông vui lắm! Tuy nhiên, chỉ còn một tuần nữa là Tết mà “Ngân sách” chi tiêu cho ngày Tết theo bà vợ ông Hàn cho biết thì coi như vẫn chưa có gì, ngoài số tiền thưởng của cô con gái, còn chưa biết chắc là bao nhiêu? 

Ngày 23, ngày Ông Táo lên chầu Trời. Lễ cúng ông Táo làm đơn giản, tuy thế bà vợ ông Hàn phải lấy trong số vốn của tủ trái cây và giao hẹn với chồng: “Ngày hôm nay, ngoài số tiền mua gạo thường kỳ, ông phải bù vào cái lễ cúng ông Táo, nghe không?”. Ông Hàn ngồi lên xe mà không biết đạp tới đâu? Vừa ra đầu hẻm, ông nghe mấy đứa trẻ con thi nhau đọc những câu toàn chữ “T”: Thầy thằng Tý túng tiền tiêu Tết, toan tự tử, tối thứ tư, tại toa tàu thứ Tám! Thầy tôi thấy thế thương tình, tặng thầy thằng Tý tý tiền tiêu Tết! Thầy thằng Tý thôi tự tử!... Trời ơi, sao mà đúng tâm tư của mình thế? Ông Hàn nghĩ, nếu ngày hôm nay mà không kiếm đủ số như bà vợ nói thì đúng là sẽ đi tự tử!
Ông Hàn đang bù đầu với một lô chữ “T” của bọn trẻ con thì có một ông khách mập bự, ngoắc lại kêu chở tới nhà hàng đặc sản Hương Quê! Có thế chứ, khách mở hàng mà tướng tá ngon lành
như thế này là ổn rồi! Ông Hàn còng lưng đạp, đưa người khách mập bự tới nhà hàng Hương Quê. Tới nơi, người khách nói chờ khoảng nửa tiếng sẽ về ngay. Ông Hàn mừng quýnh, vậy là mở hàng bằng cuốc xe “khứ hồi” thì còn gì bằng! Ông liền kéo cái xích lô tới sát tường nhà hàng Hương Quê, ngồi lên xe rồi ngả lưng tranh thủ làm một giấc, bởi đêm hôm qua, ông cứ mải mê “vật lộn” với bà vợ mà quên cả ngủ!
Khi ông Hàn bừng tỉnh thì đã quá trưa, khoảng một, hai giờ chiều gì đó! Ông lặng người khi sực nhớ ra mình đang chờ ông khách mập bự đi cuốc xe “khứ hồi”! Thôi, thế là mất toi cuốc xe khứ hồi! Ông tính vào nhà hàng hỏi xem ông khách mập bự có còn ở trong đó không nhưng lại nghĩ: đã quá giờ hẹn, là mình ngủ quên, lỗi tại mình! Thôi bỏ!
Ông Hàn lên xe, ngồi đạp từ từ nhưng đầu óc thì như mây bay lãng đãng, không biết sẽ đi  đâu? Ông bỗng thấy đói! Chẳng lẽ lại mò về nhà ăn cơm? Gạo còn chưa mua được thì cơm nước gì? Nghĩ thế, ông bấm bụng đạp tới chỗ mấy người bạn đồng nghiệp, xem họ có san sẻ cho được người khách nào không? Song, khi ông mới đi được khoảng mười phút thì có hai người chặn xe ông lại, kêu ông chở một người phụ nữ bị tai nạn giao thông, đang ngồi rên la bên vệ đường, máu me đầy người! Không chần chừ, ông cặp xe lại gần người bị nạn, rồi còng lưng đạp tới trung tâm cấp cứu Thành phố!
Khi ông Hàn về tới nhà thì thành phố đã lên đèn. Bà vợ và cô con gái đang ngồi chờ cơm, ra cửa đón ông, nhìn thấy cái xích lô đầy những vết máu đã xỉn khô thì dường như đã hiểu chuyện gì đã xảy ra với ông!
*
Là người rất mê coi bói toán, tử vi nhưng ông vẫn chưa hết ngơ ngẩn, bàng hoàng khi ngày hôm sau, thật không thể tin nổi, sự việc lại xảy ra với ông gần giống như ngày hôm trước! Chỉ khác chút ít là buổi sáng thì ông chở một người khách sộp, tới một tòa cao ốc, cũng hẹn sau hai mươi phút sẽ xuống đi cuốc xe “khứ hồi”, nhưng rồi không bao giờ xuống nữa! Còn cuốc xe tới Bệnh viện hôm nay là chở mấy đứa trẻ một trường Mầm Non bị ngộ độc thực phẩm, ông phải chở hai đứa và một cô giáo áp tải! Khi nhìn lại xích lô thì không thể tin được, hai đứa bé ói nôn ra đầy xe! Người ta chỉ mải lo cấp cứu cho mấy đứa bé mà không hề ngó ngàng gì đến ông, tức trả ông tiền “cước vận chuyển”! 
Chán nản, thất vọng hết sức, sang ngày thứ ba, ông tính “giải nghệ” một hôm để “xả xui”, ra đầu hẻm ngồi uống cà phê. Nhưng chưa uống hết ly cà phê thì ông Tổ trưởng dân phố nắm chặt tay ông mà nói: “Tôi có người em ở Canada về quê hương ăn Tết, nó lại nói là không đi taxi mà đi xích lô từ sân bay về nhà để còn nhìn ngắm phố phường. Vậy nhờ ông đi một chuyến!”. Ông Hàn nghe ông Tổ trưởng dân phố nói vậy thì đứng dậy đi lấy xích lô ngay vì không thể từ chối ông Tổ Trưởng, vả lại chở khách Việt kiều là “mơ ước” của dân xích lô như ông! 
Đến sân bay, ông ngồi chờ ở vòng ngoài. Song, thật không thể tin nổi, ông ngồi chờ một giờ, rồi hai giờ mà không thấy ông Tổ Trưởng cùng người em Việt kiều Canada đâu? Ông quyết định quay về nhà và nghĩ sẽ lấy sợi dây xích khóa cái xích lô này vào cái cột điện trước cửa nhà! Ông khóa cái xích lô xong, liền đi đến nhà ông Tổ trưởng thì thấy nhà vẫn khóa cửa, hình như là cả nhà ông Tổ trưởng ra sân bay đón người em Việt kiều. Ngày hôm sau, ông mới được biết người  
em của ông Tổ trưởng gặp “rắc rối” vì vận chuyển ma túy tổng hợp, số lượng khá lớn!...Ông Tổ trưởng đang bù đầu lo việc của người em mà quên luôn ông, điều đó xảy ra là tất nhiên! 
Sang ngày thứ tư, tức ngày 26 tháng Chạp, người ta thường nói là ngày 26 Tết, tức Tết đã đến, nói chính xác thì Tết đã cận kề, người người đi sắm Tết tấp nập. Vậy mà ông Hàn vẫn thấy bà vợ ông “bình chân như vại”, trong nhà ông chưa thấy dấu hiệu gì của Tết cả, ngay cả bàn thờ gia Tiên với mâm ngũ quả cũng chưa có gì? Chắc phải tới ngày 28, 29 bà vợ ông Hàn mới bày biện bàn thờ, bởi thực ra điều quan trọng đầu tiên là “Tiền đâu”? Nghĩ đến hai chữ “Tiền đâu”, ông Hàn lôi cái xích lô ra đầu hẻm, phải hành động, phải đi kiếm tiền tiêu Tết! 
Có câu “Quá  tam ba bận”, tức mọi cái xui xẻo của ba hôm vừa rồi chắc chắn không xảy ra với ông Hàn nữa? Ông Hàn nghĩ vậy và bình tâm ngồi lên yên “con ngựa già”, đạp một hơi dài để gọi là “đứt đuôi con nòng nọc” với ba ngày xui xẻo vừa qua!... Khi ông Hàn từ từ “thả lỏng dây cương” để quan sát hai bên đường tìm “mối khách”, thì không cần đợi lâu, một bà cỡ hơn tứ tuần, quần áo rất “thời trang”, son phấn khá đậm, ngoắc ông lại. Khi đã an tọa trên xích lô rồi, bà khách kia nói nhỏ mà rõ từng tiếng một: “Ông thích vui thú ở chỗ nào thì đưa tôi tới đó, tôi chỉ xin ông tiền ăn ngày hôm nay mà thôi!”. Ông Hàn trố mắt nhìn bà khách, như là không tin ở tai mình, hỏi lại: “Bà nói gì?”. Bà khách làm điệu bộ đánh mắt đưa tình, nói nhỏ: “Thì tôi đã nói rồi đó, giờ tôi là Tình nhân của ông!”. Ông Hàn nhảy xuống đường, nói như quát: “Bà này điên rồi! Xuống xe ngay!”. Bà khách kia vẫn bình thản như không nghe rõ câu nói của ông Hàn, nhoẻn miệng cười rồi nói: “Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt sao? Ông có tin là tôi gọi mấy thằng chém mướn tới chặt nát cái xế của ông không?”. Ông Hàn có linh cảm là dây vào “Tổ ong” nên hạ giọng nói nhỏ: “Xin bà chị thương tình, em còn phải đi kiếm tiền đong gạo, khi nào rảnh rang mới hầu hạ bà chị được!”. Bà khách nghe nói thế thì lấy ra điếu thuốc, bật quẹt hút một hơi rồi mới nói: “Thôi được! Vậy thì đưa chị tới nhà hàng Ngõ Nhỏ ở đường Ngô Thì Nhậm!”.
…Khi đã đạp một mạch để thoát khỏi cái “mùi Hồ Ly” của bà khách, ông Hàn mới thấy hú vía! Ông lại “thả lỏng dây cương” mà đầu óc vẫn chưa ổn định! Chẳng lẽ ngày hôm nay mình lại bị Hồ Ly quấy nhiễu? Vừa nghĩ tới đó thì có một cô gái trẻ đẹp như người mẫu thời trang chân dài, một bước đã ngồi gọn trên xích lô, nói như ra lệnh: “Đến vũ trường Bốn Sao!”. Ông Hàn bàng hoàng, như là gai ốc nổi lên khắp người rồi gục xuống, ngất xỉu ngay trên yên “con ngựa già”! May cho ông Hàn là vừa đúng lúc đó, một bạn đồng nghiệp của ông đi tới, thấy thế thì kịp thời đỡ ông xuống, dìu vào hè đường, sơ cứu cho ông rồi đưa ông về nhà, giao cho bà Bần!

Đó là chuyện xảy ra vào bốn ngày giáp Tết năm con Trâu. Suốt mấy ngày Tết, ông cứ như người mất hồn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, khiến cho bà vợ và cô con gái lo sợ vô cùng. May mà cô con gái Y tá của ông gọi được ông Bác sĩ Thần kinh số Một ở Bệnh viện tới, dùng phương pháp Đông – Tây Y kết hợp mới chữa khỏi cho ông cái bệnh “Tâm thần phân liệt” đã thâm nhập vào ông tới năm, sáu phần!
Năm nay là năm con Cọp, ông Hàn nghĩ “vận sui” sẽ không  dám vuốt râu Hùm! Vì thế, ngày 23 Tháng Chạp, sau khi vợ ông làm lễ cúng ông Táo xong, ông ung dung lên xe, vừa đi vừa …huýt sáo! Vợ ông, cả con gái ông đã dặn rất kỹ: Không được nghĩ quá nhiều đến mấy chữ “Kiếm tiền tiêu Tết”, nó sẽ làm ông rối trí! Việc kiếm tiền tiêu Tết năm nay hai mẹ con bà Bần và Kim Ngân
đã dự liệu xong xuôi, cho nên ông Hàn kiếm thêm được đồng nào thì tốt, còn nếu không có cũng không sao! Nói là nói thế, ông Hàn nghĩ mình không thể trút hết gánh nặng lên vai vợ con. Khi nghe vợ con dặn dò quá kỹ, cứ như là ông chưa từng lăn lộn trường đời kiếm tiền, Ông thầm nhủ: mình phải kiếm một món lớn cho hai mẹ con thưởng thức chữ “Bất ngờ”!
Đi được năm phút, ông sực nhớ ra con gái dặn sáng nay tới nhà Bác sĩ Thư ở đầu hẻm bên kia đường, chở ông Bác sĩ này tới Bệnh viện chấn thương chỉnh hình để tái khám. Ông Bác sĩ Thư này bị tai nạn gãy cả hai chân, nhưng đã được những “Bàn tay vàng” của đồng nghiệp chữa trị tận tình nên vết thương đã dần biến mất, chỗ xương gãy đã được nối lại như chưa hề gãy và đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà! Ông Hàn liền quay lại, tới nhà BS Thư, thì thấy BS Thư đang ngồi đợi ở cửa!
Khi đưa ông Bác sĩ Thư  trở lại nhà, ông Hàn nhận được một “Hợp đồng” rất hậu hĩnh: từ ngày 27 đến ngày 30 Tết, mỗi ngày đưa ông Bác sĩ Thư đi dạo phố phường một giờ đồng hồ! Giá “cước vận chuyển” là hai triệu! Quả là một bất ngờ lớn đối với ông Hàn, bởi bốn ngày tới đây sẽ xóa tan vĩnh viễn bốn ngày xui xẻo của năm ngoái!
Bữa cơm tối, ông Hàn muốn cho vợ con thưởng thức hai chữ bất ngờ của cái “Hợp đồng” với ông Bác sĩ Thư, nhưng ông lại nghĩ, hôm nay mới là ngày 23, “Nói trước bước không qua”, khoan đã! Bà vợ và cô con gái thấy ông rất tươi tỉnh (không như năm ngoái), thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm thì dường như cũng vui lây! Hai mẹ con cũng dự tính “để dành” sự bất ngờ đến phút chót, nhưng không hiểu sao, bà Bần lại muốn nói ngay hôm nay: “Cô con gái rượu của ông muốn cho ông thưởng thức sự bất ngờ sớm một chút: Ngày 29 Tết, ông Bác sĩ Thư sẽ dâng lễ Ăn hỏi con gái Kim Ngân của ông đấy! Ông có một tuần để suy nghĩ đồng ý hay không?”. 
 Ông Hàn nghe mà  như chưa tin ở tai mình, ông nhìn con gái như muốn nói: chính là con hãy nói cho cha nghe đi? Nhưng cô con gái cứ ngồi bình thản ăn cơm, như là không biết bà mẹ vừa nói gì! Càng nhìn cái dáng vẻ bình thản, tự tin của cô con gái, ông Hàn càng thấy con mình sao mà xinh đẹp lạ thường!... 
Sài Gòn, những ngày cuối năm, 2010
Đỗ Ngọc Thạch


Kiếm sống


Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch 
Có 1001 cách kiếm sống với đủ các cung bậc khác nhau. Và có lẽ đánh máy thuê là một trong những cách kiếm sống “sạch sẽ” nhất mà trong thời gian lưu lạc giang hồ ở Sài Gòn tôi đã từng làm khá lâu.   
Ở trên đường Lý Thái Tổ, đoạn từ Ngã Bảy tới Ngã Sáu Cộng Hòa là trung tâm dịch vụ đánh máy (và các công việc văn phòng khác) của Sài Gòn từ rất xa xưa, có lẽ từ ngày cái máy đánh chữ xuất hiện ở Việt Nam! Chỗ tôi làm công việc đánh máy này là một căn hộ đã cũ, ngay gần sát Ngã Bảy. Chủ nhà là một bà già đã gần bảy mươi tuổi, sống với hai đứa cháu nội, đều còn đang đi học. Cách thức ăn chia là chủ nhà với toàn bộ trang thiết bị (hai cái máy chữ đã cũ, giấy trắng, giấy than, v.v…) và người làm thuê mỗi bên hưởng 50 tổng số thu nhập hàng ngày. Công việc chủ yếu là đánh máy đơn thư, bản thảo do khách hàng yêu cầu. Giá cả theo mức chung của cả Trung tâm dịch vụ văn phòng trên đường Lý Thái Tổ này (thời điểm tôi làm ở đây là 2.000 đồng một trang giấy A4). Như vậy, một ngày tôi phải gõ lách cách trên 40 trang giấy thì mới được 20.000 đồng, mới gọi là tạm đủ sống!

Những người đến thuê tôi đánh máy chủ yếu là viết một, hai lá đơn đủ kiểu: đơn xin làm việc, đơn xin học, đơn kiện cáo, ly hôn, v.v… nói chung là tất cả các loại đơn từ liên quan đến các cơ quan chức năng của Nhà nước. Loại khách hàng thứ hai là viết thư cho người thân ở xa, kể cả ở nước ngoài. Không kể những người văn hóa thấp, chữ viết xấu và không thể làm tốt thể loại văn “Viết thư” mà cả những người đọc thông viết thạo cũng muốn gửi đi lá thư được đánh máy sạch sẽ, rõ ràng và lời lẽ trong thư phải hay nữa! Hai loại khách hàng trên chiếm số lượng lớn và ngày nào cũng có lai rai từ hai chục đến ba chục người. Như đã nói trên, khi đã “ăn chia” rồi, người thực hiện công việc là tôi phải được ít nhất 20.000 đồng thì mới gọi là đủ sống. Vì thế, chỉ với hai loại khách hàng này thì không bao giờ tôi kiếm đủ 20.000 đồng một ngày, tức không bao giờ đủ sống! Thế mới biết, kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng, tức việc Kiếm sống quả là khó khăn! 
Đó là nói chung thì là như vậy. Nhưng nếu người đánh máy có khả năng cao hơn, “siêu hơn” người đánh máy thông thường thì có một loại khách hàng thứ ba, số người tuy không nhiều nhưng khối lượng công việc thì khá lớn. Đó là sinh viên năm cuối ở các trường Đại học viết Luận văn Tốt nghiệp cần phải đánh máy sạch sẽ rồi đóng xén thành từng tập sách trình bày đẹp mắt! Quả là   Ông Trời không triệt đường sống của người tốt nên loại khách hàng thứ ba này đã đến thuê tôi đánh máy khá nhiều, khiến tôi phải thức khuya dậy sớm khá vất vả!

*
Những người đến thuê tôi viết đơn, viết thư thường là đến nhiều lần nữa và trở thành khách quen. Và theo lẽ thường, những lá đơn, lá thư của những khách quen này có nội dung lần sau khác với lần trước. Nhưng, có ba người khách quen khá đặc biệt là nội dung những lá đơn, lá thư của lần sau vẫn giống y chang những lần trước, chỉ khác ngày tháng năm mà thôi! 
Người thứ nhất là một ông tuổi gần tứ tuần, đang làm ở Ủy Ban Nhân dân Phường, sau mới khoe là mới được lên chức Phó Chủ tịch UBND Phường. Nội dung ông yêu cầu là một lá thư…tỏ tình, viết sao cho thật tình cảm mà phải bộc lộ sự chân thành. Tôi yêu cầu ngay là phải biết rõ về đối tượng nhận thư, thì ông ta cho biết đó cũng là một bà Phó Chủ tịch Phường, Phường bạn, nhưng đã sắp lên chức Chủ tịch Phường, vốn trước là thanh niên xung phong, đã từng phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, rất nguyên tắc trong công việc nhưng cũng rất lãng mạn về phương diện tình cảm. Lá thư tôi soạn cho ông khách Phó Chủ tịch Phường chỉ dài gần hết một trang giấy A4, thể hiện sự yêu đương mãnh liệt và quyết tâm theo đuổi đến cùng, cho dù phải chờ đợi năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa (Tôi lấy ý tưởng từ tinh thần “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của dân tộc ta)! Và đây là ý riêng của tôi, phải giải thích mãi ông khách hàng Phó Chủ tịch Phường mới chịu: đó là khẳng định một điều chắc chắn rằng, nếu em không chấp nhận tình yêu của tôi thì em sẽ phải chịu cảnh cô đơn suốt đời (Nếu không đưa ý này vào thì nó sẽ na ná như mọi lá thư tình khác, không gây được ấn tượng)! Lá thư tỏ tình này được gửi hàng ngày, vào buổi sáng! Và quả nhiên, suốt một tuần đầu tiên, người nhận thư không thèm trả lời! Và qua “tin tức tình báo” thì bà Phó Chủ tịch Phường đùng đùng nổi giận mà tuyên bố với đám nhân viên nữ của UB Phường: “Cho dù thế giới này không còn thằng đàn ông nào thì chị cũng không thèm lấy hắn!”. Ông Phó Chủ tịch Phường kể lại cho tôi chuyện đó và tỏ ý “chiến bại”! Tôi bảo: “Vạn sự khởi đầu nan! Ta càng làm tăng mức độ khó khăn ban đầu đó lên thì càng mau đến ngày thắng lợi!”. Ông khách hàng cười mếu máo, như chưa tin tưởng vào ngày thắng lợi, tôi phải dùng thuật Tử vi, tướng số để an ủi: “Tôi đã làm lá số tử vi của hai người rồi, nhất định sẽ nhân duyên mãn nguyện. Bây giờ ông chỉ cần dùng chiến thuật “thứ nhất đẹp trai, thứ hai mặt lì”! Ông cứ “kiên trì và nhẫn nại”, nhất định sẽ có kết quả!”. Quả nhiên, ba tháng sau, ông khách hàng Phó chủ tịch Phường tươi cười đến đưa cho tôi thiệp mời dự đám cưới, “song hỷ long môn” vì cô dâu vừa có quyết định lên chức Chủ tịch Phường! Tôi nhẩm tính thì chưa tới một trăm lá thư tình, tức ông khách mới tốn có 200.000 đồng tiền viết thư mà đã thành công mỹ mãn! 
Người thứ hai là một ông cán bộ của UBND Quận. Ông đến thuê tôi đánh máy lá đơn kiện ông Phó Chủ tịch Quận (tức là Sếp của ông ta) về rất nhiều tội danh, phải đánh máy kín 5 trang giấy A4. Lá đơn của ông được gửi đi rất nhiều nơi, từ cấp Thành phố cho đến các Bộ, Ban, Ngành Trung Ương. Ông không gửi hàng ngày mà gửi hàng tuần. Mỗi lần gửi là đánh máy lại, ghi lại ngày tháng năm và thêm phần ghi chú về tình trạng sức khỏe và kinh tế của người đứng đơn. Về chuyện tố cáo nhau ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước, tôi đã được mục kích khá nhiều và không hứng thú với những chuyện “đấu đá” triền miên này nên không có ý kiến tham gia gì, ông khách yêu cầu sao thì làm vậy! Tôi đoán chừng cuộc kiện cáo này kéo dài phải năm năm, mười năm theo nghĩa đen của cách nói này cho nên không để ý đến nội dung của lá đơn. Quả nhiên, mười năm sau, một lần ngẫu nhiên đi qua “chốn cũ” thì vẫn thấy “người xưa”: “ông kiện cáo” đang ngồi bên người đánh máy khác (người đồng nghiệp của tôi – sao mà cũng có những nét hao hao như tôi?), tóc đã bạc trắng, ánh mắt đã như là mờ đục chứ không còn tinh anh như mười năm trước hồi đến thuê tôi đánh máy nữa! Tò mò, tôi tạt vào, nhưng “ông kiện cáo” không nhận ra tôi, vẫn chú mục vào lá đơn đang đánh máy lại. Tôi liếc nhìn lá đơn thì thấy vẫn là những đoạn văn mà tôi đã đánh máy mười năm trước! Tôi thầm thán phục sự kiên trì, nhẫn nại của “ông kiện cáo” và nghĩ: kiên trì và nhẫn nại là một nét chủ đạo của người Việt chúng ta, song nó cũng bào mòn đi không thương tiếc sinh khí của con người chúng ta! Nghĩ đến đây, tôi lại phải thốt lên (không biết đã bao nhiêu lần): “Nam Cao thánh thật! Cuốn Sống mòn của Tiên sinh như là dấu chấm hết cho những ai muốn viết về vấn đề này!”. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, thực ra, Sống mòn mới là kiệt tác của Nam Cao, bởi đó là vấn đề lớn nhất , vấn đề của trí thức – của một xã hội đang trong thời kỳ chuyển mình từ nghèo nàn lạc hậu sang văn minh hiện đại hoặc nói như Hoài Thanh, đó là thời kỳ có “ một cuộc biến thiên vĩ đại ” của sự giao lưu văn hóa Đông – Tây. Còn sở dĩ người ta bị Chí Phèo thu hút và chinh phục gần như tuyệt đối vì loại nhân vật “lưu manh nông thôn” này khá dị dạng, cổ quái và yếu tố tình dục lại có đất dụng võ trong “mối tình” Chí Phèo – Thị Nở! 

Người thứ ba là một lão bà, chưa đến 50 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng. Tuy nhiên, dáng dấp còn rất nhanh nhẹn và có phần sung sức: tiếng nói còn sang sảng, ánh mắt còn lấp lánh và ăn còn rất khỏe (mỗi khi đến thuê tôi đánh máy, lão bà đều đang ăn một thứ gì đó!). Lá đơn mà lão bà thuê tôi viết chỉ có một nội dung là kiện người chồng ra Tòa án Quận với tội danh là ngày nào cũng đánh vợ ít nhất một lần! Chuyện đánh vợ là quá thường tình cho nên đến ngày thứ ba, lão bà lại đến thuê tôi đánh máy lá đơn kiện ra Tòa án Quận người chồng với tội danh đánh vợ thì tôi mới   chú ý đến lão bà và hỏi chuyện. Tôi hỏi: “Hôm qua, hôm kia bà vừa mới thuê tôi viết đơn rồi cơ mà? Tòa chưa nhận hai lá đơn ấy hay sao mà lại viết cái khác?”. Bà lão lúng túng rồi nói: “Tôi chưa kịp gửi thì …lá đơn bị mất rồi?”. Tôi rất ngạc nhiên, hỏi: “Tại sao lại bị mất?”. Bà lão nuốt hết miếng bánh mỳ cuối cùng rồi thong thả nói: “Thấy tôi cầm lá đơn, lão ta quỳ xuống, ôm lấy chân tôi xin tha tội, xin hứa từ nay sẽ không đánh tôi một lần nào nữa! Rồi lão ta rúc mặt vào đùi tóc khóc rưng rức! Tôi nghĩ chắc là lão hối cải thật nên đưa lá đơn cho lão. Tức thì lão vò nát lá đơn rồi…đè nghiến tôi xuống, làm cho tôi không biết trời đất gì nữa! Hai lá đơn kia đều bị mất như thế! Nhưng sau đó, lão ta vẫn đánh tôi như là chưa có chuyện xin tha tội đó!”. Tôi lẳng lặng đánh máy lại lá đơn khác mà không thể nói gì được với bà lão. Song tôi lại nghĩ: việc đánh máy đơn kiện của bà lão sẽ còn tiếp tục, tôi sẽ có thêm một “mối khách hàng” dài dài. Tuy nhiên, nghĩ thêm thì thấy đồng tiền kiếm được từ lão bà này thật không hay ho gì? 
Quả nhiên, suốt một tuần liền sau đó, ngày nào bà lão cùng đến thuê tôi đánh máy lá đơn có nội dung như cũ và còn cúi đầu, vạch tóc cho tôi xem những cục u, những vết máu đã khô trên da đầu là kết quả của những trận đòn của người chồng vũ phu! Tôi đoán sự việc chắc lại giống như là diễn tiến mà bà lão đã kể cho nên không hỏi gì thêm. Nhưng sau đó, bà chủ nhà lại cho tôi biết: trước đây bà lão này cũng đã đến đây thuê đánh máy đơn kiện người chồng ra Tòa như thế nhưng vài ba ngày mới tới một lần chứ không phải ngày nào cũng tới như tuần vừa rồi. Thấy tôi có vẻ như chưa tin, bà chủ nhà còn nói thêm: “Vợ chồng nhà ấy đánh nhau như cơm bữa đã trở thành chuyện bình thường ở Phường này ai cũng biết. Mà không chỉ là ông lão đánh vợ mà bà ấy cũng không phải tay vừa: chuyên dùng độc chiêu là đánh vào chỗ hiểm tức “hạ bộ” của ông ấy, có khi còn túm lấy cái của quý của ông ấy mà kéo, mà giật tưởng muốn đứt luôn! Đánh nhau ầm ĩ như thế nhưng khi ân ái với nhau thì nồng nàn thắm thiết không ai bằng, phải hàng giờ mới “hết cuộc vui”! Mà bà ấy đẻ cũng giỏi lắm, sáu đứa con rồi đấy!”. 
Tôi thật sự ngạc nhiên khi một tháng, rồi hai tháng trôi qua, bà lão viết đơn kiện chồng ra Tòa về tội đánh vợ vẫn tới thuê tôi đánh máy hàng ngày lá đơn có nội dung như cũ. Công việc đó như đã thành lệ, thành nếp quen thuộc đến độ, có nhiều lần bà lão đến, mồm vẫn đang nhai bánh trái gì đó nên chỉ ra hiệu chào tôi rồi nhanh nhẹn lấy tiền thuê đánh máy ra để lên mặt bàn máy cho tôi rồi vừa tiếp tục ăn bánh vừa nhìn ra dòng người, xe cộ đang trôi vun vút trên đường phố…chờ tôi đánh máy xong thì cầm lá đơn về nhà! Nếu chỉ có như thế thì cũng chưa thể gọi là độc đáo và cũng chưa thể khiến tôi lao tâm khổ tứ đế viết thành cái truyện ngắn này. Sự việc nối tiếp sau đây mới thật đáng chú ý. 
Một hôm, tôi thấy bà lão tới với hình hài khác hẳn: áo dài màu hồng rực rỡ, làm hằn lên một thân hình còn rất “ác chiến”, khuôn mặt rạng rỡ được trang điểm vừa phải, ánh mắt còn lấp lánh sức sống mạnh mẽ, và nụ cười rất hiền từ, phúc hậu. Bà Lão nhìn thấy tôi trố mắt ngạc nhiên thì nở nụ cười rất hồn nhiên mà nói: “Hôm nay không nhờ chú đánh máy đơn kiện nữa mà là một bản báo cáo thành tích tại Hội nghị phụ nữ của Quận về điển hình gia đình hòa thuận, con cái giỏi giang!”. Thì ra bà lão được báo cáo điển hình vì nhà nghèo vượt khó: chồng chạy xe ba bánh, vợ giặt đồ thuê nhưng cả sáu đứa con đều có hạnh kiểm tốt, không xì ke ma túy, lưu manh trộm cướp mà đều học hành đến nơi đến chốn (ba đứa lớn đang học đại học Nông Lâm, ba đứa sau đang học Sư phạm trung cấp). Tôi quá bất ngờ và vui lây với niềm vui của bà lão nên hứng khởi gõ liền một mạch, chỉ mười phút mà đã kín một trang giấy A4. Nhìn Lão bà cầm tờ báo cáo tung tăng bước đi tôi nghĩ chắc hẳn từ ngày mai tôi sẽ không phải đánh máy đơn kiện người chồng đánh vợ cho bà lão nữa bởi với một người vợ giỏi giang, đảm đang và đáng yêu như thế thì không một người chồng nào nỡ thượng cẳng chân hạ cẳng tay! Nhưng, tôi đã một lần nữa phán đoán tình huống sai bét: sáng hôm sau, vừa mở cửa “Văn phòng”, tôi đã thấy bà lão đang đứng trước cửa, một tay thì xoa xoa trên đầu, một tay thì cầm cái bánh mỳ kẹp thịt xá xíu và dưa leo, mồm thì đang nhai ngon lành! Vừa nhìn thấy tôi, bà lão nói vội khi vừa nuốt xong miếng bánh: “Chú đánh ngay cho tôi cái đơn kiện gửi Tòa!”. Nói xong bà lão lại đứng tiếp tục ăn bánh và nhìn vu vơ ra đường phố, chờ tôi đánh máy lá đơn kiện! 
*
Ba ngày sau, một cô gái khoảng ngoài hai mươi tuổi, đến nhờ tôi đánh máy Luận văn tốt nghiệp của trường Đại học Nông Lâm. Nhìn cô gái trẻ có nhiều nét giống bà lão hay thuê đánh đơn kiện, tôi hỏi ngay thì đúng là cô con gái đầu của bà lão. Cô gái nói nhờ tôi chỉnh lại câu cú và trình bày thật đẹp để đóng xén làm bìa nhũ vàng vì được giáo sư hướng dẫn nhận xét rất tốt. Chỉ hai ngày tôi đã hoàn thành công việc. Khi nhận tập đánh máy, cô gái rất vui và nói sẽ bảo mấy người bạn đem Luận văn đến nhờ tôi đánh máy và trả tiền công cho tôi gấp đôi giá đã thỏa thuận. Với hành động ấy, cộng với khuôn mặt rất phúc hậu và nụ cười thân thiện, tôi đánh giá cô gái là người rất tình cảm, rất tốt. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi hỏi, tại sao hiện tượng bố cô thường xuyên đánh đập mẹ cô u cả đầu cứ tái diễn hoài, cô gái nói tỉnh khô: “Dù thế nào thì đó cũng là bố em, không thể làm gì ông ấy được! Còn mẹ em thì khỏi lo, ông ngoại em đã chân truyền cho bà bí kíp môn võ Thiết đầu công , bố em có đánh chỉ như gãi ngứa mà thôi!... Còn sau này, chồng em mà đánh em chỉ một cú vào đầu là em cắt dái!”…/.
Sài Gòn, tháng 3-2010
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét