Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

(trên vannghechunhat.net)

Lệnh phải thi đỗ

Ông Lý Trần Vương Gia chưa tới 50 tuổi nhưng đã là một đại gia thuộc Top 10 của Tỉnh H. Nhìn tên ông cũng có thể đoán ra ông là hậu duệ của hai dòng họ đã làm sáng chói những trang sử của người dân nước Việt: đó là hai họ Lý và họ Trần.

Con Tạo xoay vần

Không hiểu sao hai chữ “thất nghiệp” nó cứ bám lấy tôi dai như đỉa đói ? Lần này chắc là tuyệt lộ vì sức đã yếu, tuổi đã đến gần “ngũ thập”, cũng có thể gọi là tuổi cao được rồi?

Lá thư tuyệt mệnh

Ông Trần Phú Quý là một Kỹ sư Nông nghiệp, sau khi có cái bằng Thạc sĩ thì lên Trưởng Phòng Nông nghiệp Huyện và hiện là Phó Chủ tịch một Huyện.

Giết chết người tình

Một buổi sáng, vào khoảng Năm giờ, đường phố còn vắng tanh, người lượm ve chai, như thường lệ, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để “móc bọc”. Trước cửa các căn nhà, những bịch rác to nhỏ đủ các cỡ, nằm ngổn ngang, bốc mùi hôi thối.

Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về

Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về1. Mẹ tôi ra đi hồi đầu năm 1984, đến nay đã được 26 năm, nhưng những ký ức về Mẹ thì như là đi ngược thời gian trở về với tôi, mỗi ngày một nhiều thêm và như đang tồn tại…

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Mặc cảm Ê-Đíp; Làng không có đàn ông - Đ.N.T

MẶC CẢM Ê-ĐÍP

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Năm 1932, ông Văn Lam cưới vợ, theo kiểu ngày xưa , vợ 13 tuổi, chồng 14 tuổi (Gái hơn hai, trai hơn một). Năm sau thì bà Lan, vợ ông Lam sinh cho ông một cậu con trai kháu khỉnh, đẹp như tranh vẽ hài đồng, đặt tên là Lân (trong nhóm Tứ quý: Long, Lân, Quy, Phượng).
Khi cậu bé Lân gần một tuổi, khỏe mạnh, bụ bẫm như Thiên Thần, ai nhìn thấy cũng muốn bế bồng rồi hôn chùn chụt. Riêng bà Lan, vợ ông Lam, tức mẹ cậu bé Lân thì dường như không lúc nào muốn rời con, ngay cả những lúc ông Lam muốn “làm chuyện vợ chồng”, bà Lan cũng một tay giữ lấy con, không rời!
Khi cậu bé Lân được đúng 12 tháng, nhà ông Lam tổ chức lễ thôi nôi (*)(còn gọi là đám thôi nôi) rất lớn, đúng như nghi thức ngày xưa. Ngoài lễ vật chè - xôi, vịt luộc cúng 12 Mụ bà như trong lễ đầy tháng, còn có heo quay cúng đất đai thiên địa, thổ công, thổ chủ. Mâm cúng được bày ngoài sân, đầu hướng ra ngoài, đi kèm với heo quay còn có 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng lợn, rau sống, nhang, đèn, rượu, trà, hoa quả, trên lưng lợn quay gắn một con dao bén.
Trong nhà, bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng cửu huyền thất tổ và mâm cúng ông bà quá vãng (bao nhiêu bàn thờ, bấy nhiêu mâm cúng). Lễ vật là những thức ăn chín tiêu biểu của địa phương. Kế bên (trên bộ ván hoặc bộ vạt) bày 12 chén chè, xôi; con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tộ cháo cúng 12 Mụ bà .
Đủ ba tuần rượu cúng đất đai thiên địa, thổ công thổ chủ, rồi đến mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh, mâm cúng Cửu huyền thất tổ và mâm cúng Ông bà quá vãng. Tiếp đến là khấn cầu 12 Mụ bà. Khấn vái rất thành tâm và trang trọng…
Kết thúc ba tuần rượu và một tuần trà là thực hiện nghi thức “thử tài” đứa bé. Như người ta thường làm bằng cách bày những vật dụng trên bộ ván phù hợp với tính cách của nam, hoặc nữ. Sau đó, đặt cháu bé ngồi trước các vật dụng để cháu tự chọn lựa các vật dụng như: gương, lược, viết, tập sách, nắm xôi, tiền, kéo... Vật nào được cháu chọn trước (cầm trước) thì người ta tin tưởng đó là sự chọn lựa của cháu về nghề nghiệp tương lai cho mình.
Nhưng, ông Lam không làm như những người khác mà bày ra trước mặt đứa bé ba bức tranh, bức thứ nhất vẽ ông Lam, bức thứ hai vẽ bà Lan và bức thứ ba vẽ một ông quan đội mũ cánh chuồn. Ý ông Lam là nếu đứa bé chọn bức ảnh nào thì tương lai của nó sẽ theo người đó. Và ông Lam chắc mẩm rằng nó sẽ chọn bức vẽ ông quan đội mũ cánh chuồn vì ông nghĩ, bố và mẹ thì nó đã quá quen thuộc, nó sẽ chọn bức ảnh lạ là ông quan đội mũ cánh chuồn! Song, thật bất ngờ, đứa bé, tức thằng Lân, con ông đã không hề chọn bức vẽ ông quan đội mũ cánh chuồn mà , đầu tiên, nó tiến lại bức vẽ ông Lam (thấy vậy, ông Lam đã mừng thầm và hồi hộp chờ đợi), cầm lấy bức vẽ ông Lam rồi xé làm đôi! Ông Lam bàng hoàng, thấy lạnh toát sống lưng! Trong khi đó, thằng Lân đã cầm lấy bức vẽ bà Lan, tức mẹ nó, rồi hôn mấy cái liền!
*
Sau lễ thôi nôi, ông Lam tâm trạng rất bất an. Ông tìm đến mấy ông thầy tướng có tiếng trong vùng hỏi về hành động của thằng Lân con ông trong lễ thôi nôi, nhưng không ông thầy tướng nào giải thích được rõ ràng hành vi của thằng Lân.
Một ngày kia, ông Lam đang ngồi uống rượu một mình trong sân nhà thì có một người ăn mày rách rưới, đầu đội nón mê tới xin ăn. Ông Lam định ra mở cổng thì người ăn mày đã đi vào sân và thản nhiên ngồi xuống bên bàn rượu của ông Lam, nhìn ông rồi bình thản nói: “Trên bàn còn một cái chén chưa rót rượu, chẳng phải là ông đang đợi khách tới đó sao?”. Ông Lam nhìn người khách thì thấy mình mai cốt hạc, mắt sáng như sao liền nghĩ, người này có tiên phong đạo cốt, tất không phải người tầm thường, bèn rót rượu mời uống như là thượng khách. Được hai chén rượu, người kia mới nói: “Ông quả là biết nhìn người, không vì hình dạng bên ngoài mà xét đoán con người! Ta chính là đệ tử chân truyền của Quỷ Cốc Tiên sinh, nhân có chuyến lãng du qua đây mà tiện thể ghé thăm ông, nói cho ông vài điều thiên cơ, giúp ông tránh được họa sát thân!”. Ông Lam giật mình hỏi họa sát thân thế nào, cách hóa giải ra sao thì người kia nói: “Mầm họa do chính ông sinh ra, tức thằng con trai ông đó! Ông biết chuyện Công chúa Mỵ Châu chứ? Không thể đợi đến lúc bị Trọng Thủy đuổi đến bờ biển mới biết giặc ngồi ngay sau lưng!”. Ông Lam ngẩn người một lúc mới nói được: “Có nghĩa là tôi phải diệt mầm tai họa ngay từ bây giờ? Nhưng bây giờ mà giết thằng bé thì quả là không thể! Nó đã làm gì nên tội?”. Người kia nói: “Nếu vậy thì chỉ có một cách là đưa nó về miền biển, ra ngoài đảo càng tốt!”. Người ăn mày kia nói xong thì bái biệt, đi cũng nhanh như khi đến!
Ngày hôm sau, ông Lam đang nghĩ cách đưa thằng Lân về miền biển cho một người dân chài nuôi thì một người buôn muối, cá mắm quen biết từ lâu tới bàn chuyện buôn bán. Ông Lam cho rằng đây là sự xếp đặt của bàn tay Tạo hóa liền giao thằng Lân cho người buôn muối. Người buôn muối nghe hết chuyện thì đồng ý giúp mà còn nói: “Tôi có giao dịch buôn bán với mấy người Tây phương Phú Lang Sa (**) thì họ nói, ở xứ họ đã có chuyện này từ lâu, gọi là “Mặc cảm Ê-đíp”(***), ta không thể xem thường!”. Nói rồi người buôn muối đem thằng Lân mới hơn một tuổi về miền biển, cho vợ chồng một người đánh cá không có con làm con nuôi.
*
Ông Văn Lam nhờ giỏi buôn bán mà trở thành người giàu có nhất nhì trong vùng. Từ một thương gia, ông mua đất tậu ruộng, lập trang trại trồng chè…mà trở thành một địa chủ lớn nhất vùng. Ông lại mua cả chức Lý trưởng rồi Chánh Tổng, có tới bốn bà vợ với hơn hai chục người con, tưởng như hai vợ chồng ông Lam đã quên hẳn chuyện hai ông bà đã từng có đứa con trai đầu lòng là thằng Lân, đã đem cho người dân chài miền biển làm con nuôi.
Rồi thời gian trôi đi, sau kháng chiến chín năm là đến cuộc Cải cách Ruộng đất làm chấn động khắp nơi. Ông Văn Lam bị quy là đại địa chủ, cường hào, ác bá…Ông bị bắt trói ở trụ sở của Đội Cải cách, bị đấu tố và cuối cùng bị xử bắn. Mà người chỉ huy tất cả mọi việc đó lại chính là thằng Lân con ông ngày trước đã trở thành dân miền biển, rồi nhập ngũ, rồi trở thành Đội trưởng Đội Cải cách, có cái tên rất hợp thời: Thắng Lợi! Song, lúc đó, không ai biết ông Đội trưởng Đội Cải cách Thắng Lợi là thằng Lân ngày trước cả. Đến khi xử bắn ông Lam rồi, ngài Đội trưởng Thắng Lợi thấy bà vợ của ông Lam còn đậm đà nhan sắc, thậm chí rất đẹp, rất quyến rũ (lúc này bà Lan mới 34 tuổi, đang độ sung mãn của nữ tính) thì liền đem bà Lan về miền biển và cưới bà Lan làm vợ. Ông nhà buôn muối ngày trước cũng được mời dự đám cưới. Ông buôn muối nhìn thấy bà Lan thì nhận ra ngay và sực nhớ là mình đã nói chuyện “Mặc cảm Ê-đíp” với ông Lam cách đây hơn hai chục năm thì giật mình hoảng sợ, song lại nghĩ: “Số trời đã như vậy cố tránh cũng không được! Vả lại, thằng Lân nó mê đắm người đàn bà kia (tức mẹ nó) quá độ thì có nói ra phỏng ích gì?”, thì không nói gì cả! Vì thế, thằng Lân giết cha đẻ của nó rồi cưới mẹ nó làm vợ mà không hề hay biết gì cả! Sau đó, mẹ nó còn đẻ cho nó hai đứa con, một con trai, sinh vào cuối năm 1953, một con gái, sinh vào cuối năm 1954.
*
Sau Cải cách Ruộng đất, Đội trưởng Thắng Lợi được giao cho làm chức Chủ tịch UBND xã, tất nhiên là ở miền biển, quê thứ hai, nơi anh ta lớn lên. Ngày Ông Chủ tịch xã Thắng Lợi nhận chức cũng là ngày làm lễ thôi nôi (**) cho đứa con trai lớn tên là Đại Thắng, sinh vào cuối năm 1953, vì thế lễ thôi nôi này được coi là ngày đặc biệt và làm rất long trọng.
Đủ ba tuần rượu rềnh rang và một tuần trà cúng đất đai thiên địa, thổ công thổ chủ , rồi đến mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh, mâm cúng Cửu huyền thất tổ và mâm cúng Ông bà quá vãng . Tiếp đến là khấn cầu 12 Mụ bà, khấn vái rất thành tâm và trang trọng…Khi đến nghi thức “thử tài” đứa bé, ông Chủ tịch xã Thắng Lợi ngẫu hứng để trước mặt thằng con Đại Thắng một tấm ảnh chụp ngày cưới của hai vợ chồng ông Thắng Lợi và bà Lan đang treo trên tường, một đồng tiền và một khẩu súng đồ chơi trẻ con bằng gỗ. Mọi người hy vọng nó sẽ cầm lấy khẩu súng, tiếp nối nghề binh của bố nó thời trai trẻ oai hùng. Riêng ông Thắng Lợi và bà Lan lại muốn nó cầm lấy đồng tiền, trở thành Phú gia nhà cao cửa rộng, con đàn cháu đống còn hơn là đi đánh trận mệt nhọc mà còn sống chết không biết thế nào! Tuy nhiên, chẳng ai biết thằng bé Đại Thắng mới 12 tháng tuổi kia nghĩ gì. Người ta vỗ tay cổ vũ nó và hô lên những thứ mình thích nó cầm lên, chẳng hạn như khá nhiều người hô chữ “Tiền”, nhưng thằng bé lại không tới chỗ đồng tiền mà nhào tới chỗ bức ảnh cưới của bố mẹ nó. Nó cầm tấm ảnh lên, ngồi thẳng người lên rồi cầm hai tay hai góc tấm ảnh mà giật mạnh. Khi mọi người kịp nhận ra nó đang làm gì thì tiếng “Xoạt” ngắn gọn vang lên, tấm ảnh bị xé ra làm hai mảnh, Thằng bé ném nửa tấm ảnh có hình của bố nó ra xa rồi giơ nửa tấm ảnh có hình mẹ nó lên cao rồi cười toe toét! Đoạn, nó hôn vào mặt mẹ nó trong tấm ảnh chùn chụt hệt như hàng ngày mẹ nó vẫn hôn nó vậy!
Ông Chủ tịch xã Thắng Lợi thấy vậy thì thoáng giật mình, mặt tím tái, nhìn thằng bé lừ lừ, như là muốn “đét” cho nó một cái! Không biết thằng bé có cảm nhận được cái lừ mắt của bố nó hay không mà thấy nó liếc nhìn bố nó một cái thật nhanh rồi nhào tới cầm lấy khẩu súng, ném ngay vào phía bố nó. Thật bất ngờ, khẩu súng gỗ tuy nhỏ bé và cái lực ném của thằng bé cũng không thể mạnh được, nhưng khẩu súng đã trúng ngay ấn đường (****) của người bố, để lại một vết bầm nhỏ nhưng không thể mất đi!
*
Những tưởng người ta sẽ quên đi cái truyện “thử tài” đứa bé trong ngày thôi nôi, nhưng chỉ ba ngày sau thì ông buôn muối ngày xưa, giờ đã là một nhà buôn đồ hải sản lớn, cũng là cha đỡ đầu của ông Thắng Lợi, tới gặp ông Thắng Lợi và nói: “Thằng bé Đại Thắng nó sẽ gây họa lớn như trong câu chuyện Ê-đíp làm vua. Vậy bây giờ phải cho nó đi xa may ra mới có thể tránh được. Thời gian này, người theo Đạo Thiên chúa ở vùng này di cư vào Nam rất nhiều. Tôi có người bà con thân tín, có thể gửi người ta nuôi rất tốt”. Ông Thắng Lợi nghe theo, cho thằng con Đại Thắng theo mấy người di cư bên Đạo Thiên Chúa.
Hơn chục năm sau, tức những năm đầu thập niên 1960, chiến trường Miền Nam ngày một mở rộng, chiến dịch “Đi B” (đi vào chiến trường Miền Nam chiến đấu) được phát động khá rầm rộ, ông Thắng Lợi được lệnh tái ngũ, bổ sung lực lượng sĩ quan chỉ huy cho chiến trường miền Nam, nên ông lên đường đi B ngay sau khi tái ngũ.
Vào Miền Nam được gần bốn năm thì ông Thắng Lợi được giao chỉ huy một cánh quân đánh vào Sài Gòn trong đợt chiến dịch Mậu Thân…Khi quân của chính quyền Sài Gòn phản công, đơn vị của ông Thắng Lợi bị vây kín bốn mặt và đã hy sinh đến người cuối cùng. Chỉ đến khi cánh quân của ông Thắng Lợi bị vây kín và bị bắn phá dữ dội thì viên sĩ quan chỉ huy của đội quân Sài Gòn, - chính là Đại úy Đại Thắng, chính là con trai của ông Thắng Lợi, - mới nhận được thông tin mật của ông nhà buôn Muối – Hải sản rằng, ông Thắng Lợi, bố đẻ của Đại úy Đại Thắng đang ở trong cánh quân của Việt cộng bị vây kín, phải cứu bằng được ông Thắng Lợi! Song, “tin mật” đã tới quá muộn! Người bắn băng đạn cuối cùng kết thúc cuộc chiến không cân sức lại chính là Đại úy Đại Thắng và thật trớ trêu, người nhận hết băng đạn đó vào ngực lại chính là ông Thắng Lợi!...
*
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại úy Đại Thắng được ra cải tạo ở một trại giam ngoài Bắc. Khi bà Lan biết tin, bà đã tìm mọi cách để xin bảo lãnh cho con bà tại ngoại. Nhưng ông nhà buôn muối lại nói với bà Lan: “Thằng Đại Thắng nó đã mắc vào cái tội lỗi oan nghiệt là giết cha. Bây giờ bà xin cho nó về nhà thì tức là bà giúp nó mau chóng làm xong cái phần sau của tấn bi kịch “giết cha cưới mẹ” đó!”. Bà Lan tuy cũng tin vào lời ông nhà buôn muối, hải sản nhưng dù sao, cứ nghĩ đến cảnh con mình phải sống trong cảnh tù đầy khổ cực, là bà lại không thể ngồi yên! Cuối cùng, bà Lan đã quyết định “chạy” bằng mọi giá cho anh chàng Đại Thắng được bảo lãnh về nhà!
Đúng là nhân bảo như thần bảo, chỉ sau khi về nhà được một tuần, quan hệ giữa Đại Thắng và bà Lan đã không còn là quan hệ mẹ con nữa và Đại Thắng cứ nằng nặc đòi cưới bà Lan. Song, khi khách khứa đến dự đám cưới thì chỉ được biết đó là đám cưới giữa bà Lan và anh chàng Nam Hà, một người ở trong xóm Đạo. Còn chuyện cậu bé Đại Thắng được giao cho một người xóm đạo nuôi và đưa theo di cư vào Nam để rồi được lấy tên mới là Nam Hà, tức chú rể Nam Hà thì chỉ có ông Nhà buôn Muối, hải sản biết mà thôi!
Sài Gòn, tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
-------
Chú thích:
(*) Lễ Thôi nôi: Khi đứa trẻ được tròn 1 tuổi, người ta tổ chức cúng đầy năm. Lễ đầy năm còn gọi là lễ Thôi nôi. Thôi nôi có nghĩa là bỏ cái nôi. Từ khi sinh ra cho đến lúc được một tuổi, đứa bé thường được đặt trong nôi. Nhưng sau khi đầy năm người ta sẽ cho bé nằm giường và thôi không nằm nôi nữa. Vào ngày này, ngoài việc cúng lễ, người ta còn có tục thử trẻ.
Vào ngày làm lễ: đứa trẻ được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới. Nếu là con trai, người ta sẽ bày bên cạnh nó những đồ chơi là cung tên, giấy bút; nếu là con gái thì bày kim chỉ, dao kéo. Theo phản xạ tự nhiên, đứa trẻ sẽ bò đến và nhặt lấy những thứ mà nó thích. Người ta cho rằng: nếu đứa con trai chọn kiếm cung thì sẽ theo nghiệp võ, còn chọn giấy bút theo nghiệp văn chương; đối với con gái nếu chọn kim chỉ sẽ có tài may vá, còn chọn dao kéo sẽ có tài nội trợ.
Trong lễ cúng đầy năm, người ta làm lễ cúng mụ (12 Bà Mụ) và cúng gia tiên. Có nhà tổ chức lớn còn mời rất nhiều khách khứa.

(**) Phú Lang Sa
: “Việt hóa” chữ France.

(***) Ê-đíp (Oedipus)
là một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là người giết cha, cưới mẹ, thắng con nhân sư quái ác rồi trở thành vua xứ Thebes (Hy Lạp). Trong thần thoại Hy Lạp, Oedipus là con trai của nhà vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes (Hy Lạp). Từ trước khi chàng ra đời, có một lời sấm cho rằng chàng sẽ giết vua cha và cưới mẹ chàng. Vì vậy, Laius lo sợ và đã đuổi Oedipus đi. Cuối cùng, Oedipus được một người khác nuôi. Khi chàng lớn lên, lúc đó xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con nhân sư quái ác thường ra một câu đố oái oăm, ai không trả lời được thì nó xé xác. Vua Laius nghe tin, ông đi tới trả lời câu hỏi của nó, ở đây Oedipus gặp Laius, họ tranh cãi về hướng đi rồi Oedipus giết Laius mà không biết đó là cha của mình, và Creon, anh hoàng hậu Jocasta lên ngôi. Oedipus gặp nhân sư, nó hỏi: "Con gì sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, tối đi bằng 3 chân?" Oedipus liền nói: "Đó là con người". Con nhân sư biết mình đã thua, nó đổ xuống bức tường mà chết. Oedipus sau đó cưới mẹ chàng, Jocasta, làm vợ rồi lên ngôi vua Thebes. Lời nguyền về việc Oedipus giết cha, cưới mẹ hoàn tất mà chàng không hay biết.Và Oedipus đã có với mẹ hai con trai là Etéocle và Polynice, hai con gái là Antigone và Ismène. Khi biết ra sự việc, Jocasta đã treo cổ tự tử còn Oedipus thì móc mắt để tự trừng phạt về tội giết cha và tội loạn luân với mẹ. Đó là nội dung chính của câu chuyện Oedipus làm vua.
Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi mang tên Mặc cảm Ê-đíp: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình:
“Trong khi mà nó hãy còn hoàn toàn trẻ thơ, đứa con trai bắt đầu cảm thấy một sự yêu mến đặc biệt đối với người mẹ: nó xem mẹ như là vật sở hữu riêng của nó, thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó quyền làm chủ vật sở hữu đó; giống như đứa con gái thấy nơi người mẹ một kẻ quấy rối những quan hệ quyến luyến của nó với người cha và chiếm một vị trí mà nó, đứa con gái, muốn được quyền độc chiếm. Thái độ đó, chúng tôi đặt cho cái tên là Mặc cảm Ê-đíp”.

(****) ấn đường:
khoảng cách giữa hai lông mày, dưới trán, chủ về đường công danh, sự nghiệp. Nếu ấn đường u ám hoặc khuyết hãm thì sẽ thân bại danh liệt, có khi nguy hiểm đến tính mạng.


LÀNG KHÔNG CÓ ĐÀN ÔNG

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

1.

Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước tôi nhập ngũ vào ở binh chủng Ra-đa. Do tính chất đặc thù của một đơn vị Ra-đa chiến đấu phải cơ động liên tục (thay đổi địa điểm đóng quân) nên tôi đã đi tới hầu hết những làng quê của Trung du Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Khu Bốn Thanh – Nghệ - Tĩnh… Chúng tôi thường đóng quân trong nhà dân, cũng có khi ở trên một quả đồi trống, ngoài cánh đồng, trên con đê cũ dài rộng, v.v…nhưng do tính chất của quan hệ “quân với dân như cá với nước” cho nên cũng như là ở trong làng – giữa lòng dân! Nếu tôi là một nhà Dân tộc học thì tôi đã có thể tham gia vào đề tài nghiên cứu “Làng xã Việt Nam”! Một người bạn có tham gia đề tài nghiên cứu này nói với tôi: “Cậu có thể viết một cuốn tiểu thuyết về làng quê Việt Nam thay vì việc nghiên cứu làng quê Việt Nam như chúng tớ!”. Câu nói ấy của người bạn cứ ám ảnh tôi hơn chục năm nay song tôi chưa thể thực hiện được, có lẽ vì “vận số” chưa tới hoặc tôi không có “duyên” với thể loại tiểu thuyết! Thay vào đó, tôi đã viết gần chục cái truyện ngắn xoay quanh đề tài Làng quê Việt Nam này. Khi nào đủ 28 cái, tôi sẽ tập hợp lại thành “Nhị Thập Bát Tú”, cũng coi như một cuốn tiểu thuyết!

Nói tới Làng quê Việt Nam, ta nghĩ ngay tới câu nói “Phép vua thua lệ làng” . Nói tới “Lệ làng” là nói tới những đặc trưng cơ bản có tỉnh ổn định, bất biến của “Làng quê VN”, sẽ phải rất thận trọng và “tốn nhiều giấy mực”. Vì thế, trước khi đi vào những Làng quê đã tồn tại hàng trăm năm với những “Lệ làng” rất ổn định, chặt chẽ sau những lũy tre làng vững chãi như lũy thành, tôi muốn đi lòng vòng quanh những trường hợp “Ngoại lệ”, tuy chỉ là những dạng cá biệt, đơn lẻ nhưng lại rất độc đáo, rất phù hợp với kiểu viết “phá cách” mà tôi đang theo đuổi! Đó là những kiểu làng như “Làng ăn mày”, “Làng ăn cướp”, “Làng ăn trộm”, “Làng nói Láo”, “Làng không có đàn ông”, “Làng hủi”, “Làng buôn lậu”, “Làng làm hàng giả”,v.v…

“Làng không có đàn ông” không phải vì không có đàn ông như Vương quốc toàn đàn bà trong Tây Du ký muốn giữ thầy trò Đường Tam Tạng ở lại! “Làng không có đàn ông” lúc đầu cũng có đàn ông như mọi làng quê khác, nhưng chỉ một thời gian sau đàn ông đã biến mất! Vậy vì sao họ biến mất – những người đàn ông ấy -, và họ biến đi đâu? Bạn đọc sẽ tìm thấy lời đáp sau khi đọc hết truyện ngắn này!...
2.

Những năm 1968, 1969 tôi thường đóng quân ở mấy huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Nam Đàn của tỉnh Nghệ An và các huyện Can Lộc, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh. Đi đến đâu cũng có hai hình ảnh dập vào mắt:
1/ Hầu như không thấy bóng dáng thanh niên trai tráng trong làng;
2/ Người bị thương khá nhiều, cả những đứa trẻ ba, bốn tuổi cũng cụt tay hoặc cụt chân như những chiến binh! Lý do rất đơn giản: Thanh niên trai tráng đều tòng quân ra trận (như chúng tôi vậy) và Khu Bốn bị máy bay Mỹ oanh tạc khá nhiều!
Tuy nhiên, Làng nào cũng còn lác đác dăm ba người đàn ông , dù đều là thương phế binh hoặc tật nguyền! Song, khi tôi đến một làng (tôi đặt tên Làng là Làng Mẫu hệ ) ở xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) thì quả đúng là “Làng không có đàn ông”!

Có hai lý do để đàn ông ở Làng Mẫu hệ này từ từ “biến mất”:
1/ Làng có nghề gò đồng (hàn, vá đồ gia dụng bằng đồng và nhôm) từ rất lâu đời: nghề này đều do đàn ông thực hiện và đều phải đi xa với cái đòn gánh trên vai và hai cái bồ (đan bằng tre nứa) lủng lẳng hai bên;
2/ Thanh niên trai tráng cũng đều ra trận như các làng quê khác của đất nước có chiến tranh.
Ở Lý do thứ nhất, phổ biến là trong quá trình tha phương hành nghề, người đàn ông nào có “Số đào hoa” đều có vài “vợ bé” ở các nơi khác nhau, và thường chỉ đảo về “Làng gốc” vài lần, có khi mất tăm luôn! Ở Lý do thứ hai, có những đơn vị chiến đấu bị thương vong quá lớn, tới mức xóa sổ lại không may rơi trúng quân số thuộc một làng quê nào đó, thì Làng này coi như bị “Tiệt giống”! Làng Mẫu hệ mà tôi đang nói tới bị dính cái sự “không may” đó!

Khi đơn vị tôi đến Làng Mẫu Hệ, tôi và hai chiến sĩ là Khâm và Khang được bố trí ở trong nhà của bà Nghĩa, có cô con gái lớn là Ngãi và hai cậu con trai trên dưới mười tuổi, cậu anh đẻ rơi ngoài bãi cát được đặt tên là Cát, cậu em đẻ rơi ngoài rừng phi lao nên có tên là Lao. Ông bố của những đứa con nghe nói đã “đóng chốt” luôn với vợ bé ở ngoại ô thành phố Vinh, đã mở tiệm gò hàn đồ nhôm, cũng kiếm được khá tiền nên thi thoảng có gửi tiền về cho vợ con! Ngoài bốn mẹ con bà Nghĩa còn có bà Nghi, là em gái của ông chồng bà Nghĩa. Mới hơn ba mươi tuổi, là gái “Lỡ thì”, thành “Bà Cô” trong nhà!

Gọi là bà Nghĩa nhưng chưa tới bốn mươi tuổi, sức lực còn rất sung mãn. Sau hai ngày ở Làng Mẫu hệ, tôi chưa kịp đi dạo quanh Làng và tìm hiểu nhân tình thế thái ở đây như thế nào thì Khâm nói: “Nhập ngũ đã hơn hai năm rồi mà mày chưa vứt nốt mấy cuốn “Giải tích Toán học” ấy đi à? Sau này có trở về học lại thì tính sau. Còn bây giờ thì phải “sống cho ra sống” cái đã!”. Tôi nói: “Mày nói vậy là có ý gì?”. Khang cướp lời: “Còn ý gì nữa! Suốt ngày suốt đêm bom đạn đùng đoàng, biết đâu mà lần! Cái gì tới thì cho nó tới! Mày có biết là hiện nay chúng ta đang “chuột sa hũ gạo” không?” Tôi nói bừa: “Sa hũ gạo thì sơi luôn, ba thằng chúng ta đều tuổi con Chuột mà! Nhưng hũ gạo đâu?” Khâm ghé tai tôi nói nhỏ: “Thì đó, “gạo” là ba người đàn bà căng tròn trong nhà này đó! Chúng tao đã sơi được nửa hũ rồi, còn cái hũ phần mày là cô bé Ngãi đó! Nó cũng tuổi Tý, hết lớp Mười rồi, xã giữ lại chưa cho đi đại học, “ngon cơm” nhé!”. Thì ra là Khâm và Khang đã “dính đôi” với bà Nghĩa và bà Cô từ hôm mới đến! Thì ra là cái Làng mà chúng tôi đang đóng quân là “Làng không có đàn ông”, cho nên tất cả đàn ông đã trôi dạt đến đây đều bị bắt làm “Nô tài”! Thì ra là cô bé Ngãi còn ngập ngừng chưa tung “dây tơ nhện” ra trói cho nên tôi còn “vô chủ”!...

Quả nhiên, thời gian “vô chủ” của tôi không kéo dài thêm. Mới khoảng bảy giờ tối ngày thứ ba thì Ngãi gặp tôi nói: “Em nhờ anh giải giúp cho em mấy bài toán khảo sát hàm số, mới có mấy tháng rời sách vở mà như là quên hết!” Tôi nhớ đến câu nói của Khâm lúc trưa, nên trả lời: “Bao giờ cô có giấy gọi đi Đại học thì sờ đến sách vở cũng chưa muộn!...”.Tôi chưa kịp nói hết câu thì Ngãi cướp lời: “Nhưng thực ra khi còn đi học, em cũng hiểu lơ mơ lắm, giờ phải tranh thủ ôn luyện lại. May mà có anh là sinh viên Khoa Toán, phụ đạo giúp em đi! Em sẽ trả công xứng đáng!” Nghe nói đến chữ “trả công xứng đáng”, tôi thầm nghĩ có lẽ “hũ gạo” này sẽ cho tôi được thỏa chí tang bồng bèn nhận lời ngay. Trong khi Ngãi lấy mấy cuốn bài tập Toán lớp 10 ra, tôi nói với Ngãi: “Thực ra nội dung kiến thức Toán học ở chương trình Trung học Phổ thông rất dễ, ta chỉ cần nhớ kỹ những định lý, Tiên đề, những công thức quan trọng là có thể giải được tất cả các bài tập có trong sách giáo khoa!”. Ngãi cười cười, nói: “Nói như anh thì học Toán dễ hơn ăn kẹo! Nhưng làm thế nào để nhớ được những Định lý, Tiên đề, công thức Toán học quan trọng đó?” Tôi buột miệng: “Rất đơn giản! Khi mình thích nó, coi nó là hay, là đẹp thì sẽ nhớ mãi, như là nhớ từng ánh mắt, nụ cười, dáng đứng, điệu đi của người mình yêu vậy!” Ngãi nhìn tôi chăm chú, khẽ thở dài rồi nói: “Anh thích Toán học và yêu nó như người yêu của mình à? Vậy anh có người yêu rồi à?”. Tôi lúng túng, nói bừa: “Ấy là tôi ví dụ thế! Ngãi thấy không, những người học kém Toán là do sợ nó rồi ghét nó!...Tôi giải bài tâp Toán cũng thích thú như đánh cờ, đánh đáo nên chỉ nhoáng một cái là xong hết!”. Ngãi lại thở dài một cái rồi chỉ vào ba bài tập đã đánh dấu trong sách rồi nói: “Hôm nay anh giúp Ngãi giải ba bài này. Mỗi ngày chúng ta sẽ giải ba bài, sau ba ngày sẽ tăng lên năm bài, sau mười ngày sẽ tăng lên mười bài…Anh xem trước đi, năm phút nữa Ngãi sẽ trở lại!” Tôi nói ngay: “Không cần xem trước đâu, mấy bài này tôi còn nhớ như in vì đã giải cho cả lớp xem!” Và tôi liền lấy vở nháp ra vừa nói vừa viết liền một mạch hết cả ba bài!...

Tôi vừa giải xong ba bài tập cho Ngãi nghe thì Khâm và Khang đi lại gần, Khâm nói: “Tiểu đội và Trung đội có hỏi thì nói chúng tao ra bãi biển tập võ thuật. Còn mày thì xem “gạo nước” thế nào đi chứ, đây có phải là Khoa Toán của mày đâu mà cứ x, y mãi thế!”. Khi Khâm và Khang đi khỏi, Ngãi nói nhỏ với tôi: “Hai người ấy ra bãi biển “tập võ thuật” với mẹ và cô đó! Nghe mẹ khen lắm!...”. Tôi đang băn khoăn suy nghĩ xem Ngãi nói thế nghĩa là thế nào thì ngoài cổng có tiếng nói của Tiểu đội trưởng: “Số 1, số 2 , số 3 có nhà không?” Tôi nói vọng ra: “Có đủ!”. Tiếng TĐT vọng vào: “Đêm nay ba người gác đêm tới 1 giờ sáng!”. Tôi đáp: “Rõ!”… Ngãi ngập ngừng một lát rồi nói: “Vậy từ 10 giờ đến 1 giờ sáng chúng ta sẽ “giải bài tập” tiếp nhé! Giờ em phải đi giặt một chậu quần áo!”. Ngãi nói rồi nắm chặt tay tôi và bóp mạnh khi đứng dậy. Tôi nhìn đồng hồ: 9 giờ 30 phút!...
3.

Năm 1972, lúc đó tôi không học ở Khoa Toán nữa mà chuyển sang Khoa Văn. Lúc đó, không quân Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc , dọa sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ Đồ Đá, nên các trường Đại học lại phải đi sơ tán. Lúc đầu, chúng tôi sơ tán về xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), thời gian sau lại đổi về Huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Nam). Thật là bất ngờ khi tôi phát hiện ra rằng cả ở Hiệp Hòa và Đồng Văn, nơi chúng tôi ở đều là Làng Mẫu hệ gần giống như cái Làng Mẫu hệ mà tôi đã ở hồi tại ngũ ở Diễn Châu. Và điều kinh ngạc tiếp theo là ở cả hai nơi, tôi đều ở nhà có cô gái con chủ nhà đều tên là Ngãi. Đã kinh ngạc lại còn kinh ngạc hơn: cả hai cô gái tên Ngãi đều bằng tuổi cô Ngãi ở Diễn Châu và đều đã trải qua TNXP và đang ôn thi vào Đại học Khối A, và đến đây thì thật đáng sợ: cả hai cô đều nhờ tôi phụ đạo môn Toán, tức là mặc dù đã bỏ Khoa Toán mà sang Khoa Văn, tôi vẫn phải ngày ngày giải hoài mấy cái phương trình, khảo sát hoài mấy cái Hàm số, tức nói hoài x, y, z !...
Sài Gòn, Mùa Đông, 2009
Đỗ Ngọc Thạch

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Em ở Tây Hồ; Chương trình... - Đỗ Ngọc Thạch


Em ở Tây hồ

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Tôi có bà chị hơn tôi hai tuổi (sinh năm 1946), lấy chồng ở ngay kề sát Hồ Tây, là dân Hồ Tây chính cống. Khi bà chị tôi sinh cháu trai, tôi còn đang rảnh rỗi nên thường đến nhà chị chăm sóc cháu bé, cứ hai ba ngày lại đi một lần. Lúc đó tôi đang ở nhà bố mẹ trên đường Giảng Võ (khu tập thể Bộ Y  Tế), nên lộ trình của tôi qua ba đoạn đường quan trọng: 1/ Quảng Trường Ba Đình có Lăng Bác; 2/ Đường Thanh Niên bên bờ Hồ Tây; 3/ Đê Yên Phụ cũng men theo bờ Hồ Tây, đổ một cái dốc là tới nơi – làng Tây Hồ
Khi bà chị tôi sinh cậu con trai thứ hai, sự việc như trên lại tiếp diễn! Nói như vậy để thấy rằng Quảng Trường Ba Đình và Hồ Tây là hai hình ảnh in rất đậm trong trí nhớ của tôi! Và cũng vì khi tôi đi trên đoạn đường Thanh Niên qua Đê Yên Phụ bên bờ Hồ Tây đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện…trong đó có những chuyện quyết định đến vận mạng của đời tôi!
*
Khi tôi đi trên con đường Thanh Niên và Đê Yên Phụ ven Hồ Tây, lần nào cũng vậy, trong tay tôi “lăm lăm vũ khí” là bài thơ hỏi cô gái bán chiếu của Đại Thi Hào Nguyễn Trãi: Em ở Tây Hồ bán chiếu gon / chẳng hay chiếu đã hết hay còn / xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi / đã có chồng chưa, được mấy con?  Theo tôi nghĩ, với tuyệt tác thi ca này là quá đủ để có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào khi giáp mặt! Tuy nhiên, ròng rã gần tháng trời mà tôi chẳng gặp cô gái bán chiếu nào để “xuất độc chiêu” cả! Người đi dạo trên đường Thanh Niên thường là đã thành đôi, thành cặp, không có ai đơn lẻ để tôi “xuất chiêu”! Song, đúng lúc tôi “cất vũ khí”, không có ý định “chiến đấu” thì thật bất ngờ: đối thủ đã xuất hiện!
Hôm đó là một ngày thật đẹp trời! Tôi đang thả bộ trên đường Thanh Niên thì nghe có tiếng ai đó ngâm câu thơ ở phía sau : “Trời Thu xanh ngắt mấy tầng cao / Cành liễu lơ thơ gió hắt hiu!...” Tôi quay lại, định nói với người đọc thơ rằng Cành trúc chứ không phải Cành Liễu thì giật mình khi nhận ra đó là một cô gái đẹp như Trầm Ngư Điêu Thuyền. Và điều kỳ lạ là người con gái này rất giống với nhân vật Điêu Thuyền như các họa sĩ đã vẽ trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa! Hình như tôi cứ đứng ngây người ra như thế khá lâu nên khi định thần lại thì bóng người con gái đã thấp thoáng phía xa! Tôi đuổi theo và lại kinh ngạc lần nữa khi thấy người con gái đang đó đang cầm khoảng chục cái chiếu nhỏ (loại cho trẻ con nằm ngủ), vừa đi vừa rao: “Trẻ nhỏ nằm chiếu nhỏ / Lớn lên nằm chiếu lớn / Không nằm lên bãi cỏ / Kiến cắn con thì khốn !”. Chỉ khoảng nửa giờ, cô gái đã bán gần hết số chiếu, chắc chỉ còn hai, ba cái. Tôi lại gần cô gái, chưa kịp nói gì thì cô gái đã nói: “Anh theo tôi từ nãy đến giờ chắc không phải để mua chiếu chứ? Nếu anh định đọc thơ ghẹo cô gái bán chiếu thì đọc đi, tôi đang thích nghe mà không thấy ai đọc cả!”. Tức thì tôi thay chữ von trong nguyên tác bằng chữ con và đọc liền một mạch: Em ở Tây Hồ bán chiếu con / Chẳng hay chiếu đã hết hay còn…”.  Tôi chưa kịp đọc hết thì cô gái chen ngang: Em ở Tây Hồ bán chiếu con / Chẳng cần biết chiếu hết hay còn / Cũng chẳng cần biết bao nhiêu tuổi / Càng không nên hỏi chuyện chồng con! Đọc xong mấy câu thơ đó, cô gái tiến sát lại gần tôi nói nhỏ: “Nếu anh thích cô bán chiếu thì hãy đi theo nha!”…
Nói rồi cô gái đi rất nhanh, như gió lướt trên thảm cỏ! Vượt dốc qua mặt đê rồi lại tụt dốc xuống bên kia đường đê. Mỗi khi đi trên mặt đê Yên Phụ ở quãng này, tôi chỉ nhìn xuống mà chưa bao giờ đi xuống cái xóm ven đê này, cho nên khi theo cô gái đi vào, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự xanh tốt của cây cối các loại ở cái xóm ven đê này. Đúng là cây cối và cả con người ở đây đều sống nhờ vào phù sa sông Hồng từ ngàn năm nay!...Mải suy nghĩ về phù sa, tôi đã đứng trước một căn nhà đúng kiểu nơi thôn dã, xung quanh cây cối um tùm! Có lẽ tại hôm qua, tôi vừa mới đọc Liêu Trai Chí Dị của ông Bồ Tùng Linh cho nên lập tức, trong đầu tôi hiện lên cảnh vui đùa nô giỡn của một gia đình Hồ Ly tinh! Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nhìn vào trong nhà thì thấy giống y như cảnh vừa hiện ra trong đầu về một gia đình Hồ Ly tinh!...
Nếu theo như Liêu Trai thì Hồ Ly tinh giả làm người đẹp rất giống: từ ánh mắt nụ cười cho đến tiếng ho, cái hắt xì hơi, và đặc biệt là rất giỏi: cầm kỳ thi họa, văn hóa cổ kim đông tây cái gì cũng rành rẽ như lòng bàn tay! Và những chàng thư sinh tài hoa kia chỉ nhận ra được mỹ nhân mà mình đang xây mộng tưởng là Hồ Ly sau khi đã thân tàn ma dại! Song, rất may là tôi đã được cuốn Liêu Trai của Bồ Tùng Linh “cảnh báo” nên đã thoát khỏi “Hang Cáo” ấy một cách nhẹ nhàng! Song, nếu không có sự trợ giúp của một cô gái Tây Hồ đích thực, tên là Hằng Nga, thì chưa chắc tôi đã thoát khỏi “Hang Cáo” một cách lành lặn!
Cô gái Tây Hồ đích thực đó ở ngay chỗ đổ dốc từ đường đê Yên Phụ xuống Làng Tây Hồ. Chính vì nhà cô gái ở lưng chừng dốc cho nên dù đi xe đạp hay đi bộ thì cũng khó mà có thể ngó nghiêng bóng hồng cho dù cô có đứng ngay trước cổng! Mặt khác, chỗ đổ dốc này lại rất nguy hiểm, tức rất dễ xảy ra tai nạn nếu “thả phanh” vô tư, bởi tới chân dốc lại phải quẹo trái một chút thì mới ăn vào đường dẫn xuống Làng Tây Hồ. Một lần, tôi đang từ trên dốc dắt cái xe đạp xuống dốc, khi đi ngang qua cổng nhà Hằng Nga thì bất ngờ có một cái xe máy phóng từ dưới chân dốc lên, với tốc độ như tia chớp! Tôi chỉ kịp nhảy vọt vào cổng nhà Hằng Nga để tránh cái xe máy! Khi kịp định thần thì thấy mình nằm còng queo giữa sân nhà Hằng Nga và khắp người đau ê ẩm. Lúc đó, Hằng Nga và người mẹ đang ở nhà, hai mẹ con đã nhiệt tình sơ cứu cho tôi và chỉ sau hai mươi phút, tôi đã có thể đi lại bình thường. Hỏi ra mới biết, Hằng Nga đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khi ra trường phải đi dạy ở miền núi, nhưng khi người anh đi bộ đội hy sinh, bố mẹ cô đều thương nhớ con trai mà thành bệnh, cô phải bỏ nghề dạy học về chăm sóc cha mẹ. Hiện sức khỏe mẹ cô đã hồi phục, hai mẹ con làm nghề gói bánh chưng kiếm sống đạm bạc!...
Trở lại chuyện tôi đã gặp Hồ Ly tinh bán chiếu con ở đường Thanh Niên. Thực ra tôi chỉ phát hiện ra cô gái bán chiếu và cả nhà cô ta (gồm cáo bố, cáo mẹ và chín cáo con) là Hồ Ly khi ngồi uống rượu với cáo bố lúc mới vào “Hang Cáo”. Tôi uống rượu tuy chưa phải loại sành điệu nhưng với những loại rượu kém chất lượng, nôm na là rượu rỏm thì tôi có phản ứng ngay: thấy đau đầu và muốn ói! Cứ như là một phản ứng tự nhiên của cơ thể! Và cũng như thế, khi ngửi phải “mùi lạ” mà ngược với mùi thơm, tức “xú khí” là cơ thể tôi cũng có phản ứng tương tự! Vì thế, vừa uống xong ly rượu đầu tiên là tôi có cảm giác thấy mùi “xú khí” và lập tức xây xẩm mặt mày, muốn ói, muốn té ngửa xuống đất! Cô gái bán chiếu con thấy vậy thì dìu tôi vào buồng, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Hôm nay Hồ nhiều gió, chắc anh chàng bị trúng gió rồi!” Tôi đi được ba bước thì như là sực tỉnh vì cô gái bán chiếu ôm lấy người tôi rất mạnh, khiến tôi cảm thấy hơi đau và đưa tay đẩy vào lưng cô ta, tính thoát khỏi vòng tay đang siết mạnh. Nhưng cú đẩy không có tác dụng và tay tôi trượt xuống mông cô ta, và tôi bàng hoàng khi bàn tay nắm trọn phải một cái đuôi cáo! Như trên đã nói, vì tôi đã đọc nhiều chuyện Hồ Ly tinh trong Liêu Trai, nên thay vì la toáng lên do hoảng sợ, tôi lại giả bộ ôm chặt lấy Hồ Ly và tìm thời cơ điểm huyệt để hạ gục Hồ Ly đặng thoát thân!
Đúng lúc đó, có tiếng rao “Bánh chưng nóng đây!...”, và có tiếng của Cáo bố: “Con Tư đưa tiền bán chiếu cho cha mua bánh chưng nóng nào!”. Cô gái bán chiếu nghe thấy vậy thì đặt tôi xuống giường và vọt ra ngoài. Nghe có tiếng cãi lộn của cô gái bán chiếu với ai đó và tiếng cãi lộn đi xa dần, tôi vùng chạy ra ngoài, thấy cáo bố và mấy cáo con đang quây quanh người bán bánh chưng. Thoáng nhìn thấy tôi, người bán bánh – mà tôi kịp nhận ra chính là Hằng Nga, - đưa hết bánh cho cáo bố và mấy cáo con rồi đuổi theo tôi. Khi đuổi kịp tôi, Hằng Nga nắm lấy cánh tay nói: “Là anh à? Đi theo tôi!...” Tôi đi theo Hằng Nga, đúng ra là chạy. Không ngờ Hằng Nga khỏe thế, vừa chạy vừa kéo tôi đi khiến chân tôi như là không chạm đất. Lúc vượt dốc lên mặt đê cũng nhẹ nhàng như không! Vượt dốc qua bờ đê rồi lại tụt dốc xuống mặt đường, Hằng Nga mới dừng lại hỏi: “Anh có uống rượu với ông già trong nhà không?” Tôi ngạc nhiên trả lời: “Có! Sao cô biết?”. Hằng Nga đưa tôi một viên thuốc nhỏ bảo nuốt và nói: “Tôi đã vào đó cứu anh trai tôi và người bạn nên biết đó là Hang ổ của Hồ Ly tinh! Anh nôn ra đi là thấy nhẹ người ngay!”. Hằng Nga vừa nói thì tôi ngồi thụp xuống ói ra một bãi nước bọt! Chúng tôi vào một quán nước trà bên đường, uống một ly trà nóng mới thật sự “hoàn hồn”! Hằng Nga nói thêm: “Mấy con Hồ Ly ở bãi sông đó đã thành tinh từ lâu, chúng đã hại không biết bao nhiêu chàng trai háo sắc, nhẹ dạ cả tin!”. Tôi nói: “Thế không có vị Cao tăng đắc đạo nào ra tay diệt trừ yêu nghiệt trừ hại cho dân hay sao?”. Hằng Nga nén một tiếng thở dài rồi nói: “Phải chi em học ở trường Cảnh sát thì thích hợp quá!...Bố em đã từng là cảnh sát song ông lại bị “tai nạn nghề nghiệp” nên không muốn em lại như vậy nên nhất định muốn em thành cô giáo! Đúng là sự đời dâu bể, cuối cùng lại là người bán bánh chưng!”. Tôi định nói gì đó với Hằng Nga mà không biết diễn đạt như thế nào bởi rất nhiều ý nghĩ cứ như chuyển động Brao ở trong đầu!
*
Mấy ngày sau, khi tôi đi qua đoạn đường Thanh Niên bên Hồ Tây, lại gặp cô gái bán chiếu lượn lờ trên đường, mà không phải chỉ một mình cô ta, còn hai, ba người nữa cũng cầm những cái chiếu nhỏ bán dạo trên đường!...
Chỉ một lúc sau, có mấy chàng trai, dáng vẻ thư sinh, lẽo đẽo bám theo mấy cô gái bán chiếu, mồm thì lẩm nhẩm cái gì đó, lại gần sát thì ra là họ đang đọc thầm bài thơ hỏi ghẹo cô gái bán chiếu: “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon / Chẳng hay chiếu đã hết hay còn …”. Tôi định chặn mấy chàng trai đó lại mà nói rằng, đó là mấy con Hồ Ly tinh cải trang thành cô gái bán chiếu đó, hãy tránh xa nó ra! Nhưng lại nghĩ, họ đang say sưa “khám phá” thì làm sao mà tin những gì tôi nói? Lòng buồn vô hạn, tôi đạp xe thật nhanh đến nhà Hằng Nga nhưng bà mẹ Hằng Nga nói cô đang đi giao bánh chưng!...
Tôi dắt xe vào nhà bà chị, nhưng đi được một lúc lại thấy mình đứng trước mặt hồ cuộn sóng, những con sâm cầm chao liệng cũng không khác chi chim Hải Âu trên biển! Và tôi thoáng thấy mấy chàng thanh niên ban nãy đang đi theo mấy cô gái bán chiếu, mồm thì đọc: “Em ở Tây Hồ…”!./.

Sài Gòn, 2009
Đỗ Ngọc Thạch



Chương trình
Operation baby lift (*)

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


Cẩm Lai là một cô gái sinh vào đầu năm, tháng 1 năm 1975. Đó là một cô gái có hình thức bên ngoài như người mẫu thời trang nhưng cô lại làm việc ở một nơi không hề dính dáng tới thời trang mà luôn kề cận với Tử Thần: đó là phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện trong thành phố. Khi mới ngoài hai mươi tuổi, Cẩm Lai đã một lần lên xe hoa nhưng vợ chồng chỉ sống với nhau được hai năm thì ly hôn vì Cẩm Lai bị bệnh đau tim, sinh đẻ sẽ nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó người chồng Cẩm Lai thuộc loại người thích con đàn cháu đống!...Đó là những gì tôi biết về Cẩm Lai, người hàng xóm cùng ngõ hẻm với tôi.
Thực ra thì tuy là cùng ở trong một con hẻm, nhưng những người có xu hướng “Hướng nội” như tôi hầu như không biết mấy về những cư dân ở xung quanh mình. Tôi biết khá rõ và thi thoảng có tiếp xúc với Cẩm Lai vì vợ tôi trước cùng làm trong Bệnh viện với Cẩm Lai và cả ông bố - tên Hài và bà mẹ Cẩm Lai -  tên Hà, - đều xấp xỉ tuổi tôi và cùng có sở thích chơi cờ Vua và thường “giao đấu” rất gay cấn nên thường qua mời tôi làm Trọng tài!
Những ngày cuối tháng ba vừa rồi, ông Hài nói với tôi: “Đầu tháng tư này, vào khoảng mùng 2, sẽ có gần 100 người từng là trẻ babylift từ nhiều quốc gia trên thế giới đến Sài Gòn để tham dự cuộc đoàn tụ “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” do cô Kim Browne, người Anh gốc Việt, tổ chức. Sau đó, khoảng sáng mùng  6, đoàn Babylift sẽ có buổi giao lưu gặp gỡ với bạn đọc báo Tuổi trẻ tại Tòa soạn báo Tuổi trẻ. Nếu anh quan tâm đến vấn đề Babylift hãy đi cùng chúng tôi! Sẽ có nhiều chuyện bất ngờ và thú vị!”. Tôi đồng ý ngay và nói: “Hình như hai người chưa bao giờ nói với tôi thật kỹ về “Chương trình Babylift”? Ông có thể nói rõ hơn cho tôi nghe về cái vụ này và theo suy nghĩ của ông, nó là một chương trình nhân đạo hay bên trong là một toan tính gì khác?”. Ông Hài trầm ngâm một hai phút rồi mới thong thả nói: “Tôi tuy là “người trong cuộc” của cái “Chương trình Babylift”này ((tiếng Anh: Operation Babylift), nhưng tôi chỉ là một nhân viên quèn nên không thể có phán xét gì về cái chương trình Babylift này. Và ngay sau chuyến bay đầu tiên, chuyến bay định mệnh  C-5A đầy bi thảm, tôi đã thoát khỏi cái chương trình Babylift đó và muốn quên nó đi, muốn xóa nó khỏi ký ức!” – “Có những điều không thể xóa được và nó luôn là nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời về sau!” – “Ám ảnh! Ông nói rất đúng, tôi luôn bị ám ảnh bởi tấn thảm kịch C-5A ấy! Thực ra thì đáng lẽ tôi đã mất mạng trong chuyến bay đầu tiên của chiếc vận tải cơ C-5A ấy bởi tôi là lái phụ. Song đến phút chót thì người ta lại thay bằng người khác và tôi được giao lái chính chuyến thứ hai… Là vận tải cơ lớn nhất thế giới thời điểm đó (có thể vận chuyển xe tăng và thậm chí cầu quân sự nặng 70 tấn), một chiếc Lockheed C-5A Galaxy được phái đến Sài Gòn trong sứ mạng Babylift từ căn cứ không quân Clark (Philippines) ngày 4-4-1975. Sau khi hơn 300 trẻ em và người lớn (trong đó có nhân viên Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn) được đưa lên máy bay, C-5A bắt đầu rời đường băng. Cất cánh khoảng 67 phút và cách Tân Sơn Nhất chừng 64 km, C-5A bắt đầu bốc cháy sau tiếng nổ to ở cửa sau (C-5A đáng lý chỉ nên chở không hơn 100 em, bởi chiếc vận tải cơ không đủ mặt nạ ôxy). Phi hành đoàn buộc phải quay lại Tân Sơn Nhất. Khi cách Sài Gòn khoảng 16 km, C-5A bắt đầu rơi, lướt đập vào bờ kè và gần như vỡ vụn! Chỉ có 170 người lớn và trẻ em sống sót với nhiều thương tích. Bà Hà và bé Cẩm Lai là hai người may mắn trong số 170 người sống sót sau thảm kịch đó. Thực ra tôi làm công tác cứu hộ cũng như những người khác, nhưng khi tôi thấy bà Hà đang bế bé Cẩm Lai đã ngất xỉu trên tay, bà nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ và nói giọng yếu ớt: “Anh hãy đưa hai mẹ con em đi khỏi chỗ chết chóc này, đi thật xa!”, rồi cũng ngất xỉu!”.
Ông Hài nói tới đó thì bà Hà đi tới, ngồi xuống bên cạnh, rót nước cho chúng tôi và nói: “Chiến dịch Babylift” – di tản trẻ mồ côi Việt Nam từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác hồi tháng 4-1975 – đã được Tổng thống Gerald Ford bật đèn xanh theo yêu cầu của nhiều tổ chức Công giáo Mỹ”. Tuy là nhân viên lâu năm của Cô nhi viện An Lạc (**), tôi cũng chỉ biết về “Chiến dịch Babylift” ngắn gọn như vậy! Nhưng qua những câu chuyện với các Ma-xơ khác, tôi hiểu đây là một chương trình rất lớn và đầy bí mật, chúng tôi chỉ được biết phần công việc của mình ở giai đoạn đầu là chăm sóc bọn trẻ khi chúng đến nơi ở mới! Tôi ngạc nhiên là sau thảm kịch của chuyến bay đầu tiên C-5A, chiến dịch Babylift không hề suy chuyển và xem chừng còn được xúc tiến mạnh hơn.Từ ngày 4-4 đến 19-4-1975, với 30 chuyến bay được thực hiện, chiến dịch Babylift mang được chừng 2.000 em đến Mỹ và 1.300 em đến Canada, châu Âu và Úc. Sau này tôi mới được biết, chiến dịch Babylift có tham vọng  lớn hơn những con số đó nhiều: mang 70.000 trẻ mồ côi Việt Nam ra khỏi Sài Gòn”.
Bà Hà uống một ly trà rồi trầm ngâm, như nhìn vào nơi vô định, nói nhỏ: “Tôi những tưởng sẽ quên đi được cái quá khứ đau buồn ấy nhưng quả là không thể quên được. Tôi cũng muốn gặp lại những đứa trẻ hồi ấy dù lúc đó chúng chỉ là trẻ sơ sinh, đứa nào cũng bọc trong tã lót trắng tinh, số phận chúng thật mỏng manh như làn gió nhẹ ban mai… Và chục đứa, trăm đứa như một, không  thể phân biệt được chúng với nhau. Nhưng cái cảm giác được nhìn thấy chúng đã là một người lớn thật kỳ lạ! Và mặc dù sẽ có nhiều chuyện buồn hơn chuyện vui, nhưng tôi vẫn muốn gặp lại chúng! À, cái cảm giác của tôi lúc gặp lại chúng hồi năm 2005 thật là lạ: tôi như là thời còn ở Cô nhi viện An Lạc và chúng thì như trở lại là những đứa trẻ sơ sinh!...Tại sao như thế, tôi cũng không hiểu! Vừa rồi, tôi có đọc một bài thơ ngắn của một đứa trẻ Babylift, thật là buồn. Đọc xong bài thơ, tôi cứ ngơ ngẩn hoài. Hình như tác giả là một cô gái. Tôi không còn nhớ tên tác giả nhưng thuộc ngay bài thơ:
Có một cánh cửa trong trái tim tôi,
Không khóa, không chìa, không biển báo
Cánh cửa mở ra một cánh đồng hoa
Đó là nơi cho người trong tim tôi.
Sau cánh cửa từng là tối đen
Cái lạnh rùng mình không sưởi ấm
Hạt mầm hi vọng tôi gieo
Mong một ngày sẽ biết.
Không cái tên nào, nơi nào, ngày nào, thời nào
Từ đó tôi là tôi
Và một nụ hôn người mẹ,
Đã có bao giờ đặt lên má tôi?
*
 Ngoài một số thành viên có mặt tại Việt Nam từ trước, những chuyến bay đầu tiên chở chín “trẻ babylift” hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong hai ngày 1 và 2-4-2010. Ông Hài và bà Hà đều “đi đón” những “trẻ Babylift” ở sân bay.Rồi 10 giờ sáng ngày 6-4-2010, vợ chồng ông Hài, bà Hà và Cẩm Lai tới chỗ tổ chức buổi gặp mặt giao lưu do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tôi cũng muốn đi cùng vợ chồng ông Hài nhưng đúng sáng mùng 6-4, đôi chân đã từng lên rừng xuống biển không biết mỏi của tôi bỗng nhiên giở chứng, không chịu nhúc nhích!
Chiều tối, tôi qua nhà ông Hài bà Hà thì thấy ông Hài và Cẩm Lai đang ngồi nói chuyện với một người đàn bà trạc tuổi bà Hà và mới thoạt nhìn hao hao giống bà Hà. Còn bà Hà thì đang đi tới đi lui trong phòng, chốc chốc lại nói như là người tập thoại kịch. Điều kỳ lạ là những câu mà Hà đang “nói một mình” lại là những câu về “Chương trình Baby Lift”, chẳng hạn như:
-Ngày 3-4-1975, Tổng thống Hoa Kỳ là Geral Ford đã ban hành chương trình Baby Lift Orphan, ra lệnh cho quân đội Mỹ phải đưa tất cả các trẻ em ở các viện mồ côi rời khỏi Việt Nam. Và tính từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 26 tháng tư, có tất cả  26 chuyến bay và 2548 đứa  trẻ được đưa đến Hoa Kỳ.
-Trong chiến dịch di tản đó, một điều vô cùng đáng tiếc đã xảy ra, một chiếc máy bay vừa cất cánh không bao lâu thì bị rơi ngay cạnh sông Sài Gòn khiến cho hơn phân nửa số người có mặt trên chuyến bay cùng với một số trẻ em mồ côi đã chết.

-Theo tôi được biết thì lúc bấy giờ một cánh cửa hông máy bay bị trục trặc và viên phi công đã lo lắng lắm vì chuyện này, nhưng ông ta được lệnh vẫn tiếp tục cất cánh… Chỉ 15 phút sau, cửa sau máy bay bật ra và mặc dù trong tình trạng như thế, ông ấy vẫn cố gắng quay lại ngay Sài Gòn, tiếc thay, đã không còn điều khiển được nữa và máy bay đâm xuống một cánh đồng ở bên sông Sài Gòn. Trên chuyến bay đó, có 230 trẻ em và một số nhân viên, cùng vợ con của họ, phân nửa đã chết, khoảng 180 em. Chuyến bay đó là C-5A và bị rơi vào ngày 4 tháng 4 năm 1975.
Khi thấy tôi tới nhà, ông Hài nói: “Bà Hà nhà tôi từ lúc về nhà đến nay, gần sáu mươi phút rồi, cứ chốc chốc lại “độc thoại” như thế, cứ như là không hề biết có chúng tôi đang ở bên cạnh! Tôi nghĩ phải đi gọi Bác sĩ Thần kinh tới xem thế nào?”. Nhưng Cẩm Lai nói ngay: “Cứ từ từ xem sao? Chắc mẹ con chỉ bị “chập mạch” một lúc là hết liền à! Chuyện này con đã gặp nhiều rồi!”. Nói rồi Cẩm Lai cầm lon nước ngọt trong tủ lạnh đưa cho bà Hà, bà mở lon nước rất bình thản, uống một hơi hết phân nửa lon nước cũng rất bình thản! Nhưng khi đưa lon nước còn lại cho Cẩm Lai xong thì … lại “độc thoại” như ban nãy!
Ông Hài giới thiệu với tôi người đàn bà mà tôi mới thấy lần đầu: “Đây là Ma-xơ Loan, trước cùng làm một chỗ với bà Hà nhà tôi!”. Ma-xơ Loan nhẹ nhàng chào tôi rồi nói: “Khi mới gặp tôi, bà Hà và tôi cùng nhớ lại tấn thảm kịch của chuyến bay C-5A. Không hiểu sao, chúng tôi như là cùng ở giữa gần 200 đứa trẻ sơ sinh người bê bết máu, có rất nhiều đứa bị đứt lìa chân tay, cả đầu nữa! Chúng tôi cùng lịm đi như là bị hút vào cái “Lỗ đen” vũ trụ! … Ngay lúc này đây, cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy những đứa trẻ đó, lúc thì như là tôi đang gói cuộn chúng lại trong những tấm tã lót rồi đặt chúng nằm ngay ngắn trong những hộp giấy cac-ton, lúc thì thấy chúng bị hất văng tung tóe khắp nơi!...”. Tôi có cảm giác như Ma-xơ Loan sẽ sa vào tình trạng “Kể chuyện một mình” như bà Hà nếu như đúng lúc đó, bà Hà không đột ngột dừng “độc thoại” mà đi tới bên Ma-xơ Loan, nắm chặt lấy hai bàn tay Ma-xơ Loan mà nói: “Sơ hãy cứu lấy bọn trẻ! Hãy đưa chúng đi khỏi chỗ chết chóc này!”, rồi bà Hà ngất xỉu!
Sáng hôm sau, tôi lại qua nhà ông Hài thì thấy ông đang ngồi uống rượu suông một mình. Còn bà Hà thì vẫn đi lại trong nhà và liên tục “độc thoại” như hôm qua. Tôi vừa định hỏi ông Hài xem Cẩm Lai đâu thì từ trong buồng vẳng ra tiếng đọc bài thơ hôm trước bà Hà mới đọc cho tôi nghe. Tôi nói với ông Hài: “Cẩm Lai thích bài thơ đó thế cơ à?”. Ông Hài cười méo mó: “Thích thì lại không có chuyện! Bây giờ nó cũng “đọc thơ” liên hồi như bà Hà vậy!”. Tôi giật mình và vụt nghĩ: Không biết ông Hài có thể giống như bà Hà và cô gái Cẩm Lai hay không?
*
Qua báo chí, tôi được biết có bộ phim Chiến dịch Babylift mà đạo diễn Trang Đài vừa làm xong, chuẩn bị trình chiếu trên truyền hình Úc SBS tháng sáu này. Bộ phim dài 52 phút của Trang Đài nhắm vào sự kiện này của chiến tranh vì như Trang Đài so sánh, chưa từng bao giờ có chuyện đưa trẻ em ra khỏi vùng chiến tranh như thế. Trang Đài nói: "Ngay cả sóng thần Indonesia người ta cũng không tổ chức di cư hàng loạt trẻ ra khỏi vùng thảm họa. Cả trong chiến tranh Iraq. Vậy mà điều đó đã xảy ra ở Việt Nam. Và giờ đây nhìn lại, tôi muốn đặt câu hỏi về tính phù phiếm của nó. Nó đã gây quá nhiều đau khổ".
Trang Đài cũng rời khỏi Việt Nam năm 1975, thời điểm lịch sử của những "đứa trẻ Babylift". Rời Việt Nam khi còn quá nhỏ, nên dù có gia đình, Trang Đài cũng dễ đồng cảm với cảm giác trống vắng, cô đơn của những đứa “trẻ Babylift”. Bộ phim Chiến dịch Babylift hoàn tất. Trang Đài nói cô rất mừng vì đã chắp nối được những mảng bối cảnh lịch sử cho những đứa trẻ mồ côi của “chiến dịch Babylift”. Chúng có quyền được biết điều gì đã xảy ra vào những ngày tháng 4-1975, tại sao chúng bị bứt khỏi cội rễ của mình để sống ở một nơi xa lạ. Chắc chắn là nhiều đứa trẻ có cuộc sống tốt, thậm chí rất tốt, nhưng cũng không ít đứa “trẻ babylift” phải trải qua những sư giày vò tinh thần dữ dội, những cảm xúc pha trộn giữa sự bối rối, giận dữ, bị ghét bỏ... Trang Đài nói cô hi vọng sau bộ phim, những "đứa trẻ babylift" sẽ tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử và văn hóa đất nước ruột thịt của mình.Gần đây nhất, Trang Đài cho biết: "Tôi chưa thể hình dung phản ứng khán giả sẽ thế nào, nhưng khi chiếu cho một số "trẻ babylift" xem thử, họ khóc suốt bộ phim".
*
Khi tôi viết tới những dòng cuối của cái truyện ngắn này, tình trạng của bà Hà và Cẩm Lai vẫn chưa có gì biến chuyển. Tôi bảo ông Hài đã gọi Bác sĩ Thần kinh chưa thì ông Hài lại nói: “Bác sĩ Thần kinh cũng sẽ bó tay mà thôi! Theo tôi nghĩ, chỉ có một cách duy nhất là quay ngược thời gian trở lại ngày 1-4-1975 và không để cho Chương trình Baby Lift xảy ra!”.

Sài Gòn, Tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
-----
Chú thích:
(*) Chương trình Operation baby lift : Là “Chiến dịch Babylift” – di tản trẻ mồ côi Việt Nam từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác hồi tháng 4-1975 – đã được Tổng thống Gerald Ford bật đèn xanh theo yêu cầu của nhiều tổ chức Công giáo Mỹ.
 (**) Cô nhi viện An Lạc trước thuộc Biên Hòa, nay thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Cắm sừng; Lệnh phải thi đỗ - Đỗ Ngọc Thạch

Cắm sừng

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

1. Các tổ chức Hội có tác dụng gì?
Khi nghe nói có “Hội những người cô đơn”, người ta ủng hộ rất mạnh và xin vào Hội rất đông với lý do vào Hội sẽ bớt, hoặc hết cô đơn. Nhưng thực ra phải hiểu là: đó là Hội chỉ gồm những người cô đơn và việc vào Hội là để nỗi buồn của “sự cô đơn” ở từng Hội viên đạt đến độ huyền diệu nhất, hoặc nói theo kiểu con nhà võ thì là đạt đến “cảnh giới cao nhất”, hoặc nói theo kiểu nhà văn thì là đến độ “toàn thiện, toàn mỹ”, đến trình độ nghệ thuật bậc thầy!
Cũng vậy, khi nghe nói có “Hội những người bị cắm sừng”, người ta cũng ủng hộ rất mạnh và xin vào Hội rất đông với lý do: vào Hội sẽ bớt hoặc hết bị cắm sừng. Nhưng thực ra phải hiểu là: đó là Hội chỉ gồm những người đã bị cắm sừng và việc vào Hội là để nỗi đau của cái sự “bị cắm sừng” kia được xoa dịu đi phần nào mà thôi!
Như thế, có thể “định nghĩa” các tổ chức Hội nhằm duy trì trạng thái ban đầu và nâng cấp (nếu có thể)  “bản sắc”, “đặc trưng” của các thành viên cho đến tận cuối đời!
2. Người bị cắm sừng có biết mình bị cắm sừng hay không?
Đây là loại câu hỏi không có câu trả lời dứt khoát, tức đáp án không chỉ có một: không biết, biết và biết chút ít, không chắc chắn! Đại loại là có tối thiểu ba đáp án, thứ nhất là không biết (đó là trường hợp ông chủ tịch Hội), thứ hai là biết (đó là trường hợp ông Phó Chủ tịch Hội) và thứ ba là biết chút ít và đang phải thuê Công ty Thám Tử Nhị Lang Thần điều tra làm rõ (đó là trường hợp của ông Thư ký Hội).
Về trường hợp của ông Chủ tịch Hội, tức không hề biết chút gì về chuyện mình bị cắm sừng: Ngay từ ngày cưới, đã có rất nhiều tiếng xì xào rằng cô dâu đang cắm sừng nhưng chú rể làm sao mà tin được người con gái rất xinh đẹp và đức hạnh kia đang sắp trở thành bà phó Chủ tịch Quận phu nhân lại có thể đang làm cái hành động đê tiện là cắm sừng chồng mình cơ chứ? Rồi những tháng năm hạnh phúc cứ trôi qua vùn vụt, mỗi lần hoa đào nở là đứa con có tên là Hạnh Phúc lại thêm một tuổi. Khi đứa con Hạnh Phúc tới 50 tuổi cũng là lúc song thân của nó làm Đám cưới Vàng, tức kỷ niệm 50 năm ngày cưới! Đám cưới Vàng khiến cho tất cả ai tới dự cũng xúc động mãnh liệt và người vợ, người mẹ là người xúc động mạnh nhất bởi bà không thể giữ kín mãi điều bí mật kinh hoàng này: trước lúc “động phòng” với chú rể chỉ hơn một giờ đồng hồ, cô dâu đã hiến dâng trinh tiết của mình cho Mối tình đầu thơ mộng – anh bạn ngày xưa cùng chung một lớp! Khi đã nói cho người con trai đã 50 tuổi biết rõ sự thật đã giấu kín suốt 50 năm đó, người mẹ đã nói với người chồng bị cắm sừng suốt 50 năm qua: “Tôi đáng bị trừng phạt nặng, đáng bị tùng xẻo (*) tôi cũng không oán thán điều gì!”. Nhưng người chồng bị cắm sừng kia đã nói ngay: “Nếu như tôi biết em đã cắm sừng tôi ngay sau đêm tân hôn thì rất có thể em đã bị băm thành trăm ngàn mảnh! Nhưng sau 50 năm chúng ta chung sống với nhau thì trên từng xăng-ti-mét cơ thể ngọc ngà của em đều có dấu môi yêu của ta, lẽ nào ta lại phũ phàng với nó! Và bây giờ, ta đang ngất ngây hạnh phúc của Đám cưới Vàng, chẳng một lời nói xấu nào nhằm hại người vợ chung thủy của ta lại lung lạc được ta!”.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, ông chồng của Đám cưới Vàng nhận được một mảnh giấy: “Ông không xử tội tôi nhưng tôi không thể tha thứ cho mình! Tôi không xứng đáng được nhận danh hiệu “Tiết hạnh khả phong” mà ông và Nhà nước ban tặng! Vả lại, tôi cũng muốn được sống lại với Mối tình đầu bởi ông biết không, trên đời này không có gì đẹp bằng Mối tình đầu!”. Ông chồng không tin là bà vợ tóc bạc của mình đã “bỏ nhà theo giai” và cứ nghĩ là bà vợ sau Đám cưới Vàng muốn tạo “cảm giác mới lạ” cho cuộc sống vợ chồng sau 50 năm nhàm chán cho nên đã “thích đùa” như vậy? Nhưng ông chờ một tuần liền mà không thấy bà vợ về và ông đang tính gọi Cảnh sát nhờ tìm người mất tích thì thấy trên một tờ báo có bài viết nhan đề “Tình già” nói về hai người tình gần 70 tuổi mới cưới nhau vì khi mới yêu nhau, hai người không được hai gia đình đồng thuận, bà phải đi lấy chồng, ông rồi cũng phải đi lấy vợ để đến nỗi sau đúng 50 năm mới được danh chính ngôn thuận “động phòng hoa chúc”! Lúc đầu, nhìn hình người đàn bà tóc đã bạc đang tung tăng bên người tình ở Thung Lũng Tình Yêu trên Đà Lạt, ông không tin đó lại là người vợ đã mất tích của mình. Nhưng khi nhìn bức ảnh thứ hai chụp hai người đang hôn nhau thì ông nhận ra ngay bởi chỉ bà mới có kiểu hôn cuồng nhiệt ấy!...Đó chính là lý do trực tiếp để  “Hội Những người bị cắm sừng” nhanh chóng ra đời!
3. Người bị cắm sừng biết mình bị cắm sừng thì thế nào?
Đó là trường hợp ông Phó Chủ tịch Hội những người bị cắm sừng. Khi hai người gặp nhau thì mới té ngửa vì hóa ra là người cùng tuổi, cùng quê  (chỉ khác xã), cùng lấy vợ một năm và cùng bị cắm sừng một ngày, chỉ khác một điều là ông Phó Chủ tịch Hội biết mình bị cắm sừng ngay trong đên tân hôn. Quá đau xót, nhưng không muốn bố, mẹ và cả họ nhà trai “mất mặt” ông đã lên đường ra trận ngay sau ngày cưới với hy vọng khói lửa chiến trường xe che lấp đi “vết thương lòng”! Nhưng càng chiến đấu, không những ông không bị thương, bị chết như bao người lính khác mà ngày càng lên chức! Và khi ông đã là “Tướng quân” rồi thì ông không nỡ về nhà để trừng phạt người vợ đã và đang cắm sừng ông gần kín cái đầu sớm hói bóng nhẵn! Sau 50 năm, ông vẫn cho tiến hành Đám cưới Vàng và “cắn răng” chấp nhận những cái sừng của mình với lời biện minh: Con người ta ai cũng phải chịu một nỗi đau, nỗi bất hạnh nào đó! Nếu ta không bị cắm sừng thì thế nào cũng bị què cụt hoặc có bệnh nan y chẳng hạn! Khi gặp ông Chủ tịch Hội những người bị cắm sừng, ông lập tức trở thành Phó Chủ tịch Hội cứ như có sự sắp xếp từ kiếp trước!
4. Người bị cắm sừng nửa biết nửa không biết mình bị cắm sừng?
Đó chính là trường hợp của ông Thư ký Hội. Ngay sau ngày cưới, chú rể đã phát hiện ra nhiều “dấu hiệu” mình bị cắm sừng nhưng theo dõi hoài, thuê cả thám tử tư mà vẫn không bắt được “quả tang trai trên gái dưới” cho nên vẫn không thể buộc tội! Tuy nhiên, lần nào “chung chăn gối”, người chồng vẫn có cảm giác thấy “mùi lạ” trên người vợ? Chính vì thế, việc điều tra truy tìm thủ phạm của mùi lạ vẫn tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cứ mỗi khi gần bắt được “hung thủ” thủ nó lại biến mất cứ như là thần linh, ma quỷ!... Song, lòng kiên trì đã được đến đáp, sau 50 năm kiên trì mai phục, đúng ngày Đám cưới Vàng, thủ phạm đã bị bắt gọn: tên gian phi nằm trong ngăn đặc biệt dưới chiếc bàn mà cũng là xe đẩy chở chiếc bánh ngọt khổng lồ 50 tầng, đã không kìm được lòng ham muốn đã chui ra và ôm chặt cứng lấy cô dâu khi cô dâu cầm dao cắt bánh ngọt mời thực khách!
Khi ba người cùng cảnh ngộ gặp nhau, họ đã mau chóng đồng cảm và nhờ thế mà Hội những người bị cắm sừng mới được thành lập một cách nhanh chóng và cũng mau lẹ hoàn thiện mọi khâu từ A đến Z. Tuy nhiên, còn một khâu rất quan trọng chưa làm được là tìm ra người “đủ tài đủ đức” phụ trách tờ báo – cơ quan ngôn luận của Hội. Làm Chủ tịch Hội, phó Chủ tịch Hội, rồi Thư ký Hội cho tới các trưởng Phòng, Ban nghiệp vụ đều không khó và ai cũng có thể làm được vì chỉ cần “bề dầy thành tích” và có “lòng thành”. Nhưng làm Tổng biên tập tờ báo của Hội ngoài những tiêu chuẩn như mọi người còn phải có một phẩm chất đặc biệt là có khả năng “dơ đầu chịu báng”, tức sẵn sàng chịu mọi kiểu “búa rìu dư luận” từ bốn phương tám hướng! Nói nôm na là phải có một cái đầu Thép, giống như bên võ thuật, phải luyện thành môn võ “Thiết đầu công”(**)!
5. “Bị cắm sừng” hay là “Được cắm sừng”?
Nửa năm treo bảng cầu hiền và tung người đi khắp nơi săn đầu người có môn võ “Thiết đầu công”, cuối cùng thì cũng tìm ra nhân tài: đó là một người tuổi còn trẻ, vừa mới tới tuổi “Tam thập nhi nhập”nhưng có những dấu hiệu rất đặc biệt: mái tóc rất dày, rất mượt óng nhưng những sợi tóc không giống như những sợi tóc thông thường mà có hình dáng như những cái sừng trâu, sừng bò! Hỏi kỹ ra mới biết đời cha, cả đời ông và cả đời ông cố của người thanh niên này đã có mái tóc như thế! Người Chủ tịch Hội kinh ngạc thốt lên: “Sừng nhiều bằng tóc!”. Tức thì người Phó Chủ tịch Hội và người Thư ký Hội đồng thanh reo lên: “Sừng nhiều bằng tóc! Người ta cần tìm chính là đây!”. Và sau đó, người thanh niên có sừng nhiều bằng tóc đã bốn đời được chọn vào vị trí Tổng biên tập tờ báo của Hội!
Từ ngày Hội những người bị cắm sừng có Tổng biên tập tờ báo của Hội là người có sừng nhiều bằng tóc, tờ báo của Hội nhanh chóng trở thành một trong những tờ báo có nhiều người đọc nhất hành tinh. Tiền bán báo của Hội đã nhanh chóng tới những con số hàng tỷ, chục tỷ rồi trăm tỷ! Ban lãnh đạo Hội đã có thể thành lập những Quỹ từ thiện lớn, trước nhất là giúp những Hội viên nghèo vươn lên làm giàu, sau đó là góp phần cải thiện cuộc sống của những người nghèo, người tàn tật trong xã hội! Trong một lần làm lễ khai trương một Bệnh viện chữa bệnh miễn phí cho người nghèo do Hội những người bị cắm sừng tài trợ, một vị lãnh đạo hàng đầu của tỉnh đã xúc động thốt lên: “Nếu không có Hội những người bị cắm sừng, cụ thể là những người chồng bị cắm sừng thì những người nông dân nghèo ở vùng sâu vùng xa này làm gì có cơ hội được chăm sóc sức khỏe bằng những thành quả của Y học hiện đại! Vậy chúng ta hãy cầu cho Hội những người bị cắm sừng phát triển không ngừng, tức sẽ ngày càng có nhiều người bị cắm sừng!”. Lúc tại buổi lễ, người ta nghe trong tiếng ồn ào náo nhiệt nên chưa có thể lĩnh hội trọn vẹn ý tưởng của vị cán bộ lãnh đạo của tỉnh, nhưng khi về nhà bật lại băng ghi hình, máy ghi âm thì quả là có cái gì đó khó giải thích: Chẳng lẽ ta lại cầu cho nhiều người bị cắm sừng? Nếu thế thì việc bị cắm sừng đâu có còn là một nỗi đau, một nỗi buồn mà là một điều tốt lành? Nếu thế thì phải đổi lại tên Hội thành “Hội những người được cắm sừng”?
6. Các tổ chức Hội có tác dụng gì?
Có những câu hỏi mà câu trả lời không bao giờ thỏa mãn người hỏi. Đó là câu hỏi “Các tổ chức Hội có tác dụng gì?”.
Đem câu hỏi này hỏi một nhà Nho, sẽ được câu trả lời bằng bài Quan Thư (***):
  “Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu…”
Đem câu hỏi này hỏi một nhà Sư, sẽ được câu trả lời rằng: “Nam mô a di đà Phật… Quay đầu là bờ!”(****).
Đem câu hỏi này hỏi những người ở Hội những người bị cắm sừng, sẽ thấy họ làm một động tác như là phản xạ tự nhiên: sờ tay lên đầu rồi xoa xoa nhẹ nhàng đoạn hỏi lại: “Tôi đố ông biết tôi bị đau đầu vì tập Thiết đầu công hay bị cắm sừng?”. Ai mà biết được vì sao?./.
Sài Gòn, 7-2010
Đỗ Ngọc Thạch
-----
Chú thích:
(*) Tùng xẻo (còn gọi là lăng trì hay xử bá đao): là một trong những hình phạt tàn khốc và dã man được dùng rộng rãi ở Trung Quốc thời cổ xưa từ năm 900 cho đến khi chính thức bãi bỏ vào năm 1905. Từ ngữ trong tiếng Hán "lăng trì" có nghĩa lấn lên một cách chậm chạp.
Đây cũng là hình thức ghê rợn vào bậc nhất trong các án tử hình, phạm nhân sẽ vô cùng đau đớn vì không được chết nhanh chóng, có trường hợp xẻo tróc nửa phần thịt trên cơ thể mà phạm nhân vẫn còn giãy dụa gào thét. Mức độ tàn bạo của nó thì không có gì có thể sánh nổi; ngoài việc xẻo từng miếng thịt trên người tử tội, đao phủ còn có nhiệm vụ là giữ cho tử tội không được chết một cách nhanh chóng, tức là sau bao nhiêu nhát xẻo thì nạn nhân mới được chết.
Lăng trì đôi khi được dùng như một nhục hình để hành quyết người còn sống, hoặc như một hình thức lăng mạ phạm nhân sau khi bị xử chết. Những kẻ phạm những tội như: phản quốc, nổi loạn chống vua, sát nhân hay giết cha mẹ v.v... đều bị pháp luật thời đó luận án và xử lăng trì.
(**) Thiết đầu công: Với những ai yêu thích kungfu Thiếu Lâm, hẳn không thể bỏ qua những dịp thưởng thức các màn biểu diễn hoặc các pha tỉ thí võ nghệ dùng Thiết đầu công của những võ tăng nơi đây.
Trong khi ở các thế võ, bài quyền, chiêu cước khác, đầu là bộ phận trọng yếu của cơ thể tránh không để đối phương tấn công vào thì Thiết đầu công lại hoàn toàn ngược lại, đầu chính là vũ khí, là một quả trùy thép lợi hại có thể đập vỡ đá tảng, húc chết đối thủ.
Thiết đầu công Thiếu Lâm Tự lấy đầu làm vũ khí tấn công đối thủ, tuy nhiên không có nghĩa là không dùng tới quyền, cước. Thiết đầu công là bài võ lấy đập đầu, đâm đầu, lao đầu vào đối thủ làm nội dung chính, kết hợp với các động tác toàn thân tạo ra 5 thế võ cơ bản: Đồng tử bái Phật, Kim Cương cử đỉnh, La Hán bao đỗ, Kim Đồng kích cổ, Kim Cương chàng chung.
(***) Quan thư :
Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu.
Sâm si hạnh thái. Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ. Ngụ mị cầu chi.

Cầu chi bất đắc. Ngụ mị tư phục.

Du tai! Du tai! Triển chuyển phản trắc.

Sâm si hạnh thái. Tả hữu thái chi.

Yểu điệu thục nữ. Cầm sắt hữu chi.

Sâm si hạnh thái. Tả hữu mạo chi.

Yểu điệu thục nữ. Chung cổ lạc chi.


Dịch thơ:

Thư cưu cất tiếng quan quan

Hòa cùng sóng vỗ vọng vang đôi bờ

Dịu dàng thục nữ đào thơ

Sánh cùng quân tử duyên tơ mặn mà.

Ngắn dài rau hạnh gần xa

Với tay vớt lấy cũng là khó mong

Cầu mong thức lại chờ trông

Cầu mong chi lại khó lòng gặp nhau.

Ngày đêm dằng dặc cơn sầu

Ngày đêm trằn trọc rầu rầu sớm khuya

Hái về, rau hạnh hái về

Cùng nàng thục nữ duyên thề sắt son

Ước duyên cầm sắt vuông tròn

Đêm khua chiêng trống vui lòng mỹ nhân

(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)
(****)  Quay đầu là bờ  (Hồi Đầu Thị Ngạn) : Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ giác, chỉ cần anh có thể toàn tâm sửa đổi những lỗi lầm của quá khứ, con đường ở phía trước vẫn sáng ngời và lạc quan ! ...

Lệnh Phải Thi Đỗ

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Ông Lý Trần Vương Gia chưa tới 50 tuổi nhưng đã là một đại gia thuộc Top 10 của Tỉnh H. Nhìn tên ông cũng có thể đoán ra ông là hậu duệ của hai dòng họ đã làm sáng chói những trang sử của người dân nước Việt: đó là hai họ Lý và họ Trần. Nói về hai vương triều Lý - Trần oanh liệt này, các sử gia đã có rất nhiều sách, nhiều đến nỗi nếu có ai tò mò hỏi ông Lý Trần Vương Gia rằng ông thuộc chi nào, nhánh nào của hai dòng họ này thì ông nói, hãy cứ đọc hết những sử sách viết về hai vương triều Lý, Trần thì sẽ thấy ngay, song không ai đủ kiên nhẫn đọc hết cả! Vì thế, chưa có ai biết rõ ràng ông Vương Gia thuộc chi nào, nhánh nào của hai dòng họ Lý, Trần.
Thông thường, đã là người có gốc tích cao sang thì thích khoe ra cho mọi người biết, nhưng không hiểu vì sao ông Lý Trần Vương Gia không thích khoe. Không ai biết lý do tại sao mà chỉ đoán mò: chắc chắn trong dòng họ nhà ông ta có quá nhiều người mất gốc, thậm chí còn gây nhiều tội ác! Sự đoán mò này có lẽ đúng vì nếu chỉ nhìn sơ qua nơi sinh, quê quán của hai vợ chồng ông cũng thấy đó là những vùng đất địa linh nhân kiệt, bên văn thì đỗ Tiến sĩ, Trạng Nguyên, bên võ thì đỗ Tạo sĩ, Võ Trạng Nguyên không ít, nhưng hai đời rồi, ông và cha ông không đỗ đạt gì mà chỉ tiến thân bằng con đường mượn tiếng con nhà danh gia vọng tộc và sống lâu lên lão làng. Đây cũng là một con đường tiến thân có khá đông người đua chen, vì thế mới có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”!
Vợ chồng ông Lý Trần Vương Gia có ba người con, hai cô con gái đầu đều không thích học đại học (thực ra đều thi trượt, tới hai lần), nhưng có tướng làm quan nên cô chị thì làm phó Bí thư Đoàn TNCS HCM của Phường, cô em thì làm phó chủ tịch Hội Phụ nữ Phường, đương nhiên, với loại chức danh này, hai chị em đều đã được kết nạp Đảng. Với cách vào đời kiểu này, sau khi cô chị cưới chồng là Bí thư Quận Đoàn, cô em cưới chồng là Bí thư kiêm chủ tịch Phường thì hai chị em còn thăng quan tiến chức dài dài và biết đâu sau này cũng thành những đại gia như người cha. Người con trai thứ ba của ông Vương Gia gọi là Tam Thái Tử. Người ta cứ tưởng đó là “biệt danh” gọi theo phim ảnh cho vui, nhưng nhìn vào giấy khai sinh của cậu bé thì đó cũng chính là tên khai sinh: Lý Trần Tam Thái Tử! Năm nay, Thái Tử học lớp 12 Phổ thông Trung học.
*
Trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ba tháng, cũng là ngày sinh thứ 18 của Tam Thái Tử, ông Lý Trần Vương Gia làm lễ mừng sinh nhật Tam Thái Tử rất lớn và tuyên bố: “Năm nay Tam Thái Tử nhất định phải đỗ đại học. Đây là lệnh, nếu làm trái lệnh sẽ bị xử trảm!”. Tất cả không ai nói gì, im thin thít! Thấy vậy, ông Lý Trần Vương Gia nói tiếp: “Tất cả im lặng tức là chấp nhận lệnh của ta! Khá lắm! Để làm tốt lệnh này, ta đã mời về đây ba thầy giáo luyện thi rất có uy tín của ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Ba thầy giáo luyện thi này thuộc Top 10 cao thủ luyện thi không đỗ không lấy tiền! Vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực của bản thân Tam Thái Tử! Việc này phi người mẹ hiền của Tam Thái Tử, không ai có thể giúp Tam Thái Tử!”. Hai mẹ con Tam Thái Tử nhìn nhau, không nói gì (thực ra là không biết nói gì). Ông Lý Trần Vương Gia thấy vậy thì lại nói: “Như vậy Lệnh phải thi đỗ có hiệu lực từ hôm nay! Bây giờ mọi ý nghĩ, mọi hành động đều phải tuân theo nguyên tắc chỉ có tiến chứ không có lùi, ai bàn lùi sẽ bị…trảm!”.
Bữa tiệc sinh nhật đó, tôi (người viết truyện ngắn này) không tham dự. Tôi chỉ ngẫu nhiên biết được câu chuyện “Lệnh phải thi đỗ” này là do người nhận luyện thi môn Toán cho Tam Thái Tử là bạn học cùng lớp với tôi ở Khoa Toán Đại học Tổng hợp ngày xưa, tên là Toán. Gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT thì tôi ngẫu nhiên gặp lại người bạn này trong một đám tang của mẹ một người bạn khác. Vừa nhìn thấy tôi, Toán không hỏi han gì tôi lâu nay sống thế nào, sức khỏe ra sao mà nói luôn: “Có một quả bóng rất khó sút vào khung thành, đang không biết chuyền cho ai thì gặp ông, thật là vừa khéo!”. Tôi chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, định hỏi thì Toán đã nói ngay: “Nhiều khi ta không thể chọn việc mà việc nó chọn ta. Việc này nó đã chọn ông, ai bảo chúng ta đã từng là bạn học!”. Rồi Toán kể cho tôi nghe từ đầu câu chuyện “Lệnh phải thi đỗ” của ông Vương Gia rồi nói: “Tớ chỉ là dân Phổ thông Trung học, luyện thi và đảm bảo cho học trò của mình thi đỗ thì không khó, có 1001 cách! Nhưng thi vào đại học thì lại khác và tớ không thích dính vào cái chuyện này! Vì thế, hôm nay tớ “bán cái” cái vụ “Lệnh phải thi đỗ” của Tam Thái Tử này cho cậu, bởi hai lẽ: Thứ nhất, Cậu sẽ có được một khoản thù lao đủ dưỡng già. Thứ hai, bạn bè chiến hữu của cậu còn đang dạy ở các trường Đại học nhiều, có thể “liên kết” không khó khăn gì!”. Nói xong, Toán bảo tôi rút lui khỏi đám tang lễ và dẫn tôi đến ngay nhà ông Lý Trần Vương Gia.
Xin mở ngoặc là từ trước tới nay, tôi không bao  giờ từ chối những yêu cầu dù lớn dù nhỏ của bạn bè, đó gọi là tính cả nể, mặc dù chưa biết mình có làm được hay không, tôi cũng nhận lời. Lần này cũng không ngoại lệ. Toán dẫn tôi tới gặp ông Lý Trần Vương Gia rồi nói ngay: “Tôi xin tiến cử người bạn của tôi sẽ làm tiếp phần hai của “Lệnh phải thi đỗ” là thi vào đại học. Phần thi tốt nghiệp THPT coi như tôi đã hoàn thành và xin lấy đầu ra bảo đảm!”. Nói như đinh đóng cột như thế thì ai mà chẳng nghe theo! Và cũng phải nói thực rằng, lúc đó, tôi cũng chưa biết sẽ làm cách nào để cho cậu bé Tam Thái Tử đỗ vào đại học, bởi tôi theo trường phái “Bất khả tri”, tức ai đã dốt nát thì không thể nhồi nhét gì được, tức đã học dốt thì chỉ có một cách là đi cày ruộng chứ học thêm chỉ tốn công vô ích! Song, như đã nói trên, tôi không thể từ chối cái việc mà còn khó hơn Nữ Oa vá Trời đó, thực ra thì phải nói là anh bạn Toán và sau đó là ông Vương Gia, không cho tôi thời gian để mà suy nghĩ rồi mới quyết định nhận lời hay từ chối!

*

Đã thành một phản xạ tự nhiên, mỗi khi gặp một công việc khó khăn tôi đều lẩm nhẩm cầu khấn Bồ Tát và sau đó thì …đi xem bói! Nếu như quẻ bói mà nói tốt thì tôi sẽ nghĩ cách thực hiện, bằng cách lấy cuốn “Tam thập lục kế” ra nghiên cứu. Nếu chưa tìm được kế nào khả thi thì đọc “Binh pháp Tôn Tử”, rồi “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Đông Chu Liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”,v.v… Phải thừa nhận rằng, khi tư duy bị bế tắc, đọc những kiệt tác “văn sử bất phân đó”, tôi thường có được những gợi ý, sự mách bảo rất hiệu nghiệm. Nếu quẻ bói nói xấu thì tôi sẽ nghĩ cách từ chối, “khua chiêng thu quân”! Lần này, sau khi chia tay với ông Vương Gia và anh bạn Toán, tôi vừa lẩm nhẩm cầu Bồ Tát vừa đến chỗ ông thầy Bói quen biết. Vừa nhìn thấy tôi, ông thầy bói đã reo lên: “Chúc mừng ông có lộc lớn! Ông cứ vừa bước vừa nghĩ ra bài thơ như Tào Thực, chẳng việc gì phải lo xa, tính toán chi li làm gì cho mệt!”. Tôi nói ngay: “Ông chưa xem quẻ mà đã nói vậy làm sao tôi tin được! Tôi có việc này cực khó, không thể dỡn chơi được! Bây giờ ông phải xem lại cho tôi thật kỹ, không thể sai một ly!”. Ông thầy bói lấy quẻ cho tôi, lẩm nhẩm một hồi rồi nói: “Vẫn là những câu đó! Kỳ này ông gặp may tới mức có bị ném xuống sông cũng rơi trúng Thủy cung, có nhảy vào biển lửa cũng trúng lửa… tình ái!”.
Tuy có tin ông thầy bói phần nào nhưng tôi cũng về nhà lục hết những số điện thoại, địa chỉ của bạn bè, chiến hữu ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam ra xem có thể “liên kết” với ai trong vụ này? Đang cân nhắc đắn đo thì tôi nhận được điện thoại của một người em họ, con ông chú nói mấy ngày tới sẽ đưa thằng con trai, vừa học xong lớp 11, vào Sài Gòn chơi nhân kỳ nghỉ hè. Vừa nhận được điện thoại hôm trước thì hôm sau, người em con ông chú và đứa con trai đã xuất hiện ngay trước mặt.
Vừa nhìn thấy thằng bé con người em họ, tôi kinh ngạc tới mức bị á khẩu mất ba phút! Người em họ thấy vậy thì ngạc nhiên hỏi: “Ông anh sao vậy? Thằng con em nó là yêu quái hay sao mà làm bác kinh ngạc như thế?”. Tôi lại tròn mắt chỉ nó nói: “Tam Thái Tử!”. Người em họ nói: “Tam Thái Tử, chào bác đi con!”. Thằng bé lễ phép chào tôi rồi ngồi nép bên bố nó! Tôi thoáng nghĩ: chỉ là  một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên mà thôi, có gì mà hết hồn như thế? Rồi tôi  nói với người em họ: “Này, có một sự giống nhau kỳ lạ: Thằng con chú nó rất giống với một thằng con một người quen mà anh mới gặp, cũng tên là Tam Thái Tử!”. Hai bố con người em họ nghe vậy thì cùng thở phào và nói: “Thế thì bác phải dẫn bố con em tới chơi cho biết người đồng dạng như thế nào!”.
Tôi ngồi uống bia với bố con người em họ được năm phút thì một ý tưởng xuất hiện: Thằng bé Tam Thái Tử con trai người em họ tôi tuy mới học lớp 11 nhưng nó học rất giỏi, vào loại Thần đồng, nhưng bố nó muốn nó học thêm nhiều thứ khác như cầm kỳ thi họa nên cứ túc tắc học đủ 12 năm qua 12 lớp, sau này vào đại học thì trổ tài cũng chưa muộn. Vì thế, thằng Tam Thái Tử học giỏi này có thể vào vai đóng thế thằng Tam Thái Tử học dốt con ông Lý Trần Vương Gia ở kỳ thi đại học sắp tới. Có là mắt ở giữa trán như của Nhị Lang Thần thì các vị giám thị cũng không thể phát hiện ra! Tôi đem ý nghĩ này nói với bố con người em họ thì cả hai bố con đều OK ngay. Người bố nói: “Được giúp bác dù bất cứ việc gì bố con em cũng sẵn lòng! Mặt khác, đây là cơ hội cho thằng con em nó thử sức, vì dù sao cũng phải có sự tập dượt trước, càng học giỏi càng không được chủ quan!”. Thằng con Tam Thái Tử cũng nhẹ nhàng nói: “Cháu xin đảm bảo với bác là cháu sẽ đạt điểm tối đa. Bác không phải lo vì chương trình lớp 12 cháu cũng đã tự học từ sau Tết và xin thề là nắm rất vững. Bác có thể kiểm tra ngay!”. Tôi hỏi thử hai câu về toán và hai câu về Văn thì quả nhiên thằng Tam Thái Tử nói rất mạch lạc, lưu loát!
*
Tới ngày thi, hai bố con ông Lý Trần Vương Gia và Lý Trần Tam Thái Tử đã có mặt trên Đà Lạt, có thể đến vãn cảnh ở Thung lũng Tình yêu hoặc vào chơi ở Biệt điện Bảo Đại. Còn tôi thì cùng thằng Tam Thái Tử con người em họ đến phòng thi ở điểm thi trường Lê Quý Đôn. Hình như thí sinh nào đi thi cũng có một đoàn “tháp tùng” khá đông nên xung quanh trường thi đông đúc, chen chúc như hội chợ. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra trôi chảy như  tất cả các dòng sông đều chảy…
Thi xong, cả tôi và bố con người em họ lên Đà Lạt gặp bố con ông Lý Trần Vương Gia để ăn mừng thắng lợi. Hai thằng Tam Thái Tử líu ríu bên nhau như là một cặp sinh đôi. Nếu như hai đứa mặc quần áo giống nhau thì hai người bố chưa chắc đã nhận ra đâu là con mình!
Tới nửa bữa tiệc thì thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi nói: “Con nói chuyện này chắc bố và các bác không tin được đâu!”. Ông Lý Trần Vương Gia giật mình (những người có tật hay giật mình) hỏi dồn: “Chuyện gì? Có gì bất trắc hay sao?”. Thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi từ tốn nói: “Không phải chuyện bất trắc mà là chuyện lạ. Con đã gặp một đứa bạn nữ ở phòng thi!”. Ông Lý Trần Vương Gia hoảng hốt: “Trời đất! Thế thì chuyện con đi thi hộ người đồng dạng bị lộ rồi sao? Làm thế nào bây giờ?”. Thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi nhoẻn miệng cười rất ngộ, nói tiếp: “Không sợ lộ đâu vì đứa bạn nữ đó của con cũng tới phòng thi với nhiệm vụ đặc biệt như là con vậy. Tức là nó cũng đi thi hộ người đồng dạng với nó! Nó nói thi xong thì cũng đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Nếu muốn gặp nó thì hãy đến Thung Lũng Tình Yêu, sẽ có cả người đồng dạng với nó ở đó!”.
Không ai có thể chờ đợi được và đều muốn thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi dẫn đến ngay Thung Lũng Tình yêu để gặp đứa bạn nữ của nó và người đồng dạng của nó. Đến Thung Lũng Tình Yêu, lúc đó khá đông người đi lại, đều áo quần sặc sỡ, mặt mày đều hớn hở! Không hẹn điểm nào cụ thể thì tìm đến bao giờ? Tôi đang định nói với thằng Tam Thái Tử cháu sao không hẹn một điểm cụ thể thì có tiếng gọi lanh lảnh của một cô gái: “Tam Thái Tử! Diễm Quỳnh ở đây cơ mà!”. Tất cả tốp người chúng tôi cùng hướng cái nhìn về phía có tiếng nói thì thấy trên một cái xích đu, có hai cô gái giống nhau như hai bông hoa (cùng loại, đương nhiên) đang giơ tay vẫy vẫy! Chúng tôi cùng đi lại, khi cách hai cô bé khoảng năm mét thì một cô nói: “Khoan đã! Bây giờ chúng tôi sẽ xoay lưng lại. Bạn Tam Thái Tử phải làm sao để người bạn học của bạn đứng lên. Thời gian là một phút! Nếu không làm được thì sẽ bị phạt nặng! … Một phút bắt đầu!”. Tất cả đều nghĩ không biết cậu bé  Tam Thái Tử sẽ làm thế nào thì cậu bé bất thình lình nói giọng nghiêm nghị như giọng các giám thị coi thi: “Số 18, đứng lên!”. Tiếng nói ngắn gọn, nghiêm nghị vừa dứt thì một trong hai cô gái đang ngồi đứng bật dậy!...
*
Mãi đến khi chia tay với thằng cháu Tam Thái Tử, tôi mới hỏi nó: “Số 18 có ý nghĩa gì mà cô bé lại đứng bật dậy như thế!”. Thằng cháu Tam Thái Tử nói: “Đó là số báo danh ở phòng thi. Lúc ở phòng thi, cháu thấy nó làm bài xong rồi mà không chịu nộp bài, cứ ngồi giơ bài lên cho mấy đứa xung quanh coi, bị giám thị gọi tới hai lần! Cháu cũng bị gọi hai lần!”.
Chuyện người đồng dạng này đến nay đã “mãn tang”, tức đã qua ba năm, đã trở thành “chuyện ngày xưa” nên tôi mới có thể “công bố nửa vời” bằng hình thức “Truyện ngắn” như thế này. Tam Thái Tử con ông Lý Trần Vương Gia đã là sinh viên năm thứ Tư của của một trường Đại học mà ra trường là đi làm quan ngay nên vấn đề “học lực” không quan trọng. Ở đây, không ai bị coi là dốt, là kém cả vì vào được đây là giỏi rồi! Còn thằng Tam Thái Tử con người em họ tôi thì lại chui vào một cái trường Đại học rất ít người ngó ngàng mà lại học cái môn học rất khó nhai, nhai rồi rất khó nuốt, đó là Toán học! ./.

Sài Gòn, cuối tháng 5-2010
Đỗ Ngọc Thạch