Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Mặc cảm Ê-Đíp; Làng không có đàn ông - Đ.N.T

MẶC CẢM Ê-ĐÍP

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Năm 1932, ông Văn Lam cưới vợ, theo kiểu ngày xưa , vợ 13 tuổi, chồng 14 tuổi (Gái hơn hai, trai hơn một). Năm sau thì bà Lan, vợ ông Lam sinh cho ông một cậu con trai kháu khỉnh, đẹp như tranh vẽ hài đồng, đặt tên là Lân (trong nhóm Tứ quý: Long, Lân, Quy, Phượng).
Khi cậu bé Lân gần một tuổi, khỏe mạnh, bụ bẫm như Thiên Thần, ai nhìn thấy cũng muốn bế bồng rồi hôn chùn chụt. Riêng bà Lan, vợ ông Lam, tức mẹ cậu bé Lân thì dường như không lúc nào muốn rời con, ngay cả những lúc ông Lam muốn “làm chuyện vợ chồng”, bà Lan cũng một tay giữ lấy con, không rời!
Khi cậu bé Lân được đúng 12 tháng, nhà ông Lam tổ chức lễ thôi nôi (*)(còn gọi là đám thôi nôi) rất lớn, đúng như nghi thức ngày xưa. Ngoài lễ vật chè - xôi, vịt luộc cúng 12 Mụ bà như trong lễ đầy tháng, còn có heo quay cúng đất đai thiên địa, thổ công, thổ chủ. Mâm cúng được bày ngoài sân, đầu hướng ra ngoài, đi kèm với heo quay còn có 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng lợn, rau sống, nhang, đèn, rượu, trà, hoa quả, trên lưng lợn quay gắn một con dao bén.
Trong nhà, bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng cửu huyền thất tổ và mâm cúng ông bà quá vãng (bao nhiêu bàn thờ, bấy nhiêu mâm cúng). Lễ vật là những thức ăn chín tiêu biểu của địa phương. Kế bên (trên bộ ván hoặc bộ vạt) bày 12 chén chè, xôi; con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tộ cháo cúng 12 Mụ bà .
Đủ ba tuần rượu cúng đất đai thiên địa, thổ công thổ chủ, rồi đến mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh, mâm cúng Cửu huyền thất tổ và mâm cúng Ông bà quá vãng. Tiếp đến là khấn cầu 12 Mụ bà. Khấn vái rất thành tâm và trang trọng…
Kết thúc ba tuần rượu và một tuần trà là thực hiện nghi thức “thử tài” đứa bé. Như người ta thường làm bằng cách bày những vật dụng trên bộ ván phù hợp với tính cách của nam, hoặc nữ. Sau đó, đặt cháu bé ngồi trước các vật dụng để cháu tự chọn lựa các vật dụng như: gương, lược, viết, tập sách, nắm xôi, tiền, kéo... Vật nào được cháu chọn trước (cầm trước) thì người ta tin tưởng đó là sự chọn lựa của cháu về nghề nghiệp tương lai cho mình.
Nhưng, ông Lam không làm như những người khác mà bày ra trước mặt đứa bé ba bức tranh, bức thứ nhất vẽ ông Lam, bức thứ hai vẽ bà Lan và bức thứ ba vẽ một ông quan đội mũ cánh chuồn. Ý ông Lam là nếu đứa bé chọn bức ảnh nào thì tương lai của nó sẽ theo người đó. Và ông Lam chắc mẩm rằng nó sẽ chọn bức vẽ ông quan đội mũ cánh chuồn vì ông nghĩ, bố và mẹ thì nó đã quá quen thuộc, nó sẽ chọn bức ảnh lạ là ông quan đội mũ cánh chuồn! Song, thật bất ngờ, đứa bé, tức thằng Lân, con ông đã không hề chọn bức vẽ ông quan đội mũ cánh chuồn mà , đầu tiên, nó tiến lại bức vẽ ông Lam (thấy vậy, ông Lam đã mừng thầm và hồi hộp chờ đợi), cầm lấy bức vẽ ông Lam rồi xé làm đôi! Ông Lam bàng hoàng, thấy lạnh toát sống lưng! Trong khi đó, thằng Lân đã cầm lấy bức vẽ bà Lan, tức mẹ nó, rồi hôn mấy cái liền!
*
Sau lễ thôi nôi, ông Lam tâm trạng rất bất an. Ông tìm đến mấy ông thầy tướng có tiếng trong vùng hỏi về hành động của thằng Lân con ông trong lễ thôi nôi, nhưng không ông thầy tướng nào giải thích được rõ ràng hành vi của thằng Lân.
Một ngày kia, ông Lam đang ngồi uống rượu một mình trong sân nhà thì có một người ăn mày rách rưới, đầu đội nón mê tới xin ăn. Ông Lam định ra mở cổng thì người ăn mày đã đi vào sân và thản nhiên ngồi xuống bên bàn rượu của ông Lam, nhìn ông rồi bình thản nói: “Trên bàn còn một cái chén chưa rót rượu, chẳng phải là ông đang đợi khách tới đó sao?”. Ông Lam nhìn người khách thì thấy mình mai cốt hạc, mắt sáng như sao liền nghĩ, người này có tiên phong đạo cốt, tất không phải người tầm thường, bèn rót rượu mời uống như là thượng khách. Được hai chén rượu, người kia mới nói: “Ông quả là biết nhìn người, không vì hình dạng bên ngoài mà xét đoán con người! Ta chính là đệ tử chân truyền của Quỷ Cốc Tiên sinh, nhân có chuyến lãng du qua đây mà tiện thể ghé thăm ông, nói cho ông vài điều thiên cơ, giúp ông tránh được họa sát thân!”. Ông Lam giật mình hỏi họa sát thân thế nào, cách hóa giải ra sao thì người kia nói: “Mầm họa do chính ông sinh ra, tức thằng con trai ông đó! Ông biết chuyện Công chúa Mỵ Châu chứ? Không thể đợi đến lúc bị Trọng Thủy đuổi đến bờ biển mới biết giặc ngồi ngay sau lưng!”. Ông Lam ngẩn người một lúc mới nói được: “Có nghĩa là tôi phải diệt mầm tai họa ngay từ bây giờ? Nhưng bây giờ mà giết thằng bé thì quả là không thể! Nó đã làm gì nên tội?”. Người kia nói: “Nếu vậy thì chỉ có một cách là đưa nó về miền biển, ra ngoài đảo càng tốt!”. Người ăn mày kia nói xong thì bái biệt, đi cũng nhanh như khi đến!
Ngày hôm sau, ông Lam đang nghĩ cách đưa thằng Lân về miền biển cho một người dân chài nuôi thì một người buôn muối, cá mắm quen biết từ lâu tới bàn chuyện buôn bán. Ông Lam cho rằng đây là sự xếp đặt của bàn tay Tạo hóa liền giao thằng Lân cho người buôn muối. Người buôn muối nghe hết chuyện thì đồng ý giúp mà còn nói: “Tôi có giao dịch buôn bán với mấy người Tây phương Phú Lang Sa (**) thì họ nói, ở xứ họ đã có chuyện này từ lâu, gọi là “Mặc cảm Ê-đíp”(***), ta không thể xem thường!”. Nói rồi người buôn muối đem thằng Lân mới hơn một tuổi về miền biển, cho vợ chồng một người đánh cá không có con làm con nuôi.
*
Ông Văn Lam nhờ giỏi buôn bán mà trở thành người giàu có nhất nhì trong vùng. Từ một thương gia, ông mua đất tậu ruộng, lập trang trại trồng chè…mà trở thành một địa chủ lớn nhất vùng. Ông lại mua cả chức Lý trưởng rồi Chánh Tổng, có tới bốn bà vợ với hơn hai chục người con, tưởng như hai vợ chồng ông Lam đã quên hẳn chuyện hai ông bà đã từng có đứa con trai đầu lòng là thằng Lân, đã đem cho người dân chài miền biển làm con nuôi.
Rồi thời gian trôi đi, sau kháng chiến chín năm là đến cuộc Cải cách Ruộng đất làm chấn động khắp nơi. Ông Văn Lam bị quy là đại địa chủ, cường hào, ác bá…Ông bị bắt trói ở trụ sở của Đội Cải cách, bị đấu tố và cuối cùng bị xử bắn. Mà người chỉ huy tất cả mọi việc đó lại chính là thằng Lân con ông ngày trước đã trở thành dân miền biển, rồi nhập ngũ, rồi trở thành Đội trưởng Đội Cải cách, có cái tên rất hợp thời: Thắng Lợi! Song, lúc đó, không ai biết ông Đội trưởng Đội Cải cách Thắng Lợi là thằng Lân ngày trước cả. Đến khi xử bắn ông Lam rồi, ngài Đội trưởng Thắng Lợi thấy bà vợ của ông Lam còn đậm đà nhan sắc, thậm chí rất đẹp, rất quyến rũ (lúc này bà Lan mới 34 tuổi, đang độ sung mãn của nữ tính) thì liền đem bà Lan về miền biển và cưới bà Lan làm vợ. Ông nhà buôn muối ngày trước cũng được mời dự đám cưới. Ông buôn muối nhìn thấy bà Lan thì nhận ra ngay và sực nhớ là mình đã nói chuyện “Mặc cảm Ê-đíp” với ông Lam cách đây hơn hai chục năm thì giật mình hoảng sợ, song lại nghĩ: “Số trời đã như vậy cố tránh cũng không được! Vả lại, thằng Lân nó mê đắm người đàn bà kia (tức mẹ nó) quá độ thì có nói ra phỏng ích gì?”, thì không nói gì cả! Vì thế, thằng Lân giết cha đẻ của nó rồi cưới mẹ nó làm vợ mà không hề hay biết gì cả! Sau đó, mẹ nó còn đẻ cho nó hai đứa con, một con trai, sinh vào cuối năm 1953, một con gái, sinh vào cuối năm 1954.
*
Sau Cải cách Ruộng đất, Đội trưởng Thắng Lợi được giao cho làm chức Chủ tịch UBND xã, tất nhiên là ở miền biển, quê thứ hai, nơi anh ta lớn lên. Ngày Ông Chủ tịch xã Thắng Lợi nhận chức cũng là ngày làm lễ thôi nôi (**) cho đứa con trai lớn tên là Đại Thắng, sinh vào cuối năm 1953, vì thế lễ thôi nôi này được coi là ngày đặc biệt và làm rất long trọng.
Đủ ba tuần rượu rềnh rang và một tuần trà cúng đất đai thiên địa, thổ công thổ chủ , rồi đến mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh, mâm cúng Cửu huyền thất tổ và mâm cúng Ông bà quá vãng . Tiếp đến là khấn cầu 12 Mụ bà, khấn vái rất thành tâm và trang trọng…Khi đến nghi thức “thử tài” đứa bé, ông Chủ tịch xã Thắng Lợi ngẫu hứng để trước mặt thằng con Đại Thắng một tấm ảnh chụp ngày cưới của hai vợ chồng ông Thắng Lợi và bà Lan đang treo trên tường, một đồng tiền và một khẩu súng đồ chơi trẻ con bằng gỗ. Mọi người hy vọng nó sẽ cầm lấy khẩu súng, tiếp nối nghề binh của bố nó thời trai trẻ oai hùng. Riêng ông Thắng Lợi và bà Lan lại muốn nó cầm lấy đồng tiền, trở thành Phú gia nhà cao cửa rộng, con đàn cháu đống còn hơn là đi đánh trận mệt nhọc mà còn sống chết không biết thế nào! Tuy nhiên, chẳng ai biết thằng bé Đại Thắng mới 12 tháng tuổi kia nghĩ gì. Người ta vỗ tay cổ vũ nó và hô lên những thứ mình thích nó cầm lên, chẳng hạn như khá nhiều người hô chữ “Tiền”, nhưng thằng bé lại không tới chỗ đồng tiền mà nhào tới chỗ bức ảnh cưới của bố mẹ nó. Nó cầm tấm ảnh lên, ngồi thẳng người lên rồi cầm hai tay hai góc tấm ảnh mà giật mạnh. Khi mọi người kịp nhận ra nó đang làm gì thì tiếng “Xoạt” ngắn gọn vang lên, tấm ảnh bị xé ra làm hai mảnh, Thằng bé ném nửa tấm ảnh có hình của bố nó ra xa rồi giơ nửa tấm ảnh có hình mẹ nó lên cao rồi cười toe toét! Đoạn, nó hôn vào mặt mẹ nó trong tấm ảnh chùn chụt hệt như hàng ngày mẹ nó vẫn hôn nó vậy!
Ông Chủ tịch xã Thắng Lợi thấy vậy thì thoáng giật mình, mặt tím tái, nhìn thằng bé lừ lừ, như là muốn “đét” cho nó một cái! Không biết thằng bé có cảm nhận được cái lừ mắt của bố nó hay không mà thấy nó liếc nhìn bố nó một cái thật nhanh rồi nhào tới cầm lấy khẩu súng, ném ngay vào phía bố nó. Thật bất ngờ, khẩu súng gỗ tuy nhỏ bé và cái lực ném của thằng bé cũng không thể mạnh được, nhưng khẩu súng đã trúng ngay ấn đường (****) của người bố, để lại một vết bầm nhỏ nhưng không thể mất đi!
*
Những tưởng người ta sẽ quên đi cái truyện “thử tài” đứa bé trong ngày thôi nôi, nhưng chỉ ba ngày sau thì ông buôn muối ngày xưa, giờ đã là một nhà buôn đồ hải sản lớn, cũng là cha đỡ đầu của ông Thắng Lợi, tới gặp ông Thắng Lợi và nói: “Thằng bé Đại Thắng nó sẽ gây họa lớn như trong câu chuyện Ê-đíp làm vua. Vậy bây giờ phải cho nó đi xa may ra mới có thể tránh được. Thời gian này, người theo Đạo Thiên chúa ở vùng này di cư vào Nam rất nhiều. Tôi có người bà con thân tín, có thể gửi người ta nuôi rất tốt”. Ông Thắng Lợi nghe theo, cho thằng con Đại Thắng theo mấy người di cư bên Đạo Thiên Chúa.
Hơn chục năm sau, tức những năm đầu thập niên 1960, chiến trường Miền Nam ngày một mở rộng, chiến dịch “Đi B” (đi vào chiến trường Miền Nam chiến đấu) được phát động khá rầm rộ, ông Thắng Lợi được lệnh tái ngũ, bổ sung lực lượng sĩ quan chỉ huy cho chiến trường miền Nam, nên ông lên đường đi B ngay sau khi tái ngũ.
Vào Miền Nam được gần bốn năm thì ông Thắng Lợi được giao chỉ huy một cánh quân đánh vào Sài Gòn trong đợt chiến dịch Mậu Thân…Khi quân của chính quyền Sài Gòn phản công, đơn vị của ông Thắng Lợi bị vây kín bốn mặt và đã hy sinh đến người cuối cùng. Chỉ đến khi cánh quân của ông Thắng Lợi bị vây kín và bị bắn phá dữ dội thì viên sĩ quan chỉ huy của đội quân Sài Gòn, - chính là Đại úy Đại Thắng, chính là con trai của ông Thắng Lợi, - mới nhận được thông tin mật của ông nhà buôn Muối – Hải sản rằng, ông Thắng Lợi, bố đẻ của Đại úy Đại Thắng đang ở trong cánh quân của Việt cộng bị vây kín, phải cứu bằng được ông Thắng Lợi! Song, “tin mật” đã tới quá muộn! Người bắn băng đạn cuối cùng kết thúc cuộc chiến không cân sức lại chính là Đại úy Đại Thắng và thật trớ trêu, người nhận hết băng đạn đó vào ngực lại chính là ông Thắng Lợi!...
*
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại úy Đại Thắng được ra cải tạo ở một trại giam ngoài Bắc. Khi bà Lan biết tin, bà đã tìm mọi cách để xin bảo lãnh cho con bà tại ngoại. Nhưng ông nhà buôn muối lại nói với bà Lan: “Thằng Đại Thắng nó đã mắc vào cái tội lỗi oan nghiệt là giết cha. Bây giờ bà xin cho nó về nhà thì tức là bà giúp nó mau chóng làm xong cái phần sau của tấn bi kịch “giết cha cưới mẹ” đó!”. Bà Lan tuy cũng tin vào lời ông nhà buôn muối, hải sản nhưng dù sao, cứ nghĩ đến cảnh con mình phải sống trong cảnh tù đầy khổ cực, là bà lại không thể ngồi yên! Cuối cùng, bà Lan đã quyết định “chạy” bằng mọi giá cho anh chàng Đại Thắng được bảo lãnh về nhà!
Đúng là nhân bảo như thần bảo, chỉ sau khi về nhà được một tuần, quan hệ giữa Đại Thắng và bà Lan đã không còn là quan hệ mẹ con nữa và Đại Thắng cứ nằng nặc đòi cưới bà Lan. Song, khi khách khứa đến dự đám cưới thì chỉ được biết đó là đám cưới giữa bà Lan và anh chàng Nam Hà, một người ở trong xóm Đạo. Còn chuyện cậu bé Đại Thắng được giao cho một người xóm đạo nuôi và đưa theo di cư vào Nam để rồi được lấy tên mới là Nam Hà, tức chú rể Nam Hà thì chỉ có ông Nhà buôn Muối, hải sản biết mà thôi!
Sài Gòn, tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
-------
Chú thích:
(*) Lễ Thôi nôi: Khi đứa trẻ được tròn 1 tuổi, người ta tổ chức cúng đầy năm. Lễ đầy năm còn gọi là lễ Thôi nôi. Thôi nôi có nghĩa là bỏ cái nôi. Từ khi sinh ra cho đến lúc được một tuổi, đứa bé thường được đặt trong nôi. Nhưng sau khi đầy năm người ta sẽ cho bé nằm giường và thôi không nằm nôi nữa. Vào ngày này, ngoài việc cúng lễ, người ta còn có tục thử trẻ.
Vào ngày làm lễ: đứa trẻ được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới. Nếu là con trai, người ta sẽ bày bên cạnh nó những đồ chơi là cung tên, giấy bút; nếu là con gái thì bày kim chỉ, dao kéo. Theo phản xạ tự nhiên, đứa trẻ sẽ bò đến và nhặt lấy những thứ mà nó thích. Người ta cho rằng: nếu đứa con trai chọn kiếm cung thì sẽ theo nghiệp võ, còn chọn giấy bút theo nghiệp văn chương; đối với con gái nếu chọn kim chỉ sẽ có tài may vá, còn chọn dao kéo sẽ có tài nội trợ.
Trong lễ cúng đầy năm, người ta làm lễ cúng mụ (12 Bà Mụ) và cúng gia tiên. Có nhà tổ chức lớn còn mời rất nhiều khách khứa.

(**) Phú Lang Sa
: “Việt hóa” chữ France.

(***) Ê-đíp (Oedipus)
là một trong những anh hùng nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là người giết cha, cưới mẹ, thắng con nhân sư quái ác rồi trở thành vua xứ Thebes (Hy Lạp). Trong thần thoại Hy Lạp, Oedipus là con trai của nhà vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes (Hy Lạp). Từ trước khi chàng ra đời, có một lời sấm cho rằng chàng sẽ giết vua cha và cưới mẹ chàng. Vì vậy, Laius lo sợ và đã đuổi Oedipus đi. Cuối cùng, Oedipus được một người khác nuôi. Khi chàng lớn lên, lúc đó xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con nhân sư quái ác thường ra một câu đố oái oăm, ai không trả lời được thì nó xé xác. Vua Laius nghe tin, ông đi tới trả lời câu hỏi của nó, ở đây Oedipus gặp Laius, họ tranh cãi về hướng đi rồi Oedipus giết Laius mà không biết đó là cha của mình, và Creon, anh hoàng hậu Jocasta lên ngôi. Oedipus gặp nhân sư, nó hỏi: "Con gì sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, tối đi bằng 3 chân?" Oedipus liền nói: "Đó là con người". Con nhân sư biết mình đã thua, nó đổ xuống bức tường mà chết. Oedipus sau đó cưới mẹ chàng, Jocasta, làm vợ rồi lên ngôi vua Thebes. Lời nguyền về việc Oedipus giết cha, cưới mẹ hoàn tất mà chàng không hay biết.Và Oedipus đã có với mẹ hai con trai là Etéocle và Polynice, hai con gái là Antigone và Ismène. Khi biết ra sự việc, Jocasta đã treo cổ tự tử còn Oedipus thì móc mắt để tự trừng phạt về tội giết cha và tội loạn luân với mẹ. Đó là nội dung chính của câu chuyện Oedipus làm vua.
Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi mang tên Mặc cảm Ê-đíp: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình:
“Trong khi mà nó hãy còn hoàn toàn trẻ thơ, đứa con trai bắt đầu cảm thấy một sự yêu mến đặc biệt đối với người mẹ: nó xem mẹ như là vật sở hữu riêng của nó, thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó quyền làm chủ vật sở hữu đó; giống như đứa con gái thấy nơi người mẹ một kẻ quấy rối những quan hệ quyến luyến của nó với người cha và chiếm một vị trí mà nó, đứa con gái, muốn được quyền độc chiếm. Thái độ đó, chúng tôi đặt cho cái tên là Mặc cảm Ê-đíp”.

(****) ấn đường:
khoảng cách giữa hai lông mày, dưới trán, chủ về đường công danh, sự nghiệp. Nếu ấn đường u ám hoặc khuyết hãm thì sẽ thân bại danh liệt, có khi nguy hiểm đến tính mạng.


LÀNG KHÔNG CÓ ĐÀN ÔNG

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

1.

Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước tôi nhập ngũ vào ở binh chủng Ra-đa. Do tính chất đặc thù của một đơn vị Ra-đa chiến đấu phải cơ động liên tục (thay đổi địa điểm đóng quân) nên tôi đã đi tới hầu hết những làng quê của Trung du Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Khu Bốn Thanh – Nghệ - Tĩnh… Chúng tôi thường đóng quân trong nhà dân, cũng có khi ở trên một quả đồi trống, ngoài cánh đồng, trên con đê cũ dài rộng, v.v…nhưng do tính chất của quan hệ “quân với dân như cá với nước” cho nên cũng như là ở trong làng – giữa lòng dân! Nếu tôi là một nhà Dân tộc học thì tôi đã có thể tham gia vào đề tài nghiên cứu “Làng xã Việt Nam”! Một người bạn có tham gia đề tài nghiên cứu này nói với tôi: “Cậu có thể viết một cuốn tiểu thuyết về làng quê Việt Nam thay vì việc nghiên cứu làng quê Việt Nam như chúng tớ!”. Câu nói ấy của người bạn cứ ám ảnh tôi hơn chục năm nay song tôi chưa thể thực hiện được, có lẽ vì “vận số” chưa tới hoặc tôi không có “duyên” với thể loại tiểu thuyết! Thay vào đó, tôi đã viết gần chục cái truyện ngắn xoay quanh đề tài Làng quê Việt Nam này. Khi nào đủ 28 cái, tôi sẽ tập hợp lại thành “Nhị Thập Bát Tú”, cũng coi như một cuốn tiểu thuyết!

Nói tới Làng quê Việt Nam, ta nghĩ ngay tới câu nói “Phép vua thua lệ làng” . Nói tới “Lệ làng” là nói tới những đặc trưng cơ bản có tỉnh ổn định, bất biến của “Làng quê VN”, sẽ phải rất thận trọng và “tốn nhiều giấy mực”. Vì thế, trước khi đi vào những Làng quê đã tồn tại hàng trăm năm với những “Lệ làng” rất ổn định, chặt chẽ sau những lũy tre làng vững chãi như lũy thành, tôi muốn đi lòng vòng quanh những trường hợp “Ngoại lệ”, tuy chỉ là những dạng cá biệt, đơn lẻ nhưng lại rất độc đáo, rất phù hợp với kiểu viết “phá cách” mà tôi đang theo đuổi! Đó là những kiểu làng như “Làng ăn mày”, “Làng ăn cướp”, “Làng ăn trộm”, “Làng nói Láo”, “Làng không có đàn ông”, “Làng hủi”, “Làng buôn lậu”, “Làng làm hàng giả”,v.v…

“Làng không có đàn ông” không phải vì không có đàn ông như Vương quốc toàn đàn bà trong Tây Du ký muốn giữ thầy trò Đường Tam Tạng ở lại! “Làng không có đàn ông” lúc đầu cũng có đàn ông như mọi làng quê khác, nhưng chỉ một thời gian sau đàn ông đã biến mất! Vậy vì sao họ biến mất – những người đàn ông ấy -, và họ biến đi đâu? Bạn đọc sẽ tìm thấy lời đáp sau khi đọc hết truyện ngắn này!...
2.

Những năm 1968, 1969 tôi thường đóng quân ở mấy huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Nam Đàn của tỉnh Nghệ An và các huyện Can Lộc, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh. Đi đến đâu cũng có hai hình ảnh dập vào mắt:
1/ Hầu như không thấy bóng dáng thanh niên trai tráng trong làng;
2/ Người bị thương khá nhiều, cả những đứa trẻ ba, bốn tuổi cũng cụt tay hoặc cụt chân như những chiến binh! Lý do rất đơn giản: Thanh niên trai tráng đều tòng quân ra trận (như chúng tôi vậy) và Khu Bốn bị máy bay Mỹ oanh tạc khá nhiều!
Tuy nhiên, Làng nào cũng còn lác đác dăm ba người đàn ông , dù đều là thương phế binh hoặc tật nguyền! Song, khi tôi đến một làng (tôi đặt tên Làng là Làng Mẫu hệ ) ở xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu) thì quả đúng là “Làng không có đàn ông”!

Có hai lý do để đàn ông ở Làng Mẫu hệ này từ từ “biến mất”:
1/ Làng có nghề gò đồng (hàn, vá đồ gia dụng bằng đồng và nhôm) từ rất lâu đời: nghề này đều do đàn ông thực hiện và đều phải đi xa với cái đòn gánh trên vai và hai cái bồ (đan bằng tre nứa) lủng lẳng hai bên;
2/ Thanh niên trai tráng cũng đều ra trận như các làng quê khác của đất nước có chiến tranh.
Ở Lý do thứ nhất, phổ biến là trong quá trình tha phương hành nghề, người đàn ông nào có “Số đào hoa” đều có vài “vợ bé” ở các nơi khác nhau, và thường chỉ đảo về “Làng gốc” vài lần, có khi mất tăm luôn! Ở Lý do thứ hai, có những đơn vị chiến đấu bị thương vong quá lớn, tới mức xóa sổ lại không may rơi trúng quân số thuộc một làng quê nào đó, thì Làng này coi như bị “Tiệt giống”! Làng Mẫu hệ mà tôi đang nói tới bị dính cái sự “không may” đó!

Khi đơn vị tôi đến Làng Mẫu Hệ, tôi và hai chiến sĩ là Khâm và Khang được bố trí ở trong nhà của bà Nghĩa, có cô con gái lớn là Ngãi và hai cậu con trai trên dưới mười tuổi, cậu anh đẻ rơi ngoài bãi cát được đặt tên là Cát, cậu em đẻ rơi ngoài rừng phi lao nên có tên là Lao. Ông bố của những đứa con nghe nói đã “đóng chốt” luôn với vợ bé ở ngoại ô thành phố Vinh, đã mở tiệm gò hàn đồ nhôm, cũng kiếm được khá tiền nên thi thoảng có gửi tiền về cho vợ con! Ngoài bốn mẹ con bà Nghĩa còn có bà Nghi, là em gái của ông chồng bà Nghĩa. Mới hơn ba mươi tuổi, là gái “Lỡ thì”, thành “Bà Cô” trong nhà!

Gọi là bà Nghĩa nhưng chưa tới bốn mươi tuổi, sức lực còn rất sung mãn. Sau hai ngày ở Làng Mẫu hệ, tôi chưa kịp đi dạo quanh Làng và tìm hiểu nhân tình thế thái ở đây như thế nào thì Khâm nói: “Nhập ngũ đã hơn hai năm rồi mà mày chưa vứt nốt mấy cuốn “Giải tích Toán học” ấy đi à? Sau này có trở về học lại thì tính sau. Còn bây giờ thì phải “sống cho ra sống” cái đã!”. Tôi nói: “Mày nói vậy là có ý gì?”. Khang cướp lời: “Còn ý gì nữa! Suốt ngày suốt đêm bom đạn đùng đoàng, biết đâu mà lần! Cái gì tới thì cho nó tới! Mày có biết là hiện nay chúng ta đang “chuột sa hũ gạo” không?” Tôi nói bừa: “Sa hũ gạo thì sơi luôn, ba thằng chúng ta đều tuổi con Chuột mà! Nhưng hũ gạo đâu?” Khâm ghé tai tôi nói nhỏ: “Thì đó, “gạo” là ba người đàn bà căng tròn trong nhà này đó! Chúng tao đã sơi được nửa hũ rồi, còn cái hũ phần mày là cô bé Ngãi đó! Nó cũng tuổi Tý, hết lớp Mười rồi, xã giữ lại chưa cho đi đại học, “ngon cơm” nhé!”. Thì ra là Khâm và Khang đã “dính đôi” với bà Nghĩa và bà Cô từ hôm mới đến! Thì ra là cái Làng mà chúng tôi đang đóng quân là “Làng không có đàn ông”, cho nên tất cả đàn ông đã trôi dạt đến đây đều bị bắt làm “Nô tài”! Thì ra là cô bé Ngãi còn ngập ngừng chưa tung “dây tơ nhện” ra trói cho nên tôi còn “vô chủ”!...

Quả nhiên, thời gian “vô chủ” của tôi không kéo dài thêm. Mới khoảng bảy giờ tối ngày thứ ba thì Ngãi gặp tôi nói: “Em nhờ anh giải giúp cho em mấy bài toán khảo sát hàm số, mới có mấy tháng rời sách vở mà như là quên hết!” Tôi nhớ đến câu nói của Khâm lúc trưa, nên trả lời: “Bao giờ cô có giấy gọi đi Đại học thì sờ đến sách vở cũng chưa muộn!...”.Tôi chưa kịp nói hết câu thì Ngãi cướp lời: “Nhưng thực ra khi còn đi học, em cũng hiểu lơ mơ lắm, giờ phải tranh thủ ôn luyện lại. May mà có anh là sinh viên Khoa Toán, phụ đạo giúp em đi! Em sẽ trả công xứng đáng!” Nghe nói đến chữ “trả công xứng đáng”, tôi thầm nghĩ có lẽ “hũ gạo” này sẽ cho tôi được thỏa chí tang bồng bèn nhận lời ngay. Trong khi Ngãi lấy mấy cuốn bài tập Toán lớp 10 ra, tôi nói với Ngãi: “Thực ra nội dung kiến thức Toán học ở chương trình Trung học Phổ thông rất dễ, ta chỉ cần nhớ kỹ những định lý, Tiên đề, những công thức quan trọng là có thể giải được tất cả các bài tập có trong sách giáo khoa!”. Ngãi cười cười, nói: “Nói như anh thì học Toán dễ hơn ăn kẹo! Nhưng làm thế nào để nhớ được những Định lý, Tiên đề, công thức Toán học quan trọng đó?” Tôi buột miệng: “Rất đơn giản! Khi mình thích nó, coi nó là hay, là đẹp thì sẽ nhớ mãi, như là nhớ từng ánh mắt, nụ cười, dáng đứng, điệu đi của người mình yêu vậy!” Ngãi nhìn tôi chăm chú, khẽ thở dài rồi nói: “Anh thích Toán học và yêu nó như người yêu của mình à? Vậy anh có người yêu rồi à?”. Tôi lúng túng, nói bừa: “Ấy là tôi ví dụ thế! Ngãi thấy không, những người học kém Toán là do sợ nó rồi ghét nó!...Tôi giải bài tâp Toán cũng thích thú như đánh cờ, đánh đáo nên chỉ nhoáng một cái là xong hết!”. Ngãi lại thở dài một cái rồi chỉ vào ba bài tập đã đánh dấu trong sách rồi nói: “Hôm nay anh giúp Ngãi giải ba bài này. Mỗi ngày chúng ta sẽ giải ba bài, sau ba ngày sẽ tăng lên năm bài, sau mười ngày sẽ tăng lên mười bài…Anh xem trước đi, năm phút nữa Ngãi sẽ trở lại!” Tôi nói ngay: “Không cần xem trước đâu, mấy bài này tôi còn nhớ như in vì đã giải cho cả lớp xem!” Và tôi liền lấy vở nháp ra vừa nói vừa viết liền một mạch hết cả ba bài!...

Tôi vừa giải xong ba bài tập cho Ngãi nghe thì Khâm và Khang đi lại gần, Khâm nói: “Tiểu đội và Trung đội có hỏi thì nói chúng tao ra bãi biển tập võ thuật. Còn mày thì xem “gạo nước” thế nào đi chứ, đây có phải là Khoa Toán của mày đâu mà cứ x, y mãi thế!”. Khi Khâm và Khang đi khỏi, Ngãi nói nhỏ với tôi: “Hai người ấy ra bãi biển “tập võ thuật” với mẹ và cô đó! Nghe mẹ khen lắm!...”. Tôi đang băn khoăn suy nghĩ xem Ngãi nói thế nghĩa là thế nào thì ngoài cổng có tiếng nói của Tiểu đội trưởng: “Số 1, số 2 , số 3 có nhà không?” Tôi nói vọng ra: “Có đủ!”. Tiếng TĐT vọng vào: “Đêm nay ba người gác đêm tới 1 giờ sáng!”. Tôi đáp: “Rõ!”… Ngãi ngập ngừng một lát rồi nói: “Vậy từ 10 giờ đến 1 giờ sáng chúng ta sẽ “giải bài tập” tiếp nhé! Giờ em phải đi giặt một chậu quần áo!”. Ngãi nói rồi nắm chặt tay tôi và bóp mạnh khi đứng dậy. Tôi nhìn đồng hồ: 9 giờ 30 phút!...
3.

Năm 1972, lúc đó tôi không học ở Khoa Toán nữa mà chuyển sang Khoa Văn. Lúc đó, không quân Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc , dọa sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ Đồ Đá, nên các trường Đại học lại phải đi sơ tán. Lúc đầu, chúng tôi sơ tán về xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), thời gian sau lại đổi về Huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Nam). Thật là bất ngờ khi tôi phát hiện ra rằng cả ở Hiệp Hòa và Đồng Văn, nơi chúng tôi ở đều là Làng Mẫu hệ gần giống như cái Làng Mẫu hệ mà tôi đã ở hồi tại ngũ ở Diễn Châu. Và điều kinh ngạc tiếp theo là ở cả hai nơi, tôi đều ở nhà có cô gái con chủ nhà đều tên là Ngãi. Đã kinh ngạc lại còn kinh ngạc hơn: cả hai cô gái tên Ngãi đều bằng tuổi cô Ngãi ở Diễn Châu và đều đã trải qua TNXP và đang ôn thi vào Đại học Khối A, và đến đây thì thật đáng sợ: cả hai cô đều nhờ tôi phụ đạo môn Toán, tức là mặc dù đã bỏ Khoa Toán mà sang Khoa Văn, tôi vẫn phải ngày ngày giải hoài mấy cái phương trình, khảo sát hoài mấy cái Hàm số, tức nói hoài x, y, z !...
Sài Gòn, Mùa Đông, 2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét