Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Chùm truyện mini; Chị em song sinh - Đỗ Ngọc Thạch

CHÙM TRUYỆN MINI  - Đỗ Ngọc Thạch

1. SIÊU  NHÂN 
Bọn trẻ con mỗi khi tụ tập thường khoe về nghề nghiệp, chiến tích của bố mẹ chúng…Một đứa đi lại kiểu duyệt binh rồi nói dõng dạc: “Bố tao là  Đại nguyên soái!”. Một đứa ngồi chĩnh chọe, giơ tay chỉ  khắp lượt rồi nói: “Chúng mày có biết “Sếp Tổng là gì không? Bố tao vừa là Sếp, vừa là  Tổng!” Một đứa làm bộ đang gọi điện thoại, nói ALO, OK liên hồi rồi nói giọng trịnh trọng: “Chúng mày có biết Tổng Thống, Thủ Tướng, Nguyên thủ quốc gia…là gì không? Hình như bố tao là một trong các tên gọi đó!”. Có mấy đứa từ đầu tới giờ chỉ ngồi nghe, không biết bố mẹ mình làm cái gì mà suốt ngày đầu tắt mặt tối, đi biền biệt…không mấy khi ngồi ăn cơm với chúng thì nói: “Bố mẹ chúng tao là Phù thủy,  Đại ác ma hay là Siêu nhân cũng không thể xác định rõ được! Để khi nào tao hỏi lại sẽ nói cho chúng mày biết!”. Mấy đứa kia nghe nói đến mấy chữ Phù thủy, Đại ác ma, Siêu nhân thì vừa sợ vừa thích nên thúc giục: “Chúng mày phải đi hỏi ngay, không thì bị khai trừ khỏi Hội!...”.  

2.LẤY  VỢ  XẤU
Ông  Đoàn Trọng Thực có hai cô con gái đã đến tuổi mười tám đôi mươi. Cô chị hai mươi tuổi dáng người khỏe mạnh cân đối duy chỉ khuôn mặt bị “rỗ hoa” do lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa, nên bị coi là xấu, không chàng trai nào ngó ngàng tới. Còn cô em, mười tám tuổi, bỗng nhiên thay da đổi thịt  trở nên xinh đẹp bội phần, không biết bao nhiêu là ong bướm rập rờn, nhưng vẫn chưa nhắm được chàng trai nào ưng ý! Ông Đoàn Trọng Thực là chủ một doanh nghiệp loại vừa, cũng là người cẩn trọng nên không thể xem thường chuyện lấy chồng cho hai cô con gái…Thời gian cứ trôi đi, một năm, hai năm, rồi ba năm hai cô con gái vẫn chưa lấy được chồng!...
Một ngày kia có một chàng học trò nghèo, chưa đỗ đạt công danh gì nhưng cũng xin đến gặp ông Đoàn Trọng Thực để dự tuyển “phò mã”! Ông Đoàn Trọng Thực ngắm nhìn anh học trò nghèo từ đầu đến chân rồi nói: “Nhìn tướng cậu, tuy bây giờ còn nghèo khó nhưng sau này tất làm nên, chỉ cần cậu phải nỗ lực hết sức và có người trợ giúp về mặt tình cảm. Vì vậy ta đồng ý gả con gái cho cậu. Không biết cậu đã dự định chọn cô nào chưa?” Anh học trò nghèo nói: “Ông nói đúng ý tôi rồi đó. Hôm nay tôi đến đây để xin được cưới cô chị làm vợ!” Ông Đoàn Trọng Thực nói: “Đứa chị bị coi là xấu, chưa có ai hỏi. cậu hỏi là lần đầu tiên đó! Cậu có thể cho biết tại sao không?” Anh học trò nghèo nói: “Sắc đẹp của người con gái là mầm tai họa, còn cô chị nếu coi là xấu thì là xấu, nếu coi là đẹp thì là đẹp! Xấu hay đẹp là do mỹ cảm của người ta áp đặt lên mà thôi! Tôi không coi cô chị là xấu nên xin được cưới làm vợ!”
Sau đó, đám cưới của cô chị với anh học trò nghèo được tiến hành long trọng...5 năm sau anh học trò nghèo đã là một kỹ sư nông nghiệp rất giỏi giang, người vợ tức cô chị “rỗ hoa” tỏ ra là một người tề gia nội trợ không ai bằng và phát tướng “Vượng phu ích tử”…Còn cô em xinh đẹp thì vẫn “kén cá chọn canh”,  không có anh chàng nào có được “số đo chuẩn” như dự kiến cho nên không biết bao giờ mới lên xe hoa!                 

3. TRỰC  ĐÊM
Các nữ Điều dưỡng ở Bệnh viện thường phải trực đêm, một, hai lần trong một tuần, có khi ba lần tùy tình hình nhân sự. Bác sĩ  Dương Mùi (tuổi con Dê và cũng có máu Dê nổi tiếng) đêm đêm thường mò tới phòng nghỉ của các nữ Điều dưỡng và mọi chuyện đã xảy ra đúng như ý đồ của Bác sĩ  Dương Mùi…Khi nữ Điều dưỡng nào đó có bầu Bác sĩ Dương Mùi dặn dò rất kỹ: “Nếu đúng là con tôi thì đặt tên nó là  Trực Đêm để sau này bố con còn biết đường mà tìm nhau!”.
Thời gian trôi nhanh, khi Bác sĩ  Dương Mùi tám mươi tuổi thì bị Diêm vương gọi đi. Lúc chuẩn bị vĩnh biệt dương gian, có gần bốn chục thanh niên nam nữ đủ mọi lứa tuổi đến xin gặp Bác sĩ Dương Mùi lần cuối, khi được hỏi tên tuổi thì đều nói: “Tôi tên là Trực Đêm!”. 

4. HỌA PHÚC KHÔN LƯỜNG
Có một nhà văn cấp Tỉnh nọ vì mâu thuẫn với ông Chủ tịch Hội Văn nghệ Tỉnh mà bị khai trừ khỏi Hội. Khi nhận được tin này, bạn bè thân hữu khắp nơi rất bức xúc, tỏ thái độ bất bình và chia sẻ ưu tư với nhà văn nọ, có một nhóm “chiến hữu” xúm vào bàn mưu tính kế giúp nhà văn “đánh” lại ông Chủ tịch Hội… Có một nhà thơ  già thấy vậy thì Mail cho nhà văn nọ: ”Cậu chớ nên tính chuyện phục thù rửa hận! Oan oan tương báo đến bao giờ mới dứt! Giờ cậu đã là nhà văn tự do trăm phần trăm, đây là cơ hội bằng vàng để cậu làm nên sự đột biến trong sự nghiệp sáng tác của mình! Chúc cậu thành công!”. Nhà văn nọ nhận được Mail thì tỉnh ngộ, đóng cửa cài then ngồi viết thâu đêm!...Quả nhiên, hai năm sau, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn nọ xuất hiện như một “quả bom tấn”!

5. MẸ VÀ CON
Cuộc thi “Hoa hậu miền duyên hải” đã thành công rực rỡ với vương miện Hoa hậu thuộc về thí sinh Giàng Thị Sơn Hải, mới có mười lăm tuổi…Nhà Doanh nghiệp Hoàng Trường Ngân, vừa là nhà tài trợ chính, vừa là trưởng Ban giám khảo, sau khi đã hoàn toàn mãn nguyện cuộc "mây mưa” với Tân Hoa hậu thì còn thòm thèm mà nói: ”Thực đáng đồng tiền bát gạo!...Ta đã “kinh qua” nhiều loại kiểu Hoa hậu nhưng chưa bao giờ thấy diệu kỳ như lần này!...Nàng có thể cho ta thêm một lần “Tái ngộ” được chăng? Tiền bạc không thành vấn đề, Nàng muốn ta hái sao trên trời cũng được!” Tân Hoa hậu chưa kịp trả lời thì điện thoại của Nàng đổ chuông…Thì ra là mẫu thân của Nàng gọi. Hai mẹ con rì rầm một phút rồi Nàng đưa điện thoại cho nhà doanh nghiệp nghe và nhà doanh nghiệp nghe được những lời sau: ”Là nhà Doanh nghiệp lớn thì phải thực hiện đúng hợp đồng, hành binh thần tốc, đánh nhanh rút nhanh, không để lại dấu vết! Ông quên là mười lăm năm trước ông cũng nói những lời hoa mỹ ấy với tôi à? Để con bé về ngay kẻo lộ “Bem” thì mất cả chì lẫn chài đấy!”.

6. CHIÊU HIỀN ĐÃI SĨ
Huyện nọ, chỉ là một huyện nhỏ, chậm phát triển, hàng năm vẫn phải xin “cứu trợ”…vậy mà bỗng treo biển “Chiêu hiền, đãi sĩ” với mức lương cao ngất ngưởng khiến cho thiên hạ đổ xô đến xin đầu quân. Chỉ một thời gian ngắn, đã có đúng 100 người trúng tuyển, thấp nhất cũng tốt nghiệp Đại học Thủ khoa, còn Thạc sĩ, Tiến sĩ thì nhiều như …lợn con! Một phong trào “Đại Đổ Mới” được tuyên truyền rầm rộ, lấy con số 100 “Tân binh” làm nhan đề: ”Trăm hoa đua nở!”…Các huyện khác, tỉnh khác biết chuyện cho là Huyện này “Chơi trội” chắc chẳng nên cơm cháo gì, cho nên không hưởng ứng!
Nói về 100 “Tân binh” - tức toàn các nhà khoa học, trí thức bằng cấp đầy người – được giao cho những công việc mới thoạt nhìn tưởng là dễ nuốt nhưng thực ra khó hơn cả việc lên Trời, đó là những công việc đại loại như “Tay không mà dựng cơ đồ mới hay”, “Bắt sỏi đá phải thành lúa gạo”, “Hài nhi ba tuổi phải vụt lớn lên thành tráng sĩ”, “Tát cạn Biển Đông”, “Ngu Công dời núi”, “Nữ Oa vá trời”, v.v…Thực ra, đây là những chuyện chỉ có Phù Thủy, Nhà Ảo thuật hoặc Thần Tiên trên trời mới làm được! Thực ra, 100 Người hiền, Kẻ sĩ kia không hề biết rằng toàn bộ kế hoạch “Đại Đổi Mới” này là nội dung chính yếu của Trường ca “Đất cằn hóa Rồng bay” của vị Tân Chủ tịch Huyện, vốn là một nhà thơ chuyên làm thơ Tứ tuyệt (đã được mấy nhà Phê bình văn học xếp cùng chiếu với thơ Tứ tuyệt của Chế Lan Viên!) nay bỗng nổi hứng xuất thần viết Trường ca!...Trong khi 100 Người hiền, Kẻ sĩ đang vùi đầu vắt óc thiết kế các đề án cho sự nghiệp “Đại Đổi mới” thì vị Tổng Tư lệnh ngày ngày đánh vật với bảng 24 chữ cái Tiếng Việt để kết nối các con chữ vốn vô hồn thành những câu thơ của bản Trường ca Đất cằn hóa Rồng bay dự kiến sẽ có 100 chương cho đúng với con số 100 đầy ý nghĩa!
Kết quả của chuyện này như thế nào, phải đợi sau 5 năm vì Hợp đồng được ký với 100 Người Hiền, Kẻ Sĩ có thời hạn là 5 năm!

7. TÌNH  ĐẦU  TÌNH  CUỐI
Với chàng trai trẻ Tiến Dũng thì đây là mối tình đầu: Lệ Mai là người con gái đầu tiên đã dắt Dũng vào cõi thần tiên của ái tình, chàng trai trẻ có cảm giác như lạc vào một hành tinh xa lạ, mọi điều đều như mơ như thực…và chàng thấy mình như nhà thám hiểm mới đặt một bàn chân lên miền đất lạ! Vì thế, tối nay tuy không được Nàng hẹn, nhưng chàng Tiến Dũng vẫn đến nhà Nàng, quyết đặt tiếp bàn chân thứ hai vào miền đất lạ và sẽ đi đến tận cùng!..
Đang miên man với những ý nghĩ cứ bay lượn loạn xạ như cánh bướm, Tiến Dũng bỗng giật mình khi thấy trước cửa nhà Lệ Mai  có một người đàn ông đang gọi cửa rất gấp!... Hai phút sau thì Lệ Mai mở cửa ra kèm theo tiếng nói: ”Làm gì mà cuống lên thế! Đã là Giáo sư Tiến sĩ thì phải đĩnh đạc, từ tốn chứ!” Người đàn ông lách vội vào cùng với tiếng nói: ”Một tuần mới có một lần thì từ tốn sao được!...” Sau khi cánh cửa nhà Lệ Mai khép lại, chàng trai trẻ Tiến Dũng mới bừng tỉnh với ý nghĩ: ”Người đàn ông đó, vị giáo sư Tiến sĩ đó chẳng phải là người cha đáng kính, là niềm tự hào của chàng  đó sao? Tuần trước, cha chàng có khoe với cả nhà là mới có “Mối tình cuối cùng” rất lãng mạn!  Chẳng lẽ lại chính là Lệ Mai – mối tình đầu của chàng!?

8. VẾT  THƯƠNG  ÁC  NGHIỆT
Lưu Trọng Chiến là một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, thời đi học biết bao cô gái thầm yêu trộm nhớ. Thời chiến tranh, Trọng Chiến là lính xung kích, đánh trăm trận mà không hề trầy da! Song, sự đời lại nghiệt ngã , oái ăm làm sao: gần tới ngày kết thúc chiến tranh thì Trong Chiến lại bị thương, mà vết thương lại quá ư hiểm ác – cái “của qúy” bị “bay” mất tiêu!
Trở lại cuộc sống thời bình, Trọng Chiến lao vào học tập rồi nghiên cứu khoa học như muốn quên đi sự phiền muộn do vết thương ác nghiệt gây ra! Anh giành tất cả thời gian cho các đề tài nghiên cứu khoa học, hầu như muốn quên đi mấy chữ “Tình yêu”, “Vợ chồng”… Nhưng, “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”, Ái Liên - một người bạn học cũ của Trọng Chiến, đang làm việc bên ngành Y đã âm thầm “quan sát” Trọng Chiến và âm thầm nghiên cứu đề tài “Ghép nối các bộ phận cơ thể người”. Khi Ái Liên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài “Ghép nối các bộ phận cơ thể người” thì cũng là lúc Trọng Chiến bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Xã hội học về đề tài “Những yếu tố cấu thành của một mô hình gia đình hạnh phúc bền vững”. Tại một cuộc “Họp lớp” của những bạn học cũ,  tất cả đều ký Nghị quyết 001 về việc tổ chức đám cưới cho đôi bạn Trọng Chiến – Ái Liên! Trước “sức ép” của tập thể, Trọng Chiến đành phải “tâm phục khẩu phục” và anh nói riêng với Ái Liên: ”Cho dù bạn ghép nối không thành công “cái ấy” cho tôi thì tôi vẫn muốn chúng ta cưới nhau!”.
…Năm năm sau, cái nhóm bạn kia lại “Họp lớp”. Trọng Chiến và Ái Liên đến “họp lớp” với ba đứa con sinh ba rất bụ bẫm, kháu khỉnh! Một người bạn thấy vậy thì trố mắt kinh ngạc và buột mồm nói:”Chắc chắn là anh chàng được ghép nối với  “cái ấy” của Siêu Nhân!”.

9. NGƯỜI CUNG NỮ GIÀ
Thời tôi còn đi làm báo, có mấy năm cùng cơ quan với một nhà nghiên cứu dân tộc học cỡ hàng đầu (xin được giấu tên), nhưng rất nghèo…Chuyện về nhà nghiên cứu này có thể viết thành tiểu thuyết. Sở dĩ tôi nói vậy bởi có một lý do “rất tiểu thuyết” là nhà nghiên cứu này có người vợ vốn là cung nữ của Triều Nguyễn…Chuyện này chỉ có thể giải thích bằng duyên số! …Lúc này, người cung nữ đã già, phải “chăm sóc” nhà nghiên cứu già và nghèo nên quả là không hề đơn giản. Chỉ nguyên cái chuyện nhà nghiên cứu này ăn rất khỏe cũng đã khiến người cung nữ già khá vất vả. Mỗi sáng, bà phải lo bữa ăn sáng tại nhà cho chồng và bữa ăn trưa mang theo đến cơ quan. Cơm, canh, thức ăn mặn… được đựng đầy chặt trong 3 cái ngăn “cặp-lồng” loại to nhất, đủ cho bốn người bình thường ăn no!...”Một năm đến lắm là ngày”!...
Một lần, tôi và một người bạn nữa đem rượu, thịt tới người bạn già nhâm nhi…Người cung nữ già chỉ ngồi nhìn, nhìn hoài…Tôi thấy trong ánh mắt nhìn của người cung nữ già có ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, bèn lại gần , hỏi:”Chị đang nghĩ gì vậy?” Người cung nữ già giật mình buột miệng: ”Hoàng cung lộng lẫy của Triều Nguyễn với ê hề sơn hào hải vị!...”

10. PHẠM TỘI VÔ TƯ
Một ông già đã qua tuổi “Thất thập cổ lai hi” bị ra Tòa về tội “giao cấu với trẻ vị thành niên”. Trong suốt quá trình luận tội, ông già không nói gì, cứ mơ mơ màng màng như người mộng du. Luật sư bào chữa  nói ông già bị bệnh tâm thần, xin tha bổng. Ông già nghe thấy vậy vội nói: ”Tôi không có bị bệnh tâm thần! Một người đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, đã từng là Huyện ủy viên, phải là người có thần kinh thép, sao lại bị tâm thần được?”. Quan Tòa hỏi: ”Vậy từ nãy tới giờ ông cứ mơ màng như người tâm thần là cớ làm sao?” Trả lời: ”Đó là tôi đang được sống lại những giây phút tột đỉnh của khoái cảm! Thật tuyệt vời!...Đó… đó …cái cảm giác ấy nó đang bay tới với tôi đó!”. Cả phiên Tòa chết lặng!...

11. TIẾN CỬ HIỀN TÀI
Ông Tất Thắng Lợi làm quan hàng đầu Tỉnh N hơn 10 năm có lẻ, bỗng bị tai nạn giao thông, vết thương rất nghiêm trọng, xem chừng khó mà qua khỏi.
Sau khi đã gặp gỡ, dặn dò, nói lời cuối với tất cả vợ con, anh em họ hàng, bạn bè thân hữu…ông Tất Thắng Lợi mới cho gọi “Bộ Tứ” của Tỉnh tới, nói:”Các đồng chí đã sát cánh bên tôi gần chục năm trời, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, tình cảm không khác gì anh em cốt nhục!...” Một người sốt ruột cắt ngang: ”Điều đó rõ rồi, anh khỏi phải nhắc hoài! Vấn đề số một bây giờ là anh sẽ tiến cử ai trong “Bộ Tứ” sẽ thay thế vị trí của anh?” Ông Thắng Lợi: ”Người tôi tiến cử sẽ không phải là ở trong “Bộ Tứ”, các anh có chịu không?” Bộ Tứ:” Vì sao?...Thôi được, chúng tôi chịu! Vậy đó là ai?” Ông Thắng Lợi: ”Đó là thằng cha Lực Điền ở Sở Nông Nghiệp…” Bộ Tứ: ”Trời, anh có lầm lẫn không? Hắn khỏe như trâu và ngang bướng nhất tỉnh với biệt danh “Đầu Bò”, dám ngang nhiên chống lại cả “Bộ Tứ” chúng tôi, và cả anh nữa?” Ông Thắng Lợi: ”Đó là chuyện đã qua, nhưng hai ngày nằm trên giường bệnh, tôi lại nghĩ thằng cha Lực Điền không hề sai như chúng ta đã gán cho hắn…Nói tóm lại, tôi đề cử Lực Điền thay vị trí lãnh đạo cao nhất của tôi! Hai anh ở lại nói chuyện tiếp với tôi, còn hai anh chịu khó đến huyện biên ải mời hắn về, ai bảo các anh bày trò đày ải hắn!”.
…Khi Lực Điền tới bên giường bệnh của ông Tất Thắng Lợi thì sức ông còn rất ít, ông chỉ  kịp nở một nụ cười vĩnh biệt người cán bộ sẽ kế nhiệm rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng!
Đỗ Ngọc Thạch

CHỊ EM SONG SINH
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
...Đó là cái Tết thứ mười của những năm tháng lưu lạc. Và đêm giao thừa nào cũng vậy, tôi đi lang thang một mình khắp phố phường cho đến lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong một phòng cấp cứu của bệnh viện! Đêm giao thừa năm Hợi này cũng giống y chang những năm trước, tôi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm ở phòng hồi sức của Trung tâm cấp cứu S. Thấy tôi đã tỉnh táo, một cô gái áo blue trắng nhẹ nhàng đến bên tôi, làm mấy động tác nghiệp vụ rồi nói:
- Lại gặp anh này! Em đã trực sáu ca giao thừa liên tiếp mà không hiểu sao năm nào cũng gặp anh!
      Tôi định thần nhìn kỹ khuôn mặt cô gái áo trắng và lờ mờ nhận ra. Khi nhìn vào ngực áo cô gái thấy có dòng chữ ĐD LÀNH thì tôi tin là trí nhớ của mình đã chính xác. Quả đúng là sáu cái giao thừa vừa qua, tôi đều được đưa đến Trung tâm cấp cứu này đúng ca trực của Lành!
      Lành mỉm cười, nụ cười sáng thêm khuôn mặt đoan trang, phúc hậu của cô. Lành kéo ghế ngồi kế bên giường bệnh của tôi, nói:
- Anh thấy đau đớn gì không? Ráng chịu một hai ngày nữa là khỏi liền à! À, mà sao năm trước, anh nói là sẽ quay lại kiếm em, làm em trông hoài?
-  Tôi cũng tính tìm gặp lại em, nhưng rồi công việc lu bu quá, nay đây mai đó chẳng có lúc nào rảnh cả! Thế em đã tìm thấy cô em gái chưa?
- Dạ, chưa tìm thấy nhưng em đã tìm được dấu vết. Chính vì thế mà em cứ trông anh hoài.
- Sao lại trông chờ tôi? Tôi giúp gì được cho em?
- Chuyện dài lắm, nhưng có thể nói vắn tắt thế này: Vết thương của anh hồi năm trước, bên cạnh vết dao đâm có vết mũi dao vạch một dấu thập bên trong một vòng tròn nhỏ. Vết thương  của anh năm nay lại giống y chang như thế!
- Như vậy thì có liên quan gì đến việc tìm ra cô em gái ?
- Có đấy! Vì nhỏ gái em nó bỏ nhà theo một băng cướp đã hơn bốn năm nay!
- Băng cướp! Em gái cô ở trong  một băng cướp?
- Không những thế, em còn nghe nói nó là thủ lĩnh của một băng cướp toàn con gái!
- Trời đất! Em gái cô là thủ lĩnh  băng cướp… và nó đã đâm tôi bằng nhát dao có vẽ thêm cái vòng tròn có chữ thập kia?
- Đúng như vậy! Em nhớ hồi còn bé tí, nó đã ham chơi dao và thường vẽ một cái vòng tròn có chữ thập ở trong để tập phi dao! Nhát dao trên ngực anh là bị đâm trực tiếp hay là bị phóng dao từ xa?
       Nghe câu hỏi ấy mà tôi gai cả người! Cuộc đụng độ trong đêm tối trở lại trong đầu: trong lúc hỗn chiến, tôi thấy vai tê tê và một lát sau thì một mũi dao không biết từ đâu phóng  tới cắm vào ngực phải! Chẳng lẽ đối thủ vô hình kia lại là em gái của cô gái áo trắng dịu dàng, xinh đẹp này?
- Vậy thì đúng là tôi đã bị em gái cô phóng dao rồi! Và cả đêm giao thừa năm trước nữa, cũng y chang như vậy! Câu chuyện thật là li kỳ đấy vì tôi đang truy tìm người đã hai lần phóng dao trúng tôi! Chẳng lẽ lại là em gái cô?
- Chính vì vậy mà năm trước em rất mong anh quay lại kiếm em! Giờ thì anh phải giúp em.
- Cô phải giúp tôi chứ! Nhưng cô đã nói với tôi cụ thể về em gái cô đâu? Cả cô nữa? Tại sao lại có chuyện kỳ quặc như thế: Chị thì làm nghề chữa bệnh cứu người còn em lại làm nghề cướp của giết người?!
- Em nghĩ nhỏ gái em nó không phải là loại cướp của giết người đâu… Nó nhập băng cướp vì một lý do rất đặc biệt và hoàn toàn không phải vì cướp giật!
- Vậy thì cô hãy nói với tôi đi? Tại sao lại có chuyện kỳ quặc như vậy? Và tại sao mũi dao của em gái cô lại dính vào tôi tới hai lần?
- Chuyện dài lắm… Bây giờ anh còn chưa khỏe, để mai em sẽ nói anh nghe.
- Không, cô phải nói ngay bây giờ, nếu không tôi sẽ bỏ đi khỏi đây ngay tức khắc!
Lành giấu một tiếng thở dài, sửa lại dây truyền nước biển cho tôi rồi từ tốn nói :
- Nhỏ em em và em là hai chị em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước nên má em đặt tên cho chúng em là Long và Lanh. Sau này đi học, em tự thêm dấu huyền vào giấy khai sinh  thành tên Lành. Long nó học kém và thường quậy phá nên má em bảo nó làm em, còn em làm chị.
- Vậy em cô nó có học võ ai không? Và nó nhập băng cướp từ bao giờ, vì sao?
-  Từ từ em sẽ kể hết anh nghe. Hai chị em chúng em không những sinh đôi mà còn là sinh đôi đặc biệt!
- Sinh đôi đặc biệt là sao?
- Là song sinh!
- Song sinh? Thế thì kỳ lạ đấy! Hai chị em cô ắt không thể là người thường mà là dị nhân!
- Dị  nhân là sao?
- Dị là kỳ dị, dị thường , khác thường… nghĩa là không giống ai cả!
- Vậy thì đúng rồi! Nhỏ Long nhà em, ngay từ khi còn dính  liền với em nó đã cực kỳ nhanh nhẹn, chơi cũng khác thường. Anh có hình dung được không, hai chị em còn dính đôi với nhau mà nó cứ thích leo trèo, chạy nhảy! Em đến là khổ với nó!
- Vậy hai người được mổ tách đôi từ bao giờ?
- Khi chúng em bốn tuổi. Lúc ấy cậu em đang làm việc ở Mỹ,  chúng em được đưa sang đó để mổ tách đôi. Đã hơn hai mươi năm trôi qua vậy mà lúc nào em cũng  như là cảm thấy hai chị em còn đang dính vào nhau… Vì thế, từ khi nhỏ Long bỏ nhà đi em thấy nhớ nó quá trời, cứ như là mình bị mất đi nửa người!
Lành ngừng nói, tròng mắt ngấn lệ. Lành đưa tay ra sau lưng, xoa xoa vết mổ tách đôi của mình rồi nói nghẹn ngào:
- Những lúc nhớ nhỏ Long chịu hết nổi, em lại thấy đau đau ở nơi vết mổ tách đôi này… Em nghĩ rằng, nhỏ Long mà không  trở về ở với em thì em không thể sống nổi!
        Lành bật khóc nức nở khoảng năm phút rồi nín bặt. Cô đứng  dậy, đi lại trong phòng khoảng năm phút nữa rồi kể một mạch:
         Cả ba và má em đều làm nghề y. Khi chúng em mổ tách đôi xong thì miền Nam giải phóng. Đáng lẽ chúng em ở lại luôn bên Mỹ, nhưng ba má em lại quyết định  trở về quê hương, tức là chúng em đi ngược lại dòng người di tản lúc đó. Nghề y của chúng em, thời nào, lúc nào cũng cần vả lại ba má em thuộc loại lương y như từ mẫu nên việc trở lại bệnh viện tiếp tục làm việc cũng dễ dàng. Nhưng, chuyện nhà cửa thì thật là lôi thôi. Ngôi nhà lầu của ba má em bị trưng dụng mất hai phần ba và được phân cho một ông cán bộ của quận.
         Thời gian đầu, ông này đưa cả một đàn vợ con ở quê ra ở. Nhưng bà vợ già khó tính và hay ghen đã quậy phá ầm ĩ những cô bồ của ông ta nên ông đã đuổi tất cả về quê! Từ đó, ông ta thường xuyên đưa bồ bịch về nhà ăn ngủ với nhau! Tưởng rằng chuyện chỉ có vậy, ai ngờ cái ông cán bộ dê này lại còn làm nhục cả má em! Đêm hôm ấy, ba em trực ca đêm ở bệnh viện, ông ta đã lẻn vào buồng  má em… (Nói đến đây Lành bật khóc, nhưng chỉ một phút sau nước mắt cô lại ráo hoảnh). Ông ta thật là đê tiện! Cái đêm ấy, ông ta đã đặt máy ảnh tự động và chụp lại tất cả. Sau đó, ông ta đưa bộ ảnh cho má em và nói: “Những lúc nào tôi thích, em phải chiều tôi, nếu không tôi sẽ cho thằng chồng già của em coi bộ ảnh này!”. Lúc đó, hai chị em chúng em đang học lớp điều dưỡng, ba em lại thường đau yếu nên má em đã phải âm thầm chịu đựng. Khi chúng em ra trường thì ba mất. Sau ngày giỗ đầu ba thì má em chết đột ngột. Một tuần sau, chúng em mới tìm thấy bức thư của má để lại chỉ vẻn vẹn mấy dòng chữ: “Các con yêu thương của má! Má chết vì bị ông K.X làm nhục! Hãy trả thù cho má  nhưng phải thận trọng! Má đau khổ của các con!”. 
             Đọc thư xong, chúng em bàng hoàng, ôm nhau khóc cạn nước mắt! Rồi nhỏ Long đòi cầm dao đi chém ông K.X! Nhớ  lời má dặn, em phải đóng cửa nhốt nó lại! Đêm hôm ấy, cả hai chị em đều nằm mơ thấy má hiện về kể lại hết mọi chuyện.
      Lúc này, ông K.X đã mua một cái vila lớn và lập một công  ty liên doanh với nước ngoài. Nghe nói ông ta rất giàu và đi đâu cũng có ba bốn vệ sĩ đi kèm. Em cho nhỏ Long đi học võ và ngày đêm nghĩ cách trả thù! Em chưa nghĩ ra cách gì thì nhỏ Long biến mất!
*
       Sau khi lành vết thương, tôi lại trở về làm công cho cái lò bánh mì ở quận 5 mà tôi đã làm cho họ năm năm qua. Ở lò bánh mì này tôi có một chiến hữu tên là Kha mà tôi gọi là Kinh Kha. Kinh Kha vốn là diễn viên nhào lộn của một đoàn xiếc ở miền Tây. Trong một lần cãi lộn với ông trưởng  đoàn xiếc, Kinh Kha đã đánh ông ta ngất xỉu. Tưởng  ông trưởng đoàn chết, Kha bỏ trốn lên Sài Gòn đi làm thuê và đã gặp tôi ở lò bánh mì. Cùng cảnh ngộ, tôi và Kha thân nhau và thường  đi chinh chiến giang hồ những lúc ngứa chân ngứa tay. Cuộc đụng độ hỗn chiến đêm giao thừa vừa rồi là do ông chủ của lò bánh bị tấn công bất ngờ. Ông chủ lò bánh tổ chức một bữa tiệc đón giao thừa rất lớn và mời bạn bè, thân hữu tới dự. Trong số khách quý được mời có ông K.X. Bữa tiệc đang tới cao trào thì bị một tốp khoảng mười cô gái tấn công. Đám vệ sĩ của ông  K.X xem chừng không chống nổi. Ông chủ lò bánh đã gọi điện cho Kinh Kha tới cứu. Tôi đang đi lang thang  bên bờ sông Bạch Đằng thì gặp Kha tới kiếm. Khi chúng tôi chạy về tới nơi, cuộc hỗn chiến vẫn đang tiếp tục và tôi đã dính mũi dao của Long!
 Trở về lò bánh mì, gặp Kinh Kha, tôi hỏi ngay:
- Mày có nhớ trong cuộc đụng độ đêm giao thừa có cô gái nào như trong tấm hình này không?
       Long nhìn tấm hình chụp hai chị em Lành và Long thì nói ngay:
- Đúng tróc! Hai chị em sinh đôi hay sao mà giống nhau vậy?
- Sinh đôi đặc biệt!
- Sinh đôi đặc biệt là sao?
- Là song sinh!
- Song sinh? Kỳ quá ha! À, tại sao mày lại có tấm hình này?
- Tao quen nhỏ chị. Chuyện lạ lắm, rồi tao sẽ kể cho mà nghe. Còn bây giờ, mày xem có gặp ông này bao giờ chưa?- Tôi đưa Kha xem tấm hình ông K.X.
- Ông này là thượng khách của ông chủ lò bánh. Thi thoảng tao có thấy ông ta đi nhậu cùng với ông chủ… À, tao nhớ rồi, trong số khách đêm giao thừa, cũng có cả ông này. Hình như người bị chém đứt tai đêm giao thừa là ông này?
- Vậy thì tao với mày phải tìm cách tiếp cận ông này ngay!
- Tại sao lại phải như vậy?
- Rồi mày sẽ hiểu!
      Sau đó, tôi và Kinh Kha bỏ ra một tuần để điều tra hành  tung của ông  K.X. Được biết ông  K.X sẽ tổ chức một cuộc du ngoạn ở biển Nha Trang và sẽ ăn nhậu trên một hòn đảo, tôi và Kinh Kha đã ra tận hòn đảo đó phục kích trước một ngày.
       Ngày hôm ấy, một ngày trời yên biển lặng, biển xanh biếc  như chưa bao giờ đẹp như thế! Đúng giờ Ngọ, hai chiếc thuyền chài chở mười người cập đảo. Từ trong hang đá, chúng tôi nhìn rõ ông K.X cùng bốn thằng vệ sĩ và năm cô gái xinh đẹp cỡ á hậu từ dưới thuyền bước lên đảo. Ăn nhậu hải sản cùng với các vũ nữ trên đảo hoang là một trong những  thú ăn chơi không thể thiếu hàng tháng của ông K.X. Nhìn tốp người đang lục tục chuẩn bị cuộc vui chơi trên bãi cát kế mặt biển, tôi và Kha cũng rót rượu ra nhâm nhi, vừa dán mắt vào tốp người vừa thầm tính kế hoạch hành động. Chúng tôi dự tính cuộc vui kia tới cao trào thì  sẽ tấn công!
       Trên một tấm vải bạt trải rộng trên bãi cát, giữa ngổn ngang bia rượu, tôm cá là năm thằng đàn ông và năm đứa đàn bà đang trần truồng như nhộng, vừa ăn uống vừa lăn lộn quấn quýt lấy nhau như bầy người nguyên thủy quần hôn! Đúng lúc tôi kéo Kinh Kha bật dậy thì tôi chợt nhìn thấy từ một hang đá gần đám người kia hơn, có bốn người con gái lao ra như bốn mũi tên! Sự việc diễn ra nhanh hơn cả sức tưởng tượng  phóng túng nhất: Bốn cô gái kia tiếp cận đám người lập tức tung ra bốn cái thòng lọng trói chặt bốn thằng  vệ sĩ rồi cuốn bốn thằng thành một cục! Trong khi năm cô gái vũ nữ đang há hốc mồm kinh ngạc thì một trận mưa roi tới tấp phủ lên người ông K.X! Chúng tôi không kịp hành động gì mà chỉ biết tròn mắt mà nhìn!
*  
       Về lại Sài Gòn, tôi và Kinh Kha tới bệnh viện tìm gặp Lành ngay. Vừa nhìn thấy chúng tôi, Lành đã nói ngay:
-  Từ giờ anh đừng nhắc lại chuyện em kể đêm giao thừa nữa nha!
-  Thế nhỏ Long đâu?- Tôi hỏi .
-  Nhỏ Long đã trở lại làm việc rồi… Nó làm ở phòng bệnh kế bên ấy!
      Chúng tôi sang phòng điều trị bên cạnh phòng của Lành. Ngay lập tức, tôi nhìn thấy một cô gái giống Lành như hai giọt nước, khuôn mặt cũng xinh đẹp và phúc hậu dưới cái mũ vải trắng, đang  điều chỉnh lại cái dây truyền đạm cho một bệnh nhân. Và, nhìn xuống ngực cái áo blu trắng tinh của cô gái, tôi đọc thấy trên cái biểu hiện nhỏ dòng chữ ĐD LONG!
TP.HCM, 1994 – 2009 
Đỗ Ngọc Thạch

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Chùm Hai truyện ngắn về đề tài nhà báo - Đỗ Ngọc Thạch

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


CHÙM TRUYỆN NGẮN MỪNG NGÀY BÁO CHÍ CM VIỆT NAM CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH


CHÙM TRUYỆN NGẮN MỪNG NGÀY BÁO CHÍ CM VIỆT NAM CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), nhà văn Đỗ Ngọc Thạch - một cây bút văn xuôi sung sức với ngồn ngộn tư liệu, chất liệu đời sống cùng một bút pháp trữ tình điêu luyện đã gửi đến Bichkhe.org chùm truyện ngắn về đề tài nhà báo. Dễ nhận ra ở những truyện ngắn này cái chất tư liệu báo chí cùng vốn liếng văn hóa có chiều sâu của một ngòi bút thâm trầm mang phong cách riêng của Đỗ Ngọc Thạch. BK.org xin giới thiệu chùm truyện ngắn này và chúc anh em Nhà báo giữ tròn sứ mệnh của mình nhân ngày kỷ niệm lớn của nghề mình (TS Mai Bá Ấn)


 DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
CHÙM TRUYỆN NGẮN MỪNG NGÀY BÁO CHÍ CM VIỆT NAM CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), nhà văn Đỗ Ngọc Thạch - một cây bút văn xuôi sung sức với ngồn ngộn tư liệu, chất liệu đời sống cùng một bút pháp trữ tình điêu luyện đã gửi đến Bichkhe.org chùm truyện ngắn về đề tài nhà báo. Dễ nhận ra ở những truyện ngắn này cái chất tư liệu báo chí cùng vốn liếng văn hóa có chiều sâu của một ngòi bút thâm trầm mang phong cách riêng của Đỗ Ngọc Thạch. BK.org xin giới thiệu chùm truyện ngắn này và chúc anh em Nhà báo giữ tròn sứ mệnh của mình nhân ngày kỷ niệm lớn của nghề mình (TS Mai Bá Ấn) 
Chuyện một nhà báo
Hơn hai mươi năm lăn lộn trong nghiệp chướng “viết lách” tôi đã tiếp xúc với khá nhiều nhà báo thuộc đủ các “đẳng cấp” khác nhau, nhưng người gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là Bửu Báo. Tôi gặp B.B (từ đây, xin cứ gọi tắt Bửu Báo là B.B cho tiện và cũng vì một lý do nữa là Bửu Báo rất khoái khi tôi gọi thế, chỉ vì một lần đến chơi với tôi, thấy có bức ảnh nhân vật nổi tiếng người Đức Béc-tôn Brếch, Báo nói người này hơi giống mình và xin luôn bức ảnh đó về…) khi tôi đang thịnh còn B.B thì đang ở vào thuở “hàn vi”. Lúc ấy, tôi đang phụ trách công tác xuất bản và một tờ tạp chí của Sở Văn hóa thông tin một tỉnh lớn (giờ đã tách thành hai tỉnh), có thể nói cũng là “quan to” vì nó tương đương với một nhà xuất bản và một tờ tạp chí ở một tỉnh phát triển mạnh và sớm. B.B lúc đó đang làm nhân viên của phòng văn hóa thông tin một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, “vùng biên ải”. Tôi vì “chán đời” mà   bỏ đất Thủ đô vân du bốn phương nên đã gặp B.B lần đầu ở tận chốn thâm sơn cùng cốc vùng biên ải và không hiểu sao, số phận tôi lại liên quan với B.B …
Lần ấy tôi đi cùng hai nhà sưu tầm văn hóa dân gian đến huyện thì gặp B.B. Lúc đó, chúng tôi vào trụ sở của phòng văn hóa thông tin huyện thì thấy vắng tanh vắng ngắt như vào một cái miếu cổ bỏ hoang lâu ngày. Chúng tôi tính bỏ đi bỗng nghe có tiếng rì rầm phát ra từ một căn phòng đóng cửa. Tôi tiến lại gõ cửa, khoảng năm phút sau, một thanh niên cao to bước ra, khép hai cánh cửa lại sau lưng. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh ta đã vồn vã nói :
- Chào các anh! Em là Báo, Bửu Báo. Phòng đã nhận được điện báo các anh sẽ tới từ ba bốn ngày. Ông trưởng phòng bị trúng gió nằm ở nhà, giao nhiệm vụ cho em thường trực ở đây đón các anh. Mời các anh vào phòng khách.
Khi đã an tọa trong phòng khách, tôi đưa giấy tờ cho Báo, Báo mới liếc qua liền nói :
- Em biết tên anh từ ngày anh mới chuyển về tỉnh cơ. Chả là ông bố em phụ trách công việc của các anh ở trên tỉnh mà. Em đã tính đến gặp anh để xin làm đệ tử, nhưng chưa kịp thì ổng đã đầy em tới vùng biên ải này!
Tôi ngạc nhiên hỏi :
-   Vậy cậu là “con ông cháu cha” hả ? Ông nào vậy ?
- Anh chẳng cần biết ông ấy làm gì cho mệt óc. Vả lại, theo như em biết thì các sếp trên tỉnh không thích anh đâu. Vì tỉnh người ta đang yên tĩnh, đúng theo kiểu tỉnh lẻ, tự nhiên anh về làm náo động cả lên, bày ra những việc “kiểu trung ương” như thế, chẳng ai quen được đâu !
-   Thế chẳng lẽ một cơ quan văn hóa thông tin mà suốt ngày, thậm chí suốt đêm chỉ chơi bài “tiến lên” và sáng xỉn chiều say? Đâu có được !
- Thế mà vẫn được đó anh ơi ! Ngay bây giờ nếu anh sang văn phòng ủy ban sẽ thấy cán bộ phòng em và cả các phòng khác đang tụ tập chơi bài “tiến lên” và nhậu tới bến mới thôi ! Nhưng đó là chuyện nhỏ, kệ họ. Bây giờ ta bàn chuyện ta. Các anh đã quá bộ về tới đây, Báo này xin phục vụ từ A tới Z. Nhưng bù lại, anh cũng phải giúp em một việc. Tính em ưa sòng phẳng, nói thẳng nói thiệt, nhất là khi em được biết anh cũng là đại lãng tử, chơi được, có đúng không ?
Không để tôi trả lời, B.B đi ra cái phòng đóng cửa lúc nãy dắt vào một người phụ nữ trên dưới ba mươi tuổi, ấn ngồi xuống ghế và nói:
- Xin giới thiệu với các anh, đây là chị Xiu Hoa, phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã. Chị Xiu Hoa sẽ duyệt luôn kế hoạch công tác của các anh với huyện, duyệt luôn cả kinh phí hỗ trợ các anh nếu cần, sẽ đi với các anh xuống xã. Chị Xiu Hoa tuy là người dân tộc nhưng đã được ra thủ đô Hà Nội học nhiều thứ nên rất hiểu và nhiệt tình với công việc của các anh !
Chỉ sau mười phút, “kế hoạch hành động” của chúng tôi ở huyện đã được Xiu Hoa ủng hộ, hưởng ứng tối đa. Khi Xiu Hoa đưa hai nhà sưu tầm đến chỗ ăn nghỉ, B.B nói:
- Em và anh tuy lần đầu gặp mặt nhưng em nghĩ rằng chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước
-   Cậu lém thế ? – Tôi nhìn thẳng vào B.B nói.
-   Em đâu dám lấy vải thưa che mắt thánh, múa rìu qua mắt thợ! Nhưng em xin nói hai câu này, nếu anh chịu thì ta bắt tay kết nghĩa huynh đệ, còn nếu anh thấy không đúng thì em xin tự cắt lưỡi làm thằng câm suốt đời. Thứ nhất, nhìn tướng anh, em biết anh thuộc loại đại lãng tử, vân du bốn biển không yên chốn nào. Chỉ hai năm nữa anh sẽ đi khỏi tỉnh này thôi. Và, năm năm nữa, anh sẽ gặp hạn, lúc đó người cứu anh sẽ là…Bửu Báo này!... Nhìn thần sắc anh, em biết là anh vừa giật mình ! Có đúng không anh ?
-   Trời đất !...Cậu còn trẻ tuổi mà nói đúng như một chiêm tinh gia có tiếng ở Hà Nội đã nói với tôi trước khi tôi bỏ Hà Nội đi !...Còn câu thứ hai?
- Câu thứ hai là tiếp nối câu thứ nhất. Năm năm nữa, chính cái lúc anh gặp hạn lại là lúc em phất to. Nếu đúng như tử vi của em thì lúc đó em sẽ làm Sếp một tờ báo, ở chốn phồn hoa đô hội hẳn hoi chứ không phải ở tỉnh lẻ như anh. Ngay bây giờ, trong đầu em đã hình dung công việc lúc đó sẽ triển khai như thế nào, và anh sẽ đảm đương phần việc nào cho em!...Nói thế, người tầm thường không hiểu sẽ cho là em bốc phét và xấc láo với anh. Còn anh, em tin là anh cũng biết xem tướng, anh hãy nhìn tướng em và xét xem lời em nói thế nào?
-   Tớ đã quan sát rất kỹ tướng mạo cậu ngay từ khi mới gặp…
-   Nhìn ánh mắt anh là em biết anh đang “hành nghề” xem tướng người nói chuyện với mình!
-   Cậu có cái mũi cực quý, gọi là “huyền đởm tỵ”, mũi như trái mật treo, tất cuộc đời sẽ phú quý, gặp nhiều may mắn, nhiều khi không làm mà vẫn có ăn !... Cũng có thể nói mũi cậu là mũi “phục tê quán đính”, nếu như ngày xưa có thể làm tới quan thượng phẩm. Còn nếu thời nay, làm sếp một tờ báo thì cũng là thường… Kéo áo lên tớ coi cái bụng chút xíu !
B.B kéo áo lên, tức thì tôi kinh ngạc thốt lên:
-   “Tễ khả nạp quất”! Cực quý, cực quý! Cậu tuy đang bị đày nơi thâm sơn cùng cốc nhưng sống như đế vương. Cậu tất phải là con cháu bậc vua chúa đời xưa !
Tôi vừa dứt lời, B.B đã rút trong túi quần rộng thùng thình ra một xếp tiền đưa tôi và nói:
-   Mặc dù em biết anh thuộc loại coi đồng tiền như cái rác nhưng đây là “nhuận bút” của những lời anh vừa nói. Còn lát nữa, em xin đãi anh một chầu bia với đặc sản núi rừng, anh sẽ nhớ đời!...Trước khi đi, em xin múa hầu anh bài quyền Ngọc Trản để anh thấy em đúng là con cháu vương tướng ngày xưa, văn võ song toàn !
Dứt lời, B.B cởi phăng áo, múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu :
“Ngọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc…”
Trên đường đi, B.B nói: “Tuy hiện tại em chỉ là thằng nhân viên quèn, nhưng bà phó chủ tịch ban nãy là bồ, còn ông phó chủ tịch thì đánh bài “tiến lên” với em chỉ cháy túi, luôn nợ em vài trăm. Cho nên, em điều khiển hai vị này không khác gì chủ tịch huyện, tức cũng xấp xỉ uy quyền vương hầu ngày xưa. Gặp anh ở đây, em nghĩ đến chuyện Lưu Bang gặp Hàn Tín. Nhưng anh giúp em thì rất dễ dàng, chẳng vất vả khó nhọc như Hàn Tín đâu. Anh chỉ cần đăng cho em dăm bài trên tờ Tạp chí của anh, in giúp em vài cuốn sách. Còn cái bằng Đại học Báo chí thì em lấy dễ như lấy đồ trong túi. Ta phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện tối thiểu, thời cơ đến là “a lê hấp”!
B.B còn nói cho tôi rất loằng ngoằng về “cây gia phả” của các vua nhà Nguyễn, nhưng tôi cũng quên luôn B.B thuộc chi nào, nhánh nào của dòng giống vua nhà Nguyễn vì các vua nhà Nguyễn lắm vợ nhiều con quá ! Tối hôm đó, B.B dẫn tôi đi uống “bia ôm” (lúc đó, thuật ngữ “bia ôm” chưa phổ cập trong đời sống xã hội). Nhìn cung cách ăn chơi của B.B, tôi thầm nghĩ đúng là ăn chơi kiểu đế vương ! 
*
Hai năm sau, đúng lúc tôi đang tiến hành làm ăn lớn thì gặp chuyện phiền toái về viết lách, tôi tự xin thôi việc đi một mạch về Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống giang hồ một trăm phần trăm. Ba năm đầu, phải làm thuê làm mướn đủ kiểu, kể cả làm thợ, không dính gì đến văn chương báo chí. Tuy thế, công việc cũng vừa sức và đủ tiền xài lai rai. Nhưng đến năm thứ tư đúng là “họa vô đơn chí”, tai họa chẳng bao giờ đi riêng lẻ mà luôn có “bạn đồng nghiệp” ! Nợ nần chồng chất như chúa Chổm, tôi đã tính chuyện chết quách đi cho rồi thì bất ngờ gặp lại B.B. Hôm đó, tôi đang đạp xích lô lòng vòng quanh mấy cái nhà hàng lớn để kiếm khách thì thấy một ông khách to béo, ăn mặc theo mô-đen Việt kiều ngoắc tôi lại. Tôi cho xe cặp sát ông ta thì ông khách đã nắm chặt lấy tay tôi la lớn :
- Trời ðất õi ! Anh hùng tuyệt bút như tiên sinh mà đến nông nỗi này sao ?
-   Trời !... – Tôi cũng giật mình la lên – B.B đó à ?
Sau phút hàn huyên, tôi chở B.B về nhà B.B . Đó là một cái nhà kiểu biệt thự, diện tích khoảng gần năm trăm mét vuông tọa lạc ở cuối một con hẻm lớn vùng ven đô…
B.B  nói  với tôi :
- Cái nhà này là em nhờ lộc của vợ. Em lấy vợ có tướng “ngọc đới yêu vi” cực quý, vượng phu ích tử không ai bằng ! Còn em, đang chuẩn bị nhậm chức phó Tổng biên tập cho một tờ báo ngành, thực chất là Tổng. Cái mốt bây giờ là làm báo cho các ngành mới có ăn, còn làm báo thuần văn chương như các anh ngày trước là “xưa rồi Diễm ơi!”… Nhưng em lại muốn anh làm cái việc rất xưa ấy cho tờ báo của em !
- Thế là sao? - Tôi ngạc nhiên, hỏi.
- Anh thường hay nói rằng muốn tiến lên hiện đại thì trước hết phải hiểu kỹ truyền thống đó sao? Bây giờ em nói ngắn gọn thế này: Anh đi ôm về đây cho em tất cả các loại báo chí cũ, càng cũ càng hay. Sau đó công việc của anh sẽ là “hiện đại hóa” cái đống báo cũ đó. Em nghĩ rằng anh chỉ phẩy tay là xong! Thời gian chuẩn bị “chiến trường” của chúng ta còn ba tháng nữa, quá ư rộng rãi !
- Các công đoạn khác từ A đến Z cậu đã chuẩn bị đến đâu rồi ?
- Anh quên rằng em đã chuẩn bị từ năm năm trước à ? Nhân gặp lại cố nhân, em sẽ kêu “dàn tướng sĩ” của em tới đây ta lai rai một chập để anh quan sát chúng nó và “tham mưu” cho em trong cái việc sắp xếp đội hình này !
Nói rồi B.B ấn số máy điện thoại di động một hồi, đoạn nói:
-   Chỉ sau mười phút nữa chúng nó sẽ tới. Em nói trước với anh là em chỉ thu nạp những thằng đang sa cơ lỡ vận, có vậy chúng mới ơn mình và trung thành với mình. Đại loại như là em nuôi một đàn chó săn ấy !
-   Thế tớ cũng là một trong những con chó trung thành của cậu à ?
-   Đâu có ! Đời nào thằng em này lại dám hỗn láo với ông anh như thế! Cái ơn dìu dắt em từ ngày còn ở nơi rừng xanh núi bạc của anh có bao giờ em quên và bao giờ đền đáp hết được? Ngoài cái việc “khai thác vốn cổ” ra, anh còn phải có trọng trách với em như là Khổng Minh với Lưu Bị ấy chứ. Về chức danh, anh sẽ là ‘Trợ lý Tổng biên tập”, đương nhiên là lúc em bận bịu này nọ, anh điều hành công việc cho em !
-   Này, nghe cậu nói cũng bùi tai đấy. Nhưng nói thật, lâu ngày không rờ đến chuyện viết lách, tớ sinh lười nhác rồi. Vả lại, tớ đã thề “quăng bút”, đoạn tuyệt với Nàng Thơ rồi !
-   Trời đất ơi! Anh là người am hiểu tướng số mà anh quên rằng “viết lách” nó là cái “nghiệp chướng” sao? Riêng đối với anh, chuyện này càng nặng. Anh không bao giờ thoát khỏi cái  “nghiệp chướng” này đâu! Em đã có cách rồi: em sẽ tuyển cho anh một nữ thư ký tuyệt vời , cô nàng sẽ đốt lại ngọn lửa đã tắt trong anh ! Còn bây giờ, em sẽ kêu một cô nàng “mát-xa” loại nhà nghề đến giúp anh giãn gân cốt sau bao ngày lao động chân tay vất vả !  
B.B nói rồi lại ấn số điện thoại…Đúng sau mười phút gọi cho dàn tướng sĩ, năm người, cùng một lúc, đã tới. B.B giới thiệu tôi với họ và giới thiệu họ với tôi:
- Đây là “Sáu bụng bự”, con có biệt danh là “Thùng phi” vì có thể uống hết một thùng phi bia hơi ! Trước đây, Sáu làm chủ một đại lý bia lớn, có tài kinh doanh tiếp thị. Hỗ trợ cho Sáu bụng bự là “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, đảm trách công việc chạy quảng cáo cho tờ báo của chúng ta. Tôi xin nhắc lại, báo chí bây giờ sống khỏe là nhờ vào quảng cáo, cho nên chúng tôi xin được sống nhờ vào tài năng “diệt giám đốc” của Cô Ba ! Còn đây là cặp bài trùng Lý toét - Xã xệ, hai cây bút phóng sự chủ lực của báo ta. Lý toét và Xã vệ cứ phóng bút thoải mái như thời còn làm cho báo phường, báo quận, đã có sư phụ tuyệt bút đây làm cái việc “đánh bóng, mạ kền” trước khi bài viết lên báo ! Còn nhân vật thứ năm, nhìn bên ngoài có vẻ dị dạng, xấu xí nhưng tài ba thì vào loại đệ nhất đô thành, bàn tay bé nhỏ thế kia nhưng có thể nắm trong tay tất cả các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy và in ấn của cả khu vực miền Nam này ! Báo của chúng ta có thể in hàng triệu bản mà không bao giờ lo thiếu giấy ! 
Mọi người nâng ly bia mừng buổi gặp mặt …Trong khi uống bia và nghe “ngũ hổ tướng quân” của B.B nói huyên thuyên về kế hoạch tác chiến của mình, tôi chú ý quan sát kỹ từng người một để tìm hiểu xem tại sao họ lại được B.B tín nhiệm và liệu họ có làm khynh đảo được thị trường báo chí như B.B ao ước hay không ? Sáu bụng bự uống bia quả là tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, duy có một chi tiết khiến tôi lấy làm lạ là chốc chốc, Sáu lại nặn trứng cá ở trên mặt và cho luôn vào mồm nhai như không ! Còn “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, tuy không vào loại tuyệt thế giai nhân nhưng tất cả các “bộ phận” trên người cô đều như đang “bốc lửa” sẵn sàng “thiêu đốt” bất cứ đấng nam nhi quân tử nào. Cô Ba uống bia nhỏ nhẹ và có một động tác thường xuyên là cúi xuống ngửi nách mình rồi lấy khăn lạnh lau nách ! Thấy vậy, tôi nói nhỏ với B.B rằng cô này có tướng “sú hương” cực xấu, không thể làm việc đối ngoại được, nhưng B.B  bảo, cô Ba có tới mười cái cực xấu nhưng lại có một cái cực tốt là tướng “song long nhiễu nguyệt”,  đó là tướng “thập trọc nhất  thanh”, một cái cực tốt kia sẽ xóa bỏ được mười cái cực xấu ! Quan sát kỹ hai nhân vật Lý toét và Xã Xệ, quả là một cặp bài trùng hiếm có : Lý toét (gọi là Lý toét vì người này cận nặng) có cái dáng ký giả ở mọi cử chỉ, dạng mạo, còn Xã Xệ “to cao đen hôi” như một võ sĩ quyền Anh người da đen, hai người mà cộng hưởng với nhau thì tuyệt ! Hai người này vừa ăn uống vừa hí hoáy ghi chép cái gì đó đúng phong cách phóng viên tác nghiệp. Tôi nhoài người tới cụng ly và liếc nhanh vào cuốn sổ tay của họ thì giật mình kinh ngạc vì nhìn thấy trên sổ tay của Lý toét kín đặc chỉ toàn chữ A, còn trên sổ tay của Xã Xệ thì chữ gì ngoằn ngoèo như chữ Camphuchia và to như quả trứng gà !...Nhân vật thứ năm quả là dị tướng, sơ bộ có thể xếp vào loại tướng “Bát tiểu”, là quý cách, gặp vận có thể phú quý hết chỗ nói !
Điều bất ngờ lớn đối với tôi là cả năm người này đều rất sẵn tiền trong người và qua cung cách, nói năng thì họ xài “tiền tấn” chứ không phải đếm từng đồng như người bình thường. Khi B.B hô mọi người gom tiền mua cho tôi một căn nhà ở tạm thì chỉ sau năm phút, trong tay tôi đã có một cục tiền đô, trị giá khoảng hơn hai mươi cây vàng 24K ! Chưa biết sau này B.B và các chiến tướng làm ăn ra sao, nhưng cứ bằng vào việc đối xử với một anh trắng tay như tôi như thế, đủ để nói rằng cái “E-kíp” này rất mạnh, bởi tôi vẫn thường nghĩ, thời nào cũng thế, có tiền mua tiên cũng được ! 
*
Tôi đang cặm cụi làm cái việc mà B.B đã giao cho thì bất ngờ nhận được tin bố tôi đột ngột qua đời. Tôi phải bay ra Hà Nội chịu tang bố. Trong dịp này, tôi gặp lại một người bạn học cũ hiện đang dạy ở một trường đại học. Tôi khoe chuyện làm báo với B.B thì người bạn này rũ ra cười, chảy cả nước mắt và nói:
- Trời đất ơi, cái thằng Báo ấy nó đã lên tới ngạch sếp rồi cơ à ? Ngày xưa, tớ dạy nó ở lớp tại chức đại học báo chí, nó có học hành gì đâu, chỉ ngồi sờ mó mấy cô gái đa tình thôi à ! Tớ nghĩ nó sẽ phất nhưng là phất nhờ làm chủ quán bia ôm cơ chứ !
- Thì nó cũng có dưới tay mấy quán chứ đâu phải một quán !
- Ờ…nó được cái tài “sát gái” và   biết đâu tài làm báo mới phát lộ cũng nên ! Nhưng theo tớ, cậu không nên đi theo “phò giúp” nó làm gì vì cậu không phải cái “típ” như nó. Cậu phải làm cái gì đó liên quan tới đất đá…
- Đi buôn bán địa ốc thì mình không đủ tài, còn đi tìm đá quý thì không có võ để chống lại bọn đầu gấu trấn lột…
- Cậu nói tới đá quý, tớ chợt nhớ tới một ông chú họ, xưa đã từng là tướng đặc công, hiện đang làm chủ một công ty vàng bạc đá quý. Ông ta cần viết lại cuộc đời oanh liệt của mình. Để tớ liên lạc với ông ta rồi giới thiệu cậu !  
Theo lời khuyên của người bạn học, tôi không trở lại gặp B.B nữa mà chui vào thư viện đọc tất cả những sách báo nói về bộ đội đặc công vì tôi muốn có một chút hiểu biết về binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này trước khi tiếp xúc với ông tướng đặc công về hưu kia. Mê mải trong thư viện, thời gian trôi qua bên ngoài rất nhanh. Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua, người bạn tôi vẫn chưa liên lạc được với ông tướng đặc công. Tôi tính ra hè đường đánh máy thuê kiếm sống qua ngày thì bất ngờ gặp Sáu bụng bự. Sáu lôi tôi vào quán bia và nói :
- Báo vẫn ra đều kỳ nhưng chẳng ma nào mua, các đại lý đều trả lại hết. Cứ cung cách này thì đến sập tiệm. Em ra chuyến này để tiếp xúc các sếp ở một tờ báo khác, nếu thuận buồm xuôi gió, em sẽ làm trưởng đại diện cho họ ở trong ấy!
-   Thế cậu bỏ B.B à ? Cùng “dựng cờ lập nghiệp” với nhau cơ mà ?
-   Nhưng hắn du côn lắm, ngày nào cũng đá đít, bạt tai em như là đánh đầy tớ ! Không hiểu sao em lại nhịn được như thế ? Nhưng mối tình này cũng phải đến lúc chia tay!
Sáu bụng bự nâng ly bia lên cụng với tôi, tôi chợt giật mình khi thấy trên miệng ly bia, lẫn vào trong đám bọt đang tan dần là những viên trứng cá mà Sáu vừa nặn ra khi đang nói chuyện với tôi ! Tôi không nhịn được, nói :
- Sao cậu ăn uống dơ bẩn thế?
- Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ ! Anh quên câu nói đó à? – Nói rồi Sáu làm một hơi cạn li rồi nói tiếp – Nếu anh khó khăn thì vào làm cho B.B đi, hắn vẫn nhắc anh luôn và không giận anh đâu. Hắn bảo cái số của anh như thế. Còn nếu không, anh chờ một thời gian nữa, em nhận chức mới rồi, sẽ lấy anh làm Phó, nếu anh vui vẻ ô kê !  
Sáu bụng bự vừa dứt lời thì B.B đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống kèm với tiếng nói: “A! Thằng phản thùng! Tao cứu mày khỏi tù mục xương mà mày trả ơn thế hả?”. Và rồi B.B hét lên như diễn viên tuồng rồi múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu: “Ngọc Trản ngân đài – Tả hữu tấn khai – Hồi thập tự - Liệng diệp liên ba – Đả sát túc…”, tới câu “Đả sát túc” thì tôi thấy Sáu bụng bự bay ra cửa quán bia như một quả bóng !
Sau đó, B.B nhẹ nhàng cầm tay tôi dắt ra khỏi quán bia và nhỏ nhẹ nói: “Chỗ này không phải chỗ người có chí lớn lui tới!...Ông anh giang hồ mê chơi quên quê hương quá rồi đó! Cô thư ký riêng của anh chờ anh mỏi mắt! Sao anh nỡ đối xử với người đẹp như vậy?”… Không biết B.B còn nói gì nữa không vì tôi có cảm giác như mình đang bước đi trên một tầng mây xốp rất lớn !.../.
Cuối năm Tý, TP.HCM…
Đỗ Ngọc Thạch
**
CON GÁI VIÊN ĐẠI ÚY
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
“Tên khai sinh của tôi là Cầm Tịnh . Họ Cầm là một họ lớn của người Thái Tây Bắc, bỏ chữ Cầm tôi cũng tiếc lắm, nhưng tôi vẫn thích được gọi là Thanh Tịnh hơn, bởi vì được mang tên nhà thơ là một vinh dự lớn không dễ gì có được !” – đó là câu tự giới thiệu khi có ai đó hỏi : “ Nhà thơ Thanh Tịnh là người xứ Huế sao ông lại nói giọng Bắc ?”
Trước hết phải xin lỗi nhà thơ Thanh Tịnh để xin được gọi nhân vật của truyện ngắn này là Thanh Tịnh vì anh ta không chịu gọi là Cầm Tịnh . Đi tới đâu , anh ta cũng thích được giới thiệu rằng “ Đây là nhà thơ Thanh Tịnh !”. Chắc rằng nhà thơ Thanh Tịnh cũng đồng ý vì anh ta thuộc hết những bài tấu của nhà thơ và có thể nói đó là một trong số không nhiều lắm những người truyền bá không mệt mỏi, không ngưng nghỉ cho thể tài này của nhà thơ  !
Xin được nói sơ lược vài nét Lý lịch trích ngang của “nhà thơ Thanh Tịnh”. Là con của một gia đình người dân tộc (Thái) có công với cách mạng , Thanh Tịnh được vào học trường Thiếu sinh quân rồi tiếp theo là trường sĩ quan. Ra trường , với quân hàm Thiếu úy , lại có tài ăn nói (Thanh Tịnh không chỉ có tài thuộc hết thể độc tấu của nhà thơ xứ Huế Thanh Tịnh mà còn thuộc gần hết “Thơ Bút Tre” và những truyện cười dân gian, truyện “ Tiếu Lâm”…)  nên Thanh Tịnh được quân lực xếp vào loại hạt giống của công tác tuyên truyền – văn nghệ. Từ trợ lý Trung đoàn , lên trợ lý Sư đoàn, rồi trợ lý Bộ Tư lệnh Binh Chủng, Quân Chủng… Không biết Thanh Tịnh sẽ lên cao tới đâu trên con đường “Binh nghiệp”  nếu như đồ thị trường đời không bị trồi lên sụt xuống như là đồ thị hình Sin trong toán học : từ thiếu úy lên đại úy một mạch , rất nhanh, nhưng lên thiếu tá được một hồi lại tụt xuống đại úy , rồi lại lên thiếu tá, rồi lại tụt xuống đại úy, rồi lên thiếu tá lần thứ ba , lần này lên tiếp trung tá, nhưng được vài tháng lại xuống thiếu tá, rồi xuống nữa , tức đại úy ! Nói tóm lại Thanh Tịnh cứ lên , xuống trong khoảng từ đại úy đến trung tá như vậy không biết bao nhiêu lần trong suốt gần bốn chục năm của con đường “Binh nghiệp”.  Tôi , người viết cái truyện này, gặp Thanh Tịnh khi anh ta đang là Trợ lý văn nghệ Trung đoàn, còn tôi là giáo viên văn hóa (dạy văn hóa hết trình độ phổ thông cho sĩ quan cấp úy).
Tôi là giáo viên văn hóa nên ngoài những đợt có lớp học, tôi không có việc gì phải làm thường xuyên, thường theo Thanh Tịnh cho vui và cố nhiên là cần “điếu đóm” là có tôi ngay. Tuy hơn tôi hai tuổi và quân hàm thì hơn hẳn mấy cấp  nhưng Thanh Tịnh mày tao chí tớ rất bình đẳng và có chuyện gì “bí mật” cũng kể hết cho tôi, có “phi vụ” gì cũng rủ tôi đi cùng . Đó là vào cuối thập niên 1960 – khi mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền Nam , Bắc đều rất ác liệt ! Với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, công tác văn hóa – văn nghệ càng được coi trọng hơn bao giờ hết và vào những đợt Hội diễn văn nghệ từ cấp Trung đoàn trở lên vai trò, vị trí của Thanh Tịnh thật là đặc biệt , ở đâu cũng thấy nhắc đến Thanh Tịnh , các thủ trưởng luôn gọi điện hỏi thăm, động viên và Thanh Tịnh luôn lập công đầu và không khó khăn gì để các thủ trưởng thăng cấp, lên sao cho Thanh Tịnh . Nhưng , chữ ký còn chưa ráo  mực  thì Thanh Tịnh lại có “Phốt”, và thường là ký quyết định giáng cấp, hạ sao  nhanh hơn thăng cấp, lên sao vì những lúc ấy không có hội diễn văn nghệ, trời lại quá nóng bức hoặc quá giá rét !
Thực ra , tôi đã biết Thanh Tịnh từ ngày mới nhập ngũ. Chúng tôi được tập trung huấn  luyện tân binh ở một đại hội Ra-đa. Lúc đó Thanh Tịnh mới ra trường. là trợ lý văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền của Bộ tư lệnh Binh chủng (Binh chủng Ra-đa là binh chủng mới được thành lập , có lẽ là binh chủng ra đời muộn nhất của quân đội NDVN). Thanh Tịnh (từ đây gọi tắt là TT) đến nói chuyện thời sự và đọc thơ Bút Tre, diễn độc tấu rất có duyên, rất lành nghề. Người nghe hết vỗ  tay rào rào lại cười nghiêng ngả. Tan cuộc, có hơn mười cậu tân binh xúm quanh TT xin chép mấy bài thơ Bút Tre, vừa chép vừa cười  như pháo nổ. Cách đám tân binh vây quanh TT khoảng chục bước chân, có hai cô thôn nữ đang bá vai bá cổ nhau cười khúc khích, thi thoảng lại đùn đẩy nhau, đấm lưng nhau thùm thụp!...TT đã nhìn thấy hai cô thôn nữ , anh dơ tay ra hiệu “xì-tốp” và nói:
- Thôi đủ rồi! Của quý thì phải tiêu hóa từ từ kẻo bội thực thì khốn! Bây giờ tôi có một trò chơi rất hay. Các bạn nhìn thấy hai cô thôn nữ xinh đẹp kia không ?
Mọi người thoắt im lặng, ánh mắt đổ dồn vào hai cô gái. TT nháy mắt vẻ tinh quái, nói:
- Bây giờ chúng ta chơi trò đánh cá: trong năm phút, ai “cưa”  đổ hai cô gái kia, một  cũng được, thì mọi người phải nộp hết số tiền có trong túi !
Đám tân binh nhìn nhau rồi nhìn hai cô gái, ngần ngừ. TT chỉ chờ có vậy, nói:
- Tôi sẽ nhận nhiệm vụ “thợ cưa”, ai đánh cá xin dơ tay !
Tất cả đều dơ tay! TT nói cần một  đồng đội “hợp đồng tác chiến” rồi tiện tay kéo tôi đi theo. Được bốn năm bước, TT bỏ tôi lại mà vọt lên, thoắt cái đã tới bên hai cô thôn nữ. Không biết anh ta nói gì mà một cô đi lại phía tôi. Cũng không biết anh ta nói gì mà cô kia đi cùng anh ta một đoạn rồi cả hai người mất hút sau hàng dâm bụt um tùm!... Còn cô gái đi lại phía tôi, đứng cách tôi khoảng hai bước chân, tay cứ vân vê tà áo, mắt cứ cụp xuống như là nhìn ngực mình!  Tôi chỉ nói được một câu chào rồi cứ vuốt tóc, sờ tai mà không biết nói gì! …Tôi đang định hỏi tên cô gái thì giật mình khi thấy TT đã đứng nhìn đồng hồ rồi nói: “Đúng năm phút!” và nói với cô gái đang vân vê tà áo : “Lại đây, các anh tân binh muốn làm bạn với em đó!”. TT cầm tay cô gái kéo đi nhưng cô gái giật tay lại và vùng chạy, miệng gọi lớn “Na ơi!...”. TT và tôi quay trở lại đám tân binh tuyên bố thắng cuộc. Mọi người hỏi bằng chứng thì TT lấy trong túi quần ra một cái “xi-líp” gí vào mũi từng người  mà nói: “Mùi gái trinh thơm tho chưa !...”.Tất cả đám tân binh kinh ngạc tột độ !...

2.
Hồi kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, chuyện “luyến ái bất chính” bị coi là “tội lỗi” và thường bị trừng phạt khá nặng. Như TT là nhẹ, các thủ trưởng cấp trên còn nương tay vì dù sao anh ta có tài văn nghệ, người có tài thường có tật, tài và tật có thể bù trừ cho nhau. Việc “trị tội” TT chỉ xảy ra khi có cô gái nào đó kiện cáo, tố giác lại gặp đúng lúc vị thủ trưởng nào đó không ưa TT. Còn nếu xử tội “luyến ái bất chính” đối với TT một cách sòng phẳng theo số lần tái phạm thì có lẽ TT phải bị giáng xuống cấp bậc thấp nhất, tức binh nhì !
Đến đây, chắc có bạn đọc sẽ cho là “nhiễu sự”, nhòm ngó vào  chuyện  “đời tư’ của người ta làm gì? Vâng, quả đúng là như vậy, tôi chẳng để ý đến những chuyện “chim  chuột” của TT làm gì nếu như tôi không gặp cô con gái của TT. Đó là vào năm 1994, tôi đang làm biên tập cho một tờ báo tuần của Bộ LĐ, TB-XH. Một hôm, tôi nhận được một bài viết về một vấn đề khá nhức nhối có nhan đề “Những đứa con không bố”. Mới đọc nhan đề, cứ nghĩ đó là những đứa trẻ mồ côi cha. Hai cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, ác liệt chống Pháp rồi chống Mỹ đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người cha ở chiến trường.  Trở lại bài báo, đọc xong mới té ngửa vì không phải viết về những đứa con có bố hi sinh ở chiến trường mà là những đứa con không biết bố mình là ai bởi vì từ khi đứa bé còn là thai nhi đến khi tồn tại trên cõi đời , người bố không hề xuất hiện ! Người mẹ của những đứa trẻ này có nhiều biểu hiện khác nhau : người thì giấu kín , tìm cho con một người bố hợp pháp bằng cách cưới chồng khi thai nhi mới một, hai tháng , người thì ở vậy nuôi con nhưng không hề nói bố đứa bé là ai, người thì tìm cho con một người bố dượng, vân vân ! Bài báo đặt vấn đề phải đi tìm người bố “mất tích” kia và phải trừng phạt bằng pháp luật  ! Nhìn địa chỉ tác giả ở cuối bài viết tôi nghĩ đây là một cô bé sinh viên năm cuối khoa báo chí chắc chắn hiểu biết về sự đời chưa là bao, đây chắc là một bài tập về việc viết báo mà cô ta đã làm ở lớp học, thử gửi đến  tờ báo có nội về những vấn đề  xã  hội này xem có đăng  được không ? Nghĩ  vậy nên tôi xếp vào tập bài lưu, chỉ cho đăng tên cô ta ở  Hộp thư :  Cầm Thị Tĩnh .
Tôi sẽ quên luôn chuyện bài báo  và cái tên Cầm Thị Tĩnh nếu như không có sự việc sau :  một tuần sau tôi lại nhận được bài báo “Những đứa con không bố” nhưng lần này chỉ viết về một người bố mà có tới chín mươi chín đứa con ! Theo bài báo thì tác giả đã mất bốn năm để đi đến những địa chỉ mà người bố kia đã “gây tội ác”  rồi   “quất ngựa truy phong” để gặp những đứa con không bố đó ! Kèm theo bài báo là danh sách và địa chỉ chín mươi chín đứa con chưa biết mặt bố ! Còn người bố kia là ai thì bài báo nói rằng  nếu sau khi bài báo được đăng , công luận lên tiếng và pháp luật ra tay thì tác giả mới cho biết tên và địa chỉ của ông ta ! Nhìn vào danh sách địa chỉ của chín mươi chín đứa con tôi giật mình khi chợt nhớ lại có một lần , TT đã cho tôi xem mấy trang trong cuốn nhật ký của anh ta có danh mục “ Những nơi đã đi qua”, theo trí nhớ không tồi của tôi thì những địa danh của danh sách chín mươi chín đứa con này chính là những địa danh đã được ghi trong sổ nhật ký của TT  ! Chẳng lẽ …
Tôi tìm đến nhà của Cầm Thị Tĩnh không khó khăn gì, một căn hộ vừa phải trong khu phố “Nhà binh” . Tĩnh là một cô gái xinh đẹp, hài hòa và cân đối. Cô càng đẹp một cách rực rỡ trong y phục người Thái : đầu đội khăn Piêu, áo chẽn trắng bó sát khuôn ngực nở nang làm cho hàng cúc bạc lấp lánh kỳ ảo. Tôi xin cam đoan rằng tấm ảnh cô chụp cùng với người mẹ trong y phục người Thái năm cô 20 tuổi là tấm ảnh đẹp nhất về người phụ nữ Thái mà tôi từng được biết !
Tĩnh ở nhà một mình . Mẹ cô đang nằm viện vì bệnh ung thư tụy . Bà cũng trạc tuổi tôi, đã phục vụ hơn 30 năm trong quân y viện, quân hàm thượng tá. Chồng bà , tức bố của Tĩnh , đúng như  tôi dự đoán, chẳng phải  ai xa lạ mà chính là nhân vật TT đã nói đến từ những dòng đầu tiên  của truyện ngắn này . Lúc có quyết định nghỉ hưu, TT đang mang quân hàm đại úy, đó là vào năm 1996. Lúc này, TT còn đang tại ngũ và làm việc ở khu vực phía Nam . Giá như tôi được gặp TT tại đây, tại nhà anh ta, bên cạnh vợ con thì hay quá, bởi muốn nhìn nhận một cách đầy đủ về một người cha thì phải nhìn thấy anh ta sống như thế nào trong ngôi nhà của mình, bên cạnh vợ và con !
Ngồi nói chuyện với Tĩnh hồi lâu, tôi đã quan sát cô gái rất kỹ , bằng cả thuật tướng  số , bằng cả linh cảm, trực giác mà không hề thấy một chút, dù là mờ ảo bóng dáng, dấu ấn của người cha – tức TT, ở cô gái này ! Tôi phỏng đoán : TT mê mải với những cuộc tình gió trăng bên ngoài, tất “hệ thống phòng thủ” ở nhà – hậu phương , anh ta chẳng ngó ngàng gì – bị xâm lăng là tất yếu! Cô gái dường như đang sốt ruột chờ câu trả lời của tôi về bài báo “Những đứa con không bố’, có dùng hay không? Tôi thì đang phỏng đoán lung tung, cho nên cuộc nói chuyện kéo dài mà chẳng ăn nhập gì cả! Tôi không biết phải trả lời thế nào với Tĩnh về bài  báo? Báo đang tập trung vào những vấn đề thời sự của xã hội, trọng tâm của ngành như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động, v.v… còn bài viết của Tĩnh, thực chất là vấn đề “con hoang” tức con ngoài giá thú, là vấn đề muôn thuở, lúc nào đề cập đến cũng được, lờ đi cũng không sao! Nhưng với Tĩnh lại rất bức xúc, biết nói thế nào bây giờ? Tiếng chuông điện thoại nhà Tĩnh réo liên hồi, cắt ngang sự suy nghĩ của tôi. Tĩnh nghe điện thoại, mặt cô lộ rõ vẻ hốt hoảng. Đặt ống nghe xuống, Tĩnh vừa nói vừa run: “Mẹ cháu không ổn rồi, mẹ cần gặp cháu ngay !”.
Tôi đi cùng Tĩnh đến bệnh viện, bà mẹ Tĩnh đã rất yếu, hơi thở mong manh, tiếng nói nhẹ như gió thoảng. Bà mẹ hé mắt nhìn Tĩnh, nói nhỏ:
- Con tha lỗi cho mẹ, mẹ đã giấu con hai mươi năm nay. Bố đẻ của con là chú Tình chứ không phải ông Cầm Tịnh.! Chú ấy vẫn yêu mẹ, vẫn không lấy vợ để chờ ngày đón mẹ con mình về…Mẹ thật có lỗi với chú ấy… Con hãy về với bố đẻ của con…con sẽ hạnh phúc…
Tĩnh gục xuống mẹ, khóc ngất…Bà mẹ cũng trào nước mắt – những giọt nước mắt  cuối cùng của người đàn bà bất hạnh…Môi bà mấp máy như muốn nói điều gì nhưng không nói được nữa…Đúng lúc đó, một người đàn ông mang quân hàm đại tá bước vào. Đó là nhà báo Văn Trọng Tình, học trước tôi một năm ở trường Đại học. Ông  đến bên hai mẹ con Tĩnh. Bà mẹ cầm lấy bàn tay run rẩy của ông Tình đặt lên bàn tay đẫm nước mắt của Tĩnh. Người mẹ âu yếm nhìn hai người, nở một nụ cười nhẹ nhàng rồi nhắm mắt lại vĩnh viễn !...

3.
Sau đám tang mẹ, Tĩnh chủ động đến Tòa báo gặp tôi, nói:
- Cháu xin lại bài báo bởi cháu không còn là Cầm Thị Tĩnh nữa mà là Văn Bình Tĩnh. Đời luôn nhiều bất trắc nên người ta phải bình tĩnh mọi lúc, mọi nơi, có vậy mới có thể đối mặt với nó !
- Vậy cháu không định đưa những thằng bố không bao giờ biết đến mặt con ra trước vành móng ngựa nữa hay sao? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Cháu cần thời gian để bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ. Trước hết, cháu cần gặp ông Cầm Tịnh. Ông ta hiện đang ở Sài Gòn. Mai cháu sẽ đi Sài gòn…- Tĩnh nói rồi chào tôi ra về.
Ngày hôm sau, tôi cũng có việc phải đi xa: đến Sở Lao động, TB-XH Đắc Lắc. Đến Đắc Lắc, Sở cử người phụ trách chương trình nước sạch đưa tôi đi Bản Đôn. Đến Bản Đôn, thật bất ngờ, tôi đã gặp “nhà thơ Thanh Tịnh”. Thì ra TT đang khảo sát thực địa  để đầu tư vào Bản Đôn. Nhìn những con voi to lớn kềnh càng đang lững thững bước đi trên trảng cỏ, TT chậm rãi nói thủng thẳng:
- Khi tiếp xúc với nhưng anh bạn to xác này tớ thấy mình như bước sang một thế giới khác, kỳ lạ lắm, cứ như là lạc vào vườn địa đàng… Khi nghe truyện Vua voi Khunsunôp, tớ bị cuốn hút mãnh liệt… Tớ đang chờ Quyết định nghỉ hưu, sau đó thành lập công ty TNHH Vua Voi, tớ sẽ làm du lịch, làm sống lại thời oanh liệt của vua voi Khunsunôp!...Tớ sẽ là Vua Voi Khunsunôp thời đại mới !
- Vậy anh bỏ nghề nói chuyện thời sự, đọc thơ Bút Tre và diễn tấu Thanh Tịnh hay sao? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Bỏ sao được ! Những cái đó đã trở thành máu thịt, giờ sẽ được đem ra phuc vụ khách du lịch!...Bây giờ mời cậu và cả anh bạn “Nước sạch” đến nhà mới của tớ ở Buôn-mê, cậu sẽ có thêm ngạc nhiên về cái ông “Đại úy i-nốc” này !
Quả là đáng ngạc nhiên khi tôi tới nhà của TT. Nhà xây theo kiểu “Gô-tích”, rất rộng, trước và sau đều có mảnh vườn trồng đủ các loại hoa – rất hợp với chủ nhà là người “chơi hoa” tham lam và dễ tính : “hoa” gì cũng chơi, cốt ở số lượng – “càng nhiều càng ít” !... Ra mở cổng là người đàn bà trạc tứ tuần nhưng phong thái đi đứng, ăn mặc không khác gì hoa hậu. Chúng tôi ngồi chưa được năm phút thì các món ăn nghi ngút hương thơm đã được bày ra kín bàn. Tôi lại bị ngạc nhiên nữa khi người rót rượu là một cô gái hao hao giống “hoa hậu Tứ tuần” nhưng trẻ hơn nhiều. Thấy tôi chăm chú nhìn cô gái, TT nheo mắt cười ranh mãnh rồi nói:
- Ông bà ta có câu “Mía ngọt đánh cả cụm”, tớ chỉ là cậu học trò nhỏ mà thôi!...  
Bữa tiệc rượu được nửa giờ thì người phụ trách chương trình nước sạch nhận được điện thoại, về trước. Lúc đó, TT mới kể cho tôi nghe về hai phu nhân mới này. Bà chị tên Kháng, bà em tên Chiến. Gia đình hầu hết đều là quan chức, như bà Kháng đây đã làm tới chức phó chủ tịch huyện. Ông chồng làm tới phó chủ tịch tỉnh thì được ra Hà Nội học gì đó, mê mẩn mấy cô người mẫu , ở lại luôn thủ đô. Bị chồng ruồng bỏ, bà vợ uất quá, định nhảy xuống sông Sê-rê-pôc thì TT bất ngờ xuất hiện!...Khi TT kể đến đây, bà cựu phó chủ tịch huyện che miệng cười rúc rích. TT bèn nói:
- Đoạn hay nhất tôi xin nhường lời cho phu nhân đệ nhất !
Cạn xong  li rượu nhỏ, đệ nhất phu nhân nói liền một mạch mà không e dè gì cả:
- Lúc đó, em đang vịn vào thành cầu, nhìn xuống dòng sông cuộn chảy mà thấy sợ quá, run quá tưởng như sắp rơi xuống sông!... Em không muốn chết ! Em định la lên thì anh TT xuất hiện ngay sau lưng em, ôm lấy em mà nói: “Đừng dại dột”. Em thấy có vật gì cưng cứng  chọc vào mông, tưởng như nòng súng của bọn cướp, bèn thò tay ra sau nắm lấy, ai ngờ nó lại âm ấm, mềm mềm, cứng cứng…
- Thế là em nắm chặt lấy, đúng không ? – TT chen ngang.
- Anh thật là tinh quái !... - “hoa hậu bốn mươi” lườm TT cũng bằng ánh mắt tinh quái rồi nói tiếp – Chính ngay lúc đó em chợt nghĩ, ông trời đã bù đắp cho em thật hậu hĩnh. Ông chồng cũ của em, cái ấy chỉ như của trẻ con. Mấy bà bên Hội phụ nữ cứ găp em là trêu “đuôi chuột ngoáy lọ mỡ”!
Bà em – đệ nhị phu nhân – giờ mới góp lời:
- Từ ngày em bị cái “dùi cui cảnh sát” của anh ấy đánh gục, em bị mất biệt danh “Người đàn bà thép”, giờ cả văn phòng huyện Đoàn gọi em là bà “Cảnh sát trưởng”! 
TT đã say mèm, cầm muỗng gõ xuống tô lè nhè hát : “Chú voi con ở Bản Đôn, chưa có buồi nên gọi trẻ con…”. Điện thoại của tôi reo, thì ra cô con gái viên đại úy (giờ là con gái ngài đại tá) gọi cho tôi từ Sài gòn. TT say thế nhưng vẫn biết tôi đang nghe điện thoại, nói:
- Ai gọi thì bảo tới đây chơi luôn, không  say không về !
Tôi nói thật đó là cô bé Tĩnh gọi thì TT giật nảy người :
- Không được !... Cậu nói là tớ đang làm việc ở ngã ba biên giới, rồi sẽ đi  Natarakiri! Bảo nó lấy chồng đẻ con đi, đừng có nghĩ vớ vẩn !...- Rồi TT lại lè nhè hát – Chú voi con…
Như là vô thức, tôi nói lại cho cô bé Tĩnh những gì TT vừa nói, lập tức tôi nghe Tĩnh nói:
- Chú nói với ông ta rằng nếu trốn cháu, cháu sẽ thuê bọn xã hội đen tới cắt dái !
Tôi nói lại với TT, ông ta líu ríu:
- Thôi được, thôi… nói với nó là mai tôi sẽ xuống Sài Gòn trình diện, được chưa?

*
Tôi lại nhận được điện thoại nói lên Plei Cu rồi Kon Tum gấp, thế là tôi bỏ đi luôn, tiếng hát lè nhè của  TT cứ như là đuổi theo thành cái đuôi: Chú voi con ở Bản ĐônChưa có buôi nên gọi trẻ con …  
Tới Plêi Cu rồi đi Kon Tum tiếp, ba ngày liền mệt nhoài, vậy mà vẫn phải đi tiếp tới huyện Đăc Glêi. Trời tối mịt mới tới Ủy ban huyện. Trong lúc ngồi uống bia 333 không đá với UB huyện, khi tôi lơ mơ ngủ gà ngủ gật thì nghe cậu chánh văn phòng Ủy ban nói:
- Ở bên Buôn Mê có ông sĩ quan quân đội bị cắt “của quý” ngay tại nhà !  
Tôi định gọi cho cô bé Tĩnh hỏi xem thế nào nhưng lại nghĩ, chuyện ông TT bị trừng phạt là tất nhiên , sớm hay muộn, nặng hay nhẹ mà thôi !... ./.

Đỗ Ngọc Thạch
 Nguồn: bichkhe.org
 

 

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Cô bạn...; Chùm truyện mini - Đỗ Ngọc Thạch

CÔ BẠN  NGÀY  XƯA  HỌC CHUNG  MỘT  LỚP

Truyện ngắn của ĐỖ NGỌC THẠCH 

Không thể không thừa nhận rằng bài thơ “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn(*) là một “Tuyệt tác Thi ca”. Người ta cũng đã khen bài thơ “Hương thầm” nhiều nhưng chỉ mới ở mức “Thơ hay” chứ chưa tới mức “Tuyệt hay” tức “Tuyệt tác Thi ca”. Người bạn vừa là đồng ngũ (đồng đội cũ) vừa là đồng nghiệp (cùng làm nghề viết văn, viết báo) vừa là đồng hương, gọi là “Bạn Ba đồng”, ngay lần đầu đọc bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn đã reo lên: “Đây mới gọi là thơ ca!”. Lúc đó, tôi cũng có mặt ở bên cạnh và cũng đã biết bài thơ này trước người bạn khoảng một tháng, thấy thế thì nói: “Này, bình tâm lại một chút rồi hãy phát ngôn! Và nên nhớ rằng những kiểu khen thơ như thế thường chỉ dành cho các đại thi hào cỡ Puskin, Exenhin, hoặc Rimbaud (**)…”. Người bạn ra hiệu ngăn tôi lại và nói: “Cậu thẩm định thơ ca theo kiểu “kinh viện” ấy thì chẳng bao giờ thấy được cái chất “nhựa sống” của thơ ca, cái chất “kết dính” của thơ ca mà nhờ nó ta mới thấy được cuộc sống đang vận động trong bài thơ đó! Tớ muốn chứng minh điều này bằng hành động cụ thể sau đây: Tớ sẽ về lại trường cũ, tìm lại “cô bạn ngày xưa học chung một lớp” và…”. Tôi nghĩ là bạn mình có biểu hiện tâm thần liền nói tiếp: “Cầu hôn cô bạn ngày xưa cùng chung một lớp chứ gì?” – “Đúng rồi! Lâu lắm cậu mới nói được một câu trúng với ý nghĩ của tớ!...Cậu hãy nghe tiếp đây: Nếu cô bạn ngày xưa học chung một lớp ấy nhận lời cầu hôn của tớ thì có nghĩa là, cô gái đã yêu và tỏ tình yêu với anh chàng chính từ cái hôm chia tay đó:

Cô  gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thầm nói hộ tình yêu
Anh vô tình, anh chẳng biết điều!
Tôi đã đến với anh rồi đấy…
 


Và  theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp
Họ chia tay, vẫn chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi.

Và nhạc sĩ Vũ Hoàng đã rất giỏi khi biến câu thơ giản dị ấy thành tiếng hát tha thiết của trái tim:
… Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”. 
Người bạn tôi say sưa như người thuyết trình luận án Tiến sĩ Khoa học (quả thực, tôi có đi dự bảo vệ vài cái Luận án Tiến sĩ của bên ngành Tâm lý học, Mỹ học thì nó cũng chỉ na ná như thế mà thôi!) rồi nói tôi ngồi chờ tin! Tưởng  là anh bạn đùa giỡn để “chống sự tẻ nhạt của cuộc sống viên chức”, ai ngờ anh ta đi về trường cũ để tìm lại cô bạn ngày xưa học chung một lớp thật! Một ngày sau, tôi đang ngồi uống trà với mấy người bạn đồng nghiệp khác thì nhận được điện thoại của anh bạn “ba đồng”: “Thành công, thành công, đại thành công! Ngày mai sẽ làm lễ ăn hỏi. Cậu tới ngay nhà tớ rồi đi cùng ông bố tớ tới đây làm đại diện Nhà Trai! Cả bố và mẹ tớ đều rất vui và đồng ý ngay!”. Thì ra, anh bạn “Ba đồng” của tôi đã gặp lại đúng cô bạn học cùng lớp Mười ngày xưa. Gần hết năm học thì anh chàng lên đường ra trận và trong buổi tiễn đưa chia tay chung cả lớp, cô bạn này chính là cô hàng xóm, đã làm đúng như trong bài thơ “Hương thầm” mô tả: gói một chùm hoa bưởi vào trong chiếc khăn tay tặng người đi xa!... 
Mấy người bạn đồng nghiệp kia sau khi nghe tôi nói lại cái kết quả của “Mối tình đẹp như thơ ca” của anh bạn “Ba đồng” thì cùng rất kinh ngạc và nói là khi nào đám cưới nhất định sẽ đến dự. Trong số những người bạn đồng nghiệp chứng kiến câu chuyện lúc đó, có anh bạn tên Được Mùa (nhưng thực ra quê anh bạn này ở Thanh Hóa, quanh năm mất mùa) gặp riêng tôi và nói: “Tôi muốn nhờ ông giúp một chuyện!” – “Chuyện gì thì nói ra đi, sao cứ ngập ngừng mãi thế?” – “Thì là chuyện “Hương thầm” đó! Tôi cũng có một cô bạn ngày xưa học chung một lớp, khi tôi lên đường ra trận cô gái cũng tặng tôi một chùm hoa bưởi gói trong chiếc khăn tay có thêu hai con chim đang “gù nhau”! Nhưng khi tôi trở về, tìm gặp với bao hi vọng thì cậu biết sao không? Cô ấy nói là chưa hề tặng ai khăn tay có gói chùm hoa bưởi!” – “Vô lý! Mới chỉ sau năm năm mà đã “trở mặt” như thế thì chỉ có ở “Xã hội đen” chứ cái thời tuổi hoa phượng của chúng ta nó đẹp lắm, thiêng liêng lắm, chỉ một cái nhìn, một lời hẹn bâng quơ cũng trân trọng suốt đời!” – “Đúng vậy! Vì thế tôi nghi là có kẻ xấu muốn hại tôi nên đã tung tin đồn nhảm nói xấu tôi về quê để đến nỗi mối tình đầu trong mơ của tôi đã ruồng bỏ tôi! Vì thế, tôi muốn ông về làm chứng cho tôi: từ lúc ở chiến trường về tiếp tục đi học, rồi ra làm việc không hề có một khuyết điểm dù chỉ nhỏ bằng con kiến!” – “Ai cần nối mối tình dang dở / Đây trái tim tôi hiến nhịp cầu! Tôi sẽ giúp ông hết mình dù có phải nhảy vào biển lửa!”. Thế là sau đó, tôi thu xếp công việc đi Thanh Hóa với anh bạn Được Mùa. Tôi đang làm nhiệm vụ nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu nên chuyến đi được “hợp thức hóa” bằng việc tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Tuồng đã tồn tại và phát triển ở vùng đất của Vua Lê này như thế nào?
*
Khi về đến quê nhà của anh bạn Được Mùa, tôi đi tìm ngay cô bạn ngày xưa học chung một lớp với anh bạn Được Mùa thì được người ta dẫn đến găp một bà Chủ tịch Xã, có thân hình cao lớn, khỏe mạnh như hình ảnh các cô gái trong đại đội Nữ dân quân bắn máy bay Mỹ ở cầu hàm Rồng năm xưa. Sau khi biết tôi là bạn đồng nghiệp của anh bạn Được Mùa, bà Chủ tịch Xã, đúng là cô bạn ngày xưa học chung một lớp với anh bạn Được Mùa, thong thả pha trà mời tôi uống rồi từ tốn nói liền một mạch tới hơn mười phút, đại ý là: “Chuyện giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay rồi tặng cho người lên đường ra trận là có thật. Nhưng không phải chỉ mình tôi làm như vậy mà lúc đó, cô gái nào cũng làm như vậy! Và làm như vậy không có nghĩa là yêu anh chàng nào đó trong số những người sẽ ra trận kia! Thực ra, chúng tôi làm như vậy vì theo “phong trào”, thanh niên thời đó có nhiều “phong trào” lắm, “phong trào” nào cũng tham gia và làm sao nhớ hết mình đã làm những gì?” – “Vậy khi anh bạn Được Mùa của tôi từ chiến trường trở về gặp lại chị, cảm xúc đầu tiên của chị là gì?” – “Thực tình tôi cũng không nhận ra ngay đó là người bạn ngày xưa học chung một lớp! Chỉ có những người theo “Chủ nghĩa Lãng mạn” các anh mới hay làm to chuyện mọi vấn đề, chứ những người theo chủ nghĩa “ăn no vác nặng” chúng tôi không thể đứng hàng giờ nhìn chiếc lá lìa cành như thế nào rồi còn làm thơ về chiếc lá lìa cành! Đó là một hiện tượng rất bình thường của tự nhiên! Cũng giống như chuyện cái anh bạn Được Mùa kia đi bộ đội, cả xã tiễn đưa, cả trường, cả lớp tiễn đưa chứ đâu chỉ mình tôi? Tôi cũng có biết bài thơ “Hương thầm” kia nhưng không thi vị hóa như các anh! Tại sao cái anh bạn Được Mùa kia cứ muốn bắt tôi phải giống như cô gái trong bài thơ “Hương thầm”, trong khi tôi còn phải làm hàng núi công việc? Nói thực với anh, làm cái chức Chủ tịch xã ở vùng đã từng là đất lửa, đất thép này còn khó hơn là làm Chủ tịch Nước!”. Kết thúc buổi gặp tôi, chỉ được gói gọn trong nửa giờ, bà Chủ tịch xã cười rất tươi nói: “Thực ra tôi cũng rất thích nghe ngâm thơ, nhưng phải là lúc rảnh rang, thư thả! Ngay cả chuyện Tình yêu cũng vậy, tôi cũng không có nhiều thời gian nghĩ về nó. Bây giờ có đến năm người muốn cầu hôn tôi, vì thế tôi không thể đem “trái tim dại khờ” ra để chọn người yêu mà phải nhờ mấy người bạn ở Ban Tổ chức Huyện ủy chọn dùm mới đảm bảo có được người chồng đủ tiêu chuẩn!” – “Vậy tôi sẽ phải nói với anh bạn Được Mùa như thế nào về cô bạn ngày xưa học chung một lớp là chị Chủ tịch xã bây giờ?” – “Thì các anh thường nói Thời gian là vị Quan Tòa công minh nhất đó thôi? Cứ để Thời gian giải quyết tất tần tật mọi chuyện!”. Quả là tôi thích kiểu nói như thế nhưng trong bụng thì lại không mấy tin vào vị Quan Tòa Thời gian kia bởi Nó không công minh như chúng ta tưởng: với người này thì Thời gian xoa dịu vết thương đau, nhưng với người khác thì Thời gian càng ngày càng tích tụ nỗi đau thành cục, thành khối nhiều khi to nhanh như trái Núi!... 
*
Sau khi nghe tôi tường thuật lại rất tỉ mỉ cuộc gặp với cô bạn ngày xưa học chung một lớp, anh bạn Được Mùa bàng hoàng sửng sốt như bị dội một thùng nước lạnh lên đầu! Tôi tưởng anh ta sẽ ngất xỉu như bao người khác khi lâm vào tình cảnh này, nhưng chỉ sau năm phút Được Mùa mặt mũi lạnh như băng, ánh mắt cũng như thế và tiếng nói thì cứ như những tảng băng đang vỡ vụn: “Tôi nhờ ông dắt tôi vào Chùa Quán Sứ! Khi nào thấy tôi tu thành chính quả thì lại phiền ông tới đón tôi về nhà! Chứ nói thực với ông, bây giờ đầu óc tôi rối loạn không thể nhận biết được thế giới xung quanh mình nó thế nào, đen hay trắng, cao hay thấp, vuông hay tròn, nặng hay nhẹ?”. Nghe anh bạn Được Mùa nói vậy, tôi nghĩ có lẽ đó là biểu hiện ban đầu của bệnh Tâm thần nên gọi ngay Taxi chở anh ta đến Nhà thương Điên Trâu Quỳ. Nhưng khi xe vừa dừng ở cổng Bệnh viện, và vừa nhìn thấy chữ Bệnh viện Tâm thần thì anh ta la toáng lên: “Không phải là Bệnh viện Tâm thần mà là Chùa Quán Sứ!”. Tôi liên nói: “Thì cứ vào đây khám kiểm tra đã vì ở Chùa Quán Sứ đã có thông báo: Chùa chỉ thu nhận đệ tử khi đã có chứng thực của Bệnh viện Tâm thần là không có dấu hiệu của bệnh Tâm thần!”. Người bạn Được Mùa nghe tôi nói vậy thì không la hét nữa và tôi bảo lái xe chạy thẳng vào “phòng chăm sóc đặc biệt”! 
*
Thỉnh thoảng tôi vẫn đến Bệnh viện Tâm thần Trâu Quỳ  để xem tình hình của anh bạn Được Mùa như thế nào. Tháng đầu tiên thì người Bệnh viện nói anh ta suốt ngày la hét và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển chẳng ai hiểu gì cả. Nhưng khi anh ta hát bài hát “Hương thầm” thì cứ như là ca sĩ chuyên nghiệp, mà còn xúc động hơn ca sĩ chuyện nghiệp rất nhiều, nghe anh ta hát đến lần thứ ba thì ai cũng rưng rưng ngấn lệ! Tháng thứ hai thì xuất hiện một người đàn bà trạc tuổi anh ta, cứ lầm lì như người câm nhưng khi thấy anh chàng Được Mùa hát bài “Hương thầm” thì cũng hát theo và đến lần thứ hai, thứ ba thì hai người cứ như là một đôi song ca chuyên nghiệp:  
… Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”. 
Tháng thứ ba, tôi lại đến Bệnh viện Tâm thần Trâu Quỳ thì người Bác sĩ trực nói: “Anh chàng Được Mùa và cô gái Hương Quê đã làm đám cưới ở Bệnh viện và sau đó thì về quê của cô gái ở một tỉnh miền núi phía Bắc, hình như Cao Bằng hay Lạng Sơn gì đó, mà có lẽ là Lạng Sơn!”. Nghe nói vậy, tôi liền phóng đi Lạng Sơn ngay…
Từ nhỏ, tôi đã nghe và thuộc câu ca:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh..
Vì thế, tôi đã tranh thủ đi hết những địa danh có trong câu ca dao đó, vừa đi vừa nghĩ thế nào cũng gặp anh bạn Được Mùa và cô vợ Hương Quê. Quả nhiên, chỉ sau ba ngày, tôi dã gặp hai người đang xì xụp cúng vái trước tượng Phật A-di-đà trong động Tam Thanh. Vừa nhìn thấy tôi, anh bạn Được Mùa đã nói ngay: “Cầu được ước thấy! Tôi thành tâm cầu Bồ Tát cho tôi gặp lại người bạn ngày xưa học chung một lớp thì tôi đã gặp được rồi đây này! – Rồi Được Mùa kéo Hương Quê tới trước mặt tôi nói: “Đây là Hương Quê, cô bạn học cùng lớp Một với tôi ngày xưa!”. Tôi nhìn kỹ cô gái được anh bạn Được Mùa giới thiệu là Hương Quê, và chỉ sau ba phút tôi đã nhận ra người con gái này là Bác sĩ Tam Ly, người cách đây gần ba tháng đã tiếp nhận anh bạn Được Mùa của tôi vào Bệnh viện điều trị! Chẳng lẽ lại có người con gái tên là Hương Quê có diện mạo giống hệt Bác sĩ Tam Ly?
----

Chú thích:
(*) Phan Thị Thanh Nhàn: sinh năm 1943 tại Hà Nội. Bà làm thơ từ sớm, đầu những năm 1960 đã có thơ đăng báo. Năm 1969, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN, năm 1984 nhạc sĩ Vũ Hoàng đã phổ nhạc thành bài hát Hương thầm và ngay lập tức được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Hiện nay, bà đang sống cùng con gái duy nhất tại Hà Nội. Phan Thị Thanh Nhàn được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

(**) Arthur Rimbaud : Arthur Rimbaud (1854 - 1891): là con phượng hoàng của thi ca Pháp và thế giới mà ảnh hưởng đã bao trùm gần một phần tư thế kỷ 19, suốt thế kỷ 20 cho tới tận hôm nay. Nguyên do chính khiến người ta phải kính nể Rimbaud là thi tài của chàng được rèn đúc trong khối óc sáng suốt muốn tạo cho thơ những giá trị mới. Rimbaud chủ trương nhà thơ cần phải mở những cuộc mạo hiểm vào những vùng tăm tối u uẩn của tâm linh: nhà thơ phải trở thành kẻ thấu thị (un voyant). Đó là kẻ có khả năng nhìn bao quát tất cả ý thức, vô thức, tiềm thức hoặc những địa hạt nào khác nữa chưa được đặt tên trong tâm hồn con người. Đó cũng là kẻ có thể phát biểu những điều mà
từ trước người ta coi như không thể phát biểu được, có thể biết những cái vốn được xem là bất khả tri. Nhà thơ phải biết khai thác những ảo giác, và phải bắt giác quan đi chệch ra ngoài những lối mòn mà ông gọi là "sự hỗn loạn của các giác quan" (dérèglement des sens) để khám phá cái mới.
Rimbaud chỉ thực sự đến với thơ trong vỏn vẹn ba năm từ năm 16 đến năm 19 tuổi với vài bài thơ đăng báo và một tập thơ duy nhất xuất bản để không bao giờ ra mắt người đọc trừ mấy ấn bản gửi cho bạn bè.

(***) Đồng Đăng: là thị trấn giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nằm trên quốc lộ 1A. Thị trấn này thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Chợ Kỳ Lừa hiện nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, chợ này đã có từ hàng trăm năm nay, là nơi mua bán sản vật, hàng hoá của nhân dân trong vùng và nhân nhân các nơi khác đến buôn bán.
Chợ Kỳ Lừa mỗi tháng họp sáu phiên vào các ngày mồng hai, ngày mồng bảy âm lịch.

Ðộng Tam Thanh nằm sát thị xã Lạng Sơn gồm có 3 động là: Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh. Nổi tiếng nhất là động Tam Thanh ở phía tây phố Kỳ Lừa, trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8 m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Vách động bên phải có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Ý của bài thõ là: "Suối trong tuôn chảy trên hàng trăm mỏm đá như đang trò chuyện. Quay lưng lại nhìn sang ngọn núi phía trước thấy hòn Vọng Phu". Trong động có tượng Phật A - di - đà và nhiều nhũ đá ngoạn mục.

Ngô Thì Sĩ còn là người phát hiện ra động Nhị Thanh và cho tu sửa tôn tạo thành nơi du ngoạn. Ðộng Nhị Thanh khá rộng, có nhiều ngóc ngách, nhiều nhũ đá rơi xuống muôn hình vạn dạng. Ðộng Nhị Thanh ở gần động Tam Thanh.


Sài Gòn, tháng 7-2010
Đỗ Ngọc Thạch
***

Chùm Truyện Mini

Đỗ Ngọc Thạch

1. HỌC  TRÒ  BIẾT  HỌC
Ông Văn Trọng Giáo là một nhà sư phạm có tiếng, khi về hưu ông nhận dạy kèm-luyện thi đại học, khoảng chục đệ tử, chủ yếu là con cháu bạn bè thân hữu. Trong số học sinh của ông có Thân Trọng Nhân là con của người bạn ở xa, nên ông cho ăn ở tại nhà như con cháu…
Sau một năm ông thường kiểm tra chất lượng của các học trò, hầu như ai cũng trả lời vanh vách, không chút ngắc ngứ dù gặp phải những vấn đề hóc búa! Đến lượt trò Trọng Nhân, ông Giáo ngập ngừng hỏi : “Ta thấy trò không chăm chỉ  như các trò khác, liệu con có vượt qua được sự sát hạch như các trò khác không?”Trọng Nhân từ tốn nói: “Con thấy họ chăm chỉ thật, họ cũng giỏi và có thể đỗ cao kỳ thi tới, nhưng …” Ông Giáo nói:” Thôi ,  ta biết con định nói gì rồi! Bây giờ con hãy trả lời những câu hỏi của ta trong nửa thời gian quy định!” Ông Giáo đưa ra một loạt câu hỏi thì quả nhiên Trọng Nhân trả lời chưa hết nửa thời gian và được trình bày hết sức ngắn gọn, súc tích! Ông Giáo ngạc nhiên hỏi tiếp: “Còn nửa thời gian con có định nói gì với ta không?” Trọng Nhân từ tốn trả lời : “Gần một năm học với thầy, điều con học được không chỉ là kiến thức mà cả cách sống của thầy:  Đó là một nhân cách sáng trong không gợn một chút  tỳ  vết!” Ông  Trọng Giáo sững sờ giây lát rồi nói: “Rồi con sẽ tiến xa hơn ta rất nhiều! Từ hôm nay con không phải dự những buổi lên lớp của ta nữa!” Trọng Nhân bối rối nói: “Con vẫn muốn làm học trò của  thầy và sẽ là học trò của thầy suốt đời!...”
Quả nhiên, đúng như dự đoán của ông Trọng Giáo, học trò Trọng Nhân đã đỗ đầu kỳ thi đại học năm đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, Trọng Nhân làm tiếp luận án Thạc Sĩ  rồi Tiến Sĩ. Hiện nay, Trọng Nhân lại nối nghiệp ông thầy Trọng Giáo của mình và nếu có ai hỏi những người quen biết, gần gụi  Trọng Nhân thì không thấy họ nói nhiều về đủ loại  bằng cấp, kiến thức uyên bác của Trọng Nhân mà chỉ thấy họ nói về nhân cách sáng trong của Trọng Nhân mà thôi!...

2. KIỆN  NHAU  VÌ  CÁI  XÁC  CHẾT
Nhà ông Khai có người bị chết đuối dưới sông, lặn tìm mãi hai ngày vẫn không thấy. Đến ngày thứ ba thì nhận được tin nhắn của một người ở đoạn dưới khúc sông nói đã vớt được xác. Ông Khai đến xin nhận xác thì người vớt được xác đòi một khoản tiền lớn, bèn đi kiện. Gặp luật sư, luật sư nói:”Họ thua kiện là chắc, xác không phải người nhà họ, chẳng lẽ họ giữ mãi!” Người vớt được xác thấy vậy cũng đi kiện. Gặp luật sư, luật sư nói:”Họ thua kiện là cái chắc, xác là người nhà họ, họ không đến đây chuộc  thì đi đâu?” Hai người của hai nhà tới tấp gửi đơn kiện , nâng mức bồi thường lên rất cao! Trong khi đó thì xác chết đang phân hủy rất nhanh!...


3. CHUYỆN  BA  CON  GIẬN  
Chủ nhà nọ mới mua về một con chó rất đẹp, tức thì có ba con Giận cùng chui vào đám lông chó để kiếm ăn. Chúng đánh nhau để tranh giành lãnh địa, để giành quyền bá chủ. Nhưng đánh nhau hoài mà không phân thắng bại, xem chừng phải kéo dài như Tam Quốc thời Hậu Hán bên Tàu.
Có con Rệp thấy vậy bèn nói:”Ba ngươi chỉ lo chuyện đánh nhau, tất sẽ suy kiệt mà chết! Sao không bắt tay nhau đoàn kết, cùng ra sức mà hút máu con chó, ai hút giỏi thì kẻ đó sẽ là bá chủ!” Ba con Giận nghe nói đều cho là phải, bèn không đánh nhau nữa mà ra sức hút máu con chó! Chẳng mấy chốc, con chó gày sọp đi, nhìn rất xấu xí, liền bị chủ nhà đuổi đi thành chó hoang, còn ba con Giận thì trở nên to béo kềnh càng, sinh con đẻ cháu nhiều vô kể!...


4. TRƯỚC KHI ĐÁNH NGƯỜI PHẢI BIẾT GIỮ MÌNH
Ông Kim ở làng Thượng có mối thâm thù với ông Mộc ở làng Hạ từ hai đời trước. Mối thù ấy tưởng đã bị cả hai bên quên đi theo thời gian, ai ngờ lại có nguy cơ bùng phát khi đứa con ông Kim sang làng Hạ chơi rồi xảy ra xô xát với đám con nhà ông Mộc. Nhìn thấy con bị thâm tím mình mẩy, ông Kim nuốt hận tính tìm dịp sang làng Hạ “trả đũa”!...
Hôm ấy, nhà ông Mộc có đám cưới, ông Kim  liền dẫn theo gần chục người kéo đến tính quậy phá một trận tơi bời. Có một người bạn của ông Kim vừa đi vừa cười khanh khách mãi không thôi. Ông Kim thấy vậy thì ngạc nhiên hỏi:”Ông cười cái gì vậy?” Người bạn  nói:”Tôi cười thằng cháu tôi, sao mà nó khờ thế: Nó đang ngồi nói chuyện với người yêu trên bờ đê thì chợt nhìn thấy dưới bãi ngô có một cô gái rất xinh đẹp đang bẻ ngô. Nó liền nói dối người yêu xuống bãi ngô đi tiểu…Xuống ruộng ngô, nó mới giật mình khi thấy cùng bẻ ngô với cô gái còn có một người đàn ông cao lớn khác thường! Nó vội “rút quân” thì không thấy người yêu của mình đâu cả! Chỉ thấy xa xa có một đôi nam nữ đang cầm tay nhau líu ríu bước đi, người con gái rất giống với người yêu của nó! …Đó, câu chuyện chỉ có thế, càng nghĩ càng không nhịn được cười!”
Ông Kim nghe xong thì giật mình, tỉnh ngộ, ra lệnh “rút quân”, vừa về đến nhà thì nhận được điện thoại của ông bạn làm công an xã báo tin: có một băng trộm đang lảng vảng ở khu vực nhà ông!

5. THÀNH NGƯỜI DA ĐEN
Lê Vi Tính là tên do người cha mê vi tính đặt cho, và quả nhiên khi lớn lên, chưa tới chục tuổi, Vi Tính đã rất giỏi vi tính, trình độ ngang ngửa các chuyên gia vi tính tầm cỡ quốc tế. Cũng nhờ giỏi vi tính mà chàng Vi Tính lấy được một cô vợ đẹp như người mẫu chân dài, khiến cho anh em của Vi Tính không thể kiềm chế được lòng thèm muốn!...Vừa mới qua tuần trăng mật, Vi Tính phải đi một chuyến nước ngoài dài ngày để tham dự mấy cuộc hội thảo và thi đấu về vi tính. Trước khi đi, Vi tính thiết kế một chương trình đặc biệt và dặn người vợ trẻ:”Ở nhà, nếu có ai chọc ghẹo, cợt nhả với em thì em gõ chữ “vòng 1”, nếu có ai đụng chạm, sờ mó vào em thì em gõ chữ “vòng 2”, còn nếu có ai cưỡng đoạt em thì em gõ chữ “vòng 3”. Trong máy, hình ảnh của em sẽ nhận được những thông tin này và nó sẽ lưu giữ để báo cho anh biết!”
Lê Vi Tính trở về sau đúng một tháng, liền mở máy ra cho vợ xem thì hình ảnh nõn nà, trắng hồng của vợ không còn nữa mà thay vào đó là một người da đen như châu Phi, bởi mỗi khi nhận được tín hiệu, trên hình ảnh của người vợ sẽ xuất hiện một chấm đen!... Người vợ lúng túng một lát rồi nói:”Biết thế này thì sao anh không lấy vợ người da đen luôn đi!”

6. TRỞ  LẠI  NGHỀ  NÔNG
Ông  Nông Văn Điền tốt nghiệp khoa trồng trọt trường Đại học Nông Nghiệp, trở thành kỹ sư nông nghiệp…Nhưng sau 5 năm, không biết “Ma dẫn lối quỷ đưa đường” thế nào mà ông Điền lại viết được một tập thơ, một  tập ký sự và một  tập truyện ngắn (toàn về chuyện nhà nông, nghề nông, nông dân –tức “Tam Nông” như hiện nay người ta thường nói). Khi ba tập sách của ông Điền được in ra, ai đọc cũng thích, và Hội văn nghệ tỉnh nhà quyết định kết nạp ông vào Hội thật lẹ kẻo Hội trung ương họ cuỗm mất! Điều kiện để một người được kết nạp vào Hội, ngoài những yêu cầu chung như các tỉnh bạn thì ở tỉnh của ông Điền còn phải vượt qua một cửa ải khó khăn không kém “Vượt vũ môn”. Đó là phải viết một bài Bình Luận về mười tập sách (đủ các thể loại) của ông Chủ tịch Hội!...
Sau khi đọc xong mười tập sách của ông Chủ tịch Hội, ông Nông Văn Điền liền rút đơn xin vào Hội Văn Nghệ  và trở về Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận chức Phó Giám Đốc với sự công bố ba giống lúa mới vừa  kháng rầy vừa có thể sống chung với lũ và cho năng suất cao! Trong lễ nhậm chức và công bố ba giống lúa mới, có mấy nhà báo không quên chuyện vào Hội Văn Nghệ của ông  Điền và  tranh nhau phỏng vấn. Sau đây là lược ghi cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của mấy nhà báo trên. Hỏi: “Tại sao ông lại không vào Hội Văn Nghệ nữa?” Trả lời: “Bà con nông dân, cánh đồng cần tôi hơn!” Hỏi: “Nghe nói ở Hội Văn Nghệ ông rất được ca ngợi và có thể “phất” lên rất nhanh. Tại sao ông lại bỏ lỡ cơ hội?” Trả lời: “Câu hỏi này không thể nói ngắn gọn vài từ, xin khất!” Lại hỏi: “Vậy ông có thể nói ngắn gọn về mười tập sách của ông Chủ tịch Hội được không?” Trả lời: “Câu này có thể trả lời ngắn gọn bằng ba từ, nói theo kiểu nhà nông, nhưng đề nghị  không đăng báo, chỉ cho vào mục “chuyện bên lề” cho vui  thì được!...” Hỏi: “Ba chữ gì nói lẹ đi, sao cứ vòng vo Tam quốc mãi thế?” Trả lời: “Ừ thì nói: Thối như cứt!” Mấy nhà báo nghe xong thì té xỉu!

7. GIẢ  ĐIẾC
Có  một  người  tên gọi  Giả  Hư, có tham gia chiến trường, chỉ bị thương nhẹ nhưng lại chạy được giấy chứng thương bị thương nặng (bị điếc 100 % và còn một viên bi ở trong phổi) để hưởng chế độ thương binh! “Người thương binh” giả ấy lại thực hiện “Liên hoàn kế”: vượt qua số phận để đạt được thành công, cụ thể là anh ta sáng tác văn học. Những sáng tác của “người tàn tật” lập tức được báo chí ca ngợi hết lời, anh ta trở nên nổi tiếng! Nhờ nổi  tiếng, anh ta lao vào thương trường-tiếp tục triển khai “Liên hoàn kế”! Anh ta lại trở thành một doanh nhân “vượt qua số phận” nổi tiếng!
Nhờ nổi tiếng “người giả điếc”- Nhà văn vượt qua số phận, nhà doanh nghiệp vượt qua số phận-lấy được một cô vợ Hoa hậu chân dài đẹp mê hồn!  Chính vì anh ta bị mê hồn mà trong một lần ân ái với vợ, anh ta đã để lộ là mình không điếc! Anh ta liền nói với vợ: “Bây giờ anh sẽ bày cho em thực hiện tiếp “Liên hoàn kế”: “Em sẽ là một lương y tài ba chữa được bệnh điếc, còn anh sẽ khỏi phải giả điếc nữa! Cứ gọi là hốt bạc!” Người chồng giả điếc vừa dứt lời thì người vợ nói: “Này thì hốt bạc!”, và cùng với câu nói đó là một cú đấm mạnh ngang võ sĩ quyền anh vào tai của người chồng giả điếc!
Và kết quả là thế nào thì chúng ta đã rõ: đúng là anh chồng khỏi phải giả điếc, bởi anh ta đã điếc thật sau cú đấm trừng phạt!...

8. VỢ VÀ NGƯỜI TÌNH
Ông Hoàng Văn Doanh Nghiệp nhờ giỏi kinh doanh mà lấy được hai người vợ đẹp ngang ngửa với hoa hậu, khiến cho người hàng xóm là Lê Binh Nghiệp không kiềm chế được lòng ham muốn. Ông Doanh Nghiệp thường phải đi làm ăn xa nhà nên ông Binh Nghiệp có cơ hội thả lời ong bướm, tán tỉnh hai người vợ của ông Doanh Nghiệp. Người vợ cả nhất quyết giữ tròn danh tiết, bỏ ngoài tai mọi lời ong bướm của người hàng xóm. Còn người vợ thứ hai của ông Doanh Nghiệp thì thuận đúng theo cái sự đời “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”: xiêu lòng trước những lời ong bướm của người hàng xóm và thành “người tình”  đắm  say!...
Trong một lần đi làm ăn ở nước ngoài, ông Doanh Nghiệp không may bị tai nạn máy bay, tuy không chết nhưng bị thương nặng, trở thành bán thân bất toại, chỉ nằm một đống suốt ngày suốt đêm, sống mà như chết, tức “sống dở chết dở”! Người vợ thứ hai nhân cơ hội này muốn li hôn với ông Doanh Nghiệp để “danh chính ngôn thuận” làm vợ ông Binh Nghiệp, nhưng ông Binh Nghiệp không thuận theo mà lại ngỏ lời cầu hôn với người vợ cả!...Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao lại như vậy thì ông Binh Nghiệp nói:”Người vợ hai chỉ có thể làm Người tình, chứ không thể làm Vợ! Còn người vợ Cả thì mới đúng là  Người Vợ vẹn toàn !” …
Một thời gian ngắn sau, ông Doanh Nghiệp qua đời, người hàng xóm lại ngỏ lời cầu hôn người vợ Cả. Nói phải đợi mãn tang, người hàng xóm cũng đợi. Quả nhiên sau khi mãn tang, họ trở thành vợ chồng và sống với nhau thật hạnh phúc !

9. NHÀ  PHÊ  BÌNH  DŨNG CẢM
Ở tỉnh K, khi ông Hoàng Quan Thi nhậm chức Chủ tịch tỉnh thì không hiểu tại sao, “Thi hứng” cứ trào dâng như sóng thác, mỗi ngày ông thường có vài ba lần “Thi hứng” và mỗi lần “Thi hứng” là ông làm được vài ba bài thơ, dài ngắn đủ kiểu, cổ kim đủ loại…Giới văn nghệ mừng lắm bởi họ nghĩ từ đây văn nghệ tỉnh nhà sẽ bước sang trang mới, vào vận hội mới,và lập tức giới thiệu một chùm 5 bài trên Tạp chí Văn nghệ của tỉnh, trước khi chạy máy in Tạp chí, lại bổ sung 7 bài thành 12 bài, tức đủ số 12 con giáp theo ý thích của tác giả!... Sự vui mừng của giới văn nghệ mới ở “Hồi 1” thì họ bị sốc thực sự khi số lượng thơ của ông Quan Thi bùng phát ngoài sức tưởng tượng và nếu muốn tìm hiện tượng thiên nhiên để so sánh thì chỉ có thể so sánh với châu chấu ở nạn châu chấu!...
Chỉ sau nửa năm, số lượng thơ của ông Quan Thi “xuất thần” đã lên đến ba trăm bài và được in thành ba tập dày dặn, giấy láng, bìa cứng có “áo khoác”, không khác gì kiệt tác  của các đại thi hào! Sau khi sách được in ra, xuất hiện gần chục “Nhà bình thơ” ăn theo ba tập thơ và họ “ăn đậm” chứ không phải như kiểu “húp cháo” hoặc “chấm mút” như vẫn thường thấy: lên lương, lên chức, có khi vượt cấp!...
Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng có lúc tàn: sau nửa năm nữa thì người ta không thấy ông Quan Thi “xuất thần” làm thơ nữa! Người ta không biết đó là do “Nàng Thơ” đã bỏ đi hay là ông Quan Thi đã “rửa tay gác kiếm”? Nhưng có một điều người ta biết chắc chắn rằng: Thơ của ông Quan Thi không hề “Thần Quan, Thánh Thi” như đã quá “bốc thơm” mà có thể nói một cách nghiêm khắc rằng thơ của ông chưa “đạt chuẩn”, thậm chí còn có thể nói ông đã “đạo thơ” vì thơ ông rất giống hoặc “na ná” như Thơ Bút Tre, ca dao tục ngữ vẫn lưu hành trong dân gian. Người đầu tiên phát ra điều này là “Nhà Bình thơ” – Phó chủ tịch Hội VN tỉnh: ông đã “tự phê” những bài “Bình thơ” “ Hiện tượng Thơ ca Quan Thi” trước đó của mình bằng những lời tâm huyết:”Sai lầm của những bài Bình thơ Quan Thi không chỉ ở  chỗ đã đề cao quá đáng nhà thơ Quan Thi. Có thể nói, toàn bộ sự đánh giá ở đây là sai, vì sai từ gốc sai đi. Ngay cả những đoạn có vẻ đúng, thực ra vẫn là sai và sai về căn bản!”. Nối tiếp sự dũng cảm nhận sai lầm đó của ông Phó chủ tịch Hội VN là sáu nhà bình thơ “tài hoa” khác mà trước đó họ đã cùng nhau làm thành “Thất tinh” trên “Bầu trời Thi ca” của tỉnh nhà!... Có nhà báo đã phỏng vấn về sự phê bình dũng cảm đó thì cả “Thất tinh” cùng nói đại ý: Trước đây do đói rách quá nên “nhìn gà hóa cuốc”  mà “theo đóm ăn tàn” , nay no bụng rồi nên mắt sáng ra mà thôi!…

10. HIỆN TƯỢNG LẠI GIỐNG
Anh chàng Lê Chân Chất có cô vợ khá xinh và điều hấp dẫn nhất của cô vợ là thân hình rất chuẩn và trắng như trứng gà bóc! Vì thế, khi thằng con đầu lòng chào đời lại đen như Phi Châu thì chàng Chất thất kinh và té xỉu! Mãi tới khi người bác tới thăm nói ông ngoại của  thằng bé lai châu Phi và thằng bé có da đen là do hiện tượng “lại giống”, thì chàng Chất mới trở lại bình thường!...
Song, sự việc không dừng lại ở đó. Người vợ chàng Chất,  sau giai đoạn kinh ngạc là tới giai đoạn “tò mò”: muốn tìm hiểu xem người da đen là như thế nào? Hầu như có ai đẻ ra con da đen, người mẹ trẻ đều tiếp xúc và đều nhận được một thông tin:”quan hệ” với người da đen đã lắm bởi họ khỏe… như trâu!...
Sau đó, người vợ chàng Chất còn đẻ cho Chất hai đứa con da đen nữa làm cho anh chàng cứ đem cái câu hỏi này đi hỏi khắp nơi: Tại sao hiện tượng “Lại giống” nó phát triển dữ thế?

11. TỰ HỦY DIỆT

Ông Trần Tham Chính và ông Lê Tham Tài  cùng là hàng cấp phó trong “bộ sậu” lãnh đạo của tỉnh X, cùng chạy đua vào chức “Chánh” nên cùng ráo riết tuyển mộ nhân tài, bày binh bố trận để “đấu” với tình địch. Trong đám “mưu sĩ” của ông Lê Tham Tài có người tên gọi Giả Đa Mưu hiến kế rằng:”Ông Trần Tham Chính có ba điều chết, tự mình làm cho mình chết, tức tự hủy diệt, ta chỉ việc ngồi chờ kết quả mà không phải khó nhọc bày chuyện “đấu đá” làm gì!” Hỏi ba điều chết ấy là thế nào thì Giả Tiên sinh nói:”Ông ta ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, “chơi bời” quá chớn…Người như thế tất chết về bệnh tật! Đó là cái chết thứ nhất. Phàm là người cấp dưới mà can phạm vào người trên, tham vọng không có giới hạn, người như thế tất chết về hình pháp. Đó là cái chết thứ hai.  Người ngu mà kình địch người khôn, yếu mà coi thường người mạnh, không biết lượng sức mình, người như thế tất chết khi trực diện “giao đấu” cả về trí và lực, có khi chết dưới tay của một đứa con nít! Đó là cái chết thứ ba. Ông Trần Tham Chính hội đủ cả ba cái chết ấy, chỉ đợi “Giờ G” nữa mà thôi!” Nghe Giả Tiên sinh nói vậy, ông Lê Tham Tài “kê cao gối ngủ kỹ” đợi giờ G. Quả nhiên, trong khi các “Quan bạn” ai cũng mẻ đầu  sứt trán vì đấu đá tơi bời thì ông Lê Tham Tài “tranh thủ” “kiếm thêm” được mấy cái bằng Thạc sĩ rất thời thượng, vì thế, chỉ sau nửa năm “qui hoạch cán bộ”, ông Tham Chính “tử trận”, các vị đồng cấp ai cũng thương tích đầy mình thì ông Lê Tham Tài hiện ra giữa công đường  rực rỡ như Hoa hậu đăng quang!.../.

Đỗ Ngọc Thạch