Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Masaoka Shiki và haiku cận đại - N.V. Quỳnh Như

Masaoka Shiki và haiku cận đại

ThS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như

Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh

Masaoka Shiki (1867-1902) là một trong bốn đại thụ thơ haiku của Nhật Bản trước thời hiện đại: Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa, Masaoka Shiki. Đồng thời ông cũng được xem là một trong những nhà tiên phong trong công cuộc cách tân thơ haiku thời kỳ cận đại. Nếu Matsuo Basho được cho là nhà thơ haiku tiêu biểu của thời kỳ trung đại, thì Masaoka Shiki tiêu biểu của haiku thời kỳ cận đại.
Năm 1868 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Nhật Bản – kỷ nguyên Minh Trị Duy Tân (1868-1912). Từ đây nước Nhật mở cửa giao lưu quốc tế sau bao nhiêu năm bị giam hãm bởi chính sách bế quan tỏa cảng dưới chế độ Mạc phủ. Sự mở cửa đã giúp Nhật Bản tiếp thu tri thức khoa học kỹ thuật từ thế giới bên ngoài, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong một giai đoạn có thể nói là huy hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Dưới sự trị vì của Hoàng Đế Minh Trị, chỉ trong vài thập kỷ, Nhật Bản đã đạt được điều mà phương Tây phải mất hàng thế kỷ mới tạo dựng được.
Trong thời gian ngắn khoảng 45 năm mở cửa, văn học Nhật Bản cũng đổi mới. Làn sóng văn học phương Tây tràn vào Nhật Bản với khối lượng lớn các thể loại kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết được dịch sang tiếng Nhật và xuất bản tại Nhật đã tiếp thêm sinh lực cho quá trình cách tân văn học Nhật Bản. Tầm nhìn, trào lưu và khuynh hướng sáng tác của Nhật Bản thay đổi theo phong cách Tây phương như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tả thực... Văn học truyền thống của Nhật Bản vốn được đúc kết từ sự ảnh hưởng kinh điển của Trung Hoa cổ và các giá trị truyền thống vĩnh hằng của dân tộc đã kịp hòa nhịp cùng tính đa dạng của tư tưởng phương Tây để tiếp tục cải tiến và phát triển mạnh mẽ. Và thơ haiku dưới sự vận động và dẫn dắt của nhà thơ Masaoka Shiki đã có bước chuyển mình rõ rệt. Thơ haiku của Shiki được cách tân không chỉ về nội dung mà cả về hình thức: ngôn ngữ và cấu trúc của thơ. Những cách tân haiku của Shiki quan trọng tới mức: hầu hết thơ haiku tân thời đều được khởi nguồn từ haiku của ông.
1.   HAIKU THỜI MEIJI/ MINH TRỊ
Từ cuối thời kỳ Edo, haiku trở thành loại hình giải trí của tầng lớp thương nhân trong khi tanka vẫn còn được lưu giữ vị trí trong giới quý tộc. Hai thể thơ này được các tầng lớp khác nhau nuôi dưỡng và phát triển, chính điều này đã làm lu mờ bản chất tự nhiên của thơ ca dẫn đến sự khác biệt trong cách thể hiện, chủ đề, cấu trúc. Trong nửa đầu thời Minh Trị, tanka và haiku được cho là bảo thủ và rất ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Song 25 năm tiếp theo, cuộc vận động cách tân chuẩn bị từ trước đó của các nhà thơ Kakuta Chikurei, Ozaki Kozo, Ito Shou và Masaoka Shiki đã thổi luồng gió mới cho haiku cận đại - haiku mới (shin-haiku). Vì thế văn đàn thời kỳ Meiji được chia thành hai giai đoạn với cột mốc chuyển giao vào năm Meiji 25 (1892) đánh dấu hai thời kỳ tiền Meiji – cứng nhắc và trên đà suy thoái, và hậu Meiji – sôi động cách tân tìm lối đi mới.
1.1.                     Thời kỳ đầu Meiji – haiku trên đà suy thoái
Thời gian này haiku phổ biến như là một trò tiêu khiển, giải trí phù phiếm nhưng chất lượng thơ thấp, bị quần chúng chế nhạo, và rơi vào suy thoái. Văn đàn trong khoảng 25 năm đầu thời kỳ Meiji (1868 – 1892) chẳng gì khác hơn là chỉ tiếp bước theo quán tính từ những gì đã có sẵn. Điển hình là lệ tsukinami (mỗi tháng họp bình thơ một lần). Các tác phẩm được sáng tác, tuyển tập, in ấn theo lệ tsukinami không vì động cơ văn học mà chạy theo sở thích của trưởng môn, cách bình thơ cũng dần trở thành rập khuôn, sáo rỗng, mang tính chủ quan cá nhân. Những bài thơ Shiki viết trong khoảng thời gian 1892 – 1895 tức với phong cách được nuôi dưỡng từ những năm đầu Meiji - là lúc Shiki chẳng biết gì khác ngoài phong cách theo lệ tsukinami(1).
木をつみて                               ki wo tsumite                                       Cây chất chồng
夜の明やすき                           yono akeyasuki                                                ánh hừng đông
小窓かな                                               komado kana                                       len vào ô cửa nhỏ.
Akeyasuki là quý ngữ chỉ mùa hè đến sớm. Đây là bài thơ thời kỳ đầu của Shiki kể từ năm 1885 và là một trong các bài thơ theo phong cách cũ nhưng sau đó chính ông lại khinh miệt, đả phá nó vì yêu cầu người đọc phải suy nghĩ, liên tưởng một cách có logic (cây che lấp - ánh sáng - len vào cửa sổ nhỏ) hơn là bằng nguồn xúc cảm.
10 năm rồi 20 năm thời kỳ Meiji trôi qua khi haiku càng ngày càng rơi vào suy thoái nặng nề. Với quan niệm nghệ thuật mới shasei (tả sinh/ tả thực) du nhập từ phương Tây, Shiki lên tiếng phê bình, phủ định kiểu họp thơ tsukinami-haiku và cho đây là bước ngoặt thích hợp cho cách tân haiku: “Tsukinami - haiku chỉ quen sử dụng vốn ngôn từ trong phạm vi hẹp đã từng quen thuộc”(2).
1.2.                     Từ năm Meiji 25 (1892) – haiku chuyển mình
Từ năm Meiji 25 (1892) đến năm 30 (1897) các hoạt động kêu gọi sáng tác, nghiên cứu, cách tân haiku (Meiji-Shinku) chính thức ra đời. Masaoka Shiki cùng các đồng môn là Kawahigashi Hekigodo (1873-1937), Takahama Kyoshi (1874-1959), Naito Meisetsu (1847-1926) - tự gọi là phái Nhật Bản (Nihon-ha) cũng lên tiếng nâng cao vị trí văn học của haiku. Thời gian này hàng loạt các tuyển tập haiku cách tân và các tờ báo kêu gọi cách tân haiku như Nippon (Nhật Bản, 1892), báo Sho-Nippon (Tiểu Nhật Bản – thay cho Nippon bị đóng cửa vào 1894). Năm 1895 nhóm Shiki thành lập trường dạy haiku Nippon, sau đó xuất bản nhiều tờ báo như nguyệt san Hototogisu (Chim đỗ quyên, 1897), tuyển tập haiku của nhóm Tân thời haikai (Shin-ha haikai kushu, 1897), tuyển tập shin-haiku (haiku mới) gồm năm ngàn bài thơ của hơn sáu trăm nhà thơ và nhiều tạp chí haiku được ấn bản tại nhiều địa phương, cùng với tuyển tập Tân haiku (Kushu Shin-haiku) gần 400 trang do Masaoka Shiki đồng chủ biên (1898)… đã cho thấy sự lớn mạnh của haiku trong văn giới và quần chúng – đó là thành tựu lớn nhất mà trước đó chưa từng có.
三千の                                                   sanzen no                                                        Nghiền ngẫm
俳句を閲し                               haiku wo kemishi                                 ba ngàn bài haiku
   柿二つ                                                  kaki futatsu                                                      ăn hết hai quả hồng.
Các bài thơ còn lên tiếng chống đối những gì thuộc về kinh điển.
  説教に                                                   sekkyou ni                                                        Những lời thuyết giáo
  汚れた耳を                               kegareta mimi wo                                nghe chói cả tai
  ホトトギス                               hototogisu                                                        Chim đỗ vũ
Đặc biệt Shiki đã cho đăng hơn 10 ngàn bài thơ haiku và hơn 20 ngàn bài tanka của ông, vào năm Meiji 28 (1895) Shiki viết:
柿食えば                                               kaki kueba                                                       Vừa mới ăn hồng
鐘が鳴るなり                           kane ga naru nari                                chuông chùa Pháp Long tự
法隆寺                                                   Horyuji                                                                        ngân vang.
Bài thơ được coi là tác phẩm thành công đầu tiên trong quá trình cách tân thơ haiku, được đánh giá là hay nhất và được trích dẫn trong hầu hết các trường phổ thông trung học Nhật Bản.
2.   MASAOKA SHIKI VÀ NGÃ RẼ ĐẾN VỚI CÁCH TÂN HAIKU
Shiki tên thật là Masaoka Tsunenori, sinh tại thành phố Matsuyama tỉnh Iyo (nay là tỉnh Ehime) vào ngày 19 tháng 9 năm 1867, năm cuối cùng của thời kỳ Edo và chỉ một năm trước khi bước vào thời kỳ duy tân Minh Trị. Khoảng 11 tuổi Shiki bắt đầu làm thơ cho đến khi rời trường làng lên Tokyo vào năm 16 tuổi (1883). Năm 1892 bắt đầu ngã rẽ định mệnh đưa Shiki đến với văn chương. Vì sức khỏe kém, Shiki nghỉ học và dốc sức vào văn chương, viết truyện và tuyển chọn thơ haiku – là bước chuẩn bị cho Haiku Bunrui (phân loại tuyển tập Haiku, 1900). Về sau Shiki đã viết về quãng thời gian này rằng “Thi cử chẳng có ích gì, chỉ có niềm say mê với thơ ca, chẳng có gì có thể cứu vãn được tôi ngoài nữ thần haiku”(3). Tháng 2 năm 1893, trong bài Zatsudan Basho (Chuyện phiếm Basho) trên báo Nippon, Shiki đã lên tiếng kêu gọi nâng cao vị trí của haiku “Haiku trở thành một bộ phận của văn học. Văn học trở thành một bộ phận của mỹ thuật. Kết quả là tiêu chuẩn cái đẹp trở thành tiêu chuẩn của văn học. Tiêu chuẩn của văn học trở thành tiêu chuẩn của haiku”(4).
Với tuyên bố này, Shiki cho rằng tên gọi haiku được tách ra từ hokku không chỉ đơn thuần là sự chuyển tên mà haiku cần được giải phóng để hướng đến thế giới toàn diện. Trọng tâm cách tân haiku của Shiki chính là sự chuyển hướng về chất lượng hoàn toàn mang tính văn học. Đối với  các nhà thơ đi trước, Shiki đã không ngớt lời ca ngợi thơ của nhà thơ - họa sĩ Yosa Buson (1716 – 1783) tao nhã, mang đậm phong cách tả thực (shasei). Dù ảnh hưởng Buson, nhưng Shiki cho rằng “Giống thì giống Buson, nhưng biến hóa hơn so với Buson”(5).
Buson:     釣鐘に                        tsurigane ni                                                     Trên chuông chùa
止まりて眠る                             tomarite nemuru                                  đậu yên và ngủ
胡蝶かな                                                 kochou kana                                        một cánh bướm.
Thơ của Shiki lại đầy sức sống: trong khi con bướm của Buson đang say giấc nồng thì con đom đóm nhỏ bé của Shiki lại lấp lánh tỏa sáng:
Shiki                    釣鐘に                        釣鐘に                                                                        Trên chuông chùa
止まりて光る                             tomarite hikaru                                    đậu yên, tỏa sáng
蛍かな                                                     hotaru kana                                                     con đom đóm.
Năm Meiji 35 (1902), trong tuyển tập Xuân-Hạ-Thu-Đông, Shiki đã nhắc lại thành công của thơ haiku thời kỳ Buson, đả phá quan niệm “Haiku không thích hợp mô tả nhân tình mà chỉ thích hợp miêu tả thiên nhiên”(6).
  薪をわる                                               maki wo waru                                     Chỉ mỗi mình em
  いもうと一人                           imoto hitori                                                      miệt mài chẻ củi
  冬篭り                                                   fuyu gomori                                                    đầy giỏ mùa đông.
Cho đến khi bệnh thổ huyết trở nặng và mất vào ngày 19 tháng 9 năm 1902, Shiki đã chú tâm vào sáng tác haiku, cách tân tanka và mong muốn ngày càng nhiều người tham gia làm haiku có trình độ kỹ thuật cao và đạt được cảm xúc đích thực.
  五月雨や                                               gogatsu ame ya                                   Mưa tháng 5 rơi
   棚へとりつく              tana e toritsuku                        cùng nỗi ám ảnh
  ものの蔓                                               mono no tsuru                                     dọc ngang trên giàn.
Quang cảnh tiết trời vào mùa mưa, lúc nào cũng ướt sũng, bầu trời u ám xám xịt mây đen của tháng 5 năm 1901. Lá xanh, cây cỏ dại đâm chồi ướt đẫm nước mưa hay hàm nghĩa bóng bảy một niềm hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Đây cũng là một điểm rất riêng của Shiki thể hiện được cái tôi trong haiku và tanka – điều khác biệt với các thể thơ truyền thống trước đó chưa làm được: nhận thức kép trong thể hiện giữa miêu tả khách quan và chủ quan.
Shiki mất trước khi đạt được đỉnh cao của độ chín muồi(7), và để lại thành tích đáng kể cho sự nghiệp văn chương với Shiki toàn tập 22 quyển (Shiki-zenshu). Tư tưởng cách tân của Shiki được đồng môn là Takahama Kyoshi và Kawahigashi Hekigodo tiếp bước. Hekigodo đào sâu con đường tả thực mà Shiki đã mở lối, chủ trương haiku tự do, không đặt nặng cấu trúc thơ theo kiểu truyền thống 5 – 7 – 5. Trong khi đó Kyoshi thiên về miêu tả quang cảnh thiên nhiên dù không sử dụng quý ngữ nói về mùa mà về vạn vật xung quanh.
3. MASAOKA SHIKI VÀ THUYẾT TẢ THỰC (TẢ SINH/SHASEI)
Thuật ngữ shasei (tả sinh) do họa sĩ Fusetsu Nakamura (1866-1943)  truyền bá vào Nhật Bản vào năm 1894. Với nhiệt huyết mong muốn cách tân để nâng cao giá trị nghệ thuật haiku, Shiki đã áp dụng thuyết tả thực vào phương pháp sáng tác haiku. Tả thực là nắm bắt trực giác đồ vật, còn với haiku là khám phá cách thể hiện sự thực một cách trực giác lên trên một tờ giấy trắng. Shiki còn chịu ảnh hưởng lý tưởng shajitsu (tả thực) từ trong hội họa ngoài trời Tây phương “plein air” của họa sĩ người Pháp Raphael Collin (1850-1916) du nhập vào Nhật Bản đầu thời kỳ Meiji. Vay mượn shajitsu (tả thực), Shiki gắn kết chúng với những gì ông đã tiếp nhận từ nhà nghiên cứu văn học Tsubochi Shoyo (1859-1935) – nhà văn rất thông thuộc văn chương và phê bình văn học Anh quốc, Shiki đã đem phong cách tả sinh “shasei” để bao hàm luôn cả tả thực “shajitsu” – tái sinh những gì như chính chúng đang có(8).
  野に出で                                               No ni ide                                                                      Bước ra đồng
  写生する春と                          shasei suru haru to                  tả thực cảnh xuân
  なりにけり                               nari ni keri                                           không gian vô cùng.    
Cách tân haiku theo phương pháp luận tả thực shasei của Shiki lấy tả thực dựa vào quan sát hiện thực của tự nhiên hơn là sự chơi chữ hoặc tưởng tượng như trước giờ các nhà thơ haiku vẫn làm.
  月一輪                                                   tsuki ichi-rin                                        Một mảnh trăng tròn
  星無数空                                               hoshi mukazu sora                  bên trời đầy sao
緑なり                                                   midori kana                                                     xanh thẳm.
Lạnh lẽo não nề của mùa đông:
冬川に                                                   fuyukawa ni                                         Xác chó
捨てたる犬の                           sutetaru inu no                                    lững lờ trôi
かばねかな                               kabane kana                                        trên sông mùa đông
Ngay cả trong một khu vườn nhỏ trước nhà của Shiki - nơi không đến mười bước chân luôn bị tuyết phủ che lấp hoa và cỏ mỗi khi trời lập đông, vẫn luôn là một đề tài mới mang đậm phong cách tả thực.
 いくたびも                                            ikutabi mo                                                       Biết bao lần
 雪の深さを                                            yuki no fukasa wo                    hỏi đi hỏi lại
 尋ねけり                                                tazunekeri                                                        tuyết ơi sao cao mãi!
Với Shiki chất liệu làm thơ không gì khác hơn là những gì có ngay trước mặt:
 行水の                                                    gyozui no                                                         Ơ kìa chú quạ
 女にほれる                                            onna ni horeru                                    đắm đuối ngắm nhìn  
  烏かな                                                   karasu kana                                         cô gái đang tắm.
Bài thơ vừa lột tả phong tục truyền thống của Nhật Bản mỗi khi vào mùa hè, cảnh thiếu nữ thường tắm bên gàu nước làm bằng gỗ (gyousui) xen lẫn yếu tố hiện đại khi nói về phụ nữ - đề tài vốn ít được nhắc đến trong thơ ca vào các thời kỳ trước đó. 
Tìm được con đường tiếp cận hiện thực với vô vàn cảnh vật đang ở xung quanh, Shiki tiếp tục viết và viết càng nhiều, chỉ trong một năm 1893 Shiki viết đến hơn 4000 bài thơ haiku -  nhiều nhất trong các năm suốt cuộc đời ông, trong đó có bài:
鶏頭の                                                   keitou no                                                          Cơn mưa cuối Thu
黒きにそそぐ                           kuroki ni sosogu                                  rót màu đen sẫm
時雨かな                                   shigure kana                                     xuống hoa mào gà.
Tinh tế của bài thơ là sử dụng hai quý ngữ “keitou” (hoa mào gà) và “shigure” nhưng chủ đạo là “shigure” (mưa rào cuối Thu – báo hiệu mùa Đông sắp đến). Để nâng cao hiệu quả cảm xúc, thơ haiku tránh miêu tả trực tiếp, phải mô tả gián tiếp như dùng tuyết để liên tưởng đến màu trắng… Trong bài thơ trên, Shiki rất hiệu quả khi sử dụng sắc màu trực tiếp “sẫm một màu đen” – như chính hoa mào gà đang phải hứng chịu một cơn mưa đen xối xả.
Tiếp bước lý thuyết shasei của Shiki, lý tưởng shasei được đồng môn Kyoshi. Kyoshi(9) đã thêm yếu tố khách quan vào shasei, nêu cao khẩu hiệu tả sinh khách quan (kyakan-shasei) – miêu tả chúng như chính chúng. Cũng giống như Shiki, với Kyoshi những gì hiện ra trước mắt đều là haiku:
   秋風や                                                  aki kaze ya                                            Trong ánh mắt
   眼中のもの                              ganchu no mono                      gió mùa thu thổi
   皆俳句                                                  mina haiku                                           tất cả đều là thơ.
4. NHỮNG CÁCH TÂN VỀ HÌNH THỨC HAIKU
4.1. Cấu trúc 5 – 7 –  5 âm
Shiki đến với haiku rất tài tử, không phải là một chuyên gia hay nhà thơ chuyên nghiệp vì thế chẳng mấy quan tâm đến sự hiện hữu của cấu trúc mang tính quy tắc được dạy dỗ trong nhà trường. Shiki phê phán sự hạn chế trong hạn định số âm từ của haiku, cho rằng sự ngắn gọn của haiku sẽ thoái trào vì sự hạn chế trong kết cấu, dẫn đến hạn hẹp về đề tài và thực tế là haiku đang gần như đi vào con đường cáo chung. Bước vào thời kỳ hiện đại, cấu trúc nguyên thủy đậm tính truyền thống của haiku bắt đầu bị lung lay khi các nhà cách tân lên tiếng mạnh mẽ về chủ trương luật tự do (riyu-ritsu). Khuynh hướng này đã dẫn đường cho sự ra đời của luật tự do (riyu-ritsu) như Shiki với haiku 6 – 8 – 5:
雪の家に                                               yuki no ie ni                                                     Nằm trên giường bệnh
寢て居ると思ふ           nete iru to omofu                                 sao toàn nghĩ đến
ばかりに                                               bakari ni te                                                      tuyết trên mái nhà.
Với trào lưu đó, haiku dư từ (ji-amari) được phổ biến rộng rãi trên tờ báo Hototogisu, trở thành xu hướng của thời kỳ này.
夏の月                                                   natsu no getsu                                     Tháng hè
人語其辺を                               jingo sono hen wo                               đâu đó tiếng ai
行ったり来たり ittari kitari                                                 đi đi lại lại
Bài haiku với cấu trúc dư âm 5 – 8 – 6 của Kyoshi nhưng lại khéo léo khi sử dụng từ rất thông thường ittari kitari (đi tới đi lui) nên bài thơ trở nên gần gũi, thân quen và gây ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng. 
4.2. Kigo (quý ngữ)
Kigo (quý ngữ) là ngôn từ để cảm nhận thời gian trong haiku. Bề dày lịch sử của kigo đã nâng cao tính văn học của haiku. Thế nhưng Shiki – người không mệt mỏi với công cuộc cách tân haiku và tanka, người đã có công đưa hokku độc lập với haikai và trở thành tên gọi haiku – lại không quan niệm kigo theo cách truyền thống. Thay vào đó, Shiki cho rằng quý ngữ kigokidai-me – tức đề tài về mùa (chứ không phải từ chỉ mùa “kigo”)(10).
年玉                                                  otoshidama wo                                   Tiền mừng tuổi
並べて置くや               narabete oku ya                                   đã sắp sẵn
   枕元                                                                  makura moto                                       dưới gối rồi.
Otoshidama – tiền lì xì được Shiki sử dụng cho biểu tượng của năm mới đang đến. Thậm chí Shiki còn quan niệm quý ngữ kigo không chỉ về mùa mà là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và mang đậm tính nhân văn: 
  暑くるし                                               atsukurushi                                                      Nóng bức vô cùng
  乱れ心や                                               midare gokoro ya                                tâm thần bấn loạn
  をきく                                              rai o kiku                                                         tiếng sấm vang rền.
Để phù hợp với xã hội hiện đại, kigo không còn hạn hẹp bằng các thuật ngữ về mùa mà cũng có thể về xã hội mới thậm chí là từ ngoại lai được viết bằng tiếng Nhật katakana(11) cũng được đem vào sử dụng. Nếu trong thời kỳ cổ đại, Nhật Bản du nhập tiếng Trung Quốc thì đến thời kỳ này, tiếng Anh được du nhập thay thế chỗ đứng của tiếng Trung Quốc.
川を見る                                               kawa wo miru                                     Rơi từ tay người
バナナの皮は                          banana no kawa wa               vỏ chuối
 手より落ち                                            te yori ochi                                                      nhìn sông.

     セルを着て                            seru wo kite                                                     Mùa bán sale (giảm giá)
     夫婦離れて                            hufu hanarete                                      vợ chồng xa cách
     椅子に在り                            Kyoshi ni ari                                        như Kyoshi đã từng.

     ラムネの栓                           ramune no sen                                    Nút chai sâm-banh
天井をついて                           tenjou wo tsuite                                  tung bắn lên trần
ホトトギス                               hototogisu                                                       chim đỗ vũ.

子供がちに                               kodomo gachi ni                                  Đám trẻ nhỏ
クリスマスの人                     kurisumasu no                                    vây quanh
集ひけり                                               atsuhikeri                                                         Ông già Noel.
Sale, Christmas, chai nước có ga (ramune) là những thuật ngữ ngoại lai được du nhập vào Nhật Bản từ thời kỳ hiện đại thể hiện sự giao thoa giữa con người và xã hội. Còn vô quí (không mùa) hoặc có kigo (quý ngữ) đi nữa thì cũng là sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người ở trong đó mà thôi.
Bước vào thời kỳ hiện đại, chính nhờ kinh nghiệm của quá trình tìm tòi để đi đến “haiku vô mùa” (muki-haiku) mà quy ước về quý ngữ (kigo) của haiku phát triển tiến bộ hơn, nhận thức về tính hữu ích của kigo trở nên sâu sắc hơn với các chủ trương tiếp theo về quý ngữ (kigo) của thời kỳ Taisho sau đó: phải loại bỏ kigo, kigo có hay không có cũng được, có sử dụng kigo đi nữa cảm thức về mùa cũng không còn được tin cậy.
LỜI KẾT
Thành quả của Shiki trong cách tân haiku không chỉ nhờ vào những áng thơ haiku bất hủ, mà chính nhờ sự vận động cách tân quá trình tập hợp haiku đã đưa haiku đi vào quần chúng, trở thành của quần chúng chứ không còn là của giới thượng lưu. Thuật ngữ haiku do quần chúng sáng tác ngày đó nay đã trở thành một thể loại của văn học và phổ biến rộng rãi. Đó chính là thành công của haiku thời kỳ cận đại với công sức không mệt mỏi của Shiki. Đóng góp của Shiki vào con đường phát triển thơ văn là khẳng định được vai trò tiềm tàng của haiku và tanka để hai thể thơ này sánh ngang tầm với các thể loại khác như tiểu thuyết, kịch nghệ…
Trong quá trình cách tân thơ ca của Shiki luôn thể hiện một trong các giá trị văn hóa Nhật Bản: cái mới tiếp nối cái cũ từ thời kỳ này sang thời kỳ khác để phát triển chứ không thay đổi hoàn toàn và làm cái cũ mất đi. Shiki luôn đặt sự cân bằng tinh tế giữa các yếu tố trái ngược như hiện thực và tưởng tượng, khách quan và chủ quan, truyền thống và tân thời. Khả năng cân bằng giữa các yếu tố đối nghịch hai trong một là một đặc trưng “nhận thức kép” hay sự chồng xếp lên nhau giữa hai trạng thái đối nghịch: sự cùng tồn giữa cái trước và cái đến sau, giữa yếu tố ngoại lai và tính dân tộc truyền thống để đưa haiku thoát khỏi suy vong, tìm đường phát triển phù hợp với sự phát triển không ngừng của thời đại. Yếu tố đến sau du nhập từ bên ngoài vẫn không làm những gì hiện hữu mất đi mà ngược lại luôn cùng tồn tại để bổ khuyết cho nhau. Đây là đặc tính văn hóa rất Nhật Bản “Kỹ thuật phương Tây linh hồn Nhật Bản”. Thơ haiku của Shiki dù cách tân theo phong cách phương Tây nhưng rất nồng nàn tình yêu quê hương đất nước, lưu giữ lại những gì tốt đẹp của bản sắc văn hóa Nhật Bản. Những bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, tập tục, truyền thống Nhật Bản hầu như là những áng thơ hay nhất của Shiki thể hiện xúc cảm mãnh liệt. Xin giới thiệu ba bài thơ cuối cùng trước khi Shiki mất chan chứa tình yêu quê hương lẫn tình người:
  鶏なくや                                torinaku ya                                                      Dưới chân Fuji nhỏ
 小富士の麓                             kofuji no fumoto                                  tiếng gà gáy
 桃の花                                                    momo no hana                                                cánh hoa đào.        
  故郷は                                                   furusato wa                                         Ở quê nhà
  いとこの多し                           itoko no ooshi                          còn nhiều anh em họ
  桃の花                                                   momo no hana                                    và cả hoa đào.     

  松の根に                                matsu no ne ni                      Dưới gốc cây thông
  薄紫の                                                   usumurasaki no        màu tim tím
  菫かな                                                   sumire kana                                         một khóm hoa cần.

Điều đó thể hiện Shiki lĩnh hội được hàng loạt các yếu tố trong cuộc sống với tính hai mặt của nó. Chính nhờ sự kếp hợp nhuần nhuyễn các yếu tố đối nghịch này đã đưa thơ haiku thời kỳ cận đại của Shiki gần gũi với cuộc sống, với người đọc và đây cũng là phong cách sắc thái nổi bật của Shiki1
__________________
(1), (3), (8) Masaoka Shiki: Masaoka Shiki: His Life and Works, Boston, 2002, tr.48; 16; 54.
(2), (10) Matsuda Hiromu: 一番やさしい俳句再入門, Daisan Shoten, Japan, 2008, tr.274; 18.
(4) Konishi Jinichi: 発生から現代まで 俳句の世界, Kodansha, Japan, 2002, tr.258-259.
(5), (6) http://ja.wikipedia.org/wiki/%E6%AD%A3%E5%B2%A1%E5%AD%90%E8%A6%8F#column-one
(7) Harold G. Henderson: An Introduction to HAIKU – An anthogoly of poems and poets from Basho to Shiki, A Doubleday Anchor Books, United States of America, 1958, tr.172.
(9) Nhóm Kyoshi thuộc phái Nhật Bản (Nihon – ha) được giới truyền thống bấy giờ tận dụng và gây ảnh hưởng lớn trong giới văn đoàn với các bài thơ đậm tính tả thực khách quan.
(11) Tiếng Nhật có 3 hệ chữ: Kanji (chữ Hán – vay mượn tiếng Trung Hoa), hiragana (tiếng Nhật) và katakana (từ ngoại lai du nhập từ nước ngoài).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học (Viện Văn học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét