Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Bạn học Lớp Hai... - Đỗ Ngọc Thạch



Truyện ngắn về Bạn học của Đỗ Ngọc Thạch: 
Trích: Bạn học Lớp Hai; ...Lớp Ba









Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - trích: Bạn học Lớp Hai; ...Lớp Ba



BẠN HỌC LỚP HAI- Đỗ Ngọc Thạch


BẠN HỌC LỚP HAI 
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch
1. 
Trong tất cả các mối quan hệ giữa con người với con người thì mối quan hệ Bằng hữu (Bạn bè) thiên biến vạn hóa, khó xác định nhất. Nếu muốn so sánh với một cái gì đó trong cuộc sống hiện đại thì có thể nghĩ tới Thế giới Mạng (Internet) – thực và ảo lẫn lộn, biến hóa khôn lường!...
Trong các  “loại hình” bằng hữu thì bạn thả diều chăn trâu (bạn tuổi thơ), bạn tuổi hoa phượng  (bạn học – đồng học, đồng môn), bạn chiến đấu trong cùng chiến hào (bạn lính -đồng đội) là ba mối quan hệ đẹp nhất! Có thể mọi người suy nghĩ khác, nhưng tôi tin rằng sau khi đọc xong cái Truyện ngắn này, sẽ đồng cảm với tác giả…

Trong ba loại hình bằng hữu vừa nói trên, đối với tôi, Bạn học để lại nhiều kỷ niệm nhớ đời , và tôi nghĩ rằng rất hiếm có người có hoàn cảnh rất đặc biệt như tôi:

-Thời gian đi học dài kéo dài từ 10 năm phổ thông qua 4 năm đại học, xen kẽ vào 4 năm đi chiến đấu ở binh chủng Ra-đa, với tôi lại thêm 1 năm đại học vì tôi học xong năm thứ nhất Khoa Toán thì chuyển sang Khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội);

- Do 10 năm phổ thông tôi học ở Mười trường (lớp 1 ở  Hà Nội học kỳ 1 và học kỳ 2 ở  trường Nam Tiểu học Thị xã Hà Đông – Tỉnh Hà Đông; lớp 2 ở trường Tiểu học Thị xã VĩnhYên – tỉnh Vĩnh Yên; lớp 3 ở trường Tiểu học Ô Đông Mác – Hà Nội; lớp 4 ở trường Gia Sàng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; lớp 5 ở trường Lương Ngọc Quyến, tỉnh Thái Nguyên; lớp 6 ở trường Ngô Quyền, TP.Hải Phòng; lớp 7 ở trường Đằng Giang, huyện Hải An, TP. Hải Phòng; lớp 8 ở trường Thái Phiên, TP. Hải Phòng; lớp 9 ở trường Ngô Quyền, TP.HP; lớp 10 ở trường Hải An, TP. Hải Phòng) nên số bạn học là rất nhiều! 

Khi đã lùi xa cái tuổi học trò, nhiều lúc nhìn lại, hầu như không ai là không thấy nó đẹp kỳ lạ và đều muốn “thời gian quay trở lại”!... Và với tôi, thật là ngẫu nhiên, cứ vào dịp mùa hoa phượng nở đỏ rực cả trời xanh, tôi lại gặp một người bạn học cũ, ngay giữa cuộc đời chứ không phải chỉ trong những giấc mơ!... Truyện ngắn này nói về việc gặp lại hai người bạn học từ lớp 2 !... 

2. 
Năm lớp 2, tôi học ở một trường tiểu học của Thị xã Vĩnh Yên. Tôi không còn nhớ những phòng học của trường tôi như thế nào, nhưng rất nhớ con đường vào trường: Từ đường cái lớn phải đi ngoằn nghoèo một hồi lâu mới tới trường. Thầy giáo của lớp tôi tên là Tảo. Tôi còn nhớ thầy có dáng cao gày, tóc đã điểm bạc… Cuối năm, thầy Tảo gọi tôi tới nhà giúp thầy cộng điểm cho lớp. Cách xếp hạng là cộng tất cả các điểm của học kỳ 2 (học kỳ 1 đã làm khi kết thúc học kỳ 1) rồi chia ra số lần có điểm lấy bình quân, số điểm bình quân của học kỳ 2 lại cộng với số điểm bình quân của học kỳ 1 rồi chia 2 lấy điểm bình quân cả năm. Đây là điểm để xếp hạng cả năm. Điểm bình quân của tôi cao nhất là 4,8 (thời đó cho điểm theo hệ số 5), thứ nhì là em trai tôi, được 4,5, thứ ba là một bạn tên Bản, được 4,2. Đúng quy định thì ba người này sẽ xếp thứ nhất, nhì và ba. Nhưng thầy Tảo nói: “Hai anh em cậu lấy hết phần thưởng thì không công bằng. Bây giờ xếp 2 anh em Thứ Nhất, Bản thứ nhì và lấy thêm Lan, được 4,0 xếp thứ ba!” Tưởng thầy nói đùa, ai ngờ đến hôm tổng kết năm học, kết quả đó là chính thức. Mỗi hạng Nhất, nhì, ba có một giấy khen và một gói phần thưởng. Đọc quyết định xong, gọi chúng tôi lên nhận thưởng và giấy khen, hạng nhất của 2 anh em tôi chỉ có 1 tờ giấy khen (viết tên cả hai) và 1 gói phần thưởng!

Tôi bảo em tôi nhận rồi chạy một mạch ra con đường ngoằn nghoèo!...Con đường ngoằn nghoèo này có nhiều lối rẽ đi vào các khu dân cư (nay chắc là đã thay đổi nhiều), các lối rẽ này chỉ là đường đất, trời mưa thì đi lại khó khăn do trơn trượt, nhưng lúc nắng ráo thì là chỗ chơi đáo lỗ tuyệt vời…Trong trường cấm chơi đáo nên tôi thường ra đây chơi với đám trẻ con dân phố và tôi chơi vào loại “mả” ( từ dùng chỉ người chơi giỏi). Hôm đó, tôi đã đại thắng, chọi bách phát bách trúng và thả lỗ đáo thì không trượt lần nào! Khi em tôi ra kiếm tôi để đi về thì “chiến lợi phẩm” đã đựng căng phồng trong cái cặp da! Tôi dẫn người em vào một cửa hàng Ăn uống (lúc đó chủ yếu là của Mậu dịch, tức Nhà nước chứ chưa có hàng ăn tư nhân đầy nhóc như bây giờ) và gọi những món ngon nhất, bày kín mặt bàn như trong phim Tàu, đó là phần thưởng xứng đáng cho người xếp thứ Nhất, vừa ăn tôi vừa nghĩ như vậy!...

(Nói qua vài dòng về cái trò chơi đáo lỗ này. Cách chơi phổ biến là khoét một cái lỗ có đường kính bằng đồng tiền Bảo Đại, vạch một đường sát lỗ đáo và vạch một đường cách khoảng 2 mét để cho người chơi đứng. Khi người chơi tung một nắm khoảng chục đồng tiền (thường là tiền nhôm, gọi là hào, không có lỗ) lên trên vạch có lỗ đáo, nếu có dính đôi, hoặc ba, bốn, thì được chọi, bằng một đồng cái, thường là ghép 2 đồng tiền loại nặng (hoặc đổ chì lấy từ ống đựng thuốc đánh răng đã dùng hết). Người chọi mà chọi trúng cái dính đôi cho tách ra là thắng. Nếu không có dính đôi thì đối phương sẽ thách chọi một đồng hào nào đó hoặc thả đồng cái trúng vào lỗ đáo!...Có một câu thành ngữ “Mắt như lỗ đáo” là nói về những người có đôi hốc mắt to và sâu như cái lỗ đáo! Một cách nói thông dụng của cuộc sống được hình thành từ một trò chơi con trẻ thì trò chơi đó phải rất phổ biến, rất hấp dẫn, rất thịnh trong cuộc sống!)…

Năm học đã hết, mùa hè đã về từ bao giờ, hoa phượng đỏ rực khắp nơi. Chắc là các bạn học của tôi đang Nghỉ Hè tại gia hoặc đi về quê ngoại, nội, hoặc đi tắm biển, tùy người…Nhưng tôi không đượcNghỉ Hè mà ngày mai, gia đình tôi lại làm một cuộc di chuyển nữa: về Hà Nội! (Cho đến lúc này, gia đình tôi đã chuyển nhà ba lần: sau giải phóng Thủ đô chuyển từ quê về Hà Nội- bố tôi là BS Quân Y, làm việc ở BV l08, rồi chuyển từ Hà Nội về Hà Đông- BV 103, từ Hà Đông chuyển tới Vĩnh Yên- Quân Y viện 9). Cứ như là bàn chân tự tìm đường mà đi, tôi đã đứng giữa sân trường từ lúc nào! Các phòng học cứ quay vun vút trước mặt tôi như là cái đèn cù, rồi tất cả những hình ảnh của năm học vừa qua vụt hiện về rồi lại quay vun vút như đèn cù!...Rồi đột ngột như trong truyện cổ tích, có một Nàng Tiên hào quang rực rỡ xuất hiện trước mặt tôi! Khi tôi dụi mắt nhìn cho rõ thì hóa ra là cô bạn học cùng lớp tên Lan, người được lấy bổ sung vào danh sách khen thưởng cuối năm vừa rồi! Lan nhoẻn miệng cười lộ cái răng khểnh, cộng với cái lúm đồng tiền làm cho nụ cười trở nên tuyệt đẹp.

Hình như chúng tôi cứ đứng nhìn nhau như thế vì một lúc sau mới thấy Lan nói: “Tớ nghe thầy Tảo nói cậu đã làm thủ tục chuyển trường về Hà Nội! Tớ tính tới nhà cậu nhưng nhìn thấy cái cổng Bệnh viện to tướng, lại có cả lính gác, nhìn vào bên trong thấy rộng mênh mông, không biết cậu ở đâu mà tìm, nên không vào nữa! Thì ra đến trường lại tóm được cậu!” Tôi hỏi lại: “Làm sao cậu biết tớ ở đây?” Lan ra vẻ bí hiểm, nói nhỏ: “Thế mới giỏi, đây là bí quyết không thể tiết lộ!” Tôi lại nói: “Không tiết lộ thì thôi! Vậy cậu tìm tớ làm gì?” Lan nói rất rõ ràng, giọng có vẻ nghiêm trang: “Về cái chuyện phần thưởng cuối năm vừa rồi! Tớ hơi bất ngờ khi mình được khen thưởng. Tớ và mẹ đã cộng điểm lại thì thấy tớ chỉ được 3,8 chứ không phải 4,0 như công bố trên lớp. Có thể cậu hoặc thầy Tảo đã cộng nhầm!...” Tôi ngắt lời: “Thôi, chuyện đã qua rồi, nhắc lại làm gì?” Lan nói ngay: “Tớ chưa đủ 4,0 không xứng đáng nhận phần thưởng, còn hai anh em cậu phải nhận hai phần thưởng mới đúng! Vì thế tớ trả lại phần thưởng này cho cậu!” Nói rồi Lan lấy trong túi xách ra một gói giấy báo, dúi vào tay tôi, nhưng tôi không nhận mà nói ngay: “Tớ không thể nhận như thế! Phải có giấy quyết định của thầy Hiệu Trưởng mới hợp lệ! Hơn nữa, đây là phần thưởng cho người xếp thứ ba, còn của tớ là xếp thứ nhất cơ mà!” Nghe tôi nói vậy, Lan ngớ người rồi nói: “Ừ nhỉ! Muốn làm lại thì rất phức tạp! Nhưng không làm gì thì tớ không thấy yên tâm!...

Hay là thế này nhé, nhân chuyện chuyển trường của cậu, tớ sẽ chiêu đãi cậu một chầu túy lúy, ăn uống tùy thích! Được không?” Tôi thoáng ngần ngừ rồi nói: “Không được, chúng mình đi cùng nhau ăn uống như thế, chúng nó mà nhìn thấy thì ngượng lắm! Mà cậu lấy tiền đâu mà chiêu đãi?” Lan nói ngay: “Cậu khỏi lo, tớ có “ngân quỹ” riêng hai năm nay rồi, còn chuyện chúng nó nhìn thấy thì mặc kệ, cười hở mười cái răng!” Tôi thoáng nghĩ, nếu đi cùng Lan sẽ lâu, mà tôi thì phải về để thu xếp đồ đạc, ngày mai đã đi rồi, liền nói: “Thời gian không có nhiều, làm như thế thì vui nhưng rềnh ràng quá. Theo tớ chỉ cần trao đổi kỷ vật là đủ!” Lan đồng ý ngay và hẹn tám giờ tối sẽ chờ tôi ở cổng Bệnh viện để trao đổi kỷ vật!...Đúng 8 giờ tối, tôi đi ra cổng Bệnh viện thì nhìn thấy ở bên gốc cây cổ thụ bên kia đường, Lan đang đứng cạnh cái xe đạp lấp loáng ánh điện. Tôi chạy qua đường và đưa ra món đồ của mình trước: đó là một cuốn sổ loại nhỏ mà bố tôi mua cho tôi để tôi viết Nhật ký (bố tôi bắt anh chị em chúng tôi viết hàng ngày), chưa viết Nhật Ký mà tôi chỉ chép tặng Lan một bài thơ ghép tên các bộ phim hay đang chiếu thời đó, bài thơ do các chú bộ đội thuyết minh phim đọc trong các buổi chiếu phim, bài thơ rất dài, mở đầu như sau: “Khởi đầu anh đứng Trên cao / Một Cơn gió lốc cuốn vào Trái tim ?

Ngày mai anh sẽ đi tìm / Người thứ Bốn mốt trong Đêm giao thừa…” Lan cũng đưa tôi một gói nhỏ, cầm lấy, tôi đoán chừng cũng là một quyển sổ, vì lúc đó vật được dùng để làm quà tặng, phần thưởng thường là sổ và bút máy, ở nông thôn thì là khăn tay, khăn mặt!... Chúng tôi vừa trao đổi vật kỷ niệm xong thì tôi thoáng thấy hình như bố tôi xuất hiện ở cổng bệnh viện, đang nói chuyện gì đó với người gác cổng. Linh tính báo cho tôi biết bố tôi đang tìm tôi, tôi liền nói với Lan: “Cậu về đi, bố tớ đang gọi tớ đấy!” Lan liền kéo tôi về phía bên kia gốc cây, không bị ánh đèn của cổng bệnh viện chiếu sáng, nói sát vào tai tôi: “Tạm biệt cậu nhé! Cậu hôn tớ đi, như trong phim ấy!” Tôi lúng túng chưa biết làm gì thì Lan ôm chặt lấy tôi, hôn vào mỗi má tôi một cái! Theo phản xạ, tôi cũng làm như Lan, hôn vào hai má Lan, nhưng hôn rất lâu!...Bỗng có tiếng “rầm”, một cành cây khô rất lớn rơi xuống bên kia gốc cây, chỗ tôi và Lan vừa đứng! Chúng tôi cùng giật thót, buông nhau ra! Tôi nhìn về cổng bệnh viện, thấy bố tôi đứng chống nạnh ngay giữa cổng! Tôi nói với Lan: “Cậu lên xe phóng về ngay đi!” Lan ngồi lên xe, phóng vút đi! Tôi liền kéo cành củi khô đi thẳng vào cổng bệnh viện, vừa đi vừa nghĩ, sáng mai sẽ có củi cho mẹ tôi nấu bữa cơm cuối cùng, nhà đang hết củi, đúng là Trời cho!... 
3. 
Lúc tôi và Lan chia tay nhau ở trước cổng Quân Y Viện 9 thị xã Vĩnh Yên là vào năm 1956, và phải đến năm 1988, tức 32 năm sau mới gặp lại. Lúc đó, không biết “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” thế nào mà tôi bỏ nhiệm sở Nhà nước, nhận “một cục” 22 tháng lương (tính từ năm 1966, năm tôi nhập ngũ) rồi “phiêu bạt giang hồ”, nôm na là lang thang kiếm sống ở Sài Gòn, làm đủ mọi việc, thượng vàng hạ cám!...Một hôm, tôi đang lang thang ở quận 5 thì thấy có một phòng mạch tư rất đông người ra vào, nhìn biển hiệu thì thấy dòng chữ rất lạ: Phòng Mạch Lã Bố: chuyên trị phụ khoa và nam khoa với 2 bác sĩ lành nghề. Tò mò, với lại dạo này cảm thấy như là trong người có “bệnh lạ”, tôi đi vào. Nhưng phải chờ chừng nửa tiếng mới tới lượt. Đang ngồi trong phòng khám là một nữ Bác sĩ, dáng người cao ráo, khỏe mạnh, khuôn mặt khả ái. Câu hỏi đầu tiên của Nữ BS là: “Xin ông cho biết tên, tuổi, nghề nghiệp và tình trạng bệnh tật?”

 Nghe tôi nói họ tên, nữ BS định viết vào một cuốn sổ to trước mặt, thì ngừng lại, nhìn tôi một phút rồi nói: “Ông trùng tên với một người bạn học cũ của tôi”, vừa nói nữ BS vừa viết tên tôi vào cuốn sổ to. Tôi nói: “Thỉnh thoảng tôi cũng gặp người trùng tên, nhưng cả họ và chữ đệm thì rất hiếm!” Nữ BS nói ngay: “Đúng vậy! Vì thế tôi ngờ ngợ…Ông có thể cho biết hồi học lớp 2 ông học ở đâu không?” Tôi thoáng suy nghĩ rồi nói: “Lớp 2 à, thế thì tôi nhớ ra rồi! Lớp 2 tôi học ở thị xã Vĩnh Yên, thầy giáo là thầy Tảo, còn bạn học thì nhiều quá làm sao nhớ nổi?” Nữ BS nhìn tôi chăm chú rồi nói: “Ông thử cố nhớ một, hai cái tên xem sao?

Chẳng lẽ sau một năm học lại không có cái tên nào được lưu trong bộ nhớ?” Như một ánh chớp, những hình ảnh ở trước cổng Quân Y viện 9 vụt hiện ra, tôi nói ngay: “Có rồi! Đó là Lan!...” Nữ BS nói tiếp: “Có phải ông đã tặng cô bé cuốn sổ tay có chép bài thơ ghép tên các bô phim “Khởi đầu anh đứng Trên cao / Một Cơn gió lốc cuốn vào Trái tim…” Nữ BS ngừng lại, nhìn tôi chăm chú. Còn tôi thì bàng hoàng, bâng khuâng, ngơ ngác, bồi hồi… nói tóm lại là không thể dùng một khái niệm nào bằng ngôn từ để diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó, và tôi đọc tiếp bài thơ ghép tên các bộ phim mà nữ BS vừa đọc: “Ngày mai tôi sẽ đi tìm / Người thứ Bốn mốt trong Đêm giao thừa…” Người  Nữ BS nhìn tôi không chớp mắt, rồi những giọt lệ lung linh lăn ra như những viên ngọc trai! Trong đầu tôi vang lên tiếng nói :”Đúng là Lan rồi!...Lan ơi!...”, nhưng mồm tôi như bị á khẩu, ngồi nghệt như tượng! Nữ Bác sĩ đứng bật dậy, lấy khăn lau mấy giọt nước mắt, rồi nhoẻn miệng cười lộ cái răng khểnh, nhưng má lúm đồng tiền thì không còn nữa, song tôi vẫn khẳng định đó đúng là Lan! Lan hít một hơi dài, rồi nói: “Khi cậu vừa nói tên là tớ biết chính là cậu chứ chẳng thế là ai khác! Giờ cậu nói thêm một cái tên nữa xem sao, vì nó rất quan trọng?”

Hình ảnh buổi lễ Tổng kết cuối năm vụt hiện về, tôi nói ngay: “Bản!...Đó là cái tên thứ hai tôi nhớ sau Lan!” Lan nghe nói vậy thì nói: “Cậu chờ chút nhé!”, rồi lấy tấm biển nhỏ có chữ “Nghỉ khám bệnh” treo ra trước cửa rồi đi sang một căn phòng khác. Lúc trở lại có thêm một người cũng mặc Blu trắng, dáng mập mạp, trắng trẻo. Lan đẩy người đó ra trước mặt tôi rồi nói:  “Cậu nhìn xem có đúng là Bản đây không?” Vì đã  nói trước cái tên Bản nên những hình ảnh từ 32 năm trước bay vùn vụt về đậu lên người đàn ông đứng trước mặt tôi, khiến tôi như là nhìn thấy cậu học trò Bản lớp 2 ngày nào! Tôi  chưa kịp nói gì thì người đàn ông kia đã nhào tới chụp lấy tay tôi mà nói: “Thạch! Đúng là cậu rồi! Tuần vừa rồi, chúng mình có về thăm lại Vĩnh Yên và vợ chồng mình nhắc tới cậu hoài!...”
Đêm hôm đó, ba người bạn học từ lớp 2 đã ngồi với nhau thâu đêm tới sáng, họ như được sống lại  cái thời bảy, tám tuổi!...

Thời gian của những cuộc hội ngộ thường trôi qua nhanh như sóng thác, nhìn đồng hồ đã 5 giờ, Lan nói: “Bây giờ chúng ta qua bên kia làm tô phở cho vợ chồng mình chuẩn bị đến Bệnh viện. Còn cậu thì về làm giấc ngủ bù kẻo mệt. Năm giờ Chiều lại tới nhé, hôm nay phòng mạch nghỉ, tớ sẽ chiêu đãi cậu một bữa đại tiệc túy lúy, trả cái món nợ mà 32 năm trước không thực hiện được!” Tôi giật mình nghĩ, cô bạn này nhớ dai thật, và lại nghĩ, giá như hồi đó mình nhận lời đi chiêu đãi với Lan thì biết đâu  “số phận” sẽ khác? 

Lúc ba chúng tôi vừa bước qua cổng nhà Lan thì một cành cây khô to tướng rơi bịch xuống chỗ chúng tôi vừa bước qua! Ba người cùng giật mình! Lan bỗng bật cười hỏi tôi: “Thế cái cành cây khô rơi trước cổng Bệnh viện hôm ấy cậu xử lý thế nào?” Tôi nói một mạch như là đang sống lại cái thời điểm ấy: “Nhờ kéo cái cành cây khô ấy về nhà mà khi đi qua cổng bố tôi không hỏi han gì, vì tôi vẫn thường đi kiếm củi như thế mỗi khi nhà hết củi đun và sáng hôm sau mới có củi cho mẹ tôi nấu cơm! Đó là bữa cơm cuối cùng ở Vĩnh Yên, trong bát cơm có mùi nụ hôn của Lan!...”
4. 
Bữa đại tiệc mà vợ chồng Lan chiêu đãi tôi rất thịnh soạn, có đủ các món ăn đặc sản của cả Bắc và Nam, tuy nhiên, chúng tôi ăn ít mà nói chuyện nhiều, đủ mọi đề tài nhưng nhiều nhất vẫn là đề tài ngành Y. Lan nói: “Cuộc chia tay với cậu ở cổng bệnh viện đã khiến cho tớ quyết theo học ngành Y với ý nghĩ: cậu sẽ vào học Trường Y nối nghiệp bố và chúng ta sẽ gặp nhau ở đó!” Tôi chỉ biết nói kiểu “vuốt đuôi” : “Ôi, tớ thấy tiếc thật sự vì khi có giấy gọi vào Khoa Toán ĐH Tổng hợp, bố tớ đã dẫn tớ đến gặp ông hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược, đưa giấy gọi cho ông để nhờ ông đổi giấy gọi vào Trường Y, ông Hiệu trưởng đã đồng ý. Nhưng lúc ấy tớ còn trẻ người non dạ nên cứ mơ thành nhà Toán học và không nghe lời bố mà đi một mạch tới Khoa Toán!...Giá như lúc ấy gặp cậu thì…” Bản nói: “Bàn tay Tạo hóa đã xếp đặt như thế, làm gì có chuyện giá như!” Lan cười , nói: “Đúng là tài ba không qua số phận, nhưng ta cứ thử chống lại định mệnh xem, “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” mà!” Tôi hỏi: “Chống lại bằng cách nào?” Lan nói luôn: “Tớ sẽ giúp cậu làm lại từ đầu! Giờ cậu mới 40 tuổi, so với ông Bành vẫn là con nít! Tớ định thế này: cậu đến phòng mạch này phụ giúp vợ chồng tớ, tớ sẽ cung cấp sách vở, tài liệu cho cậu, cậu thi vào một lớp tại chức Đại học Y, không hề khó, chỉ dăm năm là cậu có cái bằng Bác sĩ!” …Tôi thầm nghĩ, đó cũng là một ý tưởng luôn đeo bám tôi từ khi tôi phát hiện ra rằng trong cái “trường văn trận bút” mà tôi đã lao vào  hơn chục năm qua, đầy bất trắc, rủi ro …Thế là tôi theo sự sắp đặt của bàn tay “Tạo hóa Lan”, ngày ngày đến phòng mạch của Lan và Bản làm việc!...

Cái tên “Phòng mạch Lã Bố” có là do ghép chữ cái tên của hai người Lan và Bản, còn tại sao lại là Lã Bố thì chỉ vì Bản có hoa tay đặc biệt: vẽ lại hình ảnh các nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa rất giống và Bản đặc biệt thích nhân vật Lã Bố: ba anh em Lưu, Quan, Trương không đánh nổi Lã Bố thì phải gọi Lã Bố là Ba lần anh hùng!...

Phòng mạch Lã Bố rất đông người tới khám bệnh, phải thuê thêm 4 diều dưỡng Trung cấp mà nhiều lúc không giải quyết hết bệnh, phải hẹn hôm sau, hôm sau lại tồn đọng nhiều hơn! Cứ thế, số bệnh nhân tồn đọng tăng dần lên theo thời gian! Tôi hỏi Lan: “Bệnh nhân nhiều thế sao không tăng thêm phòng khám, hoặc có thể nâng lên thành Bệnh viện?” Lan cười nói: “Bố tớ bảo không nên phình to giống như con ếch muốn phình bụng bằng con bò! Cứ làm nhỏ gọn mới bền, mới hiệu quả!” Nghe Lan trả lời, tôi không ngờ cô bạn bé nhỏ ngày xưa lại có suy nghĩ sâu sắc như vậy!

Loại bệnh đến phòng mạch Lã Bố chủ yếu liên quan đến tình dục, vì thế vừa dễ lại vừa khó. Dễ là không phải loại bệnh nguy hiểm chết người, không bao giờ xảy ra chết chóc. Khó là do các loại bệnh này rất lâu thấy hiệu quả. Chẳng hạn như bệnh “không thấy ham muốn”, “yếu sinh lý” (lãnh cảm , khó tiết ra chất dịch làm trơn khi “quan hệ” ở phụ nữ, liệt dương  đàn ông) thì phải “trường kỳ kháng chiến” mới mong thắng lợi!... Tôi hỏi Bản: “Sao lại chọn loại bệnh khó nói, tế nhị như thế này? Lúc khám bệnh, bệnh nhân người ta “mắc cỡ” thì làm sao nói hết tình trạng bệnh tật?” Bản cười nói: “Chỉ những người “sách vở”, cao đạo thì mới mắc cỡ, còn phần đông dân chúng người ta cũng coi như đau răng, đau mắt mà thôi! Khi ta đứng ở xa thì nhìn vấn đề tình dục hơi “khó coi”, nhưng khi là “người trong cuộc” thì không có vấn đề gì?” Tôi định hỏi lại “Có thật là không có vấn đề gì không?”, nhưng lại nghĩ ở những khu vực vấn đề có liên quan đến tình dục thì mọi tranh luận đều không đi đến đâu cả, nên lại thôi!

Tôi làm việc ở phòng mạch Lã Bố bước đầu chủ yếu là công việc văn phòng, chẳng hạn như trực điện thoại, ghi sổ sách, giải quyết các việc không tên ở phòng chờ…Công việc nhẹ nhàng, lại được vợ chồng Lan và Bản rất  “cưng chiều” (chắc 2 người thấy tôi trải qua quá nhiều gian khổ, bị thiệt thòi nhiều nên giờ muốn “bù đắp”) nên chỉ lo tập trung vào việc đọc sách, chuẩn bị thi vào trường Đại học Y theo hệ chính quy đàng hoàng chứ không phải là hệ tại chức, vì Lan và Bản đều nói đã mất công làm lại thì làm đàng hoàng, vả lại tôi có chức gì đâu mà học tại chức?
Những tưởng mọi việc sẽ êm trôi theo sự sắp đặt của “Bàn tay Tạo hóa Lan”, ai ngờ có một chuyện đã làm đảo lộn tất cả!... 
5. 
Phòng mạch Lã Bố của Lan và Bản hành nghề đã được hơn chục năm và uy tín của phòng mạch cứ tăng dần theo năm tháng. Đặc biệt nhất là chuyện chữa bệnh Vô sinh. Những ca vô sinh do bên người vợ thì có nhiều khó khăn, nhưng vô sinh do người chồng (tinh trùng yếu hoặc cụt đuôi…) thì chỉ sau đúng chín tháng mười ngày là có kết quả rất mỹ mãn: một đứa con kháu khỉnh, bụ bẫm cất tiếng khóc oe oe chào đời… 

Một ngày kia, có tới chục người mẹ từ nhiều tỉnh khác nhau, từ miền Trung xứ Quảng, Tây Nguyên cho tới chót Mũi Cà Mau, cùng dắt những đứa con của mình là kết quả chữa vô sinh ở phòng mạch Lã Bố, tới thăm ông chủ phòng mạch Bản. Những đứa trẻ, tuổi sàn sàn từ bốn, năm tuổi cho tới tám, chín tuổi có một đặc điểm là đều khỏe mạnh và rất giống nhau, và điểm này mới là quan trọng: rất giống ông chủ phòng mạch Lã Bố, tức Bác sĩ Bản! Không hẹn mà gặp, chục bà mẹ và chục đứa con kia đều đến vào buổi sáng, tức lúc đó phòng mạch chưa làm việc, cả Lan và Bản đều đang làm việc ở Bệnh viện, đến 4 giờ chiều mới về phòng mạch. Lúc đó chỉ có tôi đang ngồi đọc mấy cuốn sách Y học ờ phòng mạch. Lần nhấn chuông gọi cửa đầu tiên là một người, lần thứ hai là ba người, rồi từ từ đủ cả chục người mẹ và chục đứa con đã tới phòng mạch! Ngay từ lần gọi cửa thứ hai, tôi đã hình dung ra chuyện gì đã xảy ra, liền gọi điện thoại cho Lan, nói rõ sự tình. Mười phút sau, Lan tới phòng mạch . Tôi những tưởng sẽ có động đất hoặc sóng thần xảy ra ở phòng mạch Lã Bố nhưng sự việc lại khác hẳn: Khi vừa nhìn thấy mười bà mẹ và mười đứa con giống Bản như cùng một khuôn đúc ra, Lan đã ngất xỉu!...
6.
Lan và Bản giải quyết vụ những đứa trẻ giống nhau và giống Bản như thế nào, tôi không muốn hỏi vì nghĩ rằng những cái gì đến thì nó sẽ đến! Nhân có một người bạn học khác cần có bạn cùng đi chơi Vũng Tàu rồi Côn Đảo rủ tôi đi cùng, tôi liền đi Vũng Tàu, Côn Đảo khoảng một tuần. Khi trở về, vụ “mười đứa trẻ giống Bản” vẫn chưa suy chuyển. Lan vừa thấy tôi về thì nói ngay: “Tớ muốn chờ ý kiến của cậu mới quyết định có li hôn Bản hay không?” Tôi ngạc nhiên hết sức, hỏi ngay: “Ý kiến của tôi về cái gì? Về mười đứa trẻ này thì tôi không có ý kiến!” Lan nói ngay: “Không phải chuyện mười đứa trẻ mà là chuyện của tớ và cậu!...Tớ nói ngay, cậu có thích cưới tớ không? Nếu cậu cưới tớ thì tớ sẽ li dị Bản. Bản sẽ cưới một người trong số mười người mẹ có con với Bản!” Trời đất ơi, tại sao Lan lại đặt tôi vào tình huống khó xử như vậy? Không biết Bản đang ở đâu, tôi phải đi gặp Bản. Dường như Lan đọc được ý nghĩ đó của tôi, liền nói: “Cậu không cần phải hỏi lại Bản mà hãy hình dung ra rằng chúng ta đang đứng dưới gốc cây cổ thụ trước cổng Bệnh viện hôm ấy!...” Lần này thì tôi không kinh ngạc nữa vì cũng đúng lúc Lan nói như vậy, tôi như vụt trở lại 32 năm trước!...  
Sài Gòn, 1989-2009
Đỗ Ngọc Thạch


 Nguồn: phongdiep.net






Ô Đống Mác (Hay là Bạn học Lớp Ba)
Đỗ Ngọc Thạch
Khi nhà tôi về ở khu Ô Đống Mác (*) là năm tôi học lớp Ba (gọi là trường Tiểu học, hệ 10 năm). Trường tôi học là trường Tiểu học Lương Yên. Sân trường rất rộng và đều đổ kín xỉ than để chống lụt lội. Tuy chống được bùn lầy, lụt lội nhưng có cái bất tiện là mỗi khi bước đi, những cục than xỉ lạo xạo dưới chân tạo nên thứ âm thanh rất khó nghe! Đó là chưa nói đến việc nếu lỡ bị té ngã xuống sân trường thì toàn thân sẽ rớm máu vì bị những cục xỉ than găm vào người và gây sát thương! Lúc đó, tôi đã thấy có người dùng xỉ than để đóng thành những viên gạch gọi là “Gạch xỉ”, dùng để xây tường nhà rất tốt Song, nhu cầu xây dựng nhà cửa lúc đó là rất ít cho nên việc làm gạch xỉ chưa thành phong trào như về sau đó! Các lớp học đều làm bằng tre nứa, mái lợp lá cọ chuyển từ vùng Phú Thọ, Yên Bái về. Khu Lương Yên (**) là khu lao động, toàn người nghèo, nhà cửa đa phần lụp xụp, tối tăm… nên tôi nghĩ có được một trường học như thế là tốt rồi!
Thời gian này bố tôi đang là Bác sĩ quân Y chuyển sang Dân Y, cho nên phải chờ một thời gian để những người làm công tác Tổ chức – Cán bộ ở Bộ Y tế sắp xếp xem tiếp tục làm việc ở Bệnh viện nào, ở đâu? Tôi chỉ nghe nói là lúc này người ta đang xây dựng Khu Gang Thép Thái Nguyên và tất cả đều mới là sự “Khởi đầu”, vì thế người ta muốn bố tôi về đó xây dựng Bệnh viện Khu Gang thép. Trong khi chờ đợi quyết định chính thức, bố tôi mở một phòng mạch ở khu lao động Lương Yên. “Phòng mạch” là một căn nhà tre nứa lá, khoảng hơn hai chục mét vuông, được dựng lên trong một khu vườn cây ăn quả rất rộng rãi thoáng mát, chẳng khác gì cơ sở dã chiến của một Đội điều trị của Quân Y thời chiến. Cạnh phòng mạch của bố tôi là một cơ sở nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi, gồm toàn những thanh niên lực lưỡng như đô vật! Những người hàng xóm làm sữa tươi rất thân thiết với những người ở “Phòng mạch” và tôi thích uống sữa tươi từ hồi này!
Gia đình chúng tôi ở trên phố Lò Đúc, ngày ngày bố và mẹ tôi tới “Phòng mạch” từ sớm và anh chị em chúng tôi (có bốn người sinh từ 1945 đến 1949, một người sinh năm 1955 thì chưa làm gì được) thay nhau đến “làm việc” ở Phòng mạch và tôi thường bị “đùn đẩy” đến phòng mạch nhiều nhất. Lúc đó, phố Lò Đúc còn rất vắng vẻ. Đi hết phố Lò Đúc khoảng một trăm mét là tới
Phòng mạch và quang cảnh toàn bộ khu vực này thật là mênh mông bát ngát, dân cư còn rất thưa thớt, có con đường đê chạy dài ra tới …”chân trời”, hai bên là những cây ổi – loại ổi quả nhỏ khi chín thì rụng đầy triền đê! Thỉnh thoảng người ta có trồng xen kẽ vài cây nhãn, cây vải nhưng mấy cây này thường là bị bọn trẻ con vặt trụi!
*
Phòng mạch của bố tôi chủ yếu chữa trị những bệnh thông thường cho người nghèo như đau bụng (thương hàn, thổ tả, kiết lỵ…), đau đầu, cảm cúm…Tuy nhiên cũng xử lý những ca “Tiểu phẫu” về Nhãn khoa như mổ lông quặm, đục thủy tinh thể hoặc “giải phẫu thẩm mỹ” như hở hàm ếch, v.v… Những lúc đứng phụ mổ, hoặc “chờ sai vặt”, tôi thường quan sát rất kỹ những thao tác khi mổ và khám bệnh của bố tôi cho nên có thể nói, lúc đó, tôi đã có thể “độc lập tác chiến” nếu cần thiết. Và không cần phải đợi lâu, một hôm bố tôi đau bụng, phải vào Bệnh viện 108 kiểm tra lại vết mổ dạ dày cho nên tôi chỉ có nhiệm vụ là đến phòng mạch để quét dọn vệ sinh trong và ngoài phòng mạch. Khi tôi làm xong mọi việc, vừa khóa cửa và treo tấm biển “Nghỉ 01 ngày” lên cánh cổng làm bằng tre trúc thì có một cô gái trạc tuổi tôi, dẫn một người như là mẹ cô bé tới và nói: “Sao lại treo biển nghỉ?”. Cô gái vừa nói xong thì tròn mắt nhìn tôi và nói tiếp: “Thì ra là cậu làm việc ở đây à? Phòng khám bệnh này là của bố cậu à?”. Thì ra cô bé ấy là Lan, học cùng lớp với tôi ở trường Lương Yên. Vì thế tôi không phải trả lời hai câu hỏi liên tiếp vừa rồi của Lan mà chỉ gật đầu rồi hỏi lại: “Mẹ cậu làm sao thế?” – “Gần một tuần nay rồi, bụng mẹ tớ cứ to dần lên như người có thai! Ngày nào mẹ cũng kêu đau bụng và hôm nay thì đau dữ dội, không thể chịu được!” – “Sao cậu không đưa mẹ đến Bệnh viện Quận? Hôm nay bố tớ lại không đến được!” – “Đến bệnh viện Quận rồi, đã khám rồi và đã chụp X quang, nhưng người ta bảo chưa rõ bệnh gì, chờ theo dõi thêm! Nhưng mẹ tớ không thể chờ được nữa!” – “Có nghĩa là cậu bảo tớ phải làm thay bố tớ?” – “Chứ còn gì nữa! Cậu cứ khám và chẩn đoán đi, tớ sẽ biết là cậu nói đúng hay sai!”. Lan nói rồi coi như đã thỏa thuận xong và dìu người mẹ tới sát cửa phòng khám bệnh và còn giục tôi mở khóa cho nhanh vì người mẹ lại lên cơn đau.
Khi đưa mẹ con Lan vào trong phòng khám bệnh, tôi bảo người mẹ nằm lên giường rồi “thao tác” nhanh nhẹn, thành thục như bố tôi vẫn hay làm: cởi cúc áo người mẹ ra rồi xoa bóp khắp vùng bụng. Thì ra cái bụng của người mẹ Lan có một bó giun đũa đang làm tổ và ngày ngày hành hạ người đàn bà! Tôi nói ngay nhận xét của mình với Lan và lấy một liều thuốc xổ giun cho mẹ Lan uống. Loại bệnh này tôi đã thấy bố tôi xử lý khá nhiều nên mọi thao tác đều chính xác và chỉ sau hai mươi phút, đám giun đũa ký sinh kia đã bị lôi cổ ra ngoài!
Vừa giải quyết xong trường hợp “thai giun” của bà mẹ cô bạn Lan thì lại có tiếng động lịch kịch ngoài cửa kèm tiếng rên la y ỷ! Tôi nói Lan ra mở cửa xem sao thì hai phút sau, Lan dẫn vào hai người đàn bà, một người đã ngoài bốn mươi và một người chưa tới hai mươi tuổi rồi nói: “Hai mẹ con chị Hài này là hàng xóm của tớ. Chị Hài này cũng bị to bụng khoảng hơn một tuần nay!” – Tôi hỏi ngay: “Có đau bụng như “thai giun”không?” – Cô gái tên Hài nói: “Nó chỉ đau âm ỉ nhưng rất khó chịu. Mẹ cứ tra hỏi có “quan hệ” với thằng nào không mà bụng to ra? Nhưng tôi tuyệt đối không có làm chuyện ấy!”. Tôi bảo cô gái tên Hài nằm xuống giường và xoa nắn khắp vùng bụng một lượt, vừa làm vừa nghĩ: “Không phải là “thai giun” vậy chỉ có thể là một khối u phát triển rất nhanh ở trong bụng. Khối u ấy là cái gì? Phát triển với tốc độ nhanh như thế không thể là kiểu khối u thông thường? Không hiểu sao tôi vụt nhớ lại hồi còn nhỏ ở quê, mỗi lần tôi đi bắt cua hay tát cá, bà tôi đều nhắc: “Nhớ đem theo ống vôi kẻo đỉa nó bu vào cu đấy!”. Tôi liền hỏi cô gái tên Hài: “Chị có phải lội xuống ruộng xuống ao làm gì không?” – “Nhà tôi cũng có một ít ruộng nên lội ruộng thường xuyên!”. Tôi liền khẳng định ngay cái “thai lạ” trong bụng cô
Hài kia chính là “thai đỉa” và nói ý nghĩ đó với cô bạn Lan. Thật bất ngờ Lan tán đồng ngay: “Đúng rồi! Chỉ có thể là con đỉa đã chui vào chứ không thể là ai khác! Nhưng bây giờ xử lý nó như thế nào?”. Tôi nói ngay: “Ca này tớ không thể giải quyết được! Chỉ có một cách là gửi đến bệnh viện lớn nhờ người ta giải quyết! Tớ có biết ông Bác sĩ Mô là bạn của bố tớ, hiện đang làm ở Bệnh viện Phủ Doãn. Tớ sẽ cho giấy chuyển viện và cậu nên giúp hai mẹ con cô Hài tới đó ngay. Thấy giấy giới thiêu của bố tớ, ông Bác sĩ Mô sẽ nhận giải quyết liền!”. Cô bạn Lan thật là nhiệt tình, chạy đi kêu xích lô chở hai mẹ con cô Hài tới Bệnh viện Phủ Doãn ngay!
Ba ngày sau, ông Bác sĩ Mô bất ngờ đến nhà tôi chơi và có nói cái ca “thai đỉa” mà bố tôi gửi tới chẩn đoán rất chính xác nên ông đã xử lý ngay, rất nhanh gọn. Bố tôi ngớ người một lúc rồi đã hiểu ra “đầu cua tai nheo” của sự việc và khi ông Bác sĩ Mô ra về liền cho tôi tự chọn là “Năm mươi roi” hay nhịn ăn ba ngày! Dĩ nhiên là tôi chọn “Năm mươi roi”! Nhưng, vừa tới roi thứ tám thì “quý nhân phò trợ” của tôi tới: Lan ào tới nhà tôi như cơn lốc và lao tới nắm chặt lấy cây roi trên tay bố tôi mà rằng: “Bác hãy đánh cháu! Mọi chuyện đều do cháu mà ra!”. Dĩ nhiên là bố tôi phải ngừng thi hành án phạt roi đó! Khi bố tôi bực mình bỏ đi rồi, Lan tới bên tôi, vạch quần tôi ra và la lên: “Mới có tám roi mà máu mê đã đầm đìa rồi này!”. Tôi nằm im bất động, mặc cho Lan lấy cồn bôi vào những chỗ rớm máu khiến cho tôi xót điếng người! Song, tôi đã quen với chuyện bôi cồn vào vết thương như thế này từ bé nên chỉ một lúc sau là thấy mát rượi, mọi đau xót đều tan biến!
*
Không hiểu sao, tôi còn phải trực tiếp độc lập xử lý nhiều ca bệnh nữa ở phòng mạch của bố tôi và điều đáng chú ý là lần nào cũng có mặt Lan. Ca bệnh nào cũng có vẻ “thập tử nhất sinh” vì chủ yếu là do người nhà không phát hiện bệnh sớm và đưa đi cứu chữa kịp thời. Nhưng cũng có những ca bệnh mà Thần Y cũng phải lắc đầu lè lưỡi! Đó là lần tôi và Lan phải cấp cứu một ca chết đuối dưới sông Tô Lịch(***), đoạn chảy qua khu Ô Đống Mác.
 Hôm đó, tôi vừa tới cái cầu tre nhỏ (“mặt cầu” chỉ được ghép bằng hai cây tre) bắc qua sông Tô Lịch thì thấy dưới sông có tiếng bì bõm như là có người vừa rơi xuống! Tôi thấy nhấp nhô một cái đầu và theo bản năng kêu lớn: “Có người chết đuối!”. Vừa dứt tiếng kêu thì tôi thấy Lan vác một cái câu liêm thương (một thứ thường được dùng để cứu hỏa lúc đó) chạy tới và nói to: “Kêu cái gì nữa! Đón lấy cái câu liêm thương này và móc nó lên, kéo vào bờ!”. Nghe Lan nói vậy, tôi thoáng nghĩ cô bạn của tôi thật nhanh trí, bởi trong tình huống này không thể nhảy xuống cái dòng sông đen sì và đầy rác rưởi, hôi thối như thế! Tôi liền nhận cái câu liêm thương từ tay Lan và nhanh chóng móc được vào áo của nạn nhân và kéo rê vào bờ! Khi nạn nhân kia vào tới bờ thì vẫn còn đứng lên được và tôi nhận ra đó là ông Quýnh, bố của thằng Quáng học cùng lớp ba với tôi và Lan ở trường Lương Yên. Thật hú vía là ông Quýnh chưa bị sặc nước thối của sông Tô Lịch, và nếu bị sặc thì tôi không biết xử lý ra sao! Tôi vội chạy đi xách tới cho ông Quýnh một xô nước sạch và dội lên đầu cho ông, đề phòng có con côn trùng gì đó chui vào tai, mũi, miệng! Xong tôi nói: “Bây giờ ông phải tự chạy ra sông Hồng mà tắm rửa thì mới sạch được!”. Ông Quýnh có vẻ hiểu ngay ý tôi và chạy vút đi!
Từ đó trở đi, cứ mỗi khi nghĩ đến ba chữ “Sông Tô Lịch” tôi lại nghĩ: Không biết đã có bao nhiêu người rơi xuống dòng sông đen sì và hôi thối đó!
*
Lan có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bội Lan. Nghe Lan nói trước khi giải phóng Thủ đô, gia đình cô khá giàu và hầu như đều đi làm việc ở công sở của Pháp. Chỉ có mẹ Lan, đang học dở trường
Sư phạm thì lại mê muội yêu một anh chàng sinh viên nghèo ở vùng Ô Đống Mác này và nhất quyết đi theo tiếng gọi của trái tim, bỏ nội thành ra khu ngoại ô lao động nghèo này làm cô giáo. Hiện cả bố và mẹ Lan đều đang dạy học ở trường Lương Yên.
Từ ngày tôi trực tiếp xử lý hai ca bệnh hiểm hóc đó, tuy bố tôi có đánh tôi vì tội làm không đúng chức trách, không đúng phận sự nhưng ông có ý khen tôi có “năng khiếu chữa bệnh” và giao cho tôi làm nhiều việc quan trọng ở phòng khám bệnh. Vì thế chuyện sau này tôi sẽ vào học trường Đại học Y Khoa cứ như là lẽ đương nhiên. Vì thế, khi thấy tôi có giấy báo vào Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp, bố tôi đã xé vụn tờ giấy báo đó và đưa tôi đến ngay trường Đại học Y Khoa, giao tận tay cho ông Hiệu trưởng trường Đại học Y Khoa. Song, khi bố tôi về Hải Phòng rồi (lúc đó gia đình tôi đang ở Hải Phòng), tôi liền tới gặp ông Hiệu trưởng trường Đại học Y Khoa mà nói: “Thực tình cháu không thích học nghề Y mà đã quyết theo đuổi Toán học từ lâu. Vậy cháu xin lỗi bác và nhờ bác nói lại với bố cháu rằng bên trường Đại học Tổng hợp họ không chịu ký vào đơn xin chuyển trường (Tôi muốn xin chuyển sang trường Y thì phải viết đơn xin chuyển trường và được Hiệu trưởng trường ĐHTH ký đồng ý, sau đó phải lên Bộ Đại học xin một chữ ký nữa thì mới có thể được vào học ở trường Y). Ông Hiệu trưởng Trường Y rất vui vẻ chúc tôi thành nhà Toán học. Tôi vừa ra khỏi phòng Ông Hiệu Trưởng thì thật bất ngờ khi gặp Bội Lan đang cò kéo gì đó với người mẹ. Thì ra mẹ Bội Lan bắt cô dẫn tới gặp ông Hiệu trưởng Trường Y để xin chuyển về trường ĐH Sư Phạm. Thì ra Bội Lan đã giấu mẹ ghi nguyện vọng vào trường Y mà không nghe theo mẹ là ghi nguyện vọng vào ĐH Sư phạm.
Sau khi biết chuyện của tôi, hai mẹ con Bội Lan cùng nói: “Hãy cứ để cho bàn tay của tạo hóa sắp xếp! Ta chỉ cần thực hiện cho tốt!”./.
Sài Gòn, tháng 7-2010
 (*) Ô Đống Mác: Ô Đống Mác ở cuối phố Lò Đúc, về phía Lương Yên, gần giáp sông Hồng... ở vào phía đông nam Hà Nội. Cửa ô này còn tên là Thanh Lãng, vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, lại đổi là cửa ô Lãng Yên... Xa hơn nữa, thời chúa Trịnh Sâm, (thế kỷ 18) có tên là ô Ông Mạc. Sang thế kỷ 20, dân quen gọi là ô Đống Mác.
Từ cửa ô này, còn có một nơi, quân nhà Trịnh phò vua Lê xưa, đã bắc cầu qua sông, tiến đánh nhà Mạc, được gọi là bến Ông Mạc. “Đại Việt sử ký toàn thư”, (NXB Văn hóa thông tin, 2004) chép: “Tháng 11, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm ấy là Hoàng Định năm thứ nhất (Lê Kính Tông) - làm cầu phao qua sông Cái ở bến Ông Mạc (trang 760, tập 2).
Đất Ông Mạc, bao gồm mấy làng Lương Yên - Lãng Yên xưa, (đất phố Lê Quý Đôn và Lương Yên ngày nay). Nơi đây là một gò đất cao. Bia chùa Thanh Nhàn dựng năm 1767 (Cảnh Hưng thứ 28) có đoạn ghi: Chùa tọa lạc ở Kinh đô, xứ đồng Ông Mạc có một gò đất từ xưa vẫn coi là một ngọn núi...”.
Quần thư tham khảo của Phạm Đình Hổ, có một dòng nói về từ Ông Mạc như sau: “Ông (tức Mạc Đĩnh Chi?- Đ.N.T) làm quan trong triều, nhà riêng ở Nam Xá , thành Đại La, tục gọi là Dinh Ông Mạc”.
Bởi có dinh quan Trạng Nguyên nổi tiếng đời Trần là Mạc Đĩnh Chi nên đồng đất và cửa ô ở đây gọi là ô Ông Mạc chăng? Đó cũng chỉ là lời phỏng đoán...
Cái tên Ông Mạc là xuất xứ từ bến Ông Mạc để tiến đánh Nhà Mạc hay là do có Dinh Ông Mạc, tức Mạc Đĩnh Chi vẫn còn là nghi vấn, có nhiều ý khác nhau?
Nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội”, cho rằng: “Đường dọc thứ hai của vùng này là phố Lò Đúc, đi từ phố Phan Chu Trinh đến cửa ô Đống Mác. Xưa kia phố này có nhiều lò đúc đồng, sau chuyển lên Ngũ Xá. Người ta kể là tên Đống Mác từ tên là Mạc Đĩnh Chi mà ra, vì Ông Mạc có nhà riêng ở đây!”
Dân gian còn cho tên ô Đống Mác là do từ thời quân Tây Sơn kéo ra Bắc, tiến đánh cửa ô này, giáo mác vứt lại thành đống. Từ đó, nơi đây có tên là ô Đống Mác.
Cửa ô Đống Mác đã mất hết hình tích cũ. Giờ qua đấy chỉ thấy phố, nhà mới san sát, đã thuộc đất nội thành quận Hai Bà Trưng…
(**) Lương Yên nguyên là tên một thôn mới đặt từ khoảng giữa thế kỷ XIX. Trước đó thì Lương Yên là 2 thôn: Lương Xá và Yên Xá. Thôn Yên Xá là khu vực các phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn, Lương Yên ngày nay, thôn Lương Xá là làng Lương Yên ngày nay, vẫn còn nguyên vẹn, ở cuối phố Lò Đúc. Trong thôn có ngôi đình xây từ năm 1849 thờ một nữ thần gọi là Vua Bà. Phố chạy trên đất thôn Lương Yên cũ từ đường Trần Khánh Dư đến đường Trần Khát Chân. Thời Pháp thuộc, đây là đường 159 (voie 159). Thuở đó toàn nhà lá lụp xụp tối tăm. Sau năm 1954 có nhà máy cơ khí Lương Yên ở đầu phố chuyên sản xuất các loại máy công cụ phục vụ nông công nghiệp, y tế và hàng tiêu dùng.

(***) Sông Tô Lịch: Sông Tô Lịch chảy trong địa phận Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua các quận huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai và  Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang.
Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang  sông Nhuệ.
Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi, nay đã bị lấp, chỉ còn lại một vài dấu tích như ở Thụy Khuê. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: từ Cầu Gỗ ngược lên (cống chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt bắc thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ.
Sông Tô Lịch là một sông cổ của Thăng Long xưa. Ngày trước, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm./.

Đỗ Ngọc Thạch
Ngày đăng: 14.07.2010

nguồn: vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét