Trích đoạn chèo Nghêu, Sò, Ốc, Hến của Nhà hát Chèo Hà Nội Truyện ngắn | |
Nghêu, Sò, Ốc, Hến Đỗ Ngọc Thạch | |
Nghêu, Sò, Ốc, Hến là vở Tuồng Hài (còn gọi là Tuồng Đồ) thuộc vào hàng mẫu mực của nghệ thuật sân khấu Tuồng. Nếu như người ta thường nói sân khấu Tuồng bây giờ không còn khán giả, SK Tuồng là nghệ thuật của chế độ Phong kiến đã lỗi thời, nên đưa SK Tuồng vào Bảo tàng, v.v…là nói về thể loại Tuồng Pho, còn gọi là Tuồng Thầy, Tuồng Cung đình : do các quan lại biên soạn, đề tài được “đặt hàng” là ca ngợi sự vững mạnh, trường tồn của chế độ Phong kiến cùng hệ tư tưởng của nó, nội dung là vua anh minh, quan lại, tướng sĩ trung thành, dũng cảm , liều chết trong những trận chiến chống ngoại xâm, khởi nghĩa (thường được coi là nổi loạn), và bọn gian thần phản nghịch… Các nhân vật trong Tuồng thường là những người một lòng trung quân (tận trung báo quốc), những gương anh hùng, liệt nữ, một vài tên gian thần, phản nghịch… chủ yếu diễn trong cung cho vua chúa và tầng lớp quan lại lớp trên xem, trong một “Nhà hát Tuồng” khá lớn ở trong khu vực Hoàng Cung. Còn thể loại Tuồng Hài như Nghêu, Sò, Ốc, Hến (số lượng không nhiều như Tuồng Pho) là do các nhà Nho sống trong dân gian sáng tác, lấy đề tài trong cuộc sống đời thường và để diễn cho dân chúng xem. Chính vì thế, vở Tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến lúc nào cũng làm say lòng công chúng và sống mãi với thời gian… Làng Đào Kép, xa xưa vốn chủ yếu hành nghề diễn Tuồng Hài trong dân gian, có thêm một số món hỗ trợ như Tạp kỹ, Múa võ…Trăm năm trở lại đây, trải bao vật đổi sao dời, Làng Đào Kép đã bỏ nghề cũ, chuyển sang nghề làm Hương (Nhang) và dịch vụ đám tang, chủ yếu là kèn trống và khóc mướn. Những người trong đội kèn trống vốn là con cháu của các nhạc công ngày xưa, còn những người khóc mướn vốn là con cháu của những đào kép ngày trước, nghệ thuật khóc của họ không đâu bằng…Tuy họ không còn diễn Tuồng Hài nữa, nhưng vào những dịp có Lễ hội lớn, các Bô Lão trong Làng Đào kép bao giờ cũng về Hà Nội mời bằng được một Đoàn Tuồng về Làng diễn Tuồng cho dân Làng xem hai đêm liền, một đêm là trọn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến, còn một đêm là các trích đoạn Tuồng đặc sắc như Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo, Khương Linh Tá dùng đầu làm đuốc cứu bạn, Lã Bố hý Điêu Thuyền, Đào Tam Xuân loạn trào, Quan Công đơn đao phó hội, Triệu Tử Long một mình cứu Ấu Chúa, v.v… Khi xem diễn Tuồng, người dân Làng Đào Kép như được sống lại với thuở ban đầu lập Làng, lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn sân khấu… Tất cả những hình ảnh rực rỡ của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” vẫn còn mãi trong ký ức của người dân Làng Đào kép bởi có một sợi dây nối họ với quá khứ: đó là hầu hết tên gọi của người dân Làng Đào Kép đều lấy từ tên các nhân vật trong các vở Tuồng mà họ yêu thích. Truyện ngắn này chủ yếu nói về những người có tên từ vở Tuồng Hài Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Thời gian của câu chuyện là vào những năm hòa bình đầu tiên, khi đất nước đã Thống Nhất liền một dải từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau!... * Những người được cha mẹ đặt tên là Nghêu, Sò, Ốc và Hến ở Làng Đào Kép khá đông và không hiểu sao, như là có sự trói buộc của sợi dây định mệnh, họ đều hành nghề đúng như các nhân vật trong vở Tuồng: tức người tên Nghêu đều làm nghề Thầy bói (và có tới nửa số người tên Nghêu bị mù như Thầy Nghêu trong vở Tuồng; người tên Sò đều thành nhà giàu, thành ông Trùm, người tên Ốc đều thành kẻ trộm và những cô gái tên Hến đều làm nghề “mua đồ ăn trộm” như Thị Hến trong vở Tuồng! Lê Nghêu còn có tên gọi là Lêu Nghêu bởi Nghêu rất cao, cao tới l,85 mét. Ông Trời hào phóng chiều cao với Nghêu nhưng lại lấy đi của anh ta đôi mắt: Nghêu bị mù bẩm sinh! Bố Nghêu giải thích chuyện Nghêu bị mù bẩm sinh như sau: Khi Nghêu đã được gần tám tháng thai, bố Nghêu vẫn liên tục đòi “dưỡng thai”. Mỗi lần bố Nghêu “dưỡng thai”, Nghêu rất khó chịu và có cảm giác như bị một cái búa gõ vào đầu, song không làm gì được mà chỉ biết đạp lung tung. Mỗi lần như thế, bố Nghêu đều hô to: “Nghêu con, nhắm mắt vào kẻo mù mắt đấy!” Và quả nhiên, khi Nghêu chui từ bụng mẹ ra thì đôi mắt đã bị mù vĩnh viễn! Tuy bị mù, nhưng Nghêu vẫn có thể đi lại bình thường trong nhà cũng như trong Làng nhờ có đôi tai cực thính và cái mũi có tài ngửi mùi còn hơn cả những con chó ngửi mùi giỏi nhất! Nghêu nhanh chóng học thuộc tất cả những thuật tử vi, tướng số của người bố và mới chỉ mười tuổi, danh tiếng bói toán của Nghêu đã vượt xa người bố! “Con hơn cha là nhà có phúc” – ông bố Nghêu thường an ủi cho thân phận mù lòa của Nghêu như vậy! Nhân vật Trần Sò là con Trưởng Làng. Nhà Trưởng Làng chuyên làm Hương mà giàu có nhất nhì không chỉ trong Làng mà cả trong phủ, huyện. Nhờ có bí quyết gia truyền làm Hương Trầm đã từ ba đời, Nhang của Trưởng Làng có mùi hương thơm đặc biệt nên rất đắt hàng, kẻ ăn người ở trong nhà có đến gần trăm người. Trần Sò được cha gửi học những ông Thầy Đồ danh tiếng trong vùng nên giữa đám đông những người nông dân đa phần mù chữ do đói nghèo, Trần Sò là người danh giá số một. Cái biệt hiệu “Trùm Sò” cũng là sự chuyển dịch thuận chiều từ vở Tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến sang Trần Sò! Nhân vật Ốc vốn là trẻ mồ côi sống vạ vật ngoài chợ Huyện. Lúc Ốc gần mười tuổi thì được Ốc bố, đang là một tay trộm nổi tiếng nhất Làng Đào Kép đem về nuôi và truyền hết bí quyết của nghề ăn trộm, cho nên Ốc con cũng nhanh chóng nổi tiếng như Ốc bố. Nhân vật Hến có phần đặc biệt hơn cả. Tất cả những người lấy tên Hến của Làng Đào Kép đều là con nhà khá giả nhưng sau khi trải qua vài lần gia đình đổ vỡ, vài cuộc tình ngang trái, éo le thì đều bỏ nhà ra ở riêng và sống độc thân với nghề Cầm đồ. Thời nào cũng vậy, lúc thịnh cũng như lúc suy, nghề Cầm đồ tuy có lên bổng xuống trầm nhưng không bao giờ mất đi mà luôn tồn tại dai dẳng, thiên hình vạn trạng. Nhân vật Hến trong Truyện ngắn này còn có một điểm đặc biệt là một cô gái xinh đẹp, quyến rũ vào loại “Chuẩn”, tức không chê vào đâu được. Ngoài nhan sắc Trời cho, Hến còn được thừa hưởng của người mẹ năng khiếu diễn Tuồng, nhất là khi vào vai Đào Lẳng thì người xem bị cuốn hút tuyệt đối! Tuy Làng Đào Kép không còn hành nghề diễn Tuồng nhưng thỉnh thoảng Hến vẫn cùng với vài người tập hợp lại thành một Đoàn, diễn vài trích đoạn Tuồng nếu như đâu đó yêu cầu!... * Vào một ngày đẹp trời, Hến dọn dẹp nhà cửa, thấy đồ đạc người ta đem cầm đã bán hết thì lại nghĩ đến chuyện du hành. Bao giờ cũng vậy, khi giải quyết hết “hàng”, Hến thường thích đi ngao du “đổi gió”. Lần này, Hến muốn làm một cuộc đi xa – Hành Phương Nam, bởi từ ngày giải phóng đến nay, người ta đua nhau đi chơi Miền Nam và khi về thì đồ đạc lỉnh kỉnh cùng với những câu chuyện kể không bao giờ kết thúc về một Miền Nam cái gì cũng khác lạ! Hến nghĩ, cuộc Hành Phương Nam này sẽ thật thú vị nếu như ta lại lập một đoàn Tuồng nhỏ, diễn luôn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến và những người sắm vai các nhân vật trong vở Tuồng chính là những người có thật ở ngoài đời. Thầy Nghêu và thằng cha Ốc thì chắc là OK ngay, còn Trùm Sò không biết thế nào, lão ta mới nạp thiếp, chắc còn đang mê mẩn mỹ nhân, khó mà dứt ra được!...Chà, giá như có hai thầy trò Nghêu và Ốc tới đây mà bàn bạc thì hay quá! Hến vừa nghĩ tới đó thì đã thấy Ốc đang dắt thầy Nghêu đã tới trước cái cổng làm bằng tre già chắc chắn của nhà Hến. Hến chạy ngay ra mở cổng, nói: “Vừa nhắc tới Tào Tháo thì Tào Tháo đã xuất hiện! Các người đến đúng lúc lắm!”. Thầy Nghêu nghe Hến nói vậy thì dừng lại trước cổng, nói: “Khoan vào! Để tôi đoán xem Thị Hến muốn chúng ta đến làm gì? – Thầy Nghêu hít hít hai cái rồi nói tiếp – Rượu thịt thì không phải, chẳng ngửi thấy gì cả! Để tôi ngửi mùi người Hến thì sẽ biết ngay!”. Hến thấy thầy Nghêu nói vậy thì thò tay vào bụng xoa xoa mấy cái rồi đưa lên mũi thầy Nghêu. Thầy Nghêu lại hít hít hai cái và nói ngay: “Cái bụng Hến muốn đi xa, xa lắm, chắc là Hành Phương Nam! Đúng không?”. Hến cười khanh khách rồi nói: “Thầy Nghêu đã bói thì chẳng sai bao giờ! Hôm nay Hến tôi muốn bàn với các chư vị chuyện lưu diễn Phương Nam ! Ốc đi mua chai rượu và cân thịt về đây, chúng ta vừa nhâm nhi vừa nói chuyện!”. Hến moi ruột tượng trong bụng lấy tiền đưa Ốc nhưng vừa định đưa thì Trùm Sò xuất hiện thật bất ngờ! Trùm Sò vừa cười vừa nói: “Ốc khỏi phải đi mua! Tôi đã cho người làm hẳn một mâm đàng hoàng, lát nữa sẽ bưng tới! Mọi người thấy tôi đoán chuyện đâu có thua thầy Nghêu?”. Thầy Nghêu liền nói: “Nhà ông vừa giết lợn mừng Đại thọ mẹ ông chứ gì? Chỉ là nhân tiện mà thôi! Nếu ông không thấy tôi và Ốc đi ngang qua cổng nhà ông thì làm sao mà ông biết tới đây?”. Hến thấy vậy thì nói ngay: “Thôi được, tôi cũng muốn nói chuyện với cả ba người!”. Tất cả bốn người liền đi vào nhà Hến… * Cuối cùng thì việc thành lập một đoàn Tuồng, dù nhỏ cũng không thành vì thực ra có rất ít người rảnh rỗi như Hến để có nhiều thời gian làm một chuyến Hành Phương Nam với Hến. Quả nhiên Trùm Sò cũng không thể đi cùng. Thực ra thì hôm ấy Trùm Sò bám theo thầy Nghêu và Ốc là để “theo dõi” vì nghi hai người sẽ ăn trộm ở nhà mình, vì nếu không thì tại sao lại đi qua cổng nhà mình? Rút cục, chỉ có thầy Nghêu và Ốc là sẵn sàng đi theo Hến bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Nhìn cung cách của thầy Nghêu và chàng Ốc, Hến có thể “đi guốc trong bụng” họ: Ốc thì từ lâu đã thầm yêu trộm nhớ Hến nhưng không biết bày tỏ tình cảm của mình như thế nào, vào dịp nào? Và chính vì cứ lần khân như thế mà thời gian cứ vùn vụt trôi đi mà Ốc không nói nổi một chữ Yêu với Hến! Song, khi quyết định tình nguyện làm Vệ sĩ cho Hến trong chuyến du hành Phương Nam này, Nghêu nghĩ bụng sẽ phải tìm một dịp nói hết tình cảm của mình với Hến và nói xong sẽ ôm chặt lấy Hến, không cho ai đụng vào Hến nữa! Còn thầy Nghêu, tuy đã có hai đám tình nguyện làm vợ thầy bói mù này nhưng thầy Nghêu chưa quyết đám nào vì một người thì cơ thể khỏe mạnh, các bộ phận cơ thể có đầy đủ và rất sung mãn nhưng người rất hôi, kiểu như người có Xú khí, mà cánh thầy bói như thầy Nghêu thì rất kỵ xú khí; còn một người kia thì quá khô gày, tìm mãi cũng chẳng thấy ngực, thấy mông đâu cả, kiểu người này gọi là “trước sau như một”, hoặc “mô-đen tấm phản”, không thể tạo hứng khởi khi muốn làm chuyện vợ chồng! Với Hến, thầy Nghêu rất ít hy vọng, nhưng nếu trong vòng năm nay mà Hến không có ai tới cầu hôn thì nhất định thầy Nghêu sẽ tới cầu hôn, bởi Tử vi của Hến là cuối năm nay sẽ lên xe hoa lần thứ hai! Gần đây, thầy Nghêu thấy cái anh chàng Ốc hay có những thái độ, hành động khác thường mỗi khi tiếp cận Hến… Chẳng lẽ nó cũng thích Hến như mình? Đúng là “Lòng vả cũng như lòng sung”! Thôi được, ta sẽ cạnh tranh công bằng với ngươi, anh chàng Ngốc ạ! Thầy Nghêu nghĩ như vậy thì rất yên tâm vì những thằng Ngốc thường rất nhát gái, mỡ có dâng tới miệng mèo cũng không biết cách mà ăn! Song, một lúc sau thì thầy Nghêu lại nghĩ thấy có câu “Thánh nhân thường đãi kẻ khù khờ” thì thầy lại lo ngại thực sự! Vì thế, trong chuyến du hành Phương Nam này, thầy Nghêu dự tính nhất định sẽ có ít nhất một lần Ốc phải chiến đấu cật lực để bảo vệ Hến trước bọn đàn ông đểu cáng có ở khắp nơi, và Ốc thế nào cũng bị thương nặng và phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện. Lúc ấy, chỉ có thầy Nghêu và Hến ở cùng nhau, thầy Nghêu sẽ… * Chuyến du hành Phương Nam diễn ra thật thuận buồm xuôi gió, ba người Nghêu, Ốc và Hến đã đi một vòng hết lượt tất cả các các nơi nổi tiếng cả về người và đất của Miền Nam tràn ngập nắng và gió, mà chẳng hề gặp bất cứ khó khăn, trở ngại gì khiến cho cả Ốc và thầy Nghêu vẫn chưa thể “Tỏ tình” với Hến... Tới bất cứ đâu, Hến cũng ngỡ ngàng, đắm say trước cảnh vật tràn đầy sức sống của những vùng đất mới. Hồi còn nhỏ, Hến chỉ biết Miền Nam qua những câu hát “Miền Nam em dừa nhiều/ Miền Nam em dứa nhiều/Miền Nam em xoài thơm / Miền Nam em khoai bùi…”. Giờ thì Miền Nam đã ở ngay trước mặt Hến, đang từng phút từng giây, từng ngày chinh phục Hến và cuối cùng thì Hến đã bị chinh phục hoàn toàn: Hến quyết định vào hẳn Miền Nam sinh sống nốt nửa đời còn lại! Người đầu tiên Hến nói rõ ý định của mình và muốn cùng chia sẻ chính là chàng Ngốc Tạ Ôn Đình Ốc. Cái tên Tạ Ôn Đình Ốc là do Hến đặt cho Ốc vì thực ra Ốc là trẻ mồ côi sống bụi đời ngoài chợ Huyện, có ai biết con cái nhà nào mà cho mang họ gì? Hến đặt cho Ốc cái tên ấy là muốn Ốc sẽ có lúc hoàn lương, không làm nghề ăn trộm nữa mà làm người anh hùng như nhân vật Tạ Ôn Đình trong Tuồng. Chuyến du hành Phương Nam vừa rồi, tuy Ốc chưa phải “đấu quyền” với ai nhưng cung cách xử lý của Ốc rất tốt, vì thế đã tránh được rất nhiều lần có thể xảy ra ẩu đả. Nguyên việc đó Ốc đã giành được cảm tình đặc biệt của Hến và Hến đã quyết định rủ Ốc vào Miền Nam sinh sống. Khi nghe Hến nói xong, Ốc sung sướng còn hơn nhặt được vàng. Ốc nói: “Nhưng chúng ta phải danh chính ngôn thuận, thành vợ thành chồng thì mới làm được mọi thứ thủ tục giấy tờ để chuyển vùng chứ?”. Hến cười nói: “Xong xuôi mọi thứ giấy tờ rồi! Giờ chỉ còn bái đường thành thân rồi chúng ta sẽ hưởng tuần trăng mật trên Tàu Thống Nhất!”. Hến nói đến đó thì ngất ngây sung sướng nhưng khi Ốc ôm chặt lấy Hến đòi “Động phòng” trước thì Hến nói: “Khoan đã, đi đâu mà vội mà vàng / mà vấp phải đá mà quàng phải dây! Còn một chuyện rất quan trọng là Tiền bạc cho mọi việc, Tướng công có nghĩ tới không? Chuyến du hành Phương Nam vừa rồi chúng ta đã tiêu sạch, chỉ còn một ít gửi Quỹ Tiết Kiệm của Ngân hàng…”. Hến vừa nói đến đó thì Ốc đã hiểu ngay và nói: “Vậy thì ta làm một vụ nữa cho thật đậm rồi rửa tay gác kiếm cũng chưa muộn!”. Ốc vừa dứt lời thì đã thấy thầy Nghêu cầm cái gậy dò đường gõ cộc cộc vào bậu cửa mà nói: “Nhà Trùm Sò vừa thắng lớn hai chuyến hàng liên tiếp từ Miền Nam ra! Hai bao tải tiền của hắn còn để ở ngay dưới gầm giường của vợ chồng hắn!”… Đêm đó, hai thầy trò Nghêu và Ốc quyết ra tay bằng tuyệt chiêu của Thần Trộm! Kết quả của vụ này ra sao, đến nay công an xã, và cả công an Huyện vẫn chưa điều tra ra… Một năm sau đó, người làng Đào Kép mới vô tình, ngẫu nhiên thấy Hến và Ốc trong một tiệm cầm đồ loại vừa ở Quận 11, Sài Gòn – nơi có rất nhiều người Miền Bắc sinh sống. Người này chính là bà vợ gày đét trước sau như một của thầy Nghêu. Thầy Nghêu sau khi cưới bà vợ gày đét đã quyết định vào sài Gòn tìm vợ chồng Hến bởi từ khi vợ chồng Hến vào Sài Gòn, thầy Nghêu thấy buồn vì …nhớ Hến và Ốc! Mặc dù bà vợ thầy Nghêu từ khi có “hơi trai” cơ thể đã phổng phao lên và sắp đẻ cho thầy Nghêu đứa con nối nghiệp, nhưng thầy Nghêu không thể không thôi nhớ Hến, bởi như thầy Nghêu thú thật với vợ: Ở Hến có một mùi gì đó thật kỳ lạ, nó khiến con người ta như là có thêm sức sống, sự khát khao điều gì đó!... Thầy Nghêu cuối cùng đã tìm được vợ chồng Hến. Sau đó họ có “liên kết làm ăn” với nhau nữa hay không thì phải chờ bộ tiểu thuyết “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” của chính bà vợ thầy Nghêu, sắp hoàn thành. Ở đây chỉ cung cấp thêm một chi tiết là: bà vợ của thầy Nghêu cũng có tên khai sinh là Sò và sau khi vào Sài Gòn, bà Sò đã lột xác thành một Trùm Sò được các Đại gia có máu mặt rất kính nể!.../. Sài Gòn, 2008-2010 | |
Đỗ Ngọc Thạch | |
Ngày đăng: 10.01.2010 [ Trở lại ] [ Tiếp ] | |
Hình ảnh các trích đoạn Nghêu, Sò,Ốc,Hến của Nhà hát Tuồng VN và Nhà hát Chèo HN |
Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011
Nghêu sò ốc hến - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét