Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Ngày Thứ Ba Mươi Mốt ; Quanh Hồ Gươm - Đỗ Ngọc Thạch

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjh9Dhz25rKQqj9NK5QAu9rqkBHofYismEZ6OEJNXId2TWc5FQRuq9wKInrdvZwY_PPE3NZ-wk-05aWpSawOmsR1GL7cyrNR5KUWFI3ZDCttdzs63LJ_AnQeW8UK8U8LRSIdWSM55ESoJVs/s320/play+chess+in+Hoan+kiem+lake1.jpg

NGÀY  THỨ  BA  MƯƠI  MỐT  

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Ông Cư là cán bộ cấp Trưởng Phòng của một cơ quan nghiên cứu trung ương. Khi tôi được về làm nhân viên dưới quyền của ông Cư, ngày đầu tiên đi làm, tôi muốn mời cả Phòng, phòng chỉ có bốn người, đi ăn phở, làm một chén rượu, gọi là lễ “Nhập Phòng”. Nhưng ông Cư nói: “Cậu là “dân nghèo thành thị” mà sao lại thích chơi sang thế? Nếu cậu đã có lòng như thế thì ta qua quan nước trà bà Sinh bên kia đường, làm cái bánh rán hoặc thanh kẹo lạc, uống hai chén nước trà là vui rồi!”. Thế là chúng tôi qua quán nước trà bà Sinh, đối diện với cơ quan, ở bên kia đường.  
Chúng tôi tới sớm nên quán còn vắng khách. Tôi bê cả cái hũ bánh rán và cái hũ kẹo lạc ra đặt giữa cái bàn gỗ nhỏ, bốn người chúng tôi ngồi quanh. Ý của tôi là ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích, hết cả hai hũ cũng được! Ông Cư thấy thế thì nói bà chủ quán đưa cho cái đĩa, lấy trong hũ bánh rán ra bốn cái bánh rán, lấy trong hũ kẹo lạc ra bốn thanh kẹo lạc, bảo tôi để hai cái hũ vào chỗ cũ, rồi thong thả nói: “Bài học đầu tiên tớ muốn nói với cậu là làm gì cũng phải có kế hoạch. Nghề nghiên cứu chúng ta là nghề chạy ma-ra-ton, kỵ nhất là bốc đồng, nông nổi. Ăn uống mà nhiều quá sẽ rất có hại cho dạ dày mà cơ bản là tốn kém! Vả lại, chúng ta ăn kẹo, uống trà ở đây là cốt tìm cái ngon chứ không phải lấy no! Cậu ăn hết cả hũ bánh rán và hũ kẹo lạc kia thì có còn biết ngon nữa không?”. Ông Cư có giọng nói trầm và ấm, khiến cho người nghe cứ như rót mật vào tai! Tôi cầm thanh kẹo lạc lên nhấm nháp và quả là mới thấy hết vị ngọt, bùi của nó, mà trước đây, khi ăn kẹo lạc tôi chỉ bị cảm giác giắt răng chi phối! Cũng vậy, nhấp từng ngụm nước trà Thái thơm ngất ngây, tôi thấy tỉnh cả người!
Khi về phòng làm việc được một lúc, khoảng mười phút thì ông Cư nói qua phòng ông nói chuyện. Ông ở và làm việc trong một căn phòng nhỏ, là dãy nhà làm thêm ở phần sân sau của ngôi biệt thự lớn là trụ sở của cả cơ quan nghiên cứu. Khi đã ngồi yên vị bên cái bàn gỗ lớn, là loại bàn làm việc, ông Cư mới thong thả nói: “Như tôi đã nói, và muốn nhắc lại để cậu không bao giờ quên, đó là công việc nghiên cứu là một cuộc chạy đường dài. Cho nên, không thể nôn nóng, ăn sổi ở thì. Nhất cử nhất động đều phải làm theo một kế hoạch dài hạn đã được định trước một cách khoa học. Nếu vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch ấy thì thất bại nhãn tiền! Cậu thấy tôi nói có đúng không?”. Tôi nói ngay: “Em xin lĩnh giáo!”.Ông Cư mỉm cười thân thiện rồi nói tiếp: “Dù sao thì cậu cũng đã lăn lộn trường đời ít nhiều, có thể hiểu ngay những gì tôi muốn nói. Trước hết, công việc phải làm là tổ chức cuộc sống cho tốt rồi thứ mới đến chuyện đọc sách, nghiên cứu này nọ!”- “Tức là phải ăn no mới đánh thắng, có thực mới vực được đạo!” – “Đúng! Điều đó đúng ở mọi lúc, mọi nơi! Nhưng ở đây còn khó hơn cả chuyện nuôi quân!” – “?!” – “Vẫn là bởi công việc nghiên cứu của chúng ta là cuộc chạy ma-ra-ton! Một năm có 365 ngày, ta phải chạy bao nhiêu lần 365 ngày mới tới đích? Điều đó không thể biết trước! Vì thế, không thể ngưng nghỉ, không thể bỏ cuộc giữa chừng!... Bây giờ tớ nói cụ thể hơn, cậu dựa vào cái gì để sống hết 365 ngày? Lương! Đúng không? Vấn đề là ở chỗ đó. Lương của cậu xem chừng không thể “ăn no” cả 365 ngày! Vì thế phải làm sao để “có ăn” trong cả 365 ngày!” – “???” – “Tôi nói ngay kinh nghiệm này: Chia đều Lương ra 365 ngày và mỗi ngày chỉ chi tiêu trong con số đó!” – “!?” – “Sao? Khi chia ra từng ngày mới thấy con số quá nhỏ phải không? Nhưng không còn cách nào khác!”. Nói xong, ông Cư mở cái tủ gỗ, loại tủ văn phòng có hai cánh, một nửa để quần áo, một nửa để đồ linh tinh, lấy ra một cái phong bì lớn bằng giấy bao xi-măng, bên trong cái bao xi măng đó là 31 cái phong bì nhỏ như phong bì gửi thư thông thường, đánh số từ 1 đến 31, tức số ngày trong một tháng. Bên trong 31 cái phong bì là những đồng tiền lẻ, dùng để chi tiêu trong ngày đó. Thấy tôi chăm chú nhìn các phong bì, ông Cư nói: “Đúng ngày nào thì lấy số tiền trong cái phong bì đó ra và chỉ chi tiêu với số tiền đó. Chính nhờ cách này mà tôi đã không bị bỏ cuộc trong cuộc chạy ma-ra-ton gần mười năm qua!”.
*
Tháng đầu tiên chia đều lương ra 31 cái phong bì, tôi thực hiện được một tuần thì có khách đặc biệt: hai người bạn đồng nghiệp cùng dạy học hai năm trước ở thị xã Việt Trì về Hà Nội chơi và chỉ có một nơi đến duy nhất là chỗ tôi! Vốn là chiến hữu “trên từng cây số” suốt hai năm qua cho nên không kịp suy nghĩ gì, tôi lấy luôn chục cái phong bì của 10 ngày cuối tháng cho vào túi quần rồi dắt hai chiến hữu ra quán phở Thìn chiêu đãi: một đĩa cổ cánh, chân còng, sáu chén rượu và ba tô phở đặc biệt đã cuốn bay mười cái phong bì! Hai chiến hữu này cũng đang tìm cách xin chuyển về Hà Nội như tôi nên đến vừa là để thăm hỏi, vừa là để nhờ tôi “dắt mối” xin chuyển! Trong đầu tôi thoáng hiện lên mấy địa chỉ đang có nhu cầu cán bộ bèn nói: “Để tớ đi thăm dò trước rồi sẽ điện lên là về tiếp xúc ngay! Có lẽ cuối tháng sẽ tổ chức gặp mặt ngay cũng được!”. Hai chiến hữu vui mừng tột độ vì không ngờ sự việc lại có thể xúc tiến ngay và có hy vọng, có quyền xây mộng ước! Thực ra là trong đầu tôi đang bị rối trí vì không biết mười ngày cuối tháng sẽ lấy gì mà chi tiêu nên cứ nói bừa ra như thế, với dụng ý trong mười ngày ấy hai chiến hữu này sẽ hỗ trợ!
Tuy nhiên, sự “nói bừa” của tôi lại trúng hồng tâm đến nỗi không thể tin nổi: Sực nhớ là có quen biết sơ sơ ông Viện trưởng tôi đến Viện Xã hội học, cũng thuộc Ủy Ban KHXH như Viện Nghiên cứu của tôi, xin gặp Viện trưởng và nói rằng tôi muốn chuyển qua làm việc ở Viện Xã hội học. Viện trưởng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao cậu mới về mà đã muốn chuyển?”. Tôi nói ngay: “Viện XHH là cơ quan mới thành lập, có nhiều việc mới rất hấp dẫn, mà tôi rất thích. Còn bên Viện của tôi, nhiều “Lão làng” quá và công việc thì rất tẻ nhạt!”. Viện trưởng nghe nói vậy thì vui vẻ nhận lời ngay và còn nhờ tôi giới thiệu thêm người bạn nào có năng lực khá giỏi trở lên. Ông cũng không giấu diếm mà nói rằng Viện ông đang ở thời kỳ tuyển mộ quân cho nên sẽ làm rất nhanh gọn! 
Tôi ra ngay Bưu điện gửi cho hai chiến hữu bức điện khẩn với nội dung như thế, như thế và hẹn sẽ tiếp xúc với ông Viện trưởng vào ngày đầu của mười ngày cuối tháng! Thật không thể ngờ là hai chiến hữu của tôi đã được nhận ngay, tất nhiên tôi không xin chuyển nữa mà nói để nhường chỗ cho hai người bạn. Và mọi việc tất tần tật từ lúc gặp gỡ cho đến lúc ra quyết định tiếp nhận chỉ có năm ngày! Tức là còn năm ngày cuối tháng nữa tôi đã sử dụng hết “kinh phí” mà chưa biết lấy ở đâu để bù vào? Cuối cùng tôi đành “tạm yên” với ý nghĩ nếu cần chi tiêu gì thì sẽ đi vay Trưởng phòng, mặc dù tôi đã nghe Trưởng phòng nói rằng ông chưa hề phải vay nợ ai và cũng không thích cho ai vay nợ! 
Một buổi tối, tôi đang thả bộ quanh Hồ Gươm, ngắm cảnh bâng quơ và nghĩ vu vơ thì chợt nhìn thấy Tòa soạn báo Hà Nội Mới đứng lù lù ngay trên đường Lê Thái Tổ. Tôi vụt nghĩ: sao không làm mấy bài thơ gửi đăng báo, biết đâu mèo mù vớ cá rán? Nghĩ vậy, tôi liền lấy ra một tờ giấy trong cái kẹp giấy để trong cái túi xách lúc nào cũng đem theo, ứng tác viết ngay hai bài thơ, một bài về đề tài đi cấy lúa xuân, một bài thơ cho thiếu nhi, về đề tài rừng núi! Viết xong, tôi cho vào thùng thư của Tòa báo và khấn Bồ Tát ra tay trợ giúp cho thơ tôi được đăng để có nhuận bút mà bù vào chỗ năm ngày cuối tháng đã trống trơn! 
Bốn ngày sau, tức vào đúng ngày thứ sáu cuối tháng, tôi tính vào phòng Trưởng phòng vay tiền đi ăn sáng thì thấy ông đang cầm tờ báo Hà Nội Mới. Vừa nhìn thấy tôi, Trưởng phòng tươi cười nói: “Thơ cậu viết cũng được đấy! Lấy nhuận bút thì nhớ “khao” nhé!”. Tôi nghe Trưởng phòng nói vậy thì quên ngay ý định tới vay tiền mà chạy vút đi tới Tòa báo Hà Nội Mới!...
*
Năm ngày cuối cùng rồi cũng trôi qua một cách vui vẻ nhờ nhuận bút của hai bài thơ. Tuy nhiên, sự may mắn rất hiếm khi lặp lại và càng ngày tôi càng thấm thía câu nói dân gian: không thể “Há miệng chờ sung”! Đó là sự cố xảy ra ở tháng thứ hai thực hiện biện pháp chia đều lương ra 31 cái phong bì! 
Lần này, khách đặc biệt của tôi không phải “chiến hữu” như lần trước mà là hai bố con một người dân ở xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh - nơi tôi đóng quân hồi chiến tranh chống Mỹ. Thời kỳ tôi đóng quân ở xã Đức Thanh, ông bố làm chủ tịch xã, còn cô con gái tên là Việt, mới bảy, tám tuổi, lúc đó là năm 1969, nay đã qua mười năm, cô gái được gọi vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông bố đưa tiễn con ra tận Hà Nội. Khi hai bố con đang đi dạo quanh Hồ Gươm thì bất ngờ gặp tôi, cũng đang thơ thẩn quanh Bờ Hồ. Chính O Việt là người đã nhận ra tôi vì quả thực tôi không thể nhận ra những nét của cô bé bảy, tám tuổi mà tôi biết cách đây chục năm ở chỗ nào trong cô gái mười tám đôi mươi đang tràn trề sức sống và cực kỳ xinh đẹp! Theo phản xạ tự nhiên, tôi mời hai bố con O Việt vào quán phở Thìn, vì lúc gặp hai bố con là chúng tôi đang đứng dưới tháp bút “Tả thanh thiên”. Tôi thật không ngờ hai bố con O Việt lại ăn khỏe như thế, mỗi người hai tô phở mà vẫn có vẻ như còn muốn ăn nữa vì cứ luôn mồm khen phở ở đây ngon, mặc dù tôi đã giới thiệu quán phở Thìn này là ngon nhất Hà Nội! Ăn phở xong, tôi lại dắt hai bố con O Việt vào nhà hàng Thủy Tạ giới thiệu món kem cốc đặc sản ở đây. Tôi lại một phen kinh ngạc khi hai bố con ăn xong mỗi người hai cốc kem mà vẫn như là còn thòm thèm!...
Chia tay hai bố con O Việt, tôi mới giật mình kiểm lại mớ tiền lương mới lĩnh (mà chưa kịp cho vào 31 cái phong bì) thì thấy thiếu đúng mười cái phong bì! Đành để mười cái phong bì mười ngày cuối tháng vào trong một tờ giấy gấp đôi rồi viết bên ngoài ba chữ cái S.O.S! Mấy ngày sau, O Việt có tới chỗ tôi chơi (trường ĐH Y Dược ở gần chỗ cơ quan tôi) và còn đưa tôi đọc một tập thơ gồm 50 bài viết trong một cuốn vở học trò. Tôi liếc qua rồi nói: “O photocopy thêm hai bản rồi đem qua chỗ báo Phụ Nữ VN và Nhà xuất bản Phụ nữ ở phố Hàng Chuối, cũng gần trường ĐH Y Dược. Cứ yên tâm ngồi chờ một tuần sẽ có kết quả!”. Thực ra tôi cũng không dám chắc kết quả sẽ thế nào mà chỉ vì sợ không có khoản “tình phí” cho cái quan hệ “phức tạp và tế nhị” này nên đẩy khéo đi như vậy. Song thật bất ngờ, đúng một tuần sau, tôi thấy trên báo Phụ Nữ VN có đăng bài thơ của O Việt! Tôi thầm chúc mừng cho O Việt! Vừa vặn O Việt và hai cô bạn cùng lớp đến mời tôi đi chiêu đãi kem Thủy Tạ! “Linh cảm” thấy có “chuyện chẳng lành” tôi
từ chối nhưng không được, đành miễn cưỡng mà đi! Quả nhiên, bữa “tiệc kem” đã vượt quá số tiền nhuận bút của bài thơ và tôi phải bù vào một số tiền bằng hai cái phong bì! Vậy là tháng thứ hai thực hiện kế hoạch 31 phong bì của tôi đã tiếp tục bị vỡ kế hoạch những 12 ngày, tức 12 cái phong bì!
Cuối cùng thì 12 ngày cuối tháng cũng tới, mà là tháng có 31 ngày (một năm có 7 tháng 31 ngày, tức có bảy tháng phải chi tiêu dè sẻn). Tôi dự tính sẽ cắt hết các khoản ăn sáng, uống trà và thuốc lá! Song, tới ngày thứ ba thì như là không thể chịu nổi! Tôi đang tính sang vay tiền Trưởng phòng thì cánh cửa phòng làm việc của tôi bật mở, Trưởng phòng thò mặt vào nhìn tôi mỉm cười, nháy mắt – đó là ám hiệu đi chiêu đãi ở quán trà bà Sinh! Trưởng phòng rất vui, nói ngay: “Tớ vừa được ứng trước nhuận bút của cuốn sách!...Mà tại sao hai hôm rồi không thấy cậu sang quán nước bà Sinh?”. Tôi đang nghĩ câu nói dối thì Trưởng phòng cười nói: “Lại bị vỡ kế hoạch kinh phí chứ gì? Thôi được, lần này tớ cho vay nhưng nhớ là không có lần sau nhé!”. Cầm số tiền của 10 cái phong bì, tôi thầm nghĩ phải thật nhanh chóng kiếm tiền trả nợ! Kiếm tiền bằng cách nào? Đó là câu hỏi thật khó trả lời đối với tôi lúc đó! Nghĩ mãi cũng chỉ có mỗi một cách duy nhất: viết bài đăng báo! (Lúc đó tôi chưa nghĩ ra việc đánh máy bản thảo thuê có thể kiếm được tiền!). Vừa vặn có cô bạn cùng Phòng dẫn tôi đi qua báo Văn Nghệ gặp chị Thiếu Mai, qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội gặp anh Hồng Diệu, đều đang “canh cửa” phần Lý luận, Phê bình. Quả là những “miếng xương” khó nhai nhưng còn hơn là ngồi “há miệng chờ sung”, nên tôi lao vào viết như…điên! Và ông Trời quả là không triệt đường sống của người tốt, tôi đã kiếm được số tiền trị giá 10 cái phong bì, đủ trả nợ Trưởng phòng! 
*
Những lúc cần tìm sự thanh thản, tôi thường đi dạo quanh Hồ Gươm. Hôm ấy là ngày thứ 31, tôi đi dạo quanh Hồ Gươm sau khi đã trút được gánh nặng là món nợ trị giá 10 cái phong bì! Khi tôi đi tới mấy dãy ghế đá gần Câu Lạc Bộ Thống Nhất thì thấy có hai ông già đang ngồi chơi cờ tướng, bàn cờ được để trên đoạn giữa chiếc ghế đá, hai người ngồi hai đầu. Thấy tôi đi tới và dừng lại ngó vào bàn cờ, một ông già ngẩng lên, nhìn tôi nói: “Cậu có thích chơi thì xin mời!”. Tôi nói ngay: “Được! Nhưng chơi thế nào? Chơi suông hay ăn gì?”. Ông già cười tinh quái, nói: “Tất nhiên là không bao giờ chơi suông! Nhưng cũng nhẹ nhàng thôi, mỗi ván một bát phở Thìn!”. “Tất nhiên rồi!” – tôi nói rồi ngồi xuống chỗ một ông già vừa đứng lên. Tôi nhường ông già đi trước, gọi là kính lão đắc thọ. Ông già lên tượng, thụt pháo có ý muốn phòng thủ. Tôi xin phép được “xuất chiêu” và đi nước “pháo đầu mã đội”, tấn công tổng lực cả xe, pháo, mã ở cánh phải, cánh trái thì phòng thủ. Đây là lối đánh tôi mới học được trong một cuốn sách chơi cờ của Trung Quốc cho nên dường như là mới lạ đối với hai ông già. Kết quả là tôi nhanh chóng hạ thủ cả hai ông già. Lúc tôi nói đi qua quán phở Thìn và chỉ cần ăn một bát thôi thì một ông già chắp tay lạy tôi mà nói: “Xin cậu tha cho chúng tôi! Thực tình chúng tôi không có tiền! Tưởng rằng cậu cũng ú ớ như người ta, ai ngờ cậu cao cờ như Đế Thiên Đế Thích!...”. Tôi thuộc loại người dễ mềm lòng nên tha cho ngay khi nghe ông già nói rằng, các ông là loại “anh hùng sa cơ, thất thế”, giờ phải sống dựa vào con cháu. Hai ông đều có hai đứa con, và hai đứa con chia nhau nuôi bố mỗi người một ngày, thằng anh vào ngày chẵn, thằng em vào ngày lẻ. Cho nên vào tháng 30 ngày thì không sao, nhưng vào tháng 31 ngày thì không thằng nào chịu nuôi, cho nên phải ra đây kiếm ăn bằng cách chơi cờ này. May mà toàn gặp người chơi cờ kém nên có ăn lai rai!
*
Một năm có bảy tháng có 31 ngày, tức vào các tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10 và 12. Khi tôi gặp hai ông già chơi cờ là vào ngày 31 của tháng 3. Sang tháng 5,  ngày 31, tôi lại tới cái ghế đá cũ, bên bờ Hồ Gươm, cạnh Câu Lạc Bộ Thống Nhất thì vẫn thấy hai ông già đang ngồi…chờ vận may! Thấy tôi, cả hai ông già cùng nói: “Chúng tôi biết cậu là người tốt, vậy cậu đã có lòng thương thì thương cho chót, cậu ở lại đây “yểm trợ” cho chúng tôi chắc ăn, chúng tôi không bao giờ quên ơn cậu!”. Tôi định nói với hai ông già một câu gì đó mà nghĩ mãi không ra!...Một ông già thấy tôi có ý lưỡng lự thì liền đọc một câu thơ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương:Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa / Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên!
Làm sao mà có  thể từ chối lời đề nghị của hai ông già tội nghiệp này được! Tôi nghĩ vậy rồi ngồi xuống xếp mấy nước cờ thế và nói: “Chỉ lần này thôi đấy!”.
*
Tôi thực hiện kế hoạch chia tháng lương ra 31 cái phong bì được đúng một năm, tức 12 tháng. Tổng kết lại chỉ có một tháng không bị vỡ kế hoạch, đó là tháng có ngày Tết. Tự thấy không thể thực hiện được cái công việc còn khó hơn cả Ngu Công dời núi, Nữ Oa vá Trời, tôi đem 31 cái phong bì thả xuống Hồ Gươm hy vọng nhờ Thần Kim Quy giữ giùm và nếu có thương tình thì cho vào các phong bì thật nhiều…tiền! Làm xong cái việc “Phong bì ơi, chào nhé!”, tôi đến tờ Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật để lấy nhuận bút thì ông Tổng Biên tập nói: “Cậu có thích sang bên này làm biên tập phần Lý luận không?”. Tất nhiên là tôi đồng ý ngay và chỉ sau một tuần, tôi đã chuyển cơ quan. Đến cơ quan mới, thu nhập của tôi tăng lên rõ rệt nhờ nhuận bút, mặc  dù chế độ nhuận bút rất “còm cõi”! Song, năng nhặt chặt bị, tích tiểu thành đại là nguyên tắc hành động của tôi và nguyên tắc này lúc nào cũng đúng!
Trở thành nhà báo có vẻ như “thông thoáng” hơn nhà nghiên cứu. Tôi quan sát thấy các nhà báo bên khu vực kinh tế, xã hội có vẻ “ấm bụng” hơn cánh nhà báo chuyên về văn nghệ. Tôi có quen mấy nhà báo chuyên về kinh tế, thỉnh thoảng họ rủ tôi đi “dã ngoại” và quả là “…hết gạo chạy rông / Nhất nông nhì sĩ!”. Một lần, một “nhà báo kinh tế” nói với tôi: “Hôm nay là ngày cuối tháng, mấy đại gia thường ăn nhậu xả láng. Đi với tớ cho biết “mùi ăn chơi”!”. Chúng tôi đến một cuộc ăn nhậu của năm đại gia, được giới kinh doanh gọi là Ngũ hổ Tướng quân. Trong năm đại gia đó, tôi thấy có hai khuôn mặt nhìn quen quen, chắc là gặp ở đâu rồi mà nghĩ mãi không ra? Ngẫu nhiên thò tay vào túi quần, tôi thấy có một con cờ tướng. Tôi vụt nhớ tới hai ông già chơi cờ tướng “ăn phở” ở Bờ Hồ và khẳng định hai đại gia kia nhất định là con trai của hai ông già kia! Nghĩ vậy tôi liền hỏi một đại gia: “Cụ thân sinh ra Giám đốc hẳn là một nhà kinh doanh lớn?”. Đại gia kia uống cạn ly bia rồi nói: “Không nhất thiết cứ cha nào con nấy! Ông bố tôi không hề biết kinh doanh là gì, ông ấy là nhà giáo đã nghỉ hưu từ lâu!”. Tôi liền hỏi tiếp: “Tôi muốn gặp ông cụ được không? Tôi đang muốn viết bài về các nhà giáo về hưu!”. Vị đại gia lại uống cạn ly bia nữa rồi nói: “Hôm nay là ngày 31, chắc ông cụ đi thi đấu cờ tướng ở Bờ Hồ rồi! Anh muốn gặp cứ tới đó là thấy ngay!”. Tôi lại gần vị đại gia thứ hai, cụng ly xong và cũng hỏi như với đại gia trước thì cũng nhận được câu trả lời tương tự!...
Xong cuộc nhậu, tôi chạy ngay ra chỗ Bờ Hồ ấy thì từ xa đã thấy hai ông già đang ngồi bên bàn cờ, tưởng là họ đang chơi cờ nhưng lại gần thì cả hai ông già đều đang ngủ gà ngủ gật! 
Sài Gòn, tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
http://img.vncdn.net/maci/ho_guom_dau_an_van_hoa_va_kien_truc_cua_thu_do_ha_noi--33724/84_72.jpg?w=160

QUANH HỒ GƯƠM

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

1.
“Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê…” , biết là như thế, vậy mà khi đi dạo quanh Hồ Gươm, thấy có ai đang nói chuyện với nhau, tôi cũng đi sát họ và dỏng tai nghe xem họ có bàn chuyện Vua Lê hay không? Đó là thói quen thứ nhất và không hề mất đi của tôi.
Thói quen thứ hai là đã đến Hồ Gươm thì động tác đầu tiên là ngó nhìn xuống mặt hồ xem Rùa có nổi lên hay không? Nếu có thì reo lên rồi chỉ chỏ kêu người đứng gần tới xem, còn nếu không có thì chốc chốc lại ngó xuống mặt hồ tìm kiếm. Thói quen này cũng không hề mất đi.
Thói quen thứ ba là đã đến Hồ Gươm thì thế nào cũng phải ăn kem Bờ Hồ, bất kể mùa hè hay mùa Đông. Cụm từ “Kem Bờ Hồ” để nói về hai vị trí: Kem que bán ở cái Ki-ốt nằm trên bãi đất trống ở góc có hai đường cắt nhau là đường Lý Thái Tổ và đường Tràng Tiền và Kem Cốc (Ly) bán ở trong Nhà Thủy Tạ. Tôi xin đưa ra nhận xét về Kem Bờ Hồ rằng: Tính từ năm 1954 (năm tôi về sống ở Hà Nội) trở lại đây, chất lượng ngày càng kém đi. Mỗi lần từ phương xa trở về Hà Nội, tôi đều đến Bờ Hồ ăn Kem và đều phải nuối tiếc cái cảm giác tuyệt vời khi “ăn Mùa Đông” đã bị mất dần độ khoái cảm!...

Lúc còn nhỏ, việc đi chơi Hồ Gươm là một việc quan trọng, phải được bố trí, sắp xếp trước bởi nhà tôi ở khá xa Hồ Gươm, và lúc đó, đi dạo công viên hoặc đi dạo Hồ Gươm là hình thức giải trí “Cao cấp” của tầng lớp “Quý tộc” hoặc giới ăn trắng mặc trơn nhàn hạ. Tuy nhiên, ngày Chủ Nhật, ngày Lễ, Tết thế nào anh chị em chúng tôi cũng làm một chuyến đi chơi Bờ Hồ. Đối với trẻ con lúc ấy (cuối những năm 1950), Bờ Hồ còn có món đặc sản rất hấp dẫn nữa là “Thịt Bò khô”, bán trên cái tủ cơ động của mấy người Việt gốc Hoa, thường tụ tập ở gần bến Xe Điện Bờ Hồ…

Không hiểu tôi có cơ duyên gì với Hồ Gươm mà có tới ba lần sống gần Hồ Gươm và Hồ Gươm trở thành một phần quan trọng trong Ký ức của tôi về Hà Nội…

Lần thứ nhất là vào tháng 8 năm 1966, tôi có giấy gọi vào Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, (lúc đó đã sơ tán về tận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nhưng vì bố tôi muốn tôi vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội, tôi lại không nghe theo nên ông đã giận mà xé giấy gọi của tôi đi, đồng thời không cấp “Lộ phí” cho tôi đi Thái Nguyên! Không còn cách nào khác, tôi phải đi làm thuê kiếm tiền và rất may cho tôi, sau khi làm một giấc ngủ ngon lành trên băng ghế đá ở góc Bờ Hồ , đối diện nhà hàng Phú Gia ở bên kia đường Lý Thái Tổ, tôi tính vào nhà hàng này làm một bữa no cho biết mùi “Nhà giàu” (Phú Gia) thì thấy một bà già đi bộ bị một người đi xe mô-by-lét (xe máy tay ga loại nhẹ khá phổ biến ở Hà Nội lúc đó) quệt phải người, ngã lăn quay giữa đường, tôi liền đỡ bà cụ dậy và đi về phía nhà hàng Phú Gia. Vừa tới trước cửa nhà hàng Phú Gia thì có một người đàn ông trung niên đi từ trong nhà hàng ra, nhìn thấy tôi dìu bà cụ tới thì giật mình ào tới, hỏi han rối rít…Thì ra ông ta là đầu bếp trong nhà hàng Phú Gia, sau khi biết rõ tình cảnh và nguyện vọng của tôi, đã cho tôi vào làm phụ bếp và tôi cũng xin được ngủ đêm tại Nhà hàng.
Lần thứ hai là khi tôi còn đang học tại Khoa Toán ĐHTH (lần thứ hai, sau khi đi lính về), tôi thường về nhà người bạn ăn ngủ, ở ngay đầu phố Cầu Gỗ, đối diện bến xe Điện Bờ Hồ.
Lần thứ ba là khi tôi làm việc (và ăn ngủ tại phòng làm việc) tại Viện Văn học, ở phố Lê Thái Tổ, không sát Hồ Gươm nhưng cũng chỉ bước vài bước qua phố Hàng Dầu là tới Hồ Gươm.
Truyện ngắn Quanh Hồ Gươm này chủ yếu nói về ba lần sống bên Hồ Gươm đó!...
2.
Từ lúc được sinh ra đời, tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái Chết (mặc dù đã phải đối mặt với không ít hiểm nguy), cho nên tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy có người tự tìm đến cái Chết (tự tử) và không hiểu tại sao họ lại muốn chết? Một buổi chiều bình lặng, khoảng bốn, năm giờ, tôi vừa đi dạo một vòng quanh Hồ Gươm, tính vào cầu Thê Húc ngắm cảnh hoàng hôn quanh hồ, vừa đặt chân lên cầu thì thấy ở giữa cầu, có một người vừa nhảy xuống hồ. Tôi chạy lại, ngó xuống thì thấy đó là một người đàn bà, đầu còn ló trên mặt nước, hai tay đập nước loạn xạ! Tôi liền nhảy xuống, tóm tóc người đàn bà lôi vào bờ!...Thì ra chị ta chính là phục vụ bàn của nhà hàng Phú Gia, nơi tôi đang làm phụ bếp! Khi nhận ra tôi, chị ta nói: “Chú cứu tôi làm gì! Tôi đã bị lừa, bị cướp đi cái quý giá nhất của người con gái, còn sống làm gì nữa?” Tôi bảo: “Chị bị lây bệnh thất tình của các tiểu thư đài các trong tiểu thuyết ái tình rồi! Không có cái gì quý giá bằng sinh mạng! Chị hãy quên “chuyện lừa đảo” ấy đi, nó cũng chỉ như người ta bị mất trộm mà thôi! Nếu có bản lĩnh thì nghĩ cách báo thù, cho kẻ Sở Khanh kia một bài học là xong! Đó là cách nghĩ của người lao động chúng ta!”. Chị ta suy nghĩ một lúc thì thở dài rồi nói: “Cậu còn trẻ tuổi mà sao nghĩ sự đời rành mạch quá, tôi sẽ nghe theo cậu! Nhưng tôi phải nhờ cậu bày cho một mưu kế để trả thù thằng cha Sở Khanh kia, hắn thường đến ăn ở nhà hàng Phú Gia đó!”…Tôi liền bày cho chị ta một mẹo nhỏ trong “Tam thập lục kế”. Ba ngày sau, chị phục vụ bàn gặp tôi nói: “Mẹo của anh hay quá, nhưng liều thuốc mê tôi cho vào ly rượu của hắn lại lấy nhầm gói thuốc độc, nên hắn đã chết luôn rồi! Bây giờ phải làm sao?” Tôi nói ngay: “Thì kéo hắn ra khỏi cái buồng Thuyền trưởng rồi thả xuống sông nhờ Long Vương phán xử!” (gã Sở Khanh Kia là Thuyền trưởng một con tàu vận tải đường sông). Thời gian cứ bình thản trôi đi mà không thấy chị phục vụ bàn nói gì, chắc không ai điều tra về cái chết của gã Thuyền trưởng vì điều tra làm sao khi trong phòng Thuyền trưởng của gã có rất nhiều dấu vết và hiện vật của rất nhiều cô gái khác nhau và điều đặc biệt là người ta còn tìm thấy trong một cái thùng giấy các-tông có tới ba chục bộ đồ lót của ba chục cô gái khác nhau!...Thì ra gã Thuyền trưởng là một “Yêu râu Xanh” đã làm hại đời biết bao cô gái dại dột! Lão ta chết cũng đáng đời!...

Một tuần sau nữa, chị phục vụ bàn cưới chồng, chồng là cửa hàng trưởng một cửa hàng ăn uống khác, thường qua lại Phú Gia. Sau khi giới thiệu tôi là ân nhân cứu mạng trong vụ nhảy cầu Thê Húc, người chồng liền đưa tôi một món tiền lớn gọi là ủng hộ “Sinh viên nghèo” làm lộ phí lên Đại Từ, Thái Nguyên nhập học!...”. Tôi cảm tạ vô cùng vì tính ra cho đến lúc đó, tôi làm phụ bếp ở nhà hàng Phú Gia đã gần một tháng mà vẫn chưa để dành được đồng nào vì cứ mỗi tuần lĩnh tiền xong, tôi lại vào Nhà Sách Tràng Tiền và mê mẩn thế nào mà mua sách hết số tiền công mới được nhận!...
3.
Trong thời gian ở nhà anh bạn ở phố Cầu Gỗ (gọi là phố Cầu Gỗ nhưng tôi chẳng thấy có cái cầu bằng gỗ nào?), tôi cũng thường xuyên đi dạo quanh Hồ Gươm và cũng thường lên cầu Thê Húc bởi mỗi khi tới cầu Thê Húc là lại nhớ đến vụ nhảy cầu năm xưa của chị phục vụ bàn nhà hàng Phú Gia. Hôm ấy, tôi vừa đặt chân lên cầu Thê Húc thì hệt như cái hồi năm 1966, tôi vụt thấy ở giữa cầu có người vừa nhảy xuống hồ! Tôi lại nhảy xuống và tóm tóc nạn nhân lôi vào bờ. Và tôi thật sự kinh ngạc khi nạn nhân lại chính là người phụ nữ đã nhảy cầu năm năm trước, tức chính là chị phục vụ bàn nhà hàng Phú Gia ngày xưa!... Chị ta cũng kinh ngạc khi nhận ra tôi rồi òa khóc, hồi lâu mới nói: “Chồng tôi bây giờ nó có nhân tình trẻ đẹp, nó không còn ngó ngàng gì đến vợ con nữa! Vậy thì tôi sống mà làm gì? Mà tại sao lại là anh? Anh cứu tôi mà làm gì?” Tôi nói: “Sao chị cũng không đi kiếm nhân tình giống như ông ấy? Chị không thể chịu thua ông ấy được, chị không biết câu “Ông ăn chả bà ăn nem” sao? Việc gì mà lại dại dột đi tìm cái chết?” Chị ta nghe nói vậy thì như là bừng tỉnh sau cơn mê ngủ, sau đó sửa sang lại nhan sắc, để trái tim hòa cùng nhịp sống! Chẳng mấy chốc ong bướm lượn lờ quanh mình, chỉ quờ tay ra là bắt được nhân tình, nhân ngãi! Từ đó mải mê với những cuộc tình gió trăng, chị ta quên luôn chuyện người chồng phụ bạc!...

Người bạn tôi ở Cầu Gỗ cũng đi lính với tôi một đợt năm 1966, học ở Khoa Lý, lại trúng tuyển vào Không quân, được sang Liên Xô học lái máy bay nhưng sau đó do sức khỏe có vấn đề nên lại trở về trường cùng một đợt với tôi, lại học ở khoa Lý. Người bạn này rất quan tâm đến cuộc sống của bạn bè và thường khuyên tôi nên cưới vợ cho ổn định cuộc sống. Một hôm, anh dẫn tôi đến nhà một người quen, trên đường đi, anh nói: “Tôi có người bà con họ hàng xa, đã một đời chồng, hiện sống với cô con gái bốn tuổi, nhà cửa đàng hoàng, làm việc ở một cửa hàng ăn uống, không lo đói! Tôi đã nói chuyện về ông với chị ta, cơ bản là xong rồi, chỉ còn ở phần của ông nữa mà thôi!”. Nhưng khi chúng tôi tới nhà người họ hàng của anh bạn thì người ở trong nhà là chủ nhà mới, người này nói chị chủ nhà cũ (tức người bà con với anh bạn tôi) đã bán nhà cho anh ta được ba ngày nay và hình như đã vào Sài Gòn rồi! Anh bạn tôi nghe nói vậy thì lẩm bẩm: “Đúng là cuộc sống luôn vận động nhanh và mạnh hơn ta nghĩ!” Còn tôi thì sực nhớ ra rằng cách đây một tháng, tôi đã đưa chị phục vụ bàn ở chân cầu Thê Húc về chính ngôi nhà này. Thì ra người bà con họ hàng xa mà anh bạn tôi định giới thiệu cho tôi lại chính là người đã hai lần nhảy cầu Thê Húc để tìm cái chết! Lần này chị ta đi vào phương Nam xa xôi ngập nắng, chắc sẽ là điều tốt bởi từ lâu chị ta thường hay nói câu: “Tôi muốn đi thật xa, đến một nơi nào đó không biết tôi là ai, tôi sẽ làm lại từ đầu!”. Tôi thường nghe câu nói này ở khá nhiều người và tôi luôn nghĩ, sao người ta không “làm lại từ đầu” ở ngay nơi đã sống, đã quen thuộc?
4.
Tám năm sau, tôi về làm việc ở Viện Văn học, ăn ngủ ngay trong phòng làm việc ở 20 Lê Thái Tổ, coi như cũng là ở cạnh Hồ Gươm. Ngày nào tôi cũng đi dạo quanh Hồ Gươm ít nhất là ba lần: sáng chạy bộ quanh Hồ Gươm hai vòng, trưa đi tới Thư viện Quốc Gia ở phố Tràng Tiền cũng phải qua Hồ Gươm và khoảng Mười giờ đêm thường đi dạo quanh Hồ Gươm vì đọc sách và viết bài gì đó xong thì… đói!

Có lẽ thời gian từ nửa đêm về sáng ở quanh Bờ Hồ là có nhiều chuyện nhất với đủ các sắc thái tình cảm khác nhau. Ở đây, tôi chỉ rút ra hai, ba chuyện có liên quan tới đề tài của Truyện ngắn này!
Một hôm, như mọi ngày, tôi vừa viết xong một bài tiểu luận bắt buộc thì đã mười một giờ đêm. Bụng đói cồn cào, tôi liền tới Phở Thìn tự thưởng cho mình một tô đặc biệt. Ăn được nửa tô thì có một người thiếu phụ khoảng hơn năm chục tuổi bước vào, ngồi xuống bàn cạnh bàn tôi. Bà ta lặng lẽ ăn phở, bình tĩnh, thong thả … Khi ăn xong tô phở, tôi nhìn lại người thiếu phụ và bỗng nhận ra bà ta chính là người đã hai lần nhảy từ cầu Thê Húc xuống Hồ mà tôi đã nói trên. Tôi định hỏi chuyện bà ta nhưng lại nghĩ, “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, người ta đang ăn không nên làm phiền và lỡ ra nhận lầm người thì sao? Tôi liền ra khỏi quán phở và đi về phía cầu Thê Húc. Không có ai trên cầu. Tôi đi vào cầu và khi tới giữ cầu thì ngồi xuống, dựa lưng vào thành cầu. Gió nhẹ thổi, không khí mát lạnh khiến cho tôi có cảm giác buồn ngủ và cái ngủ ập tới từ lúc nào!...
Tôi đang mơ màng với những ý nghĩ và hình ảnh lộn xộn thì nghe có tiếng nói rì rầm: “Có ai đang ngồi trên cầu thế này? Đúng chỗ của chúng ta!”, “Đệ tử Cái Bang chứ còn ai nữa! Mặc kệ người ta! Chúng ta tiến hành đi!”, “Nào, ba chúng ta cầm chặt tay nhau. Đào nói trước đi!”, “Thưa Thần Rùa, em là Hoa Đào, 18 tuổi, nguyên học sinh lớp 12A1, vì thi trượt Đại học mà bị bố mắng nhiếc thậm tệ rồi đuổi khỏi nhà! Em xin xuống làm nô tỳ cho Phu nhân Thần Rùa!”, “Thưa Thần Rùa, em là Hoa Cúc, 18 tuổi, nguyên học sinh lớp 12A1, bị bạn trai bỏ rơi rồi lại bị thầy giáo Chủ nhiệm cưỡng bức, có thai đã ba tháng! Em xin xuống làm nô tỳ cho Phu nhân Thần Rùa!”, “Thưa Thần Rùa, em là Hoa Lan, 18 tuổi, nguyên học sinh lớp 12A1, em không thể học được vì khó quá, mà bố mẹ cứ bắt em học. Em bỏ nhà đi hoang nhưng đi hoang thì đói và rét, lại không có chỗ ngủ. Vậy em xin xuống làm nô tỳ cho Phu nhân Thần Rùa!”. Tôi nghe các cô bé nói khá rõ nhưng muốn mở mắt ra nhìn mà không được, muốn đứng dậy mà đôi chân như không phải của mình! Tôi thoáng nghĩ, đây hẳn là một vụ tự tử tập thể, vậy phải ngăn lại ngay! Tôi định la to “Dừng lại!” nhưng mồm lưỡi cũng như là không điều khiển được! Rồi có tiếng “ùm” rất lớn và nước từ dưới hồ văng lên người tôi như một cơn mưa bóng mây! Vừa ngớt “cơn mưa bóng mây”, mắt tôi mở ra được và nhìn rõ mọi vật xung quanh thì thấy người thiếu phụ ở quán Phở Thìn ban nãy xuất hiện và nói: “Chào cậu! Cậu bị “Đóng băng” rồi, chỉ nghe chứ không cử động gì được! Từ trong quán Phở Thìn, tôi đã nhận ra cậu, những tưởng cậu sẽ lại ngăn cản tôi xuống Thủy Cung, nhưng lần này thì cậu bị “Đóng băng”, chẳng thể làm gì được đâu! Cậu muốn biết tại sao tôi lại muốn chết chứ gì? Bởi vì thằng “Bồ” của tôi nó thật táng tận lương tâm, sau khi “no xôi chán chè”, nó bán cả hai mẹ con tôi cho một “ổ Nhện” ở tận bên Campuchia! Nói sao hết nỗi tủi nhục ê chề, con gái tôi đã mất tích! Tôi không thể bỏ xác nơi đất khách quê người được, tôi phải trở về lòng Hồ Gươm, nơi có người mẹ trẻ của tôi đã an nghỉ từ thế kỷ trước!” Tôi thoáng nghĩ, thì ra người mẹ của bà ta cũng đã trầm mình nơi đây, hèn chi cứ gọi con gái hoài! Tôi định nói lời từ biệt với người thiếu phụ nhưng bà ta đã nhảy xuống hồ từ lúc nào, nước hồ lại văng lên người tôi như cơn mưa bóng mây!...
*
Mười năm sau, tôi mới có dịp trở lại Hà Nội sau những năm dài phiêu bạt giang hồ. Đêm hôm ấy, tôi ra Hồ Gươm và vừa đặt chân lên cầu Thê Húc thì thấy một thiếu nữ chưa tới tuổi đôi mươi đang đứng khóc giữa cầu. Cô gái vừa khóc vừa nói nên nghe không rõ lắm, khi tôi lại gần mới nghe được rõ đoạn cuối: “…Mẹ ơi, con chưa thể xuống với mẹ được vì chưa tìm thấy kẻ thù của mẹ con mình! Con xin hứa là sẽ tìm bằng được dù nó có phép thăng thiên, độn thổ hay tàng hình!...Mẹ hãy phù hộ cho con, mẹ ơi!...”. Tôi đi sát tới cô gái thì giật mình kinh ngạc vì cô ta giống người thiếu phụ đã ba lần nhảy xuống hồ từ cầu Thê Húc như hai giọt nước!
Sài Gòn, tháng 11-2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét