Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Vụ Án Đêm Giao Thừa; Chuyện người Bán Thuốc - Đỗ Ngọc Thạch

VỤ ÁN ĐÊM GIAO THỪA

  Truyện ngắn của  Đỗ Ngọc Thạch 

Trần Văn Luật được điều về Tổ Trọng án, nhưng là lính mới nên anh chưa được tham gia vào việc phá án mà đang ở thời kỳ tập sự. Việc tập sự này có nhiều hình thức, với Văn Luật là nghiên cứu hồ sơ các vụ án đã xử và các vụ án còn tồn đọng . Với các vụ án đã xử thì đưa ra nhận xét toàn diện, còn với các vụ án tồn đọng thì tự đưa ra những phương án điều tra phá án! 
 Tổ trưởng Tổ Trọng án đưa cho Văn Luật một gói hồ sơ gồm mười vụ án, năm vụ đã xử và năm vụ còn tồn đọng do không có manh mối gì, cái mới nhất đã năm năm và cái lâu nhất là hai mươi năm, và nói: “Cậu hãy đọc kỹ những vụ án này và đưa ra được những nhận xét, những phương án điều tra phá án thì coi như cậu đã qua thời kỳ tập sự. Thời gian là một năm, như thế mỗi vụ án cậu có trung bình một tháng để nghiên cứu cho thật kỹ lưỡng. Chúc cậu thành công!”. Văn Luật nhìn tập hồ sơ dầy cộm mà ngao ngán, cậu uể oải nói: “Em những tưởng là sẽ được đi theo các anh đến những vụ án còn “nóng hổi” thì mới có hy vọng tiến bộ và lập thành tích. Chứ nếu chỉ chúi mũi vào những vụ án đã “chết khô” này thì làm được gì?”. Tổ Trưởng tổ Trọng án cười nói: “Thế cậu có biết chuyện những người đi học nghề thợ mộc thì thời gian đầu làm công việc gì không?”. Và Tổ trưởng nói ngay: “Sáng mài cưa, trưa mài đục”, cậu hiểu không? Đừng nghĩ đó là vô ích, bởi nếu như cậu không biết chuẩn  bị cho mình những dụng cụ, đồ nghề tốt thì làm sao mà cưa xẻ, đục đẽo? Còn trong nghề điều tra phá án của chúng ta, đừng nghĩ là những hồ sơ, tài liệu đã phủ bụi thời gian kia là vô ích. Cậu phải biết cách làm sao để nó sống lại thì cậu sẽ tìm ra cách phá án tốt nhất!”. Nghe Tổ trưởng nói vậy, Văn Luật không nói gì bởi anh bỗng nhớ tới lời mẹ dặn khi mới đi làm ngày đầu tiên: “Cách ứng xử tốt nhất là làm theo sự sắp xếp của cấp trên! Quân lệnh như sơn!”… 
*
Vài “Tiền bối” chia sẻ kinh nghiệm với Văn Luật là đọc lướt qua tập hồ sơ một lượt rồi chọn lấy một vụ nào đó cỏ vẻ “ngon ăn” để “phá án”! Song Văn Luật lại nghĩ: Ta phải làm khác những người đi trước. Và Văn Luật chọn cách làm theo kiểu “cuốn chiếu”: lấy từng hồ sơ các vụ án và giải quyết dứt điểm từng vụ án đó! 
 Ngày đầu tiên của “thời kỳ tập sự” (mà Văn Luật muốn gọi cho đúng “bản chất của vấn đề” thì phải là “thời kỳ phá án trên giấy”), Văn Luật nhắm mắt lại và rút hú họa ra một tập hồ sơ. Bên ngoài có dòng chữ “Vụ án Đêm Giao thừa”, thời gian xảy ra đã năm năm, lời nhận xét, ghi chú: Nạn nhân là cô Tú Trinh, cán bộ giảng dạy Tiếng Anh, Trường Đại học Liên tỉnh; tình trạng: mất tích (chết không tìm thấy xác); ban đầu không tìm ra manh mối; sau đó xác định thủ phạm là Văn An, sinh viên năm cuối của Trường Đại Học Liên Tỉnh. Văn An bị án mười năm tù… 
 Nghe cái tên Văn An, Văn Luật thấy ngờ ngợ, không biết nghe cái tên này ở đâu rồi? Văn Luật cố lục tìm trong trí nhớ nhưng nhất thời chưa ra. Anh bỗng nhớ đến cô bạn học cùng lớp ở trường Đại học Luật tên gọi Thiên Thư, được mệnh danh là cuốn Bách Khoa toàn thư sống, đúng như cái tên mà người bác - một học giả lớn, - đã đặt cho cô: Thiên Thư – ngàn cuốn sách!... 
Phải mất gần một ngày, Văn Luật mới tìm được cô bạn học cũ Thiên Thư: thì ra cô được vào làm việc ở một cơ quan “đầu não” của Thành phố, công việc rất nhiều và nói chung là phải “Bí mật tuyệt đối” nên không được giao du, tiếp xúc với … người bình thường!
Vừa nhìn thấy Văn Luật, Thiên Thư đã hỏi:
 -“Cậu mê phá án lắm, giờ thì mãn nguyện rồi nhé! Đã phá được mấy vụ rồi?”.
Văn Luật khẽ thở dài rồi nói:
-“Phá phách gì  đâu cơ chứ!... Nhưng thôi, tớ có việc muốn hỏi bạn: Bạn có quen ai tên là Văn An không?”.
 – “Văn An hả? Rồi, tớ nhớ ra rồi: đó là một anh chàng sinh viên Khoa Tiếng Anh, học trò của đứa bạn học thời Trung học của tớ tên là Tú Trinh. Anh ta dám yêu cô giáo Tú Trinh và không hiểu sao, cách đây năm năm, tớ nghe nói Tú Trinh đã bị anh ta giết rồi ném xác xuống sông? Thật ra thì thế nào, tớ cũng không hiểu nổi? Nhưng dù sao, tớ cũng nghĩ anh ta, tức cái anh chàng sinh viên Văn An ấy, không thể là thủ phạm của việc cô giáo Tú Trinh mất tích! Hơn nữa, khi chưa tìm thấy xác Tú Trinh thì không thể nói là cô ta đã chết và càng không thể nói Tú Trinh đã bị Văn An giết chết rồi quăng xác xuống sông!”
 – “Tớ cũng nhớ ra cả cô bạn Tú Trinh của cậu và cái anh chàng Văn An ấy rồi. Một lần tớ đang ngồi nói chuyện ở nhà cậu thì Tú Trinh đã dắt Văn An tới chơi, đúng không? (Thiên Thư gật đầu) Tuy chỉ gặp anh chàng Văn An ấy một lần nhưng tớ rất ấn tượng với khuôn mặt phúc hậu và có vẻ chàng Ngốc của anh ta! Và hình như cô bạn Tú trinh của cậu cũng có đáp lại tình yêu của anh ta, chứ không phải tình yêu đơn phương, đúng không?”
 – “Đúng! Cậu nhận xét cũng rất đúng!...À này, hình như cậu vẫn đang trong giai đoạn tập sự, thử việc phải không? Cậu định “làm lại” Vụ án Đêm Giao thừa này thì tớ sẽ giúp cậu một tay vì hai lý do: Nạn nhân là bạn cũ của tớ và người “phá án trên giấy” cũng là bạn học chưa cũ lắm của tớ! Tớ muốn cậu biến vụ án trên giấy, tức vụ án chết thành vụ án sống! Tớ tin là cậu sẽ làm được!”
 – “Tớ rất tin vào linh cảm của tớ rằng cái anh chàng Ngốc Văn An ấy vô tội. Rất tiếc là bây giờ, sau năm năm luôn mồm gào thét “Tôi vô tội”, anh ta đã trở thành người tâm thần! Theo cậu thì có cần tiếp xúc với cái anh chàng Văn An này nữa không?”
 – “Có chứ! Theo tớ, cứ hai, ba ngày cậu lại gặp anh ta một lần và nhớ là chụp hình, quay phim anh ta mỗi lần gặp…Tớ bỗng nghĩ ra rằng, những hình ảnh về con người anh ta sẽ nói lên điều gì đó?”
– “Ôi, sao tớ cũng nghĩ là sẽ chụp hình, quay phim anh ta rồi ngồi phân tích trên máy vi tính! Đúng là ý lớn gặp nhau! Cậu mà ở Tổ điều tra cùng tớ thì hay quá! Hồi còn đi học, chúng ta luôn cùng một tổ là gì?”
– “Nhưng chúng ta không được lựa chọn! Cứ nghĩ mà xem, đúng là Tạo hóa thích đùa: tớ chúa ghét những người phô trương thành tích, thích đeo huân chương, huy chương đầy ngực thì sắp tới sẽ phải làm trợ lý cho Trưởng Ban Thi đua; Còn cậu, rất ghét xem phim, đọc truyện hình sự, vụ án, lại rất sợ bọn tội phạm thì nay lại làm việc trong Tổ trọng án! Quả là kỳ quặc!”
 – “Không kỳ quặc đâu, đó là “Ghét của nào Trời trao của ấy”!...Thôi nhé, Bye!...”
– “Bye! Cần gì cứ gọi điện thoại vào lúc nửa đêm!”… 

Sau khi gặp Thiên Thư, Văn Luật thường xuyên tới Trại giam gặp Văn An, cách hai ngày lại gặp, dù đường đi rất xa, phải băng qua một vùng đồi hoang cháy nắng rồi lại len lỏi trong rừng rậm…Quả là Thiên Thư đã nói đúng, sau gần chục ngày quan sát những hành động, lời nói dở điên dở khùng của Văn An, Văn Luật bỗng thấy có một cái tên được nhắc lại hai lần, trong một câu nói bất chợt xuất hiện giữa vô vàn những câu nói ngớ ngẩn, vô nghĩa: “Bá Đạo! Mày đã hại tao, nhưng không được hại Tú Trinh!...Bá Đạo! Mày đã đem Tú Trinh đi đâu?” .  Đúng O giờ, Văn Luật gọi điện thoại cho Thiên Thư. Thiên Thư nghe xong câu nói ấy thì reo lên: “Ơ-rê-ca! Sao tớ lại quên béng đi cái tên Bá Đạo này nhỉ? Hắn là giáo viên cùng Khoa với Tú Trinh. Tớ chỉ
gặp hắn một hai lần gì đó khi đến Khoa Tiếng Anh thăm Tú Trinh. Vậy mà không hiểu sao, hắn có được địa chỉ nhà tớ rồi mò đến, nói là Tú Trinh hẹn gặp nhau ở nhà tớ! May mà tớ có đai đen Karatedo, không thì đã bị hắn quấy rối tình dục rồi!...Tớ dám khẳng định hắn đã đeo bám Tú Trinh rất dữ, mặc dù không thấy Tú Trinh nhắc đến hắn trong các câu chuyện!...Thế này nhé: cậu hãy điều tra thật kỹ về tên Bá Đạo này, nếu có khó khăn tớ sẽ trợ giúp! Nhất định sẽ có manh mối gì đó!”…
 Văn Luật lập tức lên kế hoạch “bám đuôi” Bá Đạo. Không khó khăn gì, Văn Luật có được những thông tin chính xác về nhân vật Bá Đạo: nhờ uy thế “con ông cháu cha” mà được đi học nước ngoài rồi về dạy ở trường Đại học, chưa tới ba mươi tuổi nhưng đã là Đại ca trong giới ăn chơi sa đọa, làm chủ một nhà hàng Karaoke, thực chất là một ổ chích hút ma túy, mại dâm cao cấp!...Nhờ có “ô dù” che chắn, Bá Đạo và cái nhà hàng Karaoke luôn tránh né được những đợt “làm sạch phố phường” của các cơ quan chức năng!... 
Đụng đến mấy chữ “con ông cháu cha”, “ô dù”, Văn Luật lại phải nhờ đến người bạn “Bà Cố vấn” Thiên Thư vì không ai am hiểu tường tận thế giới “con ông cháu cha”, không ai biết rõ cấu tạo của các loại kiểu “Ô, dù” bằng Thiên Thư vì chính Nàng là một “Cách Cách” được giới quan chức thượng lưu cưng chiều, quý nể nhất!
Khi nghe Văn Luật trình bày kế hoạch “Bám đuôi” để tìm chứng cớ phạm tội của Bá Đạo, Thiên Thư tán đồng ngay và nói:
-“Cứ bắt được hắn với tội danh mới sẽ có cơ hội lòi đuôi tội cũ! Tiến hành tới đâu rồi?”
 – “Mới tiếp cận được đối tượng ở vòng ngoài, đã thấy nhan nhản “Cá chìm” bao bọc cho hắn!”
– Thiên Thư cười khanh khách rồi nói: “Cá chìm” cái con khỉ!...Sếp của bố hắn còn là lính của bố tớ! Để tớ “dọn sạch” đám ruồi muỗi ấy cho cậu dễ dàng hoạt động!”. 
Quả nhiên, hôm sau Văn Luật tới nhà hàng Karaoke của Bá Đạo thì thấy “trời quang mây tạnh”, các em gái chân dài lượn qua lượn lại như chim mà không hề ồn ào, náo động như mọi ngày! Văn Luật trở thành thượng khách của nhà hàng khi tới hát hò cùng với một nhân vật đặc biệt do Thiên Thư nhờ dắt tới để tiếp cận với Bá Đạo!... 
 *
Trong những lần tiếp xúc với Bá Đạo, Văn Luật đặc biệt chú ý đến câu nói của Bá Đạo khi hắn say mèm: “Tú Trinh!...Xin lỗi em, thực tình ta không muốn như thế này… Ta muốn dùng kiệu   hoa đón em, nhưng tại sao em lại từ chối ta?”. Từ câu nói đó của Bá Đạo, có thể dựng lại diễn biến của câu chuyện như sau: Bá Đạo đã tỏ tình với Tú Trinh, muốn chiếm đoạt Tú Trinh, nhưng cô gái đã cự tuyệt, đã phản kháng mãnh liệt…Rồi Bá Đạo đã dùng vũ lực để cưỡng bức Tú Trinh, gây nên cái chết của Tú Trinh. Sau đó, Bá Đạo đã đem xác của Tú Trinh đi phi tang! Câu hỏi đặt ra là: Bá Đạo đã giết Tú Trinh như thế nào và phi tang xác của Tú Trinh như thế nào? 
 … “Đêm Giao Thừa, Tú Trinh hẹn Văn An đến rồi sẽ đi chơi cùng nhau. Nhưng khi Văn An đến căn hộ độc thân của Tú Trinh ở Chung cư E2 thì không thấy Tú Trinh ở nhà, nghĩ là Tú Trinh có việc đột xuất phải đi đâu đó chưa về, liền ngồi xuống trước cửa căn phòng của Tú Trinh mà đợi cho đến khi cảnh sát hình sự tới bắt! Trong khi đó, Tú Trinh đã bị Bá Đạo lừa đến chỗ nào đó rồi làm hại…” – Văn Luật muốn dựng lại diễn biến của sự việc từ lúc cô gái Tú Trinh mất tích cho đến lúc Văn An bị bắt để chứng minh Văn An vô tội, nhưng anh cứ nghĩ mãi mà chưa trả lời được rõ ràng những câu hỏi này: Tại sao cảnh sát hình sự lại biết Tú Trinh mất tích vào đúng đêm Giao thừa và đến nhà Tú Trinh để bắt Văn An? Nếu có điện thoại nặc danh báo Cảnh sát Hình sự Tú Trinh bị mất tích vào thời điểm Giao thừa thì kẻ gọi điện thoại là ai? Hắn phải biết là Văn An đang ngồi trước cửa căn phòng của Tú Trinh và muốn đưa Văn An vào vị trí tình nghi số Một của vụ án, vì trước đó khoảng hai tháng, Văn An thường xuyên lui tới căn phòng của Tú Trinh…Càng nghĩ, Văn Luật càng thấy thủ phạm không thể là Văn An mà phải là Bá Đạo. Song,
đó mới chỉ là suy luận mà chưa có bất cứ tang vật, chứng cứ nào, ngay cả câu nói của Bá Đạo (lúc say mèm) về Tú Trinh cũng chưa ghi âm được. Tuy nhiên, Văn Luật nghĩ đã có thể dựng lại những diễn biến chính yếu của vụ án và anh muốn trình bày thử trước Bà Cố vấn Thiên Thư, nếu thuyết phục được “Bà Cố vấn” thì coi như thành công một nửa! 
*
Ngày hôm sau, Văn Luật hẹn gặp “Bà Cố vấn” Thiên Thư để nhờ góp ý những giả thuyết của mình về “Vụ án đêm Giao thừa”. Vừa gặp Văn Luật, Thiên Thư nói ngay:
-Chúng ta khoan nói chuyện về “Vụ án đêm Giao thừa”. Chúng ta ngồi uống cà phê rồi nói chuyện gì đó vui vui một chút!
-Sao vậy? – Văn Luật ngạc nhiên nói – Cậu nói sẽ trợ giúp tớ mọi lúc cơ mà? Bây giờ tớ chỉ biết nói chuyện “Vụ án đêm Giao thừa” thôi! Ngoài ra không biết nói chuyện gì nữa!
-Thôi được, bây giờ chúng ta sẽ nói chuyện về “Vụ án đêm Giao thừa”. Nhưng trước hết tớ muốn hỏi cậu: Vụ án này trước đây ai đã “phá án”?
-Thì chính là  Tổ trưởng Tổ Trọng án bây giờ!
-Có phải vì nhờ thành tích “phá án” này mà ông ta được thăng chức, thăng cấp?
-Đúng vậy!
-Nếu thế thì cậu “Xì-tốp” ngay “Vụ án đêm Giao thừa” này lại mà chỉ cần ghi nhận xét là…vụ án đã đạt kỷ lục về thời gian phá án và rất đúng người, đúng tội!
-Thôi, tớ hiểu tại sao cậu lại nói thế rồi!
-Tại sao?
-Tại cậu yêu tớ!...Đó má cậu ửng hồng, đôi mắt thì long lanh!...
-Yêu cậu?
-Không yêu thì tại sao lại phải cứu tớ thoát khỏi “tai nạn nghề nghiệp” nhãn tiền này?
-Thôi được, tớ sẽ suy nghĩ thêm về chuyện này!...Cậu tiếp tục hoàn tất mười vụ án được giao đi rồi chúng ta sẽ nói chuyện “Yêu đương”!... 
Ngày hôm sau, Thiên Thư  gọi điện thoại “hỏi thăm” Văn Luật thì anh chàng nói ngay:
-Chào! Tớ định gọi cho cậu đây! Cậu có biết tớ rút ra cái cặp hồ sơ thứ hai là vụ án gì không?
-Là vụ án gì vậy?
-Lại là “Vụ án đêm Giao thừa”!
-Rồi! Sau đó cậu lại rút tiếp cặp hồ sơ thứ ba, lại là “Vụ án đêm Giao thừa” đúng không?
-Sao cậu biết?
-Thiên cơ bất khả lộ!... 
Sài Gòn, cuối năm con Trâu, 1-2010
Đỗ Ngọc Thạch
http://suckhoe365.net/wp-content/uploads/2011/08/thu%E1%BB%91c-g%C3%A2y-b%C3%A9o-v%C3%A0-c%C3%B3-hai-cho-tim-m%E1%BA%A1ch.jpeg

CHUYỆN NGƯỜI BÁN THUỐC

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch 
Lợi là con mồ côi cả bố lẫn mẹ, được ông chủ tịch xã thương tình đem về nuôi từ năm lên sáu tuổi, lúc Lợi đang lặn lội suốt ngày ngoài đồng mò cua bắt ốc. Làm con nuôi ông chủ tịch xã, nếu Lợi chịu khó học hành có lẽ đã được đi đây đi đó, thậm chí đi học nước ngoài vì nhiều năm phân bổ tiêu chuẩn cho xã nhưng chẳng có ai. Lợi mải chơi, suốt ngày chỉ chạy lông nhông ngoài đường cho nên ông bố nuôi xếp cho Lợi làm cái chân văn thư chạy công văn giấy tờ cho xã. Làm công việc này Lợi rất thích vì được đón tiếp vui vẻ. Nhưng có người nói với Lợi : “Cậu đã đến tuổi trưởng thành mà cứ lông nhông thế này thì khi ông bố nuôi nghỉ hưu, cậu vẫn hai bàn tay trắng, biết trông cậy vào ai ? Chi bằng đi học lấy một cái nghề thời nào cũng sống được …”. Người đó lại bảo Lợi nên đi học nghề thuốc vì thời nào cũng có người đau ốm, cần có thuốc men, vả lại cái nghề này cũng sạch sẽ, nhàn hạ. Thế là Lợi nói với bố nuôi cho đi học lớp y tá, có vài tháng đã ra trường, về làm việc ngay tại Trạm Y tế xã. Từ ngày làm ở Trạm Y tế xã, Lợi được dân làng săn đón, quý nể còn hơn cả ông chủ tịch xã, Lợi thích lắm !...
Nhưng , “niềm vui ngắn chẳng tày gang” : có một lần, Lợi cho người bệnh uống nhầm thuốc, gây tử vong ! Gia đình nạn nhân kiện Lợi, Lợi sợ hãi bỏ trốn. Người nhà nạn nhân biết được, đuổi theo bắt Lợi phải đền mạng. Đuổi đến một cái cầu bắc qua con sông lớn, nước chảy xiết thì Lợi luýnh quýnh thế nào rớt xuống sông. Người nhà nạn nhân thấy vậy thì hoảng sợ, chạy về ngay…
Số Lợi còn dài nên có một ông lão đang ngồi trên thuyền câu đã nhìn thấy Lợi rớt xuống sông. Ông lão thợ câu vớt Lợi lên, hỏi rõ đầu đuôi rồi nói:
- Mày có tướng “Quý nhân phò trợ”, không những không chết mà còn có thể phát rất mạnh. Trước hết, mày hãy vào thành phố, đến mấy cái bệnh viện mà xin việc làm, chỉ thời gian sau là thành triệu phú, rồi tỷ phú không chừng !...Lúc ấy đừng quên ông già câu cá này nhá !...
Nói rồi ông lão thợ câu cho Lợi vài đồng làm lộ phí. Lợi đi một mạch tới thành phố mà chưa tiêu hết một xu nào !
*
Ngày đầu tiên ở thành phố, Lợi thuê một gường ở phòng trọ bình dân rồi thả bộ đi quan sát phố phường. Vừa đi Lợi vừa nghĩ : “Phố phường thật vui, cái gì cũng có, người xe như nước, áo quần như nêm…Suýt nữa thì ta chết già ở cái xóm nghèo heo hút !...May mà ta gặp nạn mới được tới thành phố như thế này. Đúng là trong cái rủi lại có cái may !”…
Tới một phố vắng toàn nhà cao cửa rộng, hai bên đường có hai hàng cây cổ thụ rì rào gió mát, Lợi bỗng thấy có một cánh cổng sắt bật mở, một người đang bế một đứa bé chạy vội ra, một người đàn bà to béo chạy theo vừa khóc vừa kêu la rối rít. Lợi đi lại gần thì người đàn bà tóm lấy Lợi mà rằng :
- Cậu ơi, cậu chạy đi gọi xích lô cho tôi mau lên, con bé nhà tôi nó bị đau bụng dữ dội, nhanh lên không chết mất !
Lợi nhìn đứa bé, nó khoảng năm sáu tuổi, người khỏe mạnh béo tốt, đang ôm bụng kêu la ầm ĩ. Lợi rờ tay vào bụng đứa bé và giật mình khi thấy cuộn lên một bó giun ! Giun trong bụng đứa bé nó đang nhảy múa đó mà ! Lợi nói với bà mẹ :
- Đứa bé bệnh rất nặng, nhưng tôi có thể cấp cứu và chữa được !
- Cậu chữa được à ? Cậu là bác sĩ à ? – Bà mẹ níu chặt lấy tay Lợi hỏi dồn dập.
- Bình tĩnh, bà cứ bình tĩnh…Đưa em nó vào nhà đặt lên gường, cởi hết quần áo ra…
Người ta làm răm rắp theo Lợi. Khi đứa bé nằm trên gường rồi, Lợi day mấy cái huyệt cho nó ngủ yên rồi bảo người nhà chạy ra hiệu thuốc mua thứ này một ít, thứ kia một ít…
Cuối cùng thì Lợi cũng làm được cái chuyện là lôi cổ đám giun đũa trong bụng đứa bé ra. Không hiểu tại sao lúc ấy Lợi lại nói năng, hành động rất mau lẹ, hoạt bát và nói những điều rất hay ho về bệnh tật đến nỗi bà chủ nhà cứ há mồm ra mà nghe. Bà chủ tin Lợi, phục Lợi và ơn Lợi cũng phải thôi vì chỉ hai ngày sau, đứa bé đã trở lại bình thường , chạy nhảy tung tăng rất dễ thương. Qua những câu chuyện, Lợi được biết bà chủ nhà là vợ một ông cán bộ cấp tỉnh mới được điều về thành phố khoảng năm sáu năm gì đó, hiện đang đi học thêm ở nước ngoài. Còn bà chủ nhà sáu năm trước cũng là một cô thôn nữ nhà nghèo, đọc chưa thông viết chưa thạo, ngoài nhiệm vụ đẻ con cho chồng ra thì không biết làm gì nữa. Lợi bỗng vụt ý : “Ta cứ tưởng người thành phố phải như thần thánh, tiên phật cơ chứ, hóa ra cũng vốn từ đồng ruộng mà ra cả !...Họ sống và giàu có được thì ta cũng phải sống được và làm giàu như họ…”. Thế là từ hôm đó, Lợi ao ước và dự tính sẽ phải có được một cái nhà lầu to đẹp như ông bà chủ này !...
Ơn cứu người thật là vô giá nên Lợi được bà chủ lưu lại như là thượng khách. Không hiểu tại sao Lợi lại sáng tác ra được một lý lịch rất “kịch tính” về hoàn cảnh của mình : Là sinh viên trường Y năm cuối, chuẩn bị nhận bằng bác sĩ thì “tranh chấp tình yêu” với ông thầy, và vì giận cô người yêu phụ tình, bỏ anh học trò nghèo mà theo ông thầy vừa già vừa giàu nên Lợi đã bỏ trường Y đi sống giang hồ, học thêm nghề thuốc ở trường đời !...Nghe hết câu chuyện tình đẫm lệ của Lợi, bà chủ thổn thức hàng giờ liền và sau khi lau khô những giọt lệ nóng bỏng, bà chủ thú thực với Lợi :
- Giá tôi chưa có chồng thì tôi sẽ thành người tình của cậu !...Thú thực, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy con tim mình như có ai xé nát ! Tại sao người con gái kia lại bạc tình bạc nghĩa như thế ?...
Lợi đã đủ khôn ngoan để không bỏ lỡ cơ hội trước một con tim đang thổn thức. Lúc ôm bà chủ mập ú vào mà hôn như điên, Lợi suýt bật ra tiếng nói cứ lởn vởn trong đầu : “Ước gì ta trở thành ông chủ của tòa biệt thự này !”…Song, bà chủ nhà tỏ ra rất tỉnh trong hoàn cảnh xa chồng của mình. Bà ân ái với Lợi nhưng lại thu xếp cho Lợi đến tá túc ở nhà một bà bạn đã bỏ chồng, hiện đang bán thuốc tây ở hè đường. Trước khi chia tay Lợi, bà chủ gia hẹn : “Nếu chồng tôi có ngoại tình lăng nhăng thì tôi sẽ li hôn và chúng ta sẽ cưới nhau rồi ở trong nửa cái biệt thự này !”. Thế là từ đó, Lợi “sống chung” với một người đàn bà bán thuốc tây ở hè đường. Nhiều lúc Lợi cứ thầm nghĩ : “Sao người ta ra thành phố nhiều thế và kiếm sống khó khăn thế ? Còn ta, lại thuận lợi làm sao và nếu như lời ông thợ câu bên sông mà đúng thì ta sẽ phất lên nhờ cái nghề bán thuốc này đây ?”.
Lời ông thợ câu quả thật là thiêng : Người đàn bà “sống chung” với Lợi buôn bán thật nhẹ nhàng mà tiền vào như nước. Bà ta chỉ cần Lợi “đáp ứng về mặt tình cảm” còn mua sắm cho Lợi không thiếu thứ gì. Từ căn nhà lụp xụp nơi bãi sông, bà ta mua được căn nhà mặt tiền trên phố đông đúc. Từ khi có cửa hàng cửa hiệu, công việc mua bán càng phát triển, nhiều lúc không đủ hàng mà cung cấp cho các đầu mối từ các tỉnh về. Vào một hôm rảnh rỗi vì bán hết thuốc, bỗng Lợi nảy ra một sáng kiến : Sao ta không chủ động sản xuất ra thuốc mà cứ phải chờ đợi ở đâu đưa đến ? Thế là từ đó, Lợi cho người đi thu gom các loại bao bì, nhãn thuốc để “sản xuất” ra thuốc mới. Thuốc mới của Lợi chủ yếu là làm từ bột mì, bột sắn pha màu như thuốc thật rồi đóng lại vào trong các “con nhộng” hoặc dập thành viên. Lợi nghĩ : “thuốc của mình vô hại, trộn lẫn với thuốc thật thì chẳng ai mà biết được. Vả lại, bây giờ người ta ưa dùng thuốc liều cao gấp đôi ba lần bình thường, thì có lẫn vài viên thuốc “vô hại” vào có ăn nhằm gì ? Không ngờ Lợi lại có “hoa tay” trong cái nghề “sản xuất” thuốc giả này, phải uống thử mới có thể phân biệt được đâu là thuốc thật và đâu là “thuốc” do Lợi “sản xuất” ! Vào những đợt khan hiếm thuốc, Lợi đã phất lên như diều gặp gió. Đúng sau ba năm hành nghề. Lợi đã có thể sánh ngang với các tỉ phú của thành phố !...
*
Để ăn mừng sự thành đạt và tưởng nhớ đến người đã cứu mạng đồng thời cũng là nhà tiên tri là ông thợ câu, Lợi đã tổ chức đại tiệc. (Lợi đã cho người tìm về bến sông thì không thấy ông thợ câu đâu nữa). Nhưng sau bữa tiệc, cả nhà Lợi bỗng lăn ra đau bụng dữ dội, ai cũng ôm bụng quằn quại, riêng Lợi thì bị cấm khẩu. Người hàng xóm bảo đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng Lợi không chịu, viết giấy, ra hiệu nhờ đi kiếm thầy lang đông y. Một lúc sau, người hàng xóm đưa một ông lang đến. Lợi nhìn thấy ông lang thì giật mình nhận ra đó chính là ông thợ câu ở bến sông ba năm về trước ! Ông lão nói :
- Mày có quý tướng nhưng đồng thời cũng có phá tướng, tất gặp nạn lớn nếu cứ lao vào kiếm tiền bằng cái cửa hàng thuốc này. Ta sẽ chữa khỏi cho cả nhà ngươi, nhưng kèm theo một điều kiện ?
Lợi viết ra một tờ giấy : “Điều kiện gì tôi cũng xin theo nếu ông lại một lần nữa cứu mạng”.
Ông lão lại nói :
- Viết giấy hiến toàn bộ ngôi nhà lầu này cho trường nuôi trẻ tàn tật !...
Lợi viết vào tờ giấy : “Thế thì tôi sẽ ở đâu ?”
Ông lão nói liền một mạch :
- Nhà ngươi trở về làng xưa mà sống. Ông bố nuôi của mày đã nghỉ hưu ba năm nay, nhưng con trai lớn ông mới nhận chức chủ tịch xã như bố ngày xưa. Anh ta cần người chạy công văn giấy tờ cho xã và đã cho người đi tìm mày về để làm cái công việc ấy ! Chỉ có một cách duy nhất đó mà thôi. Nếu mày không nghe thì cứ nằm đấy mà đợi thần chết đón đi !
Lợi vội vàng viết vào tờ giấy : “Xin ông cứu mạng, tôi sẽ nghe theo tất cả !”
Ông lão thợ câu bèn lấy ra ba viên thuốc đen bóng nhét vào mồm Lợi rồi vạch quần đái tồ tồ vào mồm Lợi. Lợi sặc sụa rồi nuốt ừng ực. Sau một phút. Lợi nằm ngủ thiếp đi. Sau đó, ông thợ câu cho người đưa tất cả vợ con Lợi vào bệnh viện cấp cứu. Trong lúc chờ Lợi tỉnh lại, ông lão thợ câu gọi người đến cho tất cả thuốc ở cửa hàng của Lợi vào bao tải rồi đem đổ xuống sông… 
*
…Bây giờ, nếu ai đến trụ sở UBND cái xã Thủy Sơn ấy, sẽ thấy một người chạy văn thư rất khó đoán tuổi, lúc nào cũng đeo cái túi đựng công văn giấy tờ, thư báo bên sườn, đó chính là Lợi, người đã từng là một đầu nậu thuốc Tây nổi tiếng một thời. Dù ốm đau, bệnh tật thế nào, ông ta cũng cương quyết không uống thuốc và bất chợt nhìn thấy ai uống thuốc, ông ta cũng giật mình hốt hoảng rồi bỏ chạy như bị ma đuổi!...
TP.HCM, 1996-2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét