Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Ma Lai; Người được chọn đâm trâu - Đỗ Ngọc Thạch

http://www.kontum.gov.vn/_layouts/LacVietBIO/fckUploadKontum_ThanhPho/%E1%BA%A2nh%20thang%2010/19.10.1919102010_174133.JPGDiễn tấu đàn T'Rưng
Ma Lai
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Đoàn sưu tầm văn học dân gian của giáo sư Phát dừng chân ở một làng người Bâhnar có tên K’tung. Theo kế hoạch đã định,  đoàn sẽ đi một vệt qua các làng của những  dân tộc Bâhnar, Giơrai,  Xêđăng, Giẻ Triêng. Khu rừng huyền thoại có con suối Đăk Lây Linh sẽ là điểm điền dã cuối cùng của đoàn.
Khi đoàn đến làng K’tung, dân làng đang chuẩn bị  làm lễ cúng Zang Pơ đa (1) đồng thời tổ chức hành tội ma lai. Không khí trong làng thật là nặng nề, căng thẳng. Trong ánh mắt, dáng đi của mọi người đều lộ rõ sự hãi hùng. Nếu như Thầy Phát không biết tiếng  Bâhnar  và đã từng đến đây hai lần thì các già làng nhất định là không cho đoàn  vào làng . Mấy cô sinh viên mới lên miền núi lần đầu, thấy vậy cũng  phát hoảng . Một  cô nói :
- Thầy Phát ơi ! Em sợ ma lắm ! Em nghe nói ma của người Tây Nguyên dữ hơn ma của người Kinh và cũng thích ăn thịt người Kinh lắm ! Có phải không thầy ?
Thầy Phát nói :
-  Em đừng sợ. Làm gì có ma quỷ !  Ma quỷ chính  là những kẻ xấu,  kẻ ác gây ra bao tội lỗi đối với đồng loại rồi dựng nên cái thế giới ma quỷ để trốn tránh tội lỗi, trốn tránh sự trừng phạt của con người mà thôi !
-  Nhưng thầy Phát ơi, tại sao con bé con bà chủ nhà lại cứ nhìn em chằm chằm rồi nói : “Trước khi đi ngủ, mày phải khấn Zang Pơ đa không thì Zang sẽ cho ma lai nhập vào mày đấy !”  Zang Pơ đa là gì ? Ma lai là gì, hả thầy ?
-  Trước khi đi điền dã, thầy đã nói sơ về các loại thần linh ma quỷ của người Tây Nguyên rồi cơ mà, sao em mau quên vậy ?  - thầy Phát cười nói – Em nào nhớ thì nói lại cho bạn nghe nào ?
Một sinh viên nói :
-  Thưa thầy , người Bahnar tin rằng họ sống giữa một thế giới đầy những thần và các loại hồn ma khác nhau. Thế giới thần linh ở trên cao, trên trời do hai vị thần có quyền phép hơn cả đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài, cai quản. Đó là Zang Keidei và Zang Kor Ker, tương đương với thần Dớt của thần thoại Hy Lạp.  Dưới thần Keidei và Kor Ker là các thần chức năng, cai quản từng  việc cụ thể. Thế giới ma quỷ là thế giới của người chết gọi là Mang lung. Người chết đi, hồn sẽ lìa  khỏi xác được gọi là A tâu. Khi thân thể người chết đã được đem chôn ở nghĩa địa thì A tâu vẫn quanh quẩn ở nhà,quanh  plei (làng). Ba hôm sau khi làm đám ma, a tâu mới ra ở hẳn ngoài nghĩa địa. Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả, người Ba-na gọi là Grong Bru hoặc Grong Pơ sát, A tâu vẫn chỉ quanh quẩn ở khu nhà mồ. Người ta vẫn cư xử với A tâu như với một sinh thể tồn tại vô hình. Khi không được vừa lòng, A tâu thường làm cho người thân đau ốm hoặc gặp phải những chuyện rủi ro, tai nạn…Hàng ngày, người nhà phải đưa cơm, nước, thuốc hút cho A tâu dùng và đốt lửa cho ấm mộ. Tất cả họ hàng xa gần hàng tháng phải đến cúng, khóc để tỏ lòng thương tiếc. Sau một thời gian dài, thường là ba năm, gia đình người chết làm lễ bỏ mả để chia của và tiễn đưa A tâu về thế giới mang lung. Với những người chết bất đắc kỳ tử, hồn của họ gọi là Pơ đa, còn gọi là những A tâu tàn ác. Những Pơ đa vô cùng nguy hiểm đối với những người còn sống. Nếu như những A tâu, khi không được vừa lòng, chỉ làm cho người thân bị ốm, hoặc gặp chuyện không vui thì những Pơ đa có thể gây ốm đau nặng, chết chóc bất ngờ và không chỉ đối với người thân mà đối với bất cứ ai, không cần lý do gì cả!...Khi Pơ đa muốn hại ai, hắn nhập vào người đó và người đó trở thành ma lai, cũng như Pơ đa, gây chết chóc, bệnh dịch cho mọi người. Pơ đa thương bay lơ lửng trên không trung do thần Đăm Djong cai quản. Người ta sợ Pơ đa nên mỗi khi có nhiều người ốm đau, chết hàng loạt, người ta phải cúng Pơ đa, cầu xin Pơ đa tha cho. Nhưng nếu biết người nào là ma lai, người ta sẽ bắt và diệt trừ thẳng tay. Chỉ những Pơ zâu (2), tức là những người thầy bói, thầy cúng mới có thể nhận biết ai là ma lai và chính những Pơ zâu sẽ làm lễ cúng Pơ đa và trừng phạt, tiêu diệt những người bị gọi là ma lai, nặng thì hành  hình bằng nhiều cách, nhẹ thì đuổi ra khỏi làng…
Thầy Phát gật gù, nói:
- Khá lắm! Em đã trình bày rất đúng. Rồi thầy sẽ hướng dẫn em làm luận văn tốt nghiệp về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và nghệ thuật dân gian Tây Nguyên. Vấn đề này chưa được chú ý nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngay cả việc sưu tầm, khảo sát tổng thể về văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chúng ta cũng chưa làm được mấy. Nhân lần này, thầy muốn các em cùng với thầy cứu một người con gái bị vu oan là ma lai và vạch mặt bọn thầy cúng, thầy bói, những Pơ zâu tàn ác. Bọn này đã lợi dụng danh nghĩa là sứ giả của thần linh để trị ma quỷ nhưng thực chất chúng đã gây nên nỗi bất hạnh cho những người thật thà, chất phác!...Các em có biết lần này lão Pơ zâu ở đây sẽ trừng phạt ma lai như thế nào không?
Cả mấy sinh viên đều hỏi dồn:”Thưa thầy như thế nào ạ?”
Thầy Phát nói:
-Thầy và Cúc đã tranh thủ gặp già làng Đinh Kông và đã nắm khá rõ sự việc. Cúc đã ở Tây Nguyên ba năm rồi, đã chứng kiến hành hình ma lai, Cúc hãy nói cho các em nghe đi !
Từ nãy đến giờ, Cúc đang mải suy nghĩ gì đó mà cứ ngồi trầm tư như già làng. Nghe thầy Phát nhắc đến mình, Cúc bừng tỉnh rồi chậm rãi nói  :
- Các bạn ạ, Pơ zâu sẽ cho làm một cái chòi nhỏ, xung quanh bịt kín mít rồi nhốt người con gái là ma lai vào đó. Sau đấy, lão ta sẽ chất một đống củi xung quanh chòi và đốt lửa. Nếu sau khi đống củi tắt lửa, người con gái còn sống thì có nghĩa là ma lai đã bị thiêu chết và người con gái được sống bình thường !...
- Trời đất !  Đốt lửa vây quanh chòi thì cháy luôn cả cái chòi chứ còn gì nữa ! Người con gái cũng chết cháy luôn chứ còn sống  sao nữa ! – mấy sinh viên kêu lên .
Cúc rơm rớm nước mắt nói tiếp :
- Một lần, tôi đã được chứng kiến cảnh trừng trị ma lai  ở làng Krông  Pông của người Gia Rai. Người con gái bị ghép tội là ma lai đã bị người ta đổ chì nung chảy vào lòng bàn tay. Cô gái đau quá rú lên khiếp đảm rồi ngất xỉu đi ! Hai ngày sau mới tỉnh lại, cô gái trở thành điên, cứ gào thét và chạy khắp làng. Lão Pơ zâu bảo con ma lai trong người cô gái chưa bị diệt, cô gái vẫn là ma lai.
Thế là cô gái bị người ta lôi vào tận rừng sâu, bỏ mặc ở đó !...
- Trời đất !... – mọi người đều thốt lên, lặng đi ...
Cúc chậm rãi nói tiếp :
- Chúng ta phải tìm cách cứu cô gái đang bị khép là ma lai ở đây . Cô ta tên là H’Ban, em gái của H’Lan. Trước đây , H’Lan cũng  bị khép là ma lai, nhưng H’Lan đã bỏ trốn lên thị xã và được lấy vào đội văn nghệ - thông tin của Sở văn hóa. H’Lan xinh đẹp và hát hay. H’Ban còn xinh đẹp hơn người chị, hát hay hơn người chị !...
- Sao ta không nói với H’Ban bỏ trốn đi như H’Lan ? – một sinh viên vội nói .
- H’Ban cũng muốn trốn đi,  nhưng lão Pơ zâu cho người kèm rất chặt ! Hơn nữa , mẹ H’Ban đang bị bệnh, H’Ban phải thường xuyên chăm sóc, không nỡ bỏ mẹ đấy mà  đi !...
- Nhưng tại sao H’Ban lại bị gọi là ma lai ? – một người hỏi.
-Theo tôi, -Cúc nói- chỉ vì H’Ban rất xinh đẹp như nàng Bia Răk trong Hơ Amon (3)  Đăm Noi ấy :
Môi  nàng đỏ như hoa Pơ lang
Chân nàng mềm trắng như cúi bông
Ngực mới nhú bằng quả cây sắn
Nàng đẹp như con trời
Nhìn đằng trước thấy xinh
Nhìn đằng sau thấy đẹp
Váy ba mươi lớp vẫn thấy bắp vế trắng bên trong
Nàng bước đi uyển chuyển
Gió thổi, lộ bắp vế như có ánh chớp
Gió bay, thấy đầu gối như có tiếng sấm ầm ì
Gió thổi, thoáng bắp đùi bỗng như chói lòa tiếng sét đánh ngang tai !...
H’Ban yêu anh chàng Đinh Sanh,một thanh niên khỏe mạnh, trung thực. Một lần, trên đường đến chỗ hẹn với Đinh Sanh, H’Ban gặp lão thầy cúng khật khưỡng  đi cúng về.Thấy H’Ban bước đi uyển chuyển, một làn gió thổi, lộ bắp vế như có ánh chớp, máu dê của lão Pơ zâu bốc lên, lão nhào tới ôm chặt lấy bắp vế của H’Ban,  muốn cưỡng hiếp H’Ban. H’Ban hoảng sợ, cuống cuồng  chống cự mà không được. Cô thét lên hoảng hốt. Tiếng thét của H’Ban đã đến tai Đinh Sanh. Đinh Sanh  tức thì lao đến, tóm gáy lão Pơ zâu nhấc lên rồi quật vào thân cây. Lão ta chết ngay. Đúng lúc đó, con trai lão Pơ zâu, cũng hành nghề thầy cúng, cũng là Pơ zâu, cũng vừa đi cúng về, nhìn thấy liền chạy về làng loan báo rằng H’Ban là ma lai, H’Ban đã làm cho mẹ mình  bị bệnh , giờ lại xúi Đinh Sanh giết chết Pơ zâu !...Sau đó, Đinh Sanh sợ quá, bỏ trốn lên núi Lơng Khơng theo Phun-rô, còn H’Ban sẽ bị hành hình !...
Sở dĩ H’Ban chưa bị hành hình ngay vì lão Pơ zâu con ấy, cũng đã gần bốn mươi tuổi rồi, không hiểu sao bỗng thích lấy H’Ban làm vợ bé ! Lão nói với H’Ban rằng, nếu H’Ban đồng ý lấy lão, lão sẽ dùng phép thuật gọi con ma lai trong người H’Ban ra mà giết đi, sau đó H’Ban sẽ không còn là ma lai nữa ! Nhưng H’Ban không chịu . Lão Pơ zâu năn nỉ, dọa dẫm, cưỡng ép H’Ban mãi không được, lão liền quyết định sẽ chọn ngày hành hình H’Ban !...
Cúc ngừng nói, mọi người lặng đi giây lát rồi xôn xao như làn gió đột ngột lướt qua khu rừng đang yên tĩnh. Mọi người bàn bạc mãi mà vẫn không  nghĩ ra được cách gì để cứu H’Ban. Bóng đêm đã chùm lên vạn vật từ bao giờ. Làng K’tung như đang chìm dần vào những điều bí ẩn, huyền ảo …
Sáng hôm sau, mấy thầy trò đi lang thang ngược dòng con suối K’tung vãn cảnh vì dân làng đang chuẩn bị hành hình ma lai, chẳng ai còn bụng dạ nào mà làm việc với đoàn sưu tầm cả. Chỉ còn hai ngày nữa, lão thầy cúng sẽ làm lễ, H’Ban sẽ bị thiêu cháy ! Điều đó khiến cho thầy trò lòng dạ nôn nao. Nhìn dòng suối đang róc rách chảy như muốn nói điều gì, Cúc bỗng reo lên :
- A !  Thầy Phát ơi ! Các bạn ơi ! Em đã nghĩ  ra rồi !...
Mọi người  xúm lại vây quanh Cúc,  rối rít hỏi. Cúc nói :
-Ôi! Tại sao chúng ta không nghĩ đến cái kế “dẫn thủy nhập thành” của các vị tướng thời xưa? Ở trên khúc suối này một đoạn là ngã ba suối. Suối mẹ là suối Kơ Nơng chảy thành hai nhánh là K’ning và K’tung. Suối K’ning còn lớn hơn suối K’tung này. Lão Pơ zâu đang làm chòi thiêu H’Ban ở bãi đất rộng bên bờ suối K’tung. Vậy ta có thể làm cho dòng suối K’tung dâng cao lên, chảy mạnh hơn bằng cách  ngăn suối K’ning lại. Nước của suối mẹ K’nơng sẽ chảy dồn về suối K’tung, đám cháy sẽ bị chìm trong nước!
Mọi người cùng reo lên:
- Hay lắm! Đó gọi là dùng thủy diệt hỏa! Đám cháy sẽ bị dập tắt và biết đâu nước sẽ cuốn phăng lão Pơ zâu đi!
Một người nói:
- Nhưng nước sẽ cuốn cả H’Ban đi thì sao? Còn bao nhiêu người khác nữa, cũng bị nước cuốn đi thì sao?
Thầy Phát nói:
- Chúng ta sẽ làm một số bè chuối để cứu H’Ban và những người bị nạn. Nào, phải bắt tay vào công việc ngay!...
Nói rồi mọi người đi như bay về nhà tìm kiếm dụng cụ và phân công nhiệm vụ cho từng người…
*
Ngay tại ngã ba đường, một đường rẽ vào làng, một đường rẽ sang làng khác, một đường đi ra suối K’tung, một cái chòi nhỏ đã được dựng lên từ bao giờ. Xung quanh chòi, người ta chất củi khô cao tới mái chòi. Đó là chỗ hành hình con ma lai H’Ban…
…Khi ngọn lửa đã bắt đầu liếm vào đống củi xung quanh cái chòi nhỏ nhốt H’Ban, lão Pơ zâu lầm rầm khấn:
Ơ!...Zang Pơ đa linh thiêng!...
Ngài thích ăn thịt gà
Chúng tôi xin dâng ngài một con gà béo đấy!
Ngài hãy thương chúng tôi
Đem tai vạ ra khỏi làng
Đem con ma lai này ra khỏi làng!...
Những người đứng xung quanh khu hành lễ bắt đầu lao xao khi nhìn thấy ngọn lửa  dữ tợn sắp phủ kín đống củi thì từ trên thượng nguồn suối K’tung, đột ngột vang lên những tiếng động khác thường, gầm vang kéo dài. Phút chốc, một dòng nước lớn cuồn cuộn ào ào đổ về  khu vực làng K’tung. Lòng suối vốn đang nhỏ hẹp bỗng dềnh lên, tràn sang cả con đường rẽ vào làng. Con nước như không muốn trôi theo dòng suối mà réo lên một cách hối hả, xoáy tròn, xoáy tròn òa vào đống lửa…Đám đông nhốn nháo, hỗn độn nhưng người ta vẫn nghe thấy những tiếng nói lớn, vang vang : “Zang Đăk (*) nổi giận !...Zang Đăk bảo H’Ban không phải là ma lai ! Ma lai chính là Pơ zâu Đinh Păc Sia ! Đinh Păc Sia chính là ma lai !...”. Lão thầy cúng Đinh Păc Sia đang ngơ ngác vì con nước bất ngờ ngập tràn thì bàng hoàng  thất kinh vì những tiếng nói ấy ! Lão tái mặt, run lập cập rồi quỳ xuống để cầu xin Zăng Đăk tha tội chết nhưng không kịp nữa rồi, một cái bè nứa lớn đã lướt tới đè lên lão, không cho lão nghe thấy câu nói cuối cùng của thằng con lão : “Pơ zâu Păc Sia ! Nước dâng đến bụng rồi kìa !...”. Cái bè nứa khi đã đè lên lão Pơ zâu thì lại lướt theo dòng suối băng băng như không muốn cho ai bám níu lấy nó !...
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(*) Zang Đăk: Thần Nước
(1) Zang Pơ đa: Thần Chết
(2) Pơ zâu: Thầy cúng
(3)Hơ Amon: Truyện kể dân gian, trước đây thường dịch là Trường ca. Hơ Amon được trình diễn dưới hình thức Hát-kể , gọi là Diễn xướng hát-kể.
http://world.vietnammls.net/Upload/News/w355_large.jpgLễ đâm trâu
NGƯỜI  ĐƯỢC  CHỌN  ĐÂM  TRÂU 
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 
1. 
Đinh Nhân là một chàng trai người Ba-na khỏe mạnh, cao gần một mét tám, nước da nâu bóng, mái tóc đen rậm trở thành cái phông nền tuyệt vời cho khuôn mặt cháy nắng nhưng đẹp một cách rất…”Cao nguyên”: đôi mắt luôn mở to như không muốn che đậy đi ánh mắt rực sáng, cái miệng luôn cười ra ánh sáng bởi hàm răng đều tăm tắp trắng bóng!...Muốn nói gì thì nói, Đinh Nhân là một thanh niên Ba-na “đạt chuẩn” tuyệt đối! Chính vì thế mà khi còn đang học ở trường Nội trú dành cho học sinh các dân tộc, cậu đã nhiều phen không được yên: Không chỉ một đoàn quay phim mà có tới ba đoàn, nhìn thấy cậu là mê liền và lôi đi quay phim, quay tới quay lui, lúc bắt trèo lên núi, lúc bảo đứng bên thác nước, lúc lại nói chèo thuyền…Mấy người quay phim nói đây là phim tài liệu về đất nước – con người Tây Nguyên, sẽ đem chiếu ở khắp thế giới, cho nên cậu sẽ được cả thế giới chiêm ngưỡng! Đinh Nhân không biết được cả thế giới chiêm ngưỡng có sướng hay không nhưng trước mắt cậu bị mất nhiều buổi học quá, khi đoàn quay phim trả cậu về trường, cậu bị điểm kém liên tục, chẳng thể gọi là sướng được! 
Mấy đoàn quay phim thì chỉ mượn Đinh Nhân một tuần, nhưng Đoàn Xiếc Trung ương thì dụ cậu đi học làm diễn viên xiếc. Không biết họ đã nói với các thầy giáo thế nào mà ai cũng bảo Đinh Nhân nên đi học làm diễn viên xiếc, vì chọn được người để huấn luyện thành diễn viên xiếc khó lắm, ngàn người mới chọn được một, hai. Làm diễn viên xiếc oai lắm, luôn luôn được hoan hô. Có thầy giáo còn nói: cậu học văn hóa hơi bị kém, có cái chuyện giải phương trình bậc nhất  (một ẩn số) mà làm mãi không được thì tới phương trình hai, ba, bốn ẩn số thì làm sao? Chi bằng đi học làm diễn viên xiếc, chẳng phải giải phương trình nhức đầu, mà tiêu chuẩn ăn của diễn viên xiếc cao lắm, không bao giờ lo bị đói như ở trường nội trú dân tộc! Lời khuyên này đã củng cố quyết tâm bỏ trường học đi theo Đoàn xiếc của Đinh Nhân! 
Lý do để Đoàn xiếc chọn Đinh Nhân chính là cái hình thể như người mẫu của cậu: Với cơ thể khỏe mạnh, đồ sộ như khổng lồ của Đinh Nhân, cậu được chọn để huấn luyện làm chân trụ, có nghĩa là cậu chỉ cần đứng cho vững và làm sao để một cây cột dài tới bốn, năm mét đứng yên trên một vai, và điều quan trọng là trên cây cột đó sẽ có một, hai nghệ sĩ uốn dẻo biểu diễn những động tác hình thể rất đẹp mắt! Nói thì ngắn gọn như thế nhưng tới khi làm thì không hề đơn giản. Để cho cây cột đứng yên trên vai, Đinh Nhân phải tập đúng một tháng. Tới khi có người đu bám trên cột thì cậu tập hoài không được! Lý do không giữ được thăng bằng cho cây cột khi có người bám vào biểu diễn không phải là sức nặng đè xuống vai (cậu thấy còn quá nhẹ, có thể ba bốn người bám vào cột cậu cũng chịu được) mà là cái mùi hương từ người con gái đang bám vào cột, cứ tăng dần “nồng độ” tấn công vào khứu giác của cậu, cho đến lúc cậu như bị trúng thuốc mê, không làm chủ được nữa, tất nhiên làm sao còn “giữ” được cây cột trên vai!...
2. 
 Đinh Nhân không hoàn thành được tiết mục, cậu được chuyển tới một lớp học đặc biệt, gọi là huấn luyện chiến sĩ đặc nhiệm. Nhưng mới dự huấn luyện được một tuần, Đinh Nhân nói với viên sĩ quan chỉ huy: “Ở đây toàn dạy đánh nhau, mà cháu thì không thích đánh nhau, cho cháu về nhà với mẹ! Cháu giúp mẹ làm nương rẫy tốt lắm, chẳng cần phải mất công huấn luyện như thế này! Mà nhà cháu cần có thêm người làm việc, nếu không cả nhà sẽ bị đói!”. Viên sĩ quan nói: “Được chọn vào đây là khó lắm, đó là vinh dự không phải ai cũng được. Với lại, huấn luyện xong, được bổ nhiệm sẽ có lương cao, nhiều tiền gửi về cho mẹ nuôi các em, không tốt hơn sao?”. Đinh Nhân lúng túng một lúc rồi nói giọng cương quyết: “Nhưng cháu nhớ mẹ, nhớ buôn làng, nhớ núi rừng!...Cháu không thể sống xa buôn làng, xa mẹ!”. Cuối cùng thì viên sĩ quan chỉ huy đành phải cho Đinh Nhân về với Tây Nguyên của cậu, mặc dù không hề muốn như thế vì tiếc một tay đấm có sức mạnh kinh hoàng!
Trở về buôn làng, ai cũng vui mừng vì thấy Đinh Nhân đã lớn lên rất nhiều, không chỉ về thể xác mà cả về tình cảm. Mẹ nói với cậu: “Bây giờ mẹ sẽ cưới vợ cho con. Khi vợ nó đẻ con thì con muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm!” Đinh Nhân nói: “Cưới vợ thì cưới Hơ Lan cho con. Hôm con mới về, chúng con đã dắt nhau lên thác Ya Li thề yêu nhau suốt đời rồi!” Bà mẹ Đinh Nhân vui lắm, làm đám cưới ngay. Chỉ sau chín tháng, Hơ Lan đã đẻ cho cậu hai thằng con trai (sinh đôi) rất khỏe, đẹp. Suốt một năm được chứng kiến vợ và mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng hai đứa con, Đinh Nhân mới nhận ra rằng vợ và mẹ biết rất nhiều những bài hát dân gian của dân tộc Ba-na và hai người phụ nữ ấy đã hát ru hàng ngày, hàng đêm cho hai đứa bé và dường như là chúng lớn lên là nhờ những bài ca dân gian đó. Và khi hai đứa bé lớn lên thì cha của Đinh Nhân lại kể cho chúng nghe những câu chuyện rất dài nhưng rất hay, mà ông gọi là Hơ ri, còn những người ở Sở Văn hóa gọi là Diễn xướng hát kể, thỉnh thoảng họ cũng đến ghi âm lời kể chuyện của ông… 
Một hôm, cha Đinh Nhân nói với cậu: “Con là người có sức mạnh hơn những người khác, nếu là thời chiến thì phải ra trận, còn thời bình thì con hãy làm việc gì đó theo khả năng của mình, giống như cây cà phê thì cho ta hạt cà phê, cây cao su thì cho mủ cao su, cây mít thì cho quả mít, chuối thì cho quả chuối!...” Đinh Nhân suy nghĩ rất nhanh và nói luôn: “Con đã đi học làm xiếc, học võ thuật nhưng đều không được, nhưng con học nhưng bài hát của mẹ, những câu chuyện kể của cha thì rất nhanh. Hiện nay con đã thuộc rất nhiều bài dân ca của mẹ và những chuyện kể của cha. Vậy thì con sẽ đi hát dân ca và kể chuyện dân gian!” Cha Đinh Nhân nói: “Mấy người ở Sở Văn hóa - Thông tin đã đến ghi âm cha kể chuyện có nói ở Sở Văn hóa – Thông tin rất cần những người có khả năng như thế tập hợp lại thành Đội Thông tin – tuyên truyền lưu động, đi khắp nơi để hát cho đồng bào các dân tộc nghe và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước. Con có thể đến đó, cha nghĩ là sẽ thích hợp với con!’. Quả nhiên, khi Đinh Nhân đến Đội Thông tin – tuyên truyền lưu động của Sở VH-TT thì cả đội đều hoan nghênh, riêng mấy cô gái thì rất vui và ai cũng nuôi hi vọng!... Sau một tháng dự lớp tập huấn, Đinh Nhân cũng ngạc nhiên vì khả năng đa dạng của mình: sờ vào các loại nhạc cụ nào, cậu cũng có thể tấu thành một bản nhạc quen thuộc và sau một tháng mải mê luyện tập, cậu đã có thể đàn Ghi-ta không thua kém một nhạc công ghi-ta chuyên nghiệp!... 
3. 
Cứ vào những dịp có lễ hội ở buôn làng nào đó, dù xa xôi, Đội TT-TT của Đinh Nhân lại có mặt. Đinh Nhân đặc biệt thăng hoa với lễ Sa-mơk – Lễ ăn cốm mới (Lễ mừng lúa mới). Đây là một lễ hội rất quan trọng và rất đẹp. Lễ Sa-mơk được tiến hành trong ba ngày vào khoảng cuối tháng Tám lịch dân tộc, khi những vạt lúa sớm trên nương rẫy bắt đầu chín tới. Tại nhà Rông, mọi người giết lợn, gà để hiến tế các thần Zang Kông (1), Zang Đăk (2) đừng làm cho hồn lúa kinh sợ để hồn lúa (cùng với hồn lúa là sự no đủ) về với dân làng. Sau phần nghi lễ cúng tế Thần linh, dân làng múa hát, uống rượu Cần ăn mừng một vụ thu hoạch mới. Trong Lễ Sa-mơk này, ai cũng vui vẻ, múa, hát những bài ca tình yêu…
Có hai Lễ hội nữa cũng lớn như Lễ Sa-mơk là Lễ Grong Kơpô (3) và Lễ Grong Pơ-sát (4). Với Lễ Grong Pơsát, cũng như với Lễ Sa-mơk, Đinh Nhân có thể múa hát, đánh đàn suốt đêm nhưng với lễ Grong Kơpô, Đinh Nhân luôn có cảm giác là chính trái tim mình bị đâm chứ không phải con trâu bị đâm!...
Đinh Nhân đem cảm giác đó hỏi cha, ông Đinh Răc trầm ngâm như một gốc thông già hồi lâu mới chậm rãi nói: “Lễ Grong Kơpô có từ rất xa xưa, khi các bộ tộc thường có chiến tranh vì tranh giành địa bàn cư trú hoặc một quyền lợi gì đó. Lẽ đương nhiên, những bộ tộc mạnh sẽ chiến thắng và người ta tổ chức Lễ Grong Kơpô tức Lễ Đâm trâu mừng chiến thắng. Con trâu được dùng làm vật hiến tế. Trước khi giết con trâu để lấy cái đầu con trâu dâng lên Thần linh, người ta buộc con trâu vào gốc cây Nêu chôn ở sân rộng trước nhà Rông, rồi chọn lấy một hoặc hai thanh niên trai tráng, chính là những chiến binh có nhiều chiến công nhất trong những trận đánh thắng lợi đó, tay cầm khiên, tay cầm giáo, múa những bài võ chiến đấu, những mũi giáo đâm phải trúng vào con trâu, đến khi con trâu kiệt sức, không chạy quanh cây nêu nữa thì thôi. Trong khi người chiến binh múa khiên, đâm trâu thì đội cồng chiêng tấu nhạc, ông thầy cúng đọc những lời Sơ-măh (5):
          Hãy dậy đi hỡi Thần Đăm Đoa
          Từ núi Hàm Rồng nóng bỏng
           Xông cho trái tim sôi lên đầy dũng khí
           Hun lên cho con người đầy dũng cảm
           Như tiếng hổ gầm trong bãi tranh
           Như tiếng beo gầm trong bụi rậm
           Như sấm chớp
           Như sét đánh!... 
Sau này, Lễ Grong Kơpô được tổ chức không còn như ý nghĩa ban đầu nhưng về cơ bản các bước tiến hành không khác trước mấy!...Không riêng gì con mà cũng có không ít người không muốn nhìn thấy cảnh con trâu bị đâm liên tục cho đến chết! Chính cha cũng đã nói nên bỏ các bước trong việc đâm chết con trâu mà thay vào đó là diễn tả lại cảnh chiến trận thời xưa, rồi tổ chức đấu võ, múa khiên cũng là biểu dương sức mạnh cộng đồng… Nhưng chỉ có già làng Đinh Rin là tán đồng mà thôi!” Nghe cha nói vậy, Đinh Nhân thầm nghĩ: “Thế thì ta còn biết nói gì nữa đây?”…
4. 
Đinh Nhân không bao giờ quên cái lần ấy: có một đoàn nghiên cứu Văn hóa dân gian của Trung ương tổ chức phục dựng Lễ Đâm trâu để quay phim, có rất nhiều khách nước ngoài cũng tới dự. Và nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian kiêm đạo diễn Lễ Đâm trâu đã chọn đích danh Đinh Nhân là nhân vật chính trong nghi thức đâm trâu. Ông này đã tìm gặp Đinh Nhân và nói: “Lễ đâm trâu này đã được chuẩn bị cả năm nay, sẽ diễn ra đúng như khởi thủy của nó và sẽ rất hoành tráng, sẽ được quay phim kỹ lưỡng và sẽ là một nội dung quan trọng trong Luận văn Tiến sĩ của tôi trình bày trước Hội đồng Khoa học có cả các chuyên gia Folklore nước ngoài tham dự. Chính vì thế, tôi muốn nhờ cậu vào vai dũng sĩ múa khiên và đâm trâu và tôi tin cậu sẽ làm rất tốt!”. Đinh Nhân nghe nói thì tai như có gió thổi ù ù, trong đầu như có sấm rền, anh nói ngay: “Không! Tôi không thể làm người đâm chết con trâu! Con trâu nó là người bạn tốt nhất của tôi! Tôi không thể!”. Ông kia thoáng ngạc nhiên rồi lấy trong ví ra hai trăm ngàn đưa cho Đinh Nhân: “Cậu nhận lời đi, đây là tiền thù lao tôi ứng trước cho cậu!”.
Lập tức Đinh Nhân la to: “Tôi không lấy tiền của ông để đâm chết con trâu vô tội! Ông đi đi!” Và Đinh Nhân đã bỏ đi trước sự ngạc nhiên của ông kia. Đinh Nhân còn nghe rõ tiếng ông ta nói theo: “Chê tiền à? Đúng là thằng mọi ngu ngốc!...”. Đinh Nhân tính quay lại tóm cổ ông ta ném vào vườn cà phê, nhưng anh vội kìm lại và thoáng nghĩ: Việc cấp bách bây giờ là phải giải thoát con trâu đang bị cột ở sau nhà Rông! Và Đinh Nhân đã chạy như bay đến bên con trâu tội nghiệp, nó không biết gì về việc ngày mai người ta sẽ đem nó cột vào gốc cây Nêu trước sân nhà Rông rồi đâm nó cho đến chết! Nó vẫn đứng yên, cái đuôi chốc chốc lại quật qua quật lại đuổi lũ muỗi cứ bu bám vào mông nó mà hút máu, còn hai cái tai thì phe phẩy nhẹ như hai cái quạt, mồm thì nhai nhai hoài!... 
Đinh Nhân đã dẫn con trâu tới cửa rừng và vỗ vào mông nó mà nói: “Mày hãy đi vào đại ngàn, ở đó sẽ có cỏ non cho mày ăn, có nước suối mát cho mày uống!”. Con trâu như là ngần ngừ không muốn đi một mình, nó quay đầu lại nhìn Đinh Nhân và từ trong mắt nó lăn ra những hạt lệ to tròn như những hạt ngọc!...Đinh Nhân dụi mắt và thoáng nghĩ, không biết là con trâu nó rơi lệ hay là mình rơi lệ? 
----------
Chú thích:  
(1) Zang Kông: Thần Núi
(2) Zang Đăk: Thần Sông, Thần Nước
(3) Grong Kơpô: Lễ đâm trâu
(4) Grong Pơ-sát: còn gọi là lễ  P’Thi: Lễ bỏ mả, lễ bỏ nhà mồ
(5) Sơ-măh: lời khấn trong Lễ Grong Kơpô.
Sài Gòn, 10-12/11/2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét