Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Báo hiếu ; Người mẹ... - Đỗ Ngọc Thạch

Báo hiếu
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

1.
Nguyễn Trung Sa, Nguyễn Đại Pháo và Nguyễn  Kỵ  Mã  là ba anh em họ, cùng tuổi Tuất (1946) và cùng học một lớp. Khi ba người này học lớp một (1953) thì tôi mới 5 tuổi. Do mẹ tôi lúc đó là cô giáo nên thường đem tôi đến lớp học cho học “dự thính”. Đường đi từ nhà tôi đến lớp học khá xa nên ba người Sa, Pháo, Mã thường qua nhà tôi cõng tôi đến lớp. Chính vì thế, tuy chỉ được ba người này cõng đi học trong khoảng một năm nhưng đó là những kỷ niệm khó phai mờ trong tôi. Sau giải phóng Thủ đô, gia đình tôi chuyển về Hà Nội và những tưởng sẽ không bao giờ gặp lại ba người Sa, Pháo, Mã nữa. Nhưng thật kỳ lạ, năm 1989, tức gần bốn mươi năm sau tôi lại gặp cả ba người Sa, Pháo, Mã ở Sài Gòn…
Lúc gặp lại Sa, Pháo, Mã thì cả ba người đều đang là giám đốc Sở cấp tỉnh, ở ba tỉnh xung quanh Sài Gòn. Hàng tuần, ba người thường hẹn nhau gặp gỡ ở Sài Gòn, vì thế mà tôi đã gặp cả ba người. Hôm đó, một người bạn học cũ, trúng mánh gì đó, rủ tôi đi “bia ôm” ở đường Ngô Thì Nhậm. Lúc chúng tôi đến thì các phòng đã kín hết, đành ngồi lai rai ở ngoài sân chờ. Vừa uống hết lon bia Tiger thì có người to lớn bệ vệ đứng sừng sững trước mặt, ngó tôi không chớp mắt rồi la lên: “Cậu có phải là Thạch, con cô giáo Thành?”. Tôi giật mình khi người này nhắc đến tên mẹ tôi! Tôi chưa kịp định thần thì người này nắm chặt lấy cánh tay tôi mà nói liên hồi: “Đúng là cậu Thạch rồi! Cậu  không nhớ người đã cõng cậu đi học hồi ở quê à? Tôi là Mã, là Kỵ Mã của cậu đây!...” Dường như cái nắm tay quá mạnh của người này đã khiến tôi vụt nhớ lại tất cả! Tức thì tôi cũng la lên: “Anh Mã!...Trời đất ơi, gần 40 năm rồi mới lại gặp anh! Thế các anh Sa, anh Pháo đâu? Các anh là bộ ba xe pháo mã làm sao mà quên được!” Mã liền kéo tôi dậy mà rằng: “Ở trong kia, tất cả đang ở trong kia” Và Mã lôi tuột tôi vào một phòng, tôi còn nhớ cánh cửa phòng có số 3. Trong phòng là hai người đàn ông nữa, đang ngồi uống bia ôm với hai cô gái “mặc áo nhà nghèo”, một cô khác thì đang ngả người trên thành ghế salon hút thuốc! Mã kéo tôi tới trước mặt hai người kia và nói to: “Các huynh xem tôi vừa tóm được ai đây nào?” Hai người kia trố mắt ra nhìn, dường như chưa nhận ra tôi, Mã liền gợi ý: “Các huynh hãy trở về nơi có “rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt”, có mái trường  trên đồi hoa sim tím thì sẽ nhớ ra ngay!”, nói rồi Mã đi ra ngoài, nhoáng cái đã thấy lôi người bạn cùng đi với tôi vào phòng. Lúc đó, cả hai người đàn ông kia cùng đứng bật dậy và cùng nói: “Cậu Thạch con cô giáo Thành, đúng không?” Dĩ nhiên là tôi nhận ra Sa và Pháo vì trước đó đã gặp Mã bên ngoài!...
Tôi và người bạn nhập cuộc với bộ ba xe pháo mã và cuộc hàn huyên này kéo dài cho tới hai giờ sáng. Lúc chia tay, cả ba người Sa, Pháo, Mã cứ nhắc đi, nhắc lại tuần sau tái ngộ!...
2.
Sa, Pháo, Mã là con trai của ba người anh em sinh ba có tên là Phú Nông, Trung Nông và Hạ Nông, đã ba đời là thuần nông  nên người cha lấy chữ Nông đặt tên cho ba đứa con. Ba người cha cùng lấy vợ một ngày, cùng sinh con một ngày, đó là điều đặc biệt của họ nhà này. Điều đặc biệt nữa là  khi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946 bùng nổ, ba anh em sinh ba cùng tòng quân, để lại vợ dại con thơ ở nhà. Con thơ (tức Sa, Pháo, Mã) thì đúng là con thơ, nhưng ba người vợ không phải là “vợ dại” mà cực kỳ tháo vát, đảm đang nên ba đứa con lớn nhanh như thổi…Khi quân ta chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nghe tin chồng sẽ được tham gia đánh trận đầu, ba người vợ rất hãnh diện, tự hào và cùng xin vào đội dân công hỏa tuyến với hy vọng sẽ được gặp chồng… Cầu được, ước thấy, cả ba người vợ trẻ đều gặp được chồng và đều được cấp trên cho phép “vợ chồng xum họp”. Trên đường về nhà, ba người vợ tràn trề hy vọng về kết quả của lần “vợ chồng xum họp” này và bàn với nhau sẽ đặt tên cho ba đứa con là Điện, Biên và Phủ cho dù là trai hay gái! Song, niềm vui, sự may mắn chẳng bao giờ đến nhiều (phúc bất trùng lai), cả ba người vợ trẻ - ba người mẹ tương lai – đều hy sinh trong một trận oanh tạc của máy bay Pháp, đúng là “Họa vô đơn chí”!... Cái câu “Họa vô đơn chí” này còn thể hiện sự nghiệt ngã của nó đối với ba người chồng từ khi còn chưa biết vợ đã hy sinh: Trong trận đánh mở màn, khi lệnh “Xung phong” được phát ra, ba anh em sinh ba vừa nhô lên định vọt khỏi chiến hào thì đều bị một viên đạn Tomson (một loại súng tiểu liên quân Pháp thường dùng) găm vào trán và chui tọt vào trong đầu! Ba anh em đều ngã bật trở lại chiến hào và ngất xỉu!...             
3.
Ở đời có những chuyện  lạ thật khó giải thích bằng lý lẽ thông thường. Chẳng hạn như có người chỉ trầy da sứt vẩy cũng dẫn đến tử vong nhưng có người bị những vết thương rất hiểm hóc, rất nặng nhưng vẫn sống trơ trơ. Ba anh em sinh ba tên Nông rơi vào trường hợp thứ hai: đầu viên đạn Tomson chui vào trong đầu tưởng giết chết nạn nhân vậy mà chỉ để lại một hình tròn trên trán, một lớp da lập tức mọc ra phủ lên cái lỗ đạn khiến ai không biết thì không thể nghĩ rằng một cái đầu đạn đã chui qua đó! Cái đầu đạn dường như “ngủ yên” trong đầu các nạn nhân? Thực ra, nó “nửa thức nửa ngủ” khiến cho các “gia chủ” nửa tỉnh nửa mê, tức lúc thì tỉnh táo bình thường, lúc thì như người tâm thần!...
Sau khi vết thương lên da non, ba anh em sinh ba tên Nông được xếp hạng thương binh đặc biệt, được Nhà nước nuôi dưỡng suốt đời, nhưng gia đình xin đón về nhà. Ngoài những lúc “nhớ nhớ quên quên”, ba anh em có thân hình khỏe mạnh và cũng làm được các công việc nhà nông như một lực điền thực thụ . Lúc đó, ba người Sa, Pháo, Mã (mới học xong lớp Một) thuộc diện ưu tiên đặc biệt :  con thương binh (cha), con liệt sỹ (mẹ) nên được vào học ở trường Thiếu sinh quân, hết 10 năm phổ thông thì được đi học đại học ở nước ngoài, rồi lại được chuyển tiếp nghiên cứu sinh, tổng cộng gần hai mươi năm. Khi Sa, Pháo, Mã ra trường về nước  thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc, đất nước chuyển sang thời kỳ mới…Vì thế, những người như Sa, Pháo, Mã là những “cán bộ khung” quan trọng. Khi gặp tôi (năm 1989), ba người là Giám đốc Sở cấp tỉnh thì cũng là chậm thăng quan tiến chức. Có lẽ là do ba ông bố không phải loại tướng tá  mà chỉ là binh nhì suốt đời! …
4.
Lại nói về ba ông bố tức ba anh em sinh ba, tức ba thương binh tên Nông. Khi cha mẹ của họ qui tiên thì cũng là lúc ba ông con tức Sa, Pháo, Mã đã nhận nhiệm sở ở trong miền Nam, nhà cửa, vợ con ổn định, liền đón bố vào sống chung. Lúc đầu cả ba người đều làm việc ở Sài Gòn, mỗi người được phân một căn nhà, ngẫu nhiên đều nằm trên cùng một con đường. Sau đó hai năm, Pháo và Mã được điều đi hai tỉnh lân cận, nhưng vẫn còn nhà ở Sài Gòn, để vợ con và ông bố ở lại, chỉ đi có một mình. Sau một năm nữa, Sa cũng chuyển đi tỉnh, dĩ nhiên là lên chức, các tỉnh đều rất thiếu cán bộ chủ chốt…
 Lúc đó, tức sau ngày giải phóng Miền Nam, việc “vô Nam” không còn đáng sợ như cái thời “Đi Bê” nữa mà không khác gì đi nước ngoài! Vì thế, ba ông bố thương binh tạm biệt vùng quê “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt / nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát” để vào miền Nam sống với ba ông con trong những vi-la biệt thự đẹp như công viên  của những nhà tư sản, quan chức chính quyền cũ đã di tản để lại…Khi mới vào miền Nam, năm 1977, ba ông bố thương binh tên Nông mới 50 tuổi, chưa thể gọi là già, ấy là chưa kể những lúc cái đầu đạn Tomson “thức dậy” nó đã “cải lão hoàn đồng” ba ông mạnh tới mức các ông đi lại, nói năng, chơi đùa không khác gì những đứa trẻ nhỏ lớp mẫu giáo!...Chẳng hạn như ông bố của Pháo thì  thường làm động tác kéo pháo và mồm thì hát “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi!...” Còn ông bố của Sa thì thường làm động tác xúc đất và mồm thì đọc những câu mô tả động tác xúc đất  “Lục cục, lào cào, anh xúc tôi xúc, đá lở đất nhào!” Riêng ông bố của Mã thì cứ hát đi hát lại mấy câu đầu của bài hát “Đông phương hồng” ca ngợi Mao chủ tịch, khá phổ biến ở vùng chiến khu sau năm 1949 :”Đông phương hồng, mặt trời lên! Trung Quốc chúng ta có Mao Trạch Đông!” Hát tiếng Việt ba lần thì lại hát bằng tiếng Trung Quốc cũng ba lần: “Tung phang hùng, thai yang shang, Trung Cua shu lưa cưa Mao chưa Tung!”….Chính vì vậy, người không biết chuyện cứ tưởng trong nhà có lớp mầm non hay đội văn nghệ của Phường đang luyện tập!
5.
Lúc tôi gặp lại ba người Sa, Pháo, Mã là lúc tôi đang làm việc cho một văn phòng đại diện của một tờ báo ở Sài Gòn. Biết công việc của tôi cũng rảnh rang, nhàn hạ, Sa nói với tôi: “Lúc nào cậu rảnh thì đến chơi với bố chúng tôi, các ông rất cần có người bầu bạn, tâm sự, như thế sẽ hạn chế được cái bệnh khùng khùng điên điên! Chúng tôi sẽ có tiền thù lao cho cậu!” Tôi nói ngay: “Nói chuyện tiền nong làm gì! Đến chơi với các bác cũng như đến thăm bố tôi mà thôi!” Pháo nói: “Cậu nói vậy tôi thật cảm kích! Chúng tôi sẽ thường xuyên cầu nguyện cho hương hồn cô giáo và thầy giáo được yên nghỉ nơi cực lạc (cả bố và mẹ tôi đều đã qua đời)… Những lúc tỉnh, bố chúng tôi đều thích chơi cờ, đọc thơ, nhất là Truyện Kiều, chắc là sẽ hợp với sở thích của cậu!” Tôi nói: “Cảm ơn anh, tôi sẽ chơi cờ tướng với các bác! Nếu đẹp trời, tôi sẽ dẫn các bác đi dạo phố phường!” Mã ngần ngừ một lúc rồi nói: “Riêng bố tôi có sở thích lạ đời là thích cưỡi ngựa! Ông thường đòi cưỡi ngựa vào buổi sáng,  những lúc ấy tôi đều cõng ông chạy nhong nhong ba bốn vòng quanh sân. Nay tôi muốn nhờ cậu giúp tôi việc này, mỗi ngày một lần vào các buổi sáng, tôi sẽ hậu tạ đặc biệt!” Tôi vụt nghĩ đến những ngày hồi xưa, ba anh em Sa, Pháo và Mã thay nhau cõng tôi chạy như bay đến lớp học liền nói ngay: “Ngày xưa các anh đã cõng tôi thì bây giờ sao tôi lại không giúp anh? Cuộc đời có vay có trả, thật là sòng phẳng!”…
Thế là ngày ngày, buổi sáng thì tôi đến nhà ông bố Mã, làm “kỵ mã” cho ông cưỡi. Lúc đó, sức tôi còn khỏe nên cũng như một buổi tập chạy mà thôi! Buổi tối thì đến nhà ông bố của Pháo, thường là có cả ông bố của Sa ở đó vì hai nhà ở gần nhau, chỉ cách ba số nhà. Quả là ông bố của Pháo rất thích chơi cờ tướng, nhưng chắc là mới học chơi cờ hồi đi bộ đội nên chưa sạch nước cản, cho nên việc chơi cờ với tôi chỉ là giết thời gian vô ích. Bù vào đó, ông bố của Sa lại có trí nhớ thật đặc biệt, những lúc tỉnh táo, ông đều thích đọc thơ, nhất là Truyện Kiều và các truyện thơ Nôm, và chỉ cần đọc hai, ba lần là ông có thể thuộc lòng. Sa đã mua sẵn cho ông một tủ sách chật cứng ,hầu như có cuốn thơ nào ở hiệu sách  cũng mua về! Vì thế, khi viết bài cần đến sự trích dẫn một câu thơ nào, của tác giả nào tôi chỉ cần gọi điện hỏi ông bố của Sa là có ngay!...
6.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, một năm trôi qua kể từ ngày tôi gặp lại bộ ba “xe pháo mã”. Đó là vào một ngày cuối xuân đầu hạ năm 1993…Ở phương Nam không có bốn mùa rõ rệt nhưng tôi vẫn có cảm giác về sự chuyển mùa của thời gian và thiên nhiên cũng không đến nỗi quá dửng dưng với cảm xúc của con người: những chùm phượng đỏ nở sớm đã báo hiệu mùa hạ đang gõ cửa! Mỗi khi nhìn thấy chùm phượng đỏ, cái thời sôi nổi bỏng cháy của tuổi học trò lai ào ạt bay về!... Tôi đem cảm giác ấy “tâm sự” với ba ông “bạn già” mà cho đến lúc này, tôi và họ thực sự gắn bó với nhau. Không ngờ cả ba người cùng “chộp” lấy “tâm sự” của tôi và thay nhau nói: “Cậu thánh thật, cứ như là đi vào tận gan ruột chúng tôi!”, “Chúng tôi tuy không được học lên bậc trung học, nhưng tuổi học trò là quãng đời đẹp nhất vì lúc đó chúng tôi biết thế nào là Tình yêu!”, “Ngay lúc này đây, tôi như đang được nhìn thấy cô bạn học má dính đầy mực tím nhưng đôi mắt thì lúng liếng mới kỳ diệu làm sao!”…
Tôi thực không ngờ cái cảm xúc về một thời hoa phượng đỏ của tôi lại khơi dậy những kỷ niệm tuổi hoa niên của ba ông già nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy! Cả ba người tranh nhau nói rồi bỗng lặng đi như tượng đá! Hình như trong hốc mắt  của họ lấp lánh ngấn nước!...Ông bố của Sa phá tan sự im lặng:
-Sắp tới ngày giỗ lần thứ 40 của ba bà rồi!
-Cháu có nghe cả ba anh đều nói năm nay sẽ về quê làm giỗ thật lớn! – Tôi nói.
-Giỗ lớn mà làm gì? Các bà ấy có ăn được đâu! – bố của Pháo nói.
-Chúng tôi đã “ở vậy nuôi con” 40 năm rồi!... – bố của Mã nói.
Phải nói rằng, cho đến lúc này, tôi mới “thấm thía” hết cái sự trôi đi vùn vụt và thật lạnh lùng của “Dòng sông thời gian” đời người! Trước mặt tôi là ba ông già đã  sáu mươi tuổi mà đã “ăn không ở vậy” suốt 40 năm nay! Quả là một sự “hy sinh”, “chịu đựng” quá sức tưởng tượng! Tôi vụt nghĩ : điều mà ba ông già này cần nhất không phải là cái gì cao siêu, huyền bí mà nó rất giản dị, rất đời thường, đó là Đàn bà! Tôi liền  móc túi lấy điện thoại, ấn số máy gọi Sa. Có tiếng đổ chuông ngay sau lưng tôi! Tôi giật mình quay lại và giật mình tiếp vì thấy cả ba ông con Sa, Pháo và Mã đã đứng đó từ bao giờ!
Nhanh như cơn gió lốc, ba ông con đưa cả ba ông bố và tôi đến một nhà hàng Karaoke đặc biệt (đặc biệt vì chỉ dành cho khách VIP và có đầy đủ tất cả các loại ‘độc chiêu”, thậm chí “cực độc”) và như để “bù đắp”, ba ông con hầu hạ, chăm sóc ba ông bố như nô tài với Hoàng đế!...
7.
Sau đó chỉ có 2 ngày, tôi phải ra Hà Nội gấp rồi ở lại làm việc cho một tờ báo gần hai năm mới trở lại Sài Gòn. Tôi đến ngay nhà Sa, thì thấy Sa đang ngồi uống rượu một mình. Sa rót rượu mời tôi rồi nói nhỏ: “Tôi đang canh chừng cho ông cụ “vui vẻ”! Muốn làm tròn chữ “Báo hiếu” thì đành phải chiều ông cụ!” Tôi nói: “Sao không tìm cho ông cụ một cô vợ? Sáu mươi tuổi cưới vợ đâu phải là chuyện lạ?” Sa thở dài: “Đi kiếm rồi nhưng không vừa ý ông cụ. Người đồng ý cưới thì có nhưng toàn loại già và xấu, mà ông cụ chỉ thích loại siêu người mẫu chân dài như trên tivi ấy! Đành cho ông cụ “ăn bánh trả tiền”, “cưa đứt , đục suốt”, không nhùng nhằng rách việc!” Tôi băn khoăn hỏi lại: “Vậy cứ thế này đến bao giờ mới dứt?” Sa nốc cạn li rượu rồi nói: “Đành vừa đi vừa tính thôi chứ biết làm sao?” Khi tôi đến nhà Pháo thì cũng gặp cảnh tương tự và những câu nói của Pháo tương tự như của Sa. Nghĩ đến những thông tin trên báo chí về những “cụ ông” đã bảy, tám mươi tuổi còn bị ra Tòa  vì chuyện “giao cấu” với con nít, tôi thấy cách “giải quyết sinh lý” cho ông bố của hai ông con này hoàn toàn có thể hiểu được! Vừa nghĩ tới đó thì đã tới trước cổng nhà Mã. Ngó qua song sắt ở cánh cổng thì thấy Mã đang cõng bố chạy lạch bạch quanh sân, còn ông bố thì hai tay ôm chặt cổ ông con,  ngoảnh mặt sang bên trái và đọc hoài cái câu ca sau: “Nhong nhong ngựa ông đã về / Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn!”…
Tôi không vào nhà Mã nữa  mà thả bộ trên con đường ào ào lá đổ…Không hiểu sao tôi bỗng nghĩ: “Nếu như bố tôi còn sống, không biết tôi phải ngồi “canh chừng” cho bố “vui vẻ” như Sa và Pháo hay phải làm ngựa cho bố cưỡi như là Mã?”./.
Sài Gòn, 2008-2009
Đỗ Ngọc Thạch
NGƯỜI   MẸ   VÀ   NHỮNG   ĐỨA   CON    
Truyện  ngắn  của  Đỗ  Ngọc  Thạch 
 

1.Cô gái có biệt danh Thị Mầu  
 

Bà Thiện làm việc ở nhà bếp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh X từ sau ngày Hòa bình ở Miền Bắc, đến năm 1965 là tròn 10 năm. Tính đến lúc đó, bà có một căn hộ ở trong khu tập thể của Bệnh viện, một người chồng là thương binh chống Mỹ và 9 đứa con, 4 trai và 5 gái . Nếu chỉ nhìn “Khái quát” từ xa như thế thì người ta sẽ nói bà mắn đẻ và nuôi 9 đứa con trong gia cảnh như thế thì thật là gian nan, cực khổ. Nhưng nếu ta “nhìn sâu, thấu hiểu” thì sẽ không phải như vậy. Nhìn khái quát chỉ đúng một nửa, tức nuôi 9 đứa con trong gia cảnh như thế thì cực kỳ gian truân, khổ ải nhưng “mắn đẻ” thì không phải, bởi chỉ có một đứa con là do bà sinh ra, còn 8 đứa kia là con thiên hạ - những đứa trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ từ lúc mới sinh ra! Thế thì quả là có nhiều chuyện, ta hãy “điểm qua” từng chuyện một… 
Cha mẹ bà Thiện vốn là dân miền biển tỉnh Thái Bình, hành nghề “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”, cuối cùng lại dừng chân ở miền sơn cước phủ Điện Biên, khi sinh ra bà Thiện vào năm 1943. Mấy ông thầy tướng khi xem cho bà vào ngày đầy tuổi tôi đã nói: “Canh cô, Mậu quả, cô bé này dù không dính vào hai chữ này cũng sẽ cô độc suốt đời, có chồng, có con, thậm chí rất đông con mà cũng như không!”. Hỏi như thế nghĩa là sao thì thầy tướng trả lời: “Có chồng mà chồng không “làm ăn” gì được thì cũng như không, có một đàn con mà không phải do mình đẻ ra thì là “Tò vò mà nuôi con nhện / Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi…” Nghe ông thầy tướng nói thế, chẳng ai muốn tin, nhưng lời tiên đoán cứ đúng từng chữ một theo năm tháng!...
Đứa con đầu do bà Thiện sinh ra là kết quả của một sự “đầu thai” chớp nhoáng của một chiến binh: đó là vào một ngày Giải phóng Điện Biên năm 1953, quê hương thứ hai của bà Thiện, cũng là nơi bà sinh ra, tràn ngập cờ hoa và tràn ngập bộ đội! Không ngờ quân ta đông như thế? Có đông như thế mới đánh thắng đội quân viễn chinh nhà nghề Đế quốc Pháp chứ! Đêm liên hoan mừng chiến thắng thật là vui chưa từng thấy! Lúc đó, bà Thiện mới có mười một tuổi, nhưng bà to xác không khác một thiếu nữ đôi mươi, đã cao tới l,60 mét! Chính vì thế, có một chàng chiến sĩ Điện Biên bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng, đã kéo cô bé Thiện vào một gốc cây mờ tối… 
Từ khi cái thai được hai, ba tháng, bố mẹ cô bé Thiện đều bắt phải bỏ cái thai đi, mọi người ai cũng đòi “xử phạt” người mang hoang thai, giống như người ta đã “phạt vạ” cái cô Thị Mầu trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”! Và như là hẹn nhau, ai cũng gọi cô bé Thiện là “Ả Thị Mầu”! Những ai chưa xem vở chèo Quan Âm Thị Kính thì nói thẳng thừng : “Đồ chửa hoang!” và nhổ nước bọt phì phì!...  
Như một bản năng tự nhiên, “Ả Thị Mầu” - “người mẹ thiếu niên”, quyết không chịu để người ta giết chết đứa con còn trong bụng của mình! Và không còn cách nào khác, vả lại vốn đã mang trong người dòng máu giang hồ của Cái Bang, người mẹ thiếu niên quyết định hành khất để tìm…chồng! Khi chợt phát hiện ra rằng, đứa bé trong bụng là con của một Chiến sĩ Điện Biên – Chiến sĩ anh hùng -, thì người mẹ thiếu niên mới thấy thật là tự hào vì con mình là con của một chiến sĩ Điện Biên! Và, sẽ thật là hạnh phúc nếu như mình được là vợ người chiến sĩ Điện Biên, chỉ mới nghĩ như vậy, người mẹ thiếu niên ( tương lai) càng quyết tâm đi tìm người bố của cái thai đang lớn nhanh từng ngày! Mà từ nay không gọi nó là cái thai nữa, phải đặt tên cho nó và gọi nó hàng ngày, nó sẽ mau ra! Chỉ sau hai phút suy nghĩ, cái thai đã có tên: Điện Biên! Thế là ngày ngày, hai mẹ con Thiện và Điện Biên lại xuất hành với một niềm tin mạnh đến kỳ lạ!... 
Khả năng hành khất vốn là bẩm sinh của con người, vì thế hai mẹ con Thiện và Điện Biên đã đi tới một tỉnh giáp Hà Nội mà không có vấn đề gì trở ngại. Và dường như đi bộ hàng ngày là biện pháp tốt nhất giúp con người ta gia tăng thể lực, chính vì thế Thiện không ngờ mình lại có sức khỏe kỳ lạ như thế. Đó là vào một hôm, trời mưa tầm tã, cô bé Thiện đang đứng trú mưa dưới một mái hiên thì thấy trên quãng đường loang lổ ổ gà ổ voi trước mặt, một chiếc xe có dấu Hồng thập tự đang bị sa lầy trong một vũng bùn sâu, càng rú ga, chiếc xe như càng lún sâu xuống vũng bùn! Tất cả bốn người làm nhiệm vụ cấp cứu đã xuống đẩy xe, nhưng chiếc xe vẫn không hề nhúc nhích mà cả bốn bộ áo blu trắng của họ đã sũng bùn! Dường như họ đã kiệt sức, chỉ biết đứng thở! Thấy vậy, Thiện đội mưa chạy ra, cô bé dùng hết sức đẩy mạnh và điều kỳ lạ đã xảy ra: chiếc xe vọt khỏi vũng bùn đã bị khoét sâu tới nửa mét!...
Sau sự kiện “chấn động địa cầu” đó, cô bé Thiện được Ban giám đốc Bệnh viện nhận vào làm việc với sự ưu ái đặc biệt: cho tự chọn những công việc lao động chân tay như văn thư chạy công văn, lao công quét dọn Bệnh Viện, Hộ lý ở các phòng bệnh, nhân viên nấu ăn ở nhà bếp…Và khi vừa nghe thấy mấy chữ “Nấu ăn nhà bếp”, Thiện quyết định chọn công việc này ngay vì từ lâu cô đã biết có câu thành ngữ “Giàu nhà kho, no nhà bếp”, mà cô bé chỉ cần ăn no chứ không cần giàu, vì cô ăn rất khỏe, bằng ba bốn người thường!...
2. Những đứa bé nằm ngoài bậu cửa 
Không cần đủ chín tháng mười ngày, mới có tám tháng tám ngày, đứa con của người chiến sĩ Điện Biên đã đòi chui ra khỏi bụng mẹ! Và điều khiến người mẹ trẻ bất ngờ là khi con bé Điện Biên được sinh ra, hầu như tất cả nhân viên Bệnh viện đều đến chúc mừng! Quá nhiều là quà mừng, nhiều nhất là tã lót, quần áo rồi đến thau chậu, nồi niêu soong chảo, v.v…Điều đó cô bé Thiện không giải thích được nhưng hầu như tất cả nhân viên của Bệnh viện đều biết vì sao? Đó là vì tuy chỉ mới làm việc ở nhà bếp của Bệnh viện được gần năm tháng nhưng ai cũng biết cô bé Thiện có sức làm việc bằng ba, bốn người cộng lại. Chẳng hạn như một mình cô bé có thể “cai quản” bốn chảo cơm, một chảo canh và một chảo món ăn mặn…- những cái chảo khổng lồ; hoặc khi đi đến cửa hàng lương thực lấy gạo, cô bé có thể vác hai bao hai vai đi băng băng; hoặc như khi đến các khu dân cư, làng xóm mua heo lợn về thịt, mọi khi phải ba, bốn người “quần thảo” một hồi lâu mới kéo được con lợn ra xe thì chỉ mình cô bé, bước vào chuồng lợn một bước là tóm cổ con lợn nặng 40-50 ki-lô-gam ra xe như bắt con thỏ!...Với lại, ở môi trường Bệnh viện là nơi con người ta thể hiện tính nhân bản cao nhất, ai lại đi hạch tội một cô bé bị xâm hại tình dục bao giờ? Phải cưu mang, giúp đỡ cô bé để cô vượt qua tấn bi kịch “Vào đời sớm” này! Ban Giám đốc Bệnh viện luôn nhắc nhở mọi người như vậy mỗi khi có cuộc họp của Công đoàn, Nữ công hoặc Thanh niên…
Vậy là mẹ con cô bé Thiện có thể yên tâm dừng bước chân giang hồ ở Bệnh viện, còn việc đi tìm người bố của cô bé Điện Biên thì cứ từ từ rồi tính!... 
Cô bé Thiện,  (thực ra sau khi sinh, Thiện đã cao lên tới 1,68 mét và thoạt nhìn dáng dấp bên ngoài thì không ai nghĩ đó là cô bé 12 tuổi! Vì thế, từ đây, tác giả  cũng không dùng từ “cô bé” nữa), sau khi nghỉ đẻ đúng chế độ lại đi làm chị Nuôi bình thường, con bé Điện Biên thì đã có Nhà trẻ trông nom rất tốt, đúng giờ thì nhớ tới Nhà trẻ cho con bú là không có vấn đề gì! … Con bé Điện Biên quả là “con nhà nòi”: bố là chiến sĩ  Điện Biên anh hùng, mẹ là Đại lực sĩ nên ai tinh mắt có thể thấy nó lớn từng ngày: Nó không theo cái quy luật thông thường là “Ba tháng biết lẫy, sáu tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” mà nó lớn theo quy luật riêng là “Một tháng biết lẫy, ba tháng biết bò, sáu tháng lò cò, nhảy dây…”! 
Khi cô bé Điện Biên được mọi người đến mừng sinh nhật Một tuổi thì cô bé đã có thể đi lại bình thường như một đứa bé bốn, năm tuổi. Và có điều đặc biệt là Điện Biên cũng cao lớn như mẹ, nó cao đúng Một mét! Không biết nó sẽ cao tới đâu, không ai dám tính cả!...Sáng hôm sau ngày sinh nhật bé Điện Biên, mới có hơn bốn giờ sáng mà Thiện đã tỉnh giấc – mọi ngày phải Năm giờ! Nó vừa có một giấc mơ rất lạ: Quan âm Bồ Tát ngồi trên một Đài sen rất đẹp, đứng sau lưng Bồ Tát là Kim Đồng và Ngọc Nữ trẻ mãi không già, ba người cưỡi mây nhẹ nhàng hạ xuống sân nhà nó, Bồ Tát thong thả nói: “Ta cho Kim Đồng và Ngọc Nữ xuống ở với hai mẹ con cho vui! Có Kim Đồng và Ngọc Nữ cùng ở sẽ không có kẻ ác nào dám hại hai mẹ con cả!” Bồ Tát nói rồi cùng Đài sen bay vút lên, còn Kim Đồng và Ngọc Nữ ngã lăn kềnh ra sân, chớp mắt đã hóa thành hai đứa bé mới đẻ đang khóc oe oe!... Khi Thiện thấy mình đã tỉnh táo hoàn toàn thì có tiếng trẻ con khóc oe oe ngoài cửa vọng vào! Ra mở cửa, quả nhiên có hai đứa bé nằm trong hai cái rổ đang khóc oe oe như là trong giấc mơ!... 
Hai đứa bé, một nam một nữ, mới được chừng một tháng tuổi, được đặt trong hai cái rổ nhưng nhìn tã lót, vải bọc cuốn bên ngoài thì như là do một người làm. Lúc bế hai đứa lên, Thiện thấy dưới lưng chúng đều có một mảnh giấy nhỏ với mấy dòng chữ xiêu vẹo: “Xin làm ơn làm phúc nuôi hai đứa bé này, chúng là anh em sinh đôi! Nếu người mẹ khốn khổ này còn sống đến ngày chúng khôn lớn thế nào cũng tìm đến tạ tội! Xin đa tạ! Ký tên: Bánh Tôm”…Hai đứa bé sinh đôi, con của người mẹ bất hạnh phải lìa bỏ con đã được hai mẹ con Thiện và Điện Biên đưa vào nhà, lau chùi sạch sẽ và cho bú sữa, chúng nhanh chóng ngủ ngon, cái mồm cứ mút không hoài! Nhớ lại giấc mơ lúc gần sáng, Thiện đặt tên cho đứa con trai là Kim Đồng, trùng tên với người anh hùng thiếu niên mà bọn trẻ con thường hát: “Anh Kim Đồng ơi, anh Kim Đồng ơi / Tuy anh qua đời / Gương anh sáng ngời / Đoàn tôi cố noi…” Còn Ngọc Nữ thì trùng tên với nhân vật Bạch Mao Nữ trong một bộ phim của Trung Quốc đã chiếu khắp nơi, ai cũng thích! Lớn lên, chúng sẽ được tất cả mọi người quý mến, đó là điều đầu tiên người mẹ trẻ Thiện nghĩ tới khi đặt tên cho hai đứa con nuôi mới! 
Cô bé Điện Biên sinh năm 1955, hai anh em sinh đôi Kim Đồng, Ngọc Nữ sinh năm 1956. Sang năm Con Gà, tức 1957, đúng ngày sinh nhật Điện Biên, lại có hai đứa bé được ai đó đặt ngoài bậu cửa nhà người mẹ trẻ Thiện. Lần này là hai đứa con trai, chỉ mới được chừng mười ngày tuổi, đặt trong một cái túi du lịch lớn. Khi đem hai đứa bé tới nhà Thiện, ai đó còn gõ cửa rầm rầm, rồi bỏ chạy, lúc đó cũng vào khoảng hơn bốn giờ sáng! Người mẹ trẻ Thiện và “chị Hai” Điện Biên đón hai đứa bé vào nhà ngay, là con trai, rất bụ bẫm, rất giống nhau, cứ như những đứa trẻ trong tranh Tết. Nghĩ đến chữ Tết, Thiện nói với “chị Hai” Điện Biên: “Năm nay là tết Con Gà, vậy đặt tên cho một đứa là Đinh, một đứa là Dậu, Đinh là anh, Dậu là em! Chúng cầm tinh con Gà nên sẽ rất dễ nuôi, cứ có thóc cho nó ăn căng diều là nó lớn nhanh, không phải nấu thành cơm, mẹ con ta đỡ vất vả!” Quả nhiên, hai anh em Đinh và Dậu rất hay ăn, (ăn suốt ngày chẳng cần tới bữa) mau lớn!...
Tới ngày sinh nhật “Chị Hai” bốn tuổi (năm 1958), sự việc lại xảy ra y như hai lần trước: hai đứa bé, một nam, một nữ, như là vừa mới đẻ được hai, ba ngày, lại được ai đó đặt ngoài bậu cửa nhà người mẹ trẻ Thiện! Có lẽ là hai đứa bé của hai người mẹ khác nhau: một đứa , con trai, được đặt trong một cái hộp Các-tông lớn, chuyên dùng để đựng táo của Trung Quốc, loại táo to  bằng nắm tay người lớn, ăn rất thơm ngon; đứa thứ hai được đặt trong một cái lẵng hoa lớn mà người ta thường dùng để tặng hoa ở các hội nghị lớn, chẳng hạn như Đại hội Công Đoàn, Kỷ niệm ngày Phụ Nữ Quốc tế, Lao động Quốc tế,v.v…Người mẹ trẻ Thiện lại nói với “Chị Hai” Điện Biên: “Thế là con gái của mẹ lại có thêm hai đứa em nữa, tổng cộng là sáu đứa, với con là Bảy, sắp đủ quân số một Tiểu đội như ở trong bộ đội của bố con rồi nhé! Hai đứa này cứ đặt tên theo “đồ vật” đã mang chúng tới: Thằng bé nằm trong hộp đựng táo thì đặt tên là Táo, con bé nằm trong lẵng hoa thì đặt tên là Hoa, được chưa?”. “Chị Hai” Điện Biên nói: “Được rồi! Mẹ đặt tên, còn con sẽ quyết định xem đứa nào được làm anh, làm chị! Tất nhiên là con sẽ thiên vị con bé, vì thế con bé Hoa sẽ là chị, thằng bé Táo là em! Tên là Hoa thì khỏi phải nói, rất hay rồi. Còn tên là Táo con lại sợ nó bị bệnh Táo bón, như thế cho nó đi ỉa sẽ rất lâu!” Người mẹ trẻ bật cười nhưng thoáng một nét lo âu bởi bệnh táo bón tưởng là thường nhưng thật ra rất nguy hiểm: mỗi lần đi ị chảy máu đầy đít, sau này còn chuyển qua bệnh Lòi rom nữa chứ! Đành chỉ biết cầu Bồ Tát thôi, Ngài hãy cho nó là Táo Quân chứ đừng là Táo bón!... 
Ông Bác sĩ Lê Văn Y, Giám đốc Bệnh viện, người đã nhiệt tình nhất khi quyết định nhận Thiện vào làm ở Bệnh viện, luôn luôn quan tâm đến người mẹ trẻ Thiện và những đứa bé mỗi năm lại nhiều thêm ở nhà Thiện. Lúc đầu, ông chỉ nghĩ chuyện cô bé Thiện bị xâm hại tình dục và phải vào đời sớm là chuyện bình thường của đời sống. Nhưng với việc Thiện có sức mạnh của một Đại lực sĩ thì ông nghĩ cô bé này không phải người thường mà là kỳ nhân, dị tướng, nếu không phải “Người Nhà Trời” phái xuống Trần gian thì không thể làm được những việc phi thường như thế: mới bước vào tuổi 16 mà đã nuôi năm đứa con ngon lành, giờ lại thêm hai đứa nữa, vẫn thản nhiên như không! Người trần gian bình thường làm sao nổi? Vốn là con một thầy lang Đông y, rất giỏi cả Nho, Y, Lý, Số, ông Bác sĩ Văn Y bắt đầu đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu Tử vi, tướng số của cô gái – người mẹ trẻ Thiện, mà ông thích đặt thêm một chữ vào tên của cô gái là Lương Thiện. Nhà riêng của ông Văn Y ở ngay sát cạnh Bệnh viện, chỉ cách một bức tường, ấy là do ông là người sáng lập Bệnh viện, khi xây dựng Bệnh viện xong, hai bãi đất trống hai bên cổng Bệnh viện được qui hoạch thành hai khu nhà ở cho nhân viên Bệnh viện: Bên phải là khu A, dành cho Y sĩ, Bác sĩ, các chức vụ trưởng Phòng, trưởng Ban trở lên; Bên trái là khu B, dành cho nhân viên từ Y tá trở xuống… 
Đêm đêm, những hôm trăng thanh gió mát, ông thường có thú đứng ngắm sao trời...Bầu trời bao la, thăm thẳm có biết bao điều bí ẩn! Mỗi con người ứng với một vì sao, có phải chăng vì thế mà không bao giờ khám phá hết những điều bí ẩn của số phận một con người, cho dù đó là một sinh linh bé nhỏ!...Ông Văn Y đang miên man với những suy nghĩ mông lung thì bỗng ông thấy khoảng không trên khu nhà B có vầng hào quang lung linh! Và ông không tin ở mắt mình nữa khi nhìn thấy Bồ Tát ngồi trên Đài sen huyền ảo đang nói chuyện với cô gái Lương Thiện! Ông kinh ngạc, dụi mắt để nhìn lại cho rõ thì không thấy gì nữa! Ông đứng đợi một lúc nhưng không thấy gì cả, chỉ là màn đêm bí ẩn! 
Trưa hôm sau, ông Văn Y vào thăm mấy mẹ con Lương Thiện và nói chuyện “Bồ Tát hiển linh” với Lương Thiện thì cô gái cười cười, nói: “Cháu vẫn thường mơ thấy Bồ Tát hiện ra, còn nói chuyện với cháu nữa! Nhưng cháu nghĩ đó chỉ là trong những giấc mơ mà thôi!”. Tuy thế, ông Văn Y vẫn tin là cô gái Lương Thiện đã được gặp Bồ Tát, giấc mơ là một phần của thế giới tâm linh, gặp trong giấc mơ thì cũng là gặp! Còn ông, ông đã nhìn thấy không phải trong giấc mơ!... 
3.Những đứa bé đã lớn lên như thế nào? 
Đó là câu hỏi mà tất cả nhân viên của Bệnh viện đều quan tâm. Mỗi người tự trả lời theo cách nghĩ của mình, song cuối cùng tất cả đều có kết luận giống nhau: với tiền lương cấp dưỡng ở nhà bếp của Lương Thiện (từ khi Bác sĩ giám đốc Bệnh viện gọi Thiện là Lương Thiện thì tất cả đều gọi theo) thì người mẹ và bảy đứa con (1: Điện Biên, 2: Kim Đồng, 3: Ngọc Nữ, 4: Đinh, 5: Dậu, 6: Hoa, 7: Táo) không thể đủ sống! Chính vì thế, không ai bảo ai, không hẹn mà gặp, ai có dư mảnh vải, tấm áo, hay một món đồ chơi,  ai có món ăn gì ngon, và cả những món ăn bình thường, cũng đem tới cho chị em Điện Biên! Có người còn cứ đến bữa ăn là sang đón một đứa về nhà mình cùng ăn! Tình con người trong lúc khó khăn, gian nan thật là vô hạn!... 
Tuy thế, sự “chi viện” của mọi người cũng chỉ như muối bỏ biển! Lương thực chính để nuôi quân phải được lấy ra từ “Kho lương” chứ không thể chỉ là sự gom nhặt, cho dù có câu “Năng nhặt chặt bị”! “Kho lương” để nuôi tiểu đội chị em Điện Biên là ở đâu? Chính là cái nhà bếp mà Lương Thiện đang đảm nhận nhiệm vụ “Tư lệnh chảo”! Chăm sóc sáu cái chảo khổng lồ, là công việc vừa nặng nhọc lại nóng nực, mọi khi là phải có tới ba, bốn người, nhưng giờ thì Lương Thiện có thể làm ngon lành mà có vẻ như chưa ăn nhằm gì! Chính vì thế, bà Bếp trưởng quyết định chọn một hình thức khen thưởng thích đáng. Bàn đi tính lại, cách tốt nhất vẫn là: mỗi bữa cơm Bếp trưởng lại cho người đem sang cho đám chị em Điện Biên một chậu cơm, tương đương với 8 suất ăn, tất nhiên là có kèm theo thức ăn! “Chị Hai” Điện Biên khi nhận nguồn thức ăn này, đã cho các em ăn no, còn để phần cho mẹ. Nhưng khi người mẹ về, bọn trẻ lại còn được thưởng thức món cơm cháy thơm phức, do mẹ nó đem về hai tảng cháy khổng lồ! Có lẽ món cơm cháy đã làm cho sức khỏe cô gái Lương Thiện không hề suy giảm mà có chiều hướng tăng lên! Thỉnh thoảng đi lấy gạo cho nhà bếp, cô thấy vác hai bao gạo như là hai bao bông gòn! Bọn trẻ ban đầu chưa quen với món cơm cháy (bởi rất cứng), nhưng sau khi đã quen thì nghiện như mẹ bởi chỉ có món cơm cháy mới có thể giải quyết dứt điểm cái cảm giác “Đói”: khi ăn vài miếng cơm cháy rồi là chốc chốc lại khát nước, uống nước vào, hạt cơm cháy gặp nước cứ trương nở ra mãi không thôi, thế là “No căng”! 
Bà Hảo-Bếp trưởng, nhân chuyện nuôi cơm tiểu đội chị em Điện Biên đã nghĩ ra hình thức “Bữa cơm miễn phí” cho người nhà bệnh nhân nghèo. Ban đầu chỉ là sự đóng góp của một số gia đình bệnh nhân khá giả, gọi là “Lá lành đùm lá rách”. Nhưng sau đó bà Bếp trưởng đã vận động được cả những nguồn đóng góp từ bên ngoài xã hội, rồi thành lập được “Qũy tương trợ bệnh nhân nghèo” mà ngày nay đã trở thành một phong trào rộng khắp trên toàn quốc. Vì thế, có thể nói bà Bếp trưởng chính là “Nhà phát minh” ra hình thức từ thiện cao đẹp này!
Chuyện ăn của lũ trẻ như thế là tạm ổn, còn chuyện mặc thì sao?  
Trong đời sống xã hội, nhu cầu “Ăn no, mặc ấm” là nhu cầu hàng đầu của con người. Tuy nhu cầu “Ăn” xếp lên trước nhưng không vì thế mà coi nhu cầu “Mặc” là thứ hai, mà phải coi đây là nhu cầu “Kép”! Lại nói tới bà Hảo - Bếp trưởng, “Sếp trực tiếp” của người mẹ trẻ Lương Thiện. Bà có hai cô con gái ngang tuổi Lương Thiện nên bà coi Thiện như con, thường bảo các con sang chơi và giúp đỡ Thiện chăm sóc lũ trẻ.  Bà là con người hành động, giàu tình nghĩa. Lúc bà còn là thiếu nữ, bà đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên rồi gặp và làm vợ anh chàng lái xe kéo pháo vui tính. Hết chiến tranh, chồng bà chuyển về lái xe cho Bệnh viện, bà theo chồng về đây làm “Đầu bếp”. Nhiều người nói bà nên xin đi học một lớp Y tá, làm việc có chuyên môn thì giá trị con người sẽ cao hơn! Nhưng bà nghĩ, con người ta có giá trị hay không, giá trị cao hay thấp là tùy thuộc vào hiệu quả công việc người đó làm. Nếu chữa bệnh mà toàn gây tử vong thì có làm tới Bác sĩ cũng không bằng người đầu bếp luôn đem tới cho mọi người cơm dẻo, canh ngọt! Chính vì thế, bà vui vẻ rồi say sưa với công việc đầu bếp của mình! Càng làm, bà càng thấy nấu ăn là nghệ thuật nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng khám phá hết! Vì thế, khi nghe nói có trường Đại học về nghề đầu bếp, bà đã bảo cô con gái lớn thi vào (Lúc đó mới chỉ là một khoa Công nghệ thực phẩm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Còn cô con gái thứ hai, bà muốn hướng nó vào ngành may mặc. Vì thế, ngay từ khi mới học lớp 7, lớp 8, bà đã mua cho cô con gái cái máy khâu cũ nhưng còn rất tốt, để cô con gái làm quen với nghề may mặc. Vì thế, khi Lương Thiện và lũ trẻ xuất hiện ở khu tập thể của bệnh viện, chúng lập tức trở thành “Phòng thí nghiệm” cho cô gái con bà Hảo thử tay nghề các loại hình quần áo trẻ con! Lũ trẻ mặc không kịp sản phẩm của nhà thiết kế thời trang tương lai!... Đúng là “Trời sinh voi Trời sinh cỏ”, có lẽ vì thế mà người mẹ trẻ Lương Thiện chưa bao giờ phải suy nghĩ nhiều về câu hỏi cho tất cả những bà mẹ: Lấy gì cho đàn con ăn no, mặc ấm? 
Thời gian cứ đều đặn trôi qua, đừng nói lúc thì nó đi nhanh, lúc thì nó đi chậm, mà phải nói: Thời gian trôi đi với một vận tốc không đổi! Theo lệ thường hàng năm, lại tới ngày sinh nhật cô bé Điện Biên, đó là vào năm 1959, cô bé Điện Biên tròn 5 tuổi, Kim Đồng và Ngọc Nữ 4 tuổi, Đinh và Dậu 3 tuổi, Hoa và Táo 2 tuổi!...Tiệc sinh nhật của Điện Biên năm nào cũng vui, gần như nhân viên cả Bệnh viện tới chúc mừng!...Điện Biên bây giờ đã ra dáng một Chị Hai đầy bản lĩnh, chẳng gì đã qua 4 năm rèn luyện rồi còn gì! Không những cô bé thành thạo các công việc trong nhà, chăm sóc sáu đứa em đâu ra đó mà còn “tranh thủ” tập đọc, tập viết theo mấy cuốn “Học Vần Vỡ lòng” và “Tập viết Lớp 1” do con Bà Hảo đem cho. Cho đến lúc này, cơ bản cô bé Điện Biên đã đọc thông viết thạo và đã trở thành cô giáo của mấy đứa em!...Tiệc đã gần tàn, Điện Biên bỗng nói với mẹ: “Hôm nay không biết có đứa trẻ nào ở ngoài bậu cửa không?” Lương Thiện cười bảo: “Con có tới sáu đứa em, chưa đủ mệt hay sao mà còn muốn thêm nữa à?” Điện Biên vội nói ngay: “Không phải thế! Con không muốn có thêm nữa, nhưng lại nghĩ năm nào người ta cũng đem con tới bỏ ở cửa nhà mình, nên mới nghĩ năm nay thế nào mà thôi!” Nói như vậy nhưng thực ra Điện Biên rất thích có thêm em bé! Nếu như ta được làm Tư lệnh trưởng một  đội quân trăm ngàn người như trong phim thì sẽ như thế nào nhỉ? Khi cô bé đã ngủ rồi, quả nhiên giấc mơ “Tư lệnh trưởng” đã đến !...
Đêm hôm ấy, đúng như suy nghĩ của “Chị Hai” Điện Biên, lại có hai đứa bé gái khoảng một tháng tuổi được đặt ngoài bậu cửa, trong một cái thùng “Các-tông” lớn, kèm theo là một lá thư ngắn: “Kính gửi chị Lương Thiện! Em cũng là một cô bé bị người ta cưỡng bức mà đẻ con, lại sinh đôi nữa chứ! Em mới 14, lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang phải đi làm đứa ở cho người ta, làm sao mà biết nuôi con! Em được biết chuyện của chị đã lâu, thật khâm phục chị! Vì thế, em quyết định gửi cho chị hai đứa con này! Mong chị đừng trách mắng em!... Cầu Bồ Tát phù hộ cho chị!... T.B: Nếu em kiếm được tiền, em sẽ gửi phụ giúp chị nuôi con…” Hai đứa bé gái này được đặt tên theo số thứ tự: Tám là chị, Chín là em, tất nhiên! 
4. Tình yêu của người mẹ
Năm năm sau, năm 1964, cô  bé Điện Biên tròn 10 tuổi, người mẹ trẻ Lương Thiện 21 tuổi. Ngày sinh nhật năm nay của Điện Biên thật đặc biệt, khác hẳn mọi năm. Tám đứa em của Điện Biên mặc những bộ quần áo thật đẹp,  hai mẹ con Lương Thiện và Điện Biên là đẹp nhất, cứ như các Nàng Tiên của Nhà Trời! Đến phút chót, Điện Biên mới được biết hôm nay là ngày tổ chức Lễ cưới của Mẹ Lương Thiện và Bố của Điện Biên! Sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Thì ra chú rể chính là bố đẻ của Điện Biên, anh ta chính là người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã làm cho cô bé Thiện có Bầu rồi biến mất tăm!... Sau đó, anh ta được điều về một đơn vị pháo bảo vệ bờ biển ở Hải Phòng. Rồi trong trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của Mỹ ở miền Bắc ngày 5-8-1964, anh ta đã bị thương nặng. Anh ta lại chính là em của Bác sĩ giám đốc Bệnh viện, nên ông đã xin đón em mình về để chăm sóc! Khi lành vết thương, trong một lần tâm sự với ông anh Bác sĩ, ông em thương binh đã kể lại cái lần “gặp gỡ” chớp nhoáng với một cô bé ở Điện Biên Phủ sau chiến thắng Điện Biên, và muốn đến Điện Biên Phủ để tìm cô bé đó, vì linh cảm rằng lần “gặp gỡ” chớp nhoáng đó có “kết quả”. Nghe chuyện, ông anh Bác sĩ biết ngay cô bé ở  Điện Biên Phủ mà em trai mình đã “gặp gỡ” chớp nhoáng chính là Lương Thiện và cô bé Điện Biên do Lương Thiện sinh ra chính là con của em trai mình! Ông thầm cảm ơn Bồ Tát đã đưa Lương Thiện đến làm ở Bệnh viện để bây giờ chúng nó có thể xum họp!... 
Khi nghe ông anh Bác sĩ nói chuyện về người mẹ trẻ Lương Thiện, Lê Văn Đức - người em của Bác sĩ giám đốc Bệnh viện – vừa ân hận, vừa sung sướng. Ân hận vì chỉ một phút nông nổi mà làm khổ cả đời người con gái, sung sướng vì được gặp lại cả người tình (dù chỉ chớp nhoáng nhưng luôn ám ảnh anh ta từ đó đến nay) và cả đứa con gái chưa biết mặt!...Khỏi phải nói Lương Thiện đã vui mừng, sung sướng như thế nào khi gặp lại Văn Đức sau mười năm đằng đẵng. Cái khuôn mặt hình chữ Điền ấy làm sao cô quên được dù lúc đó chỉ mới nói chuyện với nhau được mười phút, rồi anh ta lôi cô vào cái gốc cây mờ ảo ấy, rồi ép chặt cô vào thân cây khiến cô không biết trời đất là gì nữa!...
Đám cưới của Lương Thiện và Văn Đức là đám cưới lớn nhất của nhân viên Bệnh viện cho đến lúc đó bởi có rất nhiều cái lạ và cái lạ nhất mà chưa đám cưới nào có là: cô dâu mới 21 tuổi, mà đã có con đẻ 10 tuổi và tám đứa con nuôi! Và một cái lạ nữa mà chỉ có ai nhìn trộm cô dâu, chú rể lúc động phòng mới biết được: đó là “người lính” của chú rể đã “mất khả năng chiến đấu” do vết thương của chú rể phạm vào “chỗ hiểm”! 
5.Những đứa con đi đâu?
Tôi - Tác giả truyện ngắn này chỉ được biết người mẹ và những đứa con đặc biệt này vào năm 1965, khi cùng với Ông Trẻ (em trai của ông Nội, cũng là một thầy thuốc Đông Y) đến nhà ông Bác sĩ  Lê Văn Y để bàn về việc thành lập một khoa Đông Y trong Bệnh viện, tôi đi với ông Trẻ là chỉ để cho vui vì lúc đó tôi đang nghỉ hè. Công việc đang tiến triển thì phải đình lại vì ở trên có lệnh tập trung vào nhiệm vụ chi viện nhân tài, vật lực cho Miền Nam, ông Văn Y được điều vào Miền Nam. Khi ông Bác sĩ Y đi miền Nam rồi thì em ông Y tức Văn Đức – chồng của Lương Thiện -,  lại trở nên thân thiết với ông Trẻ của tôi, vì Văn Đức muốn theo học nghề Đông Y! Ông Trẻ tôi nhận lời thu nhận Văn Đức làm đệ tử, vì thế tôi cũng trở nên thân thiết với gia đình Văn Đức…
Sang năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc ngày càng trở nên ác liệt, tất cả các trường học, bệnh viện đều phải đi sơ tán, nhân lực ở mọi cơ quan nhà nước đều có sự xáo trộn lớn…Chính vì thế, tôi mất liên lạc với Văn Đức và Lương Thiện. Rồi cuộc chiến tranh đã cuốn tôi vào “Mắt bão” của nó! 20 sau, năm 1986, tôi mới bất ngờ gặp lại vợ chồng Văn Đức. Sau khi hàn huyên, tôi tỏ ý muốn viết chuyện của Lương Thiện thành bài báo hay cái gì đó thì Văn Đức gạt đi và nói: “Bây giờ hai mẹ con Lương Thiện và Điện Biên rất buồn vì cả tám đứa em của Điện Biên đều bị bố mẹ đẻ của chúng đến đòi về hết  cả rồi! Lương Thiện không muốn kiện cáo lôi thôi nên để cho họ đem con của họ đi!” Tôi không biết nói với Văn Đức thế nào thì câu ca dao xưa chợt ngân lên sao mà sầu não, nỉ non: Tò vò mà nuôi con nhện / Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi /  Tò vò ngồi khóc tỉ ti / Nhện ơi, nhện hỡi nhện đi đằng nào!...
Sài Gòn, 15 -10- 2009
Đỗ  Ngọc  Thạch  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét