Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Chùm truyện mini; Đám cưới vàng - Đ.N.T

Chùm Truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

1.BÔNG  HỒNG  VÀNG   
Văn  Tình là một thanh niên vượt  trội về mọi mặt, chỉ  có một điểm yếu là gia cảnh rất nghèo túng…Tuy nhiên, Thần Tình Yêu  không buông tha chàng trai nghèo và Văn Tình yêu đến mê si cô Mộng Tuyết. Cô Mộng Tuyết cũng cảm động trước chân tình của chàng trai nghèo nhưng bố mẹ cô không chấp nhận. Văn Tình tha thiết cầu xin, bố mẹ cô Tuyết liền ra điều kiện : Nếu Văn  Tình sắm được một bông hồng  bằng vàng bốn số 9 nặng 2 lượng, trên có khắc chữ Mộng Tuyết thì sẽ cho cưới !  Từ  đó, Văn Tình ngày ngày mê mải  tích cóp mong cho đủ số để làm bông hồng vàng đặng cưới  Mộng Tuyết làm vợ…Thời gian thấm thoát  thoi đưa, cuối cùng thì Văn Tình cũng có được bông hồng vàng mong đợi ! Khi  chàng Văn Tình đến nhà Mộng  Tuyết, một  thiếu nữ giống hệt Mộng  Tuyết  bước ra cổng nói :  “Mẹ cháu vẫn luôn nhớ bác nhưng  phải đi lấy chồng đã hơn  hai mươi năm nay !  Mẹ  cháu nói  là Bác cứ cầm bông hồng  vàng này đến  Sông Tương là 2  người sẽ gặp nhau !”…
2. TÌNH NGƯỜI  VỢ  LÍNH 
Có một người lính bị thương do bom na-pan, khuôn mặt bị biến dạng nhìn thật dễ sợ! Chính vì vậy mà sau khi lành vết thương, anh không dám trở về nhà, vì sợ rằng mẹ anh và nhất là vợ anh sẽ không chịu đựng nổi bộ mặt biến dạng  của mình! Tuy thế, hàng tuần anh đều đóng vai người bán tò he trở  về làng để được nhìn thấy mẹ, nhìn thấy vợ!...Sự việc cứ diễn ra như thế đã hai năm trời… 
Hôm ấy, người bán tò he vừa tới đầu làng thì nhận được một tờ giấy, trong đó viết:”Tôi đặt hàng anh 3650 con tò he để làm lễ kỷ niệm mười năm chồng tôi đi chiến trường mà chưa trở về! Anh không làm đủ 3650 con tò he cho tôi thì không được bén mảng đến cái làng này nữa!” Người bán tò he giật mình nghĩ:”Ta đi chiến trường tám năm, cộng với hai năm đi bán tò he không là mười năm là gì? Với lại có ai dám mua 3650 con tò he ngoài …mẹ ta và vợ ta!” 
Người bán tò he đọc lại tờ giấy, lúc vừa ngẩng mặt lên thì bàng hoàng sửng sốt khi thấy mẹ và vợ đứng ngay trước mặt!... 
Từ ngày hôm đó, người ta không thấy người bán tò he xuất hiện trên đường làng nữa, nhưng trong căn nhà nọ, có một người thương binh bị thương ở mặt, ngày ngày làm tò he, bày la liệt trong một căn buồng nhỏ!...


3. Địa đạo 
Năm Ruộng là một nông dân loại lực điền hoàn hảo, được cha mẹ lấy cho cô vợ tên gọi Tám Thôn, cũng là một thôn nữ không chê vào đâu được. Vợ  Năm Ruộng đã đẻ hai đứa con trai, vậy mà cả hai đứa chẳng đứa nào giống Năm Ruộng một chút xíu nào! Năm Ruộng sinh nghi, âm thầm theo dõi cả năm trời mà không phát hiện ra được điều gì. Chán nản hết sức, Năm Ruộng ngày ngày trút hận vào chai rượu, say bét nhè! … 
Có ông thầy địa lý thường uống rượu chỗ Năm Ruộng uống rượu, nhìn kỹ tướng mạo Năm Ruộng rồi nói:”Cậu dẫn tôi về xem thế đất nhà cậu, có thể cải thiện gia cảnh được chăng?” Năm Ruộng dẫn ông thầy về nhà, sau nửa ngày quan sát, do đạc, ông thầy địa lý nói:”Cậu phải dời gian nhà chính sang phải năm mét, nền cũ xây chuồng nuôi heo, chỉ sau một năm, cậu sẽ thu bộn tiền!” Ông thầy còn chỉ chỗ đặt miệng cống thoát nước chuồng heo, nhận thầu  luôn việc xây chuồng heo, rất hoành tráng! 
Quả nhiên, sau một năm, Năm Ruộng bán heo thu được tiền tỷ, sau ba năm đã giàu nhất vùng. Và điều quan trọng nhất khiến Năm Ruộng sung sướng tột cùng là sau ba năm ấy, người vợ Tám Thôn đã đẻ cho Năm Ruộng ba đứa con trai giống Năm Ruộng như đúc! Năm Ruộng đi tìm ông thầy địa lý để tạ ơn nhưng không biết đã đi đâu? 
Một hôm, Năm Ruộng nhớ tới ông thầy địa lý mà ra quán rượu ngồi uống rượu một mình, chợt thấy có người lạ mặt tới quán rượu uống rượu rồi hỏi thăm tới nhà ông Năm Ruộng. Hỏi tới làm gì, người ấy nói:”Tôi là mối tình đầu của vợ ông Năm ruộng, bà đã đẻ cho tôi hai đứa con, giờ tôi đến xin đón nó về!” Lại hỏi, ông đi lại với vợ Năm Ruộng lâu như thế, tại sao không bị phát hiện?”, đáp:”Tôi đã đào một địa đạo từ bờ sông tới đúng buồng nhà ông Năm Ruộng!” Năm Ruộng nghe tới đó thì giật mình kinh ngạc, chút xíu thì lao vào người kia, song đã kịp kìm lại. Người kia nói tiếp:”Một hôm, tôi từ bờ sông chui vô địa đạo để tìm gặp Tám Thôn thì thấy nước và phân heo chảy ra ào ào! Từ đó tôi không gặp Tám Thôn nữa!”… 
Năm Ruộng bần thần thả bộ về nhà, không biết Năm Ruộng nghĩ gì mà thỉnh thoảng lại lẩm bẩm”Đáng khâm phục! Đáng khâm phục! Vì tình yêu mà đã đào con đường địa đạo dài gần một cây số!”…




4. HAI NGƯỜI, HAI SỐ PHẬN
   Ở huyện Mây Vàng, tỉnh Mây Xanh có hai anh học trò nổi tiếng học giỏi nhất huyện rồi nhất tỉnh suốt thời gian học trung học phổ thông. Hai người học giỏi ngang nhau nhưng đợt xét chọn đi học nước ngoài năm ấy chỉ có một chỉ tiêu cho trường hai người đang học, cho nên chỉ có người tên Thăng được chọn vì anh ta có người nhà làm việc ở Ban Tuyển sinh tỉnh. Người tên Bình học đại học ở trong nước.
   Nói về người học trò tên Thăng, sau năm năm đại học, anh ta được chuyển tiếp nghiên cứu sinh vì thành tích học tập xuất sắc. Sau ba năm nghiên cứu sinh, luận án Phó tiến sĩ của anh quá xuất sắc, anh lại được chuyển tiếp làm luận án Tiến sĩ, ba năm nữa , vị chi là mười một năm. Cầm tấm bằng Tiến sĩ, anh chuẩn bị về nước thì các giáo sư nước bạn lại tha thiết mời anh ở lại giảng dậy thêm bốn năm nữa, tổng cộng tất cả thời gian anh học tập và giảng dạy ở nước ngoài là mười lăm năm. Đến lúc này, Tiến sĩ Thăng mới giật mình nhận ra mình đã đắm chìm trong khoa học đến nỗi quên cả quê hương và người bạn nối khố là Bình ở quê nhà. Tiến sĩ Thăng quyết xin về nước nhưng đúng lúc anh chuẩn bị hành lý lên đường thì tới tấp nhận được thư mời của  rất nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học ở nhiều nước mời giảng dạy, tham gia các công trình nghiên cứu, tham gia các hội thảo khoa học … đều thuộc cỡ hàng đầu thế giới! Theo như ý kiến của các vị quan chức ở Đại sứ quán thì không thể từ chối vì đây là thể diện Quốc gia trên trường Quốc tế!...Và thế là thời gian lại trôi qua thêm năm năm nữa!...
   Cuối cùng, phải sau hơn hai mươi năm, Tiến sĩ Thăng mới được trở về nước, về quê hương. Về nước, TS Thăng tính về quê liền nhưng phải tiếp nhận ngay cái chức Viện trưởng một viện nghiên cứu ở Trung ương…Nhận bàn giao về nhân sự xong, Tiến sĩ Thăng giật mình khi thấy trong danh sách đề nghị cho “về hưu non” và “hưởng chế độ một cục” có cái tên người bạn học thời phổ thông của mình: Lê Văn Bình! Và bên cạnh cái tên ấy là một tấm ảnh mà người trong ảnh râu tóc bạc phơ cùng khuôn mặt hốc hác!...Tiến sĩ Thăng thốt lên:”Đây là ảnh bác Lê Văn Bỉnh, bố của anh bạn Lê Văn Bình của tôi chứ!”. Người cán bộ phòng Tổ chức-nhân sự nói:”Bác Bỉnh bố của anh Bình mới mất năm kia! Ảnh này đúng là anh Bình đấy ạ!” Tiến sĩ Thăng nói:”Không thể như thế được! Anh Bình bạn tôi không thể già nhanh hơn tốc độ ánh sáng!” . Nhưng câu nói này TS Thăng nói bằng tiếng Anh, rồi tiếng Pháp , rồi lại bằng tiếng Đức nên người cán bộ phòng Tổ chức không hiểu gì cả, cứ trố mắt nhìn!...
5. Đi sưu tầm truyện cổ
Hai nhà sưu tầm văn học dân gian về xã Ktang, gặp được già làng Đinh Kpa rất nhiệt tình kể chuyện nên phấn khởi lắm, quyết định đóng chốt ở nhà già làng Đinh Kpa. Sau một tuần, số lượng chuyện cổ, Hơ Amon… nhiều ngoài mức dự kiến, đồ nghề mang theo như băng ghi âm, pin…đã hết nên hai người quyết định rút quân. Muốn ra tới đường lớn phải men theo con suối Ktung tới ba cây số. .. Nhà sưu tầm A nói với nhà sưu tầm B:”Cái chuyện Sự tích suối Ktang thật là cảm động…Hai người yêu nhau không lấy được nhau, nhưng hàng tháng họ hẹn gặp nhau trong rừng, ôm nhau khóc than cho mối tình trắc trở, nước mắt của đôi tình nhân hòa vào nhau thành dòng suối!” Nhà sưu tầm B:”Chúng ta sẽ lấy cái tít Sự tích suối Ktang làm tên chung cho tập truyện cổ của đợt điền dã này!” Nhà sưu tầm A:”O.K! Lão Đinh Kpa này quả là một cái kho tàng văn hóa dân gian, đợt tới có cả sinh viên thực tập, ta sẽ đưa tới cái kho này!” Hai nhà sưu tầm chợt im lặng và dừng lại khi nghe có tiếng rên ư ử, kiểu rên sướng khoái từ sau một lùm cây phát ra! …Năm phút trôi qua, có tiếng nói, đàn ông:”Hôm nay em làm cho anh sướng quá trời sướng, chờ chút nữa anh hồi phục ta sẽ làm tiếp đợt hai!” Tiếng đàn bà tiếp theo:” Thôi đi ông tướng, đừng có tham! Em phải về ngay kẻo thằng chồng nó nghi!...À, mấy cái chuyện cổ em sáng tác, em thích nhất cái Sự tích suối Ktang vì đó là chuyện tình đắm say của chúng ta, anh nhờ hai nhà sưu tầm gửi cho Tạp chí Văn nghệ của tỉnh chưa?” . “Rồi, nhưng đưa vào chuyện cổ sưu tầm chắc chắn được in, còn đưa cho Tạp chí chúng nó vứt sọt rác!...Thôi ,cưng ơi, chiều anh lần nữa đi!”. Nghe tới đây thì nhà sưu tầm A nói:”Người đàn ông kia chính là lão Đinh Kpa!” Nhà sưu tầm B :”Còn ai vào đây nữa!”…
6.Mối tình đầu
Hồng Nhạn là một người thiếu phụ đã ngoài bốn mươi, ở với cô con gái là Hồng Nhân, đã gần hai mươi tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Y Dược. Người chồng của Hồng Nhạn chết đã được gần mười năm (do tai nạn giao thông), nhưng Hồng Nhạn vẫn ở vậy nuôi con, nhất quyết không tái giá…Tuy nhiên, Thần Ái tình đã đột nhiên nhìn thấy người thiếu phụ này “năng lượng  tình yêu” còn rất mạnh, và thế là một mũi tên của Thần Ái tình đã được phóng tới! Và chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra!
Trong buổi tiệc mừng sinh nhật cô con gái Hồng Nhân tròn hai mươi tuổi, ông thầy chủ nhiệm lớp học đại học của Hồng Nhân (vốn đã rất có cảm tình với Hồng Nhân) tới dự tiệc sinh nhật Hồng Nhân, ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với mẹ Hồng Nhân, đã bị “tiếng sét ái tình” đánh gục! Và, điều oái oăm là mẹ Hồng Nhân, cũng bị “tiếng sét ái tình” đánh gục!...
Khi cô gái hai mươi tuổi Hồng Nhân biết rõ sự thể mối tình “sét đánh” của mẹ mình với người thầy giáo mà cô đã thầm yêu ngay từ năm học thứ nhất, cô đã lẳng lặng “biến mất”!...
Hai mươi năm sau, trong bữa tiệc kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới của bà Hồng Nhạn, có một cô gái sinh viên năm thứ hai , cả khuôn mặt và dáng vẻ đều khá giống Hồng Nhân khi xưa, đã hát tặng Ông thầy và bà Hồng Nhạn bài tình ca “Mối tình đầu của tôi”. Khi bài hát vừa kết thúc, cả ông Thầy giáo và bà Hồng Nhạn cùng nói:”Đây là buổi tiệc mừng sinh nhật cô gái Hồng Nhân hai mươi năm trước!”…
7.Gót chân A-sin
Hương Huyền là cô bé chưa tới mười tuổi nhưng có những biểu hiện “Thần đồng” văn học khiến cha mẹ cô bé rất vui và nuôi nhiều hy vọng lớn lao…
Một hôm, mẹ của Hương Huyền, là một cô giáo dạy văn ở trung học phổ thông, đi làm về sớm hơn mọi ngày, và giật mình kinh ngạc khi thấy  cô con gái Hương Huyền dùng dây vải buộc chặt cổ chân thằng em trai chưa tới ba tuổi, và thả thằng em xuống bể nước, một thứ nước rất lạ, lấp lánh như ánh bạc!...Sau khi đã cấp cứu cho thằng con trai, bà mẹ Hương Huyền mới hỏi cô bé:”Tại sao con lại làm như thế?” Hương Huyền đáp:”Em con sẽ không có cái “gót chân A-sin” như chàng  dũng sĩ A-sin trong Thần thoại Hy Lạp nữa!”
8. Văn xuôi
Có hai nhà thơ, một người chuyên viết Trường ca, một người chuyên viết Tứ tuyệt, cùng đi thực tế nông thôn. Cùng nhóm và ở nhà trọ bên cạnh là nhà văn chuyên viết truyện ngắn…
Sau một tuần, hai nhà thơ cùng phát hiện ra cô chủ nhà đã “yêu” cả hai người, bèn nói với nhau:”Đúng là một Trường ca dài ngàn câu giá trị cũng chỉ bằng bài Tứ tuyệt bốn câu! Nếu sau chín tháng, cô chủ báo tin sinh ra Trường ca hay Tứ tuyệt thì mới phân thắng bại!”
Sau chín tháng, hai nhà thơ đợi mãi mà vẫn không thấy tin tức gì, phải một tuần sau, hai nhà thơ cùng nhận được bức điện báo có nội dung:”Em đã sinh con, rất bụ bẫm và kháu khỉnh…Con tên là  Hoàng Lê Vũ Truyện Ngắn!”…
Đỗ Ngọc Thạch

 

ĐÁM   CƯỚI   VÀNG 

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH 

Ông Chung và Bà Thủy cưới nhau khi cùng tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, lúc mới 21 tuổi. Tính đến nay là gần 50 năm chung sống. Cả hai ông bà đều sinh năm 1940, tức đều sang tuổi 71, ông đã nghỉ hưu được chục năm, còn bà đã nghỉ được 16 năm. Hai ông bà đều có số may mắn là ra trường đều được dạy học ở Hà Nội, một trường nội thành, từ đó cho tới lúc nghỉ hưu. Cuộc đời hai ông bà bình yên như mặt Hồ Hoàn Kiếm, mặc dù đất nước đầy biến động ngay từ khi hai người sinh ra..  
**
Cuộc sống của vợ chồng ông Chung và bà Thủy sắp được 50 năm, nói chính xác thì chỉ còn một tháng nữa. Một tháng nữa là tới ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, theo tục lệ có tính chất toàn cầu thì hai người vợ chồng mà chung sống tới 50 năm thì sẽ làm Đám Cưới Vàng. Hai ông bà chưa kịp bàn bạc với nhau sẽ làm Đám Cưới Vàng như thế nào thì mấy đứa con cháu đã gọi điện về tranh nhau giành chức “đăng cai” Đám Cưới Vàng này! 
Ông bà nhớ lại, cách đây  25 năm, hai người đã tổ chức Đám Cưới Bạc thật là vui! Rồi cứ theo thời gian, 30 năm làm Đám Cưới Ngọc Trai, 35 năm làm Đám Cưới Cẩm Thạch, 40 năm làm Đám Cưới Hồng Ngọc, 45 năm làm Đám Cưới Lam Ngọc, và bây giờ thì sắp 50 năm, làm Đám Cưới Vàng! Không biết còn hai đám cưới Ngọc Bích (55 năm) và Kim Cương (60 năm) sẽ như thế nào? Tuy chưa “duyệt” xong kế hoạch làm Đám Cưới Vàng, nhưng bà Thủy cũng muốn hình dung xem Đám Cưới Kim Cương , tức lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới, vào mười năm nữa, sẽ phải được tổ chức như thế nào? Song, khi hỏi ông Chung thì ông chỉ nói, để làm xong Đám Cưới Vàng sẽ bàn tiếp!
Ông Chung và bà Thủy cưới nhau lúc 21 tuổi thì bốn năm sau, hai người đã có với nhau bốn đứa con, năm một, hai con gái đầu, hai con trai sau. Tính đến nay, bốn người con của hai ông bà đã gần 50 tuổi và đều thành đạt về đường học hành cũng như về kinh tế ( cả bốn người đều có bằng Tiến sĩ Khoa học và giữ những chức vụ đứng đầu cấp Cục, Vụ, Viện). Vì thế, các con cái đều có gia đình riêng và ở riêng, không ai ở chung với bố mẹ, đó là cách xử lý khoa học nhất của những người “nhìn xa trông rộng”, tránh được những sự đụng độ, cãi vã không đáng có: nếu ngày nào cũng ra đụng vào chạm thì nó sẽ xảy ra thường xuyên, như cơm bữa! Và với hai ông bà, nếu tinh ý thì sẽ thấy hai người tuy ở chung một nhà nhưng không hề “chung chăn gối”mà “hồn ai nấy giữ”, tức giường ai nấy nằm! Lý do của cái sự “chia cắt” này là ngay từ khi có đứa con đầu tiên, ông Chung không bao giờ chịu “nằm yên” dù vợ bụng mang dạ chửa hoặc thậm chí đang cho con bú! Vì thế, chỉ khi nào bà Thủy “bật đèn xanh” thì ông Chung mới được “hành sự”!
**
Trong tất cả các chuyện có liên quan tới hai người từ hồi họ quen nhau và chính thức yêu nhau (năm thứ nhất Đại học) thì bà Thủy bao giờ cũng là người mở đầu, dẫn dắt và kết luận câu chuyện! Lần này cũng không ngoại lệ, mặc dù ông Chung đã hơn một lần thề rằng sẽ không để bà Thủy “sỏ mũi” nữa! 
Khi ông Chung nghĩ rằng còn những 30 ngày nữa, chưa việc gì phải vội, thì nhận được “điện thoại nội bộ” cần gặp bà Thủy ngay để bàn chuyện ngày Đám Cưới Vàng! Nhận được điện thoại, ông Chung trả lời ngay: “Để tôi thảo trước cái bản dự kiến tổ chức lễ cưới Vàng rồi mang qua cho bà xem bổ sung, như thế sẽ nhanh hơn!”. Bà Thủy nói ngay: “Không được! Ông làm thế sẽ mất công vô ích mà thôi! Phải ngồi bên cạnh tôi, ông nêu ý nào thì tôi sẽ bổ sung hoặc lược bỏ ngay có phải nhanh hơn không?”. Ông Chung nghĩ, như thế thì lại “Vũ như Cẩn” rồi, bà ấy lại dắt dẫn từ đầu chí cuối, ta khác chi thư ký riêng của bà ấy? Nghĩ thế, nhưng ông Chung vẫn qua phòng bà Thủy để cùng soạn thảo kế hoạch cho ngày Đám Cưới Vàng, bởi theo như kinh nghiệm của ông, mấy chục năm nay, cứ để cho bà ấy thắng thế trên giấy, còn “trên giường” thì bà ấy “lưng chạm đất” là điều không thể tránh khỏi! 
Cũng như bao lần khác, việc soạn thảo bản kế hoạch tổ chức Đám Cưới Vàng không thể hoàn tất trong một buổi thảo luận rất gay cấn! May mà hai cô con gái lớn có việc tạt về nhà nếu không thì sự tranh luận của hai ông bà sẽ vượt quá tính chất “khắc khẩu” thường thấy bởi cả  hai người đã dùng đến những từ có tính chất “hạ nhục”, “miệt thị” đối phương: bà thì bảo ông “dốt như bò”, thời đi học không nhờ bà làm bài giúp bằng mọi cách thì đã bị lưu ban hoặc đuổi học từ lâu, còn ông thì nói nếu bà không có “tình ý” với mấy ông thầy thì điểm của bà không thể cao nhất lớp như thế, chính ông là người đã nói chuyện này trước cả lớp và kết thúc bằng câu thơ: Thân này ví thử làm gái được / Thì điểm bài thi há bấy nhiêu!
Có lẽ đây là lần “khẩu chiến” lớn nhất giữa hai vợ chồng ông Chung bà Thủy, bởi bà đã chạm vào “gót chân A-sin” của ông mà ông luôn phải che đậy, giấu diếm suốt cả thời đi học của ông; còn bà thì không thể tha thứ cho ông được bởi ông đã chạm vào chỗ “thâm cung bí sử” của cuộc đời người con gái của bà: chắc là ông chỉ “đoán mò” nhưng ông đã nói đúng cái sự thật khiến bà đau đớn ê chề: bà đã dâng hiến trọn vẹn cái quý giá nhất của người con gái cho ông thầy Chủ nhiệm không phải chỉ để lấy điểm cao nhất lớp mà còn vì ông thầy hứa sẽ cưới cô học trò có thân hình rất quyến rũ là bà, nhưng sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” hơn con số nhiều ba lần thì ông thầy bỗng… đổi ý! Việc bà đồng ý cưới ông Chung ngay khi còn là sinh viên thực ra là để che lấp đi phần nào sự “mất mát” quá lớn đó của người con gái, và nó cũng phù hợp với nguyên tắc lấy chồng mà mẹ bà đã truyền lại: lấy người yêu mình chứ không lấy người mình yêu! Vì thế, khi nghe ông Chung khơi lại chuyện này, bà có cảm giác như bao nỗi oán hận mà bà chưa trả được cho ông thầy “hứa hão” bà sẽ trút hết cả lên đầu cái anh chàng “dốt như bò” này!
**
Tuy nhiên, hai ngày sau, bà Thủy lại thấy việc bà nổi cáu với ông Chung, xỉ vả ông là “dốt như bò” thật là vô lý, thật là quá nông nổi! Bởi nếu ông ta là một con bò dốt nát, ngốc nghếch thì “phu nhân” của con bò ấy còn ngốc nghếch tới đâu? Đúng là “xấu chàng hổ ai”, lời người xưa thật sâu sắc làm sao! Vì thế, bà liền gọi điện thoại cho ông bằng giọng điệu rất vui vẻ, có phần ấm áp và tình cảm, mời ông tới bàn chuyện Đám Cưới Vàng!
Khi nhận được điện thoại của bà Thủy, ông Chung nghĩ bụng: Giá như còn sung sức như ngày xưa, ông sẽ tới ngay và “vừa xin lỗi vừa bắt đền”, thế nào cũng có hiệu quả cao! Nhưng bây giờ thì “Cái tiếng quan trọng hơn cái miếng”, nên ông nói ngay: “Tôi cũng đang soạn thảo bản kế hoạch cho Đám Cưới Vàng đây, sắp xong rồi, mười phút nữa tôi mang qua ngay cho bà duyệt!”. Nói là nói vậy, chứ bây giờ ông mới lấy giấy bút ra gạch đầu dòng một, hai, ba… Dù sao thì bà Thủy vẫn là người chủ động, bà chủ động “hòa giải” và bà sẽ chủ động dắt ông vào cõi thần tiên của… tình già! Nghĩ thế, bà Thủy yên tâm ngồi đợi, bà mỉm cười về cái sự trẻ con của cả hai mỗi khi xảy ra những đụng độ nảy lửa toàn những chuyện không hề trẻ con! Bà ngồi đợi được ba phút thì “cái ngủ” ào đến như gió thoảng, đưa bà vào những giấc mơ ban ngày tuy ngắn ngủi nhưng thật là đẹp!
**
Ngày đầu tiên đến lớp, cô gái nhà quê Thu Thủy chưa hề quen ai, nên ngồi thu lu ở cái bàn cuối lớp. Cô đang ngồi mê mải nhìn những bạn gái cùng lớp, người ở các thành phố lớn, thì ai cũng ăn mặc thật là đẹp và nói năng thì cứ như phát thanh viên trên tivi! Không hiểu tại sao họ lại biết nhiều chuyện như thế, cổ kim Đông Tây, trên rừng dưới biển cứ nói vanh vách! Có lẽ là tại ngôi trường mà họ theo học thật là hiện đại, không thiếu thứ gì, từ những giá sách khổng lồ trong thư viện cho đến những vật dụng đắt tiền trong phòng thí nghiệm! Chẳng như ngôi trường phố huyện của mình nghèo nàn và xơ xác!...Cô gái nhà quê trường huyện Thu Thủy đang mơ màng suy tưởng: “Giá như mình được học ở những ngôi trường “giàu đẹp” như thế thì cuộc đời sẽ có một Thu Thủy khác hẳn, chứ không phải là một cô gái đen nhẻm như cô bé Lọ Lem, quần áo thì quê mùa cũn cỡn, chân lại đi dép lốp đen xì và to đùng nữa chứ!...”, thì chàng trai con nhà quan là “Cậu Ấm” Bá Chung tới ngồi sát bên cạnh, và khi ngồi xuống ghế, Bá Chung cố tình ngả người đè lên Thu Thủy khiến cho cô gái quê bối rối vô cùng! Và chính là lúc bốn con mắt “chạm nhau” thì cô gái nhìn thấy một “Chàng Ngốc” và anh chàng con nhà quan thì như đứng trước… “Biển ái tình”! 
Quan hệ vợ chồng của ông Chung bà Thủy sở dĩ có tính bền vững cao không phải bởi họ là một đôi thanh mai trúc mã, trai tài gái sắc, hoặc đại loại là như thể “Trời sinh một cặp” mà là bởi bà Thủy biết cách ban phát tình cảm của mình đúng mức độ, đúng liều lượng, biết “nuôi cơm” vừa cho ông “đủ no”, nhưng phải có một chút “thòm thèm” mà mơ tưởng, chờ đợi tới “bữa sau” chứ không hề có chuyện ăn no căng rốn, hoặc phè phỡn, chán chê tới mức muốn ói mửa như thằng say rượu hoặc “chán cơm” mà toàn lén đi “ăn phở”!...  Khi thấy người ta thường “nâng chén tình dốc cạn” bà Thủy cười thầm: “Chén tình của ta cho ông ấy uống phải được pha chế như ly “cốc-tai” sành điệu, ngon mà không thể say, muốn uống nữa mà không thể uống!”…Cũng có lúc bà Thủy chợt nghĩ, sao ta lại có thể sống mãi với một anh chàng Ngốc như thế? Song bà Thủy lại tự trả lời ngay: Dù sao thì cái anh chàng Ngốc này cũng không có nhược điểm hay bệnh tật gì, thậm chí là một người đàn ông rất chuẩn về mọi mặt! Đặc biệt là anh ta rất sạch, rất hợp với cách sống hay còn gọi là nếp sống của bà Thủy. Là con của hai bác sĩ (cả bố và mẹ của bà Thủy đều là bác sĩ của bệnh viện Huyện), bà Thủy có cách sống rất sạch sẽ và đặc biệt rất sợ vi trùng, bệnh tật. Năm nào bà cũng kiểm tra sức khỏe tổng quát cả nhà và nhờ trời, không ai có một chút dấu hiệu nào của bệnh tật! Đó có lẽ là lý do chính khiến cho đôi vợ chồng Bá Chung và Thu Thủy sống với nhau lâu bền như thế! 
Bà Thủy bỗng nhớ lại hồi làm Đám Cưới Bạc, tức kỷ niệm 25 năm ngày cưới, hai vợ chồng đã cãi nhau kịch liệt chỉ vì toàn những chuyện không đâu thì bỗng ông Chung lôi từ trong gầm tủ ra một đôi dép lốp cao su, rồi lau chùi, rồi lấy bao ni-lon bọc gói kỹ càng, rồi ngồi ôm đôi dép mà ngâm nga, như là đọc thơ mà cũng như là đọc kinh: “Mỗi khi nhìn em bước đi nhún nhảy / Trên đôi giày cao gót mô đen / Tôi lại luôn tự hỏi / Đôi dép cao su quai to của em / Có còn làm cho con tim tôi thổn thức?”. Bà Thủy bỗng vụt nhớ lại tất cả: chính là cái đôi dép cao su bằng lốp xe ô tô kia đã đưa bà đến trường Đại học, để gặp anh chàng Chung cho đến hôm nay. Khi làm đám cưới, bà Thủy định quẳng đôi dép cao su kia đi khi vào tiệm mua đôi giày cao gót, thì ông Chung đã gói lại mà nói: “Đây là hình ảnh đầu tiên của em mà anh đã nhìn thấy, rất ấn tượng! Chính là hình ảnh này đã khiến tim anh loạn nhịp và chỉ muốn ôm chặt lấy em!”. Sau này, bà có hỏi lại ông tại sao nhìn đôi dép cao su thô kệch đen xì mà ông lại có cảm xúc yêu đương mạnh mẽ như thế thì ông nói: “Nhìn đôi dép cao su của em là bị sự tò mò cuốn hút: không biết bên trên tám mươi phân đôi dép cao su đen xì kia có “đen xì” như thế không? Thế là muốn…”. Lập tức bà Thủy mắng: “Muốn cái con khỉ!”… 
**
Một tuần lễ đã trôi qua mà cuộc thảo luận về tổ chức Đám cưới Vàng như thế nào vẫn chưa đi đến một ý hướng cụ thể nào chứ đừng nói là sẽ được triển khai từng bước như thế nào!  
Hai tuần lễ trôi qua, “Hội nghị hai bên” vẫn không tiến triển thêm được chút nào bởi hai người vẫn chưa thống nhất được phương thức làm việc: Ông Chung thì muốn rằng để ông thảo trước bản nội dung của chương trình các bước triển khai trong ngày Đám Cưới Vàng, rồi đưa cho bà Thủy xem có thêm bớt gì thì thêm bớt, và phải chú ý là chỉ thêm chứ không bớt; nhưng bà Thủy thì vẫn muốn làm theo cách cũ, tức là cùng trao đổi ngay từng nội dung và khi bà duyệt thì ông mới ghi thành văn bản! Đây là cách mà ông Chung nói rằng ông chỉ là thư ký còn bà Thủy dắt dẫn mọi chuyện từ đầu đến cuối! 
Khi “Hội nghị hai bên” không có kết quả thì phải thay đổi hình thức, đó là “Hội nghị ba bên”, hoặc “Hội nghị bốn bên”, tức hai cô con gái lớn sẽ tham gia. Lúc đầu, bà Thủy đồng ý cho cô con gái lớn tham gia vì Đám Cưới Vàng này liên quan tới sự ra đời của nó, tức chỉ sau Đêm Tân hôn chín tháng mười ngày thì nó ra đời. Hai ông bà cưới đầu năm, cuối năm sinh con, nếu tính năm thì năm sinh của cô con gái đầu cũng trùng với năm Đám Cưới Vàng, tức 50 năm, - cô con gái đầu 50 tuổi. Song, “Hội nghị ba bên” mới qua một ngày thì bà Thủy thấy có chuyện bất ổn: cô con gái đầu và ông bố có vẻ như cùng một phe cánh, cho nên ý kiến của bà Thủy luôn bị thiểu số và bị bác bỏ! Vì thế, bà Thủy quyết định phải tổ chức “Hội nghị bốn bên”, tức cho cô con gái thứ hai tham gia, để tạo thế quân bình! 
Tuy nhiên, “Hội nghị bốn bên” cũng không cải thiện được tình hình là bao: ba tuần lễ trôi qua mà mới chỉ thống nhất được một nội dung: Đám Cưới Vàng sẽ được tổ chức ở Khách sạn 5 Sao và kéo dài từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, tức 20 giờ!
Ông Chung bỗng nhớ lại ngày làm Đám Cưới Ngọc Trai, tức kỷ niệm 30 năm ngày cưới, bà Thủy nhận được một món quà rất đặc biệt là một vòng Ngọc Trai gồm 30 viên. Điều khiến cho mọi người nghĩ mãi không ra là : ai là người đã tặng bà Thủy vòng Ngọc Trai quý giá đó? Nếu không phải là mối tình đầu chất đầy kỷ niệm thời tuổi trẻ thì cũng là “Tình vụng trộm” âm thầm mà mãnh liệt khoảng chục năm nay, bởi đó là thời gian người đàn bà chia tay với tuổi thanh xuân để bước sang tuổi già, cho nên thường có một thời kỳ “Hồi xuân” rất mạnh mẽ! Mọi người đều cho rằng người tặng vòng Ngọc trai có lẽ đã vĩnh viễn ra đi đến một nơi rất xa và không thể trở lại, nhưng ông Chung thì lại cho rằng kẻ yêu thầm nhớ trộm đó, mà ông gọi đích danh là “Kẻ trộm ái tình”, - hình như ở rất gần đâu đây? Cho nên, mỗi khi bà Thủy đeo vòng Ngọc Trai đi đâu thì ông lại âm thầm bám đuôi, bởi ông cho rằng kẻ tặng vòng Ngọc Trai nhất định sẽ xuất hiện để ngắm nhìn tác phẩm của mình trên cổ, trên ngực bà Thủy! Thấy ông bố mình vất vả làm Thám tử suốt hai năm trời, hai cô con gái mới tiết lộ với bố rằng vòng Ngọc Trai quý giá đó là do hai chị em góp tiền lại mua tặng mẹ, nhưng muốn cho món quà thêm phần “bí hiểm” nên “sáng tác” ra người tặng quà giấu mặt mà thôi! Tuy nhiên, ba ngày sau ông Chung lại không tin vào lời giải thích của hai cô con gái bởi ông nghĩ, chắc hai cô con gái sợ ông khám phá ra điều bí mật của người mẹ nên đã “hư cấu” ra những lời giải thích đó. Và, ông Chung lại tiếp tục âm thầm làm Thám tử!
**
Cuối cùng thì ngày làm lễ Đám Cưới Vàng cũng tới. Tuy “Hội nghị bốn bên” chỉ mới thông qua một nội dung là ngày, giờ và địa điểm, nhưng đó là vấn đề số một, đầu xuôi thì đuôi lọt, mọi việc sẽ đâu vào đấy, sẽ thuận theo quy luật tự nhiên. Tức mấy người con, cả dâu và rể của ông Chung và bà Thủy đều thống nhất hành động: cứ phát giấy mời (hoặc nhắn tin, đăng báo,v.v…) theo đúng thời gian và địa điểm, khi ấy sẽ “tùy cơ ứng biến”, đó mới là một Đám Cưới Vàng ý nghĩa nhất và độc đáo nhất! 
Quả nhiên đúng như dự đoán của  Ban Tổ chức (mấy người con, cả dâu rể của ông Chung bà Thủy), số người đến mừng Đám Cưới Vàng của ông Chung bà Thủy nhiều gấp ba lần con số dự đoán. Thực ra thì khách đều là những người già yếu nên thường có hai, ba người đi theo hộ tống. Số quà tặng và phong bì cũng nhiều vô kể. Vì nơi tiếp khách là hội trường của khách sạn 5 Sao nên cần đồ ăn, thức uống gì cũng có, đó gọi là “Tiệc mở” – tức ăn uống đều theo yêu cầu của thực khách! Đặc biệt nhất là Diễn đàn không lúc nào ngưng lời phát biểu, chúc mừng của khách khứa, bạn hữu! Đáng chú ý là, hầu hết đều kết thúc bằng việc đọc tặng cô dâu và chú rể bài thơ Tình già của Phan Khôi: 
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở:
-“Ôi đôi ta, tình thương nhau  thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;
Ðể đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
-“Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung?

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đất khách gặp nhau;
Ðôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi!...

Sài  Gòn, Tháng 4- 2010
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét