Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Ngũ hổ tướng quân; Người có con mắt xanh - Đ.N.T

5tigers-1

NGŨ HỔ TƯỚNG QUÂN

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Nếu Hà Nội có phố Nhà Binh, tên chính thức là phố Lý Nam Đế, tức toàn các gia đình quân nhân sinh sống ở đó, thì ở tỉnh Q.N có Làng Quân Nhân. Nếu như ở phố Nhà Binh, trong mỗi gia đình quân nhân chỉ có một hoặc hai người là quân nhân, còn những người khác “ăn theo”, thì ở Làng Quân Nhân, hầu hết các gia đình đều một trăm phần trăm là quân nhân, trừ bọn trẻ con chưa đến tuổi nhập ngũ, đương nhiên! Ở phố Nhà Binh, tính chất thương mại đã dần dần thay thế tính chất quân nhân, con đường xưa kia nổi tiếng nghiêm trang thì giờ đây buôn bán sầm uất, cửa hiệu, nhà hàng nhấp nháy đèn màu thâu đêm! Nếu có ai lâu ngày mới trở lại phố Nhà Binh thì sẽ không thể nhận ra! Còn ở Làng Quân Nhân, mới bước tới đầu Làng là đã có thể nhận ra ngay và ai cũng có cảm giác thật tuyệt vời: như được trở về nhà mình sau cuộc hành trình vạn dặm!...
*
Điều đáng chú ý ở Làng Quân nhân là ở đây có tới năm người đã từng đeo lon cấp tướng, cho nên Làng Quân nhân còn có tên là Làng Ngũ Hổ Tướng quân. Cả năm Ông Tướng này nay đã qua cái tuổi Thất Thập cổ lai hy (sinh năm Dần 1938), song vẫn còn dồi dào sức khỏe và đều đang là Võ sư của Lò Võ Việt Võ đạo của Làng. Cả năm Ông Tướng đều lành lặn, không hề bị một vết thương nhỏ, điều đó có thể gọi là có nhiều may mắn, bởi có nhiều người chỉ lâm trận một lần đã thành Liệt sỹ! Cả năm Ông Tướng đều có ít nhất hai người con trai nối nghiệp Binh gia và đều đã đeo lon cấp Tá, có hai người đã tới Đại Tá. Cả năm Ông Tướng đều … Điều này hơi “tế nhị” nhưng cũng cần “sòng phẳng” nói ra bởi không nói thì ai cũng biết: đó là cả năm Ông Tướng đều lấy vợ là Chị Nuôi (Chiến sĩ Nuôi quân gái) và cả năm Tướng Bà đều…không đẹp! Khi có người trêu chọc là tại sao lại không tìm người đẹp lại “vơ quàng vơ xiên” như thế, hoặc nói là đã chót lấy vợ không đẹp lúc còn tuổi trẻ dại khờ thì tại sao khi lên Tướng, lên Tá không “nạp thiếp” một Hoa khôi nào đó có khó gì, thì cả năm Ông Tướng đều nói: “Vợ đẹp là vợ người ta! Và người đẹp thường đoản mệnh lại kém nuôi con! Còn bà nó nhà tôi, nhìn thế chứ khi “lâm trận” thì rất tuyệt vời, rất đáng đồng tiền, bát gạo, lần nào cũng như lần đầu!”. Quả đúng là như vậy, cả năm Tướng Bà đều có quý tướng Vượng phu ích tử, đẻ đã khỏe nuôi con lại giỏi, còn mong gì hơn!...Tóm lại, cả năm Ông Tướng đều có rất nhiều điểm giống nhau, thậm chí quá giống nhau (chẳng hạn như cả năm Tướng Bà đều đậm đà và …không cao), và chỉ có một điểm khác nhau, đó là năm người không ở cùng một đơn vị. Nhất Tướng quân và Nhị Tướng quân ở Binh chủng Bộ binh, Tam Tướng quân và Tứ Tướng quân ở Binh chủng Đặc công, còn Ngũ Tướng quân ở Bộ Tổng Tham mưu (Tướng Văn phòng)!
*
Chuyện Nhất Tướng quân từ anh lính Binh nhì trở thành Tướng Một sao quả thật nói ra không dễ tin, bởi thoạt nhìn diện mạo không ai nghĩ cái anh chàng Lê Nhất này là sĩ quan chỉ huy cấp úy chứ đừng nói là Tướng Tá: văn hóa mới hết tiểu học, bộ dạng lại có vẻ “thằng Ngốc”, tóc rễ tre, mặt gân guốc, mắt to, miệng rộng luôn phô cái hàm trên chìa hẳn ra ngoài vành môi, mà người ta gọi là răng vẩu ( hoặc răng vổ, răng hô). Những người răng vổ thường thật thà, tốt bụng và Lê Nhất lại có sức khỏe khác thường nên đức tính đó được tăng lên cấp số nhân. Chính vì thế, những sĩ quan Quân lực khi nhìn thấy Lê Nhất đã quyết định ngay bố trí Lê Nhất làm lính Cần vụ cho các Thủ trưởng Tiểu đoàn. Quân cờ khi được đặt đúng chỗ sẽ phát huy tác dụng không ngờ, đúng như câu thơ “Lạc nước hai xe đành bỏ phí / Gặp thời một tốt cũng thành công” . Lê Nhất ứng với câu thơ thứ hai. Ấy là sau hai năm làm lính cần vụ một cách xuất sắc, một hôm Tiểu đoàn trưởng nói với Lê Nhất: “Tiểu đoàn ta được giao nhiệm vụ đánh tiêu diệt cứ điểm N.3, do một Tiểu đoàn địch đóng đồn. Như vậy là một chọi một. Nhưng quân ta hỏa lực chưa mạnh, mà quân địch thì “thành cao hào sâu” cố thủ, thì quân ta sẽ thương vong lớn mà chưa chắc thắng! Chà, quả là nước cờ khó!”. Lê Nhất vốn đã rất thân mật với các Thủ trưởng như tình huynh đệ, nên nói năng thoải mái: “Em thấy cấp trên như muốn đánh đố chúng ta, lực lượng không áp đảo lại không có pháo phối hợp thì theo em đánh là thua!”. Tiểu đoàn trưởng nói: “Cậu nói rất đúng! Quả là sau hai năm “ăn nằm” với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, cậu đã có những hiểu biết cơ bản về đánh trận! Vậy cậu có mưu kế gì không? Chúng ta phải dùng mưu kế chứ không thể nhắm mắt húc đầu vào tường!” Lê Nhất nhe răng cười, TĐT càng nhìn càng thấy khi Lê Nhất cười sao mà giống mình đến thế! Có lẽ chỉ có điểm khác nhau giữa hai người là đôi mắt mà thôi: mắt TĐT nhỏ mà sắc sảo, tinh anh chứ không to gần như mắt ốc nhồi của Lê Nhất!
Lê Nhất nói “Thủ trưởng đã bàn với các Thủ trưởng chưa, em nghĩ chắc Tiểu đoàn phó thế nào cũng nghĩ ra cách đánh hay!”. TĐT nói: “Nếu BCH đã có cách đánh rồi thì tớ còn nói với cậu làm gì! Sở dĩ tớ nói với cậu vì tớ đã có một mưu kế, và người thực hiện mưu kế này chính là cậu!”. Lê Nhất nghe nói vậy thì reo lên: “Trời đã cho em cơ hội rồi!... Thủ trưởng nói đi, dù có phải nhảy vào biển lửa hay trèo lên núi đao em cũng không sợ!...Em xin được đi ngay!”. TĐT từ tốn nói: “Cứ bình tĩnh! Khi đã thực hiện mưu kế thì phải bình tĩnh! Cậu là người họ Lê, có biết chuyện Lê Lai đóng giả Lê Lợi không?”. Lê Nhất thoáng giật mình, song kịp trấn tĩnh rồi nói: “Em tuy là họ hàng xa nhưng cũng là con cháu Vua Lê, sao lại không biết câu chuyện Lê Lai cứu chúa đó! Thủ trưởng cần em đóng giả Thủ trưởng chứ gì, em xin sẵn sàng! Chắc là chỉ cần đeo đôi kính râm vào là em sẽ giống Thủ trưởng y chang!”. “Cậu thông minh nhanh trí lắm, thế mà người ta bảo cậu là thằng ngố!...- TĐT thong thả nói - Thế này nhé: Thằng Tiểu đoàn trưởng của quân địch vốn là một tay hảo hán giang hồ, nó đã biết ý định của quân ta khi ta kéo quân về ém ở đây, liền viết chiến thư, nội dung là thách đấu tay đôi giữa hai Tiểu đoàn trưởng, đấu súng hay đấu võ do ta chọn. Nếu ai thua thì toàn bộ quân sĩ sẽ phải làm tù binh của đối phương!”. Lê Nhất lại reo lên: “Thế thì Thủ trưởng đã chọn đúng người đúng việc rồi! Em không cần biết nó đã từng là hảo hán giang hồ cỡ nào, nhưng em xin nói để Thủ trưởng an tâm: em được chân truyền bí kíp võ công của một sư phụ từng sang thụ giáo bên Thiếu Lâm Tự, vì qui định không được tiết lộ thân phận nên em không có điều kiện thi thố tuyệt kỹ cho các thủ trưởng xem mà thôi!”. TĐT nắm chặt tay Lê Nhất mà rằng: “Vậy thì thành bại trận này đặt hết vào tay cậu! Tớ chỉ nghĩ cậu bắn súng giỏi, ai ngờ lại là cao thủ võ lâm! Vậy ta sẽ nhận thách đấu võ thuật!”. Và chỉ ba ngày sau, cuộc thách đấu giữa hai TĐT hai bên đã diễn ra thật là ngoạn mục, cứ như trong phim Hồng Kông và kết quả là Lê Nhất đã thắng sau khi đã xuất chiêu thứ ba!...
Với chiến công đó, Tiểu đoàn trưởng được thăng vượt cấp lên Trung đoàn trưởng, thực ra là được ghép thêm hai Tiểu đoàn tân binh nữa để thành một Trung đoàn mới, chuẩn bị chiến dịch mới!...Vì thế, Lê Nhất được thăng vượt cấp lên làm Tiểu đoàn phó một Tiểu đoàn tân binh mà Tiểu đoàn trưởng vốn là Tiểu đoàn phó của tiểu đoàn cũ, rất thân với Lê Nhất, được Trung đoàn trưởng giao “kèm cặp” Lê Nhất cho tới khi quen việc! Quả là một bước lên mây! Và chính lúc nhận chức Tiểu đoàn phó, Lê Nhất đã cưới Chị Nuôi “Cô Ba béo”, mà anh lính cần vụ Lê Nhất đã “dính đôi” từ lâu! Và đúng là “Thánh nhân đã kẻ khù khờ”, Cô Ba tuy không đẹp người nhưng rất đẹp nết và đặc biệt có quý tướng Vượng phu ích tử , mà lúc cưới đâu có ai biết! Chính vì Quý tướng của vợ mà một năm sau, Lê Nhất lên Tiểu đoàn trưởng, một năm sau nữa làm phó cho Tiểu đoàn trưởng cũ tức đang là Trung đoàn trưởng, và chưa đầy một năm sau nữa, Lê Nhất lên chức Trung đoàn trưởng khi Trung đoàn trưởng cũ lên cấp cao hơn, đã nhiệt tình tiến cử Lê Nhất!...
Khi Lê Nhất lên tới chức Trung đoàn trưởng, tình hình chiến trường có dịu đi, hai bên ta và địch ở thế “giằng co”, Lê Nhất được gọi đi học văn hóa rồi sang Liên Xô học ở Học viện quân sự Phrun-de, nơi chuyên đào tạo các sĩ quan quân đội nổi tiếng của nước bạn. Chuyện đi học của Lê Nhất quả cũng không giống ai! Lúc đầu, Lê Nhất không muốn đi học vì đôi tay của Lê Nhất múa võ thì rất diệu nghệ nhưng cầm bút thì quá khó, cái bút không chịu nằm yên trong bàn tay thô ráp của Lê Nhất mà chỉ tìm cách lăn ra ngoài! Song, được Thủ trưởng cũ phân tích thấu tình đạt lý, Lê Nhất đủ trí khôn để hiểu rằng không thể không đi học, rằng làm gì cũng phải học! Và, với những tuyệt kỹ võ thuật mà Lê Nhất thường biểu diễn lúc cao hứng, các ông thầy của cả trường Văn hóa trong nước và Học viện quân sự Phrun-de đều muốn “bái sư” học võ, vì thế, không chính thức, không công khai, Lê Nhất đã làm Sư phụ của không ít các ông thầy chính hiệu. Và vì thế, việc Lê Nhất tốt nghiệp “Loại ưu” của Học viện Quân sự Phrun-de là chuyện đương nhiên! Và với cái “mác” Học viện Phrun-de, khi về nước, Lê Nhất được nhận chức Sư đoàn phó, rồi nhanh chóng lên Sư trưởng là không khó khăn gì!...
*
Lại nói về những người huynh đệ của Lê Nhất, tức Lê Nhị, Lê Tam, Lê Tứ và Lê Ngũ. Năm người là con của năm người anh em họ Lê, cái tên gọi theo số thứ tự là do họ sinh ra trước hay sau. Mỗi người chỉ ra đời sau người trước vài ba ngày, trong cùng một tháng, cho nên cũng coi như cùng tuổi, tuổi Dần.
Khi Lê Nhất được Quân lực lấy làm lính cần vụ cho các thủ trưởng Tiểu đoàn thì bốn người anh em còn lại được phân về bốn đại đội khác nhau, làm Hỏa đầu quân. Bốn người này, cũng giống Lê Nhất ở thể trạng to lớn, là lực điền siêu hạng nên cùng giống nhau là ăn rất khỏe! “Miệng ăn núi lở”, câu nói ấy rất đúng ở nông thôn nói chung: nhà nào có người ăn khỏe là xem như nghèo đói dài dài! Chính vì thế, khi được chọn làm Anh nuôi, cả bốn người anh em của Lê Nhất đều rất mãn nguyện bởi bữa nào cũng sẽ được ăn căng rốn! Có lẽ họ sẽ làm Anh nuôi suốt đời nếu như không có chuyện sau: khi Lê Nhất cưới vợ, họ đã tới dự đám cưới và như là có sự sắp đặt sẵn của Ông Tơ Bà Nguyệt, ở đây họ đã gặp bốn phù dâu cũng là Chị nuôi như cô dâu và cũng đều có Quý tướng Vượng phu ích tử như cô dâu! Thế là chỉ tháng sau, một đám cưới tập thể của bốn cặp Anh Nuôi cưới Chị Nuôi được tiến hành! Và, khi Lê Nhất lên Tiểu đoàn trưởng thì cả bốn người được đi học một lớp sĩ quan Tham mưu, bởi Tiểu đoàn trưởng Lê Nhất không muốn những người anh em bị thất học của mình làm anh nuôi mãi, mà cũng sẽ phải trở thành sĩ quan chỉ huy như mình!...
Lúc đầu, bốn người anh em của Lê Nhất cũng không thích đi học bởi cũng giống như Lê Nhất, ngồi hàng giờ trong lớp học như bị bó chân, trói tay, như là cực hình! Nhưng sau cùng họ cũng hiểu rằng muốn làm sĩ quan thì phải đi học! Và trong thời gian đi học, bốn người đã làm rạng danh cho lớp học khi trong các buổi hội thao, liên hoan văn nghệ, họ luôn làm mọi người tâm phục khẩu phục lúc cùng nhau biểu diễn những màn võ thuật và nhào lộn, trồng người! Chính vì thế khi ở các kỳ kiểm tra, thi cử văn hóa và chiến thuật, chiến lược quân sự này nọ, họ không làm được bài thì cũng được châm chước! Vả lại, sau này làm sĩ quan Tham mưu thì đâu có phải “đánh trận một mình”, có làm Tướng cũng vậy!
Khi lớp Sĩ quan Tham mưu mãn khóa cũng là lúc Lê Nhất đã lên chức Trung đoàn trưởng. Rất nhiều Trung đoàn thiếu sĩ quan Tham mưu, vì vậy Trung đoàn trưởng Lê Nhất đã giới thiệu những người anh em của mình cho những Trung đoàn bạn và họ đều trở thành sĩ quan Tham mưu cấp Trung đoàn, rồi lên cấp Sư đoàn. Khi Lê Nhất từ Học viện quân sự Phrun-de trở về thì việc “lên sao lên vạch” của bốn người anh em xem ra còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn của Lê Nhất, quả là đúng như lời của ông Thầy Địa Lý khi đến Làng của họ, khi họ còn là những đứa trẻ cởi truồng đã nói: “Làng này hình thế rất đắc địa, có Ngọa Hổ tàng Long , sau này sẽ phát lộ nhiều tướng soái!”…
*
Tới tuổi về hưu, cả năm người cùng xuất ngũ một ngày, cũng như cả năm người cùng nhập ngũ một ngày. Có cô gái nhà báo trẻ, chính là con gái của Lê Nhất Tướng quân, thấy chuyện trùng hợp hay hay, liền nảy ra ý định viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, về chính những người thân ruột thịt của mình, người làng mình, cuốn tiểu thuyết sẽ có nhan đề “Ngũ Hổ Tướng Quân”.
Sau hai năm hỏi chuyện tỉ mỉ cả năm người trong Ngũ Hổ, cô nhà báo trẻ bỗng giật mình khi nhận thấy có một vấn đề “nghiêm trọng”: Cả năm Ông Tướng đều chưa hề tham gia một trận đánh thực sự nào, tức phải xông pha giữa mịt mù bom đạn, máu chảy đầu rơi! Những chuyện mà các ông Tướng đã kể mà cô nhà báo trẻ đã ghi chép rất tỉ mỉ, có lúc còn ghi âm, chỉ là những chuyện “sinh hoạt đời thường” trong suốt bốn mươi năm tại ngũ của năm Ông Tướng!
Cô nhà báo trẻ liền đem vấn đề này trao đổi, tâm tình với các Tướng Bà thì các Bà đều nói giống nhau: “Nếu các ông ấy mà thương tích đầy mình, và chẳng may lại trúng “chỗ ấy” thì làm gì có “Bầu đoàn thê tử” như bây giờ! Phải tạ ơn Bồ Tát, ngày nào mẹ cũng cầu Bồ Tát mới được lành lặn, nguyên vẹn như thế đấy!”. Không thỏa mãn với câu trả lời của các Tướng bà, Cô Nhà Báo trẻ đi hỏi chuyện các ông thầy Tử vi Tướng số thì các ông nói: “Không hề trực tiếp đánh trận, không hề dính mũi tên hòn đạn nào mà lên tới Tướng soái thì quả là kỳ lạ! Thần linh nào mà che chắn cho hoài như thế? Bây giờ cô hãy kiểm tra bên trong người các Tướng Bà xem có gì đặc biệt không? Tôi nghĩ là tất có Quý tướng ẩn tàng bên trong người các Tướng Bà!”.
Cô Nhà Báo trẻ nghe theo, cặp kè riết với các Tướng Bà suốt một tuần mới phát hiện ra những bí ẩn của các Tướng Bà và được ông Thầy Tướng số giải thích như sau: “Hai Bà có lườn thịt nổi lên như cái đai bao quanh bụng gọi là Ngọc đới yêu vi, tức đai ngọc bao quanh, đó là Quý tướng . Còn hai bà có nốt ruồi son trên nhũ hoa trắng hồng thì gọi là Nhũ hoa điểm son, cũng là Quý tướng. Còn một bà, tức mẹ của cô, có hai sợi lông đen bóng, xoắn lại như cái lò xo, khi kéo ra nó dài tới đầu gối, thì gọi là Song Long nhiễu Nguyệt, tức hai con Rồng ấp mặt trăng, đây là tướng cực quý, vạn người mới có một mà thôi! Nói chung, cả năm Tướng Bà đều gọi là tướng cách Vượng phu ích tử, tức trợ giúp cho chồng con rất tuyệt vời! Cô là con gái cưng của Ông Bà, sẽ lên chức Tổng Biên Tập trong năm nay mà thôi!”. Cô nhà báo trẻ nghe Thầy tướng nói vậy vẫn chưa tin, chỉ đến cuối năm, cô hoàn thành sớm trước thời hạn Luận văn Thạc sĩ Báo chí thì nhận được quyết định làm Tổng Biên tập, thì cô mới tin và bỏ ý định viết cuốn tiểu thuyết “Ngũ Hổ Tướng Quân”. Mỗi khi nhớ về “Kỷ niệm” này, cô lại lẩm nhẩm một câu: “Sự đời thì ra chỉ là một Trò Chơi của Tạo Hóa!”…
Sài Gòn, Mùa Đông 2009
Đỗ Ngọc Thạch

NGƯỜI  CÓ CON  MẮT  XANH

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH 

Trần Long Nhãn là tên do ông nội Nhãn đặt cho, với hi vọng Nhãn sẽ có đôi mắt kỳ diệu như mắt Rồng. Về đôi mắt thì quả như lời cầu ước của ông nội, sẽ nói sau, nhưng về các bộ phận khác thì quả thật là đau xót: hai chân và hai tay Nhãn không ra hình thù bình thường mà ngắn ngủn, các ngón chân, ngón tay không xòe ra mà chụm lại thành một cục như võ sĩ quyền anh khi đeo găng! Vì thế, Nhãn không thể đi lại mà chỉ lết, mà lết cũng rất khó khăn! Và nữa, Nhãn không thể nói mà chỉ ú ớ không thành tiếng, thành lời. Người ta bảo Nhãn bị nhiễm chất độc màu da cam, do bố đẻ của Nhãn thời trai trẻ đã đi đánh trận ở vùng bị rải chất độc hóa học.Vì thế, sau gần chục năm chạy chữa khắp nơi, tốn kém đến bại sản , Nhãn đành ngồi ở nhà, sống như một đứa trẻ vô tri vô giác. Nhưng, thời gian trôi đi, người nhà của Nhãn phát hiện ra Nhãn không hề vô tri vô giác.  

Nói về đôi mắt của Nhãn, quả là như mắt Rồng, tức là đẹp và kỳ lạ không thể tả được. Điều kỳ lạ có thể nói vắn tắt : Nhãn có 2 tròng mắt có thể đổi màu, khi tiếp xúc với ai mà Nhãn thấy thích thì Nhãn vui và đôi mắt có màu xanh biếc như mặt hồ thu, còn long lanh, lấp lánh như mặt hồ gợn sóng! Còn khi tiếp xúc với ai mà Nhãn không thích, thậm chí thấy ghét thì hai tròng mắt đảo qua đảo lại mấy vòng rồi trắng như vôi! Lúc đầu, cha mẹ Nhãn không để ý, nhưng sau sắp xếp, xâu chuỗi các lần đổi màu đôi mắt của Nhãn lại thì phát hiện ra một điều thật thú vị: những người mà Nhãn nhìn bằng đôi mắt xanh đều là những người tốt, người tài giỏi, còn những người mà Nhãn nhìn bằng đôi mắt trắng như vôi đều là người xấu và rất xấu (bọn lừa đảo, trộm cướp, tham nhũng, giết người…) thì toàn thân Nhãn rung lên bần bật như người động kinh, sài giật!... Cha Nhãn đem chuyện này nói với một người bạn là chủ tịch Hội văn nghệ của tỉnh H, người bạn nhìn ngắm kỹ Nhãn một hồi rồi nói: “Thằng bé này có cặp mắt đổi màu giống như Nguyễn Tịch”(*), bèn dẫn tới một cựu chiến binh (người CCB này mới đem đến Hội Văn Nghệ một tập truyện ngắn, chưa từng in ở báo chí nào mà đòi in sách ngay, ai cũng bận nên chưa đọc, chưa có ý kiến gì, tức chưa thể in được!). Vừa nhìn thấy người cựu chiến binh, đôi mắt của Nhãn đã xanh biêng biếc, còn lấp lánh nữa! Sau buổi đó, người chủ tịch Hội Văn Nghệ về đọc tập truyện của người CCB thì bị hút vào như nam châm hút sắt. Sau đó, tập sách được in và tác giả trở thành một nhà văn nổi tiếng cả nước!... 
Người chủ tịch Hội Văn Nghệ có người bạn là trưởng ban Phòng chống tham nhũng ở tỉnh K, biết chuyện của Nhãn liền dẫn một vị trưởng đoàn thanh tra của Trung ương vừa mới tới tỉnh nhà đến gặp Nhãn xem thực hư thế nào. Khi vừa nhìn thấy vị trưởng đoàn thanh tra kia, đôi mắt Nhãn tức thì đảo qua lại liên tục và trở thành trắng như vôi, người Nhãn còn rung lên bần bật! Người trưởng ban phòng chống tham nhũng kinh ngạc hết sức! …Và chỉ một tháng sau, người Trưởng Ban trở lại gặp Nhãn, sau khi thấy Nhãn lộ đôi mắt xanh như hồ thu thì đưa ra một gói quà và nói với cha, mẹ Nhãn:"Đây là tiền thưởng 10 triệu cho cậu bé có đôi mắt xanh đã giúp Ban Phòng chống tham nhũng phát hiện ra một tên tham nhũng cỡ bự nằm ngay trong lực lượng chống tham nhũng!". Người Trưởng Ban vừa dứt lời thì Nhãn cười, nụ cười rất tươi mà chưa bao giờ cha mẹ Nhãn nhìn thấy!  
*
Người kể cho tôi câu chuyện “Người có con mắt xanh” là một bác sĩ Nhãn khoa, tên khai sinh là Nhãn Khoa luôn, là anh em con chú con bác với Nhãn. Lúc Nhãn còn nhỏ, Nhãn Khoa ngày nào cũng sang chơi với Nhãn và thường lấy sách truyện đọc cho Nhãn nghe. Đọc hết sách truyện thì sang thơ. Hết thơ thì đọc sang sách giáo khoa. Chính nhờ đã đọc hết sách giáo khoa chương trình PTTH từ lớp Một đến lớp 12 cho Nhãn nghe nên khi mới học tới Chín, Nhãn Khoa đã coi như “học xong” chương trình lớp 12. Và điều đặc biệt là khi Nhãn Khoa đọc sách cho Nhãn nghe thì Nhãn nghe rất chăm chú, đa phần đôi mắt đều có màu xanh biếc. Nhãn Khoa để ý khi đọc cho Nhãn nghe những sách truyện, thơ hay thì mắt Nhãn đều có màu xanh kỳ lạ. Thử lấy những cuốn truyện, thơ thường thường bậc trung đọc cho Nhãn nghe thì đôi mắt luôn có màu trắng và thường lim dim như ngủ gà ngủ gật! Những khi người anh em họ Nhãn Khoa bận đi học hoặc vì lý do gì đó mà không đến chơi với Long Nhãn được thì Nhãn thường ngồi lên cái thuyền câu nhỏ của người bố Nhãn rồi hai bố con rong ruổi trên sông câu cá. Người bố của Nhãn còn phát hiện ra khả năng đặc biệt nữa của Nhãn là khi tới khúc sông nào có nhiều cá thì Nhãn mới thả câu mà đã thả câu thì cá mắc câu liên tục! 
Sau khi cả nhà đã xác định Nhãn là người có con mắt xanh giống như cái ông Nguyễn Tịch thì người anh em họ là Nhãn Khoa nói với bố mẹ Nhãn: “Bây giờ cháu đã tốt nghiệp Trường Y, muốn ra thành phố vừa đi làm cho một bệnh viện vừa mở phòng mạch tư. Vậy hai bác cho Nhãn ra thành phố với cháu. Có như thế chúng ta mới có dịp thi thố tài năng cùng thiên hạ, chứ nếu chỉ chui rúc nơi xóm nghèo hoang vắng này thì người lành lặn cũng chết dần chết mòn chứ đừng nói là người tàn tật như anh Long Nhãn nhà ta!”. Cả bố và mẹ của Long Nhãn đều cho là phải liền thu xếp cho Long Nhãn ra thành phố ở phòng mạch của người anh em họ Nhãn Khoa. 
Nhưng, chỉ sau hai ngày thì ai cũng thấy rằng Long Nhãn mất hẳn cái sinh khí thường ngày, tức lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi, ủ rũ, giống như cái bình hoa để trên bàn thờ, lúc đầu thì ngào ngạt hương sắc nhưng sau hai ngày đã lá héo hoa tàn, nước trong bình hoa còn bốc mùi hôi rất nhanh! Sang ngày thứ ba, có một người họa sĩ già, chỉ đem theo một cái giá vẽ và vài bức vẽ cuộn tròn rồi cho vào một cái ống nứa lớn. Khi tới trước cửa phòng mạch của Bác sĩ Nhãn Khoa thì người họa sĩ già cứ đòi vào gặp bằng được người mua tranh có con mắt xanh. Quả nhiên, khi nhìn thấy người họa sĩ già, Long Nhãn biểu lộ tình cảm rất vui và mắt thì lộ rõ màu xanh biêng biếc. Khi người họa sĩ già lấy ra một bức tranh có vẽ một con thuyền nhỏ đang trôi trên một khúc sông vắng, hai bờ sông bông lau trắng phất phơ… thì Long Nhãn ra hiệu muốn lấy bức tranh! Người họa sĩ già thấy vậy thì nói với Bác sĩ Nhãn Khoa: “Nơi thành phố đô hội này không phải là chỗ thích hợp với người có con mắt xanh. Cậu hãy đưa Long Nhãn về ở trên con sông quê hương, như vậy mới là “cá không thể sống thiếu nước”!”. Bác sĩ Nhãn Khoa nghe theo, ngay ngày hôm sau đưa Long Nhãn về quê. Quả nhiên, khi đưa Long Nhãn lên chiếc thuyền câu của người cha, Long Nhãn rất vui, mắt lại xanh biếc khi gặp người tốt, chuyện vui và lại trắng như vôi khi gặp người xấu, chuyện buồn! 
Về nhà, Nhãn lại theo cha đi câu như trước, bởi câu cá đã trở thành nguồn sống chính của gia đình bé nhỏ của Nhãn. Một hôm, Nhãn đang nằm trên thuyền câu, lim dim thiếp ngủ thì thấy Long Vương hiện ra nói: “Từ ngày mai, tôi sẽ cho ngũ Công chúa  lên trần gian nâng khăn sửa túi cho Ngài và Ngài sẽ đi lại dễ dàng, cũng nói năng được mạch lạc. Chỉ xin Ngài bớt sát hại binh tôm tướng cá của tôi!”. Nhãn tỉnh dậy, cho là chuyện mơ mộng hão huyền nên bỏ qua, không chú ý. Nhưng sáng hôm sau, quả nhiên có một người con gái mười phần xinh đẹp tới gặp Nhãn thì nói liền: “Tôi đã nghe người ta nói anh có con mắt thần kỳ như của Nhị Lang Thần (**), vì mến phục tài năng của anh nên mạo muội đến xin được làm kẻ hầu hạ cho anh suốt đời. Mong anh không nỡ chối từ thịnh tình của tôi!”. Nhãn nhìn người con gái xinh đẹp kia hồi lâu thì nhớ lại giấc mộng hôm qua và nói: “Nàng chính là công chúa thứ Năm của Long vương, ta mừng vui còn chẳng kịp sao lại từ chối!”. Cha và mẹ Long Nhãn nghe con mình nói được như vậy thì vui mừng khôn xiết, đi thông báo khắp làng trên xóm dưới ba ngày nữa Long Nhãn sẽ lấy vợ!...Khi nghe thông báo Long Nhãn sẽ cưới vợ, không ai tin. Nhưng khi tới dự đám cưới thì quả là như lạc vào cõi Thần Tiên! 

----

Chú thích:
(*) Nguyễn Tịch (210-263) tự Tự Tông , xuất thân ở Trần Lưu, nước Nguỵ thời Tam Quốc (nay là Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc). Phụ thân của ông là Nguyễn Vũ , từng là thừa tướng nước Nguỵ và là một trong Kiến An thất tử.  
"Mắt xanh" do chữ "Thanh nhãn", tức là mắt ở giữa là tròng đen (hoặc xanh) hai bên tròng trắng. Từ “Mắt xanh” gắn liền với nhân vật Nguyễn Tịch. Câu thành ngữ “Người có con mắt xanh” được dùng chủ yếu để nói về khả năng đánh giá con người và sự việc, biết phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, hay – dở…
  Nguyễn Tịch, là người rất ưu rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc).
Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.
Nguyễn Tịch để lại nhiều giai thoại về đối nhân xử thế cũng như về văn chương.
Tấn thư nói rằng ông, "tướng mạo anh kiệt, chí khí hùng hồn, ngạo nhiên tự đắc, nhiệm ý mình, mà vui cười tức giận không để lộ ngoài mặt, hoặc đóng cửa xem sách cả tháng không ra ngoài, hoặc đi chơi sông núi cả ngày quên về, học rộng, nhất là lão Trang. Uống rượu, huýt sáo, giỏi đàn. Gặp lúc đắc ý bỗng quên mình, người đương thời cho là bị si. Tịch thường tự ý một mình lấy xe đi, không theo đường lộ, đi hết tới chỗ xe không đi được nữa, khóc một hồi rồi về. Đấy chính là chỗ Vương Bột nói:

Nguyễn Tịch xương cuồng  

Khởi tiếu cùng đồ chi khốc

(Nguyễn Tịch cuồng điên  

Làm sao mà cười được chuyện "khóc cùng đường")!

    Nguyễn Tịch cũng như Kê Khang, không muốn ra làm quan, nhưng sở dĩ khỏi bị tai họa là nhờ khác ở một điểm. Kê Khang vốn tính thẳng mà nói năng bộc lộ, chỉ biết xung đụng vào, Nguyễn Tịch trong bụng rộng rãi, mà lại hoạt kê, vì vậy đã từng nhờ rượu mà trốn thoát được tai họa. Lúc ông làm Đại tướng quân tòng sự trung lang, quan lại nói có người giết mẹ, Tịch bảo:
  - Ý! Giết cha còn được, sao lại giết mẹ ?
  Những người ngồi đó lấy làm bất mãn lời nói đó. Tư Mã Ý cật vấn:
  - Giết cha là tội ác cực kỳ trong thiên hạ, mà nói còn được sao ?
  Tịch trả lời:
  - Cầm thú biết có mẹ mà không biết có cha: giết cha là cùng một loại với cầm thú, giết mẹ còn không bằng cầm thú!
  Người ngồi đó phục ông biện luận giỏi. Ấy là một trong những cách ông dùng lời nói khôi hài để biện giải những đạo lý thâm sâu. Tư Mã Ý muốn cầu con gái của Tịch cho con mình là Viêm, Tịch biết tránh không khỏi, bèn uống rượu say một trận luôn sáu mươi ngày, không nói chuyện gì được, đành phải bỏ qua. Chung Hội mấy lần lại chỗ Tịch hỏi chuyện khó khăn, muốn lựa lời để gán ghép tội, Tịch chỉ biết say sưa làm cớ, mà không phải trả lời, do đó được thoát khỏi. Đấy là kiểu ông quen lấy chuyện say rượu làm cớ để tỵ họa.
  Nguyễn Tịch sinh còn sớm hơn Kê Khang, năm cuối cùng Kiến An là năm 24 (219 tây lịch), chết vào năm thứ 4 Cảnh Nguyên, hưởng thọ 54 tuổi.
  Tấn thư nói rằng: "Tịch giỏi văn chương, làm Vịnh Hoài thi hơn 80 bài, thế gian rất trọng vọng". Bây giờ tìm tòi sách để lại, Vịnh Hoài Thi tồn tại đến giờ còn 82 bài ngũ ngôn, ba bài tứ ngôn.
  Theo lời Chung Vinh nói, thì thơ Nguyễn Tịch so với Kê Khang còn hay hơn nữa, do đó liệt vào loại thượng phẩm và bình luận rằng: thơ ông nguồn gốc ở Tiểu Nhã, không cần mài dũa, trong Vịnh Hoài, lấy ra được cái tính linh, phát huy được cái ý tứ thâm sâu, nói chuyện gần bên tai bên mắt, mà tình cảm biểu lộ khắp cả muôn nơi, đầy những ý của Phong Nhã, làm người ta quên cái tầm thường gần đó mà đi ra cái lớn lao ở xa, nhiều lời cảm khái, phóng khoáng khó mà kiếm ra được".

  (**) Nhị Lang thần Dương Tiễn: Theo điển tích, Nhị lang thần Dương Tiễn vốn là ngoại tôn của Ngọc Hoàng Thượng Đế, tướng mạo khôi ngô kỳ vĩ, anh tuấn phi thường, lại thông minh chính trực, sở hữu thất thập nhị huyền công biến ảo khôn lường, thật là phong độ làm lòng người say mê, tài phép làm nghiêng trời lệch đất.
Nhắc đến Nhị lang thần không thể không trầm trồ ngưỡng vọng danh xưng “ba mắt”. Diệu năng của tuệ nhãn (con mắt thứ 3) không những là cánh cửa trí tuệ, phân biệt rõ vạn vật, những giả trá của thiên địa dưới cái nhìn thấu tận tâm can của Tuệ nhãn đều bị bóc trần, lại còn thấu được mười hai nhân duyên, hiện tượng sinh tử lưu chuyển của bậc A la hán “vô ngã vô chấp”, có thể ra khỏi sinh tử luân hồi, không bị trói buộc bởi thân tâm thế gian.
Sài Gòn, tháng 7-2010
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét