Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Tình Thư - Đỗ Ngọc Thạch

Thư gửi chồng của … Chị!, Bạn trẻ - Cuộc sống,

TÌNH  THƯ

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
 
Tôi là con nhà nòi của nghề võ. Ông nội tôi là tướng của cụ Đề Thám. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tôi uất quá hộc máu mà chết. Bà tôi theo mấy bạn hữu của chồng đưa con vào tuốt Nam Bộ sinh sống, tránh sự khủng bố của giặc Pháp. Bố tôi lớn lên ở đất Nam Bộ, ở vào cái thời loạn lạc ấy, cũng phải kiếm sống bằng nghề võ, làm võ sư nổi tiếng cả một vùng. Thời kháng chiến chống Pháp, bố tôi thành bộ đội Cụ Hồ, làm đến trung đoàn trưởng thì cũng mất, để lại có mình tôi là con trai. Tôi lại là nhành trưởng họ, nên mẹ tôi cứ muốn tôi lấy vợ thật sớm để còn giữ giống (dân Hà Bắc chúng tôi lấy vợ sớm lắm). Nhưng tôi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp lúc nguy nan, nên cuộc đời cứ phiêu bạt nay đây mai đó, không lúc nào rảnh tay để mà lấy vợ được cả. Rồi mấy mẹ con tôi bồng bế nhau về quê. Mẹ tôi bảo : “Bố mày mất rồi, phải về quê cho có họ có hàng, chứ ở nơi đất khách quê người chết mất xác không biết đâu mà tìm”.Khi chiến tranh chống Mỹ, tôi là con một, lại thêm là con liệt sĩ nên không phải đi lính như rất nhiều bạn bè quê tôi, ở lứa tuổi tôi. Nhưng ngồi học trong nhà tránh bom (đắp ụ đất xung quanh), thỉnh thoảng lại chạy xuống hầm mỗi khi có báo động, tôi thấy nó thế nào ấy, nghĩ mà ngượng với bạn bè đang ở chiến trường. Tôi đã tính bỏ học đi lính nhưng mẹ tôi cứ bắt tôi phải học, bà nói mà rưng rưng nước mắt : “Mày không nhớ lời bố mày dặn à ? Đời ông, đời cha mày đều chết vì mũi tên hòn đạn. Bố mày đặt tên cho mày là Vũ Viết Văn có ý là cho mày chuyển sang nghề văn, tránh cái chết bất đắc kỳ tử của nghề võ. Vậy mà mày không ăn nhời, tao mà uất lên tao móc họng tao chết, mẹ mà không dạy được con !”.
Nghe mẹ tôi nói dữ dằn như thế, tôi im re, chúi mũi vào lo học hành. Nhưng học được hai năm thì mẹ tôi mất trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Nghe tin, tôi chạy về ôm xác mẹ mà khóc rống lên, điều ân hận nhất là không lấy vợ để cho bà có cháu mà bồng bế ! Bố mẹ đều không còn, một mình trong nhà ,mới cô đơn, trống trải làm sao. Sau đám tang, tôi buồn quá bỏ học luôn. Mới được một tuần thì tôi nghe nói có quân lực của Đặc công về huyện tuyển quân. Nghe nói thế thôi mà chân tay đã bật lên tanh tách, tôi nhảy lên đi mấy đường quyền tung chân tận xà nhà, đi một miếng Liên hoàn cước, nhà cửa đổ sập cả (nhà tôi nó cũng vốn bé nhỏ, ọp ẹp từ lâu rồi !). Thế là tôi vội gói gém hai bộ quần áo, vài thứ đồ cần thiết, buộc thành cái tay nải như thời xưa ông cha mình hay làm vậy, đeo lên vai, rồi phóng một mồi lửa cho cái nhà đi với ông bà tổ tiên, sau đó chạy như bay biến lên huyện đội.
**
Từ năm sáu sáu đến bảy lăm, chục năm chiến đấu hàng trăm trận, tôi không hề trầy da sứt vẩy, lên đến thiếu tá mà chưa tới ba mươi tuổi. Ngày vào giải phóng Sài Gòn, loại sĩ quan như tôi, các cô gái cứ gọi là chết mê chết mệt : cao to, đẹp trai, võ nghệ siêu quần, từng là sinh viên đại học (văn võ song toàn), còn mong gì hơn nữa ? Tôi chấm một cô nữ sinh trường Y- Dược (dân võ chúng tôi thích lấy vợ giỏi nghề thuốc, mẹ tôi, bà ngoại tôi cũng đều là lang y nổi tiếng cả), vào loại nghiêng nước nghiêng thành. Ấy vậy mà chỉ hai tháng sau là tan vỡ và đời tôi ngoặt sang một hướng khác hẳn : thật đúng là “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Chả là trong một vụ vây một băng cướp khét tiếng, trong lúc tiếp cận đối phương, bất ngờ tôi bị đánh lén từ phía sau. Kịp ngoảnh lại, thấy tên cướp như là cầm cây gậy tre đập vào đầu mình, tôi liền quay mình, đưa tay gạt nhẹ và tung chân đá một cú dứt điểm. Tên cướp đổ gục tức thì nhưng tôi nghe cái “rắc” ở tay, cánh tay gần đứt ! Thì ra tôi chỉ nhìn thấy cái cán tre của con dao quắm mà tên cướp cầm định chém vào đầu tôi ! Chưa bao giờ tôi bị sai lầm dù một chi tiết nhỏ, vậy mà lần này lại để đến nỗi mất đứt đi cánh tay !
Khi tôi lành vết thương ra viện thì cô sinh viên trường thuốc ấy đã theo gia đình đi Mỹ ! Tôi buồn cho mối tình đầu sớm tan vỡ, rồi lại buồn cho việc phải xuất ngũ, vì bây giờ biết đi đâu, về đâu, làm gì với cái tay cụt này ? Một hôm, tôi đang thơ thẩn ở một phố vắng thì bất ngờ gặp một chục tên chặn đường. Thì ra bọn này là đàn em của tên tướng cướp đã bị tôi đá chết dạo nào, chúng phát hiện ra tôi, từ sáng đến giờ bám theo để tìm cơ hội báo thù cho đại ca chúng nó. Một thằng nói lăng nhăng gì một chập rồi cả bọn ào vào, tính xé xác tôi thành trăm mảnh ! Đang buồn bực, tôi điên tiết lên, giở luôn miếng võ Liên hoàn cước sở trường làm rẹt rẹt một vệt, cả đám nằm xuống đất luôn không bao giờ trở dậy được nữa ! Tôi tiếp tục bước đi được vài bước thì có một gã đàn ông mập bự chạy theo. Nói vòng vo tam quốc một hồi tôi mới hiểu ra là lão muốn tôi về làm vệ sĩ cho lão –chủ một cửa hàng vàng bạc cỡ lớn. Đang bơ vơ, tôi tặc lưỡi theo lão cho yên chuyện, cũng đành nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần tới đâu !
Lão chủ thấy tôi võ nghệ thượng thặng, muốn tính chuyện lâu dài, trở thành con rể của lão luôn cho tiện lợi. Tôi cũng xiêu lòng, vì thấy cô con gái rất đẹp mà thùy mị nết na chứ không gian giảo xảo quyệt như vợ chồng lão chủ. Cô gái cũng động lòng trắc ẩn và mê tôi cứ như là Đét-xđê-mô-na mê võ tướng Ô-ten-lô vậy ! Chuẩn bị đến ngày đám cưới thì lại có sự cố : lão chủ buôn vàng, thuốc phiện, đô-la tùm lum cả, nên bị công an theo dõi. Vốn cáo già, lão chủ đánh hơi thấy nguy, liền nhanh chóng thu xếp cuốn gói tót đi Hồng Kông. Cô con gái tình nguyện ở lại. Chúng tôi sống với nhau được đúng ba bảy hai mươi mốt ngày lại có chuyện xảy ra !
Sau khi bố mẹ vợ tôi đi Hồng Kông, lập tức có chuyện lôi thôi với vợ chồng tôi. Tôi phải nhường tầng trệt (nơi vẫn để quầy hàng) cho Ủy ban làm trụ sở Ban thanh tra. Tôi không muốn đi vào chi tiết lại rất ly kỳ cái vụ sau đây khiến cho đời tôi lại rẽ sang hướng khác.
Nguyên nhân chính của cái vụ này bởi tại vợ tôi quá đẹp, đẹp như Kiều ! Mấy vị cán bộ làm việc ở tầng dưới, vị nào cũng mê như điếu đổ, và bằng đủ mọi cách, xán lăn vào tán tỉnh, gạ gẫm vợ tôi cho bằng được. Cổ nhân nói lấy vợ đẹp là mang họa, quả không sai. Tôi linh cảm thấy sẽ có chuyện nên rất buồn, thường xuyên bỏ nhà đi hoài. Một buổi tối, tôi trở về nhà, vừa leo lên cầu thang thì nghe tiếng vật nhau huỳnh huỵch trên lầu. Tôi phóng lên, giật tung cánh cửa thì được tận mắt chứng kiến cái cảnh cứ như trong phim : một ông cán bộ đang sà vào quờ quạng vợ tôi, rồi nhào cả người vô, đè vợ tôi xuống giường ! Tôi không có tính ghen, nhưng tôi nóng tính (mẹ tôi nói tôi là “tích lịch hỏa” ), nhìn thấy cái trò bẩn thỉu đó, máu tôi sôi lên sùng sục khắp người. Nói thì chậm làm thì nhanh, tôi trờ tới, tóm gáy thằng dê cụ đó, nâng lên cao rồi quật xuống đất cái “đét”, lão ta chết rũ như một con nhái bén ! Vợ tôi không hề gì nhưng khi nhìn thấy cái xác chết thì hết hồn !...
Sau cái vụ đó, tôi bị đưa tuốt đến một cái trại cải tạo đặc biệt (trước khi đi tôi nói với nàng : “Em tìm cách qua bên kia với ba mẹ đi, khỏi lo cho anh”. Vợ tôi khóc rồi chỉ nói : “Em sẽ đẻ cho anh một đứa con trai”). Trại toàn những loại đao búa có cỡ của khắp lục tỉnh. Khi tôi vừa đặt chân đến trại, đã được “đón tiếp” đặc biệt. Chưa kịp biết mình ở chỗ nào thì một đám khoảng hai chục đứa, toàn những bộ mặt cô hồn quái đản, quây tròn lấy tôi như đàn chó săn sắp nhào vô cắn xé con mồi .Trận tao ngộ chiến một chọi hai mươi này mà kể lại đây cũng phải mất vài trang. Chỉ xin nêu ra cái kết quả của nó : tôi lập tức đánh tan cả đám! Cả đại đội Mỹ, rồi lính đánh thuê Đại Hàn tôi còn tung hoành như Triệu Tử Long một mình cứu A Đẩu, ăn nhằm gì mấy đứa cô hồn này! Rồi tôi được trại trưởng tuyển mộ làm vệ sĩ (ở cái trại này bọn trại viên hay đánh lén trại trưởng lắm, đã có một ông trại trưởng bị thiệt mạng rồi). Ông trại trưởng vốn cũng là lính đặc công nên xem lại lai lịch của tôi là ông khoái liền, ông nói : “Chú mày vô tội ! Nhưng không có luật sư cãi cho, chú mày ráng chịu một thời gian vậy ! Týp người như chú mày, không lo không có đất dụng võ ! Cứ bình tâm, anh sẽ lo cho chú mày xong ráo!”.
Tôi ở trại được một năm thì trở thành như là vua của trại. Thằng nào cũng gọi tôi là “đại ca”, “sư phụ”, “anh Hai”…và nhất cử nhất động đều hỏi ý tôi .Nhưng với tôi, một thiếu tá đặc công mà được một bọn đàn em hổ lốn tôn sùng thì có gì mà sung sướng . Nhưng thôi, nói cái đó làm gì. Ông trại trưởng chỉ nói là nên tranh thủ sự tôn sùng đó mà bảo chúng nó cải tạo cho tốt. Tôi lãnh ý đó, thế là trại chúng tôi từ chỗ là đầu gấu số một, giờ lại chuyển thành trại điển hình. Những lúc tụ họp thì cái vui công việc nó át đi, chớ lúc nửa đêm tỉnh giấc, buồn chán thấy mồ. Không biết đời mình rồi sẽ đi đến đâu ? Thật là hổ thẹn với cha, ông ! Trại trưởng khi biết được suy nghĩ của tôi, ông nhìn tôi ứa nước mắt, ông thương cảm tôi thật tình ! Thế rồi ông bảo lãnh cho tôi ra trại, về nhà nhập hộ khẩu đàng hoàng (cái chuyện được ở lại nhà cũ và nhập hộ khẩu dài lắm, có thể viết thành một cái truyện dài !). Ông nói, cứ nghỉ ngơi một thời gian cho trở lại thăng bằng sinh thái rồi ông sẽ tính chuyện kiếm việc làm cho tôi .
Nằm dài một tháng mà vẫn chưa xin được việc ở đâu cả, tiền ăn hàng ngày đã ở tình trạng báo động . Tôi không muốn nhờ vả bất cứ ai, ngay cả ông trưởng trại coi tôi như con cháu . Tôi nằm suy nghĩ miên man. Nằm ở trong nhà mình mà cứ như là đi lang thang như mây trời. Nghĩ đủ mọi thứ chuyện. Có lúc ngồi viết một mạch, viết những câu chuyện về ông cha của mình, về cả các cụ kỵ xa xưa nữa. Nhưng khi đọc lại, thấy nó ngô nghê thế nào, lại xé đi. Ôi, nếu tôi mà có năng khiếu viết văn thì hay biết bao nhiêu, chỉ nguyên cái việc viết về dòng họ nhà tôi, cụ tổ đã từng là tướng của Trần Khánh Dư thời đánh giặc Nguyên, có biết bao nhiêu chuyện ly kỳ. Bố tôi đặt tên tôi là Viết Văn mà tôi viết không nổi, thật là hổ thẹn lắm thay !...Cuối cùng, chỉ còn cái thú đọc báo. Báo chí Sài Gòn nhiều, viết đủ thứ chuyện trên đời. Tôi để ý đến cái mục “Câu lạc bộ làm quen” mà rất nhiều báo có. Thì ra cũng có không ít người cô đơn như tôi, cần có bạn, cần có người yêu, có vợ có chồng . Nhưng tôi thấy tiêu chuẩn chọn bạn của đa số các cô gái là cao quá, thật khó mà đáp ứng nổi. Tôi đi đến một quyết định thử liều một cú xem sao, có mất gì đâu : Làm một cái thông báo tìm vợ ! Lúc đầu, báo nói nên viết là tìm bạn thôi, khi quen biết rồi tiếp tục phát triển sau. Nhưng tôi nói tôi đã một lần dang dở (vợ tôi có viết thư về báo là đã sinh một thằng con trai giống tôi như đúc, và cô nàng đã lấy chồng khác). Vì tôi không muốn bỏ quê hương đất nước mà đi chỉ vì theo một người đàn bà, cho nên tôi không thiết yêu đương nữa, ai thông cảm và đồng ý làm vợ tôi thì cưới liền ! Ấy cái tính khí con nhà võ chúng tôi là nó rõ ràng như vậy, không nhập nhằng, ỡm ờ nửa dơi nửa chuột ! Nội dung tìm vợ của tôi gởi đăng báo như sau : “Vũ Viết Văn, gần 40 tuổi, cao 1 mét 69, nặng 60 kg, thương binh cụt một tay, giỏi võ, không có năng khiếu gì đặc biệt, chưa có nghề nghiệp, có nhà cửa rộng rãi. Cần có một người vợ, không phân biệt tuổi, nghề nghiệp. Địa chỉ…XYZ…”.
Sau khi báo đăng, tôi nằm chờ suốt ngày mà chẳng thấy ma nào đến ! Tôi nghĩ lại thấy hối và tự rủa mình mãi là điên khùng ! Tôi quyết định hôm sau sẽ đến tòa báo xin đăng tin hủy cái mẩu tìm vợ ngớ ngẩn ấy đi ! Bữa tối hôm ấy, tôi ngồi một mình lai rai được phân nửa chai rượu thì có tiếng chuông reo ! Tôi giật mình, tim đập như trống ngày hội, chẳng lẽ trời đã cho tôi một cô vợ ! Tôi chạy xuống mở cửa. Một người cao lớn sừng sững đứng trước mặt tôi. Tôi bàng hoàng. Theo phản xạ bản năng, tôi lùi lại phía sau, tập trung nhãn lực nhìn người lạ đó. Chỉ sau một phút, trong tiềm thức tôi như đang hiện lên những hình ảnh của gần hai mươi năm về trước…Đúng lúc đó tôi hét lên : “ Sĩ !” và lao vào cái người đột ngột xuất hiện đó, thì anh ta cũng hét lên : “Văn !” và ôm chầm lấy tôi !...
Cuộc tái ngộ kỳ diệu đó không văn chương nào có thể tả được hết. Tôi chỉ có thể kể tiếp rằng : đó là Vũ Văn Sĩ, họ hàng xa với tôi, vì cùng tuổi nên chơi với nhau thật là thân thiết. Chi nhà Sĩ duy nhất phát về văn chương,có đến ba đời đỗ tiến sĩ. Sĩ học xong Tổng hợp Văn thì vào chiến trường làm phóng viên mặt trận, là một cây bút khá nổi tiếng, nhưng viết rất ít. Sau giải phóng, không thấy có tin về Sĩ, thì ra Sĩ tiếp tục sang Cam-pu-chia. Sĩ có ý đồ đi xa, đi nhiều rồi sau này mới viết, chứ anh ta không thích viết cái kiểu “mì ăn liền” ! Những năm đầy biến động của tôi, tôi không về quê nữa, do đó không biết tin tức về Sĩ thế nào…Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, bất đồ Sĩ ngã lăn kềnh ra, thì ra Sĩ chỉ còn có một chân, cái chân kia bằng gỗ cứng đơ !
Hồi lâu Sĩ mới kể:”Trong một lần hành quân, tao đạp phải mìn lá, mất toi một giò!”. Tôi nói:”Tao với mày cộng lại vẫn con dư một tay và một chân!”. Sĩ cười, kể tiếp:”Sau đó tao giải ngũ, về Hội văn nghệ địa phương. Cũng in được một tập thơ và một tiểu thuyết. Sau đó, ở cơ quan Hội nhiều chuyện lôi thôi quá, tao rất buồn, bỏ vào đây, tinh đi tìm mày, nhưng bặt tăm hơi. Đang bơ vơ thì gặp mấy thằng cùng đơn vị chiến đấu cũ, chúng nó làm ở ngành bưu chính viễn thông, thế là tao nhờ chúng nó kiếm cho một chân. Oái oăm thay, chỉ còn thiếu người đưa thư, mà mình thì cụt giò! Đúng là định mệnh trớ trêu! Nhưng tao nhớ đến câu nói của một nhà thơ lớn, nhà thơ là người đưa thư, mà túi đựng thư là trái tim thi sĩ, thế là tao nhận lời liền. Mình làm người đưa thư thực thụ, há chẳng tốt hơn nhà thơ vô tích sự, chợ văn chương bây giờ thơ rẻ như bèo ấy mà!”. Tôi nói: ”Mày sống lãng mạn thế, nói cứ vận sách vở, vậy làm sao đủ sống ở cái đất Sài Gòn này?”. “Biết bao nhiêu là đủ - Sĩ nói – tao bỏ mối báo cho các đại lý, cũng tạm đủ theo cái nhu cầu đơn giản của tao. Vả lại, tao nghĩ, chính ở cái cảnh nghèo, con người ta mới biết đến cái quý giá nhất ở đời là lòng trắc ẩn, tình thương yêu, là sự trong sạch và cao thượng”. Tôi nói:”Mày nói như là lời của nhà văn nào ấy?”. “Đúng! – Sĩ trầm ngâm – đó là nhà văn Thạch Lam, một văn tài mà tao ngưỡng mộ, ông giản dị mà thâm trầm, sâu sắc. Ông ta còn nói: của quý nhất là sự nghèo, của quý ấy sẽ mất đi nếu ta trở nên giàu”. Tôi ôm chặt lấy Sĩ mà rớt nước mắt, rồi hét toáng lên: ”Mày triết lý nghe não ruột. Thế tao đang sắp chết đói đây này. Tao đã đi hỏi làm thuê đủ kiểu nhưng cụt tay như tao, chẳng ai muốn nhận. Mày bảo tao sẽ sống ra sao với cái của quý ấy?”. Sĩ bình thản nói:”Tao cũng đã có nhiều ngày nhịn đói, nhưng không chết. Tao sẽ xin cho mày làm bảo vệ ở cơ quan tao”. Tôi nói:”Thôi, tao không làm bảo vệ, nhỡ ngứa chân lại đá chết người thì lôi thôi”. Sĩ cười: ”Những ai không biết làm người thì mày cứ đá đít cho nó chừa. Còn đối với loại không còn xứng đáng làm người nữa thì mày cứ đá cho nó chết quách!”. Trời ơi, một thằng lành như Sĩ chưa hề biết giận ai, thế mà nói nghe lạnh gáy. Mà cũng phải thôi, gần hai mươi năm rồi, Sĩ bây giờ có còn là cậu học trò chỉ biết thuộc bài như xưa nữa đâu…
Thế là nhờ cái tin đăng báo tìm vợ của tôi mà tôi gặp lại Sĩ. Kể từ hôm đó, Sĩ ở cùng với tôi. Tôi như người đi biển giữa cơn bão đêm mà mất la bàn, thì khi gặp lại Sĩ, những ý nghĩ của Sĩ như ngọn hải đăng chợt hiện. Nhớ lại có cái truyện ngắn rất hay có nhân vật chàng Đan-cô móc trái tim mình làm đuốc soi đường cho mọi người, từ hôm đó tôi gọi Sĩ là Trái tim Đan-cô, gọi tắt là Đan-cô, chớ cái tên Văn Sĩ nghe xưa và sáo quá!...
Rút cục, tôi chẳng xin được việc ở đâu cả, trừ bảo vệ thì lại có không ít người năn nỉ khi biết tôi là con nhà nòi võ công ! Tôi đã quyết không làm bảo vệ là không làm. Thế là tôi đành phải mở lò dạy võ để kiếm sống, như cha tôi trước đây vậy. Đúng là sinh ư nghệ, tử ư nghệ, không tránh được mệnh trời khắc nghiệt. Vậy là cuộc sống của chúng tôi tạm ổn. Ngày ngày, Đan-cô của tôi vẫn rong ruổi trên đường với hai cái bịch thư báo to bự .Đan-cô âm thầm làm việc cần mẫn như con ong ngày ngày đi tìm nhụy hoa về xây tổ mật . Thỉnh thoảng, tôi cùng đi với Đan-cô. Lúc đi chung như thế, tôi ngồi đằng sau đạp, còn Đan-cô ngồi cầm lái. Ôi, đúng là Đan-cô của tôi, bạn cứ lái đi đâu tùy bạn, tôi chỉ biết ôm lấy bạn, áp mặt vào lưng bạn mà nghe tiếng đập của trái tim bạn còn vang hơn cả tiếng cồng của người Ê-đê…
Tôi quên bẵng cái mẩu tin đăng báo tìm vợ vì chẳng có ma nào tìm đến để làm vợ tôi cả ! Đúng là điên khùng ! Nhân đây, tôi cũng khuyên ai định đăng ký tham gia cái câu lạc bộ làm quen ấy thì nên rút đi. Tình bạn, tình yêu không thể đi tìm kiếm được đâu. Có người ví von so sánh như là đi tìm vàng, nhưng tôi cho là nó còn quý hơn vàng, mà nó vô giá, nó không có địa chỉ, không có giới hạn, tự nó đến, rồi tự nó đi…Tôi xin chứng minh ngay bằng câu chuyện kể tiếp sau đây.
Ngày tháng cứ theo nhau đi rồi ngày tháng khác lại đến. Chúng tôi quên cả thời gian vì ngoài cái công việc đều đặn đã nói ra, chúng tôi đang cùng nhau viết những bộ tiểu thuyết lịch sử, cũng âm thầm lặng lẽ như công việc thường ngày vậy. Tôi muốn viết văn đúng như cái tên của tôi, chứ không hề có mong muốn thành nhà văn rồi được nổi tiếng, Đan-cô của tôi rất tâm đắc với tôi điều đó. Nhiều lần, chúng tôi ngồi viết một mạch, cứ như là ông cha tôi sống lại đang ngồi kể cho tôi chép lại, chẳng phải suy nghĩ gì …
Nhưng…(lại nhưng, cuộc đời tôi có bao nhiêu chữ nhưng ?), lại có một sự kiện bất ngờ đến, nhưng khi hiểu rõ căn nguyên thì chẳng có gì là bất ngờ, ngẫu nhiên cả, nó như là việc ta bất ngờ phát hiện ra một trái chín trong đám lá um tùm, mà thực ra là phải nói trái chín ấy âm thầm lên hương đọng mật từ lâu lắm rồi chứ đâu phải bất ngờ chín cái một, có điều là đến lúc đó ta mới nhìn thấy ! Sự thể là như thế này : Một hôm, chúng tôi nhận được một cái giấy báo lĩnh bưu kiện. Tôi và Đan-cô giật mình nhìn nhau. Ai gởi nhỉ ? Chúng tôi sống âm thầm như một ốc đảo, chỉ đưa thư cho mọi người chứ bao giờ nhận thư của ai đâu ? Bọn võ sinh của tôi thì kỷ luật tuyệt đối, im lặng như những tượng nhà mồ Tây Nguyên. Hay là vợ cũ của tôi ? Tôi đã cắt đứt liên lạc từ lâu rồi ! Chúng tôi băn khoăn đem gói hàng về nhà. Trên đường về, vốn đa nghi nghề nghiệp, tôi tính vứt bỏ xuống sông cho trôi ra biển ! Nhưng Đan-cô nói : “Nếu là mìn tự động hoặc thuốc độc đặc biệt thì chúng ta chết cùng nhau là rất đẹp, rất may. Tao chỉ sợ chúng mình không được chết cùng nhau vì đã gắn bó với nhau như một cặp song sinh rồi. Ôi, giá như được đổi cho hai bé Việt – Đức thì các bác sĩ đỡ phải khó nhọc về cái ca mổ tách đôi quá ! Nhưng nói giỡn thế thôi, tao có linh cảm đây là điều may mắn. Đêm hôm qua tao mơ thấy…” Tôi ngắt lời luôn : “Thôi đi, mơ mộng làm gì ! Mở đại ra đi !”.
Chúng tôi hồi hộp mở gói hàng. Một món quà đặc biệt (vì nó quá đặc biệt nên tôi xin được miễn kể ra đây, vì phàm những cái thiêng liêng cao quý không thích hợp với việc bày ra chỗ đông người !) kèm theo một lá thư ngắn gọn như sau : “Gởi hai anh Vũ Viết Văn và Vũ Văn Sĩ ! Hai anh không biết chúng em nhưng chúng em thì biết rất kỹ các anh ! Các anh đừng ngạc nhiên vì chúng em đã “thám tử” các anh rồi ! Còn chúng em là ai ư ? Chúng em ở số nhà X đường Y, nơi mà ngày ngày anh Sĩ (thỉnh thoảng có cả anh Văn nữa) vẫn đem thư và báo đến đấy ! Chúng em đặt mua quá nhiều báo và tạp chí nên làm các anh vất vả mà không biết làm sao ! Chúng em là hai chị em sinh đôi, đều là cô giáo cả ! Không hiểu từ lúc nào, chúng em cứ nghĩ giá mà được hóa thành cánh tay đã mất đi của anh Văn, thành cái chân đã không còn nữa của anh Sĩ ! Các anh đừng cười nhé, chúng em mắc cỡ chết ! Mong được các anh đến chơi sau khi nhận được thư này ! Ký tên : Hoài Thi và Hoài Thơ”. Kèm theo là hai bức ảnh. Trời ơi ! Bạn đọc có thể không tin, và ngay cả chúng tôi cũng vậy, cứ như là trong cổ tích ấy ! Hai bức ảnh là hai nàng tiên chứ không phải người trần gian nữa ! Chúng tôi bàng hoàng như lạc vào động tiên, nhưng cuối cùng, hiện thực vẫn là hiện thực ! Thì đấy, món quà đặc biệt, lá thư và hai bức ảnh vẫn còn đó trước mắt chúng tôi ! Không hiểu từ lúc nào cả tôi và Đan-cô cùng nhìn nhau mà rưng rưng dở khóc dở cười !...
**

                   Ngày gặp em mới thực có đời anh
                   Em đã chặn lối điên cuồng thê thảm
                   Em đã chỉ cho anh vùng tươi thắm
                   Chỉ nảy mầm khi ý đẹp gieo lên!...

Sĩ cứ đọc hoài những câu thơ ấy trên đường tới nhà Hoài Thi và Hoài Thơ…Còn tôi, tôi muốn hét thật to lên một câu gì đó mà không nghĩ ra đó là câu gì? Tôi lại muốn hóa thành chim để bay vù tới nhà Hoài Thi và Hoài Thơ! Nhưng như thế liệu hai cô có nhận ra con chim đó là tôi hay không?
TP.HCM,1989 – 2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét