Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Bác sĩ Thú Y - Đỗ Ngọc Thạch



Đỗ Ngọc Thạch trên vanchuongviet
Trích: Bác sĩ Thú Y

Đỗ Ngọc Thạch - văn học & nghệ thuật

www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action...id...
Đỗ Ngọc Thạch ... Kiếm sống (truyện ngắn). Kiếm Sống 2 (truyện ngắn). Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn). 


Đỗ Ngọc Thạch

Sinh ngày l9-5-1948, tại Phú Thọ.
Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp (Khoa Ngữ Văn) năm l976;
Làm việc tại các cơ quan:Trường Dự bị ĐH DTTƯ, Viện Văn học, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Sở Văn hóa-TT tỉnh Gialai-Kontum (cũ), VPĐD Báo Văn Nghệ, Báo Lao động - Xã hội.
Chủ yếu viết phê bình, nghiên cứu VH-NT trên các T/C Văn học, T/C NCNT, Báo Văn nghệ...;
Địa chỉ :2/2/33/44, Đường Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM;
Email: dongocthach18@yahoo.com.vn
Điện thoại :08.38611064
Sách đã in:
Người tạc tượng nhà mồ (nhiều tác giả, NXB Văn hóa-dân tộc,1986);
Quà tặng tuổi hai mươi (8 truyện, NXB Công an ND, l994; bản in lần thứ 2 ở Hà Nội gồm 26 truyện).



Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)

Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
nguồn: vanchuongviet.org - Trích đăng:


Bác Sĩ Thú Y Đỗ Ngọc Thạch

Ông Thôn là một “Đại Phu” chân truyền, người cha ông Thôn đã từng là quan Ngự Y, chuyên chữa bệnh cho bậc vua chúa thời xưa. Nhưng không hiểu sao, sáu người con của ông Thôn, dù nắm rất vững những bí quyết gia truyền của Y thuật, đều không nối nghiệp cha, ông mà lại chuyển qua chữa bệnh cho động vật, gia súc, gia cầm – tức đều làm Bác sĩ Thú Y. Sự chuyển đổi này như là một quy định khắt khe tới mức cho dù có người nào bệnh nặng tới mức thập tử nhất sinh, chạy đến van xin ra tay cứu chữa thì những người con ông Thôn cũng không tác nghiệp, mà nếu thấy con bệnh nguy kịch thì ghé vai khiêng đi bệnh xá, bệnh viện chứ nhất quyết không nhúng tay vào! Chính vì thế, người ta không thôi thắc mắc tại sao những người con ông Thôn lại không chữa bệnh cho người! Điều bí mật này chỉ được người con cả của ông Thôn tiết lộ phần nào sau khi ông Thôn qua đời. Đó là vì người cha của ông Thôn, tức vị quan Ngự Y, khi chữa bệnh cho một người thiếp yêu của một Vương gia, em trai của Vua, đã xảy ra tử vong, Vương gia nổi trận lôi đình, ra lệnh chém quan Ngự Y để đền mạng! Sau này, người ta điều tra ra, nhờ lời khai của một người hầu gái, cái chết của người thiếp kia không phải lỗi của quan Ngự Y mà là do chính người thiếp: thuốc quan Ngự Y đưa vào cho uống thì người thiếp đều sai con hầu đổ đi! Quan Ngự Y được minh oan nhưng lời trăn trối của quan Ngự Y trước khi chết thì vẫn luôn luôn còn vang bên tai ông Thôn: Nếu muốn tránh họa sát thân thì không được hành nghề chữa bệnh nữa!
Ông Thôn chỉ thực hiện lời di huấn của người cha được một năm thì lại phải ra tay chữa bệnh cứu người vì những người đến nhờ ông cứu chữa toàn là những người nghèo khổ, không có tiền chạy chữa như người bình thường. Ông Thôn nghĩ mình chữa bệnh giúp người nghèo, không lấy tiền chắc sẽ không vi phạm lời di huấn của cha, nên việc chữa bệnh không chỉ thi thoảng mà thường xuyên, liên tục vì người nghèo vốn rất hay bị bệnh! Việc tiếp tục chữa bệnh cho người nghèo của ông Thôn, dù sao cũng là hành nghề chữa bệnh, nhiều người tuy nghèo nhưng cũng cố chạy vạy, vay mượn để làm cái lễ tạ ơn, ông Thôn không thể không nhận. Vì thế, lời nguyền của người cha đã nghiệm đúng vào ông Thôn: Trong một lần bốc thuốc cho một ông già, ông già này không nghe theo lời dặn của ông Thôn mà uống quá liều, tăng gấp ba lần chỉ định (cho mau khỏi bệnh!), cho nên đã tử vong! Ông già này lại là cha đẻ của một quan chức hàng tỉnh, thế là ông Thôn bị những người lính của ông quan chức kia bắt tạm giam! Sau một tháng điều tra, người ta cũng thả ông Thôn ra mà không kết luận gì, nhưng ông Thôn đã nhắc lại lời người cha quan Ngự Y với các con: Nếu muốn tránh họa sát thân thì không được hành nghề chữa bệnh!
Những người con của ông Thôn, đã thực hiện rất nghiêm túc lời di huấn của ông Thôn. Tuy nhiên, để tưởng nhớ đến ông Nội, tức quan Ngự Y và cũng hy vọng mong manh rằng sau này, lời nguyền kia sẽ được hóa giải, con cháu của quan Ngự Y sẽ lại được tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người, nên những người con ông Thôn vẫn âm thầm giữ lấy bí quyết gia truyền và đều đi học nghề Thú Y, tức vẫn làm “Đại Phu” nhưng là “Đại Phu” của gia súc, gia cầm!
*
Sáu người con của ông Thôn đều được sinh ra từ sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, tức sau năm 1955. Người anh cả sinh năm 1956, rồi cứ thế mỗi năm một người ra đời, từ 1956 cho đến 1961. Bốn người trên là con trai, hai người sau là con gái. Thông thường, nếu muốn đặt tên theo năm, người ta lấy theo các chữ Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Nhưng ông Thôn vì muốn các con phải biết yêu súc vật thì sau này mới làm Bác sĩ Thú Y được, nên đã lấy “nghĩa đen” của các chữ kia mà đặt tên con, vì thế sáu người con của ông Thôn lần lượt có tên là: Khỉ, Gà, Chó, Lợn, Chuột, Trâu. Để cho khi gọi tên con không bị cộc lốc, ông đã lấy thêm các chữ đi kèm thành: Khỉ Rừng, Gà Trống, Chó Đá, Lợn Lai, Chuột Đồng và Trâu Vàng. Vì thế, khi gọi tên sáu người này bằng một chữ sau cùng thì sẽ không còn là sáu con vật nữa, mà là Rừng, Trống, Đá, Lai, Đồng và Vàng, nghe cũng bình thường như tên của bao người khác!
Việc đặt tên cho sáu người là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng Tạo hóa như là đã có sự sắp đặt từ trước: người nào “cầm tinh” con vật nào thì chuyên trị bệnh cho con vật đó rất hiệu quả. Chẳng hạn như người thứ nhất chuyên trị bệnh cho khỉ và các loại giống khi như vượn, đười ươi, vọoc, người thứ hai thì chuyên trị bệnh cho gà, vịt, ngan, ngỗng, người thứ ba rất giỏi chữa bệnh cho chó, người thứ tư có thể giải quyết tất cả các loại bệnh của lợn, heo, người thứ năm đương nhiên là chuyên về chuột, người thứ sáu tất nhiên là Thần cứu mạng của Đại gia súc: Trâu, Bò, Ngựa, Lừa, v.v...
Sáu người con của ông Thôn vì có cái gốc căn bản là sự hiểu biếu sâu về Y học nói chung trước khi đi chuyên sâu vào Thú Y, cho nên có thể nói, cả sáu người đều rất giỏi tay nghề và nói chung đều rất thành đạt, theo quan niệm phổ biến của xã hội: có bằng cấp cao, nơi làm việc quan trọng và thu nhập cao… Chẳng hạn như người anh cả Khỉ Rừng làm giám đốc một Khu bảo tồn lớn các loài Linh trưởng, người thứ hai đã từng từ chối những chức vụ Cục trưởng, Thứ trưởng để về làm Tổng tư lệnh một đội quân lớn với quân số lên đến mức Tập đoàn quân, tức làm Tổng giám đốc những Trại gà khổng lồ,v.v… Chính vì tay nghề cao tới mức Thần Y nên trải qua bao cơn bão dịch cúm gia cầm, dịch Lở mồm long móng, các cơ sở chăn nuôi của những người con ông Thôn không hề sứt mẻ gì, mà ngược lại, khi những cơn bão dịch đi qua, hàng của mấy anh em lại bán rất chạy, tiền thu vào cũng tới mức khổng lồ!
Công việc làm ăn của sáu anh em Bác sĩ Thú Y tưởng chừng như sẽ chẳng gặp khó khăn trở ngại gì nhưng đúng vào lúc sáu anh em đều có thể sánh ngang với các đại gia thì “tai nạn nghề nghiệp” liên tục xảy ra. Đầu tiên là người anh cả bị một con khỉ hỗn láo cầm gậy đập vào đầu giống như Tôn Ngộ Không cầm gậy Như Ý đập lũ yêu ma, khiến người anh té xỉu vì rạn xương sọ, may mà trong những bí quyết gia truyền của Y Thuật gia đình ông Thôn có bài thuốc chữa hộp sọ rất công hiệu, nếu không đã tiêu đời! Tai nạn thứ hai là xảy ra với người thứ hai tức Gà Trống. Ông có tên Gà Trống có nuôi được một con gà rất đặc biệt: biết đứng thế võ Kim kê độc lập nhìn rất sành điệu (bức ảnh chụp con gà của ông Gà Trống đứng thế Kim Kê độc lập đã được giải thưởng lớn của một triển lãm ảnh quốc tế), và đương nhiên, khi đi chọi với các võ sĩ gà khác, con gà của ông Gà Trống bách chiến bách thắng… Nhưng, một lần, sau khi thua trận một con gà chọi lạ, ông Gà Trống đã la mắng con gà cưng của mình và thật là bất ngờ, con gà đã vọt lên mổ ngay vào mắt chủ của nó! Sau khi người thứ hai có tên Gà Trống gặp nạn, mù mất một mắt, sáu anh em liền triệu tập một cuộc họp đặc biệt nhưng mở rộng có đầy đủ các thành viên của cả sáu gia đình của sáu anh em.

Sáu anh em nhìn nhau hồi lâu mà chưa nói được gì thì người vợ của người anh cả nói: “Sao con bé con chú ba không thấy tới?”. Chú ba ở đây là người con trai thứ ba của ông Thôn có tên là Chó Đá. Nghe Đại Tẩu hỏi, chú ba liền nói: “Thưa chị cả, mấy ngày nay con bé nhà em nó bận giúp em đi chữa bệnh cho con chó cưng của một đại gia cùng ở Câu Lạc Bộ Doanh nghiệp VIP với em. Đã dặn hôm nay phải về sớm để đến nhà anh chị họp Đại gia đình, vậy mà sao chưa thấy tới? Điện thoại di động của nó sao không gọi được?”. Người vợ anh cả lẩm nhẩm tính toán một hồi rồi nói: “Không xong rồi! Con bé tất gặp họa, đi cứu nó ngay!”. Người vợ anh cả vừa dứt lời thì người con thứ ba của ông Thôn tên Chó Đá cùng ba người nữa cùng bật dậy và lao vút đi…
*
Lại nói về vị đại gia có con chó cưng đang nhờ bố con Bác sĩ Thú Y Chó Đá chữa trị. Vị đại gia này là một quan chức kiêm doanh nghiệp. Đây là một “mô hình” khá phổ biến mà ở Câu Lạc Bộ doanh nghiệp VIP người ta gọi là “Văn võ song toàn”: chức quan giúp cho nhà doanh nghiệp chiếm lợi thế trên thương trường, và khi nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra thì đồng tiền dễ dàng “quay vòng” giúp cho chức quan kia không ngừng thăng tiến! Cũng như bao đại gia khác, vị đại gia này cũng phải trang bị “vũ khí đầy mình” thì mới có thể gối cao ngủ kỹ! Một trong các “chủng loại vũ khí” đó là chó giữ nhà. Chúng ta đã từng biết có nhiều nhà báo tò mò lân la nhòm ngó biệt thự của các đại gia và đã bị các đại gia xuỵt chó đuổi chạy “giống Bái Công” (*), hoặc mấy bà nhà nghèo đến lãnh địa của các đại gia mót cà-phê rơi vãi bị chó dữ nhảy ra xé xác, chết thật thảm thương! v.v… Vị đại gia này cũng đã từng nuôi bốn con chó loại “khủng long”, nhìn hàm răng nó mỗi khi nhe ra nhọn hoắt như mũi giáo mũi thương, người yếu bóng vía có thể té xỉu! Nhưng không hiểu sao, từ khi được ăn uống sung sướng, mấy con chó “khủng long” này lại sinh ra lười biếng làm nhiệm vụ lính canh mà chỉ ăn suốt ngày đến nỗi to lớn gần bằng con bò! Tốn nhiều tiền nuôi lũ chó chỉ ăn hại, vị đại gia rất buồn bực. Vừa lúc trại huấn luyện chó nghiệp vụ có một con chó rất dữ, điểm thi các môn đều loại giỏi nhưng đã hai lần tấn công người huấn luyện, suýt tử vong. Nghe nói người ta sẽ giết con chó dữ đó, vị đại gia liền đến xin mua. Vừa nhìn thấy vị đại gia, con chó như biết đó là người tới cứu mạng, nó liền xoắn xít và tỏ ra qui thuận tuyệt đối. Vị đại gia thích lắm, đem con chó ấy về và phong cho nó chức Đại tướng quân, đồng thời đem bán hết bốn con chó “khủng long” tốn cơm kia! Vị đại gia còn cưng chiều con chó tới mức đem về cho nó một “người tình” cỡ “Hoa hậu chó”, khiến nó vui sướng lắm, xoắn xuýt bên nhau không rời! Song, quả là “cuộc vui nào cũng có lúc tàn”, con chó hoa hậu kia sau khi được làm “Phu nhân Đại tướng quân” chục ngày thì bỗng biến mất, không để lại một chút gì gọi là vết tích! Con chó Đại tướng quân như là thất tình, rất đau khổ, suốt ngày ủ rũ, không thèm ăn uống gì! Vị đại gia đã sai người đem về cho nó tới ba “người tình” chó mà nó không thèm ngó ngàng gì cả!

Sau hai ngày như thế, vị đại gia rất lo lắng vì tình hình xem ra có chiều hướng xấu. Gần tới lúc tuyệt vọng thì vị đại gia bỗng nhớ ra trong Câu Lạc bộ Doanh nhanh VIP có ông Bác sĩ Thú y Chó Đá rất giỏi chữa bệnh cho chó. Vị đại gia liền tới ngay nhà Bác sĩ Thý y Chó Đá nhờ giúp. Song, Bác sĩ Thú y Chó Đá không có nhà, cho nên cô con gái nhận lời chữa trị thay người bố. Cô con gái lớn của Bác Sĩ Thú Y Chó Đá cũng là Bác Sĩ Thú Y, tuy mới hành nghề được hơn hai năm nhưng tay nghề không thua gì người bố. Khi vị đại gia đưa cô gái Bác Sĩ Thú y về nhà gặp con chó “thất tình”, con chó như là gặp lại “người tình” cũ, mừng rỡ vô cùng, cứ xoắn xuýt lấy cô gái Bác Sĩ Thú y! Chỉ sau một ngày được chăm sóc đặc biêt, con chó của vị đại gia đã hoàn toàn bình phục và sau hai ngày thì trên cả tuyệt vời! Cô gái Bác Sĩ Thú Y tính rút quân thì con chó cứ như là muốn dính chặt không rời. Tình cảm “vượt quá mức thông thường” của con chó với cô gái Bác Sĩ Thú Y khiến cho vị đại gia giật mình và nghĩ: “Cô gái này có sức quyến rũ thật là mãnh liệt. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ta đã bị chinh phục hoàn toàn, chỉ muốn “bái đường thành thân” với cô gái!... Chẳng lẽ con chó của ta nó cũng có suy nghĩ như ta? Chuyện gì cũng có thể xảy ra!...” Vị đại gia vừa nghĩ tới đó thì toát mồ hôi hột, liền mời cô gái vào phòng làm việc của mình để bàn cách chữa trị tiếp theo! Vừa ngồi xuống bộ sa-lon êm ái, vị đại gia đã bị vẻ đẹp quyến rũ của cô gái hút hồn và không tự chủ được (và các vị đại gia thường là thiếu tự chủ trong những tình huống như thế này), vị đại gia đã nhào tới đè lên người cô gái!
Đúng lúc đó, từ cửa sổ của căn phòng đẹp như cung điện, con chó cưng của vị đại gia lao vút vào như một mũi tên, nói chính xác thì lao vút vào như một quả tên lửa!...

*
Khi bốn người Bác Sĩ Thú Y Chó Đá tới hiện trường thì không ai dám tin ở mắt mình: vị đại gia đang nằm lăn lộn trên sàn nhà, cổ bị hàm răng nhọn hoắt của con chó đớp trúng đang chảy máu…Còn cô gái Bác Sĩ Thú Y, con gái ông Bác Sĩ Thú Y Chó Đá đang bị con chó của vị đại gia đè dính xuống sàn nhà… Không kịp suy nghĩ, ông Bác Sĩ Thú Y Chó Đá rút phắt khẩu súng bắn thuốc mê nhắm đầu con chó bắn liền hai phát, trúng ngay gáy con chó!...

*
Một tuần sau vụ tai nạn thương tâm của cô gái Bác Sĩ Thú Y con gái của Bác Sĩ Thú Y Chó Đá, sáu anh em con ông Thôn lại tổ chức cuộc họp đại gia đình mở rộng, có tất cả các thành viên của cả sáu gia đình. Khi mọi người đã yên vị, lại là người vợ người anh cả nói trước: “Tôi tuy là con dâu nhưng nhà tôi, tính tới tôi có tới bốn đời hành nghề Y và ông cố của tôi vốn là sư phụ của ông nội nhà ta, vì thế những lời tôi nói đây là bài học xương máu truyền đời mà tôi có cảm giác như các cụ luôn luôn nhắc nhở tôi: Tính từ đời thứ tư của cụ quan Ngự Y, sẽ không có ai hành nghề chữa bệnh cho cả người và động vật nữa!”. Người vợ của người anh cả vừa dứt lời thì có tới một nửa số người có mặt rì rầm tỏ ý phản đối. Hai phút sau, một người trong số đó, tức người em út trong số sáu người con ông Thôn là Bác Sĩ Thú Y Trâu Vàng, nói: “Không chữa bệnh cho Người thì cha và ông đã nói rồi. Còn bây giờ Đại tẩu nói Thú vật, gia súc cũng không được hành nghề chữa bệnh thì chúng ta sống bằng gì nếu không làm nghề chữa bệnh?”. Đại Tẩu – tức người vợ người anh cả nói ngay, nhẹ nhàng mà nghe vang như tiếng chuông ngân: “Chúng ta sẽ chữa bệnh cho cây cối, cỏ hoa!”…/.
Sài Gòn, Tháng 5-2010

----------
(*) Bái Công: Lưu Bang là người đất Bái nên gọi là Bái Công. Khi còn tranh hùng với Hạng Võ, lực lượng chưa đủ mạnh, mỗi lần thua trận đều chạy rất nhanh và rất thê thảm!
Đỗ Ngọc Thạch
Ngày đăng: 30.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]

nguồn: vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét