Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Bão giập...- Tiểu thuyết của Đỗ Ngọc Thạch


Bão giập mưa vùi - Tiểu thuyết của Đỗ Ngọc Thạch (vietvanmoi)
Trích đăng: Chương 1. 2, 3

Bão giập mưa vùi - Tiểu thuyết của Đỗ Ngọc Thạch (VNCN)

Bão giập mưa vùi - Tiểu thuyết của Đỗ Ngọc Thạch



BÃO GIẬP MƯA VÙI

Tiểu thuyết của ĐỖ NGỌC THẠCH

Trải bao bão giập mưa vùi
Trái tim vẫn hát vang lời yêu thương!

Chương 1

Vùng thượng lưu sông Hồng, có một nhánh sông nhỏ chảy qua một vùng đất hoang vắng. Cách bến sông khoảng vài dặm có một dãy núi vì thế người ta gọi nó là Cận Sơn. Rồi có một dạo, khách lữ hành qua đây, cứ vào khoảng từ giờ Thân đến giờ Dậu, là bị bọn lục lâm thảo khấu từ trong rừng tràn ra cướp của, giết người, nên từ giờ Thân, người ta phải ăn đợi nằm chờ bên này sông cho đến sáng hôm sau mới dám qua đò sang sông , vì thế, cái tên Cận Sơn được đổi thành Vọng Hôn, nghĩa là khách đến đây phải chịu cái cảnh ngồi mà nhìn hoàng hôn chậm chạp đi qua trong nỗi lo âu, thấp thỏm !...Đến thời vua Lê-chúa Trịnh, người ta bỗng thấy con sông nhỏ này ban ngày thì xanh biếc, ban đêm thì đỏ như máu nên đặt tên con sông là Nhật Lam – Dạ Huyết và mảnh đất bên tả gọi Nhật Lam, mảnh đất bên hữu gọi Dạ Huyết. Đến cuối đời Vua Lê- Chúa Trịnh thì hai cái bến sông nhỏ ấy đã đông vui tấp nập, phát triển thành hai cái làng hai bên sông với tên gọi làng Nhật Lam và làng Dạ Huyết.
**
Ở bến sông làng Dạ Huyết, có hai vợ chồng người lái đò nghèo, chồng tên là Trần Đức Hiền, vợ tên là Lê Thị Lương. Không ai còn nhớ hai vợ chồng người lái đò này đến bến sông làng Dạ Huyết sinh sống bằng nghề lái đò từ bao giờ. Cũng không ai biết họ bao nhiêu tuổi, vì sao mà không có con, hay là có con mà không nuôi được. Người ta chỉ biết chắc chắn rằng, hai vợ chồng nhà này rất tốt bụng, đúng như cái tên của họ vậy. 
Cuộc sống của vợ chồng người lái đò nghèo, tưởng chừng cứ âm thầm trôi qua theo năm tháng. Nhưng hóa ra lại đầy biến động !
Sự cố thứ nhất xảy ra vào năm đói Ất Dậu. Cái đói khủng khiếp cũng tràn tới bến sông hẻo lánh của cái làng Dạ Huyết . Những người lái đò khác đã bỏ thuyền bỏ lái, bỏ dòng sông lên rừng đào củ mài. Còn vợ chồng ông Hiền bà Lương đành bám lấy cái bến đò, lần hồi sống qua ngày. Cũng may mà ông Hiền có tài bắt cá, câu tôm, mỗi ngày cũng đổi được lon gạo, cơm cháo nuôi nhau. 
Vào một đêm, không hiểu sao hai vợ chồng đều không ngủ được. Trằn trọc mãi, ông Hiền liền ra ngồi mũi thuyền câu cá, giết thời gian. Ông đăm đăm nhìn ra mặt sông, sóng gợn lăn tăn, lấp lánh ánh trăng mờ . Thốt nhiên, ông thấy một cái mảng đen hiện lên giữa dòng sông lấp lánh. Cái mảng đen lớn dần, đang trôi theo dòng nước. Khi ông nhận ra đó là một cái bè chuối thì cũng là lúc trên cái bè chuối đó vang lên tiếng khóc trẻ con yếu ớt. Theo bản năng tự nhiên, ông lái con thuyền nhỏ đón theo cái bè chuối đó. Khi tới sát cái bè chuối, chỉ còn cách mấy sải tay, ông kinh ngạc khi nhìn thấy trên cái bè chuối, trong đám rẻ rách bùng nhùng là hai đứa trẻ sơ sinh bé tý, đang cất tiếng khóc yếu ớt, ngắt quãng. Ông định gọi vợ thì vợ ông đã đứng sau lưng ông từ bao giờ, đang nhìn chăm chú vào hai đứa bé. Hai vợ chồng cùng thốt lên:”Hai đứa bé!”. Tức thì, ông Hiền trao mái chèo cho vợ rồi nhảy tùm xuống sông. Chỉ ba sải bơi, ông đã níu được cái bè chuối.
Nhận hai cái bọc từ tay chồng, bà Lương bàng hoàng sửng sốt khi thấy hai đứa bé còn đỏ hỏn, như vừa mới từ bụng mẹ chui ra! Toàn thân chúng ướt lép nhép, chân tay cử động yếu ớt, tiếng khóc cũng như sắp tắt!...
Ông Hiền nhóm lửa rồi cùng bà Lương lau người, sưởi ấm cho hai đứa bé. Tất cả quần áo của hai người chỉ vừa đủ bọc kín cho chúng. Khi đã hết lạnh, hai đứa bé khóc to hơn, như là đòi bú mẹ! Bà Lương nhìn ông Hiền lo lắng : 
- Chúng nó đói lắm đấy ! Ông đặt nồi cháo, lấy nước cho chúng nó ăn !
- Nhưng phải có cái gì cho chúng nó ăn ngay bây giờ !... 
Ông Hiền lúng túng một lúc rồi đưa hai ngón tay lên mồm, cắn mạnh. Hai dòng máu đỏ rỉ ra, ông nhét vội vào mồm hai đứa bé, chúng mút chùn chụt. Được chừng một khắc, bà Lương nói : 
- Thôi, ông để tôi cho bú tiếp ! Ông đi nấu cháo đi !
Bà Lương cắn hai đầu vú của mình bật máu rồi bồng hai đứa lên, nhét vào miệng chúng, nhanh nhẹn như một người mẹ cho con bú. Hai đứa bé thấy đầu vú thì ngậm chặt, mút chùn chụt, hai bàn tay quờ quờ rồi bấu chặt lấy bầu vú căng tròn, rắn chắc của bà Lương !...
Ngồi cho hai đứa bé xa lạ bú bằng máu của mình, bà Lương run người lên vì một cảm giác kỳ lạ chưa bao giờ có ở bà ! Bà ràn rụa nước mắt !...Chỉ mình bà biết được rằng chồng bà bị mất khả năng sinh sản, nhưng vì muốn giữ thể diện cho chồng , bà đã nhận “lỗi” về mình . Gia đình nhà chồng muốn chồng bà lấy vợ khác, nhưng chồng bà thương yêu bà, rủ nhau bỏ làng quê mà lên bến sông hẻo lánh này sống với nhau. Ông Hiền thì không tin là họ mất khả năng sinh sản. Ông nghĩ rằng , đời cha ông đã “ăn mặn” (ông cụ rất nhiều vợ và đông con !) thì đến đời con là ông phải chịu “khát nước”, ông Trời muốn phạt ông .Vì thế, muốn có con phải tu nhân tích đức, đến lúc nào đó ông Trời sẽ thương tình !...Bây giờ đây, bế hai đứa bé trên tay, bà Lương vừa mừng vừa sợ. Mừng vì mình đã được ông Trời cho một lúc hai đứa con. Sợ vì như thế, chẳng lẽ mình sẽ không được đẻ con mà phải đi nuôi con thiên hạ hay sao ?
Hai đứa bé, sau khi bú no, đã thiêm thiếp ngủ. Nồi cháo đang sôi lục bục. Hai vợ chồng nhìn nhau, không nói gì nhưng cùng chung một ý nghĩ là : phải nuôi hai đứa bé này bằng mọi cách !... Nhưng bằng cách nào thì họ đều chưa nghĩ ra nổi vào cái thời buổi nạn đói hoành hành dữ dội này !...
Hai vợ chồng người lái đò thiếp ngủ được một lúc thì hai đứa bé tỉnh giấc, khóc oe oe đòi ăn ! Hai vợ chồng tỉnh dậy, lấy nước cháo đổ cho hai đứa bé thì cũng là lúc trời đã hửng sáng . Nhìn hai đứa trẻ nuốt nước cháo ừng ực, người vợ mỉm cười, nói : 
- Hai đứa bé chắc là sinh đôi, nhưng sao không giống nhau mấy ? 
- Làm sao mà biết được đó là hai đứa bé sinh đôi ? Vả lại, sinh đôi mà một trai một gái thì khó giống nhau lắm !- Tư lự giây lát, ông Hiền nói tiếp – Đặt tên cho hai đứa là gì nhỉ ? 
- Thì cứ lấy tên ông và tôi ghép lại mà đặt !
- Phải ! Thằng bé trai sẽ là Trần Nhân Đức, còn con bé gọi là Trần Thị Hiền Lương. Bà thấy được không ? 
- Được đấy. Nhưng không biết chúng nó có được như thế không ?
- Ôi dào ! Bố mẹ đặt tên, ông Trời sinh tính nết. Biết sao mà nói trước được ? 
Bà Lương ngần ngừ rồi nói : 
- Phải có sữa cho chúng nó ! Lấy đâu ra bây giờ ? 
- Tôi sẽ kiếm người cho chúng nó bú chực. Còn bà thử đến nhà ông Lý xem sao, xin cho chúng nó ít sữa bò. Nhà ông ta có hai con bò sữa to lắm !
- Không được đâu ông ơi ! Càng nhà giàu, người ta càng giữ của ! Ăn mày, ăn xin qua nhà ông ấy, có bao giờ được một xu !
Hai vợ chồng đã cho hai đứa bé ăn nước cháo xong, bàn bạc mãi cũng không biết kiếm đâu ra thêm tiền để mua sữa cho chúng nó. Ông Hiền đi khắp làng nhưng chẳng tìm được ai có thừa sữa mà cho chúng nó bú chực ! Hai vợ chồng đành phải giảm bớt phần ăn của mình, dành gạo nấu cháo cho hai đứa trẻ. Được năm ngày, hai đứa trẻ đã khỏe mạnh hẳn ra, cho ăn bao nhiêu cũng còn thòm thèm ! Hai vợ chồng ông Hiền vừa mừng vừa lo nhưng không biết làm sao bây giờ ? Thôi đành cầu Trời khấn Phật phù hộ cho qua được cái nạn đói này !...
Hai vợ chồng người lái đò không biết hai đứa bé ấy là con cái nhà ai, vì sao mà trôi dạt đến khúc sông này. Dân làng Dạ Huyết cũng không ai biết tông tích hai đứa bé, nhưng một tháng sau thì bà Còng, bán nước ở bến đò biết được. Bà Còng không nói với ai, chỉ nói với bà Lương về hai đứa bé như sau : 
Ở bên làng Nhật Lam, có một cô gái bị điên, không biết vì cớ sao, từ bao giờ. Cô gái điên này rất khỏe, da thịt còn mơn mởn, khiến nhiều gã đàn ông phải nhìn thèm thuồng nhưng không làm gì được vì cô rất dữ . Có lão Xã trưởng thèm muốn cô gái điên lắm ! Một đêm, lão sai tay chân lấy chăn chiên chùm lấy cô, vác vào vườn, đè giữ chặt cứng cho lão thỏa mãn ! Vài lần như vậy, cô gái lại hết điên, thành người hầu gái cho vợ lão Xã trưởng ! Rồi cô có thai, đến khi mãn nguyệt khai hoa, đẻ ra hai đứa con, một trai một gái. Nhưng người mẹ sau cơn đau đẻ chưa kịp hồi sức, lúc mới tỉnh lại thì không thấy con mình đâu cả ! Thì ra mụ vợ lão Xã trưởng đã sai người đóng bè chuối rồi cuốn hai đứa bé bỏ lên đó cho trôi sông ! Mụ vợ lão Xã trưởng không muốn có hai đứa con hoang của chồng ở trong nhà ! C̣n người mẹ của hai đứa bé, khi không thấy con mình đâu thì lại phát điên dữ dội : cô gái điên đã cầm dao chém chết cả hai vợ chồng lão Xã trưởng ! Rồi từ đó, người ta thấy cô gái điên lại đi lang thang khắp làng, tay ôm một cái bọc giẻ như bồng bế đứa con, mồm thì hát ru những câu hát lạ lùng ! 
Sau khi kể như vậy, bà Còng bán nước nói với bà Lương : 
- Bố mẹ của hai đứa trẻ đã chết cả rồi, bà cố mà nuôi chúng khôn lớn. Tôi nhìn tướng bà, phải có ba bốn con là ít ! Mà bà sẽ có lộc nhờ cái vía của con cái đấy !

Mỗi khi cho hai đứa bé nhai đầu vú để chờ cháo chín, bà Lương lại nghĩ đến lời của bà Còng bán nước. Bà Lương thầm ao ước được đẻ dù chỉ một đứa con, bà sẽ có rất nhiều sữa cho con bú, cho cả hai anh em thằng Đức và con Hiền Lương này bú sữa ! Thế rồi, một sự việc xảy ra, khiến cho bà Lương có con thật !
Ấy là vào một lần, đúng mùa mưa lũ. Ông Hiền đang lặn hụp trên dòng nước để vớt gỗ trôi từ thượng nguồn về thì thấy có một người đang ôm chặt lấy một cây gỗ, bị dòng nước cuốn đi. Ông Hiền đã vật lộn với dòng nước, đưa được cả cây gỗ và người bị nạn ấy vào bờ. Khi tỉnh lại, người bị nạn nói : 
- Ông đã cứu sống tôi, cũng có nghĩa là ông đã có công với cách mạng . Riêng tôi, sẽ đền ơn ông xứng đáng . Còn bây giờ, đang cấp bách, ông cầm tờ giấy này, đến làng X, xóm Y để người ta cho người về đón tôi !
Nói rồi người bị nạn trao cho ông Hiền một mảnh giấy nhỏ, dặn nói vài điều rồi giục đi cho gấp. Nghe người kia nói là cán bộ cách mạng , ông Hiền tức tốc khăn gói đi ngay . 
Đêm hôm ấy, người bị nạn lạ mặt đã ăn nằm với bà Lương như thế nào, không ai biết được, vì bà Lương không kể lại với ai hết. Mấy tháng sau, khi bà Lương ốm nghén, thì ông Hiền nghe bà Còng bán nước nói : “Mấy tuần nay, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy có một con giao long cuộn lấy bà vợ ông . Rồi thế nào bà ấy cũng có thai và sinh ra quý tử. Rồi ông sẽ có lộc lớn. Hãy nghe tôi mà chăm sóc cái thai ấy cho tốt ! Thần linh đã đầu thai vào vợ ông đó !”. Ông Hiền nghe bà Còng nói vậy thì mừng lắm, ông nghĩ : “Mấy ông thầy tướng làng ông đã nói là rồi thế nào ông cũng có con và phát lớn trên sông nước, thì bây giờ quả là đã ứng nghiệm rồi ! Vợ ông mà sinh quý tử thì ắt là lộc sẽ đến !”. Và quả nhiên, sau khi bà Lương đẻ thằng Trần Duy Nhất (ông Hiền chỉ muốn có một thằng con nữa thôi, nên ông đặt tên nó như vậy) thì lộc đã đến với ông ngoài sức tưởng tượng của mọi người ở cái làng Dạ Huyết này . 
Lúc ấy, cách mạng tháng Tám đã thành công, chính quyền mới đã được thiết lập. Trong cái không khí mới đó, ông Hiền nhận được một món tiền lớn và một cái giấy phép đặc biệt : Ông được tự do khai thác lâm thổ sản trong vòng ba năm, không phải đóng thuế, không ai được phép ngăn cấm, cản trở. Kèm theo là một lá thư ngắn của người bị nạn lạ mặt ngày xưa : “Gửi ông Hiền ! Ông ở hiền thì sẽ gặp lành ! Tôi sẽ còn hậu tạ ông nhiều nữa nếu khả năng còn cho phép . Ông hãy chuyển sang nghề buôn bè gỗ nứa lá thì mới đủ sống và nuôi mấy đứa con ! Chúc ông mau phát đạt. Tôi sẽ luôn theo dõi và có dịp sẽ giúp ông ! Người được ông cứu mạng : Nguyễn Văn X.”.

Theo lời khuyên đó, ông Hiền bỏ tiền ra thành lập một đội khai thác, một đội đi bè. Chỉ sau một năm, ông Hiền đã trở nên giàu nhất cái làng Dạ Huyết, không thua kém gì những địa chủ lớn ở các vùng lân cận. Hai đứa con nuôi và đứa con đẻ (do Thần Giao long đầu thai, ông luôn tin như vậy) của ông đã được ăn ngon mặc đẹp, lớn nhanh như thổi, béo tốt không thua gì các hoàng tử, công chúa ! Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông Hiền còn xuất của nhà ra nuôi cả Trung đoàn bộ đội mà vẫn không suy chuyển gì ! Đến khi cái giấy phép kia hết hạn, ông Hiền chuyển sang chữa thuốc Nam, ấy là do ông học được nghề của cánh thợ sơn tràng khi còn đi bè với họ. Ông chữa bệnh đâu phải để lấy tiền, ai có thì trả, ai nghèo khó ông còn cho thêm tiền mà đi bốc thuốc hay cho mau lành bệnh !...Những tưởng đã qua cái thời gian nan vất vả, vợ chồng ông Hiền vừa lòng với cuộc sống đầy đủ, an nhàn mà chuyên tâm vào việc nuôi dạy con cái. Nhưng, một biến cố mới lại ập đến với vợ chồng ông . 
Ấy là vào những năm Cải cách ruộng đất…
Đội Cải cách đóng trụ sở tại nhà ông Hiền. Đội trưởng chẳng phải ai xa lạ, chính là Trí Trá Bướu cổ. 
Lai lịch của Trí Trá cũng khác thường lắm. Một phiên chợ, bà Lương thấy có một người nằm còng queo ở góc chợ. Thân hình của hắn ta lở loét, gầy đét nhưng cổ thì có cái bướu to bằng quả bong bóng trâu ! Thương tình, bà Lương mua cho hắn tô bún riêu. Ăn xong, hắn tỉnh như sáo và cứ một hai gọi bà Lương là mẹ. Bà Lương động lòng, dắt hắn về nhà. Ông Hiền phải tắm rửa thuốc men suốt một tuần mới khỏi ghẻ lở và mập mạp lên tí chút. Hai tháng sau mới khỏi bệnh bướu cổ. Hắn không nhớ hắn là con nhà ai, tên là gì, bao nhiêu tuổi. Ông Hiền lưỡng lự không biết đặt tên cho hắn là gì thì mấy người thợ bè nói : “Thằng này hay nói dối, tướng mạo lại gian tà, đặt tên Trí Trá cho nó là đúng lắm !Trí Trá bướu cổ!”. Từ đó, hắn có tên Trí Trá và làm việc vặt trong nhà ông Hiền. 
Bây giờ, không hiểu sao, thằng Trí Trá đã là Đội trưởng Đội Cải cách, mà “Nhất Đội nhì Giời”, quyền sinh quyền sát trong tay Trí Trá cả ! Vì sao mà Trí Trá được làm Đội trưởng ? Chẳng ai biết cả ! Chỉ biết là Trí Trá bây giờ được mọi người gọi là Đội trưởng Trí Trắc và Trí Trắc tỉnh bơ làm như không hề quen biết gì vợ chồng ông Hiền vậy ! Ông Hiền nhìn Trí Trắc suốt ngày suốt đêm lật đi lật lại cái danh sách những địa chủ cường hào gian ác cần phải đem ra đấu tố mà nẫu cả ruột ! Ông bỗng nhớ đến câu thơ của danh tướng Đặng Dung xưa : “Thời lai đồ, điếu thành công dị - Vận khứ anh hùng ẩm hận đa !”. Đúng là gặp thời thì những kẻ hàng thịt hàng cá cũng làm nên vương tướng, hết thời thì kẻ anh hùng cũng đành ôm hận mà thôi ! Nhưng con người ta cũng phải còn một chút tình chứ ? Vợ chồng ông ở hiền mong gặp lành, tu nhân tích đức mong tuổi già được mồ yên mả đẹp và con cháu ấm thân. Vậy mà sao bây giờ, trong cái danh sách đấu tố của Đội trưởng Trí Trắc kia, ông thấy có tên vợ chồng ông ? Họ sẽ làm gì vợ chồng ông đây ? Hai vợ chồng ông Hiền thức trắng mấy đêm liền, chỉ biết ôm nhau than thở. Bà Lương ôm chặt lấy ông Hiền mà khóc không thành tiếng, rồi đến đêm thứ ba, bà nói : “Ông ơi ! Chẳng lẽ ông Trời lại không thương chúng mình hay sao ? Nào mình có làm nên tội gì ? Chẳng lẽ lúc yên hàn thế này trời lại bắt ông chết ?”. Ông Hiền nói : “Bà chỉ nói gở, làm sao mà tôi chết ? Bất quá là họ tịch thu tài sản, thì mình nộp hết cho xong. Vợ chồng mình lại đi chở đò cũng có sao đâu ?”. Bà Lương tức thì khóc rống lên : “Ông ơi, không phải thế đâu ! Tôi nghe bà Còng bán nước nói rằng, mấy hôm nay ông có gân đỏ từ lỗ mũi chạy ra trông như rễ cỏ. Ấy là dấu hiệu của hao tán tiền của và thân thì bị hại đó ông ?”. Ông Hiền nghe mà đớ người, vì ông tin tướng số, tin bà Còng lắm, bà ấy đã nói câu gì thì không bao giờ sai ! Ông Hiền chưa kịp nói gì thì có tiếng đập cửa thình thình kèm theo tiếng la hét của Đội trưởng Trí Trắc : “Bàn nhau đem chôn giấu tiền của hả ? Chúng tao đã theo dõi mấy đêm nay rồi ! Phải bắt giam hai vợ chồng thằng địa chủ này lại !”. Thế là mặc dù chưa đến ngày phát động đấu tố, hai vợ chồng ông Hiền đã bị trói gô lại, dẫn lên giam tại đình làng, có một tiểu đội vác súng đứng gác nghiêm ngặt.  
Được độ nửa giờ, có lệnh thả bà Lương về nhà với lý do có nhiều con nhỏ. Bà Lương chưa kịp ngủ, lại có tiếng gõ cửa và tiếng Trí Trắc vọng vào, đủ nghe : “Tôi là Đội trưởng đây ! Tôi cần nói chuyện quan trọng với bà !”. Bà Lương mở cửa cho Trí Trắc, hắn vừa lách vào thì cài then lại và nói : “Tôi tiết lộ điều bí mật này cho bà biết : Chồng bà sẽ bị tịch thu hết tài sản và sẽ bị xử bắn !”. “Trời ơi ! Ông thương chồng tôi với ! Tôi cắn cỏ lạy ông, ông tha cho chồng tôi, tôi sẽ xin nộp hết !” Bà Lương ôm lấy chân Trí Trắc mà van lạy hoảng hốt, bà tưởng như ông Hiền đã đang bị dẫn ra pháp trường vậy ! Trí Trắc đỡ bà Lương dậy, nói nhỏ : “Bà không phải van lạy ! Van lạy chẳng ích gì hết . Có một cách cứu được chồng bà, bà có chịu không ?”. Trí Trắc nắm chặt lấy hai cánh tay bà Lương , mặt hắn kề sát má bà. Bà Lương thốt rùng mình hoảng sợ, nhýng vì nỗi sợ chồng chết còn lớn hơn, bà vội hỏi : “Cách gì ? Tôi sẽ cố hết sức miễn cứu được chồng tôi !”. Trí Trắc nói nhỏ : “Không khó gì đâu ! Bà chỉ việc cho tôi nằm với bà ! Tôi sẽ tha tội chết cho chồng bà !”. Nói rồi, Trí Trắc ôm chặt lấy bà Lương. Bà Lương kinh hoảng, vừa gỡ tay hắn ra vừa nói:”Ấy chết! Tôi già rồi, ông còn thèm muốn làm gì! Tôi sẽ làm mối cho ông con gái tơ hẳn hoi!”. Trí Trắc đã nhanh tay giật được áo của bà Lương ra, hắn vừa thọc tay xuống tụt quần bà, vừa cười khầng khậc vừa nói:”Ôi, ngực bà còn đẹp gấp mười gái tơ, mông bà còn căng gấp mười gái tơ!...Nằm với bà thích hơn trăm lần gái tơ!...”. Rồi hắn đè bà Lương xuống. Bà Lương chống cự dữ dội. Thấy vậy, Trí Trắc rít lên:”Bà mà không chịu, tôi ra lệnh bắn thằng Hiền tức thì!”. Nghe thế, bà Lương thấy choáng váng như có ai lấy búa tạ đập vào đầu, người bà mềm nhũn ra, trong đầu bà vụt hiện lên cái hình ảnh ở góc chợ năm nào!... Trong khi đó, Trí Trắc túm lấy bầu vú của bà Lương mà cắn cấu rồi hắn ôm chặt lấy bà mà rên lên ư ử!...
Ngay sáng hôm sau, đã có lệnh từ trên đưa xuống: phải tiến hành đấu tố ngay không được chậm trễ!
Bãi đấu tố được thiết lập ngay trên bến đò làng Dạ Huyết. Một cái bàn mộc được phủ vải đỏ, Đội trưởng Trí Trắc ngồi đặt tay lên bàn, oai vệ. Sau lưng Trí Trắc là một tiểu đội dân quân xã bồng súng oai nghiêm. Sau nữa, trên cao là một loạt những biểu ngữ với những hàng chữ cắt dán xiêu vẹo: “Đả đảo địa chủ cường hào ác bá!”, “Đả đảo áp bức bóc lột !”, “Đả đảo!...Đả đảo!... Đả đảo!”, v.v….Thiếu nhi đươc huy động cầm chiêng trống thanh la đủ loại. Thanh niên thì cầm loa, cầm gậy giữ trật tự và hướng dẫn quần chúng hô khẩu hiệu… Cái bến đò hẻo lánh từ ngàn xưa bỗng rung lên bần bật mỗi khi những tiếng hô “Đả đảo…Đả đảo!” vang lên như sấm rền! 
Ông Hiền bị đưa ra đấu tố đầu tiên. Ông bị hai người cầm súng áp tải, dẫn ra bắt quỳ xuống bãi cát, quay lưng về phía chủ tọa, quay mặt về phía đám đông . Mới có một đêm bị giam mà mặt ông đã phờ phạc, không còn sinh khí, tóc đã bạc trắng ! Hai cánh tay ông bị trói giật cánh khỉ cứ rung lên như người bị sốt rét !...Sau hàng tràng tiếng hô “Đả đảo”, đám đông im phăng phắc để nghe Đội trưởng Trí Trắc đọc bản luận tội ông Hiền ! Bản luận tội dài dằng dặc, không ai kịp nhớ hết nó gồm những cái gì. Nhưng khi Trí Trắc đọc xong, đám đông lao xao như gió rừng, mọi người nhớn nhác, xì xào to nhỏ. Có vài tiếng nói cất lên, không to lắm : “Oan cho nhà ông ấy quá ! Ông Hiền tốt nhất cái làng Dạ Huyết này đấy !”. “Ông ấy đã cứu sống bao nhiêu người, chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người !”, “Hình như ông Đội trưởng ngày xưa cũng được vợ chồng ông ấy cứu sống đấy !”… Bỗng “Đoành ! Đoành ! Đoành !”, ba tiếng súng nổ vang như sét, tiếng đầu đạn rít lên, xé không khí bay vút lên trời ! Đám đông đột ngột im phăng phắc, nghe rõ cả tiếng thở, tiếng tim đập thình thịch !...
Mọi người chưa kịp hoàn hồn thì tiếng Đội trưởng vang lên : “Bà con hãy nghe một nhân chứng sống của sự áp bức bốc lột đứng ra tố khổ và vạch trần tội ác của thằng địa chủ Hiền ! Nó tên là Hiền nhưng nó không hiền đâu bà con ơi ! Đó là bộ mặt giả nhân giả nghĩa của nó đấy ! Nào, em Đức, hãy ra vạch mặt tên địa chủ cường hào gian ác này đi !”. Dứt lời, một đứa bé chừng bảy tám tuổi, lưng buộc một sợi dây chuối ,bên sườn giắt một khẩu súng lục bằng gỗ, tay cầm một cái gậy tre nhỏ, lon ton chạy ra, tới trước ông Hiền (ông Hiền phải thường xuyên trong tư thế quỳ, cúi đầu) thì lấy cái gậy tre gõ vào đầu ông Hiền hai cái “cốc ! cốc !”. Ông Hiền giật mình ngẩng đầu lên, ông tròn mắt kinh ngạc, thốt lên : “Trời ơi ! Con, Đức ơi !...”. Thằng Đức, đúng là thằng Đức, liền chỉ đầu gậy vào mồm ông , nói, giọng choe chóe : “Câm ngay ! Thằng địa chủ cường hào gian ác ! Mày không phải là bố tao ! Mày xui mẹ mìn bắt tao về nhà mày để làm thằng ở cho mày ! Nhận tội ngay không thì tao đập cho bể sọ !”. Đám đông lập tức nhốn nháo, lao xao như bão rừng . Có những tiếng ai đó hét lên : “Mất dạy ! Con mà dám đấu bố ! Quật chết nó đi !”, “Trời ơi là trời ! Đời thuở nhà ai mà con lại đấu bố hả trời !” v.v… Lập tức vang lên một tràng súng nổ chói tai : “Đoành ! Đoành ! Đoành ! Đoành !...” Nhưng , đám đông không thể lấy lại trật tự như lúc nãy. Người ta nhào vào đỡ ông Hiền khi thấy ông đổ gục xuống bãi cát. Có ai đó giằng lấy cái gậy tre trên tay thằng Đức và quất nó túi bụi, nó khóc ré lên. Lại thấy bà Còng bán nước vặn tai nó, dí mặt nó xuống cát, giằn giọng hỏi : “Ai xui mày ? Hả, ai xui mày nói láo ? Nói ngay không bà đánh chết !”. Tiếng thằng Đức : “Ái ! Ối !... Hu ! Hu !...Ông Đội !...Ông Đội hứa sẽ cho cháu đi bộ đội làm sĩ quan, đeo chân giò, đi giày cộp !...”. Đám đông càng nhốn nháo, ồn ào khi có ba bốn người nhà ông Hiền chạy ra bến đò, vừa chạy vừa hét to : “Ối ông Hiền ơi ! Ối giời ơi ! Đứa nào hiếp bà Lương , bà ấy treo cổ tự tử rồi !...”. Khi câu nói ấy chạy đến chỗ ông Hiền, ông bật đứng người dậy, đoạn ngửa mặt lên trời mà rằng : “Giời ơi là Giời !...”, rồi một dòng máu đỏ lòm từ miệng ông Hiền vọt ra, như vòi phun nước, rơi trúng đầu Đội trưởng Trí Trắc và mấy người cầm súng đứng cạnh ! Rồi người ta thấy ông Hiền chết gục trên tay mấy người đang định cởi trói cho ông ! Không ai nhìn thấy, trừ bà Còng bán nước, Đội trưởng Trí Trắc cùng tiểu đội dân quân xã biến mất từ lúc nào!...

**
Sau cái buổi đấu tố không thành ấy, Đội Cải cách chuyển sang làng Nhật Lam bên kia sông. Đội trưởng Trí Trắc đem theo thằng Trần Nhân Đức. Không ai biết chuyện này, trừ bà Còng bán nước. 
Sau đám tang ông Hiền và bà Lương, có một người buôn bè lúc trước thường đi lại với ông Hiền đã lén đưa cô bé Trần Thị Hiền Lương đi, nghe nói ông ta sẽ chuyển vào Nam sinh sống. Còn cậu bé Trần Duy Nhất, được một ông giáo quê ở làng Dạ Huyết nhưng đang dạy học ở Hà Nội đem đi, không nói cho ai biết. Nhưng tất cả những sự việc trên không qua được đôi mắt sắc sảo của bà Còng bán nước. Thỉnh thoảng có người hỏi bà về ba đứa con của ông Hiền và bà Lương thì bà không trả lời mà chỉ bỏm bẻm nhai trầu mà ngâm nga câu Kiều:

“…Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao!...”


Chương 2

Hai mươi năm sau cái chết của vợ chồng ông Hiền, đó là vào thời gian những năm đầu đất nước thống nhất, Bắc Nam liền một giải từ Mục Nam quan tới mũi Cà Mau… 
Tại một tỉnh vùng núi miền Nam, một đơn vị kinh tế quan trọng được thành lập, đó là công ty khai thác rừng. Nói là quan trọng vì Công ty này có hai nhiệm vụ đồng thời : khai thác tiềm lực của rừng để làm giàu cho tỉnh và giữ vững an ninh một vùng rừng núi rộng lớn mà bọn Phunrô vẫn lén lút hoạt động chống phá cuộc sống hòa bình mới được thiết lập. Vì thế, lực lượng chính của Công ty là quân nhân chuyển sang, nói chính xác là lực lượng bán quân sự . 
Một ngày đẹp trời của thị xã cao nguyên. Gió vừa đủ mạnh để lá thông reo vi vút. Nắng vừa đủ độ để như rắc vàng xuống những triền đồi e lệ nép vào nhau. Khí hậu vừa đủ lạnh để cho con người muốn gần nhau hơn…Trong cái bối cảnh thiên nhiên đẹp một cách gợi cảm ấy, người ta tổ chức ngày ra mắt của Công ty khai thác rừng thì thật là “thiên thời” (địa lợi và nhân hòa thì đã có sẵn).
Ông Thứ, một người đã có thâm niên hơn ba mươi năm làm công tác tổ chức, được giao làm phó giám đốc kiêm trưởng phòng tổ chức của công ty. Cuộc đời làm tổ chức của ông đã đi khắp các tỉnh miền núi của phía Bắc tổ quốc. Vì thế, khi cần tăng cường cán bộ cho các tỉnh phía Nam, người ta nghĩ ngay đến ông, một người đầy mình kinh nghiệm của cái nghề phức tạp và tế nhị này. 
Đã mấy tháng nay, ông mải mê giải quyết cho xong những vấn đề cơ bản của nhân sự nên chưa để mắt đến cái ngày lễ ra mắt quan trọng này. Ông nghĩ, các cụ đã dạy “Vạn sự khởi đầu nan” là rất chí lý. Cái đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, không thể xem thường được cái ngày lễ ra quân xuất kích này. Vì thế, ông đã tung hết lực lượng và phân công tỉ mỉ từng việc cho từng người, từ chỗ đi tiểu cho khách đến việc bố trí tuyên truyền trên đài, báo của tỉnh. Lúc đã hòm hòm công việc, ông mới sực nhớ ra cái tiết mục rất đặc biệt của mình : ấy là mỗi khi có hội lễ, hội nghị long trọng, ông thường đọc thơ góp vui văn nghệ đồng thời tuyên truyền được tư tưởng lớn, thâu tóm được những vấn đề mà mọi người cần khắc xương ghi cốt. Trước đây, ông đã từng nổi tiếng về việc này vì thơ của ông không lãng mạn viển vông, tả mây gió lăng nhăng mà ai cũng thuộc và nhớ cái việc phải làm. Chẳng hạn như cái hồi cần tuyên truyền bà con làm hố xí hai ngăn, ông đã có bài như sau : 
“Cặp kè hố xí hai ngăn
Như chồng với vợ ăn nằm bên nhau !
Trái tim ta có khác đâu
Hai, ba ngăn đấy, cùng nhau đập mà!
Mau mau ngăn hố xí ra !”

Rõ ràng là ông đã dùng thủ pháp nghệ thuật so sánh, ví von rất cừ khôi : trái tim người ta có hai ngăn thì con người mới sống được, mới biết yêu đương . Vì thế ai muốn chết thì hãy làm hố xí một ngăn !...Ông đã đề nghị cấp trên cho ông chuyển sang làm công tác văn hóa thông tin, nhưng vì công tác tổ chức quan trọng hơn, cần hơn nên ông đành chịu hi sinh cái con người nhà thơ trong ông !...Vậy là ông phải có một bài thơ thật là nhớ đời trong cái lễ ra mắt quan trọng này. Ông Thứ nghĩ vậy, rồi về nhà, đóng chặt cửa lại, pha một ấm trà đặc rồi đi bách bộ quanh bàn, lục tìm vần điệu và hình ảnh cho những câu thơ. Chẳng mấy chốc, ông đã đọc to lên được bài thơ như sau, vừa nói được hai nhiệm vụ cơ bản của công ty, vừa nói được cái đẹp, cái giàu của rừng : 
“Rừng xanh là nàng Tiên trời
Núi đồi là ngực, mông, đùi, chẳng sai !
Cánh rừng là mái tóc dài
Hang động là miệng, lỗ tai, lỗ mùi (mũi)
Khi mưa, gió, bão tơi bời
Là Nàng Tiên khóc, nói, cười đó chăng ?
Khe sâu, vực thẳm lạnh băng
Ai đang lặn lội ? Ây thằng gian phi!
Nêu cao cảnh giác tức thì
Bắt ngay kẻo nó tẩu phi trốn liền !
Núi rừng ! Ấy chính là tiền
Hãy bỏ tất cả mà lên với rừng !


Ông Thứ đang định chép vào một tờ giấy để đọc cho chắc ăn và có anh nhà báo nào xin thì cho, thì có tiếng gõ cửa dồn dập. Thì ra cái anh Phong phụ trách văn phòng . Anh ta nói : 
- Báo cáo anh, khách sạn người ta tính giá cao quá mà khách mời của mình lại tăng lên gấp đôi !... 
- Có thế mà cũng phải báo cáo – ông Thứ trả lời liền – Anh cứ tiền trảm hậu tấu ! Khách toàn loại đặc biệt, từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn lên, lại có cả chuyên gia nước ngoài, báo, đài tùm lum, ăn ở lúi xùi làm sao được ! Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, anh không nhớ tôi nói với anh bao nhiêu lần câu tục ngữ nổi tiếng ấy rồi à ? Rồi sau này, công ty ta làm ăn phát tài, thì mấy đồng bạc tiền thuê khách sạn chỉ là hạt bụi mà thôi ! 
Chánh văn phòng vừa nghe đến câu “tiền trảm hậu tấu”đã phóng đi mất. Vì thế, khi ông Thứ nói xong một hơi thì không thấy chánh văn phòng đâu cả (ông có thói quen là khi nói với cấp dưới thì quay lưng lại người nghe), ông hơi bực vì chưa kịp dặn dò thêm cái khoản “giải trí lành mạnh” cho khách đặc biệt, nhưng ông dịu lại ngay vì thầm khen anh chàng này nhanh tay nhanh chân, đi mây về gió như là Đái Tôn trong Thuỷ hử, rất được việc . Ông định cầm bút làm tiếp cái việc của nhà thơ thì chuông điện thoại réo. Nếu là cấp dưới thì đã bị ông la mắng cho vuốt mặt không kịp , nhưng đây là ông Đại Trí, Phó giám đốc Sở Lâm nghiệp của tỉnh, cấp trên của ông. Ông Đại Trí gọi ông lên để duyệt lại lần cuối cùng toàn bộ nội dung chương trình của ngày lễ ra mắt công ty. 
Trên đường đến Sở gặp ông Đại Trí , ông Thứ nghĩ : mình cũng đã là loại tướng tá ngon lành, cơ mưu có thừa dùng không hết, vậy mà cái tay Đại Trí này còn gian ngoan xảo quyệt gấp trăm ngàn lần. Chẳng thế mà suốt bao nhiêu năm chiến tranh, hắn chỉ là sĩ quan tham mưu, lên đến trung tá mà không bị một vết thương nhỏ, không phải đứng dưới mưa bom bão đạn lần nào. Bây giờ chuyển ngành làm phó giám đốc Sở Lâm nghiệp khác gì ngồi trên đống vàng ! Thật đúng là tướng rắn, giỏi luồn lách, luôn tìm được chỗ thanh nhàn mà “ngồi mát ăn bát vàng”, mặc kệ cho thiên hạ xông pha nơi mũi tên hòn đạn, nơi đầu sóng ngọn gió ! Kể ra, ông Thứ cũng không ghanh ghét gì ông Đại Trí, nhưng ông thấy thằng cha này tham quá, tham như vua chúa thời xưa . Đáng lẽ cái chức giám đốc Công ty vào tay ông , hắn lại nhét thằng con nuôi của hắn vào cái ghế ấy mà phỉnh ông rằng : ông làm cái nghề tổ chức đã thành tinh rồi, cho nên phải bố trí xếp đặt thế mà nắm lấy công việc này, chưa thể giao cho ai được. Còn thằng con tôi, tuy là đã đến tuổi tam thập nhi lập, nhưng thực ra vẫn là con nít, ông gắng kèm cặp nó cũng như là Tể tướng bên cạnh vua ngày xưa ấy, quyền hành trong tay ông cả còn gì nữa!... Ông Thứ nghe cũng bùi tai, vui vẻ chấp thuận nhưng bên trong ông chưa chịu. Tuy ông cũng thuộc loại Xà tướng (tướng rắn) như ông Đại Trí và hiện tại kém chức ông Đại Trí vì ông thuộc nhóm Tiểu xà, còn ông Đại Trí thuộc nhóm Đại xà; nhưng ông không bị phá tướng như ông Đại Trí: khi ngủ thì hai mắt trợn ngược, răng nghiến ken két. Ông ta nhất định sẽ chết bất đắc kỳ tử, mình chỉ ấn nhẹ ngón tay út vào ông ta cũng nhanh chóng lao xuống vực thẳm. Lúc đó, không phải cái chức Giám đốc công ty mà cả cái chức phó giám đốc Sở, rồi giám đốc Sở cũng vào tay ông! Nghĩ thế, ông ra hiệu cho anh lái xe tăng tốc độ, chiếc Toyota lao đi như mũi tên!

Ông Thứ đến phòng làm việc của phó giám đốc Đại Trí thì giám đốc công ty Đại Đức đã ngồi ở đó từ bao giờ. Ông Thứ thầm khen cái thằng bé mới ba mươi tuổi này mà đã có phong thái làm quan cứ như là từ trong bụng mẹ! Hắn thuộc loại Hầu tướng (tướng khỉ): trán lõm, đầu tròn, hình dáng như khỉ, thân thể nhẹ tênh mà khỏe, mắt vàng môi mỏng, ngồi trước đàn ông thì như mũi tên muốn cắm vào mặt người ta, còn ngồi trước phụ nữ thì hau háu như mèo thấy mỡ!...Loại này tham lam, háo sắc nhưng lúc hành sự thì lắm mưu nhiều mẹo, không làm quan to cũng giàu nứt đố đổ vách! Tuy nhiên, ông Thứ cũng không ngán cái thằng nhỏ cấp trên này của ông vì với bản năng nghề nghiệp,ônghiểu rằng hắn chẳng phải loại thông minh tài ba gì mà nhờ vào sự sắp đặt, chạy chọt của ông bố nuôi Đại Trí và nhờ vào sự ăn may: tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm bảy, tám tuổi ( được ông Đại Trí nhấn mạnh như một chiến tích có một không hai trong lý lịch cán bộ), rồi được đi học ở nước ngoài từ phổ thông cho đến đại học, rồi nghiên cứu sinh thành phó tiến sĩ. Cái may của ông Thứ là suốt bao nhiêu năm đất nước chiến tranh, thiên hạ kẻ chết người bị thương đếm không xuể thì ông chỉ việc ngồi rung đùi mà duyệt hồ sơ, lý lịch cho họ được đứng vào hàng ngũ quân đội nhân dân (con cái địa chủ, tư sản, phản động dứt khoát ông không ông cho vào đội quân cách mạng ấy, bởi vì vào đến chiến trường chúng sẽ chạy sang hàng ngũ quân địch hoặc làm nội gián!...).Tuy thế, cái may của ông Thứ vẫn còn kém thằng nhỏ Đại Đức này vì ông vẫn còn phải sống buồn tênh với cảnh núi rừng hoang vu, ma thiêng nước độc, muỗi vắt như châu chấu ngày mùacòn nó thì được ăn chơi nhảy múa ở tận nước ngoài! Nghĩ đến đây, ông Thứ lại thấy tức vì đời ông, của ngon vật lạ ông đã nếm đủ nhưng chỉ riêng cái món “đàn bà Tây” là ông chưa biết mặt ngang mũi dọc nó như thế nào! Nghĩ vậy, ông Thứ quyết thề với lòng mình là phải diệt thằng nhãi con này bằng chính cái mà nó mê muội nhất: nữ sắc! Ông đã thấy rõ như ban ngày rằng, trên đời này, từ cổ chí kim, không gian hùng, hảo hán nào thoát được sợi dây thắt cổ kỳ lạ làm bằng mái tóc mỹ nhân !...

Ông Thứ ngồi vào chiếc sa-lon giả da bóng lộn, mở ca-tap định trình bày kế hoạch của ngày ra mắt công ty thì ông bỗng ngửi thấy mùi nước hoa đặc biệt thoang thoảng đâu đây? Ông liền ngừng lại, ngẩng lên kín đáo quan sát hai bố con ông Đại Trí. Ông Đại Trí như đang đọc được ý nghĩ trong đầu ông Thứ, khẽ phẩy tay rồi nói:
- Thôi khỏi! Tôi phôn cho ông lên đây là để thưởng cho ông sau những ngày khó nhọc lo cho cái công ty này ra đời. Với cái công ty này, rồi chúng ta sẽ giàu không kém những nhà triệu phú, tỷ phú Hồng Kông, Hoa Kỳ!
- ?!  
- Tôi biết là ông vẫn ao ước được xài “đồ ngoại”. Rồi ông sẽ được toại nguyện trong những chuyến công cán sang Nhật, Hồng Kông, Xinhgapo sau này nếu ông làm tốt khâu xuất khẩu. Còn bây giờ, ông hãy xài thử đồ nửa ngoại, nửa nội!
- ?!
- Đệ tử của tôi ở Sài Gòn kiếm đươc con nhỏ lai Mỹ rất ngon lành, cứ như tài tử điện ảnh! Nó vừa đưa tới sáng nay, tôi chưa biết thế nào! Vả lại, dân làng Dạ Huyết chúng tôi không quen “ngủ ngày” như dân làng Nhật Lam của ông! Vậy xin nhường ông trước, kính lão đắc thọ!
Nhìn thần sắc hai bố con ông Đại Trí, ông Thứ nghĩ bụng: quân đểu giả! Nhìn mặt chúng mày là ông biết chúng mày đã “làm việc” cật lực rồi! Thôi được, ông cứ ghi “sổ nợ” đó, sẽ tính toán sau! Nghĩ vậy ông Thứ nói:
- Xin cám ơn Sếp! Rồi bề tôi sẽ có dịp báo đáp!..

Ông Thứ muốn nhào vào căn buồng có mùi thơm lạ đang bay ra kia (ông Đại Trí sống độc thân nên Sở bố trí phòng ngủ và phòng làm việc cạnh kề nhau, ăn thông bằng một cái cửa nhỏ), nhưng ông vẫn phải cố kìm nén, thong thả bước vào. Ông Thứ giật mình sung sướng khi thấy một cô gái tóc vàng mắt xanh cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ đang nằm mơ màng nhả khói thuốc lên trần nhà. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, ông Thứ mới đứng trước một cô gái con lai hấp dẫn như thế, cho nên ông như mất bình tĩnh, sung sướng phát cuồng, không kịp cởi quần áo, đổ lăn kềnh vào người cô gái, khiến cô gái giật mình, mẩu thuốc lá hút dở rơi xuống ngực đau nhói. Cô gái vừa bật người dậy vừa chửi:”Đù má! Thằng già khùng!”.Ông Thứ như không nghe thấy câu chửi mà ôm chặt lấy đầu cô gái, vừa đè cô gái xuống vừa nói như người mê sảng:”Ôi, tóc vàng, mắt xanh!...Vàng…Xanh!..Vàng vàng ! Xanh xanh!...”.

**
Đến đây, chắc bạn đọc có thể thấy rằng ông Đại Trí chính là Trí Trá bướu cổ - Trí Trắc Đội trưởng đội cải cách của chương Một; còn Đại Đức chính là Trần Nhân Đức, sau cuộc đấu tố ông Hiền đã được Trí Trắc đem theo và nhận làm con nuôi. Còn ông Thứ là người làng Nhật Lam, tuổi thơ của ông ta không có gì đặc biệt. Lẽ ra cuốn tiểu thuyết sẽ dành nhiều trang để kể về binh nghiệp cũng khá ly kỳ, độc đáo của Trí Trá bướu cổ - Trí Trắc – Đại Trí và quãng đời du học cũng rất hay ho của Trần Nhân Đức – Đại Đức, nhưng như thế “mảng đen” (còn gọi là “cái xấu”, “cái ác”) trong cuốn tiểu thuyết sẽ quá đậm. Vì thế, ai muốn biết kỹ hai nhân vật này, hãy lên mạng bà Còng (Website Bacong.net)…

Trong lúc người ta đang say sưa túy lúy với cái ngày ra mắt của công ty khai thác rừng thì Trần Duy Nhất, kỹ sư trồng trọt, đang cầm tờ Quyết định của trường Đai học Lâm nghiệp, trên đường đi đến cái Sở Lâm nghiệp mà ông Đại Trí làm phó giám đốc nói trên, để nhận công tác. Lúc này, Duy Nhất đang ngồi trên chuyến tàu tốc hành Hà Nội – Plêiku và tàu đang chạy qua đoạn đường nguy hiểm: qua đèo Hải Vân!... Khi con tàu như một con trăn lớn, trườn ra khỏi những con đường ngầm sâu hun hút, đen ngòm thì cũng là lúc Trần Duy Nhất bừng tỉnh.

Trần Duy Nhất bừng tỉnh , nhưng cái đói, cái mệt như một bàn tay vô hình, ấn anh xuống cái giường con sát nóc tàu. Anh mơ màng nhớ lại …

Cuộc đời học trò suốt đêm chui rúc trong các đống sách cao ngất đã trôi qua từ lúc nào không hay. Mãi đến khi cầm tờ quyết định phân công công tác, anh sinh viên chuyên ngành trồng trọt Trần Duy Nhất mới giật mình bừng tỉnh . À, thì ra đã đến lúc mình không thể chui rúc mãi trong các kho sách được nữa ! Đã đến lúc phải nhận công tác ! Mình sẽ làm gì đây ? Vốn là con mọt sách, không biết tí gì về cuộc đời thường ngày, Duy Nhất không khỏi bâng khuâng, hồi hộp khi đến phòng tổ chức nhận điều động công tác. Trước khi đưa quyết định nhận công tác cho Duy Nhất, ông Trưởng phòng tổ chức của trường đã nói với anh : “Tổ bộ môn đề nghị giữ anh ở lại trường để thực hiện một đề tài nghiên cứu lớn. Nhưng các cơ sở lại rất thiếu người, rất cần những người thông minh, giỏi giang như anh. Tỉnh miền núi X đã đến tận trường để xin cán bộ. Khi xem hồ sơ của anh, họ sẽ thích và tha thiết xin anh về . Như vậy, anh về đó công tác sẽ rất có lợi !...”. Duy Nhất không nói gì, trong đầu anh thoáng nghĩ : “Mình đang theo đuổi một đề tài nghiên cứu với giáo sư trưởng bộ môn. Nếu người ta phân mình về tỉnh X, tuy xa xôi, nhưng mình cũng sẽ liên lạc với giáo sư để thực hiện đề tài nghiên cứu. Còn ông bố nuôi của mình, muốn mình ở Hà Nội để bố con gần nhau. Mình sẽ nói thế nào với bố nuôi đây ?”. Ông trưởng phòng tổ chức lặng lẽ hút thuốc và kín đáo theo dõi nét mặt Duy Nhất . Như đọc được ý nghĩ trong đầu Duy Nhất, ông nhẹ nhàng nói : “Tôi biết anh rất sẵn sàng chấp hành lệnh phân công của tổ chức. Nhưng ông bố nuôi của anh đã già rồi, cần có anh bên cạnh trong những năm tháng cuối đời. Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của anh . Mặc dù quyết định phân anh về tỉnh X đã được ký, nhưng nếu anh thấy cần xin ở lại trường , anh làm đơn trình bày hoàn cảnh, chúng tôi sẽ đổi quyết định khác !...”. Ông trưởng phòng tổ chức đưa cho Duy Nhất tờ quyết định về tỉnh X đã ký . Cầm tờ giấy mỏng mảnh mà Duy Nhất thấy lòng xao động kỳ lạ. Tỉnh X là ở đâu ? Mình sẽ sống như thế nào ở nơi xa lạ này ? Mình sẽ phải xa bố nuôi – ông giáo Liêm -, một người suốt đời cô đơn, trong sạch đã giành trọn tình cảm cho mình từ lúc sáu bảy tuổi đến giờ !...Ông Trưởng phòng tổ chức lại nói : “Ông giáo Liêm, bố nuôi anh đã đến gặp chúng tôi, nhưng không thấy hết cái khó khăn, phức tạp khi chúng tôi xét đổi quyết định cho anh. Anh là một người thông minh, chắc anh hiểu chứ ? Đổi quyết định là phức tạp lắm !”. Duy Nhất nói : “Phức tạp là sao ? Chỉ cần kiếm người khác cho tỉnh X là xong !”. Ông trưởng phòng tổ chức mỉm cười, nói nhẹ nhàng từng tiếng một : “Điều đó thì đúng như anh nghĩ . Nhưng việc giữ anh ở lại trường , rất khó khăn. Chỉ tiêu biên chế đã hết. Muốn xin thêm anh ở lại trường , phải lên Bộ xin thêm chỉ tiêu biên chế. Mà đụng đến chuyện này ở Bộ, phức tạp nhiêu khê lắm, cửa quan mà ! Anh có hiểu không ?”. Duy Nhất bỗng lờ mờ nhớ lại lời một cán bộ của phòng tổ chức nói với anh mấy hôm trước : “Cậu phải “chạy” mạnh vào thì mới được ở lại trường ! Còn cái ông thày tổ trưởng bộ môn của cậu là nóng tính lắm, nói với cán bộ tổ chức mà cứ phụt lửa ầm ầm !...”. Cái lời nói thoáng qua ấy Duy Nhất không để tâm, nhưng anh bỗng giật mình khi nghe ông Trưởng phòng tổ chức nói tiếp : “Phải “chạy” mới được ! Nếu anh cần, tôi sẽ nhờ một người quen trên Bộ họ “chạy” cho !”. Duy Nhất chưa hiểu, anh ngơ ngác nói : “Chạy là thế nào ? Tôi nghĩ cứ đủ tiêu chuẩn thì được ở lại trường chứ ? Trường cũng còn thiếu cán bộ cơ mà ?”. Trưởng phòng Tổ chức dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn, thở ra một cái rồi nghiêm mặt nói : “Anh đúng là thông minh ở đâu ấy, đúng là con mọt sách ! Tôi nói để anh hiểu nhé : “chạy” không có nghĩa đen như trong từ điển là một động từ biểu thị hành động của con người khi dùng hai chân lướt nhanh trên mặt đất ! Mà “chạy” ở đây có nghĩa là “chạy vạy”, “chạy chọt”, v.v…Muốn “chạy” tới đích phải có “dầu nhớt” !...Mà “dầu nhớt” ở đây không phải là dầu thực nhưng nó có tác dụng tương tự : giải quyết được sự trục trặc ở các khâu trong guồng máy tổ chức rất lớn và chặt chẽ ! Anh đã hiểu chưa ?”. Duy Nhất thấy câu chuyện trở nên rối rắm, mù mờ. Khi giải những bài toán về ma trận, về chuỗi số, “xích ma” phức tạp , Duy Nhất cũng không thấy rối trí như khi nghe những lời ông Trưởng phòng tổ chức nói . Như đọc được ý nghĩ của anh, ông Trưởng phòng tổ chức lại mỉm cười nói tiếp : “Đúng là anh đứng trước bài toán cuộc đời chứ không phải trong toán học. Thôi, tôi nói thẳng nhé ! Các cụ đã dạy : nói gần nói xa chẳng qua nói thật ! Bài toán cuộc đời này tôi sẽ giải giúp anh, anh chỉ cần trả thù lao cho tôi ! Chỗ thân tình tôi nói thật : như người ta, chạy việc này phải tốn hơn chục cây ! Nhưng với anh , còn sống với nhau nhiều, tôi giúp không anh : chỉ cần năm cây đưa cho người ta !...”. Duy Nhất giật mình bàng hoàng khi nghe những lời ấy. Sao ông ta lại trắng trợn đòi hối lộ mình như vậy ? Ông ta không sợ mình tố cáo ông ta tội đòi ăn hối lộ hay sao? Lại như đọc được ý nghĩ của anh, ông trưởng phòng nói tiếp : “Hôm nay tôi tiết lộ với anh điều này nhé: ông bố nuôi anh đã khai man lý lịch của anh! Anh đâu phải là trẻ vô thừa nhận? Anh chính là con của địa chủ lớn Trần Đức Hiền và bà Lê Thị Lương ở làng Dạ Huyết! Khi xác minh được điều đó, chúng tôi đã định đuổi học anh. Nhưng tôi vốn không phải là người thô bạo. Anh đang học giỏi như thế, phải tìm cách giúp anh đạt ước nguyện rồi tính sau. Nay anh đã có bằng cấp, đã khôn lớn, thì đó là lúc cần nói thật với anh!”. Duy Nhất đã hiểu con bài mà ông ta thò ra: ông ta đang dồn đẩy anh tới miệng vực và sẽ kéo anh trở lại nếu như… Nhìn ông Trưởng phòng Tổ chức, mắt Duy Nhất như nhòe mờ, như có đám mây đen bao phủ, và rồi, bộ mặt ông ta ẩn hiện trong đám mây ấy như thể nhìn qua tấm gương dị dạng! Lần đầu tiên trong đời, Duy Nhất mới hiểu thế nào là sự đê tiện! Toàn thân anh run lên và như có một động lực vô hình thúc đẩy, Duy Nhất đứng bật dậy, hất tung cả cái bàn vào mặt ông Trưởng phòng Tổ chức!...

Sau vụ đó, Duy Nhất bị kỷ luật nặng: treo bằng tốt nghiệp và lao động cải tạo tại trường ba năm! Thế là Duy Nhất âm thầm làm lao công tạp vụ, đủ thứ công việc tạp-pí-lù suốt ba năm trời!...Hết hạn, anh được điều về Sở Lâm nghiệp một tỉnh miền núi phía Nam . Ông giáo Liêm – người bố nuôi cô đơn – đã chết vì quá lo buồn! Duy Nhất lòng nặng trĩu, nhận tờ quyết định điều động mà anh không thể phân tích tâm trạng mình lúc đó ra sao? Đi ngay, mau thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ này! Duy Nhất chỉ kịp suy nghĩ vậy và khăn gói lên đường !...

Lúc xếp hàng từ cửa nhà ga ra sân ga, Duy Nhất như bị cuốn vào biển người hỗn loạn. Lên đươc tàu, tìm được ghế ngồi thì anh thấy mệt mỏi rã rời và khi sờ vào túi áo để lấy tiền uống nước, anh giật mình vì trong túi đã không còn gì! Thì ra bọn móc túi ở ga đã lấy sạch tiền bạc và mọi giấy tờ của anh từ bao giờ!...

* * *  
Tàu đang dừng ở sân ga Đà Nẵng. Tiếng ồn ào nhốn nháo của cái ga lớn miền Trung này đã làm Duy Nhất bừng tỉnh. Anh tìm cái ba-lô quần áo thì nó cũng không cánh mà bay! Chỉ còn cái túi du lịch đựng hơn chục cuốn sách miệng mở toang hoác! Chắc là kẻ trộm đã lục lọi trong đó nhưng không kiếm được cái gì ưng ý nên đã bỏ lại! Duy Nhất mệt mỏi, bần thần ngồi ôm cái túi sách trong lòng. Đầu óc anh như mây bay lãng đãng…

Một tốp công an Đường sắt và kiểm soát viên trên tàu đã dừng lại trước Duy Nhất. Một nhân viên kiểm soát vỗ vai anh, nói : 
- Cho kiểm tra vé !
Duy Nhất giật mình, lúng túng trình bày hoàn cảnh của mình nhưng một công an nói : 
- Anh nói vậy sao mà tin được ? Mời anh xuống ga để làm rõ sự việc ! Ai không có vé, không có giấy tờ đều phải xuống ga !...
Không để cho kịp phân bua trình bày gì thêm, hai người công an đã xốc nách anh lôi xuống tàu. Tiếng một hành khách nói : “Thời buổi này không biết ai là người bị mất cắp còn ai là kẻ cắp ! Nhưng theo tôi thì thà bắt nhầm còn hơn là bỏ sót !”. Lúc đó, có hai cô gái trẻ, khoảng ngoài hai mươi tuổi, nằm đối diện với giường của Duy Nhất lo lắng nói chuyện với nhau. Một cô nói : 
- Cái anh này xếp hàng mua vé liên vận về tỉnh X cùng với chúng mình hôm ấy. Lan có nhớ không ? 
Cô gái tên Lan nói : 
- Đúng đấy Cúc ạ ! Mình nhớ vì bộ mặt rất buồn của anh chàng, cứ như là một nhân vật tiểu thuyết nào đó mình đã đọc !
Cô gái tên Cúc nói : 
- Mình cũng không thể quên được khuôn mặt đượm buồn nhưng đôi mắt rất thông minh của anh ấy. Vậy thì đúng là anh ấy bị mất cắp rồi ! Làm sao bây giờ ? Phải giúp anh ấy chứ ! Biết đâu anh ấy cũng về tỉnh X nhận công tác như chúng mình !
Lan nói : 
- Mình cũng nghĩ vậy ! Nhưng làm thế nào bây giờ ? 
Cúc, cô gái khỏe mạnh, xin xắn, tươi trẻ với mái tóc xõa ngang vai khẽ nhíu mày, cắn môi vẻ suy nghĩ rất lung rồi nói dằn từng tiếng : 
- Thế này nhé : Lan cứ đến Sở giáo dục trình diện trước đi, nói là mình sẽ đến sau ! Dồn tiền sang đây cho mình ! Mình sẽ xuống ga bảo lãnh cho anh ấy ! Nhất định phải được !...
Cúc nhanh chóng thu gọn hành lý của mình, giao cho Lan giữ rồi chạy xuống sân ga. Bóng Cúc thoáng cái đã lẫn vào đám đông ồn ào của sân ga !...

Hai cô gái có tên Lan và Cúc ấy là ai vậy mà lại có lòng hào hiệp như vậy ? Đó là Lê Thu Lan và Phan Thị Thủy Cúc. Thu Lan và Thủy Cúc cùng tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng vào Tây Nguyên nhận công tác trên chuyến tàu Liên vận Hà Nội – Tây Nguyên này. Nhưng hai cô gái, hai cảnh ngộ khác nhau, có thể nói là trái ngược nhau. Phan Thị Thủy Cúc là con một cán bộ cao cấp. Nếu cứ theo tình hình Hà Nội lúc đó thì Cúc chẳng cần phải lo lắng chi hết và số phận đã dành sẵn cho cô một con đường thênh thang đầy hoa thơm trái ngọt, nếu cô muốn . Ngay cả chuyện học hành , cô có thể không cần thi cũng đỗ, muốn có bằng tiến sĩ cũng dễ như kiếm một cái vé xem tuồng chèo ! Ra trường, muốn làm việc ở đâu tùy thích và vào cơ quan nào cũng vậy, muốn làm gì thì làm, muốn chơi thì chơi ! Nhưng , Cúc không muốn đi trên con đường trải sẵn nhung lụa đó. Cô muốn tự mình đi tìm một cuộc sống bình dị và có ý nghĩa. Cô đã không ở Hà Nội như bao con ông cháu cha khác mà xung phong đi Tây Nguyên với ý nghĩ : tránh xa quyền lực của người bố có thể làm lu mờ giá trị thực của người con ! Mặt khác, cô cũng muốn đi đến một chân trời xa, một vùng đất mới, như bao đứa bạn tuổi trẻ lãng mạn của cô thường vẫn suy nghĩ, ở đó sẽ có nhiều điều mới lạ, thú vị !...Còn Thu Lan là một cô gái thôn nghèo . Cả làng cô chỉ có hai ba người vào đại học. Vì thế cô là niềm tự hào của cả dòng họ. Vì thế cô phải ở Hà Nội bằng mọi giá để người làng cô còn có thể tự hào mà nói với người làng bên rằng : “Cô giáo Thu Lan đang dạy học ở thủ đô là người làng tôi đấy !”. Vì thế, cuộc “chạy” cho Thu Lan ở lại Hà Nội đã được các bậc cao mưu nhất của làng lo liệu ngay từ năm cô học năm thứ nhất. Song, tất cả các mẹo mực, kế sách của các quân sư quạt mo làng cô đều thất bại vì Thu Lan chưa đủ xinh đẹp khả dĩ khiến cho một vị lang quân nào đó liều chết chạy cho cô được ở Hà Nội, vì mẹo thì hay nhưng làng cô nghèo quá, có mấy nơi người ta chỉ đòi cái giá “hữu nghị” là một cái xe Diamant nguyên hộp mà cũng không có đủ (Bố cô đã đi vận động quyên góp cả làng mới được bảy phần cái xe Diamant. Đến khi dốc hết gia tài, cả chổi cùn rế rách bán gom được đủ tiền thì người ta trả lời đã có người khách nhảy vào chỗ ấy mất rồi !). Thất bại không thôi đã nhục, đằng này đến phút chót,Thu Lan lại gặp phải thằng đểu, nó lừa cô, vừa cuỗm cái Diamant, vừa cuỗm đi cả đời con gái của cô ! Thu Lan uất quá định uống thuốc tím tự tử ! May mà Cúc kịp biết được, cứu Thu Lan, gửi về cho bố cô hai cái Diamant và rủ cô đi Tây Nguyên !...


Chương 3

Trong khi Trần Nhân Đức đang say sưa bí tỉ với cái ngày ra mắt của Công ty khai thác rừng , trong khi Trần Duy Nhất đang bị giam cùng với bọn lưu manh trộm cướp ở ga Đà Nẵng , thì ở Sài Gòn, trong một biệt thự vắng vẻ trên đường Trương Minh Giảng , Trần Thị Hiền Lương đang lâm vào một tình thế không kém phần hiểm nghèo !

Ông bố nuôi của Hiền Lương – một chủ thầu gỗ cỡ lớn – đã di tản, để lại cho cô một cái biệt thự rộng mênh mông, trống vắng. Suốt một tuần nay, ngày ngày Hiền Lương phải đến trụ sở Phường để học tập và tham gia lao động công ích, đại loại là lao động dọn dẹp đường phố và các trụ sở của phường , quận. Đã mấy lần, Hiền Lương nghe mấy cô văn thư của Ủy ban Phường nói : “Chị hên lắm đó nghe ! Được ông chủ tịch phường bảo lãnh đó, chớ không đã đi cải tạo tập trung rồi ! Ông chủ tịch nói với tụi em là : Chị tuy là ca sĩ phòng trà thời Mỹ ngụy, lại là vợ sĩ quan cảnh sát ngụy, nhưng bản chất chị là hiền lành, thực thà, lại đang có con nhỏ mới bốn năm tuổi, nên được miễn tập trung cải tạo ! Ông chủ tịch phường còn nói : nếu chị cải tạo tư tưởng tốt, ông sẽ bố trí chị vào làm công tác tuyên truyền văn nghệ ở Ban thông tin phường ! Hên quá còn gì !”. Một cô khác lại nói : “Nhà của chị thuộc diện tư sản, đáng lẽ bị tịch thu rồi ! Nhưng ông chủ tịch phường bảo lãnh đó. Ông nói : chị sẽ được tuyển vào đội văn nghệ xung kích của Ban thông tin Phường , rồi chị sẽ trở thành ca sĩ cách mạng, lúc đó Ủy ban phường sẽ chính thức xác nhận quyền sở hữu ngôi nhà ấy cho chị ! Còn bây giờ ấy à, ông chủ tịch nói cho chị mượn đó!”..Nghe những lời nói ấy cùng với những cái nhìn, nụ cười bóng gió, Hiền Lương thấy rùng mình khi nhớ lại mỗi khi nhìn thấy cô, dù mắc bận công việc tới đâu, ông chủ tịch phường cũng hỏi thăm cô rất ân cần, có phần âu yếm và ông không giấu nổi ánh mắt thèm muốn mỗi khi nhìn theo cô !... Và rồi, nỗi lo sợ ám ảnh ấy đã thành sự thật, khi sáng nay, gặp Hiền Lương đang rửa tách ly ở văn phòng ủy ban, ông chủ tịch đã nói : “Cô Hiền Lương ! Từ nay cô không phải làm lao công tạp vụ nữa ! Tôi đã quyết định lấy cô vào Ban thông tin Phường . Cô về nghỉ ngơi và viết lại bản lý lịch và tự kiểm điểm đi ! Tối nay, tôi sẽ đến làm việc cụ thể với cô !...” . Hiền Lương như thấy ù tai khi bắt gặp ánh mắt khác thường của ông chủ tịch. Cô luống cuống thu dọn tách ly rồi phóng một mạch về nhà, đóng sập cửa nằm vật xuống giường, tim đập muốn vỡ lồng ngực !...Những giấc mơ lộn xộn thi nhau hiện về, đi lướt qua đầu cô như những cuốn phim không đầu không cuối…Con sông quê hương ban ngày nước trong xanh, ban đêm nước đỏ như máu, tuổi thơ của cô như đang bồnh bềnh trên dòng nước, cô cố bơi nhưng chân tay như bị chuột rút, cứng đờ !...Bến đò làng Dạ Huyết, cuộc đấu tố ồn ào, tiếng hô “Đả đảo” inh tai, thằng anh sinh đôi với cô thắt “xanh-tuya” bằng dây chuối, đeo súng ngắn bằng gỗ, cầm gậy gõ vào đầu ông Hiền với những tiếng nói chói tai !...Bố cô (ông Hiền) ho vọt máu lên trời rồi chết trên tay những người dân…Nhốn nháo, nhộn nhạo, Hiền Lương cố vùng chạy thoát khỏi đám người nhốn nháo đó, nhưng chân cô khụy xuống, ngã xấp mặt xuống bãi cát, bãi cát thấm đỏ máu bố cô !...Rồi có một ông tiên râu tóc bạc phơ, dắt cô đi giữa những đám mây trắng xốp, cô nhìn thấy có rất nhiều em nhỏ như cô đang líu ríu dắt nhau đi học, áo dài trắng bay phất phơ như mây trắng !...Có con chim họa mi đêm đêm đậu trên cửa sổ hót cho Hiền Lương nghe những bản nhạc êm ái, nhưng sao mà buồn vậy ?...Ồ ! Con chim họa mi lại biết hát tiếng người : “Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi sông chiều lạnh vắng ? Nếu vắng anh …”…Rồi con chim họa mi ấy bị nhốt trong lồng, con chim họa mi ấy trở thành ca sĩ phòng trà…Đêm đêm, có một chàng trai phúc hậu, trong sắc phục sáng trắng, âm thầm say sưa ngồi nghe chim họa mi hát những bài hát buồn, chỉ thấy chia ly và đẫm lệ. Thỉnh thoảng chàng sĩ quan thở dài rồi lặng lẽ ra về…Một lần, chàng sĩ quan đã theo xe của chim họa mi, chỉ nhìn từ xa mà không nói, nhưng ánh mắt chàng như những lời hát buồn ! Một bọn cướp chặn xe của họa mi, chúng xuất hiện như những con diều hâu, cánh đen xì, móng vuốt nhọn hoắt ! Những con diều hâu cắp họa mi chực bay đi thì một chim đại bàng xuất hiện, mắt đại bàng rực sáng, đôi cánh căng gió! Đại bàng lao vào đánh tan xác lũ diều hâu!...Cô gái như đang ngủ trên dòng sông xanh êm trôi, không một tiếng động. Cô gái đang ngủ yên thì có một bàn tay đầy lông lá vồ lấy bộ ngực trinh trắng của cô gái, giật xé đi những mảnh áo trắng trong! Bộ mặt của con quỷ cũng đầy lông xuất hiện, nó sà xuống bầu vú căng tròn của cô gái! Đúng lúc đó, một chàng dũng sĩ cầm cây rìu thần xuất hiện, chàng vung rìu lên, cái đầu con quỷ đầy lông lá vỡ tan như tro bụi, bị gió cuốn phăng đi!... Chàng dũng sĩ lại xuất hiện với bộ sắc phục cảnh sát trắng tinh, một tay cầm dùi cui hươi hươi trên đầu, một tay cầm mìn tự động nhét vào gầm xe Jeep của bọn sĩ quan Mỹ. Chiếc xe Jeep phóng vút đi, xé rách mặt đường, nhưng được một quãng, chiếc xe nổ tung!...

**
Hiền Lương giật mình tỉnh dậy, cô thở dốc, mồ hôi đầm đìa. Cô vừa định thần trở lại và nhận ra có tiếng đập cửa rầm rầm, và có tiếng la của thằng Lượng:”Má! Mở cửa! Má!...”. Hiền Lương vội vùng dậy, chạy ra mở cửa. Thằng bé năm tuổi ào vào, ôm chầm lấy mẹ nó, hai bàn tay bé nhỏ của nó sờ lên mặt, lên tóc mẹ nó rồi vừa khóc mếu máo vừa nói:
- Má! Ai làm gì má mà sao má la hét dữ vậy?
Hiền Lương vội ôm lấy con, bế nó vào, nói:
- Đâu có! Má đang ngủ đấy chứ, có la hét gì đâu?
- Đúng rồi! Con đang chơi với dì Tư, thấy tiếng má la hét rất lớn. Con vội chạy lên đây…Má làm sao thế?
- À, vậy thì má ngủ mê nói sảng đó. Không sao đâu con!
- Con chỉ sợ có ai làm gì má, con phải đến cứu má chứ!
- Ôi, con của má giỏi quá! Vậy con sẽ làm gì để cứu má nào?
- Con sẽ lấy con dao chặt thịt của Dì Tư chặt bể đầu nó !
- Ôi ! Sao con lại nghĩ thế ? Nó là ai ?
- Nói là con quỷ có râu ấy. Mấy đêm rồi, con đều nằm mơ thấy có một con quỷ có râu đến định ăn thịt má !...
Hai mẹ con đang líu ríu nói chuyện với nhau thì Dì Tư, người giúp việc nội trợ trong nhà Hiền Lương từ ngày mới sinh thằng Lượng, bước vào nói nhỏ :
- Cô Hai, có khách đến ! Hình như là ông chủ tịch Phường ?
- Dì mời ổng vô phòng khách và nói đợi tôi chút xíu ! – Hiền Lương đặt con xuống đất và nói – Con đi chơi với Dì Tư để má tiếp khách nghe con !
Thằng Lượng bước ra, cầm tay dì Tư rồi còn quay lại, nói :
- Khi nào thấy thằng quỷ có râu má kêu con nghe !...

**
Cuộc nói chuyện của ông chủ tịch phường với Hiền Lương đã đi qua cái phần xã giao vòng vo Tam quốc. Đã đến lúc ông chủ tịch thấy rằng phải nói toạc móng heo những gì cần nói với người thiếu phụ mà ông say đắm nhưng thấy kín như bưng này.
- Cô Hiền Lương à ! Tôi muốn nói chuyện nghiêm chỉnh với cô !
- ! ?
- Tính tôi là nghĩ sao nói vậy ! Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của cô ! Cô là người có nhan sắc, có tài mà phải lâm vào những cảnh ngộ éo le !...
- Tôi xin cám ơn ông chủ tịch ! Tôi chịu đựng được !
- Ấy ! Cô đừng gọi tôi là ông chủ tịch ! Lúc làm việc ở ủy ban mới gọi như vậy. Tôi còn trẻ, chưa tới bốn mươi tuổi. Cô cứ gọi tôi là anh Ba Cứ . Đó là cách gọi thân mật vì tôi vốn hoạt động lâu năm trong căn cứ mà ! Cô cho tôi xưng anh nhé !...
- …
- Hiền Lương à ! Em có biết không, người ta định bắt em đi cải tạo tập trung đó ! Người ta lại định tịch thu ngôi nhà này của em nữa ?
- Thưa ông chủ tịch, vì sao vậy ?
- Ấy, tôi đã nói đừng gọi tôi là ông chủ tịch mà ! Em biết người ta nói sao không ? Ngoài chuyện ông bố nuôi của em là tư sản ra, ngoài chuyện chồng cũ em là sĩ quan cảnh sát ngụy quyền ra, người ta đã điều tra ra em còn là chỉ điểm trong thời gian em hát trong các câu lạc bộ quân đội ngụy đó ! Nhưng anh đã bảo vệ em vì nghĩ không bao giờ em lại đi làm cái việc tay sai hèn hạ đó !
- Thưa ông chủ tịch ! Thế là người ta nhầm tôi với ai rồi đó. Tôi biết gì mà chỉ điểm ? Chẳng những thế , khi biết chồng tôi là cơ sở bí mật của đội biệt động , tôi còn giúp anh ấy nhiều việc lắm ! Chẳng hạn như liên lạc, chuyển vũ khí …
- Tôi cũng đã đọc những điều cô khai như vậy trong hồ sơ lý lịch . Nhưng tôi đã cho người đi thẩm tra, những đồng chí hoạt động nội thành cũ đều không biết chồng cô hoạt động cho nhóm nào cả ! Làm sao mà cô chứng minh được điều đó ?
- Ôi !...Anh Hùng Bắc kỳ, chị Tâm Chợ Lớn, chú Năm xích lô…Mọi người đều hy sinh cả ! Chẳng lẽ chồng tôi hoạt động với những người ấy, không ai biết nữa sao ? Còn chồng tôi ! Ơi anh Cát ơi, sao anh không sống lại mà minh oan cho vợ anh ? Vợ anh bị người ta vu cho là chỉ điểm đây này !...
Hiền Lương nói đến đó thì khóc nấc lên, thổn thức. Chủ tịch phường Ba Cứ lúng túng không biết làm sao, đành đi lại hút thuốc chờ cho Hiền Lương dịu cơn khóc mới nói :
- Thôi được ! Đó là anh nói người ta nghi cho em như thế ! Còn anh, anh tin những điều em nói. Anh sẽ tìm cách chứng minh với họ và đem sinh mạng chính trị của anh ra bảo lãnh cho em !
- Cám ơn ông ! Tôi sẽ đền ơn ông !...- Hiền Lương nghe nói vậy thì đã vơi đi nỗi uất ức khổ đau – Ông muốn gì, tôi sẽ trả ơn ông xứng đáng !
- Ấy chớ ! Em chớ có nói ơn huệ gì ! Anh làm việc này vì quí em, thương em mà thôi !...Em có biết rằng từ lâu anh đã đem lòng thương em mà không dám bộc lộ với em không ?
- Cám ơn ông ! Em xin ông !...Em còn nặng duyên nợ với chồng em lắm ! Em đã thề sẽ ở vậy nuôi con anh ấy khôn lớn !...
- Hiền Lương à ! Em nghĩ vậy là không thương người đã khuất đâu ! Thằng nhỏ Lượng nó cần có bố ! Em còn trẻ, chẳng lẽ em lại chôn vùi đời người con gái trong cô đơn như vậy ? Hơn nữa, anh nói thật lòng nhé : chỉ có cưới em, anh mới có thể bảo vệ em được ! Còn nếu không thì … người ta sẽ bắt em đi cải tạo !

Hiền Lương bỗng thấy rùng mình, ớn lạnh ! Trong đầu cô như có tiếng thác đổ ầm ào !...Cô nhắm mắt lại, ôm mặt, thác Cam Ly Đà Lạt như đang hiện ra…Những ngày ái ân thần tiên của tuần trăng mật như hiện về…Tiếng thác đổ như muốn át đi những lời tâm tình nồng cháy của đôi vợ chồng trẻ : anh sĩ quan cảnh sát Nguyễn Gia Cát và cô ca sĩ Hiền Lương … “Anh Cát ! Thác nước đẹp quá ! Ước gì em được hóa thành thác nước !”; “Nếu em là thác nước, anh sẽ hóa thành đá tảng cho thác em dội vào !”; “Ôi ! Nếu vậy anh sẽ vỡ tan thành muôn mảnh còn gì ! Thôi, em chẳng hóa thành thác nước nữa ! Em sẽ là…là gì bây giờ ?”; “Là vợ anh chứ còn là gì ? À này, em thích đặt tên con là gì ?” Tùy anh ! Nhưng tên con chúng mình phải từ tên em và anh cộng lại ! Tên con trai phải sáng như sao trên trời , tên con gái vang lên lòng nhân ái ! Anh có nghĩ ra không ?”; “Thế này nhé : Cái tên ấy có thể đặt cho cả con trai và con gái mà vẫn đúng với yêu cầu của em, “Lờ…ương…Lương…nặng…Lượng ! Có được không em !”; “Ôi ! Anh của em thông minh quá ! Sao anh nói trúng cả ý nghĩ của em ! Ôi ! Em ước nó thông minh tài trí như Gia Cát Lượng và nhân từ, độ lượng như…”; “Như em được không ?”… Thế rồi hai thân thể, hai con tim như hút cuộn vào nhau, như bay lên cùng với tiếng vọng của thác đổ…Hiền Lương bừng tỉnh, giật mình kinh hoàng khi thấy mình đã bị ông chủ tịch phường đè xuống cái ghế sa-lon từ bao giờ, ông ta đang rúc mặt vào cổ, vào ngực cô và đang vội vã kéo quần cô xuống! Cô bỗng thét lên và muốn vùng dậy nhưng thân hình béo mập của ông chủ tịch Phường đang cố đè chặt cô xuống!...
Cả Hiền Lương và ông chủ tịch Phường đều không biết rằng, vừa nghe thấy tiếng kêu thất thanh của mẹ, thằng Lượng đã cầm con dao chặt thịt của Dì Tư chạy như bay lên phòng khách. Vừa vào phòng, nhìn thấy ông chủ tịch phường đang đè mẹ nó, thằng Lượng hét lên rồi chạy tới, hai tay cầm cán dao, bổ xuống đầu ông chủ tịch phường!...

**
Bến xe Xa Cảng Miền Tây ồn ào, rối loạn như ong vỡ tổ. Tuy thế, tiếng hát của người mù hát rong vẫn vang lên như muốn át đi những âm thanh hỗn độn kia:”Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”. Thằng Lượng, một tay nắm chặt tay Dì Tư, một tay túm gấu áo mẹ nó, chạy lon ton trong đám người nhốn nháo ấy. Nghe thấy tiếng hát, thằng Lượng hỏi dì Tư:
- Dì Tư ơi, tại sao người ta lại hát về hạt bụi? Hạt bụi nhỏ li ti ấy phải không?
- Rồi lớn lên con sẽ hiểu hạt bụi là gì! …Con cũng là một hạt bụi, dì Tư cũng là một hạt bụi. Mỗi người là một hạt bụi! Chúng ta sinh ra từ cát bụi!
- Ứ, không phải! Hạt bụi nó đang bay lung tung kia kìa. Đó, nó đã chui vào mắt con rồi nè!...
Thằng Lượng đứng lại dụi mắt. Nó bị một người đụng phải suýt té nhào nếu dì Tư không nhanh tay kéo nó lại và bế xốc lên. Hiền Lương lầm lì không nói, cô cắm đầu bước gấp về phía góc bến xe có tấm biển đề chữ “Nơi đậu xe đi Tây Nguyên”.
Khi chiếc xe ca đã chạy khuất khỏi cổng bến xe, dì Tư giật mình kinh hãi với cái cảm giác như đang đứng giữa một khu rừng hoang vắng!...Trước mặt dì Tư, một đám mây đen bỗng vun vút bay tới! Vừa bay, đám mây vừa vặn vẹo rồi biến thành hình người, có cái mặt giống như ông chủ tịch phường. Đám mây ông chủ tịch phường mồm phụt ra khói đen xì vào mặt dì Tư! Tuy vậy, dì Tư vẫn nhìn thấy đám mây ông chủ tịch phường ấy rẽ ngoặt về phía chiếc xe ca chở hai mẹ con Hiền Lương. Thằng Lượng nhìn thấy đám mây, nó dơ dao chém, nhưng đám mây cuốn lưỡi dao biến mất! Hiền Lương nhìn thấy đám mây thì rú lên kinh hãi, bế thốc thằng Lượng rồi vùng chạy, chạy mãi…bỗng cả hai mẹ con hóa thành hai hạt bụi bay vút lên một vì sao nhấp nháy. Tức thì vì sao nổ tung!...
Dì Tư giật mình bừng tỉnh khi bị một chiếc xe thồ xô ngã nhào xuống mặt đường. Dì Tư chưa kịp đúng lên, một chiếc xe tải lao vút tới và phanh két cháy mặt đường, chỉ cách dì Tư một mét. Người lái xe thò cái đầu trọc lốc ra khỏi ca-bin, chửi thề:”Đù má ! Bà già khùng muốn chết hả?”. Dì Tư thấy đau nhói trong ngực, rồi gục xuống mặt đường. Mọi người xúm lại. Một bác xích-lô vực dì Tư lên xe, tính chở tới bênh viện. Nhưng đi được một đoạn, dì Tư nói:
- Chở tôi đến đồn công an!
- Sao, bà khùng thật đấy hả?
- Chở tôi đến đồn công an! – Dì Tư la lên – Tôi là kẻ giết người! Tôi đã chém chết ông chủ tịch phường!...
Bác xích lô nghĩ rằng dì Tư bị ngã xuống đường, đau quá nên bị mê sảng. Vì thế, bác cắm cổ đạp tới bệnh viện…

Hai ngày sau, trên các báo đã đăng lệnh truy nã tội phạm Thị Hiền Lương. Hai ngày sau nữa, có một số người biết mặt dì Tư thì thấy dì đang lang thang trên đường, luôn mồm nói:”Tôi là kẻ giết người! Tôi còn giết nữa! Tôi sẽ giết cái đám mây đen mặt người!...”. Thi thoảng, người ta lại thấy dì Tư hát:”Hạt bụi bé tí be ti –Bụi ơi bụi hỡi bụi đi đường nào – Bụi bay lên tít vì sao – Bụi ơi bụi hãy bay vào tay tôi…”.
Dì Tư đã trở thành người điên. Dì đi lang thang khắp thành phố, vừa đi vừa hát những câu không đầu không cuối. Không ai biết dì Tư là ai, ăn ở đâu, ngủ ở đâu và hầu như không ai bận tâm đến những người điên bụi đời như thế. Nhưng có một người biết dì Tư rất rõ, biết từ cái thời dì Tư còn là một cô gái xinh đẹp nhất làng, nười ấy là ông Tám Cụt, đạp xích lô dạo.
Dì Tư quê ở Lái Thiêu, cái vùng nổi tiếng với những vườn cây măng cụt thật là ngoạn mục. Khi Dì Tư đến tuổi yêu đương, anh thợ làm vườn Tám Phú Quốc đã lọt vào mắt xanh của cô Tư. Mối tình của họ thật đẹp, tưởng như không có gì có thể ngăn cản nổi. Bởi vì cô Tư rất mê ca vọng cổ mà anh Tám ca bài Dạ cổ hoài lang thì mùi mẫm không ai bằng . Những đêm thanh tĩnh, cả khu vườn như lặng đi, cô Tư cũng lặng đi khi nghe anh Tám ca :

Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây xum vầy
Duyên sắt cầm tình thương
Thiếp khấn nguyện cho chàng
Đặng chữ bình an
Sớm trở lại gia đàng
Cho én nhạn hợp đôi mới vui

Rồi đến khi anh Tám đã thiêm thiếp ngủ, anh lại nghe văng vẳng tiếng cô Tư hát như gần như xa : “Đêm thiếp nằm luống những sầu tây !...”. Và mặc dù đã mơ màng , mồm anh Tám vẫn lẩm nhẩm hát nhịp : “Tồn xê cống xê là hò -…là xự cống xê xang hò – Xê líu xừ xang hò xừ xang …” Nhưng, cuộc tình sao mà lắm trái oan ! Khi đám cưới chuẩn bị tiến hành thì có một ông thầy tướng nói với anh Tám :
- Anh Tám này ! Anh với cô Tư thật là trai tài gái sắc ! Nhưng, tôi nói cho anh biết, cô ta có tướng “sát phu”, anh mà cưới cô ta, anh sẽ bị chết bất đắc kỳ tử !
Anh Tám nghe mà rợn tóc gáy ! Anh vốn mê tín và cuộc đời bôn ba lưu lạc gian truân càng làm cho anh tin vào tướng số ! Anh đã nghe người ta kể về những người lấy phải vợ có tướng “sát phu” đã bị chết bất đắc kỳ tử thật làm thảm thương !... Lão thầy tướng lại lải nhải :
- Anh có tướng nhờ vợ, vậy phải lấy người nào có tướng “vượng phu ích tử” mới mong yên ấm. Để rồi tôi sẽ làm mai cho anh một người như ý. Còn cô Tư, vợ đẹp là vợ người ta, anh đừng có ham mà chết không kịp hối !...
Nghe thầy tướng nói vậy, anh Tám buồn nẫu ruột. Nhưng đến khi gặp lại cô Tư, anh Tám lại nghĩ : mình mà không lấy được cô Tư, chắc không thể sống nổi !...Và thế là anh quyết xin cưới bằng được, có vì cô Tư mà chết thì cũng thỏa nguyện ! Nhưng , đúng lúc anh đang lo sắm lễ cưới thì bị bắt lính gấp, không được chậm trễ một ngày ! Anh Tám đành nuốt hận mà ra đi ! Cô Tư cũng khóc hết nước mắt mà thề chung tình đợi ngày anh trở về !...Đêm đêm, cô Tư cất tiếng hát não nề những câu ca mà cô đã học được ở anh, mong anh ở nơi xa nào đó nghe được mà hiểu thấu nỗi lòng cô : 
“Từ là từ phu tướng
Kiếm báu sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Gan vàng quặn đau…”

Nhưng anh Tám nào có nghe được những lời ca nhớ thương đó. Anh bị điều lên tận Tây Nguyên xa lắc làm cho cô Tư ở nhà mất bặt tin anh !...Gia đình cô Tư ép cô lấy chồng , một nhà gia thế. Cô không chịu, bỏ trốn lên Sài Gòn đi tìm anh Tám vì cô nghe nói anh đã bị thương và đang sống lang thang vất vưởng .Nhưng , cô Tư tìm hoài mà chẳng thấy người tình của mình đâu. Tuyệt vọng , cô đã nhảy xuống sông Sài Gòn tự vẫn. Song số phận chưa cho cô chết, cô đã được bố nuôi của Hiền Lương cứu sống và cô ở đợ luôn cho ông…
Ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy người đàn bà điên đang lang thang trên đường, ông xích lô Tám cụt (là anh Tám Phú Quốc giỏi ca vọng cổ năm xưa) đã nhận ra ngay đó là cô Tư Lái Thiêu chứ không phải ai khác ! Ông Támđã âm thầm “hộ tống” người tình xưa của mình mà đau khổ bất lực ! Có lúc ông đã tính chuyện đi học nghề thuốc để chữa trị cho bà nhưng gặp ông thầy nào, ai cũng nói là không thể chữa khỏi.
Đêm hôm ấy, sau khi đã lang thang suốt ngày, bà Tư điên đã mỏi mệt thiếp ngủ. Ông Tám cụt, theo lệ thường, lại chở bà về nằm dưới mái hiên rộng của một nhà hàng lớn trên đường Đồng Khởi. Đấy là “nhà” của họ. Lúc ấy đã hơn 2 giờ sáng . Đường phố vắng lặng . Thỉnh thoảng mới có vài người bán bánh chưng bánh giò và vài cô gái “bán hoa” đi qua. Ông Tám cụt vừa mơ màng chợp mắt thì ông bỗng nghe thấy như từ đâu vọng đến tiếng một người con gái hát bài Dạ cổ hoài lang – bài hát ruột của ông:
…Thiếp khấn nguyện cho chàng
Đặng chữ bình an
Sớm trở lại gia đàng…


Ông Tám cụt bừng tỉnh. Hình ảnh cô Tư xinh đẹp đang cùng ông hát trong vườn cây Lái Thiêu ngày nào như hiện về rõ mồn một trước mắt ông. Ông rụi mắt, ngỡ giấc mơ. Nhưng những hình ảnh êm đẹp nhất ấy của đời ông vẫn hiện lên rõ ràng, và như là cô Tư đang hát cho ông nghe những câu ca thắm thiết tình nghĩa vợ chồng… Nhưng những hình anh ấy bỗng vụt biến khi trên đường xuất hiện một tốp thanh niên dân phòng, tay cầm gậy vừa đi vừa nện cộc, cộc xuống mặt đương yên tĩnh. Khi đi ngang qua chỗ ông Tám cụt và bà Tư điên đang nằm, một người trong tốp dân phòng cười ré lên rôi “đổ xuống” một câu vọng cổ săc mùi rượu:”Em ơi em…Dù cho em thân tàn ma dại, đầu bạc răng long, điên điên khừng khùng… thì anh vẫn quyết theo em, yêu em đến cùng!...” Cả tốp dân phòng hưởng ứng cười sặc sụa. Ông Tám cụt giận muốn trào máu, muốn tung cái chân còn lại đá vỡ mặt mấy thằng kia, nhưng ông đã kịp nénlòng khi thấy bà Tư thốt ngồi dậy, nhìn bốn phía rồi nhìn ông rất lạ… Ông Tám có cảm giác như bà Tư đã nhận ra ông của thời trai trẻ nhưng không nói ra được? Rồi bà đột ngột ngất xỉu như khư bà đột ngột tỉnh dậy!...
Nhìn bà Tư tiếp tục thiếp ngủ, ông Tám cụt đau nhói trong tim, những giọt nước mắt hiếm hoi của ông trào ra từ bao giờ!...Không biết từ lúc nào, ông Tám đã cất giọng ca bài Dạ cổ hoài lang… Ông Tám biết lắm, mỗi câu chữ trong lời ca là nỗi đau buồn của những kiếp người khổ ải mà cái ông nhạc sĩ Cao Văn Lầu ấy đã viết ra được thành những lời ca này! Và ông thấy,trong lời ca đó có cả cuộc đời mình với những tâm tư nặng trĩu!...
Ông Tám cụt đã hát bài Dạ cổ hoài lang ấy không biết bao nhiêu lần. Tâm trí ông như mê đi, như trôi theo tiếng nhạc lời ca lãng đãng mây bay. Chính vào những phút giây đó, ông Tám cụt đã không biết được rằng bà Tư đã tỉnh dậy và hát theo ông : 
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Gan vàng quặn đau…


Không ai có thể tin nổi rằng bà Tư đã khỏi điên khi thấy ông Tám cụt và bà Tư sống với nhau rất hòa thuận, êm ái trong một ngăn xép nhỏ ở cái hẻm sâu trên đường Tôn Thất Đạm. Câu chuyện về bà Tư điên sau khi gặp lại người tình xưa đã khỏi điên khiến người ta phì cười vì cái sự huyền diệu của ái tình. Nhưng , khi biết bà Tư là người có liên can đến vụ cái chết của ông chủ tịch phường nọ thì người ta bắt đầu nghi vấn : liệu có phải bà Tư giả điên để hòng che đậy tội giết ông chủ tịch phường ? Bà Tư chính là thủ phạm hay thủ phạm là Trần Thị Hiền Lương như đã thông báo ? Và, một số người đã bắt tay vào điều tra lại vụ án…
Như linh cảm được sự bất an đang rình rập xung quanh mình, một hôm bà Tư nói với ông Tám :
- Ông Tám à ! Tôi tính phải đi khỏi đây ! Tâm trạng tôi luôn thấp thỏm. Mà ông biết không , tôi nhớ mẹ con nó quá chừng !
- Tôi cũng thường nghĩ đến mẹ con cô Hiền Lương chứ đâu phải riêng bà ! – ông Tám trầm ngâm – Tôi tính thế này bà nghe có được không ? Bọn mình già rồi, sắp chết rồi, sống dăm bữa nửa tháng cũng được. Nhưng mẹ con cô Hiền Lương không thể sống cực khổ nơi rừng núi như thế được. Tôi muốn dành những ngày tháng cuối cùng này chăm sóc thằng Lượng. Cả đời tôi đã biết nuôi con là thế nào đâu ?
- Nhưng biết mẹ con cô ấy ở chỗ nào bây giờ ? Tây Nguyên rộng lắm, rừng núi bạt ngàn biết đâu mà tìm ? Sức ông và tôi đều yếu cả rồi !... – bà Tư rưng rưng nước mắt…
Mặc dù không biết mẹ con Hiền Lương giờ ở đâu, nhưng ông Tám và bà Tư vẫn nhất quyết đi tìm bằng được. Họ đã lặng lẽ rời khỏi căn gác xép thuê bé nhỏ để tới vùng cao nguyên xa xôi. Tuy thế, cuộc kiếm tìm của họ cũng không đến nỗi vất vả cho lắm. Nhờ đã đóng quân khá lâu ở cả Lâm Đồng , Buôn Ma Thuột và cả Pleiku, rồi Kon Tum, ông Tám đi tới đâu cũng gặp được những người quen cũ và khi nghe chuyện cuộc đi kiếm tìm đó của hai ông bà già, họ đều xúc động và nhiệt tâm giúp đỡ cả về ăn ở và hỏi thăm tin tức của hai mẹ con Hiền Lương . Hai người có tìm thấy mẹ con Hiền Lương hay không ? Đó là một câu hỏi thật khó trả lời !...

... CÒN TIẾP ...

Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: Newvietart.com

1 nhận xét: