Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Tản Đà...- Đỗ Ngọc Thạch


TẢN  ĐÀ - THI  SĨ CỦA  HAI  THẾ  KỶ
ĐỖ NGỌC THẠCH
Trong bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà in ở đầu cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, có đoạn: “…Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa... với chúng tôi, tiên sinh vẫn là một bậc đàn anh... Tiên sinh còn giữ được của thời trước cái phong thái vững vàng, cái cốt cách ung dung... Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 với tấm lòng bình thản một người thời trước... những cảnh éo le thường phô bày ra trước mặt không làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng phu…”. Cho dù cái không khí khai hội Tao Đàn có náo nhiệt đến đâu thì cũng không vì thế mà Hoài Thanh quá cao hứng để giành cho Tản Đà những lời khen tặng danh giá nhất, gọi ông là con người của hai thế kỷ và trích đăng tới hai bài thơ của Tản Đà để mở màn cho Hội Tao Đàn Thơ Mới, đó là bài Thề non nước và bài Tống biệt! Quả là Hoài Thanh có “Con mắt xanh” khi đánh giá Thơ Mới và thơ Tản Đà.
Ngô  Tất Tố (1894 - 1954), một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nhà nghiên cứu văn hóa lớn,- hơn Tản Đà những 5 tuổi nhưng đã khởi nghiệp bằng việc “phò tá” Tản Đà ở tờ An Nam Tạp chí từ ngày đầu (1926). Sau khi An Nam Tạp chí đình bản (lần thứ nhất, vì thiếu tiền), Ông Đầu Xứ Tố lại “tháp tùng” Tản Đà vào Sài Gòn, cùng “lăn lộn” với Tản Đà gần ba năm trời mà không làm nên “cơm cháo” gì nên ông lại trở ra Hà Nội, tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn... với 29 bút danh khác nhau như : Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ... Ông Tố chuyên tâm vào văn xuôi và đã thành công lớn với tiểu thuyết Tắt đèn - khai mở dòng văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930-1945. Tôi phải vời cụ Đầu xứ Tố ra khi đang nói về Tản Đà bởi cụ là nhân chứng đáng tin cậy nhất về Tản Đà không chỉ vì cụ là người bạn viết thân thiết của Tản Đà mà còn vì kiến văn sâu rộng. Hãy đọc lại nhận định của cụ Tố về Tản Đà, sau khi Tản Đà “về trời”: “Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại. Trong cái trang Thi sĩ của cuốn Việt Nam văn học sử này, dẫu sao mặc lòng, ông Tản Đà vẫn là một người đứng đầu của thời đại này”(Ngô Tất Tố: Tản Đà ở Nam Kỳ - Tao Đàn, 1939).
Qua nhận định của Hoài Thanh và Ngô Tất Tố về Tản Đà, ta có thể nói Thơ là cái làm nên tên tuổi Tản Đà. Vì thế trong bài viết này, chúng tôi xin tập trung sự chú ý vào Thơ Tản Đà.
Tản Đà (1889 - 1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo “có một không hai”.Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác:

“Vùng đất Sơn Tây nảy một ông
Tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng
Sông Đà núi Tản ai hun đúc?
Bút thánh câu thần sớm vãi vung!...

(Tự trào)

Và với bài thơ Thề non nước, ta có được một hình ảnh đẹp về một nhà thơ của Non Tản sông Đà: tình quê hương xứ sở chính là nguồn mạch vô tận của cảm hứng sáng tạo:

-Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại, non còn đứng  không.
-Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã dầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
-Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
-Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề!

(1920)

Tản Đà sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha Tản Đà là Nguyễn Danh Kế, thi đỗ cử nhân, làm quan cho triều Nguyễn đến chức Ngự sử trong Kinh. Ông Kế là người phong lưu tài tử, thường lui tới chốn bình khang và quen với bà Lưu Thị Hiền ở phố. Bà Lưu Thị Hiền có nghệ danh Nhữ Thị Nghiêm, là một đào hát tài sắc ở Hàng Thao, Nam Định, bà lấy lẽ ông Kế khi ông làm tri phủ Xuân Trường. Bà là người hát hay, có tài làm thơ Nôm. Tản Đà là con trai út của mối lương duyên tài tử và giai nhân này.
Năm Tản Đà lên 3 tuổi, bố mất, cuộc sống gia đình trở nên nghèo túng. Năm sau, vì bất hòa với nhà chồng, bà Nghiêm bỏ đi, trở lại nghề ca xướng. Tám năm sau, xảy ra chuyện chị ruột ông cũng theo mẹ làm nghề đó (năm Tản Đà 13 tuổi). Những sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong tâm hồn. Tản Đà hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ. Năm 14 tuổi, Tản Đà đã thạo các lối từ, chương, thi, phú. Năm 15 tuổi, ông đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây. Nhưng ba lần đi thi đều trượt: năm 1908, thi vào trường Hậu Bổ (trường dành cho con em quan lại để ra làm quan), năm 1909 và 1912 thi Hương. Tản Đà đã giải thích cái sự trượt hoài của mình :

Bởi ông hay quá, ông không đỗ
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông”.

(Tự trào)

Chính vì thế, người ta còn gọi Tản Đà là Nhà Thơ Ngông!
Năm 1913, người anh cả đã nuôi Tản Đà từ ba tuổi là Nguyễn Tài Tích mất, Tản Đà về Vĩnh Phú làm nghề báo, tờ báo ông cộng tác đầu tiên là Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh (1), phụ trách mục "Một lối văn nôm". Đến năm 1915, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Tùng, con gái một tri huyện ở Hà Đông.Cũng năm này ông có tác phẩm hay, đăng trên Đông dương tạp chí, nhanh chóng có được tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà là tên ghép núi Tản, sông Đà,và chính thức chọn con đường của một người viết văn, làm báo chuyên nghiệp suốt đời bay nhảy:

Nước rợn sông Đà con cá nhảy
Mây trùm non Tản cánh diều bay!

Từ 1916 đến 1926 là những năm tháng đắc ý nhất của Tản Đà. Năm 1916, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, gây tiếng vang lớn, đó là tập thơ Khối tình con I. Sau thành công đó, ông viết liền cuốn Giấc mộng con (in năm 1917) và một số vở tuồng: Người cá, Tây Thi, Dương Quý Phi, Thiên Thai (diễn lần đầu năm 1917 tại Hải Phòng).
Năm 1917, Phạm Quỳnh (2) sáng lập ra Nam Phong tạp chí, và bài của Tản Đà có trên tạp chí này từ số đầu tiên. Năm 1918, Phạm Quỳnh ca ngợi cuốn Khối tình con I và phê phán cuốn Giấc mộng con I, cả khen lẫn chê đều dùng những lời lẽ sâu cay, biến Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Từ 1919 tới 1921, Tản Đà viết một loạt sách, truyện thì có Thần tiền, Đàn bà Tàu (1919); sách giáo khoa, luân lý thì có Đài gương, Lên sáu (1919), Lên tám (1920), thơ thì có tập Còn chơi (1921). Thời kỳ này ông quen với một nhà tư sản nữa là ông Bùi Huy Tín (3), cùng nhau du lịch khắp Bắc, Trung kỳ và làm chủ bút Hữu thanh tạp chí một thời gian.Năm 1922, Tản Đà thành lập Tản Đà thư điếm (sau đổi thành Tản Đà thư cục), đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông.Tại đây đã in hết những sách quan trọng trong sự nghiệp của Tản Đà: Tản Đà tùng văn (tuyển cả thơ và văn xuôi, trong đó có truyện Thề Non Nước, 1922); Truyện thế gian tập I và II (1922), Trần ai tri kỷ (1924), Quốc sử huấn nông (1924), và tập Thơ Tản Đà (1925). Ngoài ra thư cục này còn cho xuất bản sách của Ngô Tất Tố, Đoàn Tư Thuật.
Năm 1926, Hữu Thanh tạp chí đình bản, Tản Đà cho ra đời An Nam tạp chí số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng. Sự ra đời của An Nam tạp chí, tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết, đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông.
Thời kỳ đầu làm chủ An Nam tạp chí, Tản Đà chưa thiếu thốn nhiều, ông thường đi thăm thú khắp ba Kỳ.Ông vừa làm báo vừa đi chơi do đó tạp chí An Nam cũng ra thất thường. Dần dần, ông túng quẫn, những cuộc đi là để trốn nợ hoặc giải sầu, hoặc là tìm người tài trợ cho báo. Thời kỳ này ông viết cũng nhiều, các tập Nhàn tưởng (bút ký triết học, 1929), Giấc mộng lớn (tự truyện, 1929), Khối tình con III (in lại thơ cũ), Thề non nước (truyện),Giấc mộng con II (truyện), lần lượt ra đời.
Năm 1933, khi phong trào Thơ Mới đang nổi lên, thì An Nam tạp chí của Tản Đà chính thức đình bản sau 3 lần đình bản và 3 lần tái bản. Cuộc sống của Tản Đà vốn nghèo túng lại càng trở nên thiếu thốn hơn, phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống. Lúc ông ở khu Bạch Mai dạy chữ Nho. Có lúc ở Hà Đông, lại thấy mấy tờ báo đăng quảng cáo: "Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu". Năm 1938, ông còn mở cả một phòng đoán số Hà Lạc để xem bói.
Những năm cuối đời bi thảm như thế, nhưng Tản Đà còn được an ủi là ông bỗng được mọi người quan tâm trở lại. Phe "Thơ Mới" sau chiến thắng, đã không còn đả kích Tản Đà. Họ bắt đầu lật lại những gì Tản Đà đã viết xưa nay, họ ca ngợi Tản Đà, xem ông như một ông Thánh của làng thơ... Tờ Ngày nay của Tự Lực văn đoàn, trước kia chê ông thậm tệ, thì nay lại mời ông cộng tác, hết lời ca ngợi những bài thơ Đường do ông dịch. Những bài thơ lục bát dịch từ thơ Đường của Tản Đà thường được cho là hay hơn các bản dịch khác, vì sự tự nhiên, vượt thoát khỏi câu chữ mà chuyển tải được cảm xúc người dịch vào đó. Đáng chú ý là Tản Đà còn dịch những bài thơ dài như Trường Hận ca (4) của Bạch Cư Dị (5) dịch ra thể Song thất lục bát, được đánh giá rất cao. Bùi Giáng (6) trong cuốn Đi vào cõi thơ đã gọi bản dịch này là "vô tiền khoáng hậu": Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch Trường hận ca của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu.. .Tản Đà đã góp phần sáng tạo, đúng hơn là ông đã tái tạo thi phẩm của Bạch Cư Dị cho hồn nhạc Việt lên tiếng dậy dàng. Tôi tin rằng « Trường Hận Ca » của Tản Đà là đỉnh cao nhất của nền thi ca Việt Nam tiền bán thế kỷ XX.
Tản Đà là người đầu tiên dịch bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (7) và bản dịch của Tản Đà được nhiều người yêu thích nhất trong những bài thơ Lục bát dịch từ thơ Đường:

Người xưa cưỡi hạc đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng bay mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng lững lờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!...

Những năm cuối đời, sức khỏe của Tản Đà suy yếu nhiều, ông giành hết tâm sức cho việc dịch thuật và biên soạn: Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh (Tân Dân xuất bản, 1937), Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện (in năm 1940, sau khi ông mất), Thời hiền thi tập, Khổng Tử lược truyện (đã thất lạc)...Ngày 7 tháng 6 năm 1939, Tản Đà đã “về trời” sau một thời gian chống chọi với bệnh gan, trên cái giường nát tại nhà riêng số 71 Ngã Tư Sở, Hà Nội, để lại vợ và tám đứa con. Di thể của ông được an táng tại nghĩa trang Quảng Thiện, Hà Nội.
Làng văn nghệ trong nước vừa tạm lắng dịu sau những tranh luận sôi sục giữa “Thơ cũ” và “Thơ Mới” lại xôn xao khi Tản Đà ra đi. Một loạt các bài báo tưởng niệm Tản Đà được ra mắt ngay sau đó: Cái duyên của Tản Đà của Khái Hưng, Công của thi sĩ Tản Đà của Xuân Diệu, Tôi với Tản Đà thi sỹ của Phan Khôi, Tản Đà, một kiếm khách của Nguyễn Tuân, v.v… Những bài viết này thể hiện sự kính trọng, quý mến đối với cả văn thơ và con người Tản Đà, người mà cách đây vài năm còn bị họ đả kích không tiếc lời!...Quả là “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
Trong cuộc đời của Tản Đà, người ta thấy có nhiều mối tình đã mang lại cho ông “Thi hứng” dạt dào. Đó là mối tình tuyệt vọng với cô gái họ Đỗ ở phố hàng Bồ Hà Nội. Đây là mối tình trong trắng, đắm say, nhưng kết thúc “không có hậu”. Mối tình này đã làm ông đau khổ và tạo nên nhiều thi hứng, để làm nên những câu thơ đặc sắc:

Vì  ai cho tớ phải lênh đênh
Nặng lắm ai ơi, một gánh tình!

Theo các nhà nghiên cứu văn học thì đây là chuyện tình đã ảnh hưởng nhiều nhất tới Tản Đà. Đau khổ, buồn chán, ông đi ngao du sơn thủy ở Việt Trì, Hòa Bình... Những câu thơ làm trong giai đoạn “thất tình” này của Tản Đà như là đã khơi mào cho một trào lưu về văn học lãng mạn ở Việt Nam: thơ viết về Tình yêu - “Thơ Tình”, chủ yếu là “Thơ Thất tình”. Trước đó ít ai phô ra những nỗi buồn sâu kín, những nỗi chán đời vì “thất tình” chất chứa trong lòng, nay thì những từ “anh anh, em em” tràn ngập Thi đàn và Thi đàn lúc nào cũng sụt sùi lệ rơi!
Cô gái hàng Bồ, và ít nhất ba mối tình thực nữa đã đi vào và ở lại trong Giấc mộng con. Đó là mối tình với cô con gái út ông tri phủ Vĩnh Tường, cô nữ sinh 13 tuổi ở Nam Định, và cả cô đào Liên, người sắm vai Tây Thi trong vở kịch Cô Tô tàn phá do ông là soạn giả kiêm đạo diễn. Ngoài những mối tình có thực đó, thi sĩ đa tình Tản Đà có rất nhiều “tình mộng”: với Tây Thi, với Chiêu Quân, với Ngọc Nữ... mà người ta thường thấy trong Khối tình con…:

Ôi hồng nhan, hỡi hồng nhan!
Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời.
Trời Nam thằng kiết là tôi,
Chùa Tiên, đất khách, khóc người bên Ngô.
Cô với tôi, tôi với cô
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây.
Hồn cô ví có ở đây
Đưa nhau đi với, lên mây cũng đành.

(Tế Chiêu Quân - Tản Đà văn tập).

Tác phẩm đầu tiên của Tản Đà được công bố trước công chúng là những bài tản văn đăng ở Đông Dương tạp chí, năm 1915. Văn của Tản Đà ngay từ khi ra mắt bạn đọc đã nổi tiếng, đến mức Đông Dương tạp chí phải mở riêng một mục là Tản Đà văn tập chuyên đăng tải văn của ông.Tuy nhiên, Thơ mới là lĩnh vực chính yếu trong sự nghiệp đa dạng, phong phú của Tản Đà. Tản Đà trước hết là một thi sĩ, rồi mới là nhà văn, nhà báo. Thơ Tản Đà tuôn chảy như suối nguồn. Thơ Tản Đà đa dạng về đề tài, phong phú về cảm xúc song thường diễn tả cảm giác say sưa, chán ngán đời thực, đắm chìm trong cõi mộng, những mối tình với người tri kỷ xa xôi, song cũng có những bài mang tính ẩn dụ, ẩn chứa sự phê phán hiện thực.Thơ Tản Đà thường làm theo thể cổ phong, Đường luật, Đường luật phá thể, lục bát, song thất lục bát. Ông còn có tài sáng tác thơ dựa trên từ khúc, một hình thức âm nhạc của Trung Hoa, những bài Tống biệt, Cảm thu tiễn thu nhờ sự phá cách, phối hợp nhiều thể loại thơ, có thể coi là cách tân về hình thức khá táo bạo. Một kiểu văn vần đặc biệt là hát nói mà ở đó, Tản Đà có thể sánh ngang với Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Cao Bá Quát... Hát nói của Tản Đà thể hiện một triết lý sống phóng khoáng, một tâm hồn hay mơ mộng, hoài cổ nhưng man mác nỗi sầu nhân thế.
Trong lĩnh vực thi ca, thơ Tản Đà là thứ thơ có bản lĩnh, bản sắc riêng, không lẫn vào đâu được. Song giá trị lớn lao và đặc sắc hơn cả cũng vẫn là ở vị trí khai sơn phá thạch của ông trên thi đàn đầu thế kỷ. Đương nhiên, Tản Đà chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà thơ mới lớp sau ông. Thơ Tản Đà vừa có phong vị cổ thi vừa có cảm xúc hiện đại. Ông là nhà thơ đã có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ mà bài Tống biệt là một ví dụ rất rõ:

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, luống ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi.
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.

Bài Tống biệt nằm trong vở tuồng Thiên Thai, từng được diễn ở rạp Nguyễn Đình Cao (Hải Phòng) và rạp Thắng Ý (Hà Nội) năm 1917, sau được in lại trong tập Khối tình con II năm 1918. Thiên Thai là động Tiên, chỗ Tiên ở, là nguồn cảm hứng mạnh của nhiều thi sĩ, nhạc sĩ như Văn Cao với nhạc phẩm Thiên Thai, nhà văn như Nguyễn Dữ với Từ Thức lấy vợ Tiên trong Truyền kỳ mạn lục, v.v…
Trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến, thì lối thơ như bài Tống biệt này của Tản Đà quả thật là rất mới! Chính cái sự mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên một giọng điệu phóng túng riêng trong phong cách thơ Tản Đà:

Trời sinh ra bác Tản Đà,
Quê hương thời có cửa nhà thì không
Nửa đời nam, bắc, tây, đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly
Túi thơ đeo khắp ba kỳ,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...

(Thú ăn chơi)

Nói về tính cách tân, đổi mới của thơ Tản Đà, hay nói về một giọng điệu phóng túng riêng tạo nên phong cách thơ Tản Đà thì Tống biệt chỉ là một ví dụ nhỏ, mà phải kể đến Cảm Thu, tiễn Thu (đăng trên báo Hữu thanh, 1921, rồi đưa vào tập Thơ Tản Đà, 1925):

Từ vào thu đến nay:
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch,
Khói thu xây thành …
Nào những ai:
Bảy thước thân nam tử,
Bốn bể chí tang bồng
Đường mây (*) chưa bổng cánh hồng,
Tiêu ma tuế nguyệt,
ngại ngùng tu mi. …
Nào những ai:
Kê vàng tỉnh mộng (**)
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

Chú  thích: (*) Dường mây: đường tiến thân, dường làm quan.((**) Giấc mộng kê vàng:Chuyện kể có một thư sinh thi hỏng, thư sinh này kể nỗi bất hạnh của mình cho một đạo sĩ gặp trên đường đi, vị đạo sĩ liền đưa cho anh ta một chiếc gối. Anh ta gối đầu lên chiếc gối, liền nằm mộng thấy mình lấy vợ, sinh con, rồi làm đến chức tể tướng, sống tới tám mươi tuổi. Tỉnh dậy mới hay chỉ là giấc mộng và nồi kê vàng nấu trước khi ngủ vẫn còn chưa chín. đi thi hỏng, thư sinh này kể nỗi bất đắc ý của mình cho một đạo sĩ gặp trên đường đi, vị đạo Bài Đời đáng chán (in ở Tản Đà Tùng văn, 1922) cũng chung tâm trạng “ngẫm sự đời” đó:

Đời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm
Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim
Mắt xanh trắng (1) đổi nhầm bao khách tục
Giang hà nhật hạ nhân giai trọc
Thiên địa lô trung thực hữu tình (2)
Đón đưa ai gió lá chim cành (3)
Ấy nhân thế (4) phù sinh là thế thế.
Khách phù thế chửa dứt câu phù thế (5)
Người phong lưu càng đượm vẻ phong lưu
Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái.
Châu Nam Hải (6) thuyền chìm sông Thúy Ái (7)
Sóng Tiền Đường cỏ áy bến Ô Giang (8)
Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang.
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ
Đời đáng chán biết thôi là đủ,
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm.

Chú  thích: 1.Nguyễn Tịch có đôi mắt đổi màu: khi ưng ý thì tròng mắt có màu xanh, còn khi không ưng ý thì màu trăng. 2. Sông nước mỗi ngày một xuống kém cho nên người đời đều đục. Trong lò đúc của Trời đất ai là kẻ thực có tình? 3. Dựa theo câu thơ cổ TQ:  Chi nghinh nam bắc điểu, diệp tống vãng lai phong (Cành thì đón chim từ bắc từ nam đến đậu. Lá thì đưa tiễn những cơn gió qua lại. 4. Nhân thế: đời người. 5. Phù thế: Cuộc đời trôi nổi. 6. Nàng Mỵ Châu bị vua cha chém chết ở bể Nam Hải, máu của Nàng chảy ra bể, con trai ăn vào hóa thành châu ngọc. 7.Chuyện có người đàn bà chồng chết trận ở sông Thúy Ái, bèn tự tử ở sông đó để theo chồng. 8. Tiền Đường và Ô Giang là những nơi có nhiều bi kịch của các Mỹ nhân.
Khi các Thi nhân “ngẫm sự đời” thì thường là đi đến cái kết cục bất lực, thúc thủ trước thời cuộc. Tản Đà dù có “ngông” cỡ nào thì cũng không thoát khỏi cảnh ngộ chung đó:
Khi làm chủ báo, lúc viết mướn,

Khi làm chủ báo, lúc viết mướn,
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng...
Trần gian thước đất vẫn không có,
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xuân như ngựa, đầu xanh bạc,
Chán cả giang hồ, hết cả ngông !
(Tiễn ông Công lên trời).

Đi liền với cái ngông là cái say, nhưng đó không phải là cái say ẩm thực tầm thường, mà là cái say của tao nhân mặc khách, cái say vì nhân thế, vì cảnh đời:

Cảnh đời gió gió, mưa mưa,
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say ta lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả cái đỉnh phù du
Trăm năm thi sĩ tửu đồ là ai?
(Thơ rượu).

Và đã say không phải vì rượu mà vì đời, vì thế sự thì thật khó dứt cơn say bởi cái sự say đã “thăng hoa” thành “nghệ thuật say” - Thơ say:

Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.

(Lại say).

Nói đến “nghệ thuật say” không thể không nói đến nhân vật Lưu Linh: Tự Bá Luân, người đời Tấn (Trung Quốc), trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” (7 người hiền trong rừng Trúc).Tính phóng khoáng, thích uống rượu và uống không biết say, có làm bài thơ Tửu đức tụng ca ngợi việc uống rượu, được truyền tụng đời sau. Một hôm, ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và đập bể vò rượu, khóc mà can rằng: “Ông uống rượu nhiều quá, không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi”.Lưu Linh nói: “Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỷ thần lên để thề nguyện mới được.Vậy phải đủ rượu thịt làm lễ chứ!”.Vợ liền nghe lời, lo sắm sửa đủ các thứ. Xong, Lưu Linh bèn quỳ mà khấn rằng:
"Thiên sanh Lưu Linh, / Dĩ tửu vi danh,
Nhất ẩm nhất hộc,Ngũ đẩu giải tỉnh,
Phụ nhân chi ngôn, / Thận bất khả thính.”
Dịch nghĩa:
Trời sanh Lưu Linh, / Lấy rượu làm danh,
Mới uống một vò, / Năm đấu giải tỉnh,
Lời nói đàn bà,  / Cẩn thận đừng nghe.
Khấn xong thì ngồi uống hết năm đấu rượu rồi nói “Quỷ thần không cho ta bỏ rượu!”.
Tản Đà cũng có câu “Trời sinh ra bác Tản Đà”, hẳn là ngưỡng mộ Lưu Linh! Nhưng Tản Đà không thể “say tuyệt đối” như Lưu Linh mà là “nửa tỉnh nửa say”! Vì thế, bao trùm và sâu lắng trong hồn thơ Tản Đà vẫn là cái điệu buồn vô cớ, cái nỗi sầu đằng đẵng và cái tình vô hình, vô ảnh, những yếu tố muôn đời của chủ nghĩa lãng mạn… đó là sự cô đơn vĩnh hằng: 
Suối tuôn róc rách ngang đèo,
Gió thu bay lá bóng chiều về tây
Chung quanh những lá cùng cây,
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm...

(Vô đề) 

Làn cây khuất bóng trăng tà,
Đêm thu một khắc quan hà mấy mươi
Nhớ ai đất khách quê người,
Nhớ ai góc bể bên trời bơ vơ. 
(Nhớ ai)

Trong cuốn 40 năm nói láo, nhà văn, nhà báo Vũ Bằng có “ký họa” chân dung Tản Đà thật sinh động, thật sắc nét. Vì thế, tôi xin mượn bức “ký họa” chân dung Tản Đà đó của Vũ Bằng để tạm ngưng bài viết này: “…Tản Đà, thấy tôi vào, cứ ngồi ỳ ra không thèm đứng dậy; một lúc lâu mới nhìn tôi một hồi như thể nhìn thằng ăn cắp, rồi “à” một tiếng và bảo tôi ngồi xuống ghế. Thì ra ông ta đang say. Bên cạnh ông là một cái hỏa lò than cháy râm râm, trước mặt là một cái mâm nhỏ trên bày thức ăn bừa bãi. Ông ta uống một tợp, gắp một miếng, khà một cái, hơ tay vào lò than rồi… ngồi rung rung đùi ngâm, với một giọng khê nằng nặc:

Vèo trông lá  rụng đầy sân
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Rồi ông day cái mặt tròn, đỏ như trái bồ quân, trên cắm một  cái mũi tròn xoe có hàng ngàn vạn đường gân máu chạy ngang chạy dọc như các con kênh đào vẽ trên bức bản đồ quân sự, ông nhe răng ra (tôi không biết ông cười hay mếu) nói một cách: “À, ông Bằng, ông có thấy không? Chữ “vèo” ấy có cho mấy khuyên son cũng chưa đủ! “Vèo trông lá rụng”, hay lắm”. Theo lời ông Vũ Hùng Toán nói với tôi sau  này, ông Hiếu suốt ngày cứ tự khen mình như thế, một tý phản đối cũng làm cho ông không bằng lòng…Vừa ngã vào làng báo, tôi gặp hai nhân vật điển hình: một ông công tử bột đánh phấn bôi môi làm cách mạng văn chương với một giọng văn cụt lủn, có khi không “suy dê”, không “vec bờ” và nổi tiếng làm tiền của gái, và một ông hủ “mớ đời”, làm báo mà chỉ lo chau chuốt một chữ trong thơ, cả ngày say rượu, không thèm biết một tý gì về tình hình quốc nội và quốc tế! Nghĩ vậy, nhưng trong thâm tâm, tôi phục sát đất cả hai ông, bởi vì thơ của một ông rung động, còn văn của một ông có tính cách mạng, trẻ trung, chứ không già khụ như Hoàng Tăng Bí (*) hay Dương bá Trạc. Tôi phục Tản Đà đã đem một cái đẹp cao siêu vào mục thi ca cho làng báo, còn Hoàng Tích Chu thì đã làm “cách mạng thực sự” trong nghề báo, dám đưa ra những cải cách mà lúc đó ai cũng cho là quá ngổ. Cả hai đặc điểm đó, tôi tự xét không thể nào theo nổi, nhưng sau khi gặp…, tôi rút ra được đặc điểm thứ ba, mà đặc điểm này chung cho cả hai người: đó là tính tự phụ, coi thiên hạ như cỏ rác!...” (**).

Chú  Thích:

(*) Hoàng Tăng Bí (1883-1939): tự Nguyên Phu; bút hiệu: Tiểu Mai; là một sĩ phu yêu nước và nhà soạn tuồng nổi tiếng. Sinh tại làng Đông Ngạc, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đỗ cử nhân năm 1906 và tham gia Đông Kinh nghĩa thục do Dương Bá Trạc khởi xướng năm 1907. Ông dạy học, diễn thuyết, soạn sách giáo khoa, lập thương nghiệp lấy tiền trợ cấp Phong trào Đông du. Ông bị Pháp bắt sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, giam lỏng tại Huế. Năm 1910, ông đỗ phó bảng, nhưng không ra làm quan, mở trường tư dạy học, viết báo Trung Bắc tân văn và soạn một số vở tuồng kêu gọi lòng yêu nước.
(**)Vũ Bằng: Bốn mươi năm nói láo, NXB Văn học 1993, tr.42-43.
(1) Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), hiệu Tân Nam Tử; là nhà tân học, nhà báo, nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ 20; quê ở xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Là người tích cực vận động truyền bá quốc ngữ, mở nhà in, làm chủ bút nhiều tờ báo: Đại Nam đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và một số tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (Tờ báo của chúng ta), Notre Revue (Tạp chí của chúng ta), l’Annam nouveau (An Nam mới). Ông đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ quát tiếng Việt qua tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907), tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ tại miền Bắc. Đáng kể nhất là việc khuyến khích dùng chữ Quốc Ngữ qua tờ Đông dương Tạp chí (1913). Là người đầu tiên dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Perrault, kịch Molière từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bản dịch truyện Kiều sang Pháp văn của ông rất đặc sắc.
(2) Phạm Quỳnh (1892 - 1945), tên hiệu là Thượng Chi: là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn . Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam).
(3) Bùi Huy Tín: (1875 - ?), người Hà Nội, là một điền chủ, nhà kinh doanh và hoạt động xã hội thời Pháp thuộc. Chủ thầu một số đoạn đường sắt ở Việt Nam. Có nhiều đồn điền ở Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Ninh, đồng thời là chủ một số khu mỏ, nhà in, các báo Thực Nghiệp Dân báo, Tràng An báo, v.v…
(4) Trường hận ca: Hoàng đế Đường Huyền Tông, họ tên thật là Lý Long Cơ, còn gọi là Đường Minh Hoàng, vua thứ chín đời nhà Đường (618-907)…Trường hận ca là bài thơ dài nói về mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Dương Quý Phi (719 - 756), tên là Dương Ngọc Hoàn, là một cung phi của Đường Minh Hoàng, là một trong “Tứ đại mĩ nhân” của lịch sử Trung Quốc. Ngọc Hoàn có sắc đẹp được ví là Tu hoa, nghĩa là khiến hoa phải xấu hổ.
Lý Bạch có ba bài Thanh bình điệu ca tụng sắc đẹp của Dương Ngọc Hoàn. Bạch Cư Dị có bài Trường hận ca nổi tiếng kể về chuyện tình giữa Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông. Toàn văn bài Trường hận ca, bản dịch của Tản Đà, xin xem trong bản in trên vietvanmoi.com: Tản Đà - Thi sĩ của hai Thế kỷ.

(5) Bạch Cư Dị (772-846) tự là Lạc Thiên, hiệu là Hương Sơn cư sĩ, là nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường. Tác phẩm nổi tiếng của Bạch Cư Dị ở Việt Nam là hai bài Tỳ bà hành, Trường Hận Ca.
Bạch Cư Dị chủ trương đổi mới thơ ca, thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Trường hận ca để nói mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, nhưng đọc kỹ thì những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ (5*). Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Riêng hai bài Tỳ Bà HànhTrường Hận Ca đã đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo; bài thì hòa đồng vào cảnh ngộ cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy - người nghe,vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi đời thì vời vợi mênh mang.
(5*) Nhạc phủ nguyên là tên gọi cơ quan âm nhạc do Hán Vũ Đế (156 tr. CN - 87) lập nên, có nhiệm vụ thu thập ca dao và thơ để phổ nhạc. Bài nào được lựa chọn thì gọi là nhạc phủ khúc, sau gọi vắn tắt là nhạc phủ. Danh từ nhạc phủ dùng để chỉ nhiều thể văn có vần, phổ vào nhạc được. Trong số này, bộ phận được chọn nhiều nhất, có giá trị nhất là dân ca, bởi vậy từ nhạc phủ còn dùng để chỉ dân ca đời Hán (206 tr.CN - 220) và Lục triều (220 - 581) ở Trung Quốc. Hán Vũ Đế phong Lý Diên Niên (5*1) làm Hiệp luật đô úy, thu thập các bài ca dao, ca khúc trong dân gian, lãnh đạo việc ca xướng, phổ nhạc mới để hòa hợp với tiếng đàn sáo; lại sai Mã Tương Như (5*2) và các bầy tôi giỏi văn học tuyển chế tân ca...
(5*1) Lý Diên Niên: chuyên lo về biên soạn những điệu múa, bản nhạc cho các cung tần mỹ nữ. Lần ấy, Lý Diên Niên sáng tác ra bài thơ Giai Nhân Ca và dạy cho các cung nữ biểu diễn. Sau khi Hán Vũ Đế nghe được bài ca này thì nói : “Trên đời này làm sao có người nào đẹp đến thế!”. Có vị hoạn quan tâu rằng :  “Bẩm hoàng thượng! Có người con gái đẹp như thế đấy. Đó chính là em gái của Lý Diên Niên”. Hán Vũ Đế sau khi nghe nói thế liền cho truyền em gái của Lý Diên Niên vào cung. Khi tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan của em gái Lý Diên Niên, Hán Vũ Đế đã lập tức phong nàng làm Cung phi, năm đó Lý thị vừa tròn đôi tám.Vì Lý thị rất được Hán Vũ Đế sủng ái cho nên được phong tước vị Phu nhân và người đời sau khi nhắc về em gái Lý Diên Niên thường gọi bằng “Lý Phu nhân”, người có sắc đẹp “khuynh nước khuynh thành”.
Nội dung bài thơ Giai nhân ca như sau :


Phiên âm Hán -Việt :
Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Ninh bất tri, khuynh thành dữ khuynh quốc,
Giai nhân nan tái đắc!

Dịch nghĩa :
Phương Bắc có người đẹp
Dung nhan tuyệt thế một mình nàng
Liếc một lần làm thành người ta xiêu
Liếc hai lần làm nước người ta đổ
Quan tâm gì thành đổ nước xiêu
Người đẹp khó gặp lại.


(5*2)Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh (179 TCN-117 TCN), người ở Thành Đô, đời nhà Hán. Là người đa tài, văn hay, đàn giỏi. Khi lìa quê lên Tràng An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa).

Khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, vốn viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu chơi cho một bài. Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Văn Quân, còn nhỏ tuổi mà sớm góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, muốn ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng (Chim phượng trống tìm chim phượng mái):
Chim phượng, chim phượng về cố hương,
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.
Hôm nay bước đến chốn thênh thang.
Có  cô gái đẹp ở đài trang,
Nhà  gần người xa não tâm tràng.
Ước gì giao kết đôi uyên ương,
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.
Nguyên văn:
Phượng hề, phượng hề quy cố hương,
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,
Thời vị ngộ hề vô sở tương,
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.
Hữu diệm thục nữ tại khuê phường,
Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt cương hề cộng cao tường.
Sau khi Trác Văn Quân nghe khúc Phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như, hai người yêu nhau thắm thiết, nhưng lại bị ông Trác Vương Tôn phản đối kịch liệt, không còn cách nào khác, hai người liền cùng nhau bỏ trốn đến Thành đô quê hương Tư Mã Tương Như. Sau Hán Vũ Đế đọc bài Tử hư phú của Tương Như, khen tài mới vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Lần này thỏa chí bình sinh, Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng.Nhưng làm quan ít lâu, lại chán, cáo bệnh lui về quê.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: Khúc đâu Tư Mã phượng cầu, / Nghe ra như oán, như sầu phải chăng!
(6) Bùi Giáng (1926- 1998) là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học.Ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa nguồn. Ông còn có các bút danh khác: Bán Dùi, Bùi Giàng Dúi. Quê làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm...Ông nổi tiếng bởi tốc độ sáng tác nhanh: tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992. Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Năm 1969, tất cả sách vở cùng với nhà cửa bị một cháy hết trong một cơn hỏa hoạn. Ông bị sốc nặng, từ đó trở đi ông là bệnh nhân quen thuộc của viện dưỡng trí Biên Hòa...

(7) Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu . Tương truyền, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định đề thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu..
Dịch nghĩa:
Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu…
Hán-Việt
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc (7*)
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ (7**) mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!
Bản dịch của Tản Đà (dị bản):
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
Thôi Hiệu (khoảng 704-754) là thi nhân thời nhà Đường, Trung Quốc. Đương thời, Thôi Hiệu rất nổi tiếng, nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài, trong đó, Hoàng Hạc Lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường. Cùng với Vương Duy (8), ông được coi là một trong những người tinh thông cận thể thi.
(7*) Tục truyền Phí Văn Vi thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở Hoàng Hạc lâu.
(7**) Khu bãi bến khúc sông thuộc Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc.
(8)Vương Duy (701-761), tự Ma Cật. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông còn được người đời gọi là Thi Phật. Cùng với Lý Bạch (Thi Tiên) và Đỗ Phủ (Thi Thánh) là ba người nổi tiếng về tài thơ ca thời Đường. Tô Đông Pha (9) đời Tống khi viết về Vương Duy có câu: Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi, dịch nghĩa: Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ đồ; ngắm họa đồ của Ma Cật, trong họa đồ có thơ.
(9) Tô Thức (1037-1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
Sài Gòn, tháng 8-2010
Đỗ Ngọc Thạch
© Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 25.08.2010.
. Tải đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét