Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

...Nhớ Nguyễn Bính - Đỗ Ngọc Thạch


MÙA XUÂN
NHỚ THI SĨ NGUYỄN BÍNH

(Bài viết Nhân  90 năm ngày sinh Nguyễn Bính)

ĐỖ NGỌC THẠCH

Vào buổi chiều 30 Tết Bính Ngọ (ngày 20-1-1966), tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định (lúc đó là tỉnh Nam Hà được ghép lại bởi hai tỉnh Nam Định và Hà Nam), có một trái tim Thi nhân đã ngừng đập : đó là Thi sĩ Nguyễn Bính ! Đám tang ông rất ít người nhưng rất nhiều hương đồng gió nội !...Và chắc hẳn có hồn Trinh nữ khóc than bên nấm mộ cô lạnh của Thi sĩ như 26 năm trước Thi sĩ đã đau khổ bên mộ nàng :

“Tôi với nàng đây không biết nhau
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu ?
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

(Viếng hồn trinh nữ - 1940)

Như là một định mệnh, mùa Xuân, mà chính xác hơn là những ngày Tết Nguyên đán, bao giờ cũng là nguồn thi hứng mạnh mẽ và không hề vơi cạn đối với Nguyễn Bính thì cũng là thời khắc Tử thần ra tay nghiệt ngã ! Thi sĩ ra đi ở tuổi 47, sau 30 năm “mắc vào duyên bút mực” để “Suốt đời mang lấy số long đong”…Nhưng, sự ra đi của Nguyễn Bính đã khiến cho cái hồn quê trong mỗi người dân đất Việt lay động khôn nguôi …
Nguyễn Bính sinh năm 1919, coi như ngang tuổi với Chế Lan Viên, (Chế sinh năm 1920), đều xuất hiện trong Phong trào Thơ Mới khi mới 16,17 tuổi, nhưng nếu như nhà thơ họ Chế xuất hiện “như một niềm kinh dị” với “Điêu tàn” (1937) thì Thi sĩ Nguyễn Bính trình làng bằng bài thơ Mưa Xuân (1936), nói về tình xuân ở một cô thôn nữ đồng quê không khí hội làng mùa xuân nơi thôn dã :

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo : “Thôn Đoài hát tối nay”…”.

Cả bài thơ mười khổ là những câu thơ đậm đà phong vị đồng quê, giản dị mà thân thiết, cảm động đã khơi dậy được tình cảm quê hương – mùa xuân trong mỗi chúng ta. Cái mạch thơ đồng quê ấy, ngay từ đầu đã làm nên phong cách, bản sắc riêng của Nguyễn Bính – nhà thơ của đồng quê, thôn dã :

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

(Chân quê – 1936)

Mấy câu thơ trong bài Chân quê này không ai yêu thơ Nguyễn Bính mà không thuộc và có thể nói đó là “quan điểm nghệ thuật” của Nguyễn Bính, là “chân dung tự họa” của Nguyễn Bính. Chân quê là cái dáng mạo bên ngoài của Thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính, còn bên trong tâm hồn Thi sĩ là một trái tim đa cảm với độ nhạy rất cao của những “ăng-ten cảm xúc”. Điều này đã tạo nên “một cõi riêng” của thơ Nguyễn Bính từ khi xuất hiện cho đền tận hôm nay:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…

(Tương tư)

Thi sĩ Nguyễn Bính chỉ có hơn chục bài viết trực tiếp về mùa xuân, được khơi nguồn trực tiếp từ cảm hứng mùa xuân, nhưng ở những bài thơ này lại thể hiện cái “chất Nguyễn Bính” rõ nhất cái hương vị đồng quê đậm đà nhất. Hãy đọc lại bài Xuân về của Nguyễn Bính viết liền sau bài trình làng Mưa xuân , đã đưa Nguyễn Bính vào “một cõi riêng” trong Thi đàn Việt Nam lúc đó, năm 1937 :

Đã thấy xuân về với gió Đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng

Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô…

Người và cảnh mùa xuân thật giản dị mà thật sinh động, muôn màu sắc, âm thanh…Đó là một bức tranh quê mùa xuân mà không một họa sĩ nào vẽ được ! “Thi trung hữu họa” là vậy !
Phải so sánh đôi chút với các thi sĩ cùng thời lúc đó mới thấy hết cái chân quê nhưng đặc sắc của thơ xuân Nguyễn Bính. Chẳng hạn như với Chế Lan Viên thì :

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại chỉ thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau !

(Xuân – Điêu tàn)

Và Chế Lan Viên muốn trở lại mùa Thu trước để :

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Đem về đây chắn nẻo xuân sang !

(Xuân – Điều tàn).

Nhưng với Nguyễn Bính, cảm hứng mùa Xuân luôn tươi mới và không hề phai nhạt :

Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai.

(Thơ xuân)

Hoặc :

Mùa Xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

(Mùa Xuân xanh)

Điều đáng chú ý là mùa Xuân ở trong thơ Nguyễn Bính thật sống động, người và cảnh thật gần gũi mà cũng thật lung linh, kỳ ảo. Sáng tạo nên được những bức tranh quê – mùa Xuân khả dĩ lay động cái hồn quê ở trong mỗi người chúng ta là sức mạnh đặc biệt của thơ Nguyễn Bính mà hiếm thấy ở các nhà thơ đương thời, có chăng là thi thoảng ta bắt gặp ở Đoàn Văn Cừ :

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ…”

(Chợ Tết)

Hoặc ở Anh Thơ :

“Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa…

(Chiều xuân – Bức tranh quê)

Dân tộc ta có một nét đẹp trong truyền thống văn hóa là ngày Tết – mùa Xuân đều nhất thiết phải có hoa, tranh Tết và thơ xuân. Và có thể nói ngay rằng Thơ xuân của Nguyễn Bính luôn chiếm vị trí đầu bảng mỗi độ xuân về, Tết đến…
Trong số những bài thơ xuân của Nguyễn Bính, đáng chú ý là bài Xuân tha hương viết năm 1942, in trong tập Mười hai bến nước. Lúc này, nhà thơ đang lưu lạc giang hồ ở Huế, phải uống “chén rượu tha hương” đắng ngắt, phải sống trong cái cảnh :

“Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không…”

Bài thơ trăm câu một vần này là nỗi lòng nhớ thương khắc khoải, là nỗi buồn vô hạn của người tha hương. Nhưng cái cảm hứng mùa Xuân đầy sức sống, ngập tràn lòng yêu cuộc đời của một hồn quê chung thủy đã giúp cho nhà thơ vượt qua được sự bế tắc mà mở lòng ra đón xuân :

Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Em không khóc nữa, không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Không than chắc hẳn hồn tươi lại
Không khóc tha hồ đôi mắt trong
Chị ơi, em cưới mùa Xuân nhé
Đốt pháo cho thơm với rượu hồng…

Thơ Nguyễn Bính có đặc điểm chung là thường dùng phương thức tự sự - phương thức truyền thống của văn học Việt Nam. Rất nhiều bài thơ được mở đầu như kể chuyện cổ tích “Ngày xửa, ngày xưa…”: “Chuyện kể ngày xưa vua nước Bướm…”, “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay…”,”Cái ngày cô chưa có chồng…”,v.v…và nội dung bên trong bài thơ là những câu chuyện rất cụ thể, chi tiết… Tự sự thường dễ bị sa vào kể lể dông dài, con cà, con kê, đơn điệu, nhàm chán. Nhưng thơ Nguyễn Bính luôn thu hút, lôi cuốn người đọc vì mỗi câu , mỗi chữ là sự lắng đọng hồn quê – cái bản sắc của dân tộc, đất nước Việt Nam mà trong mỗi con người Việt Nam chúng ta ai cũng có ít nhiều. Đó là chiếc cầu nối chắc bền nhất thi sĩ với công chúng và cũng là điều quyết định sức sống của thơ ca. Chính vì cái tài kể chuyện bằng thơ này của Nguyễn Bính mà nhiều người gọi thơ Nguyễn Bính là “Siêu truyện ngắn”, điều này không phải ai cũng làm được!
Tục xưa, cứ đến đầu xuân là văn nhân, thi sĩ đều khai bút. Và Nguyễn Bính đã luôn khai bút thành công, xuân nào cũng vậy. Bài thơ khai bút cuối cùng của Nguyễn Bính là Bài thơ quê hương, viết vào dịp Tết Bính Ngọ năm 1966 trước khi nhà thơ qua đời một thời gian ngắn…Ở bài thơ này, ta thấy một Nguyễn Bính hoàn toàn mới với ý tưởng “Dựng mùa Xuân trong tất cả bốn mùa” và những câu thơ thật đẹp về con người, đất nước Việt Nam :

Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng đàn kêu tích tịch tình tang…
Có cô Tấm náu mình trong quả thị
Có người em may túi đúng ba gang.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu nhỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng…

Saigon,đầu xuân Kỷ Sửu, 2009
Đỗ Ngọc Thạch

© tải đăng theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 22.04.2009.
. Tải đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét